Quốc Hận Trong Lòng Dân Tộc Việt
Bài cuối cùng thứ 30 cho tháng
Tưởng niệm Quốc Hận được viết “hơi dài”,
Xin Bà Con kiên nhẫn để ngấm
trọn niềm đau dân tộc!
Một trong những nỗi nhớ trong suốt 45 năm qua, lịch
sử dân tộc chắc không bao giờ quên một vị Tướng chấp nhận tuẫn tiết và chết
theo thành dù có nhiều cơ hội để di tản ra ngoại quốc. Đó chính là Tướng Nguyễn
Khoa Nam. Xin mời Bà Con đọc lời người em ruột của Tướng Nam nói về người anh của
mình dưới đây:
THÁNG TƯ LẠI VỀ, TƯỞNG NHỚ TƯỚNG NGUYỄN KHOA NAM
(Bài viết của ông Nguyễn Khoa
Phước - Giáo sư Trung Học Đệ Nhất cấp Cựu Nghị sĩ VNCH về anh trai mình)
Năm 1956, anh Nam ở Pháp
về làm Đại Đội Trưởng Kỹ Thuật Dù trong trại Hoàng Hoa Thám. Anh mang lon
Đại Úy cho đến cuối năm 1965 khi anh giữ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu
Đoàn 5 Nhảy Dù, tôi mới thấy anh lên Thiếu Tá. Từ lúc nắm TĐ5ND anh đi hành
quân khắp bốn Vùng Chiến Thuật. Năm 1966, khoảng tháng 3, TĐ5ND tham dự
cuộc hành quân Liên Kết 66 tại Quảng Ngãi do Sư Đoàn 2 Bộ Binh tổ chức,
anh có về thăm gia đình tôi. Anh rất thương các cháu con tôi và có thì giờ rảnh
là về nhà tôi tắm rửa, ăn cơm và thăm các cháu. Thời gian này, tôi là Hiệu
Trưởng trường Trung Học Đệ Nhất Cấp Trần Quốc Tuấn ở Quảng Ngãi. Đây là lúc anh
em tôi gặp nhau nhiều nhất cả thời gian sau này. Thấy anh có vẻ buồn dù ta đang
thắng, tôi hỏi anh, anh nói:
- Chiến tranh đem lại chết chóc và đau thương, hàng trăm xác
Việt Cộng 15, 16 tuổi phơi thây trên núi Tròn, bên đơn vị mình có mười mấy binh
sĩ bị hy sinh, tội quá. Kỳ này về phải lo cho gia đình tử sĩ.
Đầu năm 1970, được đề cử giữ chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ
Binh kiêm Tư Lệnh Khu Chiến Thuật Tiền Giang. Tháng 11 năm 1974, được
bổ nhiệm làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV và Vùng 4 Chiến Thuật cho đến ngày 30 tháng 4
năm 1975.
Chiều ngày 1 tháng 5 năm 1975, Trung Úy Danh, Sĩ Quan Tùy Viên của Anh lên
Sài Gòn tin cho chị tôi là bà Diệu Khâm biết là Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam đã
tuẫn tiết.
Trung Úy Danh nói thêm Thiếu Tướng tự sát vào khoảng 6-7 giờ rạng ngày 1 tháng
5 năm 1975. Ông dùng tay mặt cầm khẩu Colt-45 bắn vào màng tang bên phải, máu
thấm đầy quân phục, đầu ngả sang bên trái. Trên bàn giấy, chiếc cặp của Thiếu
Tướng có một số giấy tờ và khoảng 40,000 đồng tiền Việt Nam. Bác Sĩ Trung Tá
Hoàng Như Tùng và một số chiến hữu lo tẩm liệm và đưa ra an táng tại Nghĩa
Trang Quân Đội Cần Thơ ngày 2 tháng 5 năm1975.
Nói tới Tướng Nguyễn Khoa Nam, cũng không quên nhắc đến Trung Tá
Nguyễn Văn Long nằm chết “thẳng thớm” dưới tượng người lính trước Quốc hội, Sài
Gòn do viên đạn ông tự bắn vào đầu…thật bi thảm và oai hùng. Người lính Cộng
hòa là như vậy đó, Bà Con ơi!
Nhân Ngày Quốc Hận hôm nay 30/4/2020, xin
mượn ý thơ của Leonard Cohen để rung một hồi chuông chào đón Ngày
Đau Buồn nhưng luôn hy vọng sẽ có ánh sáng bình minh lem vào những đổ vỡ rạn
nứt của dân tộc suốt 45 năm qua…
Hãy rung những hồi chuông vẫn còn có thể rung
Hãy quên đi lời chào mời hoàn hảo của bạn
Trong mọi thứ đều có vết rạn nứt
Đó là cách ánh sáng len vào”
……
Ring the bells that still can ring
Forget your perfect offering
There’s a crack in everything
That’s how the light gets in.
Forget your perfect offering
There’s a crack in everything
That’s how the light gets in.
Và cùng ngẩn mặt suy nghĩ thêm về con
đường tương lai của dân tộc:
• Ngày hôm nay chúng ta không còn thấy
cần thiết phải lấy tư tưởng về giáo dục, luân lý, những lời giảng dạy của
Khổng Tử làm mẩu mực trong cuộc sống nữa;
• Cũng không còn là lúc bình luận
chiến lược, chiến thuật …đánh nhau qua các thế trận của …Binh pháp Tôn Tử nữa!
Chính vì vậy mà con người và Đất Nước
Việt phải chịu sự trì trệ biết bao thế hệ, đặc biệt trong suốt 45 năm qua.
Vì vậy,
• Chúng ta cần phải áp
dụng ý tưởng dân tộc từ tiền nhân để lại cộng thêm chiều hướng đổi mới của dòng
lịch sử để tiến đến sự toàn hảo trong cái bất toàn của trời đất.
Xin hãy chấp nhận sự bất toàn của dân tộc
để làm kim chỉ nam cho những định hướng mới trong việc mưu tìm sự toàn bích
trong cái bất toàn…
Thưa Bà Con,
Để kết thúc 30 bài viết cho tháng Quốc
hận năm nay 2020, người viết mong được chia xẻ cùng Bà Con về Những
Nỗi Nhớ Về Sài Gòn đã từng nằm trong ký ức từ tuổi còn thơ cho đến quá kỳ của tuổi
thất thập cổ lai hy.
Xin ghi lại một giai đoạn sống nghiệt ngã
suốt chiều dài lịch sử dân tộc từ năm 1945 cho đến 1975.
***
Chia lìa cuống rún
Chưa đầy ba tuổi nhưng dấu ấn
đầu tiên là thủ đô Sài Gòn (hay Saigon) choáng ngợp mặc dù gia đình đang trong
cảnh kinh hoàng và đau buồn trước đó với hình ảnh một người cha trên người đầy
máu và nhà cửa đang bị đốt cháy phừng phựt.
Cả gia đình còn lại gồm Ba Má,
chị Hai, Chị Sáu, Anh Bảy, Chị Chín, Anh Mười…dìu dắt nhau trên một chiếc xe ngựa
hướng về Sài Gòn.
Hai Anh Ba và Anh Năm trong thời
điểm đó đang đi học ở đây.
1- Nỗi nhớ đầu tiên ở Sài Gòn: Tuổi thơ
Sống thong dong như mọi trẻ
con, nửa quê, nửa tỉnh, chiều chiều thả diều trên bãi đất trống trong khu phố.
Thỉnh thoảng “rắn mắt” cùng các bạn cùng tuổi đi thọc trái “me keo” ở hàng rào
bao bọc một thành Tây còn sót lại nằm trên góc đường Nguyễn Khắc Nhu (Ballande)
và Trần Hưng Đạo (Galliéni cũ).
Cũng biết đánh đáo, tạt hình với
“tiền” là những bao thuốc lá xếp lại.
Cũng biết bắn đạn (người Bắc gọi là bắn bi), cũng biết đi
“hoang” cùng chúng bạn, xuống chợ Cầu Muối đường Cô Giang (Douaumont cũ).
Cũng biết chạy theo sau xe ngựa
với chiêng trống inh ỏi, hai bên là hai bảng vẽ quảng cáo chiếu phim ở các rạp
hát bóng. Chạy theo để lượm những tờ programme của các phim sắp chiếu của rạp
Nam Tiến bên kia cầu Ông Lãnh.
Đôi khi mạo hiểm hơn nữa, xuống
Cầu Ông Lãnh, vượt qua Cầu Mống, thả lần qua nhà máy thuốc lá Bastos và dừng lại
ở Rạp hát bóng Nam Tiến.
Ba tôi không cho đi học lớp năm
như mọi đứa trẻ khác mà Ba dạy tôi ở nhà, để rồi sau đó vô trường học lớp tư (lớp
2 sau nầy).
Thế mà tôi cũng hoàn tất bậc
tiểu học ở trường Tiểu học Trương Minh Ký nằm ngay góc đường Nguyễn Thái Học
(Kitchener cũ) và đại lộ Trần Hưng Đạo.
2-
Nỗi nhớ thứ hai: Đám tang Trần Văn Ơn
Qua tin tức do hai người anh lớn
kể lại, học sinh Trần Văn Ơn đang học lớp
Première ở trường Petrus Trương vĩnh Ký, nhưng vì một lý do gì đó bị bắn chết
ngày 9/1/1950 tại trường. (Người viết thiết nghĩ không cần thiết nêu ra nguyên
nhân hoặc lý do vì không nằm không ký ức và còn trong vòng tranh cãi vì ý thức
hệ).
Sau cùng dừng lại ở một nghĩa
trang nằm trước sân vận động Renault mà sau nầy đổi tên là sân vận động Cộng
Hòa. Đây là một kỷ niệm khó quên khi chưa đầy 8 tuổi!
3-
Nỗi nhớ thứ ba: Trận giặc Bình Xuyên
Định mệnh đã đưa đẩy tôi cùng
học dưới hai trường có tên Ký, và là hai Thầy Trò với nhau. Đó là trường Trương
Minh Ký và Trương Vĩnh Ký. Một kỷ niệm nơi đây mà tôi không bao giờ quên là trận
đánh giữa quân đội quốc gia và lực lượng Bình Xuyên.
Tôi còn nhớ, ngày hôm ấy khoảng
đầu tháng 4-1955 là buổi học Pháp văn của
Thầy Phạm Văn Thới (sau nầy Thầy làm Chuyên viên trong Phủ Thủ tướng và qua đời
năm 2002). Tiếng súng bắt đầu nổ giữa trưa. Quân Bình Xuyên bò lên đỉnh của nóc
nhà ngang, nơi có phòng thí nghiệm và phòng vệ sinh của trường.
Bên ngoài từ hướng cổng trường
từ đường Nancy, quân chính phủ gồm những lính người Nùng chạy xuyên qua hành
lang rộng. Hai bên bắn nhau, tôi không thấy ai bị thương hay chết cả. Sau nầy mới
biết là nạn nhân của cuộc giao tranh hôm ấy chính là bức tượng bán thân Petrus
Ký, hướng mặt về phía cổng trường. Cụ bị một vết đạn làm má bên phải
lún sâu vào như một đồng tiền (giả tạo). Vì tượng bán thân của Cụ hướng ra đường
Cộng Hòa, cho nên thủ phạm hẳn là do lính chính phủ bắn vào…
4- Nỗi nhớ thứ tư: Ném đá cộng sản
Vào năm 1954, khi Hiệp định
Genève, Thụy Sĩ được ký kết vào ngày 20/7, theo giao ước, những người lính cộng
sản được tập trung tại nhiều địa điểm ở Sài Gòn, để rồi sau đó được tập kết về
Bắc. Qua một người anh lớn, tôi biết có hai địa điểm tập trung: một là khách sạn
Majestic ở đường Catinat (Tự Do), và một ở góc đường Galliéni (Trần Hưng Đạo)
và Huỳnh Quang Tiên, đối diện với nhà ga Arras (Cống Quỳnh). Dù còn nhỏ cũng
như chưa hiểu nhiều vầ Quốc – Cộng, tôi cũng tham gia …ném đá vào các cửa sổ của
khách sạn (dù không trúng vào đâu cả!).
5- Nỗi nhớ thứ năm: Tấn công chùa Xá Lợi
Ngay từ khi Thượng tọa Thích
Quảng Đức tự thiêu ở đường Lê Văn Duyệt vào đầu tháng 6/1963, tình trạng xáo trộn
ở Sài Gòn ngày càng phức tạp hơn, căng thẳng hơn. Và cao điểm là vụ tấn công
chùa Xá Lợi đêm 20/8, hành pháp Đệ I Cộng hòa cho lịnh bắt tất cả Phật tử và thầy
tu trong chùa, duy chỉ có thầy Thích Trí Quang trốn thoát.
Vào buổi xế trưa ngày thứ sáu
23/8/1963, trong một buổi học Histology do GS Listenberger dạy tại Đại học Y
khoa số 28 đường Trần Quý Cáp (sau 30/4/1975, nơi nầy
được
dùng để làm bảo tàng viện Tội ác Mỹ ngụy), tôi rất ngạc nhiên khi thấy Ngoại
trưởng Vũ Văn Mẫu và sinh viên Tô Lai Chánh bước vào, cả hai đều cạo đầu trọc
lóc. Ngay sau đó, GS Mẫu nói cho sinh viên cả lớp biết tình trạng chính trị hiện
tại và yêu cầu toàn thể bãi khóa và tham dự biểu tình ngày chủ nhựt 25/8 sắp đến.
Khi ra về, chúng tôi cùng hai
bạn trong Nhóm Nguồn Sống là BS Hoàng Cơ Trường (đã mất) và KS Nguyễn Kim Long
(Westminster) quyết định tham gia biểu tình.
Theo lời một sĩ quan tuyên bố,
từ nay tất cả chúng tôi đã là tân binh, quần áo bị tịch thu và được phân phối
hai bộ quân phục mỗi người cùng với giày vớ và ba lô cùng lon hủ để đựng thức
ăn…Ở Quang Trung tập cầm súng, đi ắt ê đâu được một tuần lễ, tôi được thả về;
và từ đó mới biết là Quách Thị Trang bị bắn ở bùng binh chợ Sài Gòn hôm 25/8.
Đây có thể nói về kinh nghiệm
được mặc quân phục và cầm súng trên vai trong suốt cuộc đời. Một nỗi nhớ khó
quên!
6-
Nỗi nhớ thứ sáu và sau cùng:
Ngày 30-4-1975 và sau đó…
Nỗi nhớ dưới đây chính thực là nỗi nhớ và sẽ
không bao giờ quên và không được quên. Đó là Sài Gòn, thành phố đã khiến cho
tôi lấy quyết định cho suốt cuộc đời còn lại là phải dứt khoát tranh đấu nhằm xóa
tan cơ chế chuyên chính vô sản của Cộng sản Bắc Biệt và “đuổi Trung cộng”
về Tàu. Dứt khoát như vậy!
Xin thưa,
Vào thời điểm ngay sau ngày 30/4/1975, tâm trạng người dân Sài Gòn hoang mang cực
độ. Nhà nhà e dè mỗi khi tiếp xúc hay trao đổi với những người hàng xóm
thân thuộc trước kia. Không khí xóm giềng thân mật không còn ứng hợp với câu “bà
con xa không bằng láng giềng gần” nữa, đối lại bằng những cặp mắt nghi
ngờ, e sợ, nhất là khi thấy bóng dáng một người quen thuộc nhưng trên cánh tay
có mang một băng vải đỏ. Đó là hình ảnh tiêu biểu nhứt cho những ngày đầu gọi
là “cách mạng”.
Chúng tôi, một nhóm giáo chức của trường Đại học
Sư phạm Sài Gòn gồm GS Nguyễn Văn Trường (mất 2018), GS Lý Công Cẩn (mất 2017),
GS Lê Trọng Vinh (mất 1977), GS Trần Kim Nở (mất 2018), GS Trần Văn Tấn (mất
2016), và người viết (đã ở khu cư xá 57 Tự Đức từ mấy ngày trước 30/4), chúng
tôi đang ngồi với nhau để bàn thảo xem phải hành xử như thế nào, trình diện ra
sao, vì hôm đó chỉ là ngày thứ hai của “cách mạng”, tức thứ năm ngày 1/5/1975.
Tình cờ GS Nguyễn Hoàng Duyên (hiện là Luật sự
ở San Jose), một thành viên của Ban Hóa học của trường chạy Honda đến. Tôi đề
nghị với các GS huynh trưởng để tôi cùng Duyên lên trường xem xét tình hình trước.
Hai anh em đèo nhau trên chiếc Honda dame, mỗi
người một tâm trạng bất an, nhưng vẫn không lộ ra. Khi vào khỏi cổng trường,
không khí hoàn toàn khác, không còn một không khí quen thuộc như ngày nào. Một cảm giác nặng trĩu nơi tôi khi nhìn thấy
một Giảng nghiệm viên (tên V.) thuộc Ban Vạn vật mang băng vải đỏ nơi cánh tay,
chận chúng tôi lại, và hỏi với nét mặt lạnh lùng:”Hai anh vào ghi tên trình diện đi”.
Đi lần đến văn phòng Phó Khoa trưởng, cánh cửa
đã bị mở toang từ lúc nào, tôi thấy Ngô
Phàn, một sinh viên Ban Lý hóa của trường đã chạy vào bưng hai năm về trước.
Phàn hỏi tôi, trên tay cầm khẩu súng lục nhỏ của GS Lý Công Cẩn: “Anh có gặp Ô
C. không? Tôi đáp:” GS LCC sẽ vào trình diện sáng nay”.
Quan sát chung quanh sân trường, tôi chỉ thấy vài chị “nhà quê” quấn khăn rằn trên cổ,
vẽ mặt thể hiện nét thỏa mãn của kẻ chiến thắng bước qua lại, chỉ chỏ các “anh”
đeo băng đỏ mà trước đó chỉ vài ngày là những giáo sư của VHCH. Ngoài ra,
không thấy bóng dáng của một “cán bộ” hay “bộ đội” Bắc Việt nào cả.
Sau đó, Duyên và tôi đi về báo cho các GS đang
chờ đợi ở cư xá Tự Đức. Mọi người lên trường trình diện ngay sau khi được chúng
tôi thông báo.
Một
thời không quên
- 1- Các giáo sư đeo băng đỏ trong những ngày đầu trở thành các Tổ
trưởng và Tổ phó học tập trong đó Tôn Nữ Thị Ninh là một Tổ trưởng sáng
giá nhứt, và
- 2- Số giáo sư còn lại chiếm đa số là Tổ viên.
Chúng tôi bắt đầu chương trình “học tập” tại
chỗ với mỗi tổ khoảng trên dưới 20 người, trong đó, ngoài Tổ trưởng, Tổ phó còn
có một GS hướng dẫn học tập mới vào từ miền Bắc. Nơi trường Sư phạm, các “giáo
sư” đó đến từ trường ĐHSP Vinh, trong đó, “một cháu ngoan của Bác” tên Trần Thanh Đạm làm Hiệu trưởng, “GS” Cao Minh Thì làm Hiệu phó, “GS” Nguyễn Văn Châu
và một số “GS” khác như Yến, Thoa …và một số khác tôi không còn nhớ tên. Tuy
nhiên, một người Trưởng ban tổ chức mà tôi không bao giờ quên được, đó là Bảy Được, một công an chánh gốc, mà sau
nầy đã hỏi cung tôi cùng với một sĩ quan cấp tá công an là chồng của giáo sư Yến
nói trên.
Dĩ nhiên những buổi học tập trên có tính chất
giáo điều, diễn ra trong tẽ lạnh vì thái độ bất hợp tác của đa số giáo sư,
ngoài những câu hỏi cò mồi của “đám gs đeo băng đỏ”. Tuy nhiên cũng có những giây phút sôi nổi vì các câu hỏi “móc lò” của một
số GS trẻ như Duyên và Tuấn làm cho “đám ba mươi” cứng họng, vì họ làm sao có
khả năng giải đáp được trong khi chứa trong đầu một tâm thức nô lệ!
Một kỷ niệm tôi còn nhớ đến hôm nay sau 44 năm
là buổi đúc kết học tập. Tổ trưởng của tôi là một tiến sĩ cũng tốt nghiệp bên
Pháp và là Phó ban Hóa học thời VNCH tên Nguyễn Thị Phương (hiện ở tại
Rennes, Pháp). Trong suốt thời gian “học tập”, Cô Phương thường đi bên cạnh một
“nòng cốt” thực sự, có tên Bùi Trân Phượng, con một giáo sư Việt Văn bên Đại học
Văn khoa. Cô nầy luôn luôn mặc áo bà ba và quần lãnh đen và cũng “bắt chước”
túi sách cán bộ sau lưng, luôn quấn trên cổ một khăn rằn.
Tôi được xướng danh đọc bài đúc kết học tập đầu
tiên. Vì đã chuẩn bị trước, tôi đã nhờ người học trò “ruột” hiện ở Vancouver soạn
thảo, ghi lại tất cả những lời “Bác Hồ dạy” “Bác Tôn dạy” cùng các phát biểu của
“Chú Duẩn” v.v…Tất cả được học trò tôi đúc kết, ráp nối trên 30 trang giấy…
Và
trong suốt buổi đúc kết, tôi là cây đinh trong đó. Tôi đã chiếm hết giờ dành
cho Tổ để đúc kết. Do đó, sau khi thảo luận bài đúc kết, vì đã hết giờ cho nên
các đồng nghiệp còn lại của tôi được ra về khoan khoái vì đã tránh được nói lên những điều ngược với lòng mình…
Trong suốt những ngày tháng gọi là “học tập”,
thỉnh thoảng cũng có những cán bộ cao cấp từ ngoài Bắc vào như Cù Huy Cận, Xuân Diệu, và nhiều người
khác…giảng dạy về thiên đường cộng sản.
Một hôm, tại giảng đường của Đại học Khoa học
có sức chứa gần 500 người, nhà thơ tình lãng mạn “ngày xưa” Xuân Diệu đăng đàn.
Có thể nói, chưa bao giờ tôi có thể hình dung được một cán bộ cao cấp của cộng
sản, từng giữ chức Thứ trưởng Văn hóa Bắc Việt có những thái độ và cung
cách thiếu văn hóa như thế.
Ông Xuân Diệu, với cái áo sơ mi bỏ ngoài, mang
đôi dép lẹp xẹp, vai mang cái bị da cán bộ…chễm chệ ngồi cao trên bục giảng…tự
do phát ngôn. Bên cạnh đó hai chai la de Con Cọp BGI 75cc và một ly lớn. Vừa uống,
vừa nói, miệng mồm đầy bọt bia, tay chân “huênh hoang” với luận điệu của kẻ chiến
thắng…
Và những câu nói ngày hôm đó là bài học …đầu tiên của tôi sau “cách mạng”.
Ông ta nói cái gì?
Xin thưa,
Ông
ta chê chế độ Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là giới trí thức miền Nam, giới giáo
sư đại học…và ví
tất cả như những cây cổ thụ xum xuê cành
lá…nhưng không có rễ. (Xin các giáo sư có mặt
ngày hôm đó, hiện đang ở hải ngoại làm chứng dùm cho tôi, để tôi khỏi bị nói
oan là bêu xấu chế độ ưu việt bằng triệu lần tư bản).
Sau 45 năm, nghiệm lại câu nói năm xưa của một
thi sĩ “thương cha thương một, thương ông thương mười” của Tố Hữu, người bạn của
Xuân Diệu, lòng tôi chùng xuống
và cảm thương cho một người lớn lên trong “cách mạng”, được “cách mạng” nuôi dưỡng…
cho nên mới có ý so sánh đầy ‘biện chứng”
trên.
Bài
học đầu tiên của Xuân Diệu 45 năm về
trước về cây cổ thụ cần phải được xem xét lại.
Do đó, cần phải nói cho rốt ráo là “Cây cổ thụ xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện tại là một cây chết
khô, không hoa, không lá, không rễ, và thân cây đã mục nát, thậm chí mối và mọt
cũng không còn gì có thể gậm nhấm được”.
Và
một tương phản khác của ngày khai trường năm cách đây một năm ở một miền núi
trên cao nguyên Việt Nam với hình ảnh học trò ngồi chồm hổm trên đôi chân đất
trong “lớp học – sân trường lầy lội” dưới trời mưa lâm râm, hay phải “đu dây”
qua thác ghềnh trên đường đi đến trường!
7-
Thay
lời kết
Quý Bà Con vừa đọc xong “Những nỗi nhớ về Sài
Gòn” của một người con Việt. Suốt 30 năm từ 1945 đến 1975 (trừ 10 năm vắng
“quê” Sài Gòn vì đi du học), trải dài từ những bước chân thơ dại đến những bước
chập chững vào đời. Đôi chân đó đã từng lê la khắp mọi nơi, để lại biết bao
nhiêu kỷ niệm cùng sự thăng trầm của thủ đô Sài Gòn yêu dấu. Từ những
buổi sơ khai, Sài Gòn vẫn còn nét mộc mạc, vẫn còn những con đường đất, rổi trải
đá, rồi tráng nhựa. Sài Gòn với đường xe điện từ bùng binh đến Chợ Lớn qua những ga: Ga
chánh Sài Gòn có logo hình con cò trắng, ga Arras (Cống Quỳnh), ga Nancy (Cộng
Hòa), ga Cuniac, ga An Bình, ga Jaccaréo, và cuối cùng là ga Bonhoure (Hải Thượng
Lãn Ông).
Làm
sau quên được Sài Gòn với bột chiên Ngã sáu. Sài Gòn với ăn chơi, với sòng bạc Kim Chung và Đại Thế Giới. Sài Gòn với
Bò 7 món Pagolac, với bánh bao Ông Cả Cần. Sài Gòn với quán cơm sinh viên Anh
Vũ đường Bùi Viện, với Cà phê Năm Dưỡng nơi bùng binh Hồng Thập Tự, Nguyễn
Hoàng, Nancy, Lý Thái Tổ, Phạm Viết Chánh…
Giờ đây viết lại, người viết không cầm được xúc
động. Xin chia sẻ cùng Bà Con khắp nơi với cùng một lời nguyền:” những
người con Việt sẽ cùng góp tay xây dựng lại Đất và Nước một khi sạch bóng quân
thù”.
Thưa Bà Con,
Trong suốt tháng tư, 2020, người viết đã
ghị lại qua ký ức, qua mạng toàn cầu, qua các sự kiện hiện đang xảy ra liên
quan đến Việt Nam – Trung Cộng – Hoa Kỳ cùng thế giới. Tất cả đều nhắm vào mục
tiêu là gióng lên thêm một tiếng chuông nhằm mục đích cho Bà Con trong nước và
hải ngoại thấy rõ dã tâm của Trung Cộng muốn thôn tính Việt Nam qua hơn 4.000
năm. Và những năm sau cùng sau nầy khiến cho cuộc thôn tình càng khốc liệt hơn để
nuốt cho “bằng được” Việt Nam trong năm 2020!
Bằng cách nào?
·
Triệt hạ nguồn protein
của dân tộc bằng cách tiêu diệt nguồn cá ở Biển Đông qua Nhà máy chế tạo gang
thép Hưng Nghiệp ở Đặc khu Vũng Áng, Hà Tĩnh từ năm 2016;
·
Triệt hạ nguồn carbohydrate
qua món ăn chính là gạo của người con Việt, qua việc ngăn giữ nước ở các đập do
TC xây trên dòng chính sông Mekong, chận ngang dòng chảy vào sông Cửu Long của
miền Nam làm cho mùa lúa Đông xuân gieo trồng trên 200.000 mẫu hàng năm bị mất
trắng, và nước mặn ngày càng vào sâu trong đất liền (Năm 2020 có nơi nước mặn vào
sâu trên 120 Km);
·
Hơn nữa, Cao nguyên Trung phần Việt
Nam vốn là một thảm thực vật với trên 2 triệu mẫu rừng trồng cây công
nghiệp như cao su, trà, cà phê…gần như bị xóa qua các dự án khai thác Bauxite
từ năm 2008, để lại một di hại môi trường chạy dài suốt miền Đông Nam Việt.
Tuổi
Trẻ Việt Nam, con cháu của Hưng Đạo Vương, của Trần Quốc Toản, của Phan Chu
Trinh, của Phan Bội Châu, của Nguyễn Thái Học …sẽ không bao giờ quên được THÙ
nầy!
Và,
Càng đau buồn hơn nữa, trong cuộc chiến
đấu dành lại Quê hương, những người con Việt lại vướng phải một kẻ thù khác nữa
hiện đang đóng vai trò Thái thú giống như Phạm Ích Tắc, như Lê Chiêu Thống ngày
xưa. Đó là Đảng cộng sản Bắc Việt!
Nhận diện chính xác hai kẻ thù của dân
tộc, chắc chắn
TUỔI
TRẺ VIỆT NAM biết sẽ PHẢI LÀM GÌ?
Houston, Ngày Quốc Hận
30-4-2020
Mai Thanh Truyết thay mặt:
·
Hội Khoa Học & Kỹ Thuật Việt Nam – VAST từ năm 1990
·
Hội Bảo Vệ Môi Trường Việt Nam – VEPS từ năm 2016
·
Nhóm Chống Tàu Diệt Việt Cộng – ACAVG từ năm 2011
No comments:
Post a Comment