Thursday, March 23, 2023

 

Ngày Nước Thế Giới 2023: Thúc đẩy sự Thay đổi

Khủng hoảng Nước Ngọt toàn cầu 


 

Nước là huyết mạch của thế giới chúng ta. Từ sức khỏe và dinh dưỡng, đến giáo dục và cơ sở hạ tầng, nước rất quan trọng đối với mọi khía cạnh của sự sống còn và phúc lợi của con người, cũng như sự phát triển kinh tế và thịnh vượng của mọi quốc gia.

Hàng năm đến ngày 22 tháng 3, LHQ và các quốc gia trên thế giới tổ chức Ngày Nước Thế giới để duyệt xét lại tình trạng phân bổ và tình hình trong năm qua ở các quốc gia có nhu cầu được trợ giúp về nguồn nước sinh hoạt. Ngày Nước Thế giới đầu tiên đã được Đại hội đồng LHQ quyết định vào ngày 22/3/1993. 


Chủ đề cho năm 2023 là “Thúc đẩy sự Thay đổi - Accelerate Change. là đẩy mạnh thay đổi để giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh nước nhằm truyền bá nhận thức về cuộc khủng hoảng nước trên toàn thế giới. Ngày Nước Thế giới năm 2023 đặt mục tiêu ngõ hầu chia xẻ tầm nhìn về nước sạch và an toàn vệ sinh phóng uế (sanitation) cho mọi người vào năm 2030. Đây cũng là ngày tập trung sự chú ý vào tầm quan trọng của nước ngọt và hỗ trợ đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững - Sustainable Development Goal - SDG. 

Trong quá khứ, những chủ đề cho Ngày Nước Thế giới như sau: 



2022 Nước ngầm: Biến Vô hình thành Hữu hình - Groundwater: Making the Invisible Visible;

2021 Lượng giá trị của Nước – Valuing Water

2020 Nước và Sự Biến đổi khí hậu – Water and Climate change;

2019 Nước cho Tất cả - Water for All;

2018 Thiên nhiên dành cho Nước – Nature for Water;

2017 Nước và Nước thải – Water and Wastewater;

2016 Nước và Việc Làm – Water and Jobs;

2015 Nước và sự Phát triển bền vững – Water and Sustainable Development;

2014 Nước và Năng lượng – Water and Energy;

2013 Hợp tác Nước – Water Cooperation;

2012 Nước và An toàn Thực phẩm – Water and Food Security;

2011 Nước cho Thành phố - Water for Cities;

2010 Phẩm chất Nước – Water Quality;

2009 Nước Xuyên Biên giới – Transboundary Waters;

1-    Tại sao phải có Ngày Nước Thế Giới?



Ngày Nước Thế Giới là một ngày lễ quốc tế và là một cơ hội để tìm hiểu thêm về các vấn đề liên quan đến nước. Ngày nầy đã được xem như là một nguồn cảm hứng để nói lên cho mọi người khác và phải hành động để tạo sự khác biệt trước hiện trạng khan hiếm và phân phối không đồng đều nguồn nước trên thế giới. Lịch sử của Ngày Nước Thế Giới đã được ghi nhận từ một quyết định của Đại hội đồng LHQ trong Hội nghị về Môi trường và Phát triển năm 1992.

Từ đó Ngày Nước Thế Giới đầu tiên ra đời là ngày 22/3/1993.  Và mỗi năm, Ủy ban LHQ về Nước, đơn vị điều hành và phối hợp chương trình hành động hàng năm nhằm đưa ra chủ đề liên quan đến nước và môi trường qua những dạng đặc thù của nước ngọt trên thế giới.  

Ngày nước thế giới được tổ chức trên toàn cầu nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân đối với tầm quan trọng của nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống bao gồm cả môi trường, y tế, nông nghiệp và thương mại. Đây cũng là ngày động não cho mọi người về phương cách quản lý nguồn nước cho hợp lý!

2-    Nguồn nước trên thế giới



Nước đóng góp vào việc thăng tiến cuộc sống trong xã hội, trong việc tạo dựng nguồn thực phẩm và môi trường lành mạnh ảnh hưởng lên hàng tỷ người. Một vài thí dụ về việc tiêu thụ nguồn nước để sản xuất ra giá trị thành phẩm. Nếu dùng 1 acre-feet nước (bằng 43.560 cubic feet, hay 325.851 Gallons, hay 1.233,5 m3) để canh tác chỉ thu được 47.00$US nếu trồng cỏ, 223.00 $US nếu trồng lúa, 258.00 $US nếu trồng bắp, 287.00 $US nếu trồng alfalfa, và 551.00 $US nếu trồng bông vải; trong khi thu được 1.875.00 $US nếu trồng cây ăn trái hoặc các loại hạt.

Để có thêm khái niệm về tình trạng nước trên thế giới, xin đan cử ra đây vài số liệu cần nên biết. Tổng sản lượng nước trên thế giới gồm: 97,5% nước biển (mặn) và chỉ 2,5% nước ngọt. Trong 2,5% nầy chỉ có 0,4% nước mặt gồm sông ngòi, ao hồ và hơi nước trong không khí, 30,1% nước ngầm, và phần còn lại là những tảng băng trải rộng ở Bắc và Nam cực.

Và sau cùng trong 0,4% nước mặt đó, có 67,4% nước ao hồ, 1,6% sông ngòi, 12,2% nước đã thấm vào đất, 9,5% hơi nước trong không khí, và phần còn lại gồm các vùng đất ngập nước (wetland). Trữ lượng nước ở địa cầu không nhiều như chúng ta tưởng.

Sự phân bổ nước trên thế giới hoàn toàn không đồng đều do:

·       Điều kiện địa lý từng vùng;

  • Do sự lạm dụng của những quốc gia kỹ nghệ;
  • Và sự "nhắm mắt làm ngơ" không giúp đỡ các quốc gia nghèo của các "nước lớn".

Theo ước tính, có 70% lượng nước trên thế giới được xử dụng cho nông nghiệp, 20% cho kỹ nghệ, và 10% cho sinh hoạt gia đình. Hàng ngày, trong nhiều vùng ở Phi Châu, phần đông cư dân không có hơn một lít nước dùng cho sinh hoạt cá nhân; trong lúc đó ở Hoa Kỳ, mức tiêu thụ nước cho mỗi người dân có thể lên đến 700 lít cho một ngày; và người dân Paris tiêu thụ 100L/ngày.



Thêm nữa, sự gia tăng dân số kéo theo nhu cầu cần phải phát triển nông nghiệp, do đó việc tận dụng nguồn nước, nhất là nước ngầm sẽ là một nguy cơ làm cạn kiệt nguồn nước trong tương lai. Theo tính toán, muốn sản xuất 1 kg gạo cần phải tiêu tốn 6.000 lít nước. Từ đó, một suy nghĩ nảy sinh ra là, Việt Nam cần có nhu cầu phải thuần sản xuất gạo để xuất cảng hàng năm 6,7 triệu tấn gạo hay không, trước tình trạng nước ngày càng cạn kiệt trên dòng Cửu Long?

3-    Thế giới đối mặt với “bóng ma” chiến tranh về nước?

Sông Doubs, vùng Franche Comté chảy qua thành phố Besancon, có biên giới tự nhiên giữa miền đông nước Pháp và miền tây Thụy Sĩ đã cạn trơ đáy do hạn hán, nắng nóng, ngày 22/07/2022. Hiện tượng trên là do: Dân số tăng vượt tầm kiểm soát  - Nhu cầu xử dụng nước tăng, không chỉ trong đời sống hàng ngày, mà cả trong nông nghiệp và các ngành công nghiệp.

Kèm theo đó là sự biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt … Tất cả khiến nguồn tài nguyên nước sụt giảm. 



Những yếu tố nói trên khiến nước trở thành một loại của hiếm và ngày càng đắt đỏ. Những căng thẳng, nguy cơ xung đột về nguồn nước còn được ví như “vàng xanh” hay “dầu lửa mới của thế kỷ XXI ở nhiều nơi trên thế giới dường như không thể tránh khỏi. Ở những quốc gia không trong tình trạng căng thẳng về nước thì không có gì phải lo lắng nhiều. Trái lại, ở những nơi vốn đã khan hiếm nước, thì việc thiếu nước trở thành một chủ đề rất nhạy cảm, dễ làm nảy sinh xung đột.

Quả thật, trữ lượng nước ngọt trong tự nhiên được phân bố không đồng đều trên thế giới, nếu không muốn nói là có sự chênh lệch rất lớn. Chẳng hạn, trữ lượng nước trong tự nhiên ở Iceland là 500.000m3/người/năm, trong khi con số này ở dải Gaza chỉ là dưới 60m3. 

Theo chuyên gia của Quỹ nghiên cứu chiến lược, Frank Gallant, Ấn Độ là một ví dụ. 85% nước sinh hoạt và 60% nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp được khai thác từ các tầng nước ngầm. Và Ấn Độ gần như đã cạn kiệt toàn bộ nguồn nước ngầm. Nước ngầm được bơm hút lên nhiều tới mức không thể được bù lấp đầy trong mùa mưa. Đến năm 2030, 21 thành phố trong số các đô thị lớn nhất của Ấn Độ sẽ không còn đủ nước sạch cho dân cư.

Nhìn rộng ra toàn cầu, tính từ năm 1980, cứ sau mỗi năm, lượng nước thế giới tiêu thụ lại tăng 1%. Đến năm 2050, nhu cầu nước toàn cầu dự kiến sẽ tăng 20-30%. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, 2 tỷ người sống ở những quốc gia mà lượng nước được xử dụng nhiều hơn lượng nước có sẵn trong tự nhiên. 5 tỷ người, tức 2/3 dân số thế giới, phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng ít nhất một lần mỗi năm. Abou Amani, Giám đốc phụ trách khoa học về nước tại UNESCO, nhận định:

 Vẫn còn những điều không chắc chắn về các mô hình khí hậu và thủy văn trong tương lai, nhưng các nguồn nước sẽ bị phân bổ ngày càng chênh lệch. Nhu cầu nước tăng sẽ ngày càng tạo ra áp lực về nguồn nước và thật không may, các căng thẳng chỉ ngày càng gia tăng”. 

4-    Sinh hoạt của Ngày Nước trên Thế Giới

Năm nay, có những phương án tiêu biểu đề nghị cho Ngày Thế giới 2023 là: 

Cần phải bảo vệ hệ sinh thái nước ngọt của chúng ta. 

·       Tại sao sự hiện diện của đầm lầy là điều cần thiết?

Đô thị hóa là một trong những xu hướng chính cho phát triển của thời đại chúng ta. Điều nầy hoàn toàn thay đổi cung cách, thói quen, và điều kiện sống của con người sẽ sống trong tương lai. Trên thực tế, ước tính rằng số lượng các thành phố lớn với hơn 10 triệu dân sẽ tăng lên từ 31 lên 41 vào năm 2030.

·       Sự phát triển hiện nay của các khu định cư hiện nay là mối quan tâm lớn đối với việc bảo tồn đầm lầy và cung cách sử dụng khôn ngoan. Khi thành phố phát triển phải cần có nhu cầu tăng diện tích đất, vì vậy, có xu hướng lấn chiếm đầm lầy. Chúng thường được xem là đất hoang có sẵn để đổ chất thải hoặc được chuyển đổi sang các mục đích khác. Tuy nhiên, khi được bảo tồn và xử dụng bền vững, đầm lầy có thể cung cấp cho thành phố nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và văn hoá. Và việc nầy phải được suy tính vào kế hoạch phát triển và quản lý của các thành phố.



·       Phát triển bền vững: Thuật ngữ "ô nhiễm" xuất phát từ động từ Latin "polluere", có nghĩa là làm mất danh dự hoặc làm ô danh. Từ thời xa xưa, con người đã gây ô nhiễm và làm ô nhiễm cả thiên nhiên và nhân loại, và gần đây các nhà làm khoa học và ngữ học cho vào một thuật ngữ mới để chỉ việc ô nhiễm là "ngoại cảnh" (externalities). Ngày nay, hơn một phần ba cá và hải sản có chứa chất dẻo, trong khi 80 phần trăm nước  trên thế giới chứa các hạt nhỏ ly ti  bằng nhựa.






Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã bắt đầu xử dụng các giải thưởng như là một cách để cung cấp cho cộng đồng những cơ hội nhằm trải nghiệm những khó khăn xã hội liên quan đến việc quản trị các nguồn tài nguyên chung. Như các phương án mô phỏng việc đưa ra quyết định thực tế, chẳng hạn như lựa chọn các kỹ thuật tưới tiêu hiệu quả nhất và các loại cây trồng tốt nhất cho một khu vực nhất định và chúng có thể được xử dụng làm điểm khởi đầu cho việc thảo luận trong cộng đồng. Người tham dự sẽ hiểu sâu hơn về sự kết nối của các nguồn tài nguyên chung, và các phương án trên đã chứng minh là hữu ích trong việc tăng cường sự lưu tâm và hợp tác của dân chúng.

5- Liên Hiệp Quốc – Châu Phi – Nước Ngọt




Những đứa trẻ đi lấy nước vào các hộp nhựa trên sa mạc gần Dertu, Kenya ngày 24/10/2021. AP - Brian Inganga

 

 

Ngày 22/03/2023, Liên Hiệp Quốc tổ chức một Hội nghị Quốc tế đặc biệt về nước ngọt, tại New York, Hoa Kỳ và cảnh báo nhân loại cần chuẩn bị đối phó với một cuộc khủng hoảng “nước ngọt” do hiện tượng biến đổi khí hậu và nạn ô nhiễm gây ra.Theo AFP, một ngày trước hội nghị, Liên Hiệp Quốc đã công bố một báo cáo báo động nguy cơ khan hiếm nước có thể dẫn đến những căng thẳng địa chính trị, nhất là giữa những nước chia sẻ cùng một nguồn nước ngọt. 



Tại châu Phi, 90% những nguồn nước này phải được chia xẻ. Do vậy, để dự báo các cuộc xung đột có thể xảy ra trong tương lai, LHQ thúc đẩy một sự hợp tác xuyên biên giới nhiều hơn trong lĩnh vực này. Ngày càng có nhiều nước tham gia ký kết Công ước khung về Nước ngọt năm 1992 nhằm san sẽ nguồn nước chung bình đẳng và công bằng cho tất cả mọi người dân trong vùng.

Lúc ban đầu, đây là một công ước ký kết giữa các nước châu Âu, nhưng từ năm 2016, văn bản này cho phép các nước láng giềng của nhau trên thế giới đặt ra các nguyên tắc cùng khai thác các con sông, các dòng chảy, mạch nước ngầm hay các cơ sở hạ tầng như đập giữ nước. 

Chẳng hạn như, làm thế nào giải quyết việc đất nước Nigeria sẽ có số dân tăng từ 200 lên 400 triệu người từ đây đến năm 2050, trong khi hơn 60% dân số sống tại lưu vực chứa nước (bassin aquifère) Niger, được chia sẻ với 9 quốc gia? Quốc gia này sẽ để ngỏ khả năng nghiên cứu với các nước láng giềng trong việc giải quyết và phân phối! 

Các nước châu Phi cũng đã quen với việc hợp tác trong lĩnh vực nước: Họ đi đầu trong lĩnh vực này, khi cho thiết lập ngay từ những năm 1970 một cơ chế quản lý chia xẻ những dòng sông như việc điều hành con sông Senegal, đi từ Senegal, qua Mauritania, Guinéa rồi đến Mali.

Với công ước này, không chỉ các nguồn nước trên mặt đất sẽ được quản lý mà cả các mạch nước ngầm, vì mãi cho đến hôm nay các mạch nước ngầm vẫn chưa được quản lý.

Và, điển hình nhất là xung đột ở lưu vực sông Nile, giữa Ai Cập và Ethiopia, về đập nước lớn có tên là Đại Phục Hưng. Ethiopia, với sự bùng nổ về dân số và kinh tế, hồi năm 2011 đã quyết định xây đập Đại Phục Hưng trên sông Nile. Ai Cập, vốn lệ thuộc đến 90% vào nước sông Nile, đã khởi kiện Ethiopia ra trước các tòa án, viện dẫn hiệp ước 1959 bảo đảm cho Ai Cập quyền phủ quyết việc xây dựng ở thượng nguồn sông Nile. Vấn đề con đang trong vòng tranh luận. Đây được xem là một trong những cuộc xung đột lớn nhất thế giới về nước.

Khi liệt kê hàng chục điểm nóng trên thế giới về nguy cơ xung đột nước, cũng không quên nói đến lưu vực sông Mekong, một nạn nhân của “cường quốc thủy điện Trung Cộng. Nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đều chịu tác hại từ việc TC xây đập thủy điện ở thượng nguồn. Tuy nhiên, do Bắc Kinh không ký vào Công ước của Liên Hiệp Quốc về nguồn nước, nên không gì có thể cản trở họ được.

6-    Ngày Nước Việt Nam

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Việt Nam có một nguồn nước dồi dào, nhưng không có kế hoạch hay chính sách cùng quản lý nước hiệu quả cho nên việc xử dụng kém hiệu quả. Cụ thể các ngành như: Nông nghiệp là ngành sử dụng nước lớn nhất, tuy nhiên hiệu quả việc xử dụng nước cũng thấp nhất. Nhân Ngày nước thế giới năm 2023 với chủ đề “Thúc đẩy sự thay đổi”, Bộ Tài nguyên và Môi trường VN đã tuyên truyền hưởng ứng thông điệp này qua các khẩu hiệu tuyên truyền nhằm tiết kiệm nước để bảo vệ hành tinh của chúng ta cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và sự tiến bộ xã hội.

Các báo cáo về tình trạng khí hậu toàn cầu của Tổ chức Khí tượng Thế giới thể hiện những thay đổi của hệ thống khí hậu trong những năm qua, các chỉ số về nồng độ khí nhà kính, nhiệt độ bề mặt, sức nóng của đại dương, axit hóa đại dương, băng tan và mực nước biển dâng, đều ở mức cao kỷ lục tại thời điểm đo đạc. Sự biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt hơn, các đợt nắng nóng kéo dài với cường độ cao hơn, lượng mưa lớn hơn và hạn hán cũng nghiêm trọng hơn.

Theo LHQ, tài nguyên nước là một phần căn bản của tất cả các khía cạnh của cuộc sống, gắn bó chặt chẽ với các giá trị xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị, thông qua mối liên kết chặt chẽ với khí hậu, năng lượng, môi trường, an ninh lương thực. Tài nguyên nước là yếu tố quan trọng nhất để đạt được các chỉ tiêu phát triển bền vững, bao gồm cả những mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.

Vì vậy, chủ đề Ngày Nước thế giới: “Thúc đẩy sự thay đổi”; Ngày Khí tượng thế giới với khẩu hiệu Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau”, và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 với chủ đề “Thời khắc quan trọng cho Trái đất” có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trong các khía cạnh về môi trường - tài nguyên - sinh thái”.

Các thông điệp nêu trên nhằm nhấn mạnh đây là thời điểm chúng ta cần thay đổi để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước, LHQ kêu gọi:

·       Toàn thể cộng đồng trên thế giới hợp tác hành động, thể hiện vai trò và trách nhiệm trước sự tác động của thiên tai;

·       Tạo ra sự khác biệt bằng cách thay đổi cách thức xử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hàng ngày, giảm thiểu tác động suy thoái môi trường.

Để chuyển hóa những thách thức và lan tỏa hưởng ứng chủ đề Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ trái đất năm 2023, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các cấp Bộ, ngành, địa phương thống nhất hành động rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nội luật hóa những nội dung điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. (Người viết xin ghi nguyên văn chỉ thị của nhà cầm quyền cộng sản BV).



Năm 2023, để hưởng ứng Ngày nước Thế giới, Ngày Khí tượng Thế giới, Chiến dịch Giờ trái đất, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện và thành phố triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng rộng rãi sự kiện quan trọng này.

Có vấn đề gì ở Việt Nam làm cho CSBV …chỉ biết “tuyên truyền” về cung cách xử dụng nguồn nước mà thôi?

Xin đan cử ra đây những hô hào qua các chủ đề “rổng tuếch” nhằm hưởng ứng Ngày Nước Thế giới nhưng không hề thấy các dự án, kế hoạch hay phương pháp giải quyết vấn đề như dưới đây: 

* Nước là máu của sự sống! Hãy bảo vệ nguồn nước!

* Nước là tài nguyên quý giá! Cộng đồng hãy chung tay bảo vệ tài nguyên nước!

* Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành đồng tái tạo nước!

* Bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn nước!

* Vì tương lai quê hương đất nước, hãy tiết kiệm nước!

* Giữ sạch nguồn nước vì sức khỏe của chính mình và của cả cộng đồng!

* Nước sạch cho một thế giới khỏe mạnh!

* Nước sạch và vệ sinh môi trường là nhu cầu của cuộc sống!

* Khai thác hợp lý tài nguyên nước để phát triển bền vững!

Ô nhiễm Môi Trường đang phá hoại kinh tế và làm suy yếu sức khỏe con người Việt Nam, như đã được ước tính qua các nhà môi trường là: "Mỗi năm, Việt Nam thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP. Chính Phó Giáo Sư-Tiến sĩ (PGS.TS) Đinh Đức Trường, Phó Chủ nhiệm khoa Kinh tế Môi trường, Đại học Kinh tế Quốc dân dẫn chứng, thì trong số gần 300 khu công nghiệp Việt Nam có đến 80% đang vi phạm quy định về môi trường. (Ghi chú thêm của người viết: Các nhà máy sản xuất không có hệ thống thanh lọc phế thải khí, lỏng , và rắn).

Khẩu hiệu càng nhiều, càng phong phú bao nhiêu, nhưng việc thi hành hay thực hiện khẩu hiệu chỉ có...trên đầu môi chót lưỡi mà thôi!

 

7-    Một số đề nghị nhân ngày Nước 2023

Một số hành động khuyến nghị thông thường nhằm bảo vệ nguồn nước thế giới: 

- Tiết kiệm nước: Tắm ít hơn và không để vòi chảy lãng phí khi đánh răng, rửa bát đĩa và chuẩn bị thức ăn;

- Bảo vệ thiên nhiên: Trồng cây hoặc tạo vườn mưa – xử dụng các giải pháp tự nhiên để giảm nguy cơ lũ lụt và trữ nước;

- Hạn chế hay Ngừng gây ô nhiễm: Không đổ chất thải thực phẩm, dầu thải, thuốc và hóa chất xuống nhà vệ sinh hoặc cống rãnh gia đình;

- Ăn thực phẩm địa phương: Mua thực phẩm địa phương, theo mùa và tìm kiếm các sản phẩm sử dụng ít nước hơn;

- Hãy khám phá: Tìm nguồn sinh thủy và chia xẻ nguồn nước, đồng thời quản lý chất thải thông qua các nhà máy xử lý rác thải. 

8-    Kết luận


Có một câu chuyện cổ tích về con chim Ruồi - Hummingbirds và đó là cách chúng ta phản ứng với khủng hoảng nước. Ngay bây giờ, chúng ta đang phải đối mặt với khủng hoảng nước và điều kiện vệ sinh.

Chúng ta đứng nhìn?

Hay chúng ta hành động?

Một ngày nọ trong khu rừng, một trận hỏa hoạn xảy ra. Tất cả các loài động vật đều bỏ chạy. Chúng đứng bên rìa ngọn lửa, nhìn đám cháy trong nỗi kinh hoàng và buồn bã.Trên đầu họ, một con chim ruồi đang bay tới bay lui về phía ngọn lửa, hết lần này đến lần khác. Những con vật lớn hơn hỏi con chim ruồi đang làm gì (?).

Con chim ruồi trả lời: “Tôi đang bay đến hồ để lấy nước giúp dập lửa.”

Những con vật cười nhạo và nói: "Bạn điên rồi, bạn không thể dập tắt đám cháy này!" “Tôi đang làm những gì tôi có thể!” - Con chim ruồi trả lời.

Con chim ruồi đang giúp giải quyết vấn đề, mang từng giọt nước giúp dập lửa trong khu rừng.

Đó là sự thay đổi mà nó muốn thấy trên thế giới. Những hành động bạn làm, dù nhỏ đến đâu, cũng sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nước.

Nguồn nhiễm bịnh mang lại từ phế thải lỏng do con người tạo ra rất nhiều nguy cơ, từ các bịnh thiên thời (cholera) đến thương hàn (typhoid), từ các bịnh về gan như Viêm gan A,B, đến bịnh tê liệt (polio), và một số mầm bịnh do ký sinh trùng, vi khuẩn, cầu trùng khác, và biết bao chứng bịnh ung thư khác nhau v.v…

Mặc dù mục tiêu của LHQ là luôn đặt trọng tâm vào việc cung cấp nước sạch và thanh lọc nguồn nước sinh hoạt của các quốc gia nghèo, nhưng trên thực tế, theo các tin tức trên, rõ ràng sự phân bổ viện trợ cho hai vấn đề nước và hệ thống phóng uế hợp vệ sinh không được trong sáng và còn nhiều chỉ dấu bất công trong việc điều hành ngân khoản của LHQ trong việc trợ giúp nầy.

Nhìn chung, tình trạng nước và môi trường nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam không được sáng sủa. Do đó hàng năm, nhân Ngày Thế Giới Về Nước, LHQ luôn luôn cảnh giác tất cả các quốc gia nhất là những nước đang phát triển cần phải chú trọng hơn nữa việc mang lại nguồn nước sinh hoạt sạch cho người dân, cùng hệ thống vệ sinh phóng uế cũng như những phương hướng bảo vệ sức khỏe bằng cách gìn giữ vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa ô nhiễm.

Riêng tại Việt Nam, vì nhu cầu phát triển quốc gia cho nên một số biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết không được chú tâm đúng mức. Cũng cần phải nói thêm là nhà cầm quyền không đặt trọng tâm vào việc giáo dục người dân ý thức về việt bảo vệ và bảo quản nguồn nước, cũng như tầm quan trọng của việc xử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.

Và chính vì những tình trạng kể trên cho nên các vấn nạn về môi trường ở Việt Nam ngày càng tệ hại thêm lên như:

  • Sông ngòi biến thành dòng sông đen (không còn dùng trong sinh hoạt được nữa);
  • Đất đai bị xói mòn, chai cằn hay sa mạc hóa;
  • Đất đai bị lún sâu vì xử dụng quá tải nguồn nước ngầm trong chăn nuôi và nông nghiệp (trường hợp tỉnh Trà Vinh với hơn 45.000 giếng đóng và đất đã bị lún xuống hơn 50cm);
  • Nước mặn ngày càng tiến sâu vào vùng ĐBSCL ảnh hưởng lên năng suất trong nông nghiệp.

Hơn 47 năm qua, và nhứt là kể từ năm 1986 trở đi, Việt Nam bắt buộc phải mở cửa để cứu đói. Từ đó, việc phát triển vô tội vạ, phát triển không ứng hợp với việc bảo vệ môi trường, phát triển theo phương cách "ăn xổi ở thì" càng làm cho nguồn nước vốn dĩ đã quá dồi dào do thiên nhiên ưu đãi. Vào năm 2016, nhiều chứng bịnh do arsenic như arsenicosis đã xuất hiện ở một số vùng phía Nam Hà Nội, nhiều chứng bịnh ung thư "lạ" xuất hiện, cũng như nhiều dòng sông từ Bắc chí Nam đều bị ô nhiệm nặng! Và số người bị ung ung thư và chết hàng năm càng tăng lên hàng 100 ngàn mỗi năm!

Chính vì sự phát triển không cân bằng với việc bảo vệ môi trường cộng thêm cơ chế chuyên chính vô sản của CS Bắc Việt càng làm cho Đất và Nước mau đi vào ngõ cụt của Sự ĐÓI NGHÈO!

Trong lúc cả thế giới nêu lên nhiều mối ưu tư về Nước và Thiên nhiên, Việt Nam vẫn còn mơ mộng với việc chiêm ngưỡng giếng nước lớn nhất Việt Nam. Đó là Giếng Ngọc ở chùa Bái Đính (Ninh Bình) hiện đang giữ kỷ lục giếng nước lớn nhất Việt Nam. Giếng không bao giờ cạn nước, thường được gọi là “giếng thần” hay “mắt rồng”. Giếng Ngọc lớn nhất Việt Nam nằm dưới chân núi chùa Bái Đính cổ (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Theo sử cũ ghi lại, giếng có cách đây khoảng 1.000 năm. Có lẽ vì vậy, trong ngày Nước Thế Giới năm nay, CSBV im hơi lặng tiếng.

Phải chăng vì tình trạng “đốt lò” và lo việc chụm củi cả củi khô và củi ướt của TBT CSBV đang lên cao độ…mà quên đi việc…NƯỚC?

 

Đây không phải là cuộc chiến giữa lề trái và lề phải.

Không phải giữa ta và phản động.

Không phải giữa ta và các thế lực thù địch.

Mà cũng không phải giữa ta và “tư bản đang trên đà dãy chết”.

Mà đây mới chính là CÁI SỢ của người đốt lò sợ chuyển biến, sợ chuyển hóa từ trong ruột của đảng và sợ chuyển biến hòa bình theo trào lưu của thế giới...

Từ đó đưa đến cuộc chiến do việc tranh dành quyền lực và quyền lợi trong nội bộ đảng CSBV.

Và sau cùng, có lẽ người chụm lửa đốt lò đã quá đà làm cho nước bốc hơi, cho nên không còn nước để làm một vài Lễ hội tượng trưng cho Ngày Nước Thế Giới để góp mặt cùng năm châu!

“Giọt nước đã tràn ly!”

 

Mai Thanh Truyết

Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam - VAST

Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam - VEPS

Ngày Nước Thế Giới 2023