Tuesday, August 17, 2021

 

Sáu năm sau Thượng đỉnh COP21 Paris

Hàng năm đến ngày 5 tháng 6 là Ngày Môi Trường Thế Giới. Năm nay sẽ tổ chức tại Pakistan.

Đây là ngày do Chương trình Môi trường LHQ – UNEP khởi xướng nhằm thúc đẩy nhận thức và hành động vì môi trường trên toàn thế giới.

Đưa ra thông báo bên lề Hội đồng Môi trường LHQ lần thứ năm -  Fifth UN Environment Assembly (UNEA-5), Cố vấn Thủ tướng Pakistan, kiêm Bộ trưởng Biến đổi khí hậu, Malik Amin Aslam, đã cùng Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen thừa nhận tính cấp thiết của việc ngăn chặn, ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên toàn thế giới.

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Imran Khan, Chính phủ Pakistan - trong một trong những nỗ lực trồng rừng tham vọng nhất thế giới - có kế hoạch mở rộng và khôi phục các khu rừng của đất nước 10 tỷ cây trong 5 năm. Chiến dịch bao gồm việc khôi phục rừng ngập mặn và rừng, cũng như trồng cây trong môi trường đô thị, bao gồm trường học, cao đẳng, công viên công cộng và vành đai xanh. Pakistan đã thành lập Quỹ Phục hồi Hệ sinh thái để hỗ trợ các giải pháp dựa vào thiên nhiên đối với biến đổi khí hậu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi sang các sáng kiến ​​phục hồi môi trường, có mục tiêu sinh thái bao gồm trồng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Thập kỷ LHQ kéo dài từ năm 2021 đến năm 2030, đây cũng là thời hạn cuối cùng của các Mục tiêu Phát triển Bền vững và mốc thời gian mà các nhà khoa học đã xác định là rất quan trọng để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Kế hoạch trên nhằm mở rộng quy mô phục hồi hàng loạt các hệ sinh thái bị suy thoái và bị phá hủy để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, ngăn chặn sự mất mát của một triệu loài và tăng cường an ninh lương thực, cung cấp nước và sinh kế.

Việc hồi sinh các vùng chứa carbon tự nhiên - chẳng hạn như rừng và đất than bùn - có thể giúp thu hẹp khoảng cách phát thải khí hậu 25% vào năm 2030 so với khí phát thải năm 1997 (Protocol Kyoto). Việc trồng lại các loài cây địa phương cũng có thể giúp giảm bớt một số tác động tàn phá dự kiến của một hành tinh đang ấm lên, chẳng hạn như tăng nguy cơ cháy rừng. Hiện tại có 3,2 tỷ người - 40% dân số thế giới - phải chịu đựng sự suy thoái liên tục của các hệ sinh thái, chẳng hạn như mất khả năng tiếp cận với đất màu mỡ hoặc nước uống an toàn.

Trên đây là những tin tức về Ngày Môi trường năm nay. Trong hơn 15 năm qua, người viết đều có bài nhận định về Ngày Môi Trường Thế giới, nhưng kể từ năm 2020, công việc “tường trình” nầy đã chấm dứt vì một lý do duy nhứt:”Thế giới cứ kêu gọi – Các quốc gia tiếp tục “nói” tuân thủ - Và mọi chuyện “vũ như cẩn””!

Năm nay, người viết nhân cơ hội nầy để nêu lên vài nhận định về những ký kết quốc tế trong Thượng đỉnh COP15 tại Paris vào đầu tháng 12 năm 2015. Những ký kết và lời hứa đã gây ra biết bao tranh cãi từ đó đến nay…2021, nghĩa là gần sáu năm qua.

1-    Những lời hứa và ký kết sau COP21 Paris 

Năm nay, 2021 United Nations Climate Change Conference (COP26) sẽ diễn ra từ ngày 1 – 12 Tháng 11 tại Glasgow, Scotland, UK.

Theo ước tính của IPCC - Intergovernmental Panel on Climate Change, từ nay cho đến năm 2038, toàn cầu chỉ có thể phát thải tối đa 1.000 tỷ tấn khí Carbonic vào khí quyển mà thôi. Trong quá khứ 140 năm về trước, có 1.900 tỷ tấn CO2 đã bao phủ bầu khí quyển của chúng ta rồi, căn cứ vào nghiên cứu của Khoa Vật lý, Đại học Oxford, Anh. 

Thỏa thuận được coi là mang tính bước ngoặt đầu tiên về khí hậu toàn cầu đã ràng buộc cả quốc gia giàu có lẫn nghèo khó phải cam kết hạn chế sự phát thải khí CO2 nguyên nhân của sự hâm nóng toàn cầu cũng như đặt ra một mục tiêu dài hạn về việc phải xóa bỏ khí nhà kính (greenhouse effect) do con người gây ra trong thế kỷ này. 

Ngoài ra, thỏa thuận cũng khuyến khích các nước tăng cường các nỗ lực tự nguyện ở trong nước nhằm ngăn chặn khí thải cũng như cung cấp thêm hàng tỷ Mỹ kim để giúp các nước nghèo tiến tới một nền kinh tế phát triển thân thiện với môi trường hơn. 

Tính đến ngày cuối cùng của Thượng đỉnh (12/12), hiện có 187 quốc gia đã đệ trình các kế hoạch chi tiết của nước mình về những biện pháp nhằm khống chế việc phát thải khí nhà kính, được coi là trọng tâm của thỏa thuận đạt được ở Paris. Văn kiện nầy sẽ có tính chất ràng buộc pháp lý và quy định những cuộc duyệt xét 5 năm một lần đối với các kế hoạch quốc gia nhằm ngăn chặn tình trạng tăng nhiệt toàn cầu. Mức duyệt xét lần đầu tiên là năm 2020.

 2-    Nghi vấn trong “cam kết có tính chất ràng buộc pháp lý”: 

·       Cản ngại thứ nhất là tính toán chính trị, mỗi quốc gia vì quyền lợi của riêng mình có thể đưa ra cam kết, nhưng chưa chắc gì có quyết tâm thực hiện;

·       Trở ngại thứ hai là kinh tế, các quốc gia đang phát triển có chấp nhận thay đổi mô hình phát triển hay chăng? Một khi đã cam kết chống biến đổi khí hậu cũng có nghĩa là phải đầu tư công nghệ mới để thay đổi công nghệ sản xuất “sạch”, ít phóng thích khí thải nhà kính, hoặc phải chịu chịu giảm tỷ lệ tăng trưởng. Cả hai phương cách đều làm giảm sự tăng trưởng cho chính quốc.

·       Khó khăn thứ ba là tài chính: Liệu các nước giàu ở Bắc bán cầu có chịu đóng góp mỗi năm 100 tỷ đô la vào Quỹ Khí hậu Xanh để giúp các nước nghèo ở Nam bán cầu chống biến đổi khí hậu hay không?

Vì vậy, để áp dụng “tính ràng buộc”, cần phải có những biện pháp cứng rắn hơn nữa để ép các quốc gia đã phát triển đóng góp vào Quỹ Khí hậu Xanh hầu đạt được mục tiêu 100 Tỷ hàng năm cho toàn cầu từ 2015 cho đến 2020. Làm thế nào để có những những biện pháp “cứng rắn” một khi LHQ qua Chương trình Môi trường đã bị nhiều thế lực quốc tế khuynh đảo. Có thể nói thẳng ra là Trung Cộng.

Như vậy, mức duyệt xét của LHQ sau 5 năm (2020) đã có kết quả như thế nào?

·       Trung Cộng phát thải CO2 và xây dựng thêm nhiều nhà máy nhiệt điện so với trước Thượng đỉnh. Điều nầu đã không xảy ra và ngược lại, tính đến năm 2020, TC đã phát thải khí CO2 tăng 20% so với mức 2015;

·       Mọi đóng góp trong số 100 tỷ Mỹ kim cho Quỹ Khí hậu Xanh hầu như hầu hết các quốc gia “đã hứa” nhưng không tuân thủ!

·       Chỉ có một số quốc gia như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức, Nhựt…đã giảm phát thải khí Carbonic, nhưng với số lượng không đáng kể so với định mức như đã…hứa.

·       Tuyệt đại đa số các quốc gia đang phát triển đều không tuân thủ và giảm sự phát thải từ năm 2020. Làm sao họ có thể đáp ứng những lời hứa và ký kết cho những năm… 2025, 2030, 2040, 2050, và 2100! 

3-    Hình ảnh thế giới năm 2030 

Với tính lạc quan về tương lai năm 2030, hình dung chúng ta đang sống trong một nền kinh tế tuần hoàn toàn cầu. Tất cả cánh cửa khoa học đã “mở” ra khắp nơi trên thế giới và đã trở thành cố ý minh bạch (intentionally transparent). Chính nét suy nghĩ mở này đã tạo ra sự gia tăng niềm tin trong dây chuyền cung ứng thế giới và làm cho dây chuyền nầy có trách nhiệm hơn lên. 

Các tiến bộ trong cuộc cách mạng công nghiệp như: - Trí tuệ nhân tạo, - “Mạng toàn cầu vạn vật” (Internet of Things -IoT), - và Công nghệ nano đã tạo thuận lợi cho việc theo dõi các kim loại và khoáng chất quan trọng từ mỏ đến người tiêu dùng. Sự minh bạch này đã báo trước một 'tiêu chuẩn mới” (new Norm), trong đó các nguyên liệu thô mà chúng ta sử dụng để sản xuất và xây dựng có thể được truy nguyên từ khi chúng được chiết xuất cho đến lần đầu tiên sử dụng, tái sản xuất và tái cấu trúc và tái sử dụng cuối cùng. 

Bước vào năm 2030, không ai nói về nền kinh tế tuần hoàn; nó chỉ là nền kinh tế đích thực. Các “sân chơi cứng” (hard playground) trong sự thịnh vượng xã hội ngày càng tăng, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào vật liệu và năng lượng chính, đã được thực hiện. Chúng ta từng khổ sở khi nhìn thấy nhiều năm tháng ảm đạm trong những năm 2010, khi hàng tỷ tấn nguyên liệu được khai thác hàng năm để đáp ứng nhu cầu cần thiết của xã hội – nhưng trong đó, chỉ một phần nhỏ được tái chế cho việc sản xuất trở lại. 

Mọi người bước vào năm 2030 sẽ chứng kiến kỷ nguyên các sáng kiến đã được đưa ra để thúc đẩy hành động hướng tới lượng khí thải carbon trở về số không (net-zero) từ ngành công nghiệp nặng và ngành vận tải nặng. Những cải tiến trong chuỗi cung ứng pin bền vững đã cho phép các ngành công nghiệp vận tải và năng lượng giảm 30% lượng khí thải, mang các nền kinh tế về đúng hướng để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa ước Paris COP21. Để rồi, khi nhìn lại, chỉ còn rất ít danh mục được hưởng lợi nhiều hơn từ tầm nhìn của các chính trị gia và doanh nhân của chúng ta so với ngành công nghiệp pin. Cuộc cách mạng tế bào năng lượng (cell-powered) đã tạo ra 10 triệu việc làm, thêm 150 tỷ đô la cung cho nền kinh tế toàn cầu và cung cấp điện cho 600 triệu người. 

Với giá thành công nghệ giảm nhanh tạo ra cơ hội lớn để giảm chất thải. Mạng lưới thế giới bắt đầu theo dõi các sản phẩm và vật liệu càng làm cho giá cả rẻ hơn nhiều so với trước đây, tăng cơ hội để phục hồi và tái chế trở lại.

Từ đó, chúng ta tập trung vào việc nắm bắt thêm nhiều giá trị hơn từ các cơ sở hạ tầng hiện có nhằm kết hợp hành động trong việc chế ngự những tác động của ô nhiễm, biến đổi khí hậu, và các tai ương khác của hành tinh chúng ta đang sống.

Với tầm nhìn về thế giới lạc quan và có tính khả thi cao như trên, hành tinh chúng ta đang sống sẽ diễn ra như thế nào trong năm 2030? 

Đời sống cá nhân sau năm 2030

Trong chiều hướng suy nghĩ trên, hình dung đến năm 2030, lượng khí thải CO2 của bạn sẽ giảm xuống rất xa. Không khí bạn thở sạch hơn. Thiên nhiên đang hồi phục. Thay đổi sự biến đổi khí hậu trong chiều hướng sẽ làm cho chúng ta có một môi trường sống lành mạnh hơn.

Đó là những gì sẽ xảy ra cho năm 2030 nếu chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Hình dung khi bạn bước ra khỏi cửa vào buổi sáng ở một thành phố xanh và đáng sống. Bạn có thể chọn gọi xe Taxi/Uber. Máy điện toán trong cell phone của bạn đã tính toán tuyến đường thông minh nhất cho chiếc xe đến đón bạn và đón một vài người khác trên đường đi. Vì hội đồng thành phố đã cấm xe hơi tư nhân trong thành phố, hàng loạt dịch vụ di chuyển mới đã có sẵn. Nó rẻ hơn khi bạn không sở hữu chiếc xe riêng của mình, và nó làm giảm tắc nghẽn; vì vậy bạn đến đích nhanh hơn và không phải mất thời gian tìm chỗ đậu xe. Sẽ có rất ít xe trên đường phố và phần còn lại là xe điện vì tất cả điện trong thành phố do năng lượng “xanh” cung cấp. 

Các dụng cụ bằng nhựa (plastic) xử dụng một lần đã trở thành…huyền thoại. Khi bạn mua một dụng cụ, bạn mua một cái gì đó có thể dùng trong dài hạn. Nhưng bởi vì bạn mua ít thứ hơn rất nhiều so với trước đây, bạn thực sự có thể mua những sản phẩm có phẩm chất tốt hơn. Từ chối (rác không tái chế được) - Tái sử dụng -  Giảm thiểu - Tái chế - Refuse, Reuse, Reduce, Recycle… là lối nhìn mới về sự vật. Mọi công dân giờ đây sẽ có nhiều tiền hơn để chi cho các dịch vụ: dọn dẹp, làm vườn, giúp giặt giũ, bữa ăn lành mạnh dễ nấu, giải trí, trải nghiệm kinh nghiệm sống… Tất cả đều mang lại cho “con người” hiện đại trung bình nhiều lựa chọn hơn và nhiều thời gian dành cho những sinh hoạt hàng ngày hơn, từ đó, có thêm thì giờ cho những sinh hoạt tinh thần và tâm linh hơn…như đọc sách, cầu nguyện, sám hối chẳng hạn! 

Tóm lại, giải quyết được các hệ lụy của sự biến đổi khí hậu làm cho đời sống con người thăng hoa hơn trong năm 2030 sắp tới. 

Chế ngự được một số hình thức tội lỗi xã hội

Bước đầu tiên để giảm bạo lực vào năm 2030 là ý thức rõ ràng về vị trí, không gian, và thời gian bạo lực xảy ra trên thế giới. Chúng ta thử xét xem trường hợp bạo lực gây chết người. Có một quan niệm sai lầm rằng nhiều người chết trong các khu vực chiến tranh nhiều hơn là trong các quốc gia hòa bình.

Xin thưa, sau khi xét bạo lực xảy ra trên thế giới trong một thời gian dài, Liên Hiệp Quốc cho thấy thống kê ghi ngược lại. Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm ước tính tỷ lệ này là khoảng 5:1, có nghĩa là có nhiều người chết do các nhóm tội phạm có tổ chức hoặc do cá nhân ở các quốc gia như Brazil, Colombia và Mexico gấp 5 lần hơn so với các cuộc xung đột nội bộ ở các quốc gia như Afghanistan, Syria và Yemen.

Từ đó, chúng ta cần phải chú ý đến việc nghiên cứu và đầu tư nhiều biện pháp trong việc giảm thiểu nguyên nhân tạo ra bạo lực và cải thiện việc bảo vệ các khu vực và dân số bị ảnh hưởng. Chẳng hạn ở Mỹ, nghiên cứu cho thấy rằng việc tập trung vào việc giảm bạo lực gây chết người ở 40 thành phố có tỷ lệ giết người cao nhất có thể cứu sống hơn 12.000 người mỗi năm. Ở Mỹ La-tinh, sự việc giảm giết người chỉ trong bảy quốc gia bạo lực nhất trong 10 năm tới sẽ cứu sống hơn 365.000 người. 

Hưởng không khí sạch là một quyền trong Hiến chương Nhân quyền LHQ

 Sau 10 năm can thiệp, các nhà hoạt động và các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ đã song hành bên nhau, không khí sạch được công nhận là quyền cơ bản của con người và các thành phố như New Delhi, Peking … sẽ quang đảng hơn và người dân sẽ nhìn thấy bầu trời xanh trong suốt cả năm.

Điều thay đổi từ những ngày đen tối ở năm 2020 đến ngày hôm nay, 2030 là sự thừa nhận sớm các tác động lên sức khỏe do sự ô nhiễm không khí của các chính phủ, thúc đẩy đến hành động trên toàn cầu.

 Một thành phố cung ứng mọi phương tiện xanh cho bạn 

Thông thường, các nhà thiết kế và chỉnh trang thành phố hiện tại thường phát họa những thành phố lớn với các cơ sở hạ tầng phức tạp. Thưc sự chúng ta có cần những thứ đó không? Rõ ràng là chúng ta cần những cơ sở hạ tầng mới để mở rộng các thành phố là quan trọng, nhưng có lẽ có một câu hỏi quan trọng hơn là chúng ta sử dụng và hưởng thụ những cơ sở hạ tầng hiện tại của mình đến mức nào? 

Vào thập niên 1980, khi thế hệ “bùng nổ trẻ em” (baby boomers) đến với số lượng lớn tại các trường đại học trên khắp thế giới, hầu hết các trường chỉ đơn giản là nới rộng trường ốc với chi phí rất cao. Một ngoại lệ quan trọng ở Đại học Cape Town là vì không thể mở rộng được, cho nên Ban Điều hành đại học đã tự hỏi là cơ sở của trường đã dung chứa hết 100% diện tích xây dựng chưa?

 Câu trả lời sau khi nghiên cứu là: - Trường chỉ xử dụng 17% số giờ giảng trong các lớp học, phòng thí nghiệm mà thôi! Và trong 30 năm tiếp theo, Đại học Cape Town đã tăng số lượng sinh viên gấp đôi trong khuôn viên trường mà không có bất kỳ chương trình xây dựng lớn nào, chỉ đơn giản bằng cách chấn chỉnh lại các thời khoa biểu hợp lý hơn cho việc giảng dạy và phân phối lớp học hợp lý hơn. 

Phần lớn cơ sở hạ tầng ở các thành phố của chúng ta ở cũng không được sử dụng nhiều. Đường cao tốc được thiết kế cho giờ cao điểm; các trường học chỉ có học một buổi mỗi ngày, thường là vào buổi sáng, buổi chiều và buổi tối rảnh rỗi. Một nghiên cứu mang tên “Biến đổi các thành phố ở Úc” (Transforming Australian Cities) đã đề ra rằng nếu tất cả sự phát triển trong tương lai nằm gần ranh giới tàu điện ngầm hiện tại, các thành phố sẽ tiết kiệm được 110 tỷ Đô la chi phí cơ sở hạ tầng trong hơn 50 năm cho mỗi 1 triệu người cư ngụ thêm vào thành phố. 

Tầm nhìn cho năm 2030 là một thế giới nơi các thành phố tận dụng tốt hơn cơ sở hạ tầng hiện có, trước khi xây dựng các dự án mới với chi phí tài chính và môi trường lớn. Điều này sẽ thấy những người sống gần hơn với khả năng tiếp cận tốt với cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông công cộng, dịch vụ xã hội và không gian công cộng có phẩm chất tốt hơn, người dân có nơi đi bộ hợp lý là hình thức giao thông chính yếu. 

Qua những phát họa trên đây, chúng ta thấy rằng thế giới năm 2030 sẽ là một khung trời đáng sống cho mọi công dân toàn cầu. Từ đó, tham vọng chính trị, tham vọng chiếm đoạt trên cương vị con người hay quốc gia lần lần sẽ giảm xuống vì tốc độ và sức ép của cuốc sống không còn đè nặng nữa.

Phải chăng thời điểm 2030 sẽ là một dấu ấn mới trên hành tinh chúng ta đang sống cho một …Thiên Đàng Hạ Giới mà mỗi người trong chúng ta đang cố gắng truy tìm?

Chúng ta chờ xem tương lai sẽ trả lời như thế nào? 

4-    Thay lời kết

Qua nội dung những tin tức và các thông điệp của xã hội dân sự trong suốt gần sáu năm qua, chúng ta thấy gì?

·       Phải chăng, có một cái gì không ổn trong vấn đề ràng buộc và tính áp đặt trong Thỏa thuận COP21?

·       Phải chăng, trong tâm khảm của 196 đại diện cho 196 quốc gia đi phó hội Thượng đỉnh COP21 có lấn cấn một “cái gì” (cho tình trạng riêng của mỗi nước), để rồi, khi Thỏa thuận được đúc kết trong “gượng ép” mà vẫn phải gọi là “Thỏa thuận lịch sử” hay “Thỏa thuận bước ngoặt”?

Có phải 196 đại diện tuy đồng sàng nhưng dị mộng?

Theo thống kê, chúng ta đều biết, trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, sự tăng trưởng của khí thải nhà kính tăng nhanh hơn trong giai đoạn 1980 đến 1990. Và hiện tượng trái đất nóng nhứt so với quá khứ xảy ra vào năm 2014, và nhiệt độ không khí tăng lên trung bình ở mặt đất cho thập niên nầy là 0,90C, cao hơn sự tăng nhiệt độ từ thập niên 1880 trở đi.

Vì vậy, với điều kiện công nghệ hiện có và văn minh hiện tại, cũng như suy nghĩ của những nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu, thiết nghĩ, cần phải chuyển hướng và sáng tạo một phương cách mới trong việc hạn chế sự hâm nóng toàn cầu, mà ngày hôm nay, được định nghĩa lại là “Sự biến đổi khí hậu – The climate change”.

Phải chăng lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đã đồng ý trên những kết ước không thực tế trên phương diện thực hiện, thiếu nhiều căn bản pháp lý cũng như khoa học trong việc kết luận về vấn đề thay đổi khí hậu, và chịu ảnh hưởng và áp lực chính trị của nhiều hệ thống quyền lực hữu hình như Trung Cộng và vô hình đang khuynh đảo thế giới, nhứt là ở Hoa Kỳ hiện tại?

Trên thế giới hiện nay có hai khuynh hướng khoa học có tỷ lệ ngang ngửa, hoàn toàn trái ngược trong việc giải trình hiện tượng “thay đổi khí hậu toàn cầu” nầy:

-       Khuynh hướng thứ nhứt cho rằng: Trái đất chuyển vận theo chu kỳ Ấm – Lạnh tự nhiên. Khi dân Viking bắt đầu di cư về hướng Nam và định cư ở các quốc gia Bắc Âu, và Ireland cuối thế kỷ thứ 8 vì…chu kỳ Lạnh đã bắt đầu vì đất đã bị đóng băng không còn thích hợp cho việc trồng trọt và chăn nuôi. Và thế kỷ 20, phải chăng thời điểm nầy là buổi bình minh của chu kỳ Ấm?

-       Khuynh hướng thứ hai nhứt định: Trái đất nóng lên là do sự phát thải khí Carbonic do kỹ nghệ và nhu cầu phát triển của nhân loại. Hạn chế bớt việc phát thải khí CO2 tức là hạn chế được sự hâm nóng toàn cầu. Theo ước tính của IPCC, từ nay cho đến năm 2038, toàn cầu chỉ có thể phát thải tối đa 1.000 tỷ tấn khí Carbonic vào khí quyển mà thôi. Trong quá khứ 140 năm về trước, có 1.900 tỷ tấn CO2 đã bao phủ bầu khí quyển của chúng ta rồi, căn cứ vào nghiên cứu của Khoa Vật lý, Đại học Oxford, Anh.

Nhưng dù sao đi nữa, dù có khuynh hướng nào đi nữa, chúng ta vẫn nhận thấy việc phát thải khí CO2 vào không khí là một trong nhiều nguyên nhân khác nữa làm cho bầu khí quyển “nóng” lên trong hiện tại, và mỗi quốc gia (và chúng ta) đều có trách nhiệm liên đới.

Vì vậy, cần phải động não nhiều hơn nữa về những phương pháp hạn chế (vì không thể nào chấm dứt được) việc phát thải trên:

·       Tiền: Thay đổi công nghệ sạch, cần đầu tư nguồn vốn vào nghiên cứu cũng như chấp nhận chậm phát triển trong giai đoạn chuyển tiếp;

·       Chấm dứt hẳn việc xử dụng năng lượng hóa thạch. Điều nầy không dễ vì, nếu lấy Hoa Kỳ làm thí dụ, lượng than đá của xứ nầy còn đủ dùng cho 250 năm nữa, Mỹ không thể chấm dứt việc dùng than trong một sớm một chiều được, nhưng kỹ nghệ nầy đã được thay thế bằng phương pháp “hóa khí” – “gasification” than đá trước khi biến thành điện năng, giảm hơn 90% việc phát thải khí CO2 so với phương pháp cổ điển bằng cách đốt than đá trực tiếp;

·       Việc áp dụng các loại năng lượng tái tạo (renewable energies) cũng cần phải cân nhắc lại vì, năng lượng tái tạo như thủy điện sẽ không phát thải khí nhà kính, nhưng lại hủy hoại hệ sinh thái toàn vùng. Chính vì vậy mà Ngày Môi trường Thế giới năm nay 2021 cổ súy cho việc phục hoạt hệ sinh thái toàn cầu;

·       VIệc cải tiến công nghệ thực phẩm và lương thực để thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt hơn nữa trong tương lai nhằm giảm thiểu nguồn nước tiêu thụ cũng như phân bón và các hóa chất bảo vệ thực vật. Cân bằng nguồn lương thực động vật và thực vật sẽ là một tác động không nhỏ trong việc giảm thiểu việc phát thải khí Carbonic;

·       Phải chăng, đã đến lúc chúng ta cần phải xét lại thói quen và cung cách ăn uống của chúng ta nhứt là đối với những người sống trong những quốc gia có nguồn lương thực dồi dào và ăn quá nhiều “thịt” như ở Hoa Kỳ?

·       Một gợi ý khác nữa là, nếu chúng ta không giảm thiểu được nguồn phát thải khí CO2 vào bầu khí quyển do điều kiện đặc thù của từng quốc gia, một giải pháp khác được nêu ra là “làm nguội trái đất bằng cách đưa vào bầu khí quyển một lớp mây tinh thể - Salt crystal clouds…để ngăn chận bớt tia sáng mặt trời do hiện tượng phản chiếu gây ra. Đây là một ý tưởng độc đáo của một số khoa học gia nghiên cứu về neo-energie (năng lượng mới). Từ đó, trái đất sẽ bớt…nóng lên!

Chừng ấy suy nghĩ thiết nghĩ cũng quá đủ cho các lãnh đạo toàn cầu và những nhà khoa học có viễn kiến của nhân loại suy gẫm.

Còn riêng đối với mỗi người trong chúng ta, với tư cách của một người dân toàn cầu, ý thức bảo vệ môi trường cần phải phát xuất từ trong TIM và hành động do Ý CHÍ, chứ không qua …LỜI NÓI!

Mai Thanh Truyết

Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam – VAST

Chuẩn bị cho COP 26 – 11- 2021

 



















Thursday, August 12, 2021

 

Chiếc áo Bà Ba

Vừa chuyển lên FB và gửi qua email chia xẻ cùng bè bạn bài tản mạn vui về…Những tam giác thiên thần, có nhiều phản hồi từ khắp nơi như sau:

·       Một chiến hữu già từ Paris viết qua:”Sao toa lại khều “Chống Tàu Diệt Việt Cộng” vào đây làm loãng đi tính dí dỏm của bài viết?”

·       Có một người bạn khác trên FB tuổi trên dưới 60 (do một người bạn khác cho biết) phán:””Em” tức tác giả còn quá trẻ trung”.

·       Một người bạn trong Nhóm chụp hình COFFA cho ý kiến:”Ha ha, anh bấy giờ lại có ý nghĩ …lợn cợn rồi đây. Ý nói là kỷ niệm xưa của tam giác tt thôi bác ah!!! nhớ ngày xưa các nữ sinh trung học phải mặc áo lót phía trong áo dài nữa, nên tam giác tt phải đợi tới cuối tuần!!!”

·       Nhận định của một nữ nhân trên FB:”Cám ơn anh những nhận định về tam giác thiên thần bên chiếc áo dài VN, một nhận định không giống phàm phu tục tử mà nó thuộc hàng tao nhân mặc khách. Hiện nay giới trẻ họ thích cách tân nhưng áo dài truyền thống với tam giác thiên thần vẫn còn hiện diện xuất hiện nhiều nhất ở các con chiên đi lễ nhà thờ Công giáo.”

·       Một người trẻ khác góp ý:”Chiếc áo dài với tam giác thiên thần của tác giả hiện giờ đã thành hiếm lạ tại quê nhà rồi, người ta chỉ thích Tây đầm cho sang trọng thôi!?”

·       Một nữ nhân vui tính viết lên mạng:”Mới đọc đến hình tam giác đã …hết hồn rồi.”

·       Một BS ở Việt Nam, Đại diện cho Quỹ Khuyến học Cao Đài xuất khẩu thành thơ:”Thấp thoáng em về trong giấc mơ - Chập chờn áo lụa tóc buông hờ - Em là ảo vọng hay mây trắng - Để lại hương thầm cho khách thơ.

Thân tặng ai còn mơ áo dài." 

Và để giữ lời hứa, hôm nay người viết bắt đầu truy tìm trên mạng về những hình ảnh biếm họa về những tam giác thiên thần trong chiếc áo bà ba. Có khó khăn gặp phải là các hình ảnh chiếc áo bà ba cổ truyền dành cho các cô gái miền Đồng bằng sông Cửu Long chơn chất hầu như không còn nữa. Đó là hình ảnh chiếc áo bà ba cổ tròn đơn sơ, vạt áo ngắn vừa đủ để che phủ “bàn tọa” và chiếc quần lãnh đen óng ánh màu xanh đậm do phẩm màu từ trái mặc nưa mọc đầy rẫy ở vùng Châu Đốc dọc theo biên giới Miên – Việt.

 Có thể nói, hình trên mạng bây giờ chỉ trình bày những chiếc áo bà ba đủ màu sặc sỡ, có tà áo rất dài đôi khi chỉ ngắn hơn tà áo dài chút xíu mà thôi. Và chiếc quần lãnh đen được thay thế bằng các màu tổng hợp, nhiều khi áo bà ba và quần cùng một màu không thể nào so sánh được với chiếc quần lãnh đen dân tộc được!. Tất cả biến thể không còn là chiếc áo bà ba nguyên thủy nữa, không khác chi biến thể Delta của con Covid Wuhan! 

Trở lại hình ảnh tam giác thiên thần qua chiếc áo ba ba, đây cũng là một trong những hình ảnh đặc thu của miền Nam sông nước. Chiếc áo bà ba hiện diện khắp nơi trong mọi sinh hoạt của người dân dù nam hay nữ, trong tư thế ngồi, lúc giã gạo, lúc giặt quần áo bên bờ sông, khi chèo ghe, lúc hong tóc ngoài nắng sớm… Và nhiều nhiều nữa. Đây mới chính thức là một nét văn hóa Nam Kỳ (Từ nhỏ từ những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ trước, tôi đã từng học, từng đọc là Nam Kỳ, chứ có nào nghe “Nam Bộ” như trong hầu hết các bài viết ở hải ngoại khi nói về địa danh nầy).

 Thưa bạn, 

Tôi sắp nói đến sự khác biệt giữa hai “tam giác thiên thần” của chiếc áo dài và áo bà ba đây.

Các bạn có thấy điều gì khác không? Có lẽ không, tôi trả lời dùm cho bạn đó.

Nhưng đối với riêng tôi, có một khác biệt rất lớn làm cho “người ngắm” có những rung động với “nồng độ” của mức …”sững sờ” khác nhau.

Vì sao? 

·       Thứ nhứt, hai tà áo dài rất dài phủ tận chân và được kết nối nhau bằng một nút bóp, hay một móc áo, hoặc một dây kéo (fermeture), từ đó làm cho hai mép áo tạo ra hai cạnh của tam giác khó di động được qua nhịp bước đi hay do gió…và tam giác thiên thần không linh động hay “lung linh” nếu không nói là…tam giác chết.

·       Ngược lại, với chiếc áo bà ba, hai tà áo ngắn do đó hai cạnh của tam giác thiên thần tương đối dễ di động hơn và cạnh huyền của tam giác là ranh giới của lưng quần lãnh đen. Khi xưa lưng quần được luồn bằng sợi dây thun cho nết không bám chặt vào thân thể người mặc. Qua hai đặc tính trên, mỗi khi đi đứng hay làm bất cứ một công việc gì, chúng ta có thể thấy được ba cạnh của tam giác thiên thần…di chuyển, lung linh, mờ mờ, ảo ảo…Từ đó càng làm cho …lòng trai rộn ràng hơn những tam giác thiên thần của chiếc áo dài.

        Các bạn nghĩ người viết phân tích như vậy có đúng hay không?

 

        Xin được nghe và đọc ý kiến phản hồi của các bạn, nhứt là trong phái nữ, người viết có một câu hỏi phụ thêm

        là:”Khi bạn đang mặc một chiếc áo bà bà với quần lãnh đen, được một người nam đứng ngó trân trân (tôi không dùng chữ …nhìn), bạn cảm thấy thế nào? Bạn có lúng túng…vân vê tà áo không?

        Người viết rất muốn nghe tiếng nói của các bạn.

 

         Riêng phần người viết, những điều ghi lại trên đây, tuy viết qua ký ức từ hơn 60 năm về trước. Nhưng hôm nay, kỷ niệm lại về, một kỷ niệm cách đây 9 năm tại phi trường Hobby, Houston. Hình ảnh một ông già, 70 tuổi bước ra khỏi phi trường sau khi lấy hành lý xong. Hình bóng một chiếc áo bà ba màu “beige” quyện khúc với chiếc quần lãnh đen đứng chờ bên cạnh xe. Chính buổi tao ngộ nầy làm dừng bước giang hồ của một lãng tử …già!

 

         Xin dừng lại đây, và chúc các bạn có được vài giây phút trở về thời hoa niên và chiêm nghiệm lại khoảng thời gian đẹp nhứt của đời người: chiếc áo bà ba.

 

        

          Mai Thanh Truyết

         Cô đơn-Cô độc-Cô liêu-Emptiness-Nothingness

         Houston – Thứ sáu 13-8-2021


        



         

















Wednesday, August 11, 2021

 

 

Viết về những tam giác thiên thần

Sáng nay, tôi thức dậy sớm hơn thường lệ tức khoảng 5 giờ sáng. Ngồi trước laptop. Tự dưng nghĩ về những hình ảnh thật xa xưa, trên 60 năm qua, hình ảnh những chiếc áo dài thướt tha xếp hàng, đôi khi có “chen lấn” trước một chiếc cửa sổ nhỏ ở Viện Đại học Saigon nơi công trường Dân chủ tức Công trường Con Rùa đường Duy Tân, Saigon. Đây là nơi các chị, dĩ nhiên là cũng có các anh, nhưng tôi nào chú ý đến đâu(!). Các chị là ai? Là những Cô Tú vừa đậu xong tú tài II đến đây để ghi danh vào các đại học ở Saigon.

Nhìn những nét mặt rạng rỡ, tươi vui có điểm thêm một nét “tự tin” vào tương lai trên mỗi gương mặt dù khác nhau qua những chiếc áo dài thướt tha. Và dĩ nhiên cũng có những chiếc jupe muôn màu tạo thêm nét chấm phá của các Cô Tú bên Marie Curie, Couvent, Regina, hoặc JJ Rousseau nữa…Có thể nói tôi có “cái nhìn” khác nhau so với các bạn trai khác.

Khác nhau ở chỗ:

·       Các bạn tôi chỉ nhìn thoáng qua tổng thể các chị để rồi tập trung vào “ngực tấn công và mông phòng thủ”. Xin nói trước là những từ ngữ trên chưa hề có trong đầu thập niên ’60 của thế kỷ trước, mà chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây thôi.

·       Còn tôi, chỉ chăm chú vào những “tam giác thiên thần” như tựa đề của bài tản mạn nầy thôi.

Mà tam giác thiên thần là gì? Ở đâu trên người của các chị?

Xin đừng nghĩ bậy bạ các bạn ơi! Ở tuổi hoa niên của thời buổi chúng tôi lúc bấy giờ rất thánh thiện, không chất chứa trong đầu óc những hình ảnh “đen tối” với những ý nghĩ thầm kín giữa đàn ông – đàn bà đâu. Xin nói ngay để bạn đọc khỏi…lùng bùng lỗ tai (!) là tam giác thiên thần chính là nơi hội nhập giữa lưng quần và kẽ hở bên hông chiếc áo dài của các chị đó! Nơi đây để lộ ra một mảng “thịt” trắng…hoàn toàn không có ý gợi dục già cả, mà nói lên một sắc thái đặc biệt có thể thể hiện ra cá tính (?) của từng chị một. Tôi nghiệm ra như thế!

Từ hình tam giác “đều” (ba cạnh bằng nhau) nhỏ nhắn, cho đến tam giác “cân” (hai cạnh bằng nhau thôi) với “đường huyền” rộng hẹp khác nhau! Đôi khi cũng có những tam giác…không giống con giáp nào cả mà tôi không biết mô tả là sao, chỉ trưng hình ra cho các bạn nhìn mà thôi.

Viết đến đây, tôi cũng biết trong đầu các bạn tôi thời bấy giờ lại có ý nghĩ …lợn cợn rồi đây.

Nhưng không sao, tôi sẽ kéo các bạn về thực tế của những tam giác thiên thần nầy. Với tôi, chính là vì ý nghĩ thiên thần cho nên “chữ nghĩa” mới chạy thông suốt tự do trên xa lộ mạng như thế nầy suốt buổi sáng. Cái đẹp dưới nhản quan của một người bị méo mó nghề nghiệp là phân tích “vi mô” (lại dùng từ ngữ của phía bên kia rồi), phân tích từng nguyên tử của hóa học…cho nên tôi nhìn cái đẹp không giống ai cả!

Đó là ánh mắt nai vàng ngơ ngác, đôi mắt lá răm làm người “được ngó” chết sửng!

Đó là cái miệng chưa nói đã cười mời mọc!

Đó là đôi môi chim chím nhưng thầm nhắc rằng …đã “chấm” rồi đó;

Đó là vùng eo thon thả hé lộ… tam giác thiên thần thể hiện một vùng trắng ngần tinh khiết!

Sau cùng, đó là cái duyên của một người con gái!

Chính cái điểm sau cùng tạo nên sắc thái đặc biệt của mỗi thiếu nữ. Cái duyên không định hình được, không thể phân tích hay mô tả mà chỉ có người có cầu nối Van Der Waals hóa học   mới kết dính (binding) được người nữ mà thôi. Duyên là vô hình và hữu hình. Bạn nào hiểu được thì hiểu. Không hiểu thì chịu thôi! 

Tôi cũng không quên viết tiếp là hiện tại tôi không còn “tuổi” để ngắm những tam giác thiên thần trên hay không còn vui thú khi ngắm nhìn những tam giác thiên thần của thời hoa niên nữa. Tất cả chỉ vì và có lẽ văn minh đã đánh mất đi hình ảnh cách đây gần 60 năm qua thời niên thiếu rồi.

Số là, chiếc áo dài ngày xưa chỉ cài “nút bóp” cho nên tam giác thiên thần hiện ra trọn vẹn, tinh khiết và đơn sơ. Còn ngày nay, áo dài của các chị được kết nối hai tà áo bằng cái “fermeture” vô duyên, đôi khi làm mất đi tính tự nhiên và hồn nhiên của tam giác thiên thần khi các chị sơ ý để đầu dây fermeture đưa ra trên đỉnh của tam giác. Tam giác thiên thần của tôi bị ô uế đi. Rất tiếc.

Viết đến đây tôi chợt nghĩ đến một anh bạn già Quý Mùi của tôi trên FB tên HL, hình ảnh cái tam giác thiên thần của anh ngày xưa đi lấy chồng, và sau bao nhiêu năm trôi qua, tam giác thiên thần của anh đã vào miên viễn rồi mà anh vẫn còn ray rứt thắc mắc tự hỏi: “em không ngờ ta lớn tuổi còn yêu - nên ỷ lại chẳng phòng thân thiếu phụ - và bữa đó có một người lãnh đủ - vầng trăng nghiêng sụp lặn mất sau đồi.” Tôi cũng thuộc loại “nòi tình” nhưng lại chịu thua cách “yêu và nhớ” của anh bạn già nầy.

Không những thế, anh còn nói …vói thêm là:”giai nhân nan tái đắc hề - nên ta cứ phải tình si một đời - dặm ngàn không thể người ơi - trần gian thì sắp hết thời trần gian - ta nhen đóm lửa đêm trường - soi cho biết một cánh hồn ở đâu - em nghiêng mái tóc âu sầu - bay không ngớt cõi đời nhau muộn màng - đành nan tái đắc tình nhân - ơn nhau khép mắt xin đừng ngó theo...” 

Viết đến đây, nhận biết có lẽ tam giác thiên thần của anh bạn già của tôi “thiên thần” hơn tôi, cho nên dù người yêu của tuổi hoa niên đi lấy chồng rồi, đi vào bờ giác rồi, mà anh vẫn tiếp tục “Tro bụi bám mảnh quần hồng - Ngoảnh nhìn lại nhớ.. bóng hồng ngày xưa…” Tôi chịu thua là phải rồi.

Thưa các bạn,

Bài tản mạn về những tam giác thiên thần của tôi hôm nay đến đây là hết (chương trình Tùng Lâm). Viết đến đây, tôi hỏi “tôi còn tỉnh táo” hay là đã bắt đầu đi vào tuổi Alzheimer, chỉ biết nhớ chuyện xưa mà quên đi chuyện nay?

Tôi chưa có câu trả lời, nhưng chắc chắn là tôi …viết những dòng tản mạn vui trên đây để cho “bên thắng cuộc” thấy là hiện tại tôi không còn cổ súy và chiến đấu cho công cuộc…Chống Tàu Diệt Việt Cộng nữa, mà chỉ nhằm mục đích “mua vui” trên mạng facebook “mới” của tôi mà thôi. (Xin thưa, FB cũ xây dựng gần 10 năm bị đánh sập chỉ vì tôi làm liên tục công việc vừa nói trên trong hơn 30 năm).

Chắc không đó???

Nghèo mà ham???

 Mai Thanh Truyết

Viết trong cơn Alzheimer – 11-8-2021 

Ghi chú: Bạn Hoàng Lộc thân mến,

 Thành thật xin lỗi về việc trích thơ của bạn mà không xin phép trước cũng vì bạn tuy không nói ra nhưng chắc bạn (?) cũng đã vì những tam giác thiên thần mà “nhả” ra những bài thơ lai láng tình si từ tuổi hoa niên cho đến giai lão…78! Bạn vẫn:”ai biểu cứ thương một lần hạnh ngộ - áo em bay không ngớt gió trong đời - ta khóc ngất bao lần sau bóng áo - chỉ mơ hồ nghe được chút thơm rơi - biền biệt mãi những gì ta tưởng gặp - ngày điêu linh nắng rớt cuối con đường - em yêu dấu, em đã từng ngoảnh mặt - thì sá gì dâu biển phía sau lưng...”

 Bạn làm tôi nhớ đến “Chúa nhật nầy Trẫm nhớ Ái khanh không? Của nhà thơ Nhất Tuấn vừa mất tuần trước đây.

 

Còn phần tôi, những tam giác thiên thần ngày xưa tôi đã bỏ vào “spam” rồi. Làm như thế để cho chứng Alzheimer sẽ phải chậm phát triển lại. Tôi chỉ còn TÔI!

 Thưa các Bạn, 

Nếu chứng Alzheimer của tôi chậm phát triển, tôi sẽ cố gắng viết vài hàng về chiếc áo bà ba với cái quần lãnh đen óng ánh xanh đậm do thuốc nhuộm từ hột mặc nưa (Châu Đốc), một loại phẩm nhuộm mà tôi tình cờ có dịp dự phần vào việc sản xuất sau 1975 khi còn kẹt lại.  Đây cũng là một hình ảnh thiên thần của thời hoa niên của tôi. Hơn 60 năm qua sau thời mới lớn, đên bây giờ tôi mới hiểu sâu hơn và thấm được tình tự dân tộc của những người dân mộc mạc, chất phác của miền Đồng Bằng Sông Cửu Long miền Nam. Quê hương ơi! Quê hương còn đó không?