Friday, May 28, 2021

 

Thưa Quý vị,

Năm nay, 2021, Ngày Chiến sĩ Trận vong vào ngày 31/5, người viết xin chuyển lại bài viết từ năm 2013 nhằm diễn đạt cùng một suy nghĩ cách đây 8 năm. Dù sao đi nữa, dù người lính của bất cứ quốc gia nào, bất cứ màu da nào cũng đáng được vinh danh và tưởng niệm.

Họ xứng đáng là những đứa con của Tổ Quốc. Duy chỉ có một ngoại lệ, những người lính của cộng sản Việt Nam được nhồi sọ và đào tạo nhằm làm “con cờ” cho  một chế độ độc tài, độc đảng cộng sản mà thôi. Họ không còn khái niệm tổ quốc là gì cả! Thật đáng tội nghiệp. Chúng ta cần giúp họ vượt qua khổ ải nầy. Trong trường hợp Việt Nam hiện tại, chính những người lính nầy, (ngoại trừ một số tướng lãnh CSBV đã cùng phe nhóm với độc tài đảng trị), là những nhân tố đứng về phía dân tộc để …xóa tan cơ chế chuyên chính vô sản của CSBV.

Chúng ta hãy chờ xem…

 

Tản Mạn Ngày Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong


Ngày 27 tháng 5 năm 2013 là ngày Chiến sĩ Trận vong (Memorial Day). Từ khu South West, qua lời kêu gọi của một người bạn cựu quân nhân Việt Nam, chúng tôi lên đường tham dự Lễ tưởng niệm và vinh danh chiến sĩ tại Houston National Cemetery nằm trên đường Memorial Drive.

Trên đường đi vào cổng nghĩa trang, từng đoàn người vừa đi bộ, vừa lái xe chầm chậm đi tìm chỗ đậu xe. Chúng tôi cũng nằm trong dòng xe chạy từ từ về hướng Hemicycle Memorial, tên gọi của nơi cử hành lễ. Nơi tưởng niệm nầy là do một giáo sư Đại học Rice thiết kế vào năm 1975. Cũng cần nói thêm là Nghĩa trang quốc gia ở Houston nầy được xây dựng từ một nông trại do một thương gia bán với giá rẻ cho thành phố, và  khánh thành ngày 7/12/1965. Với 419 acres diện tích, nghĩa trang lớn thứ hai Hoa Kỳ chỉ sau nghĩa trang Arlington (450 acres) mà thôi.

Với trên 65 ngàn ngôi mộ, chúng tôi thấy hàng hàng lớp lớp cờ Hoa Kỳ được gắn ngay ngắn trước mỗi mộ. Có nơi mộ bia nằm ngang với mặt đất, có nợi mộ bia đứng thẳng, ngay hàng thẳng lối.

Không khí trang nghiêm mặt dù từng đoàn người và xe di chuyển. Sự im lặng làm tăng thêm vẻ uy nghi của nghĩa trang và của Ngày Tưởng Niệm và Vinh Danh những cựu chiến binh.

Khi chúng tôi vừa đến buổi lễ cũng vừa bắt đấu lúc 9:45AM bằng bài quốc ca Hoa Kỳ thật trang nghiêm. Sau đó, Trung tá Kurt Leslie, Air National Guard Commander bắt đầu khai mạc buổi lễ. Nhìn chung quanh lễ đài, lá cờ vàng ba sọc đỏ phất phới bay trên từng thứ hai của khu Hemicycle Memorial hình vòng tròn. Một niềm hãnh diện và bùi ngùi trong tôi khi nhìn lá cờ thân yêu tung bay cùng với hàng mấy chục lá cờ khác của Hoa Kỳ; hãnh diện vì thấy biểu tượng của quê hương phất phới tung bay trên một đất nước tạm dung nầy; và bùi ngùi vì nơi đây không phải là quê hương.

Tiếp theo Trung tá Leslie, Bà Thị trưởng Annise Parker nối lời bằng những lời nói ngắn gọn và thật cảm động:”Hôm nay là ngày tất cả chúng ta hiện diện nơi đây để tưởng niệm và vinh danh nhưng người cựu quân nhân bởi vì họ là những người chiến đấu cho chúng ta.

Kế tiếp sau đó, Ông Jerry Patterson, Texas Land Commisionner đọc một bài diễn văn, trong đó tôi ghi nhận được hai câu tôi nghĩ nói lên trọn vẹn suy nghĩ của mình đối với những người chiến sĩ Cộng hòa Việt Nam. Đó là “No matter what you think of the war, you honor the warrior”. Và một niềm se sắc trong tim tôi khi nghe Ông tiếp :“Our nation is still independent and free (because of their sacrifice).

Còn những chiến binh Việt Nam thì sao?

Dù bị đối xử như thế nào đi nữa, người lính chiến VNCH, chưa hề bị rã ngũ, vẫn hiên ngang hiện diện trong những đoàn diễn hành qua lễ đài. Nhìn từng bộ quân phục của các binh chủng, các anh chị có già đi, nhưng tôi tin tưởng trong các anh vẫn còn tinh thần chiến đấu của người lính chiến “Tổ quốc, Danh dự, Trách nhiệm”. Tiếng vổ tay khi các anh bước qua nhưng trong những tiếng vổ tay vẫn còn một chút gì uất nghẹn trong cổ họng. Bao giờ người lính chiến Việt Nam oai hùng đi diễn hành giữa đường phố Sàigòn?

Tôi đã dừng lại và chụp hình cùng vài người lính Việt mà tôi chưa hề quen biết, nói với các anh vài lời ngưỡng mộ và cũng xin cám ơn các anh đã vì quê hương mà phải…xa lìa quê cha, xa mà vẫn gần, gần trong niềm hãnh diện của một người con Việt.

Rời Nghĩa trang thành phố, chúng tôi kịp về Tượng đài chiến sĩ Việt Nam trên đường Bellaire cho kịp lễ tưởng niệm đúng 12 giờ trưa.

Cũng những khuôn mặt trên nghĩa trang quốc gia, buổi lễ nơi đây đơn giản hơn nhiều. Phải chăng sự đơn giản nơi đây thể hiện một phần nào …sự thờ ơ của ngưới dân việt cự ngụ ở thành phố nầy. Phải chăng tình trạng vắng bóng sự tham gia của đồng hương cũng phản ảnh phần nào sự phân tán niềm tin và tinh thần thiếu vắng sự hợp quần cho một công cuộc chung là…chiến đấu cho một nước Việt độc lập và tự do như lời của Ông Parker nói trong buổi lể Chiến sĩ Trận vong ở Nghĩa trang Quốc gia Houston.


Trên đường về nhà sau một ngày có ý nghĩa, tôi thấy có niềm cay đắng thấm trong tôi. Tuy không nước mắt lưng tròng, nhưng tôi vẫn ngậm nhấm được nỗi buồn ly hương và xót xa cho một dân tộc còn nhiều dày xéo do chính kẻ thù mà cũng do chính mình mà ra.

Ngày về quê Cha chắc cũng còn xa…

Mai Thanh Truyết

Kỷ niệm Ngày Memorial Day,

Houston, 27/5/2013









Tuesday, May 25, 2021

 


 

Thú đam mê đọc sách của người dân Hà Nội

THưa Quý vị,

Lượm trên mạng thấy bài viết “Thú đam mê đọc sách của người Hà Nội (hiện tại), tiện nhân vội tìm trong mạng để tự hỏi “Còn người Hà Nội (xưa) đọc sách như thế nào?”. Sau cùng tìm được bài dưới đây với đề tựa (Văn hóa đọc của người Hà Nội”.

Xin chia xẻ cùng Quý vị để thấy văn hóa “đọc sách” của hai giai đoạn kịch sử Việt Nam.

***

Văn hóa đọc của người Hà Nội

ICTnews - Văn hóa đọc gắn bó với người Hà Nội như là nguồn sống quí giá mà ít có món ăn tinh thần nào có thể sánh được.

Thăng Long – Hà Nội, nơi tinh hoa dân tộc hội tụ và tỏa sáng. Mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến luôn tự hào với truyền thống hiếu học, quý trọng người tài, coi trọng tri thức. Vì vậy mà người Hà Nội rất mực yêu sách, ham thích đọc sách và coi sách như người bạn cuộc đời. “Trung thư hữu ngọc” – trong sách có ngọc, câu nói đó đã cho thấy sách có tầm quan trọng như thế nào. Và một điều thật hiển nhiên và lý thú khi chính Thăng Long – Hà Nội với một bề dày văn hóa lịch sử, chuyên trở trong mình những giá trị truyền thống bền chặt, vẹn nguyên đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận, chất liệu dồi dào để tạo nên biết bao tác phẩm - cuốn sách có giá trị.

Hà Nội 36 phố phường, qua từng ngõ phố, qua từng con hẻm, người ta bắt gặp những hiệu sách, sạp báo to, nhỏ đầy ắp lượng thông tin trong ngày. Trên mọi ngả đường Hà Nội, hình bóng những người dân tranh thủ cập nhật thông tin mọi lúc, mọi nơi dù chỉ là ít phút nghỉ ngơi giữa hàng núi những công việc trong ngày.

Hà Nội bây giờ sách cũ xuất hiện khá nhiều, góp phần không nhỏ vào việc khôi phục văn hóa đọc của người Hà Nội. Ông Bùi Ngọc Quảng đã mở hiệu sách cũ từ năm 1970 tại số 2 phố Thi Sách, thổ lộ: Sách cũ không chỉ bảo vệ túi tiền, mà còn lưu trữ nhiều tri thức quý báu mà không phải lúc nào cũng có thể tìm được trên mạng hay trong sách mới. Vì thế nhiều người đã đặt niềm tin vào hiệu sách cũ để xây dựng "văn hóa đọc" cho riêng mình.

***

Thú đam mê đọc sách của người dân Hà Nội ngày hôm nay được tác giả Chaunguyenthi ST mô tả dưới đây, bảo đảm người chuyển không thêm thắt một chữ nào hay một dấu “,” dấu “.”, hay dấu “!”…nào cả

Mời đọc phần dưới dây:

 

Có thể nói khoảng trước năm 1990, còn được gọi là "Thời Kỳ Bao Cấp", dân Hà Nội là những người ham đọc sách nhất thế giới!

Tôi là nhân chứng của chuyện này.

Một buổi sáng mùa hè năm 1986, dịp ra thăm Hà Nội. Đang lang thang trên phố Tràng Tiền phía đối diện Công Ty Phát Hành Sách để ngắm phố và tìm cốc cà-phê sáng thì thấy một đám đông phần nhiều là đàn bà và trẻ con, ăn mặc lôi thôi lếch thếch đang xếp hàng rồng rắn chờ mua sách.

Đặc biệt là bên cạnh đoàn người còn có cả xe xích-lô, xe ba-gác, và xe "cải tiến" (loại xe cút-kít tự chế) cũng đang kiên nhẫn đứng chờ.

Vừa định bỏ đi thì một bà trong hàng chạy ra nắm chặt tay tôi nài nỉ:

"Bác làm ơn giúp cháu mua sách với."

Tôi tìm cớ thoái thác là mình chưa ăn sáng, thì bà ta quát thằng con đứng bên cạnh:

"Mày chạy ra bưng đồ ăn thức uống vào đây ngay để mời ông."

Một lát sau, thằng bé mang theo cốc nước chè và một nắm xôi dúi vào tay tôi, miễn phí.

Tôi muốn từ chối nhưng dứt ra không được một phần vì bà cứ nắm chặt tay tôi, phần nữa vì quý tấm thịnh tình của bà, dám mời một người không hề quen biết gói xôi để giúp mua sách !

Chờ tôi ăn xong bà mới dúi vào tay tôi tấm phiếu mua sách mà bà chạy chọt được từ cả tháng trước.

Hỏi ra mới biết là dịp hè mỗi năm, công ty phát hành sách lại bán tống bán tháo số sách tồn đọng in từ năm ngoái với giá thật rẻ để có chỗ chứa sách mới in.

Đoàn người mua sách có vẻ háo hức lắm, họ kháo nhau "năm nay trúng lớn" vì tin tức lộ ra từ "bên trong" cho hay năm nay sách bán ra gồm 3 bộ:

"Tư Bản Luận", "Lê-Nin toàn tập" và "Hồ Chí Minh Toàn Tập".

Toàn những bộ sách dày, hiếm quý, mỗi bộ nhiều không thua gì Encyclopedia, in ấn công phu trên giấy trắng bóng lưỡng, bìa cứng mầu đỏ có chữ kim nhũ tuyệt đẹp.

Thấy toàn là những sách khó đọc mà không khí mua sách lại phấn khởi như thế nên tôi cũng tò mò hỏi thăm:

"Thế trong đó họ có bán Tiểu Thuyết Tự Lực Văn Đoàn không ?"

Thì một bà đứng hàng trước chõ miệng vào:

"Rõ chán cái ông này cứ hỏi ngây ngô, rách cả việc. Người ta xếp hàng mua giấy gói xôi thì mới phải chờ lâu đến thế! chứ mua ba cái sách truyện thổ tả in bắng giấy bèo nhèo thì bán cho chó nó ăn à? Giấy đi cầu thì dùng Báo Nhân Dân, vừa đỡ tốn lại dai và tốt hơn nhiều."

Tôi hãi quá đành giữ im lặng. Cũng may có một số người thấy tội nghiệp nên đứng ra bênh tôi, đám đông chia ra 2 phe cãi nhau ỏm tỏi.

Nghe tiếng ồn ào, 2 cô "mậu dịch viên", là 2 nhân vật quan trọng nhất của công ty chạy ra hét:

"Các anh chị có im lặng hết không? Mua sách là một hành động văn hóa ! Phải chứng tỏ mình là người có văn hóa!.

Đám đông tức khắc trở nên trật tự, vì họ biết 2 cô này có đủ uy quyền để không bán cho người mà họ thấy ngứa mắt, dù là có xuất trình đầy đủ sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân và phiếu mua sách.

Chờ mãi rồi cũng tới lúc chen chân được vào Công Ty phát hành sách và may mắn thay, tôi được phân phối một bộ "Tư Bản Luận".

Trao cho người nhờ vả xong, bà ta cứ cám ơn mãi vì đây là bộ sách dày nhất và quý nhất.

Ngay sau khi sách được chuyển ra khỏi cửa thì việc làm làm đầu tiên của các "độc giả" là xé bỏ những tấm bìa sách quăng ngay xuống đất cho nhẹ, còn giấy in sách thì các ông chất lên xe xích-lô, Ba-gác chở về nhà.

Sau khi các "độc giả" giải tán, 2 cô mậu dịch viên chạy ra cửa, thấy đống bìa sách xé vứt bừa bãi, tung tóe dưới đất bèn chửi đổng:

"Đéo mẹ cái lũ ăn cháo đái bát, chưa mua thì miệng cứ xoen xoét, chúng em sẽ giữ lòng lề đường sạch sẽ…"

Nhưng 2 cô không phải lo lâu vì chỉ một thoáng sau là đã có đám nhân viên sở tái chế tới tận nơi thu dọn sạch sẽ.

Họ gom góp đống bìa sách, phân loại cẩn thận, đem về xay thành bột, rồi thồn vào trong các chiếc túi vải dài cỡ gang tay để chế biến thành "Băng Vệ Sinh."

Bìa sách "Tư Bản Luận" có chất lượng cao vì xay ra rất mịn, có sức hấp thụ tốt, nên loại băng vệ sinh này được giao cho các cửa hàng cao cấp, để vợ và con gái các ông lớn dùng.

Băng vệ sinh làm từ bìa sách "Lê-Nin toàn tập" chất lượng kém hơn một chút nên phân phối cho thành phần "cốt cán", trung thành với Đảng và Nhà Nước.

Chẳng hiểu sao bìa sách "Hồ Chí Minh Toàn Tập" thì chất lượng lại kém đến thế, xay mãi mà vẫn còn sơ, mang vào ngứa ngáy lắm!

Nhưng tới kỳ mà không đeo cũng không xong, dù nhiều khi "ngứa tới độ gãi rách cả háng”.

 

Chaunguyenthi ST










Monday, May 24, 2021

 

Câu chuyện một dòng sông

Phần III - Những gì cần phải làm

 

Sau khi phân tích về hiện trạng sông Mêkong và Sông Cửu Long, đứng về phương diện quốc tế, mọi cải sửa hay thay đổi tình trạng trên hết sức khó khăn vì ba lý do chính sau đây:

·       Mặc dù TC là nguyên nhân chính yếu gây ra tình trạng hạn hán và nhiễm mặn thường xuyên cho ĐBSCL, nhưng TC lại là một Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, cho nên mọi tố cáo hay nghị quyết bất lợi cho TC đều bị…phủ quyết ngay;

·       Trong các quốc gia trong Ủy hội Mêkong, Thái Lan mặc dù nằm trong Ủy hội, nhưng vì quyền lợi của quốc gia cho nên tiếp tay hợp tác với TC trong việc xây dựng đập Xayaburi trên dòng chính Mêkong ở Lào nhằm mục đích dẫn nguồn nước chuyển qua lưu vực Bắc Thái cung cấp cho 400.000 hecta đất nông nghiệp cho xứ nầy;

·       Còn Lào, và Cao Miên có thể nói hiện là hai quốc gia hoàn toàn lệ thuộc vào TC. Cho nên Việt Nam hoàn toàn không có tiếng nói trong Ủy hội Mêkong và TC toàn quyền tự tung tự tác.

Từ đó, những gì cần phải làm để giải quyết tình trạng bế tắc của dòng Mêkong thật khó khăn. Mặc dù khó, chẳng lẽ chúng ta lại ngồi yên thụ động chấp nhận. Vì vậy, những đề nghị dưới đây xin được chia xẻ cùng quý vị hiện diện trong diễn đàn để cùng suy gẫm.

Đó là việc đề nghị các cơ quan liên quan đến nguồn nước sông Mekong và quốc tế, các nhà hoạch định chính sách và cư dân của lưu vực sông Mekong và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuân thủ và duy trì các nguyên tắc dưới đây để phát triển và khai thác lưu vực sông Mekong một cách nghiêm chỉnh và có trách nhiệm:

1. Rằng lệnh cấm được áp dụng ngay lập tức đối với các dự án chuyển dòng nước, đập và thủy điện trên sông Mekong, ưu tiên hàng đầu của các cơ quan quốc gia và quốc tế là phát triển dữ liệu cơ sở khoa học về sông Mekong, thủy văn và hệ sinh thái của sông.

2. Rằng tất cả các nhà phát triển dự án Mekong đều phải đánh giá tác động môi trường toàn diện và một hệ thống quản lý môi trường tuân theo tiêu chuẩn ISO 14000 sẽ được yêu cầu đối với tất cả các nhà phát triển dự án Mekong. Nghiên cứu Tác động Môi trường (Environmental Impact Assessment - EIA) sẽ được thực hiện bởi các nhà khoa học độc lập và có trình độ, không có xung đột lợi ích nhóm thực hiện dự án.

3. Rằng tất cả các dự án phát triển và chuyển hướng sông Mekong, bất kể nguồn tài chính và quyền sở hữu của chúng, phải được tôn trọng và trao "quyền được giáo dục" (right to be educated) cùng với "quyền được biết" (the right to know)  cho tất cả người dân bị ảnh hưởng. Những người dân bị ảnh hưởng phải được cung cấp đầy đủ tin tức tin và kiến ​​thức cần thiết để hiểu thiết kế của dự án, xem xét chi phí và lợi ích, đồng thời tự đánh giá các tác động lâu dài của dự án.

4. Rằng tất cả các nhóm dân cư bị ảnh hưởng trên toàn lưu vực, không liên quan đến biên giới quốc gia, đều có quyền tham gia vào bất kỳ quyết định của bất cứ dự án nào.

5. Rằng tất cả các cơ quan tiến hành hoạt động kinh doanh của mình theo nguyên tắc minh bạch và công bố đầy đủ như:1 - Tất cả các kế hoạch phát triển, thỏa thuận, 2- Dữ liệu cơ bản về môi trường, 3- Báo cáo đánh giá tác động môi trường, 4- Nghiên cứu khả thi phải được công khai và có sẵn để cộng đồng khoa học quốc tế xem xét các tổ chức phi chính phủ và bởi các công dân tư nhân.

6. Rằng việc xây dựng tất cả các chính sách và quyết định, dự án cũng như các quy tắc và quy định của Ủy hội sông Mekong và tất cả các cơ quan quốc gia thành viên sẽ bao gồm một chương trình tham gia của công chúng với quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí được đảm bảo.

7. Các chủ đầu tư, chủ sở hữu và các cơ quan phát triển phải chịu trách nhiệm về tất cả các tổn thất và thiệt hại về môi trường theo kế hoạch và ngoài kế hoạch do các dự án của họ gây ra và những thiệt hại về tài sản, thu nhập và sinh kế của người dân.

8. Rằng bốn quốc gia hạ lưu sông Mekong: Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam sửa đổi thỏa thuận năm 1995 để tuân thủ chặt chẽ ngôn ngữ của Luật Quốc tế về Xử dụng Phi Hàng hải của LHQ năm 1997

9. Rằng Trung Cộng và Myanmar cần phải gia nhập trở lại Ủy Hội Sông Mekong (Mekong River Commission - MRC) như trước năm 1995 trong Ùy ban Sông Mekong (Mekong River Committee - MRC) vì đã có chung dòng sông Mekong chảy xuyên qua. Hai quốc gia nói trên cần tham gia với bốn nước hạ lưu sông Mekong nói trên, và cùng nhau đàm phán một thỏa thuận về phát triển và bảo vệ sông Mekong trong thế kỷ 21.

Thưa Quý vị,

Qua những nhận định trên, chúng ta dù nhìn qua lăng kính nào đi nữa thì ảnh hưởng của việc xây đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong sẽ thay đổi toàn diện hệ sinh thái ở vùng hạ lưu. Và hai quốc gia phải gánh chịu nhiều tác hại nhứt trong Ủy hội Sông Mekong là Cambodia và Việt Nam.

Song song với việc trên, sự cố ý hay vô tình của các nước ở thượng nguồn càng làm cho vấn đề trở nên trầm trọng và sông Cửu Long của chúng ta ngày càng bị tác hại lên môi trường càng quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt những nguy cơ ảnh hưởng lên đời sống hiện tại và tương lai của người dân sống ở Đồng bằng Sông Cửu Long ngày càng nặng nề hơn do những chính sách phát triển thiếu điều nghiên kỹ lưỡng về các tác động môi trường trong từng kế hoạch. Đó là: - Hạn hán – Nhiễm mặn – Sạt lở hai bên bờ sông do khai thác cát – Đất bị hoang hóa và sa mạc hóa do việc tận dụng khai thác đất – Xây dựng đê bao làm nước bị bị chuyển dòng, một nguyên nhân làm tăng thêm việc sạt lở v.v…

Cũng cần nên nói thêm về một tội ác có thể nói là “diệt chủng” của CSBV đối với người dân vùng ĐBSCL bắt đầu ngay từ khi họ chiếm miền Nam năm 1975. Đời sống người dân ở ĐBSCL ngày hôm nay có thể nói là vô sản đúng nghĩa trong chính sách bần cùng hóa và cố triệt tiêu khả năng tư duy của người dân bằng cách hạ thấp trình độ giáo dục của người dân. Đó là:

·       Về kinh tế: Người dân ngày hôm nay, từ vị trí người chủ mảnh ruộng đã biến thành con nợ của ngân hàng nhà nước triền miên vì những món nợ liên tục từ phân bón, lúa giống, thuốc trừ sâu rầy là những món nợ mà nông dân phải “gối đầu”. Đây là một chính sách hết sức sâu độc;

·       Về giáo dục, theo thống kê của World Bank, trình độ học vấn của nông dân ĐBSCL từ 14 đến 25 tuổi trước năm 1975 là lớp 7 ½, so với lớp 5 ½ đối với người dân cùng thời điểm ở Hà Nội. Ngày nay (2021), trình độ hiện tại của người dân nơi đây là lớp 5!  

Vì vậy, trước những nguy cơ hủy diệt môi trường và an toàn thực phẩm của ĐBSCL, chúng ta chỉ mong tiếp tục gióng lên tiếng chuông báo động kêu gọi tất cả những đối tác có liên quan trực tiếp hay gián tiếp cùng nhau ngồi lại để cứu nguy Sông Mekong hầu gìn giữ cân bằng nguyên thủy cho hệ sinh thái của dòng sông nầy. Làm được như thế chúng ta sẽ bảo vệ được sự ổn định kinh tế và chánh trị của hơn 17 triệu người con Việt sống trong vùng.

Mục đích của bài nói chuyện hôm nay nhằm đánh động sự quan tâm của thế giới qua phương tiện truyền thông. Cũng cần vận động bằng bất cứ khả năng nào trong mỗi chúng ta để nêu lên sự diệt chủng của TC qua việc kiểm soát dòng luân lưu của sông Mêkong hầu áp đặt lên các quốc gia ở hạ nguồn. Và cũng không quên tố cáo CSBV qua việc tiếp tay với TC trong việc làm đảo lộn dòng chảy của sông Tiền và sông Hậu, phá vỡ cân bằng sinh thái ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, hai hồ tích trữ nước thiên nhiên nhằm điều tiết lưu lượng nước dùng cho nông nghiệp của ĐBSCL ở miền Nam.

Mọi chính thể rồi cũng qua đi.

Mọi chính quyền rồi cũng phải chấm dứt.

Cuối cùng chỉ còn lại Đất và Nước của chúng ta.

Và thế hệ tương lai sẽ nhìn lại và phán xét hành động của chúng ta ngày hôm nay!

Trân trọng và cám ơn Quý vị đã lắng nghe.

Mai Thanh Truyết

Viết trong những ngày Quốc hận tháng tư 2021

Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam – VEPS






Sunday, May 23, 2021

 

Câu chuyện một dòng sông – Phần II

Tình trạng sông Mekong hiện tại

 

1-    Trong quá khứ

 

·       Việc phá rừng trên dòng chính ở thượng nguồn làm đất bị xói mòn hai bên bờ sông, do đó không giữ nước lại trong mùa nước lớn (từ tháng 6 đến tháng 10) để rồi điều tiết trong mùa khô (tháng 12 đến tháng 3) hạn chế một phần nào việc thiếu nước cho đồng bằng ở thời điểm nầy. Rừng là một thảm thực vật thiên nhiên lớn nhứt và hữu hiệu nhứt trong nhiệm vụ điều tiết dòng chảy của sông Mêkong. Rừng qua rễ cây và lớp đất thịt bao phủ sẽ hấp thụ và giữ nước trong mùa mưa, và trong mùa khô sẽ điều tiết và cung cấp nước cho hạ nguồn để tiếp tay với dòng chánh ngăn chặn nước mặn xâm nhập sâu vào ĐBSCL. Đây là một đặc ân của thiên nhiên. Theo thống kê, trước Đệ nhị thế chiến, diện tích rừng nguyên sinh của Việt Nam chiếm 43% tổng diện tích, nhưng đến năm 1995, rừng chỉ còn lại 28%, nghĩa là mất trắng 55.000 Km2. Bắt đầu sau đó, với sự trợ giúp của Liên hiệp quốc, việc trồng rừng mới được bắt đầu; tuy nhiên, tính đến năm 2005, tỷ lệ rừng tăng lên đến 32%, trong đó những vùng trồng cao su, trà, cà phê… vẫn được tính toán trong việc “trồng rừng” do đó con số mới tăng. Nhưng thực sự, việc phá rừng vẫn tiếp tục gia tăng với nồng độ phi mã, tính đến năm 2005, rừng nguyên sinh (rừng già) ở Việt Nam chỉ còn 8%.

 

·       Việc phá rừng tràm, rừng đước ở vùng ngập mặn: Tại vùng ĐBSCL, rừng ngập mặn chiếm khoảng 300.000 Km² bao gồm các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Giờ. Nhưng sau hơn 15 năm khai thác việc nuôi tôm, diện tích rừng hiện nay chỉ còn khoảng 200.000 Km², và phần diện tích mất đi đều bị bỏ hoang vì vùng đất nầy bị ô nhiễm sau vài mùa tôm. Chỉ tính riêng cho vùng Cà Mau, trước 1975, rừng ngập mặn chiếm độ 200.000 Km2, mà nay, chỉ còn độ 70.000 km² mà thôi.

Rừng tràm, rừng đước bao bọc tạo thành một vùng ưu đãi của thiên nhiên nhằm:

-         Giữ chân thảm phù sa bồi thêm cho mũi Cà Mau hàng năm trên 1km trong quá khứ (hiện nay, vì thiếu rừng bờ biển vùng nầy ngày càng bị xói mòn ước tính trên dưới 0,5 km/hàng năm); 

-         Vừa ngăn chặn sóng gió, bão nhiệt đới hàng năm;

-         Là vùng trú ẩn và sinh sản cho tôm cá trong thiên nhiên;

-         Rừng ngập mặn cũng là một vùng đệm (buffer) để hạn chế việc nhiễm phèn sulphate và giảm thiểu việc ngập mặn trong mùa khô. (Vào tháng 3/2016, lưu lượng sông Cửu Long chì còn 800 m3/giây ở Tân Châu, do đó, nước mặn đã vào sâu hơn 100Km).

Một khi những nhiệm vụ bảo vệ ĐBSCL do thiên nhiên đã mất đi, nguy cơ làm cho vựa lúa của một vùng rộng lớn ngày càng giảm vừa diện tích, và vừa giảm năng suất. Nhiệm vụ của rừng ngập mặn rất quan trọng;

·       Việc khai thác cát

Hàng năm, hàng chục triệu mét khối cát được khai thác từ hạ lưu sông Mekong, chảy qua Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam.

Một nghiên cứu của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho thấy hầu hết các hoạt động khai thác đang diễn ra ở Cambodia và Việt Nam.

Lưu vực ĐBSCL, có hơn 150 mỏ cát, trải rộng trên 8.000 ha (80 km2) bề mặt sông, đã được cấp phép ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ước tính cho việc phát triển ở khu vực nầy, phải cần một tỷ mét khối (35,3 tỷ feet khối) cát vào năm 2020 để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng. Có vài nguồn tin cho biết CSBV ồ ạt khai thác cát trong khoảng 10 năm vừa qua nhắm vào việc cung cấp cát cho TC để …bồi đắp các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa(?)

Tứ giác Long Xuyên

Tứ giác Long Xuyên là một vùng đất hình tứ giác thuộc Vùng đồng bằng sông Cửu Long nằm trên địa phận ba tỉnh thành Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ. Bốn cạnh của tứ giác Long Xuyên là biên giới Việt Nam - Campuchia, vịnh Thái Lan, kênh Cái Sắn và sông Bassac (sông Hậu). Bốn đỉnh góc của tứ giác này ứng với bốn thành phố: Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch Giá và Hà Tiên.

Vùng Tứ giác Long Xuyên có diện tích tự nhiên khoảng 489.000 hecta. Địa hình trũng, tương đối bằng phẳng với độ cao tuyệt đối từ 0,4 đến 2 mét.

Mùa lũ (nước nổi) (từ tháng bảy đến tháng mười hai), vùng này thường ngập trong nước với độ sâu từ 0,5 đến 2,5 mét. Mùa khô, vùng này thường khô hạn và bị nước mặn xâm nhập. Chương trình thủy lợi thoát lũ qua vịnh Thái Lan của Chính phủ Việt Nam đã phần nào giải quyết tình trạng ngập lũ và đất bị nhiễm mặn của vùng này.

·       Việc xây dựng đê bao: Xã hội chủ nghĩa Việt Nam mang chính sách đê bao vào ứng dụng trong việc làm tăng diện tích trồng lúa, trong việc biến “sỏi đá thành cơm”, cho nên người dân ĐBSCL phải gánh chịu hậu quả ngày hôm nay là lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn và không có chu kỳ tương đối cố định như trước kia nữa. Nguyên do là khi dòng chảy từ Mékong xuống khi mùa nước bắt đầu lên cao ở Tân Châu và Châu Đốc, nước sông hoàn toàn di chuyển ra biển, đợi đến khi nước lớn hơn nữa mới bắt đầu làm đầy hai vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.

Nhưng hiện tại, hiện tượng nghịch lý đang xảy ra là, với đê bao, dòng nước của Sông Cửu Long chảy thẳng vào hai vùng trên ngay khi chưa tới mùa nước lớn để khai thác nông nghiệp; do đó, khi mùa nước lớn (nước nổi) đến, một lượng nước khổng lồ sẽ chảy vào hai vùng đã ngập nước từ trước. Hiện tượng ngập lụt xảy ra là vì thế.

 

Cống Trà Sư xả lũ, cung cấp phù sa, góp phần tháo chua, rửa mặn, vệ sinh đồng ruộng cho vùng Tứ giác Long Xuyên.

 

 

Qua nạn lụt vào năm 2000, chúng ta thấy hậu quả của đê bao rõ ràng nhứt trong mùa nước nổi tức mùa lụt. Thiết nghĩ việc xây đê bao chính là nguyên nhân quan trọng nhứt so với những nguyên nhân kể trên. Vì sao? Vụ lụt lớn nầy ở ĐBSCL kéo dài qua tận tháng giêng năm 2001 tại nhiều vùng từ Châu đốc và một vài nơi ở khu Tứ Giác Long Xuyên. Lý do là mỗi địa phương quyết định xây dựng đê bao để che chắn cho khu vực. Thành thử khi nước xuống, nhiều nơi nước còn tồn đọng vì đê bao ngăn chận…làm cho nước không có lối thoát. 

Việc xây dựng đê bao để chuyển vận nguồn nước cho nông nghiệp hoặc chống lụt là một công trình nghiên cứu quan trọng, cần phải mất nhiều năm để tính toán lưu lượng nước cần phải chuyển hướng, đâu phải có thể do quyết định của lãnh đạo địa phương ra lịnh đắp đê chung quanh địa phận xã để tránh ngập lụt và, dĩ nhiên hậu quả tất nhiên là các xã chung quanh phải gánh chịu.

Thí dụ điển hình thứ hai về tại hại của đê bao trong mùa khô tháng 4/2010, một số vùng miền Bắc tỉnh Hậu Giang, vì vấn nạn đê bao, nguồn nước không thể thông thương vào được. Do đó, một số hệ lụy đang xảy ra cho vùng nầy từ mấy năm sau đó như:

-         Vì không có sự luân lưu của nguồn nước cho nên đất ngày càng chai mòn vì dư lượng của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, và nhứt là phù sa không vào được hàng năm như trước kia, vì vậy năng suất lúa không còn như xưa nữa.

-         Đê bao hạn chế nguồn nước, cho nên nhiều nơi nông dân chỉ trồng lúa cho gia đình, phần thời vụ còn lại thì phải trồng hoa màu để kiếm sống.

-         Thời gian thiếu nước kéo dài ra, do đó thu nhập của nông dân ngày càng giảm sút.

Tóm lại, vấn đề đê bao ở vùng ĐBSCL cần phải nghiên cứu lại như một số đề nghị của các chuyên gia nông nghiệp và thổ nhưỡng hiện đang làm việc ở hai Đại học Hậu Giang và Cần Thơ.

Đồng Tháp Mười là tên phần trong lãnh thổ Việt Nam của một vùng đất ngập nước của Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích 697.000 hecta, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp trong đó Long An chiếm hơn phân nửa, thủ phủ vùng là thị xã Kiến Tường.

Đồng Tháp Mười là một đồng lụt kín được bao quanh bởi các giồng đất cao ven biên giới Việt Nam-Campuchia, đê tự nhiên dọc sông Tiền và giồng biển cổ dọc theo  quốc lộ 1A (Tân Hiệp - Nhị Quý, Cai Lậy) và chặn lại bởi sông Vàm Cỏ Đông (Long An).

Đồng Tháp Mười là một cánh đồng rộng lớn, hằng năm bị ngập lụt lối bốn, năm tháng khi nước sông Cửu Long dâng cao. Biển Hồ Tonlé Sap ở Campuchia và Đồng Tháp Mười ở Việt Nam là hai nơi lưu trữ nước thiên nhiên, nên đến mùa nước nổi, sông Cửu Long từ từ dâng cao, sau đó nước sẽ lần lần rút ra biển.

Tuy nhiên, trong mùa đông xuân năm 2016, do dòng chảy rất thấp nên lượng phù sa bồi đắp cho ĐBSCL rất thấp, làm ảnh hưởng đến vụ lúa Đông Xuân. Tính đến hiện tại, số thiệt hại lên đến hơn 200 trăm ngàn hecta lúa bị khô cằn như sự việc đã nêu trên. Bên cạnh đó tình trạng xâm nhập mặn sẽ tăng cao. Dự báo, theo thời gian, hiện tượng ngập mặn đang và sẽ diễn ra sớm hơn, trầm trọng hơn như đã nói ở phần trên. Đợt hạn hán lịch sử đã khiến cho người dân miền Tây trở nên khốn đốn. Theo nhiều chuyên gia, với tốc độ xâm nhập mặn như hiện nay sẽ khiến nông nghiệp tại nơi này bị ảnh hưởng nặng nề trong vòng 3 năm nữa. Và hiện tượng nầy đã xảy ra cho mùa Đông Xuân năm 2020 và 2021.

Cá ở hồ Tonle Sap, Khu dự trữ sinh thái của UNESCO và sông Mekong là nguồn cung cấp 80% protein cho hàng triệu người Campuchia và Việt Nam sống trong vùng. Đồng bằng, “vựa lúa” của Việt Nam và cây trồng nơi đây đang nuôi sống người dân nhiều nước, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới.

·       Việc “cắt xé dòng Cửu Long” qua dự án Dự án Luồng: Nhằm chuyển dòng nước chảy ra Cửa Trần Đề (Tranh Đề), xây dựng kinh Tắt cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu. Chủ đầu tư là Cục Hàng hải Việt Nam. Tổng dự toán trong Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi là 3148,5 tỷ đồng. Tổng kinh phí đầu tư được duyệt là 10319,2 tỷ đồng. Cửa Kênh Tắt là một thành phần của Dự án Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu. Dự án này là một câu chuyện dài, khởi đầu năm 2005 đến nay vẫn còn dang dở. Mục tiêu của dự án là:

-       Tàu có trọng tải đến 20.000 tấn sẽ vào đến cảng biển Cần Thơ;  

-       Từ đó, sẽ không phải chi cho nạo vét luồng vì bồi lắng không đáng kể.

Luồng hiện nay gồm có (1) một đoạn luồng sông Hậu trước khi đến Kênh Quan Chánh Bố tại cửa Định An dài 16,2 km; (2) 20 km luồng theo Kênh Quan Chánh Bố kể từ đây: (3) 8,7 km Kênh Tắt đào mới; (4) cửa Kênh Tắt trổ ra Biển Đông và một luồng biển đào tiếp ra đến phao số 0 dài 7,7 km. 16 năm qua rồi, dự án vẫn còn dang dở! Và hai cửa Định An, Trần Đề (Tranh Đề) đang dần dần bị thu hẹp…

 

-       Kênh Tắt được đào mới hoàn toàn, cắt đôi huyện Duyên Hải, cắt đứt QL 53 và ĐT 931, thông ra Biển Đông ở một vị trí mà Cục Hàng Hải Việt Nam được các công ty tư vấn cho là ít bồi lắng nhất dọc theo bờ biển của huyện Duyên Hải, từ xã Trường Long Hòa đến xã Đông Hải. Nơi trổ ra là xóm Mù U, thuộc xã Dân Thành.

-       Đáy Kênh Tắt rộng 85 mét. Bề rộng mặt kênh hiện nay rộng hơn tính toán ban đầu do mái bị sạt lở vì nền đất yếu. Đáy của luồng biển mở rộng dần từ 85 ra 150 mét.

Việc cắt đất đào kinh để tẻ nước sẽ làm đảo lộn dòng chảy của sông Hậu, từ đó có thể hủy hoại cả hệ sinh thái ở hai bên dòng sông và có nguy cơ gây nhiều thiệt hại cho việc canh tác nông nghiệp. Nên nhớ, TC đã cắt đất đào kinh dẫn nước sông Hoàng Hà ở phía Bắc nhằm canh tác vùng Mãn Châu và chính hành động nầy đã chận dòng chảy của sông và sông Hoàng Hà không còn chảy ra biển Bắc Trung Hoa nữa. Và tại Hoa Kỳ, dòng sông Colorado cũng không còn chảy vào vịnh Mexico nữa nữa vì việc chuyển nguồn nước cung cấp cho miền Nam California. Hai hệ lụy hiện tai trước mắt cần cho nhà cầm quyền CSBV đáng suy gẫm vì: - Cửa Bassac đã bị bít kín từ hơn 10 năm qua, - Và hai của Tranh Đề và Định An có khả năng cũng bị bít lại. Và sau cùng dòng Hậu giang cũng sẽ không còn thông thương với biển cả nữa…

2-    Và hiện tại

Nhưng ngày nay, Biển Hồ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, và tất cả những người trú ngụ trong lưu vực sông Mekong đang bị đe dọa bởi sự phát triển các đập thủy điện  trên thượng nguồn. Các mối đe dọa mới lớn hơn nhiều so với bất kỳ trận hạn hán hoặc lũ lụt nào trong lịch sử tồn tại của chính con sông.

Các dự án chuyển hướng và phát triển nguồn nước dọc theo sông Cửu Long và các nhánh của sông không chỉ đe dọa đến đời sống, nghề cá và nông nghiệp của cư dân Đồng bằng mà còn đối với hệ sinh thái sông và Đồng bằng. Các nhà khoa học và kỹ sư trên khắp thế giới đang lo ngại về sự tàn phá môi trường đối với Đồng bằng do các dự án phát triển ở xa thượng nguồn gây ra. Các dự án này bao gồm phát triển thủy điện quy mô lớn ở Vân Nam thuộc TC tức đập Jinghong, và Lào, đập Xayaburi cùng với các dự án chuyển dòng nước sông Mekong lớn do Thái Lan đề xuất.

Tuy nhiên, chi phí kinh tế và hậu quả môi trường của các dự án đang phải gánh chịu nặng nề nhất bởi những người sống và canh tác xa hơn ở hạ lưu Đồng bằng sông Cửu Long. Những người này không có tiếng nói trong quá trình ra quyết định dự án, không thu được lợi ích nào từ các dự án này và chịu gánh nặng lớn nhất về tác động của họ.

Chuông báo động hiện đang vang lên ở Biển Hồ và Đồng bằng sông Cửu Long (Dân số theo thống kê 2019 ở ĐBSCL là 17.273.630 sống trên một diện tích 40.547 Km2. Mực nước tại trạm quan trắc Tân Châu, vào cuối mùa mưa năm 2010, đã xuống mức kỷ lục 95 năm. Cùng với việc giảm mạnh mực nước sông Mekong là sản lượng khai thác đánh bắt thủy sản cũng giảm tương tự và làm mất đi lượng phù sa sông giàu dinh dưỡng của sông Mekong vốn cần thiết cho canh tác lúa và rất quan trọng để kiểm soát xói mòn. Mực nước ngầm ở đồng bằng hiện đang giảm xuống do thiếu nước sông có sẵn để nạp lại tầng chứa nước. Nước mặn đã xâm thực tới 90 km vào đồng bằng sông Cửu Long ở nhiều nơi (Nhiễm mặn đo đạc ngày 10/3/2021: - Vàm Cỏ Đông và Tây (90Km) – Cửa Tiểu, Cửa Đại (60Km) – Cổ Chiên (75Km) – Sông Hậu (65Km) – Sông Cái lớn (55Km)), đe dọa làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước ngầm hiện có và khiến hàng triệu ha đất canh tác không thể sản xuất).

Các dự án chuyển dòng nước và đập thủy điện hiện có và được đề nghị sẽ làm thay đổi vĩnh viễn chu trình thủy văn của lưu vực sông Mekong. Ở thượng nguồn, hàng nghìn km vuông rừng chung quanh đập có thể bị ngập do các hồ chứa. Ở hạ lưu, đất trồng trọt của vùng ngập lũ có thể bị thiếu nước và phù sa màu mỡ do lũ lụt hàng năm cung cấp. Tính từ năm 2010 cho đến 2020, có khoảng 1,3 triệu người đã phải di dời vì hạn hán và nhiễm mặn (tỷ suất di cư 39.9% năm 2019). Mực nước ở hai trạm quan trắc Tân Châu và Châu Đốc đo đạc ngày 1/3/2021 lần lượt là 1,45 m và 1,60 m so với trên dưới 2,50 m vào năm 2010!

3-    Thí dụ điển hình: Tỉnh Bến Tre

Qua bản đồ độ mặn ở tỉnh Bến Tre vào đầu tháng 4/2021, và 3 bản tin dự báo khí tượng của Đài Khí tượng Thủy văn Tỉnh Bến Tre dưới đây, chúng ta có thể hình dung một cách rõ nét tình hình hạn hán và ngập mặn ở tỉnh nầy, một tỉnh miền duyên hải nằm trên dòng chảy của sông Tiền. Mùa mưa thường bắt đầu vào những ngày cuối tháng ba, nhưng những cơn mưa trên cũng không thể nào “đuổi mặn” ra biển cũng như “tẩy bớt mặn” trên các đồng ruộng nơi đây. Hiện tượng nầy cũng tương tự như các tỉnh ven biển như Gò Công, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau v.v…Việc nhiễm mặn, theo bảng dưới đây cho thấy, tháng ba vẫn là tháng nghiệt ngã nhứt cho vụ mùa lúa Đông Xuân hàng năm, từ đó kết quả của ba mùa khô tháng ba năm 2016, 2020, và 2021 đưa đến hậu quả là trên 200.000 mẩu lúa và hoa màu bị chết trắng, chưa kể các cây trồng lâu năm như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm cũng bị đốn bỏ …làm củi chụm lửa!

 

 

Và sau cùng, cũng báo hiệu cho tương lai nông nghiệp của các vùng trên sẽ ngày càng tệ hại thêm lên:

         Đất càng ngày càng thiếu dinh dưỡng tự nhiên;

         Đất sẽ bị khô cằn ra (aridness);

         Đất sẽ bị sa mạc hóa (desertification);

         Và cuối cùng đất sẽ “chết” hẳn, không còn được khai thác nữa!

Chúng ta sẽ hình dung tương lai của những cư dân sống ở các vùng đất kể trên như thế nào!

Và cũng không ngạc nhiên khi tình trạng di dân ngày càng tăng thêm, ước tính trên 1,1 triệu trong khoảng thời gian từ 2010 cho đến 2019. TS Huỳnh Thế Du là giảng viên cao cấp của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nhận định:”Quá trình di dân ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là hợp tự nhiên. 10 năm gần đây, hơn 1,1 triệu dân ở đây đã di dân đi nơi khác (chính yếu là vùng TPHCM). Trung bình mỗi năm 100 nghìn người rởi khỏi kênh rạch miền Tây để tìm cơ hội đổi đời mới, hoàn toàn đáng ủng hộ. Đó là một điều tốt, chứ không có gì bất lợi”. Nhưng đối với văn quá và thói quen của người nông dân, có ai muốn “tha phương cầu thực” nếu không là một sự bắt buộc.

Tương lai hết sức mù mịt cho những người con Việt chất phác sống ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, vùng đã từng được mệnh danh là “vựa lúa của Việt Nam” mang vị trí xuất cảng gạo Việt Nam đứng vào hạng thứ hai trên thế giới.

4-    Lời cuối cay đắng cho một dòng sông

Mặc dù, trong nhiều năm qua, đã có hơn 15.000 người đã ký tên vào lá đơn gửi tới lãnh đạo các nước trong khu vực yêu cầu ngừng các dự án thủy điện để cứu sông Mekong, nhưng mọi dự án xây đập ngay trên dòng chính của Mekong vẫn tiến hành tuần tự trên đất Lào và Cambodia. Lá đơn do tổ chức Liên minh “Save the Mekong” khởi xướng đã được gửi tới thủ tướng các nước Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, yêu cầu dừng ngay 11 dự án thủy điện tại vùng hạ lưu sông Mekong. Trong đó có 7 đập thủy điện sẽ được xây tại Lào, hai tại vùng biên giới Lào-Thái Lan và hai tại Cambodia. Đâp Xayaburi vừa khánh thành cách đây 2 năm ở Lào (cách Vientiane khoảng 60 Km) do đầu tư của Thái Lan và Trung Cộng nhằm mục đích dẫn nước qua vùng Bắc Thái với 600.000 mẩu đất trồng lúa càng làm cho tình trạng hiếm nước ở hạ lưu như Cambodia và ĐBSCL ngày càng trầm trọng hơn.

         Lý do chính là tuy các công trình thủy điện này sẽ cung cấp điện cho phát triển kinh tế, nhưng chúng có thể gây hại trầm trọng cho môi trường và đa dạng sinh học của dòng sông Mekong, đồng thời ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của những người sinh sống nhờ dòng sông Mẹ này.

         Nhà cầm quyền Việt Nam đã nhận nhiều tài trợ của Ngân hàng Thế giới để trồng rừng. Nhưng những khó khăn trong việc nầy là do các vùng đất bị bỏ hoang không khai thác nữa đã có chủ hay được cho TC thuê hàng 50, 70 năm, vì vậy không thể thực hiện lại việc trồng rừng như đúng với ý nghĩa của công việc nầy.

         Một hiện tượng tiêu cực khác nữa là do ý thức của người dân vì không được giải thích tầm quan trọng của sự hiện diện và hữu ích của rừng ngập mặn cho nên nhiều nơi đã được trồng lại nhưng sau đó lại bị phá đi…

         Một yếu tố không nhỏ nữa là do quản lý yếu kém, hiện tượng tham nhũng và ăn chận tiền viện trợ. Chính những điều trên khiến cho việc tái tạo rừng ngập mặn trở thành khó khăn hơn và không thể nào thực hiện được trên thực tế.

Và tại một cuộc họp quốc tế về Mekong, vấn đề hạn hán và ngập mặn cũng được đề cập đến. Nhiều chuyên gia nói hồ chứa ở thượng lưu tham gia giải quyết chuyện hạn hán cho ĐBSCL là tốt và cần thiết. Tuy nhiên, nhận định này không chính xác vì các hồ chứa chỉ cắt được lũ trung bình còn lũ lớn như năm 1991 và 2000 thì không cắt được lũ. Việc làm cho lũ trung bình thành không có lũ là không tốt vì ĐBSCL là vùng cần nước ngập tự nhiên, sống nhờ mùa nước “nổi” (nước lớn), phát triển nhờ “nước ngập tràn bờ”. Vai trò của Biển Hồ là một hồ chứa thiên nhiên đã điều tiết nước cho ĐBSCL vào mùa khô và hạn chế lưu lượng lớn của sông Mekong vào mùa nước nổi, hiện nay không còn hiệu quả nữa.                                

Cũng cần nên biết, lượng phù sa bồi đắp cho ĐBSCL khoảng 150 triệu tấn cho một mùa lũ trung bình. Nếu lũ nhỏ cũng đạt khoảng 100 triệu tấn, riêng tháng 8 -9 (cực điểm của mùa nước nổi hàng năm), lượng phù sa đạt khoảng 60 - 70 triệu.

Các chuyên gia trên khắp thế giới đã xác định rằng nếu một người cướp nước của một con sông và làm thay đổi các chu kỳ tự nhiên của nó, thì con sông đó sẽ chết.

Nghề cá, sự phong phú về nông nghiệp và môi trường của Biển Hồ, và Đồng bằng sông Cửu Long phải được bảo vệ thay mặt cho tất cả người dân Đông Nam Á.

Tóm lại, Hệ sinh thái sông Mekong ngày hôm nay hoàn toàn bị đảo lộn, theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Ủy ban sông Mekong, cao độ lòng sông của hai nhánh chính của sông Mekong tại đồng bằng sông Cửu Long đã thấp đi tới 1,4m trong 10 năm tính từ năm 2008, còn nếu tính từ năm 1990 đến nay, cao độ này thấp hơn từ 2-3 m.

Một nghiên cứu được công bố hồi tháng trước, có tên Research in Nature, cho rằng, việc khai thác cát trên một đoạn sông dài 20 km "không bền vững" bởi lượng trầm tích từ thượng nguồn đổ về không đủ để thay thế lượng cát bị lấy đi.

Lưu vực ĐBSCL, có hơn 150 mỏ cát, trải rộng trên 8.000 ha (80 km2) bề mặt sông, đã được cấp phép ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Hệ thống cống được thiết kế với mục đích ngăn mặn, thoát lũ ra biển Tây trước đây, giờ chỉ làm nhiệm vụ điều tiết nước và ngăn mặn vào những tháng mùa khô. Việc vận hành đóng mở cống phải đảm bảo giữ được nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất, ngăn mặn không xâm nhập vào hệ thống sông, kênh mương nội đồng.

 

Sông Mekong - hệ sinh thái ven sông lớn không bị cản trở cuối cùng còn

sót lại trên thế giới cần phải được bảo tồn và an ninh lương thực của

100 triệu người nghèo cần được bảo vệ.

 

Do đó, mọi lời kêu gọi hành động trong lúc nầy là rất cần thiết để bảo vệ hệ sinh thái sông Mekong và người dân của trong vùng, cũng như chuyển đạt các thỉnh nguyện thư đến:

·       Chính phủ Trung Cộng, Thái Lan, Myanmar, Lào, Cambodia và Việt Nam cùng Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) và Ủy hội sông Mekong (MRC).

·       Ngân hàng quốc tế - World Bank – WB.

·       Ngân hàng Phát triển Châu Á – Asian Development Bank – ADB.

·       Các quốc gia tài trợ và các cơ quan viện trợ quốc tế.

·       Các tập đoàn kinh tế và nhà đầu tư đa quốc gia.

Xin xem tiếp Phần III: Những gì cần phải làm

Mai Thanh Truyết

Viết trong những ngày Tháng Tư 2021