Friday, September 18, 2020

 

Thưa Bà Con,

Vừa nhận được email của Ông Huỳnh Kim, hội trưởng Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo Trung Ương, cho biết về Khu Trù mật và Ấp Chiến lược thời Đệ I và Đệ II Cộng Hòa. Thiết nghĩ đây là một tài liệu bổ tuc thêm về vấn đề trên qua một người “trong cuộc” ở ĐBSCL.

Thân chuyển

***

Khu Trù mật hay Ấp Chiến lược?

    Nói về Khu Trù Mật hay Ấp Chiến Lược là thuộc một Chương về lịch sử thời Đệ Nhứt Việt Nam Cộng Hòa, Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Viết lịch sử phải biết " Lịch Sử " là của chung cả một dân tộc, cả một đất nước, Sử không phải của riêng một người hay một họ hoặc một phe nhóm nào?

       Viết lịch sử cũng không phải món quà để đền ơn, đáp nghĩa đã được một chế độ ban thưởng chức quyền.

       Bởi đó, viết lịch sử không vì tình riêng hay phe phái hoặc vì đã được chế độ ban thưởng chức quyền, để đánh mất lương tâm, phải viết lịch sử chỉ nói tốt cho chế độ, mà không cần sự thật hiểu biết trong lòng dân tộc, cũng như sự tiến hóa của loài người. 

      Viết lịch sử không phải viết Tiểu Thuyết, viết Tiểu Thuyết chỉ cần tả cảnh, câu văn trau chuốt, bóng bẩy với câu chuyện giả thuyết, huyền thoại, không mấy cần sự thật.

       Viết Lịch Sử thì cần nói lên được sự thật hiểu biết trong lòng dân tộc, không cần văn hoa trau chuốt như viết Tiểu Thuyết, nên phải tìm hiểu cái căn nguyên, cội nguồn sự việc đã và đang xảy ra cho rõ ràng và viết theo khoa học biện chứng.

      Người viết Lịch sử ngày xưa, do vua, chúa hay thế lực cầm quyền cắt cử, chỉ biết ghi chép đại khái theo lịnh nói tốt cho triều đình, sau đó mới chép lại thành sử một cách vắn tắt, không giải thích được rõ ràng chi tiết, căn nguyên, cội nguồn sự việc đã hay đang xảy ra, theo đà tiến hóa của đân tộc và loài người. Do đó, Sử Việt Nam được mấy hấp dẫn với con cháu học sinh đời sau.

      Ngày nay (2020) Khoa học loài người phát triển vượt bực, Internet toàn cầu, thông tin đại chúng rất mau lẹ, người cầm bút viết Lịch Sử có lương tâm không dám viết những gì trái với sự thật  hiểu biết trong lòng dân tộc. Vì viết lịch sử mà dối trá, trái ngược sự thật hiểu biết trong lòng dân tộc, là tự bẻ gẩy ngòi bút của chính mình, hóa ra không phải người có học thức hay người trí thức!..

    Khu Trù Mật hay Ấp Chiến Lược. thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, thực hiện từ Sài Gòn trở ra Bến Hải, tôi không có dịp đến những nơi đó, kết quả ra sao, tôi không dám ý kiến.

      Riêng về vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, thời Đệ Nhứt Việt Nam Cộng Hòa, tôi đi hầu như gần hết hai nhánh Sông Tiền và Sông Hậu (Cửu Long), tôi đã đến nhiều Khu Trù Mật để xem và thường đi chơi nhà bạn phố chợ trong Khu Trù Mật, vì Khu Trù Mật hầu hết chỉ bao xung quanh một khu chợ đầu làng (xã) hay chung quanh một cái quận (Chi Khu) "Nếu Khu Trù Mật nằm trong Thị Trấn xã tại quân, thì không có nhà dân" điển hình Khu Trù Mật quân Phước Long, tỉnh Ba Xuyên, nằm ngang mặt khu chợ quận Phước Long, nhà cư dân và phố chợ nằm ngoài rào Khu Trù Mật quận, Khu Trù Mật Phước Long chỉ rào chung quanh quận Phước Long với Chi Khu, không có nhà dân trong rào, đây là thời Đại Úy Nguyễn Trọng Thủy, con của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Lễ làm quận Trưởng Phước Long, tỉnh Ba Xuyên.

     Khu Trù Mật Vị Thanh và Hỏa Lựu thì nằm ngay thị trấn xã Vị Thanh và Thị Trấn xã Hỏa Lưu. cuối năm 1962, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đến Khánh Thành tỉnh Chương Thiện, là Khu trù Mật Vị Thanh.

    Trong một tỉnh có nhiều nhứt. chỉ hai cái Khu Trù Mật, ở tại hai cái chợ xã, tương đối bảo vệ được an ninh, nên dân chúng khắp nơi kể cả những gia đình có con, em theo Việt Cộng muốn vô, ra đi chợ rất tự do, ngoại trừ ban đêm, ở phía sau sát chợ trong rào Khu Trù Mật, là đồn lính Bảo An, nên ban đêm mới khóa cửa rào, chỉ mở cửa từ 5 giờ sáng cho dân trong xã nhóm chợ , đúng 6 giờ chiều mỗi ngày, mới khóa cửa lại, ban ngày dân chúng khắp nơi, bất cứ ở đâu  đều tự do ra vào, mua bán thức ăn và đồ dùng hằng ngày, cũng như khách vãng lai vui chơi, không bị ai tra xét giấy tờ gì cả.

      Vì Khu Trù Mật bao quanh một khu chợ xã, nằm vắt ngang con đường đi lại trong xã, hoặc nhằm Quốc Lộ lưu thông,  chỗ nào thuộc khu hành chánh quận và Chi Khu, thì Khu Trù Mật mới nằm tránh qua bên đường dân chúng hằng ngày qua lại.

      Cụ thế: Tỉnh Kiến Phong có hai Khu Trù Mật, một tại chợ xã An Phong (Ba Răng), một Khu Trù Mật tại quận Kiến Văn, nằm cập Quốc Lộ từ Hồng Ngự đi Sài Gòn.

     Khu Trù Mật chợ Ba Răng (An Phong nằm vắt ngang Quốc Lộ MỘT, từ Hồng Ngự chạy xuyên qua làng Đốc Vàng Thượng, Đốc Vàng Hạ đến Sái Gòn.

     Khu Trù Mật An Phong, khi có tin ngày mốt, (hai ngày sau), đúng 10 giờ sáng, Tổng Thống Ngô Đình Diệm sẽ đến kinh lý Khu Trù Mật, thì ngày hôm nay, quận động viên các xã chung quang, xin chuối, cam, quít, cao, đu đủ, ớt, cà ...đang có trái, bứng đem về trồng suốt ngày đêm trong khu Trù Mật cho kịp 10 giờ ngày mốt, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đến kinh lý có xem.

      Sáng sớm, tinh sương, 7 giờ sáng,  các Ban Đại Diện xã, thời nầy ở làng còn danh xưng là Ban Đại Diện xã, chứ chưa có danh xưng là ủy Ban Hành Chánh Xã và xã Trưởng, các xã chở dân chúng tập trung hằng ngàn người về Khu Trù Mật An Phong tập vợt, chờ đến đúng 10 giờ trưa như tin báo, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đến kinh lý, thấy cây trái sum sê, Tổng Thống nức nở khen tặng các cấp chánh quyền đã tích cực thực hiện Khu Trù Mật vô cùng tốt đẹp, đến 13 giờ trong ngày Tổng Thống lên máy bay trở về Sài Gòn, cây trái chín rụng hết, độ chừng Tổng Thống về vùa đến Sài Gòn, thì loại cây nào, cây nấy, tuy mới trồng ngày hôm qua, hôm nay đã già sụ xuống không còn một cây tươi. 

       Có nhiều Khu Trù Mật, nhằm quốc lộ lưu thông, người ta hằng ngày vẫn tự do đi xuyên qua con lộ chính giữa Khu Trù Mật.

       Khu Trù Mật trở thành Ấp Chiến Lược, mặc dầu có sắt và dây chì gai, nhưng không có rào nguyên Ấp như rào một cái Khu Trù Mật, chỉ còn cái chòi cao bằng bốn cây tre, dân chúng nhìn xem như một chòi để lính gác quan sát địch quân, nhưng hình thức quảng bá của Thông Tin vẻ bản những câu khầu hiệu và hinh ảnh tố cộng treo đầy cả ấp, như mỗi năm đến ngày 30 tháng 4 , tại Westminster, treo cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH  theo các cột đèn hai bên đường phố Bolsa xem rất đẹp mắt. Đó là hình thức nổi Thông Tin đấu tranh tâm lý, của Ấp Chiến Lược. Phần nhiều sắt và dây chì gai thường ưu tiên rào các đồn bót và những quân hẻo lánh. 

       Tôi chính là người trong cơ quan quảng bá chương trình và phối hợp chánh quyền địa phương, trực tiếp thực hiện Ấp Chiến Lược, nên tôi đã đi qua nhiều địa phương, mới biết rõ sự thật hình thức của Ấp Chiến Lược.

     Nói về Khu Trù Mật, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, mặc dầu lệ thuộc Mỹ, nhưng TT Ngô Đình Diệm căn nguyên là người của thực dân Pháp, nên Tổng Thống Ngô Đình Diệm còn dùng danh từ  bắt dân "Làm Sâu", chứ chưa có dùng hai chữ "Công Tác ".

     Hai tiếng "Làm Sâu", đương nhiên đã mặc cảm từ lâu trong lòng dân tộc Việt Nam , sanh ai từ năm 1939 đều còn biết, đây là thời thực dân Pháp, nhà cầm quyền Việt Nam phải lệ thuộc quyền điều khiển của đế quốc Pháp, Đối với dân chúng nông thôn,  thực dân Pháp  thường ngày đổ bộ vào làng ấp, cướp của, giết người, hảm hiếp đàn bà con gái, nếu có người nào chạy trốn không kịp, đồng thời quân Pháp muốn bắt ai là bắt, muốn bắn ai là bắn, đốt nhà ai cũng không ai ngăn cản và cũng không ai có quyền khiếu nại, dầu muốn khiếu nại cũng không biết khiếu nại với ai, nên hầu hết dân trong làng chỉ biết báo động bằng mõ tre hay bằng một miếng ván hoặc một cái thùng thiết...cùng nhau trong làng chạy trốn Tây đổ bộ, để khỏi bị giết hoặc bị hảm hiếp !

       Xin phép đưa ra hình thức của mỗi tỉnh thông thường, để biết Khu Trù Mật kết quả hay không kết quả như sau:             

       - Một nóc gia quân bình chỉ có 4 người

       - Một ấp có 800 nóc gia x 4 = 3.200 cư dân

       - Một xã có 5 ấp x 3.200 = 16.000 cư dân

       - Một quận có 5 xã x 16.000 = 80.000 cư dân

       - Một tỉnh có 5 quận x 80.000 = 400.000 cư dân

          Đây là con số cư dân chỉ quân bình, chứ như xã Long Khánh, quận Hồng Ngự , tỉnh Kiến xã Kiến An quận Chợ Mới, tỉnh An Giang , xã Hòa Hảo, quân Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, nhập lại An Giang .. mỗi xã như vậy có trên 20 ngàn cư dân, đây chỉ điển hình một số xã thôi.

         Khu Trù Mật thành lập có đào đường thông hào chung quanh một khu chợ ở đầu của  một xã ( đầu làng ) và đắp bờ đê chung quanh từ mặt bằng lên khỏi đầu người đứng, phía ngoài bờ đê có rào bằng tre, khi đó không biết sao chưa có sắt và dây chì gai Ấp Chiến Lược.

     Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, mỗi tỉnh nhiều nhứt chỉ chọn có hai địa điểm xã đặc biệt, khá an ninh, Việt Cộng ít khi ban đêm về đốt phá, để thành lập Khu Trù Mật trong tỉnh Kiến Phong.

       Thông thường khu chợ làng quê, chính giữa là cái nhà lòng chợ, phía trước là sân chợ, hai bên là hai dãy phố bán tạp hóa, chợ nào lớn nhứt mỗi bên có chừng 15 căn phố, hai bên là 30 căn phố (30 hộ), cộng với 30 nóc gia cư dân trong rào chung trong Khu Trù Mật, vừa gia đình cư dân vừa phố chợ , tất cả chừng 60 gia đình ( hộ ) " 60 x 4 = 240 cư dân trong một khu Trù Mật

      - Một tỉnh có 2 Khu Trù Mật: 240 x 2 = 480 cư dân trong Khu Trù Mật.

      Như đã nói, Khu Trù Mật vuông vứt không quá một cây số vuông, tôi còn nhớ hình thức như từ đường Magnolia xuống đường Busha, chứ không xa hơn, độ chừng một cây số vuông là tối đa.

      Như vậy, sự sai biệt cư dân ở ngoài 2 Khu Trù Mật của một tỉnh là  400.000 cư dân -  480 cư dân của hai Khu Trù Mật = còn lại 399 ngàn cư dân ở ngoài 2 Khu Trù Mật của một tỉnh làm sao không bị liên hệ, không đóng thuế cho Việt Cộng?..

      Đó là chưa nói Khu Trù Mật là một cái chợ thôn quê, tất cả thành phần dân chúng kể cả gia đình có con em theo Việt Cộng khắp nơi, cũng tự do đi ra vào mua bán hằng ngày, ngoài ra những gia đình ở phố chợ và gia đình nông dân trong rào Khu Trù Mật, gia đình nào cũng làm ruộng rẩy và nuôi trâu, bò giữ ở tại trại ruộng ngoài Khu Trù Mật, đêm đêm Việt Cộng dễ dàng đến thăm hỏi sức khỏe, như thế  "Khu Trù Mật" Tổng Thống Ngô Đình Diệm, giữ được bao nhiêu người dân không bị liên hệ và không đóng thuế nuôi quân cho Việt Cộng?

      Bài toán trên với  đáp số còn lại 399 ngàn cư dân ở ngoài 2 Khu Trù Mật của một tỉnh là kết quả của" Khu Trù Mật " dưới thời chế độ Tổng Thống Ngô Đình Diệm có kết quả sự thật hay không, là chỉ rõ con số 399 ngàn dân coi như đúng rồi.

      Mặt khác mùa nước Lụt, Đồng Tháp Mười và Đồng Ba Thê, núi Sập rộng mênh mông như biển Đông, dân chúng đi vào đồng sâu giăng câu, giăng lưới đặt lợp, đặt lờ,,,bắt cá tôm nuôi sống thêm gia đình, Tổng Thống Ngô Đình Diệm làm thế nào để kiểm soát được từ người dân để không liên hệ Việt Cộng như lý thuyết?

     Tôi đã có lần đọc được một Email, cho biết: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói "Đại Tướng Dương Văn Minh bãi bỏ mấy ngàn Khu Trù Mật và Ấp Chiến Lược của Tổng Thống Ngô Đình Diệm là Dương Văn Minh sai lầm."

    Tôi không trách Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, vì Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là con nhà quý phái, thường ở thánh phố, lớn lên Ông là sĩ quan quốc gia từ cấp Úy đến trung tướng, vì thời thế Ông trở thành vị nguyên thủ Việt Nam Cộng Hòa, cho nên cái nhìn của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trên hình thức quảng bá chánh sách, tôi tin chắc một điều, Tổng thống nguyễn Văn Thiệu,  không bao giờ cùng sống trong dân chúng nông thôn tại những nơi có Khu trù Mật, như tôi đã sống từ mới được mẹ sanh ra cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

     Thành thật nhìn nhận, dân chúng rất chán ghét Khu Trù Mật hay Ấp Chiến Lược, vì bắt dân làm sâu cực khổ, tự lo ăn lấy, miễn sao làm xong phần sâu của mình, chánh phủ không bồi dưỡng bất cứ thứ gì, còn những thửa đất, miếng vườn của tư nhân trúng trong vùng bị chánh Phủ lấy làm Khu Trù Mật. Chánh Phủ chẳng những không  bồi thường, mà con cháu và dân chúng đúng từ 18 đến 45 tuổi, là bị bắt đi làm sâu,phải tự đem gạo, nước uống, thức ăn, mùng, mền, chiếu, đêm ngũ ngoài trời và dụng cụ cá nhân như, cuốc, len, thúng, ky, đòn gánh v.v.. theo trong suốt thời gian làm sâu xong phần đất chánh quyền cắt giao.

     Tôi chưa đúng tuổi làm sâu, nên có những lần theo người quen bị đi làm sâu, coi họ làm sao, tôi còn nhớ khởi công khoảng tháng giêng, tháng 2 âm lịch, trời Ba Răng Đồng Tháp nắng hạn, đất khô nứt, cứng tưởng tượng như đá, chồng cuốc phần đất được giao là 2 thước khối, vợ đội từ dưới đáy 2 thước chiều cao lên trên đổ thành bờ thông hào cho đến khi làm sâu xong phần mình, rất sơn trường, khổ cực, nên dân chúng chung quang vùng Khu Trù Mật, khi nghe bải bỏ Khu Trù Mật, dân chúng khắp nơi reo mừng.

Thứ nhứt, đất vườn của ai bị chánh quyền phá lây làm Khu Trù Mật, thì được trả lại cho trồng tỉa, còn dân chúng, mừng vì khỏi bị làm sâu đem cơm theo ăn, ở phố chợ khỏi bị bắt làm sâu thì phải cho đinh hay dây chì,  gia đình có người trúng tuổi bị bắt làm sâu, mà đang đau ốm, nếu nhà có trồng tre thì phải cho đốn một bụi tre là ba cây, nhà nào không có tre thì phải góp tiền cho Trưởng Ấp để mướn người khác làm sâu thay thế. Vì cũng có những gia đình nghèo, họ làm sâu xong phần của họ, nếu ai mướn, thì họ lãnh làm thế để có tiền mua gạo nấu cơm cho con ăn.

Hiểu được sự thật Khu Trù Mật như đã kể, thì xin ai đó, đừng đang tâm chụp cho họ một cái nón cối, để coi như Chánh Phủ nền Đệ Nhứt Việt Nam Cộng Hòa Tổng Thống Ngô Đình Diệm bồi dưỡng cho dân đen đã bị bắt làm sâu, tội nghiệp cho dân đen lắm.

     Đây là sự thật Khu Trù Mật hay Ấp Chiến Lược thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, có kết quả hay không, bài tóan trên là đáp số của Khu Trù Mật hay Ấp Chiến Lược .

    Rất mong rằng những sự thật nầy không ai đành tâm bỏ quên trong lịch sử Việt Nam.

                                       tác giả: Huỳnh Kim

                                   nhà văn, nguyên Cố Vấn Văn Bút VNHN

                        và đang  Cố Vấn Văn Bút VN Vùng Tây Nam Hoa Kỳ

                               Kính tặng Tiến Sĩ  Mai Thanh Truyết.

 

 

           

No comments:

Post a Comment