Thưa Bà Con,
Nhân mùa Vu Lam xin chuyển bài Thiền dưới đây trích theo
Truyện cổ Phật giáo Việt Nam
Lịch sử Phật giáo có truyện Mục Kiền Liên cứu mẹ nhưng
ít ai biết ngay ở Việt Nam cũng có câu chuyện cảm động về tình mẫu tử của một vị
Hòa thượng. Câu chuyện được nhắc tới là sự tích về việc Thiền sư Tông Diễn và mẹ
ruột của ông.
Đó là một trong nhiều câu chuyện trong hành trạng của
vị thiền sư Việt Nam đạo phong, liên quan tới hiếu đạo của người xuất gia. Ngài
cũng là người sống gần dân, được người dân yêu quý gọi bằng tên mộc mạc là Hòa
thượng Cua.
Cách báo đáp thâm ân cha mẹ của Thiền sư Tông Diễn đã
lưu mãi trong lòng người, vượt cả thời gian. Hình tượng và hạnh hiếu đó không
chỉ lưu truyền trong dân gian mà đã được xây dựng thành hình tượng nghệ thuật,
được chuyển thể qua các loại hình sân khấu, làm rung động lòng người nhiều thế
hệ.
***
CÂU CHUYỆN VỀ HÒA THƯỢNG CUA
Thuở trước ở miền Bắc nước ta, có một chú bé mồ côi cha sống
với mẹ tại một miền quê hẻo lánh nọ. Năm chú bé được 12 tuổi, bà mẹ vẫn còn
buôn bán tảo tần nuôi con. Một hôm, trước khi mang hàng ra chợ bán, bà mẹ trao
cho con một giỏ cua đồng, bảo giã ra nấu canh làm cơm trưa. Chú bé y lời mẹ dặn
mang giỏ cua ra làm. Bất ngờ, vừa giáng chày đập con cua đầu tiên, thấy con vật
quýnh quáng, quờ quạng tay chân tìm đường sống, chú bé chợt động lòng bi mẫn,
không nỡ tiếp tục, liền đem giỏ cua ra trút xuống ruộng.
Tan chợ, bà mẹ mang hàng về. Nhìn mâm cơm đạm bạc, bà ngạc
nhiên hỏi:
- Thế, món canh cua đâu?
Chú bé ấp úng:
- Khi sáng con mang cua ra làm, thấy chúng nó khóc, con
thương quá, nên. . . thả hết rồi mẹ ạ!
Vừa đói, vừa giận, bà mẹ vơ lấy cây đũa bếp, gõ cho con một
cái, chú bé hoảng sợ co giò chạy ra kỏi nhà. Chú đi, đi mãi và xa mẹ từ đó.
Ba muơi năm đã qua, Bà mẹ đã già nua, vẫn bán hàng từng buổi
chợ để mưu sinh. Một hôm đang buổi chợ, bà gặp một vị Tăng trung niên, ghé qua
hàng hỏi thăm qua gia thế và đề nghị giúp đỡ bà bằng cách đem về chùa nuôi dưỡng.
Bà cụ nhận lời và vào chùa làm công quả từ dạo đó.
Ngày tháng dần qua, đã đến lúc bà cụ từ giã cõi đời. Hòa thượng
trụ trì, tức vị Tăng đã đề nghị mang bà vào chùa dạo trước, có việc phải đi bố
giáo phương xa. Trước khi đi, Ngài dặn các môn đệ rằng nếu bà cụ mất thì chư
Tăng cứ tẩn liệm nhưng đừng mai táng mà phải đợi Ngài về. Mọi người đều y lời.
Bà lão mất được một hôm thì Hòa thượng trở về. Ðứng trước
quan tài mẹ Hòa thượng thắp hương khấn vái rằng:
Trong kinh Phật có dạy, một người con tu hành đạt đạo, cha mẹ
sẽ được sinh thiên. Nếu lời nói ấy không ngoa thì xin cho chiếc quan tài này
bay bổng lên và vỡ làm ba mảnh.
Hòa thượng vừa dứt lời, chiếc quan tài đựng thân xác bà cụ từ
từ bay lên, bỗng hạ xuống vỡ làm ba mảnh. Trước sự kinh ngạc của toàn thể hội
chúng, Hoà thượng bèn thuật lại thân thế của mình, chẳng ai đâu xa lạ mà chính
là chú bé thả cua dạo nọ. Từ đó, người ta gọi Ngài là Hòa Thượng Cua, và cũng
theo lời người ta kể ba mảnh vỡ của chiếc quan tài hiện vẫn còn tồi tại ở một
ngôi chùa Bắc Việt để mọi người ghi nhớ câu chuyện lạ lùng và cảm động về Hoà
Thượng Cua và vị thân mẫu sinh ra Ngài.
No comments:
Post a Comment