Tuesday, July 8, 2025

``````Tinh giản hay song hành Phân tích cơ chế lãnh đạo Đảng và Chính phủ sau ngày 1/7/2025 Trong khuôn khổ cải cách hành chính đang được đẩy mạnh tại Việt Nam từ năm 2024 đến 2026, một câu hỏi căn bản cần được nêu ra là liệu cải cách có dẫn đến việc thay đổi cơ chế lãnh đạo song hành giữa Đảng và Chính phủ hay không? Hay nói cách khác, liệu chính phủ có được thực sự "điều hành quốc gia" với quyền tự chủ rõ ràng, hay vẫn hoạt động trong khuôn khổ chỉ đạo trực tiếp từ Đảng Cộng sản Việt Nam? Tất cả cơ chế chính trị hiện nay ở Việt Nam là mô hình “Đảng lãnh đạo, Chính phủ điều hành theo chỉ đạo Đảng.” Sau hơn 80 năm ở miền Bắc và trên 50 năm trên toàn quốc, cơ chế này đã có những đóng góp nhất định. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nó cũng mang theo nhiều bất ổn, làm trì trệ sự phát triển kinh tế – xã hội và gây mất lòng tin trong nhân dân. Chúng ta cùng nhau nhìn nhận thẳng thắn để tìm ra con đường điều chỉnh phù hợp hơn. Bộ máy nhà nước Việt Nam hiện có số lượng lớn các cơ quan, tổ chức đảng cấp dưới đồng thời tồn tại trong bộ máy chính quyền. Nhiều vị trí lãnh đạo kiêm nhiệm chức danh đảng và chính quyền, làm tăng gánh nặng hành chính, hao tốn ngân sách và gây ra sự trùng lặp bổn phận và nhiệm vụ. Sau ngày 1/7/2025, Việt Nam chỉ còn lại 28 tỉnh (mới) và 6 thành phố trực thuộc trung ương, nghĩa là thuộc về đảng, và đơn vị hành chánh “huyện” hoàn toàn biến mất, nghĩa là chỉ còn Xã và Tỉnh mà thôi. Việt Nam vận hành theo mô hình "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ". Cơ chế song hành được thể hiện ở việc mọi cấp hành chính từ trung ương đến địa phương đều tồn tại đồng thời hai hệ thống: • Hệ thống Đảng (cấp ủy, Ban tổ chức Đảng, Ban tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc v.v.) • Hệ thống chính quyền (Chính phủ, UBND, các sở ngành...) Các quyết sách lớn như bổ nhiệm nhân sự, quy hoạch phát triển, phân bổ ngân sách đều phải được cấp ủy Đảng đồng cấp thông qua trước khi chính quyền thực hiện. Cơ chế này tạo nên sự thống nhất về chính trị, nhưng cũng gây ra nhiều mâu thuẫn, chồng chéo nhau trong việc quản lý hành chính, hiệu quả điều hành và trách nhiệm của từng nhân sự. 1- Tình trạng trong đợt tinh giản hiện nay Hiện nay, quá trình tinh giản tập trung vào hệ thống hành chính nhà nước: sáp nhập bộ, sở; giảm biên chế công chức, viên chức; hiện đại hóa công vụ. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy cơ cấu tổ chức của Đảng bị cắt giảm tương ứng. Trái lại, vai trò chỉ đạo của Đảng tiếp tục được củng cố mạnh mẽ qua các Ban Chỉ đạo Trung ương, đặc biệt là vai trò của Tổng Bí thư Tô Lâm trong giám sát và chỉ đạo cải cách, vì tất cả vị trí lãnh đạo từ Chủ tịch, Giám đốc nha sở hầu như do …đảng chỉ định tất cả. Và đảng hiện nay, chính là TBT CS Tô Lâm. Những vị trí then chốt đều thuộc về nhóm Hưng Yên cả! Điều này cho thấy, cải cách chỉ mới diễn ra trên một nửa bộ máy trên giấy tờ và việc thực hiện. Nửa còn lại (Đảng) vẫn duy trì cơ cấu, nhân sự và quyền lực không thay đổi. Đảng không những chỉ lãnh đạo đường lối, chính sách mà còn chỉ đạo mọi hoạt động của chính quyền và các cơ quan nhà nước. Rốt ráo lại, chính Tô Lâm tóm thâu trọn gói!? Từ đó dẫn đến: • Quyền lực chồng chéo, trách nhiệm mơ hồ: Chính phủ được xem là cơ quan hành pháp, nhưng các quyết định lớn phải thông qua ý kiến của Ban Bí thư, Bộ Chính trị. Điều này làm chậm tiến trình ra quyết định, thậm chí có lúc dẫn đến “giai đoạn dậm chân tại chỗ” khi các cơ quan nhà nước phải chờ ý kiến đảng. Ví dụ điển hình là các dự án đầu tư công lớn bị kéo dài nhiều năm, gây thất thoát ngân sách và lãng phí tài nguyên. Khi xảy ra sai phạm, không rõ ràng ai phải chịu trách nhiệm cuối cùng vì quyền lực và trách nhiệm phân tán giữa các cấp ủy đảng và chính quyền. Đây là lý do vì sao nhiều vụ tham nhũng lớn kéo dài mà không có ai chịu trách nhiệm rõ ràng, như vụ án tham nhũng tại Tổng công ty xây dựng xảy ra trong nhiều năm nhưng xử lý rất chậm. Rốt cuộc rồi chỉ đổ lỗi cho…cơ chế, và không ai bị xử phạt cả! • Chế độ bổ nhiệm cán bộ dựa trên “lý lịch đảng” hơn năng lực: Chúng ta biết rằng để được thăng tiến, cán bộ phải qua quy trình quy hoạch của đảng với các tiêu chuẩn chính trị đặt lên hàng đầu, còn năng lực và hiệu quả công việc chỉ là yếu tố phụ. Điều này dẫn đến tình trạng không ít cán bộ yếu kém, thiếu trách nhiệm, không có năng lực, học vấn kém cỏi, thậm chí tha hóa và tham nhũng. Thực tế trước mắt, vừa qua hai vị lãnh đạo cấp trung ương lại … không biết đọc số dân số tỉnh từ con số triệu ra thành tỷ. Điều đó chứng minh rằng trình độ giáo dục cần phải xét lại dù trên lý lịch những cán bộ trên đều tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ cả! Từ đó, hậu quả của việc tuyển chọn theo tiêu chuẩn “đảng” như thế dẫn đến sai phạm nghiêm trọng gây thiệt hại tài sản nhà nước và lòng tin của người dân. • Tham nhũng và lợi ích nhóm phát triển do quyền lực thiếu kiểm soát: Quyền lực không minh bạch, thiếu kiểm soát đưa đến tham nhũng tràn lan, từ việc phân bổ đất đai, ngân sách đến các dự án đầu tư công. Những vụ án tham nhũng quy mô lớn như vụ Vinashin, Vinalines không chỉ gây tổn thất hàng tỷ đô la mà còn làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của xã hội. 2- Tinh giản hay phình to? – Một nghịch lý từ cải cách hành chính tại TP.HCM Từ nhiều năm nay, cải cách hành chính đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Mục tiêu là xây dựng một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả – nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, thực tiễn lại đang đặt ra những câu hỏi đầy nghịch lý. Một trong số đó là trường hợp của Sở Tài chính TP.HCM, nơi được cho là đang có tới 18, thậm chí 24 Phó Giám đốc, một con số gây nhiều băn khoăn trong dư luận. Sau đây là danh sách 18 vị phó giám đốc của một sở cấp thành phố ấy: 1.Nguyễn Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM (SN 1966); 2. Trần Mai Phương, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM (SN 1976); 3. Đinh Khắc Huy, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM (SN 1977); 4. Quách Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM (SN 1976); 5. Đỗ Đăng Ái, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM (SN 1972); 6. Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương (SN 1967); 7. Lê Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương (SN 1973); 8. Ngô Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương (SN 1975); 9. Lê Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương (SN 1983); 10. Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương (SN 1982); 11. Lai Xuân Đạt, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương (SN 1979); 12. Nguyễn Thanh An, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương (SN 1980); 13. Mai Bá Trước, Bí thư Huyện ủy huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương (SN 1972); 14. Hoàng Vũ Thảnh, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (SN 1974); 15. Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (SN 1980); 16. Nguyễn Thị Minh Vân, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (SN 1979); 17. Trương Tấn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (SN 1984); 18. Tạ Thành Nhân, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (SN 1987). Nhìn vào danh sách này dễ thấy hầu hết lãnh đạo sở tài chính của ba tỉnh sáp nhập hoàn toàn được giữ nguyên. Pháp lý có cho phép? Câu trả lời là có. Nghị định 150/2025 của Chính phủ quy định rằng các địa phương đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM – do đặc điểm dân số đông, quy mô kinh tế lớn, khối lượng công việc nhiều được phép tăng thêm tối đa 10 Phó Giám đốc sở so với quy định thông thường. Tức là, nếu các sở ở địa phương khác chỉ có 3 đến 4 Phó Giám đốc, thì TP.HCM có thể có đến 13–14, thậm chí lên tới 17–18 nếu tính theo các cơ chế chuyển tiếp, luân chuyển cán bộ. Trong trường hợp của Sở Tài chính TP.HCM, nhiều Phó Giám đốc hiện nay là cán bộ chuyển về từ các cơ quan sáp nhập, hoặc từ các sở liên quan như Sở Kế hoạch – Đầu tư (trước khi tái cơ cấu), Sở Tài sản công, hoặc các cơ quan tài chính cấp quận huyện được giải thể. Phải chăng lối giải thích trên cũng thuận tình thuận lý củng … ý đảng chăng? 3- Bài học từ các quốc gia khác Việt Nam không phải quốc gia duy nhất từng vận hành hệ thống tập quyền kiểu này. Nhưng nhiều nước xhcn đã nhận ra điểm yếu và thay đổi để phát triển. Đông Âu, Sau khi Liên Xô tan rã, các nước Đông Âu như Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary, Ukraina v.v… đã tách bạch quyền lực giữa đảng và nhà nước, xây dựng nền dân chủ đa đảng, hệ thống pháp luật minh bạch và báo chí tự do. Kết quả là họ đã có sự phát triển kinh tế vượt bậc và so với thời Sô Viết, xã hội ổn định hơn nhiều so với thời kỳ tập quyền. Trung Cộng cũng duy trì cơ chế song hành nhưng tập trung quyền lực tuyệt đối vào một cá nhân (Tập Cận Bình), cho phép triển khai nhanh nhưng dễ sai lầm hệ thống. Dù vẫn do Đảng Cộng sản lãnh đạo, TC cũng đã trao quyền hành chính cho các cơ quan nhà nước và tập trung phát triển kinh tế, mở cửa với thế giới bên ngoài, giúp họ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Điều đó cho thấy quyền lực tập trung cần phải đi đôi với cơ chế kiểm soát và trách nhiệm minh bạch thì mới phát huy hiệu quả. Lào vẫn tái lập mô hình Việt Nam nhưng ở quy mô nhỏ hơn, không có nhiều đột phá cải cách, cũng như nội bộ đảng không có nhiều mâu thuẫn, do đó, sự đấu đá, tranh dành quyền lực không quyết liệt như ở Việt Nam. 4- Tái định nghĩa vai trò “Đảng lãnh đạo” trong cơ chế chính trị Việt Nam Hiến pháp Việt Nam hiện nay quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất, cao nhất trong hệ thống chính trị. Đây là nguyên tắc bất biến có ghi trong hiến pháp, gắn liền với quá trình cách mạng và bảo vệ đất nước. Các cơ quan đảng không chỉ làm công tác chính trị tư tưởng mà còn tham gia trực tiếp vào việc điều hành, kiểm soát các hoạt động hành chính, khiến quyền lực không được phân chia rõ ràng. Kết quả là nhiều quyết định bị chậm trễ, thủ tục hành chính phức tạp, nguồn lực bị phân tán, gây ra lãng phí lớn cho xã hội. Tuy nhiên, trong thực tiễn vận hành, quyền lực của Đảng trực tiếp can thiệp vào mọi mặt hoạt động của nhà nước, từ hoạch định chính sách đến thực thi hành pháp làm cho tình trạng chồng chéo quyền lực, mâu thuẫn trách nhiệm, trì trệ và kém hiệu quả. Nhiều cán bộ, đảng viên kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo trong bộ máy chính quyền khiến ranh giới giữa “đảng lãnh đạo” và “nhà nước điều hành” bị mờ nhạt, thậm chí mất đi sự phân định cần thiết. XIn đan cử vài đề nghị cho vai trò của đảng trong việc tinh giản hiện tại như: - Định hướng chính trị, tư tưởng và chiến lược phát triển đất nước; - Giữ vai trò lãnh đạo về đường lối và xây dựng hệ thống chính trị về mặt tư tưởng; - Và dứt khoát, không can thiệp trực tiếp vào việc quản lý, điều hành cụ thể của Chính phủ và các cơ quan nhà nước. Lam được như thế, chính phủ và bộ máy nhà nước mới có: - Quyền tự chủ trong thực thi chính sách, quản lý hành chính theo pháp luật; - Chính phủ chịu trách nhiệm rõ ràng, minh bạch với nhân dân và Quốc hội; - Và các cán bộ, dù là đảng viên, khi thực hiện công vụ phải tách biệt rõ vai trò chính trị và vai trò công chức, chịu sự giám sát và pháp luật điều chỉnh. Cho đến hiện tại, cán bộ đảng viên chỉ chịu trách nhiệm trước đảng mà thôi, hoàn toàn đúng ngoài mọi thủ tục pháp lý và hành chính mỗi khi phạm lỗi!. Chính điều nầy hoàn toàn đi ngược với nguyên tắc với chuẩn mực của một nhà nước pháp quyền, và biến người cán bộ đảng trên được miễn nhiễm trước… luật pháp? Vì vậy, tái định nghĩa vai trò “Đảng lãnh đạo” không đồng nghĩa với việc xóa bỏ vai trò của Đảng, mà là bước tiến cần thiết để xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại, hiệu quả và có trách nhiệm. Đây là điều kiện tiên quyết để Việt Nam phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế. Việc này đòi hỏi sự đồng thuận cao trong xã hội và quyết tâm chính trị lớn từ lãnh đạo các cấp. Chủ đề tinh giản nhà nước, đặc biệt là “bỏ bộ phận đảng lãnh đạo” trực tiếp trong bộ máy hành chính, là một trong những vấn đề trọng tâm của cải cách thể chế để nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển đất nước. Tại sao Việt Nam cần phải tái định nghĩa vai trò “Đảng lãnh đạo”? • Phân định rõ vai trò và trách nhiệm giúp bộ máy vận hành trơn tru, hiệu quả hơn. • Bảo đảm chính phủ và các cơ quan nhà nước hoạt động độc lập theo pháp luật, chịu trách nhiệm trực tiếp trước nhân dân và Quốc hội. • Tránh được tình trạng “chồng chéo quyền lực” dẫn đến trì trệ, vô trách nhiệm hoặc đùn đẩy trách nhiệm. • Tạo điều kiện cho minh bạch, kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng hiệu quả hơn. Để đất nước phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam cần có những bước đi căn bản sau đây: Cần phân định rõ ràng vai trò giữa Đảng và Nhà nước: Đảng giữ vai trò định hướng chính trị, tư tưởng, xây dựng đường lối chiến lược; còn chính phủ thực thi quyền lực hành pháp và tư pháp một cách độc lập, có trách nhiệm trước nhân dân và Quốc hội. Đây là một cơ chế kiểm soát và cân bằng giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp, một cơ chế pháp trị đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Điều này giúp tránh chồng chéo quyền lực, giảm thiểu tranh chấp nội bộ và tăng hiệu quả quản lý. Tăng cường minh bạch và trách nhiệm pháp lý: Xây dựng tòa án độc lập, báo chí tự do và xã hội dân sự phát triển để giám sát quyền lực nhà nước. Điều này sẽ giảm thiểu tham nhũng, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, từ đó, tao cơ hội cho các bộ phát huy sáng kiến trong việc phục vụ người dân. Cải cách tuyển dụng cán bộ: Tuyển dụng cán bộ công khai minh bạch dựa trên năng lực thực sự, thành tích và phẩm chất đạo đức. Loại bỏ chế độ “quy hoạch cán bộ” dựa trên tiêu chí chính trị chủ quan. Khuyến khích phát triển xã hội dân sự và báo chí độc lập: Cho phép các tổ chức phi chính phủ, các hội nghề nghiệp, báo chí hoạt động tự do, tạo nên tiếng nói đa chiều trong xã hội. Đây là yếu tố quan trọng để chính quyền lắng nghe và phản ứng kịp thời với nguyện vọng người dân. Cần phải để người dân tham dự, đóng góp vào công cuộc phát triển quốc gia. Và cần nhứt là nâng cao phẩm chất giáo dục của cán bộ: Thay vì nhồi sọ, cần phát triển suy nghĩ phản biện, sáng tạo và kỹ năng khoa học công nghệ cho thế hệ trẻ. Đây là chìa khóa để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển trong thế kỷ 21. Nhưng trong tình thế hiện tại của Việt Nam, câu hỏi được đặt ra là chính sách tinh giản bộ máy nhà nước do ai khởi xướng? Trên nguyên tắc, các chính sách lớn, đặc biệt là cải cách thể chế, nên xuất phát từ sự đồng thuận cao trong nội bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, với tinh thần phục vụ lợi ích quốc gia và nhân dân. Nếu chính sách tinh giản được xuất phát từ một cá nhân hay một nhóm nhỏ với tham vọng tập trung quyền lực cá nhân, giống như mô hình lãnh đạo độc quyền kiểu “Tập Cận Bình”, thì rất dễ dẫn đến những hậu quả tiêu cực như: • Gia tăng tập trung quyền lực quá mức, thiếu kiểm soát và minh bạch. • Giảm tính đa dạng, phản biện và tính dân chủ trong hệ thống chính trị. • Gây mất niềm tin xã hội và nguy cơ bất ổn chính trị lâu dài. Và cảm quan của người viết nghiêng về tham vọng của Tô Lâm trong việc tinh giản chính phủ trong giai đoạn nầy. Ông Tô Lâm từng là Bộ trưởng Bộ Công an trong một thời gian dài, đồng thời là Ủy viên Bộ Chính trị, rồi Chủ tịch nước. Hiện tại là đương kim Tổng Bí Thư đảng, là một nhân vật quyền lực tột đỉnh của Việt Nam. Bộ Công an có vai trò then chốt trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội và kiểm soát các hoạt động trong bộ máy nhà nước. Việc ông tham gia hoặc dẫn dắt chính sách tinh giản bộ máy là điều có thể hiểu được trong bối cảnh bộ máy công quyền cần hiệu quả hơn, song cũng có thể gắn liền với việc củng cố quyền lực hoặc tái cơ cấu theo hướng phù hợp với lợi ích chính trị cá nhân hoặc phe nhóm. Nếu ông Tô Lâm thúc đẩy tinh giản nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, giảm tham nhũng, tạo bộ máy chính quyền gọn nhẹ, minh bạch, thì đây là một bước tiến tích cực, phục vụ lợi ích chung. Tuy nhiên, nếu chính sách tinh giản được sử dụng như một công cụ để loại bỏ đối thủ, tái phân bổ quyền lực theo phe nhóm, hoặc tập trung quyền lực trong tay một nhóm nhỏ, dưới trướng cá nhân ông, thì đây là điều cần phải cảnh giác. Nhìn về TC, từ suốt 13 năm qua, Tập Cận Bình đã tập trung quyền lực cá nhân với nhiều biện pháp tái cơ cấu, loại bỏ phe đối lập, củng cố địa vị, chiếm vị trí độc tôn. Nhưng hiện tại, ông ta đang đi lần vào bóng tối và không biết có bảo toàn được sinh mạng của chính ông hay không nửa trong một tương lai rất gần. Tại Việt Nam, việc ông Tô Lâm tham vọng trở thành người đứng đầu lãnh đạo với quyền lực “độc tôn” tương tự không phải không thể xảy ra, nhất là trong bối cảnh các phe nhóm tranh giành quyền lực mà phe Hưng Yên đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên, thể chế chính trị Việt Nam hiện vẫn có cơ chế tập thể và các rào cản nhất định, nên việc tập trung quyền lực cá nhân tuyệt đối khó thành hiện thực trong ngắn hạn, trư phi ông dùng lưỡi gươm vấy máu… 5- Kết luận Một khi nhìn thấu rõ được tham vọng độc tôn quyền lực của Ông Tô Lâm qua những dấu hiệu nhận biết dưới đây qua việc củng cố quyền lực trong Bộ Công an giúp ông kiểm soát trực tiếp lực lượng vũ trang và các cơ quan giám sát. Ông tinh giản bộ máy, tái cơ cấu chính phủ theo ý muốn về nhân sự. Ông xử dụng chính sách tinh giản làm công cụ để sắp xếp, thay thế cán bộ, tạo ra mạng lưới trung thành. Tất cả nhằm thâu tóm quyề./jn lực tuyệt đỉnh. Từ đó, chúng ta có thể hình dung được nguy cơ thất bại trong chính sách tinh giản cùng tham vọng của Tô Lâm sẽ đưa đất nước vào… khủng hoảng, thất bại hoặc hạn chế có thể do: • Cơ chế tập thể trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư vẫn tồn tại, tạo ra các rào cản kiểm soát quyền lực cá nhân tuyệt đối. • Sự chống đối ngấm ngầm của các phe nhóm khác hoặc các nhóm lợi ích bị đụng chạm. • Áp lực xã hội, dư luận và yêu cầu minh bạch ngày càng tăng, hạn chế khả năng tập trung quyền lực không kiểm soát. • Và nhứt là, qua yếu tố lịch sử và văn hóa chính trị trong lịch sử Việt Nam, nơi quyền lực thường được phân chia theo nhóm, cũng như ảnh hưởng vùng miền và phải giữ cân bằng để duy trì ổn định. Cơ chế chuyên chính vô sản sau 50 thống nhứt đất nước, chính cơ chế nầy đã bộc lộ nhiều nghịch lý làm cho sự phát triển quốc gia bị đình trệ, bị các quốc gia khác trong vùng như Đạị Hàn, Thái, Singapore, Mã lai…bỏ xa mấy chục năm, mặc dù, vào khoảng thập niên 1970, các quốc gia nói trên đã từng theo đuôi học hỏi Hòn Ngọc Viễn Đông Việt Nam! Lòng tin của người dân hiện tại hoàn toàn bị đánh mất! Việt Nam cần một cuộc cải cách thể chế kiên quyết, minh bạch và phù hợp với xu hướng phát triển toàn cầu để đất nước có thể phát triển thịnh vượng, dân chủ và công bằng hơn. Tinh giản hành chính chỉ có ý nghĩa đích thực nếu tiến hành đồng thời và cân đối giữa hai hệ thống Đảng và Chính phủ. Nếu không, cải cách sẽ chỉ là sự sắp xếp lại bàn ghế trong một căn phòng vốn dĩ đã quá chật chội và hỗn độn. Một loại bình mới, rượu cũ mà thôi! Một chính phủ kiến tạo, có trách nhiệm và tự chủ thực sự chỉ có thể tồn tại nếu được giao quyền và được tách biệt khỏi sự điều hành trực tiếp hàng ngày của hệ thống Đảng. Đây không chỉ là một vấn đề tổ chức, mà là câu hỏi cốt lõi về hiệu lực, hiệu quả, và niềm tin của nhân dân vào một nhà nước hiện đại, minh bạch và có trách nhiệm. Tóm gọn lại tình hình: Việt Nam đang tiến hành cải tổ hành chính hay tinh giản bộ máy mạnh mẽ trong đầu năm 2025, nhưng đang đối mặt với sự chống đối cả trong nội bộ Đảng và từ xã hội. Cải tổ hành chính ở Việt Nam là một bước tiến mang tính lịch sử về quy mô cải cách, nhưng gặp nhiều bất đồng nội bộ và e ngại xã hội từ quan chức muốn giữ quyền lực cho đến doanh nghiệp và nhà đầu tư lo về tương lai dự án có bị ảnh hưởng do cải cách nhân sự hay không?. Sự thành công phụ thuộc vào việc phân định rõ ràng giữa cải cách hành chính và mục tiêu chính trị của cá nhân. Cơ chế song hành giữa Đảng và Chính phủ là một đặc điểm cốt lõi của hệ thống chính trị Việt Nam. Trong bối cảnh tinh giản bộ máy, nếu không cải tổ cả hai trục đồng thời, thì sẽ chỉ tinh giản một nửa – nửa còn lại vẫn phình to và điều hành ngược chiều, gây trì trệ và làm mất niềm tin xã hội. Cơ chế song hành giữa Đảng và Chính phủ ở Việt Nam không bị xóa bỏ trong đợt tinh giản hiện tại. Trái lại, vai trò của Đảng trong chỉ đạo cải cách càng được khẳng định và tập trung hóa hơn nữa, trong khi Chính phủ là người “ra tay thực hiện” dưới khuôn khổ ấy. Ông Tô Lâm có tiềm năng và đã bộc lộ cho thấy tham vọng củng cố và tập trung quyền lực, đặc biệt thông qua chính sách tinh giản bộ máy nhà nước như một công cụ. Tuy nhiên, sự thành công của tham vọng này phụ thuộc rất lớn vào cấu trúc quyền lực nội bộ của Đảng, khả năng kiểm soát và cân bằng giữa các phe nhóm, cũng như yếu tố xã hội và chính trị bên ngoài. Tinh thần cải cách thật sự phải đến từ chỗ Đảng CS Bắc Việt dám chuyển giao quyền lực thực chất cho một chính phủ sáng tạo, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, minh bạch, chịu trách nhiệm rõ ràng trước người dân, và nhứt là có một tấm lòng yêu quê hương tha thiết. Nếu không, cải cách sẽ mãi mãi chỉ là “sắp xếp lại ghế” chứ không thay đổi được bản chất của bộ máy “cai trị” một thuộc địa!!! Mai Thanh Truyết Houston, Tháng 7 - 2025

No comments:

Post a Comment