Friday, July 4, 2025

Suy gẫm về Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa Lời người viết: Tình cờ, trong khi truy tìm lại một bài viết cũ trên USB, người viết thấy lại hai di tích của Cố GS Nguyễn Văn Trường (1930-2018), người đã ba lần tham chánh với chức vị Ủy viên Giáo dục, Tổng trưởng Bộ Giáo dục, và lần sau cùng, Ủy viên Giáo dục của hành pháp Dương Văn Minh chỉ trong vòng 24 giờ, xin gửi lại bạn đọc. Duyên tình giữa Giáo sư và người viết qua Đại học sư phạm Saigon, và Viện Đại học Cao Đài Tây Ninh, cùng tiểu luận “Triết lý giáo dục của Tam kỳ Phổ độ Cao Đài”, một tiểu luận trong chương trình Tiến sĩ Giáo dục năm 1974-1975. Chính các cơ duyên trên khiến cho người viết, thêm một lần nữa viết về giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa, một khung/nền giáo dục tượng trưng cho nét văn hóa đặc thù của dân tộc Việt mà không cường quyền nào có thể xóa tan được. GS có ghi rõ trong khung hình bên cạnh “Dạy học là cột người hai lần: Cột vào nhân bản vẫn chưa đủ - Cần cột thêm vào dân tộc cho chắc. Và sau cùng vì nhu cầu khai phóng, người cột phải biết mở…” Người viết bắt đầu xin được khai triển những nút “cột và mở” của Giáo sư. 1- Phần dẫn nhập Xin được giải thích hai từ nhân bản và dân tộc trong mục tiêu giáo dục của Việt Nam Cộng hòa có liên kết và ảnh hưởng trên con người như thế nào? Trong cả bối cảnh lịch sử, triết lý giáo dục và con người Việt Nam Cộng hòa thường được tóm gọn trong ba mệnh đề Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng. Đây là một nỗ lực tái định vị con người Việt trong bối cảnh đất nước vừa thoát khỏi thực dân, nhưng lại vấp phải áp lực ý thức hệ từ cả khối Cộng sản và phương Tây. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta tập trung vào hai trụ cột đầu: “Nhân bản” và “Dân tộc”. Hai khái niệm ấy không chỉ là khẩu hiệu phản ảnh một hệ giá trị mà còn là một viễn kiến, định hướng cách giáo dục hình thành nhân cách con người Việt, đồng thời nuôi dưỡng nội lực và tinh khí quốc gia. Bài viết trình bày: - (1) Định nghĩa và nền tảng tư tưởng của hai thuật ngữ nhân bản và dân tộc, - 2) Lý do cần “cột” chặt chúng trong thực hành giáo dục, - (3) Lý do phải “mở” từng khái niệm để hiểu trọn vẹn bản chất và nguy cơ lệch lạc, - (4) Tác động của sự gắn kết này lên con người và xã hội, - (5) Lời khuyến nghị cho thời đại toàn cầu hóa, nơi “nhân loại” và “bản sắc” lại một lần nữa bị giằng co dữ dội làm cho lằn ranh giữa hai khái niệm đôi khi bị … hòa lẫn vào nhau. 2- Khái niệm "Nhân bản" trong giáo dục VNCH Trong văn kiện Cải tổ giáo dục VNCH năm 1972 và các diễn từ của Bộ trưởng Giáo dục thời đó, “nhân bản” không đơn thuần tương đương “nhân đạo”. Từ ngữ nhân bản là một mục tiêu giáo dục của VNCH do ảnh hưởng từ: - Chữ Nhân bản học - Humanism của Tây phương nhằm tôn vinh phẩm giá, tự do, lý tính, trách nhiệm; - Từ Nho học Việt Nam qua việc đề cao nhân, nghĩa, lễ, trí, tín nhưng chuyển dịch sang bối cảnh dân chủ hiện đại; - Và từ thuyết hiện sinh (Sartre, Marcel) nhằm khẳng định con người là chủ thể tự do lựa chọn và chịu trách nhiệm về chính mình. Kết quả, “nhân bản” của VNCH mang ý nghĩa: • Con người là cứu cánh, không phải là phương tiện. • Phát triển toàn diện cá nhân, từ thể chất, trí tuệ đến đạo đức. • Tôn trọng tự do tư tưởng, khuyến khích phản biện và sáng tạo, không uốn cong con người thành công cụ. • Thừa nhận tính độc lập và cá thể của mỗi học sinh, không xem con người như "ốc vít trong guồng máy" như suy nghĩ của những lý thuyết duy vật. 3- Khái niệm "Dân tộc" trong giáo dục VNCH Khái niệm “dân tộc” của VNCH ra đời trong hoàn cảnh miền Nam phải khẳng định độc lập trước cả “đại đồng” cộng sản và “quốc tế” tư bản. Cốt lõi gồm: • Ý thức lịch sử và nguồn cội như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền … gợi cảm hứng tự quyết và tự cường, và bảo vệ độc lập dân tộc. • Yêu nước nhưng không cực đoan, phân biệt Patriotism (lòng yêu nước) với Nationalism (chủ nghĩa dân tộc đóng kín). • Giữ gìn bản sắc văn hóa, giao thoa chọn lọc cùng với tinh hoa thế giới, không bị lai căng hay tha hóa bởi các ý thức hệ ngoại lai (dù là phương Tây hay cộng sản). • Trung thành với Tổ quốc chứ không với ý thức hệ, khác hẳn tiêu chí “trung với Đảng” của miền Bắc. Vì vậy, giáo dục dân tộc nuôi dưỡng lòng trung thành với Tổ quốc chứ không với một đảng phái hay một ý thức hệ. Nó đặt Việt Nam lên trên mọi quyền lực đảng trị, hay ảnh hưởng của ngoại bang. 4- Sự liên kết giữa "Nhân bản" và "Dân tộc" Hai yếu tố này không thể tách rời nhau. Chúng bổ túc sung và nâng đỡ nhau trong một triết lý giáo dục toàn diện. Khi tách tời nhân bản, con người sẽ là “công dân toàn cầu” lạc lõng, thiếu gốc rễ, dễ sính ngoại, luôn hướng về cá nhân, xây dựng con người dựa trên chủ nghĩa cá nhân và hầu như không nghĩ đến từ ngữ “đồng bào”. Khi tách rời dân tộc, các giá trị dân tộc hầu như bị quên lãng, ý thức tập thể, cội nguồn hầu như bị mất đi. Thay vào đó thường đi chệch hướng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan bài ngoại (dân túy). Từ đó, chúng ta nhận thấy, giáo dục nhân bản làm nền tảng nhằm phát triển cá nhân có tư cách, đạo đức, trí tuệ, tự do; giáo dục dân tộc làm hướng đi, dẫn dắt cá nhân biết yêu nước, phục vụ cộng đồng, và có ý thức trách nhiệm xã hội. Nói một cách khác, giáo dục VNCH không chỉ đào tạo một “con người giỏi”, mà là một “con người Việt Nam giỏi và tử tế”. Khép lại, “cột” hai nhân tố Nhân bản và Dân tộc là điều kiện cần để giáo dục VNCH tạo ra “Con người Việt Nam tự do nhưng gắn bó, sáng tạo mà yêu nước, biết phê phán nhưng không vong bản.” 5- Ảnh hưởng lên con người Triết lý giáo dục này đã để lại nhiều ảnh hưởng tích cực, nhất là ở miền Nam trước 1975, từ đó, hình thành nhiều thế hệ thanh niên yêu nước, biết lý tưởng hóa cá nhân trong việc phục vụ cộng đồng (quân công cán chính, sinh viên tranh đấu, nhà báo tự do, trí thức độc lập...). Từ đó, thúc đẩy các giá trị tự trọng, tự do học thuật, sống có nhân cách, biết gìn giữ được một bản sắc văn hóa riêng, không bị hòa tan trong các trào lưu ý thức hệ đối kháng như cộng sản hay thực dân. Và nhứt là không công cụ hóa giáo dục để phục vụ một nhóm người cầm quyền. 6- Tại sao phải “mở ra” để hiểu toàn diện từng phần? Chúng ta thấy ngay, từ ngữ “Mở” mà GS Trường nêu ra, chính là mục tiêu thứ ba của giáo dục vNCH. Đó là “Khai phóng”. Mở là… khai phóng. Muốn hiểu sâu hai từ nhân bản và dân tộc, ta cần mở chúng ra như hai bực thang giá trị độc lập, để phân tích rõ, nhân bản là triết lý phổ quát, vượt qua biên giới và con người nào cũng có quyền sống, tự do, và phát triển, và dân tộc là căn tính riêng, gắn với lịch sử, văn hóa và vận mệnh của một cộng đồng, một quốc gia cụ thể. Tự Nhân bản riêng lẻ có thể sa vào chủ nghĩa cá nhân vị kỷ. Tự Dân tộc riêng lẻ có thể xô vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nếu không “mở” chúng ra, chúng ta sẽ đánh đồng giá trị phổ quát với bản sắc riêng, dẫn đến nhầm lẫn giữa lý tưởng nhân loại và nhu cầu của dân tộc, và chúng ta sẽ không thể hiểu sâu được rằng: “Tự do con người không đồng nghĩa với phá bỏ trật tự dân tộc, cũng như phục vụ dân tộc không đồng nghĩa với nô lệ tư tưởng quốc gia”. - Mở ra để thấy rõ gốc rễ, ý nghĩa, giới hạn và nguy cơ lệch lạc của mỗi khái niệm. Mở ra để hiểu rõ bản chất từng khái niệm, tránh sự ngộ nhận, cực đoan, hay bị lợi dụng trong tuyên truyền chính trị. - Cột Nhân bản và Dân tộc lại để thấy chúng là hai mặt của một nền giáo dục lý tưởng, giáo dục phải nảy sinh ra con người tự do nhưng có trách nhiệm, tuy cá nhân nhưng vẫn gắn bó với cộng đồng. Nói cách khác, hiểu đúng hai chữ này là bước đầu của suy nghĩ khai phóng, và cũng là bước đầu của một hệ thống giáo dục thực sự vì con người và vì đất nước, điều mà Việt Nam sau 1975 đã đánh mất. 7- Kết luận Hai trụ cột nhân bản và dân tộc trong giáo dục VNCH gắn bó chặt chẽ với nhau. Chúng vừa nuôi dưỡng con người phát triển toàn diện, vừa định hướng họ sống có trách nhiệm với quê hương. Đây là một trong những điểm sáng chói của nền giáo dục VNCH, một nền giáo dục dù chưa hoàn hảo nhưng có chiều sâu triết lý và phẩm chất khai phóng đáng học hỏi lại trong hiện tại. 1- Những chế độ độc tài, độc đoán thường mượn danh “dân tộc” để biện minh cho đàn áp, hoặc mượn danh “nhân bản” để chạy theo tiêu dùng phí phạm và sống vô độ, vô trách nhiệm. Nếu có lỗi thì là lỗi của cơ chế, lỗi của “chung”, của đảng, chứ không bao giờ là … lỗi của cá nhân hết! 2- Trong thời đại kỷ nguyên số, “nhân bản” đòi hỏi kỹ năng của một công dân số có đạo đức; “dân tộc” đòi hỏi sự hòa nhập láng giềng ASEAN và toàn cầu, không phải đóng cửa và tạo ra tranh chấp với nhau. Rốt ráo lại, “Mở” là điều kiện đủ để gìn giữ tinh thần phê phán và thích nghi, tránh biến hai thuật ngữ Nhân bản và Dân tộc đơn lẻ sẽ thành hai giáo điều mới! Xin nói “một chút” về miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa. Dù thời gian tồn tại ngắn ngủi (1955–1975) và chịu tình trạng ức chế chiến tranh khốc liệt, nhưng vào năm 1958, một đại hội giáo dục toàn quốc (từ vỹ tuyến 17 trở vào) đã nghiên cứu và chấp nhận 3 nguyên tắc căn bản định hướng cho nền giáo dục Việt Nam là nhân bản, dân tộc, khai phóng. a. Nền giáo dục Việt Nam phải là một nền giáo dục nhân bản, tôn trọng giá trị thiêng liêng của con người, lấy chính con người làm cứu cánh, và như vậy nhằm mục đích phát triển toàn diện con người; b. Nền giáo dục Việt Nam phải là một nền giáo dục dân tộc, tôn trọng giá trị truyền thống, mật thiết liên quan đến những cảnh huống sinh hoạt như gia đình, nghề nghiệp, đất nước và bảo đảm hữu hiệu cho sự sinh tồn và phát triển của quốc gia; c. Nền giáo dục việt Nam phải có tính cách khai phóng, tôn trọng tinh thần khoa học, phát huy tinh thần dân chủ xã hội, thâu thái tinh hoa các nền văn hóa thế giới. Cả ba tiêu chuẩn trên đều được ghi “nguyên văn” trong Hiến pháp VNCH. Đến năm 1970, thêm một nguyên tắc khác được đem vào làm chuẩn cho nền giáo dục Miền Nam. Đó là lấy sự tôn trọng tinh thần khoa học - như các quốc gia tân tiến trên thế giới - làm nền tảng cho mọi sự tiến bộ giáo dục tại Việt Nam. Từ đó, giáo dục Miền Nam đã có những bước đi vững chắc trên nền tảng của Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng – Khoa học. Đây chính là kim chỉ nam giúp cho nền giáo dục Miền Nam liên tục thăng tiến, nâng cao phẩm chất giáo dục quốc gia, và tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên Miền Nam trở thành những thành viên ưu tú của đất nước trong suốt thời kỳ 1958 – 1975. Có thể nói nhưng không hổ thẹn là sự thành hình trên 300.000 Tiến sĩ, Bác sĩ, Kỹ sư, Chuyên viên kỹ thuật, Khoa học gia… có mặt khắp nơi ở hải ngoại, đã và đang đóng góp tích cực cho chánh quyền sở tại là KẾT QUẢ của một nền giáo dục Nhân bản, Dân tộc, Khai phóng và Khoa học của Miền Nam – Việt Nam Cộng Hòa. Giáo dục đích thực là một cuộc hành trình liên tục giúp mỗi thế hệ tìm ra vị thế cá nhân trong bối cảnh dân tộc và nhân loại, dung dưỡng đồng thời tự do nội tại của từng cá nhân nhưng không tách rời khỏi nguồn gốc văn hóa dân tộc. Đó là bài học lớn của VNCH, và cũng là lời nhắn gửi cho chúng ta, thế hệ toàn cầu hóa, rằng:”Muốn bước vào tương lai, phải bước bằng đôi chân, một chân vững vàng trong nhân bản, một chân vững chãi trong dân tộc. Chỉ khi ấy, con người Việt mới có thể được khai phóng và sải bước tự tin trên con đường khoa học của thế kỷ 21.” Mai Thanh Truyết Nhớ về một người Anh, GS Nguyễn Văn Trường Houston – Tháng 7- 2025

No comments:

Post a Comment