Wednesday, July 23, 2025
Đất hiếm và Chuỗi cung ứng trên thế giới – Phần I
Hiện tại, Trung Công giữ vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu, không chỉ nhờ trữ lượng lớn mà còn do năng lực chế biến và chiến lược địa chính trị tinh vi. Dưới đây là một phân tích chi tiết về cách hành xử và ảnh hưởng của TC trong vấn đề đất hiếm:
1- Vị thế của Trung Cộng trong ngành đất hiếm
Trữ lượng đất hiếm (ước tính 2023): Trung Cộng chiếm khoảng 36-38% trữ lượng thế giới (44 triệu tấn oxit đất hiếm). Việc sản xuất đất hiếm toàn cầu do TC hầu như độc quyền với khoảng 60–70% sản lượng khai thác. Nhưng quan trọng hơn cả, TC kiểm soát hơn 85–90% quy trình chế biến và tinh luyện, vốn là giai đoạn then chốt biến quặng thành nguyên liệu dùng trong công nghiệp. Có thể nói, TC thống trị toàn thể chuỗi giá trị, từ việc Khai thác → Tinh luyện → Chế tạo vật liệu → Sản xuất sản phẩm công nghệ cao (nam châm vĩnh cửu, pin, điện tử quốc phòng).
2- Cung cách hành xử của Trung Cộng
Tước hết, TC dùng đất hiếm như vũ khí địa chính trị. TC kiểm soát ngành xuất cảng đất hiếm thông qua hạn ngạch, thuế, giấy phép, và các hợp đồng do họ chủ động. Xin đan cử một vài thí dụ điểm hình dưới đây:
* Vào năm 2010, khi xảy ra tranh chấp lãnh hải với Nhựt Bổn (Senkaku/Điếu Ngư), TC tạm ngưng xuất khẩu đất hiếm sang Nhựt, khiến thị trường toàn cầu rúng động và giá đất hiếm tăng vọt. Từ đó, Bắc Kinh cảnh báo gián tiếp với các nước khác rằng nước này sẵn sàng dùng đất hiếm làm công cụ gây áp lực chính trị.
* Thâu tóm mỏ đất hiếm ở nước ngoài. TC đầu tư và kiểm soát mỏ tại Châu Phi (Congo, Tanzania, Namibia), Myanmar (giáp biên giới TC, quan trọng về nguồn cung), Australia (đầu tư cổ phần vào công ty Lynas), Nam Mỹ và Đông Nam Á. Để rồi, TC không chỉ làm chủ mỏ trong nước mà còn gián tiếp kiểm soát nguồn cung ứng toàn cầu.
* Trợ giá, thao túng thị trường khai thác và chế biến khiến giá đất hiếm rẻ hơn thị trường vì TC bỏ qua việc thanh lọc lượng phế thải lỏng rất lớn trong quá trình tinh chế đất hiếm. Vì vậy, các nhà sản xuất ở nước khác khó cạnh tranh nổi. Trước năm 2020, chính Hoa Kỳ xuất cảng đất hiếm thô sang TC, để rồi nhập lại đất hiếm tinh chế, vì chi phí thanh lọc phế thải lỏng ở Mỹ … quá cao! Nhiều quốc gia từng có mỏ đã phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh với giá rẻ từ TC (như Mỹ với mỏ Mountain Pass giai đoạn 2002–2010).
3- Ảnh hưởng toàn cầu
Vì nắm được yếu tố môi trường/tài chính/sản xuất, đất hiếm của TC ngày càng tác động lên chuỗi cung ứng công nghệ cao trên thế giới như các công nghệ: Xe điện, nam châm vĩnh cửu, điện thoại, vũ khí định hướng bằng laser... đều cần đất hiếm. Và từ đó, Bắc Kinh dùng đất hiếm như là một vũ khí áp đặt vào các dịch vụ buôn bán qua việc gián đoạn sản xuất hay cắt đứt hợp đồng nhằm gầy áp lực với các quốc già đối tác như Mỹ, Nhựt, Âu châu, Đài Loan, Đại Hàn v.v…
Tuy nhiên, cũng nhờ sức ép trên mà một số quốc gia gây ra làn sóng "thoát Trung" về đất hiếm bằng cách tự sản xuất. Hiện tại, Mỹ đang đầu tư tái khởi động mỏ ở Mountain Pass từ năm 2020. Nhựt, Liên Âu đang tìm nguồn thay thế nguyên liệu ở Úc, Việt Nam, Brazil…Và hiện nay, chuỗi cung ứng trở thành đa dạng, không còn độc quyền như trước năm 2020 nữa…
Hoa Kỳ cũng đang khôi phục đất hiếm từ các sản phẩm phế thải cũ và tái sinh trở lại, cũng như mở thêm nhà máy ở những tiểu bang có mỏ đất hiếm. Nhưng dù muốn dù không, hiện tại, TC vẫn còn chủ động trong việc sản xuất và phân phối đất hiếm tinh chế, ước tính kiểm soát khoảng 70% nhu cầu đất hiếm trên thế giớ
4- Hoa Kỳ có "lệ thuộc" đất hiếm của Trung Cộng hay không?
Câu trả lời ngắn gọn: Có, nhưng Mỹ đang nỗ lực giảm mạnh sự lệ thuộc xuống.
4.1- Mức độ lệ thuộc của Hoa Kỳ vào đất hiếm Trung Cộng
Lệ thuộc vào nhập cảng, tính đến giai đoạn 2014–2020, có từ 80% đến 90% đất hiếm tinh chế (rare earth oxides - REO) nhập cảng vào Mỹ từ TC. Riêng đối với “nam châm vĩnh cửu”, trong một thời gian dài, Mỹ nhập khoảng 98%.
Hoa Kỳ vẫn có mỏ đất hiếm, nhưng không đủ khép kín chuỗi sản xuất. Mỏ Mountain Pass là mỏ đất hiếm lớn nhất nước Mỹ, nhưng từ 2002 đến khoảng 2017, mỏ này đóng cửa một phần vì không thể cạnh tranh với giá cả của TC. Sau khi hoạt động lại, phần quặng khai thác vẫn được gửi sang TC để tinh chế.
4.2- Tại sao Mỹ lệ thuộc?
Chuỗi cung ứng chế biến do TC thống trị vì chế biến đất hiếm cần công nghệ cao, độc quyền và rất ô nhiễm (axit, hóa chất độc hại, phóng xạ nhẹ). Mỹ từng giảm sản xuất trong nước vì lo ngại môi trường và chi phí cao, để rồi phải mua sản phẩm rẻ hơn từ TC. TC, ngược lại, nhờ trợ cấp nhà nước mạnh, chấp nhận ô nhiễm để chiếm lĩnh thị trường.
Lý do thứ hai, là do Mỹ thiếu đầu tư dài hạn vỉ HK đã từng xem nhẹ chiến lược đất hiếm sau Chiến tranh lạnh. Chính phủ và tư nhân không đầu tư đúng mức vào hệ sinh thái chuỗi cung ứng cho đến khi TC sử dụng đất hiếm như “vũ khí kinh tế” trong các tranh chấp thương mại.
4.3- Mỹ đang làm gì để giảm lệ thuộc?
Hiện tại, nhờ Đạo luật CHIPS and Science Act (2022) và các chương trình của DoD - Bộ Quốc phòng ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng đất hiếm trong nước. Luật Defense Production Act đã được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho các công ty khai khoáng và chế biến đất hiếm.
Nhờ đầu tư nội địa qua Tập đoàn MP Materials (vận hành mỏ Mountain Pass) đã bắt đầu xây nhà máy chế biến trong nước, ký hợp đồng cung cấp nam châm vĩnh cửu cho GM, Lockheed Martin, và nhứt là nhận tài trợ hàng trăm triệu USD từ chính phủ Mỹ nhằm giải quyết chi phí cho việc thanh lọc phế thải lỏng.
Thêm nữa, các hợp tác liên chính phủ qua Liên minh Quốc tế để đa dạng hóa nguồn cung với Úc qua Cty Lynas Corp, Canada qua Cty Avalon, Vitals Metal, và Việt Nam. Tất cà nhằm mục đích có thêm nguồn khai thác và chế biến bên ngoài TC.
4.4- So sánh hiện trạng đất hiếm năm 2025 giữa Mỹ và Trung Cộng
Trung Cộng sở hữu 60 – 70% tổng lượng đất hiếm trên thế giới và tinh luyện khoảng 85% và sản xuất 95% nam châm vĩnh cửu. Trong lúc đó, Hoa Kỳ có tổng sản lượng khoảng 15%, và hiện đang tái hoạt động và xây dựng các nhà máy tinh chế đất hiếm từ năm 2020.
5- Vai trò của Việt Nam trong cuộc chơi này
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới (ước tính khoảng 22 triệu tấn), nhưng vì chưa có công nghệ tinh chế đất hiếm, nhưng chưa có chuỗi công nghiệp hỗ trợ và đầu tư mạnh mẽ, chưa khai thác quy mô các mỏ hiện có, nhứt là bị áp lực từ TC.
Nếu được đầu tư đúng hướng (như liên kết với Nhật, Mỹ, EU), Việt Nam có thể trở thành một đối trọng địa chính trị trong ngành đất hiếm ở châu Á.
6- Kết luận
Trung Cộng không chỉ khai thác đất hiếm, mà đã biến nó thành công cụ chiến lược để củng cố vị thế địa chính trị và kiểm soát chuỗi công nghệ toàn cầu. Việc thế giới phụ thuộc vào TC về đất hiếm là một điểm yếu chiến lược và là một mối đe dọa tiềm tàng đối với các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.
Hoa Kỳ đã từng lệ thuộc gần như tuyệt đối vào TC về đất hiếm, đặc biệt trong giai đoạn 2005–2020. Tuy nhiên, kể từ chiến tranh thương mại dưới thời Trump và tiếp tục dưới thời Biden, Mỹ đã tỉnh thức và đang đầu tư mạnh để giảm thiểu nguy cơ chiến lược này.
Dù vậy, việc “thoát Trung” hoàn toàn sẽ mất thời gian (ít nhất đến sau 2030), vì: - Việc xây dựng hạ tầng tinh luyện cần nhiều năm; - Thị trường Mỹ chưa đủ sức cạnh tranh nếu không có trợ cấp của của chính phủ.
Tại hội nghị thượng đỉnh các nước G7 ở Hiroshima, Nhật từ 19 đến 21 tháng 5, 2023, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) , đã nhấn mạnh cần phải hợp tác với những đối tác và các quốc gia có tầm nhìn chung để “giảm thiểu sự phụ thuộc của chúng ta vào Trung Cộng” ở một số lĩnh vực then chốt, trong đó có đất hiếm. Ngày 18/5/2023, Bộ Tài nguyên của Australia, là khách mời tham dự G7 tương tự như Việt Nam, đã ra thông báo chính sách tài trợ cho ngành khai thác mỏ, trong đó có chiến lược khai thác đất hiếm, nhằm giảm thiểu các rủi ro về chủ quyền và tăng cường năng lực cho chuỗi cung ứng của các lĩnh vực sản xuất.
Trong thời đại của nền kinh tế công nghệ cao cấp, các nguyên tố đất hiếm có mặt khắp mọi sản phẩm công nghiệp như xe hơi, điện thoại di động, vệ tinh, động cơ, tên lửa dẫn đường bằng tia laser, một số linh kiện dùng trong kỹ nghệ tình báo và quân sự như trong động cơ và các thiết bị điện tử của mỗi chiếc máy bay chiến đấu F-35 Lightning II thế hệ mới nhất của Hoa Kỳ cần có khoảng 450 kg nguyên tố đất hiếm.
Khai thác đất hiếm và công cuộc bảo vệ môi trường trong quá trình tinh chế đất hiếm đòi hỏi các kỹ năng khoa học kỹ thuật cao và cân bằng với việc bảo vệ môi trường. Từ một nguồn đất thô và phải qua nhiều giai đoạn tinh lọc, tinh chế…, phát thải một số lượng quá lớn phế thải độc hại lỏng, rắn, và khí. Các công ty Hoa Kỳ, chỉ vì chú trọng vào hiệu quả kinh tế hơn vấn đề an ninh quốc phòng, cho nên trước một phí tổn rất lớn do EPA quy định trong việc thanh lọc phế thải, người Mỹ đã từng ngủ một giấc ngủ dài trong việc tinh chế các đất hiếm nầy.
Ngược lại, TC với quyết tâm đại hán, muốn trở thành bá chủ toàn cầu, vì vậy họ xem nhẹ việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sống của hơn 1,4 tỷ người Tàu nhằm sản xuất đất hiếm và làm ngơ việc thanh lọc phế thải lỏng. Nên nhớ, sản xuất chỉ 1kg đất hiếm, phát thải ra hàng chục ngàn lít phế thải lỏng độc hại…cần phải thanh lọc.
Cuộc chiến về đất hiếm giữa TC và Mỹ đang lần lần được cân bằng sau cuộc chiến cấm vận của Hoa Kỳ và TC, cũng như thương chiến về đất hiếm khơi nguồn từ tranh chấp giữa Nhật và TC năm 2010.
Vấn đề là, đất hiếm một khi đã được tinh luyện rồi cần phải…được dùng để sản xuất những sản phẩm “công nghệ tối tân” nhằm phục vụ trong công kỹ nghệ quốc phòng, y tế, không gian v.v…chứ không nhằm để xuất cảng như hầu hết đất hiếm của TC.
Và, về điểm trên, Hoa Kỳ vẫn chiếm ưu thế, vì TC không đủ khả năng để chạy theo các tiến bộ khoa học - kỹ thuật của HK. Nên nhớ, dưới thời TT Reagan, chì vì chạy theo chính sách không gian của Mỹ, mà Liên Sô bị hụt hơi và “tự” bứt từ vào năm 1991.
Và cũng cần nên nhớ, tuy Trung Cộng được xem như một nhà máy cung ứng cho toàn cầu …với giá rẻ, nhưng chưa bao giờ có đủ linh kiện “tự sáng chế” để hoàn tất 100% một sản phẩm cao cấp nào cả, từ những mặt hàng công nghệ tiêu dùng hay trong lãnh vực quân sự hoặc quốc phòng hay không gian!
Sẽ còn lâu lắm Trung Cộng mới có khả năng đuổi kịp thế giới tự do trong lãnh vực nầy. Do đó, một khi Tây phương ổn định được mức sản xuất đất hiếm đủ dùng cho nhu cầu trong nước, đất hiếm TC sẽ không còn là vũ khí chiến lược để “áp đặt cuộc “chơi”” với tây phương nữa và đương nhiên, kỹ nghệ đất hiếm của TC sẽ… chết!
Xin đón đọc tiếp:
Phần II - Tạo sao Mỹ không khai thác đất hiếm tại nội địa
Phần III - Đất hiếm Việt Nam – Triển vọng hợp tác Mỹ - Việt
Mai Thanh Truyết
Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam
Houston – Tháng 7-2025
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment