Thursday, July 24, 2025
Đất hiếm Việt Nam
Triển vọng hợp tác Mỹ - Việt – Phần III
Trong bối cảnh toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào đất hiếm – nguyên liệu thiết yếu cho công nghệ cao, quốc phòng, năng lượng tái tạo – việc khai thác và kiểm soát nguồn cung đất hiếm trở thành ưu tiên chiến lược. Việt Nam đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của Hoa Kỳ nhằm xây dựng chuỗi cung ứng đa phương, giảm phụ thuộc vào Trung Cộng.
Việt Nam là một trong những quốc gia có trữ lượng đất hiếm đáng kể ở Đông Nam Á, với các khoáng sản đa dạng gồm cả đất hiếm nhẹ (Light REEs) và đất hiếm nặng (Heavy REEs). Vì vậy, Hoa Kỳ đã chú ý và có chiến lược tiếp cận hợp tác, khai thác cũng như đảm bảo chuỗi cung ứng đất hiếm từ Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh làm giảm phụ thuộc Trung Cộng.
Dưới đây là một số dữ liệu về đất hiếm ở Việt Nam:
1. Mỏ đất hiếm tại Lai Châu: Mỏ đất hiếm lớn nhất của Việt Nam được phát hiện ở huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Đây là một trong những nguồn cung cấp đất hiếm quan trọng của đất nước, với tiềm năng khai thác lớn.
2. Mỏ đất hiếm tại Nghệ An: Đây là những khu vực có khả năng khai thác các nguyên tố đất hiếm như Cerium, Lanthanum và Neodymium.
3. Mỏ đất hiếm tại Hà Giang: Khu vực này cũng có một số mỏ nhỏ hơn với tiềm năng chứa đất hiếm.
Việc khai thác và chế biến đất hiếm tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, với nhiều dự án nghiên cứu và đầu tư để nâng cao giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường. Đất hiếm có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, và việc khai thác bền vững các nguồn tài nguyên này có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.
Theo số liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, ước tính 22 triệu tấn (20% trữ lượng toàn cầu) nhưng phần lớn vẫn chưa được khai thác. Vì đất hiếm rất quan trọng đối với ngành bán dẫn nên Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành nước đóng vai trò chính trong ngành bán dẫn trong tương lai. Việt Nam, quốc gia này trở thành nước đứng hàng thứ sáu trên thế giới về mặt hàng đất hiếm. Theo Reuters, TC sẽ là nước có lợi khi Việt Nam tăng sản lượng khai thác đất hiếm. Lý do vì Hoa Lục là thị trường xe hơi và xe điện lớn nhất thế giới; cũng như là trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử và điện thoại thông minh trên thế giới.
Bảng chỉ đường đến Đông Pao, mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam. Công an Việt Nam vừa bắt giữ sáu người bị cáo buộc vi phạm các quy định về khai thác mỏ, trong đó có chủ tịch của một công ty đi đầu trong nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp đất hiếm để có thể cạnh tranh với sự thống trị của TC trong lĩnh vực này, Reuters và truyền thông trong nước dẫn tin tức từ Bộ Công an cho biết hôm 20/10/2023. Trong số những người bị bắt có lãnh đạo của ít nhất một công ty tham gia đấu thầu là Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE).
Dưới đây là các điểm chính về tầm nhìn và chiến lược của Hoa Kỳ với đất hiếm Việt Nam kể từ khoảng 5 năm trở lại đây:
1. Đánh giá tiềm năng và hỗ trợ khảo sát thực địa:
Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) và Bộ Năng lượng (DOE) đã tài trợ hoặc hỗ trợ các dự án khảo sát địa chất tại Việt Nam để đánh giá chính xác trữ lượng và chất lượng đất hiếm. Mỹ phối hợp với các tổ chức địa chất Việt Nam, các chuyên gia quốc tế để xây dựng bản đồ trữ lượng đất hiếm vùng Tây Bắc, Quảng Trị, Lào Cai, Sơn La...
Tất cả nhắm vào mục tiêu nhằm có dữ liệu chính xác làm căn bản cho việc hợp tác khai thác hoặc đầu tư phát triển bền vững tại Việt Nam.
2. Khuyến khích đầu tư tư nhân Mỹ - hợp tác công tư (PPP):
PPP (Public – Private - Partnership) là khuôn mẫu đầu tư theo hình thức đối tác công tư, là hình thức đầu tư được thực hiện trên căn bản hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Với mô hình PPP, Nhà nước sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ và tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo phẩm chất dịch vụ. Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng có phẩm chất cao, nó sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nước, người đầu tư, và cả người dân.
Chính phủ Mỹ thúc đẩy các công ty khai khoáng, công nghệ cao của Mỹ hợp tác với Việt Nam trong khai thác và chế biến đất hiếm. Hoa Kỳ tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý, kỹ thuật, môi trường và đào tạo nguồn nhân lực để Việt Nam có thể khai thác đất hiếm một cách bền vững, không gây ô nhiễm nặng như ở TC.
Ví dụ có những liên doanh hay hợp tác giữa các công ty Mỹ với các doanh nghiệp Việt Nam hoặc các dự án do USAID hỗ trợ để phát triển công nghệ khai thác sạch.
3. Định hướng phát triển chuỗi cung ứng an toàn (Secure supply chain):
Mỹ không chỉ quan tâm khai thác mà còn muốn bảo đảm các nguyên liệu đất hiếm từ Việt Nam được đưa vào chuỗi cung ứng quốc tế “phi Trung Cộng”. Từ đó, đất hiếm Việt Nam có thể được xuất cảng qua các nước đồng minh, hoặc được tinh chế bằng công nghệ Mỹ hoặc đối tác tin cậy như Úc, Canada. Mỹ cũng quan tâm hỗ trợ Việt Nam xây dựng cơ sở tinh chế, chế biến trong nước hoặc khu vực, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô.
4. Hỗ trợ kỹ thuật và bảo vệ môi trường:
Do đặc thù khai thác đất hiếm rất dễ gây ô nhiễm môi trường nếu không giải quyết đúng cách, Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam áp dụng công nghệ khai thác và tinh chế hiện đại, thân thiện môi trường. Các chương trình hợp tác Mỹ - Việt nhằm giảm thiểu rủi ro môi trường, tăng cường giám sát, quản lý khoáng sản hiệu quả.
5. Hợp tác đa phương và địa chính trị:
Việt Nam là đối tác chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Vì vậy, Mỹ kết hợp hợp tác khai thác đất hiếm với nỗ lực hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực quốc phòng, phát triển công nghệ xanh, năng lượng tái tạo. Và chính hợp tác này cũng nhằm tăng sức mạnh kinh tế và chiến lược khu vực, hạn chế ảnh hưởng đơn phương của TC trong chuỗi cung ứng khoáng sản chiến lược.
6. Các ví dụ điển hình:
Mỹ đã từng tài trợ cho các chương trình hợp tác nghiên cứu địa chất với Viện Địa chất Việt Nam. Một số dự án hợp tác tư nhân - công tư đang trong giai đoạn đàm phán hoặc khảo sát. Hoa Kỳ cũng có ý tưởng xây dựng trung tâm tinh chế hoặc sản xuất nam châm đất hiếm tại khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam có vai trò quan trọng.
Tóm lại, HK tiếp cận đất hiếm Việt Nam bằng cách kết hợp khảo sát khoa học, đầu tư phát triển, chuyển giao công nghệ sạch, xây dựng chuỗi cung ứng đa phương an toàn và phối hợp trong chiến lược địa chính trị Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Việc làm này giúp Mỹ vừa khai thác được nguồn tài nguyên chiến lược, vừa hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững, đồng thời giảm lệ thuộc TC trong lĩnh vực đất hiếm và công nghệ cao.
7. Các dự án và kết quả hiện tại như thế nào?
Hiện tại, Mỹ chưa trực tiếp đầu tư khai thác đất hiếm quy mô lớn tại Việt Nam như ở Mountain Pass hay Round Top bên Mỹ, nhưng đã và đang triển khai một số dự án hợp tác khảo sát, phát triển công nghệ và hỗ trợ chiến lược, với kết quả ban đầu như sau:
7.1. Dự án khảo sát và đánh giá trữ lượng: Hợp tác Viện Địa chất Việt Nam – Viện Địa chất Hoa Kỳ (USGS) qua việc Mỹ hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị khảo sát địa chất và phân tích mẫu khoáng sản đất hiếm tại các vùng có tiềm năng như Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Quảng Trị, Thừa Thiên
Năm 2022, USGS phối hợp công bố bản đúc kết ban đầu về trữ lượng đất hiếm Việt Nam với trữ lượng đáng kể, nhất là đất hiếm nặng như dysprosium và terbium tại một số khu vực. Dữ liệu này tạo ra căn bản khoa học cho các nhà đầu tư Mỹ và quốc tế cân nhắc phát triển khai thác.
Kết quả thu lượm được là đã xác định các vùng trữ lượng đất hiếm đáng kể với phẩm chất đủ tốt để khai thác. Và HK cũng đã cung cấp dữ liệu để Chính phủ Việt Nam và nhà đầu tư tham khảo và hợp tác.
7.2. Dự án phát triển công nghệ tinh chế sạch: Qua các tổ chức như DoE (Bộ Năng lượng) và USAID, HK đã tài trợ các chương trình thử nghiệm công nghệ tinh chế đất hiếm thân thiện môi trường tại Việt Nam, chú trọng vào mục tiêu tránh lặp lại “vết xe đổ” ô nhiễm như TC hiện nay. Thử nghiệm công nghệ tinh chế đất hiếm thân thiện môi trường, giảm phát thải và thanh lọc chất thải độc hại. Trao đổi với các đối tác Việt Nam, các viện nghiên cứu và trường đại học kỹ thuật như Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Hóa học.
Các quy trình thử nghiệm thành công bước đầu với quy mô phòng thí nghiệm và bán công nghiệp. Hiện hai bên đang trong quá trình mở rộng thử nghiệm quy mô pilot tại các khu công nghiệp nhằm xây dựng nền tảng kỹ thuật giúp Việt Nam có khả năng tinh chế nội địa thay vì xuất khẩu nguyên liệu thô.
7.3. Liên doanh hoặc hợp tác đầu tư: Một số công ty Mỹ đã bày tỏ quan tâm hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam hoặc địa phương trong việc khai thác đất hiếm. Tuy nhiên, vẫn chưa có dự án khai thác thương mại quy mô lớn nào được công bố công khai tính đến 2025. Tất cả chỉ vì Việt Nam đang rà soát chính sách khoáng sản, quản lý môi trường và phát triển bền vững trước khi chấp thuận dự án quy mô lớn với đối tác ngoại quốc.
Các công ty Mỹ - Úc dưới đây đã và đang hợp tác đầu tư với Việt Nam:
• Công ty USA Rare Earth đang nghiên cứu khả năng hợp tác phát triển mỏ đất hiếm tại khu vực Tây Bắc Việt Nam. Hiện đã có liên lạc với các đối tác địa phương để khảo sát khả năng đầu tư, nhưng vẫn trong giai đoạn đàm phán ban đầu.
• Lynas Rare Earths (Úc) nhận được tài trợ và hỗ trợ từ Mỹ, đang tìm kiếm mở rộng chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á. Lynas cũng có dự án nghiên cứu thị trường và trữ lượng Việt Nam để đánh giá cơ hội đầu tư.
7.4. Hỗ trợ đào tạo và xây dựng năng lực: Mỹ đã phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo chuyên ngành về khai thác, tinh chế, quản lý khoáng sản và môi trường. Chính sách của Mỹ hiện nay hỗ trợ mạnh mẽ như các luật như CHIPS Act, Inflation Reduction Act tạo động lực tài chính và chính sách cho các công ty Mỹ mở rộng đầu tư, hợp tác khai thác và tinh chế đất hiếm ở các đối tác chiến lược như Việt Nam. Đây chính là bước chuẩn bị quan trọng để tạo nguồn nhân lực cho ngành đất hiếm phát triển trong nước.
7.5. Thách thức và hạn chế hiện tại: Hệ thống tinh chế đất hiếm ở Việt Nam hiện còn yếu, chỉ chú trọng vào việc khai thác thô và xuất cảng nguyên liệu. Việt Nam cần thêm nhiều vốn đầu tư công nghệ để xây dựng nhà máy tinh luyện hiện đại. Thủ tục cấp giấy phép đầu tư và chính sách môi trường còn trong giai đoạn chuẩn bị, cần thêm thời gian để cân bằng phát triển và bảo vệ môi trường. Căn cứ theo Báo cáo USGS (2022), việc đánh giá ban đầu cho thấy Việt Nam có trữ lượng khoảng 22 triệu tấn đất hiếm quy chuẩn (REO – Rare Earth Oxides), nằm rải rác ở nhiều vùng núi Tây Bắc và Trung Việt gốm các khoáng sản chánh như: Monazite, Bastnaesite, Xenotime, chứa nhiều Neodymium, Praseodymium, và Dysprosium. Vì địa hình phức tạp và tính chất đất hiếm bị phân tán, vì vậy cho nên việc khai thác rất phức tạp.
Tóm tắt kết quả công cuộc hợp tác Việt – Mỹ trong việc khai thác đất hiếm ở Việt Nam cho đến nay là: - Xác định trữ lượng tiềm năng đáng kể - Mẫu thử thành công, mở rộng quy mô - Đang chuẩn bị chính sách và đàm phán - Nâng cao trình độ kỹ thuật và quản lý. Quan trọng nhứt là Việt Nam cần có chiến lược dài hạn để khai thác tài nguyên đất hiếm một cách an toàn, hiệu quả, thân thiện môi trường và có lợi cho phát triển kinh tế xã hội.
Kết luận
Hiện tại, Việt Nam xuất cảng đất hiếm đến một số quốc gia và khu vực chính yếu. Dưới đây là những điểm đến chính:
1. Trung Cộng là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam trong việc xuất cảng đất hiếm. Mặc dù TC là nhà sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới, họ vẫn nhập cảng một lượng đáng kể từ Việt Nam để bổ túc cho nhu cầu nội địa và các dự án công nghiệp.
2. Nhựt Bổn là một thị trường quan trọng khác cho đất hiếm của Việt Nam. Nhựt sử dụng đất hiếm trong sản xuất các thiết bị điện tử và công nghệ cao.
3. Đại Hàn cũng là một khách hàng quan trọng về đất hiếm của Việt Nam vì nhu cầu cho ngành công nghiệp công nghệ cao và chế tạo.
4. Hoa Kỳ, với sự quan tâm ngày càng cao đối với việc đa dạng hóa nguồn cung cấp đất hiếm, Hoa Kỳ đã bắt đầu nhập cảng nhiều hơn từ các nguồn ngoài TC, trong đó có Việt Nam.
5. Châu Âu cũng nhập khẩu đất hiếm từ Việt Nam cho các ngành công nghiệp công nghệ cao và sản xuất thiết bị.
Việt Nam hiện đang sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm quý giá, có tiềm năng trở thành một trụ cột trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cho nên, cần đẩy mạnh phối hợp Việt - Mỹ trong khảo sát, chuyển giao công nghệ, đào tạo và phát triển chính sách.
• Cần phát triển song hành từ các giai đoạn khai thác, tinh chế, đến sản xuất và tái chế, bảo đảm an toàn môi trường và bền vững.
• Cần thúc đẩy hợp tác đa phương trong khu vực để tạo thế cân bằng và giảm áp lực phụ thuộc vào Trung Cộng.
• Cần tăng cường đầu tư công nghệ mới và nguồn nhân lực để nâng cao giá trị gia tăng trong nước.
• Và quan trọng nhứt là, đừng biến các dự án khai thác và tinh chế trở thành những… dự án treo như trong quá khứ!
Nếu các yếu tố trên được triển khai hiệu quả, việc Mỹ nhận được đất hiếm tinh chế từ Việt Nam trong vòng 3–5 năm tới rất khả thi.
Mai Thanh Truyết
Hội Bảo vệ Môi trường việt Nam
Houston - Tháng 7-2025
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment