Wednesday, May 5, 2021

 

Vấn nạn rác thải nhựa (plastic) trên thế giới

Tình trạng rác thải nhựa trên thế giới – Phần I

Các cuộc nghiên cứu cho thấy rác thải nhựa đổ ra đại dương dự kiến sẽ tăng gần gấp ba lần khối lượng trong vòng 20 năm tới, trong khi những nỗ lực ngăn chặn thủy triều cho đến nay hầu như không tạo được dấu hiệu cho cơn sóng thần rác thải.

Các chính phủ có thể cắt giảm mạnh dòng chảy nhựa đến các đại dương thông qua các biện pháp như hạn chế bán và sử dụng vật liệu nhựa và bắt buộc các lựa chọn thay thế, nhưng ngay cả khi tất cả các biện pháp khả dĩ nhất được thực hiện thì cũng chỉ cắt giảm lượng rác thải xuống mức thấp hơn chứ không ngăn chặn được hoàn toàn như mức thải hiện nay.

Các ước tính trước đây đưa lượng nhựa đến các đại dương mỗi năm vào khoảng 8 triệu tấn, nhưng con số thực tế cao hơn nhiều vào khoảng 11 triệu tấn, theo bài báo đăng trên tạp chí Science.

Vào tháng 07/2017, hơn 200 quốc gia đã ký một nghị quyết của LHQ về loại bỏ ô nhiễm nhựa trong các đại dương của chúng ta.  Các nhà nghiên cứu cho biết với những nỗ lực cắt giảm chất thải hiện tại căn cứ theo quyết định của LHQ, thế giới có thể giảm khối lượng chỉ khoảng 7% hàng năm.

1-    Sự thật không cần phải chối cãi

Theo ước tính gần đây, vấn đề rác thải nhựa trên thế giới hiện được dự đoán sẽ đạt 111 triệu tấn vào năm 2030. Hàng núi rác thải nhựa đang tích tụ trên toàn cầu sau khi Trung Cộng thực hiện lệnh cấm đối với việc xuất cảng rác thải của các nước khác vào TC.

Từ đó, đến năm 2030, số lượng ước tính sẽ đi về đâu khi có lịnh cấm nhập cảng của TC?

Trước khi có lệnh cấm, TC trở thành nhà nhập cảng rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Bài báo trên tạp chí Science Advances cho biết TC đã nhập 106 triệu tấn chất thải nhựa để tái chế kể từ năm 1992, chiếm 45,1% tổng lượng phế thải nhựa xuất cảng trên thê giới.

Nhưng vào năm 2017, TC tuyên bố không còn muốn đổ rác của các nước khác nữa, vì vậy họ có thể tập trung vào các vấn đề ô nhiễm của chính mình.

Sự thay đổi chính sách bất ngờ đã khiến các nhà xuất cảng rác thải như Hoa Kỳ, Canada, Ireland, Đức và các nước châu Âu khác phải truy tìm các giải pháp cho rác thải của họ. Hoa Kỳ đã gửi 13,2 triệu tấn giấy vụn và 1,42 triệu tấn nhựa phế liệu đến các trung tâm tái chế của TC hàng năm.

Các quốc gia Tây phương, nơi phụ thuộc rất nhiều vào các nhà máy tái chế của TC, đã chứng kiến ​​những kiện giấy và nhựa hỗn hợp chất đống trong các trung tâm tái chế. Một số chất thải này hiện đang được chuyển đến Việt Nam, Malaysia và Thái Lan, nhưng các chuyên gia cho rằng những quốc gia này có thể không lấp đầy khoảng trống mà TC để lại, CNBC News đưa tin.

Amy Brooks, tác giả đầu tiên của nghiên cứu hiện tại và là nghiên cứu sinh tiến sĩ kỹ thuật tại Đại học Georgia, cho rằng các quốc gia cần quản lý và tái chế chất thải của chính mình tốt hơn.

"Đây là một lời cảnh tỉnh. Trước đây, chúng tôi (Amy) phụ thuộc vào TC để tiếp nhận chất thải tái chế này và bây giờ họ đang nói không", cô nói với Associated Press. "Chất thải đó phải được quản lý, và chúng ta phải quản lý nó một cách hợp lý."

Hơn 8,3 tỷ tấn chất dẻo mới đã được tạo ra, phân phối và loại bỏ tính đến năm 2017. Phần lớn nguyên liệu đó được đưa vào đại dương của chúng ta. Mỗi năm con người gửi ước tính 8 triệu tấn nhựa ra biển. Nếu tiêu thụ nhựa tiếp tục với tốc độ này, chúng ta đang có xu hướng lấp đầy các đại dương với nhiều nhựa hơn lượng cá vào năm 2050!

Các nhà nghiên cứu của bài báo đã kết luận, "Cần có những ý tưởng và hành động táo bạo trên toàn cầu để giảm số lượng vật liệu không thể tái chế, thiết kế lại sản phẩm và tài trợ cho việc quản lý chất thải nhựa trong nước."

2-     Có bao nhiêu rác thải nhựa xả ra trên trái đất

Vào tháng 12 năm 2018, Hiệp hội Thống kê Hoàng gia của Vương quốc Anh đã đưa ra sự thật cốt lõi trong câu chuyện này - rằng chỉ khoảng 9% tổng số nhựa từng được sản xuất có khả năng được tái chế.

Quá trình sản xuất hàng loạt chất dẻo, bắt đầu cách đây chỉ sáu thập kỷ, đã tăng tốc nhanh chóng đến mức tạo ra 8,3 tỷ tấn - hầu hết trong số đó là các sản phẩm dùng một lần, cuối cùng trở thành rác. Ngay cả những nhà khoa học bắt đầu tiến hành cuộc kiểm đếm đầu tiên trên thế giới về số lượng nhựa đã được sản xuất, thải bỏ, đốt cháy hoặc đưa vào các bãi chôn lấp, cũng phải kinh hoàng trước những con số rác đã được thải hồi nầy.

Jenna Jambeck, một kỹ sư môi trường của Đại học Georgia, người chuyên nghiên cứu về nhựa cho biết: “Tất cả chúng ta đều biết rằng có sự gia tăng nhanh chóng và cực độ trong sản xuất nhựa từ năm 1950 cho đến nay, nhưng thực sự việc định lượng con số tích lũy cho tất cả các loại nhựa từng được sản xuất là không thể tưởng tượng rõ rang được, nhứt là chất thải plastic lên đại dương”.

Nhựa plastic mất hơn 400 năm để phân hủy, vì vậy hầu hết chúng vẫn tồn tại ở một số dạng. Chỉ có 12 phần trăm đã được thiêu hủy.

Nghiên cứu được đưa ra cách đây hai năm khi các nhà khoa học cố gắng giải quyết lượng nhựa khổng lồ tích tụ ở biển và tác hại của nó đối với các loài chim, động vật biển và cá. Dự đoán rằng vào giữa thế kỷ này, các đại dương sẽ chứa nhiều rác thải nhựa hơn cá, tính theo trọng lượng! Điều nầy đã trở thành một trong những thống kê được trích dẫn nhiều nhất và là một lời kêu gọi các quốc gia cần tập hợp nhau lại và cần phải hành động trước khi đã quá muộn!

Xin mời Quý vị đọc Phần II – Vấn đề xả rác plastic lên đại dương

Mai Thanh Truyết

Hội Bảo vệ Mội trường Việt Nam – VEPS

Houston – Tháng 5 - 2021







No comments:

Post a Comment