Friday, February 19, 2021

 

Thưa Bà Con,

Tìm nghĩa chữ “Đạo” tren Google thấy như sau:” Đạo, theo chữ Hán nghĩa đen là con đường hay đường đi, nghĩa bóng mang khái niệm trừu tượng về con đường, phương hướng, đường lối dẫn dắt con người đi đến mục tiêu hay lý tưởng nào đó. Có rất nhiều lý tưởng, phương hướng và nguyên tắc khác nhau về Đạo, thí dụ Thiên đạo, Nhân đạo, Trí đạo, Tâm đạo. Tuy vậy, tất cả những con đường Đạo khác nhau đó có cùng chung một nền tảng cơ bản là dựa trên cái Thiện, cái Đẹp, Tự Nhiên trong sáng lành mạnh và Chân Chính để mưu cầu Hạnh Phúc và An Bình cho con người.

Khi nói đến Đạo, người ta thường cho rằng đó là vấn đề thuộc Tôn giáo nhằm đến đạo Phật, đạo Thiên Chúa hay những đạo giáo khác đang lưu truyền hiện nay. Thật sự, đạo giáo hay tôn giáo chỉ là một trong nhiều Đạo khác nhau, nhưng chủ yếu về tâm linh dựa vào lòng tin hay đức tin của người theo đạo giáo để khuyên con người làm lành tránh dữ. Những đường Đạo khác cũng thế, đều dẫn dạy con người cách sống, cách hành xử, cách yêu thương cho và nhận trên công bình bác ái.”

Thân mời Bà Con thấy thêm…”Một chút về Đạo theo suy nghĩ của Cụ Nguyễn HIến Lê:

***

Một chút về chữ "Đạo"

Có lẽ trong chúng ta có một lúc nào đó không khỏi hiếu kỳ ngưỡng vọng muốn biết nguyên do từ đâu có sự chuyển động kỳ diệu không ngừng của thiên nhiên và muôn loài trong vũ trụ. Trước mắt hằng ngày con người va chạm, chứng kiến, cảm nhận bằng trực giác mà không thể chứng minh sự vô cùng vi diệu (tác động huyền diệu) của muôn vật chúng sanh. Đức Lão Tử, tác giả của cuốn Đạo Đức Kinh, một triết gia về "siêu nhiên" của nước Sở, viết vào khoảng 600 năm TCN, mà chính Ngài cũng không thể hiểu nổi. Có lẽ vì vậy mà Lão Tử đã vô đầu cuốn sách bằng câu "Đạo khả Đạo phi thường Đạo, Danh khả Danh phi thường Danh."

Cội nguồn của tất cả sự vận chuyển trong vũ trụ bắt đầu bằng cái "không", và Mẹ sinh ra muôn loài muôn vật mà Ngài gọi là "có" hay cái "dụng." Cái to lớn, kỳ diệu, huyền bí ấy không thể nào đặt tên cho xác nghĩa bởi một bộ óc người phàm. Chữ "Đạo" hay là Con Đường để tạm nói lên đó như là một chân lý, mà chân lý thì bất biến, bất biến trong sự sinh động không ngừng nghỉ. Vô vi không có nghĩa là không làm gì cả, mà hành động theo lý tự nhiên, tất cả chỉ để luôn có sự hài hòa của muôn loài trong vũ trụ.

Con người đã dùng cái "có" như mặt trời, gió, nước...để tác động với những cái "có" khác để làm ra sự hữu ích cho đời sống vật chất và trí tuệ của con người. Khoa học gia dùng phi thuyền (spacecraft) để khám phá thêm về vũ trụ, càng ngày người ta thấy ra một số hiện tượng với những câu hỏi chưa được giải đáp, cũng như họ càng khám phá thì bóp đầu không thể hiểu nổi. Con người không thể chế ngự nổi quyền năng của Thượng Đế, của Đấng Tạo Hóa.

 Ngoài trái đất, còn nhiều hành tinh khác trong vũ trụ. Có phải chỉ có trái đất mới thật là một hành tinh đặc biệt vì có sự sống? Có phải một số hành tinh nào đó đang có sự sống mà con người chưa khám phá ra? Có phải mặt trời là một ngôi sao to lớn nhất trong vũ trụ? Cái giới hạn của vũ trụ là ở đâu,  nơi nào? Vân vân...

Tóm lại, có một lần tôi đã nghe một vài người nói đã hiểu hết chữ "Đạo" của Đức Lão Tử, một Đại Tiên của Đạo Cao Đài, mà lại không bằng lòng với câu "Đạo khả Đạo phi thường Đạo, Danh khả Danh phi thường Danh." Nếu cho rằng Đức Chí Tôn đã dạy tín đồ Cao Đài hiểu hết về "Đạo" nên phủ nhận sự "mơ hồ" của Đức Lão Tử thì người đó có lẽ không còn là đệ tử của Cao Đài vì đã đạt đến chân lý vĩnh cửu. Tu là sửa, là học hỏi để ngày càng tốt hơn, và mục đích của những tôn giáo là vậy. Nếu cho rằng vũ trụ quan của Cao Đài khác với khoa học hiện tại theo lối giải thích, khi ấy là lúc linh hồn đã định ở một vị thế nào đó.

Nhiều học giả của thế giới đã bàn về câu trên. Ông Nguyễn Hiến Lê (tác giả, dịch giả, nhà giáo dục) đã có viết tóm tắt về đề tài này mà tôi cảm thấy dễ hiểu, dù có những danh từ  trừu tượng khi đó là sự huyền bí mầu nhiệm.

Nguyễn Hiến Lê, “Dịch Đạo đức kinh (1.1)”

道可道, 非常道; 名可名, 非常名.

, 名天地之始; , 名萬物之母.

故常無, 欲以觀其妙; 常有, 欲以觀其故常無, 欲以觀其妙; 常有, 欲以觀其徼.

此兩者, 同出而異名. 同謂之玄. 玄之又玄. 衆妙之門.

*

Đạo khả đạo, phi thường đạo; danh khả danh, phi thường danh.

Vô, danh thiên địa chi thủy; hữu, danh vạn vật chi mẫu.

Cố thường vô, dục dĩ quan kì diệu; thường hữu, dục dĩ quan kì kiếu.

Thử lưỡng giả, đồng xuất nhi dị danh. Đồng vị chi huyền. Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn.

*

Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cửu bất biến; tên mà có thể đặt ra để gọi nó [đạo] thì không phải là tên vĩnh cửu bất biến.

“Không”, là gọi cái bản thể của trời đất; “Có” là gọi mẹ sinh ra muôn vật.

Cho nên, tự thường đặt vào chỗ “không” là để xét cái thể vi diệu của nó [đạo]; tự thường đặt vào chỗ “có” là để xét cái [dụng] vô biên của nó.

Hai cái đó [không và có] cũng từ đạo ra mà khác tên, đều là huyền diệu. Huyền diệu rồi lại thêm huyền diệu, đó là cửa của mọi biến hóa kì diệu.

*

Chương đầu này là một trong những chương quan trọng nhất mà lại làm cho ta chúng ta lúng túng nhất vì không biết chắc được Lão tử muốn nói gì. Như trong phần I, chương II, tiết D, chúng tôi đã nói qua, có nhiều cách chấm câu; lại thêm có có mấy chữ có thể hiểu nhiều cách, như chữ thường (thường vô, thường hữu) trong câu thứ 3, đa số các học giả hiểu là thường thường (chúng tôi dịch như vậy, nhưng bỏ đi có lẽ hơn – coi chú thích ở cuối chương 3), còn Phùng Hữu Lan lại hiểu là vĩnh cửu, bất biến như chữ thường (thương đạo, thường danh) trong câu đầu; chữ kiếu (cuối câu ba) nữa, có người hiểu là sai biệt, chia lìa, phát đoan (chúng tôi theo Lục Đức Minh dịch là mênh mông, vô biên, vì cho rằng câu đó nói về cái thể và cái dụng của đạo: thể thì vi diệu, mà dụng thì vô biên).

Do hai lẽ kể trên (có nhiều cách chấm câu, một số chữ có thể hiểu nhiều nghĩa) ai muốn giải thích ra sao thì giải thích, tuỳ theo khuynh hướng và sự hiểu biết của mình. Chúng tôi đã biết trên mười bản dịch của chương này mà không bản nào giống bản nào, chỉ xin giới thiệu câu đầu trong bản dịch của J.L.L. Duyvendak (nhà Maisonneuve – 1953) do Etiemble dẫn trong bài Tựa cuốn Tao To King của nhà Gallimard 1967:

La Voie vraiment Voie est autre qu’une voie constante.

Les Termes vraiment Termes sont autres que des termes constants.

 

Đạo thực là Đạo thì khác với Đạo bất biến;

Danh thực là Danh thì khác với Danh bất biến.

 

Như vậy là Duyvendak đã cho hai chữ khả và phi những nghĩa rất mới: khả không còn nghĩa là có thể nữa mà là thực là; phi không còn là không phải nữa mà là khác với. Chữ đạo và chữ danh thứ nhì không còn là động từ nữa mà là danh từ. Và ý nghĩa của câu hoàn toàn ngược lại ý nghĩa trong các bản dịch khác: Đạo của Lão tử không còn là cái gì vĩnh cửu bất biến nữa. Độc giả có thể cho Duyvendak là lập dị, nhưng Etiemble khen là mới.

Lão tử chỉ bảo: Đạo không thể diễn tả được, mà không nói rõ tại sao, nhưng câu 2 và câu 3 cho ta đoán được ý ông. Đạo là “không”, siêu hình, là bản nguyên (hoặc tổng nguyên lí của vũ trụ), cái “thể” của nó cực kì huyền diệu; mà cái “dụng” của nó lại vô cùng (vì nó là mẹ của vạn vật), cho nên người thường chúng ta - một phần tử cực kỳ nhỏ bé của nó, đời sống lại cực kỳ ngắn ngủi - may lắm là thấy được vài qui luật của nó, vài cái “dụng” của nó chứ không sao hiểu nó được. Không hiểu nó được thì làm sao diễn tả nó được. Lão Tử mở đầu Đạo Đức Kinh bằng 6 chữ: “Đạo khả đạo phi thường đạo” như có ý báo trước cho ta rằng ông sẽ chỉ có thể gợi cho ta ít điều về đạo thôi, để cho ta suy nghĩ, tìm hiểu lấy bằng trực giác, chứ ông không chứng minh cái gì cả. Chính ông, ông cũng không hiểu rõ về đạo, ngôn ngữ của ông không diễn tả nó được, và đọc ông ta đừng nên “cầu thậm giải” như Đào Uyên Minh sau này đã khuyên.

Đạo không thể giảng được, mà cũng không có tên, không thể đặt tên cho nó được, vì nó độc lập tuyệt đối, không có hình tượng, thuộc tính. Gọi một vật là là cái ghế vì vật đó có những thuộc tính của loại ghế: có ba hay bốn chân, có mặt để ta ngồi, lưng để dựa… Đạo “sinh ra trước trời đất, trước muôn vật, nó độc lập tuyệt đối, không có đồng loại, như vậy thì làm gì có tên. Vả lại tên vốn có tính cách giới hạn và quyết định: tên trỏ cái ghế thì không thể dùng trỏ cái bàn; một vật mang tên ghế thì nhất định chỉ là cái ghế chứ không thể đồng thời vừa là cái ghế vừa là cái bàn. Một vật cái tên thì không thể đồng thời vừa ở chỗ này vừa ở chỗ khác. Đạo – như sẽ thấy ở một số chương sau – vốn “đi khắp không ngừng”, vừa ở đây vừa ở kia, vừa là cái này vừa là cái nọ; vì vậy không thể có một tên nào thích hợp với nó được. Đành phải tạm gọi nó là đạo.

Tóm lại, đại ý chương này là: đạo vĩnh cửu bất biến, không thể giảng được, không thể tìm một tên thích hợp với nó được; cái thể của nó là “không”, huyền diệu vô cùng, mà cái dụng của nó là “hữu” lớn lao vô cùng.

(Trích Nguyễn Hiến Lê, Lão tử và Đạo Đức kinh)









No comments:

Post a Comment