Thưa
Bà Con,
Your Story
kỳ nầy xin được giới thiệu BS Quân y Nguyễn Duy Cung, môt BS chuyên khoa về mổ
xẻ. Vào những ngày cuối của cuộc chiến, anh không di tản như bao nhiêu người bạn
khác, quyết định ở lại vì còn khoảng hơn trăm thương bịnh binh ở bịnh viện Nguyễn
Thai Học, Gia Định. Quyết định nầy cũng kéo theo hơn chục y tá ở lại cùng với ông.
Nhưng rồi ông cũng không giữ được bịnh nhân vì họ cũng đã bị sự tàn nhẫn vô nhân
đạo của CSBV đuổi khỏi bịnh viện ngay sau ngày 30/4/1975. Người viết đã từng đến
thăm BS Cung nhiều lần ở tại tư gia và rất cảm động khi thấy ông sống trong hoàn
cảnh cô đơn, hiu quạnh, không người chăm sóc, dù gia đình (vợ và con) vẫn còn sống
chung!
Thương
thay cho một tấm lòng nhân bản của một người Bác sĩ Quân y của Quân đội Việt
Nam Cộng Hòa.
Bài
nói chuyện dưới đây nhân ngày ra mắt sách của Ông tại Westminster. Và Ông mất đi
chỉ hơn một tháng sau ngày nầy (10/2014).
***
Bác
Sĩ Nguyễn Duy Cung - Một Quân Y Sĩ Nhân Bản
Bài phát biểu ngày 28/9/14 tại Westminster,CA
Tôi nhận được bản thảo của quyển sách “Đời y sĩ trong cuộc chiến tương
tàn” của tác giả Nguyễn Duy Cung từ một người bạn. Tuy nhiên qua nhiều
bận bịu với công cuộc tranh đấu cho Việt Nam, tôi quên hẳn đi. Nhưng vừa mới
đây, nhân một ngày “nghĩ dưỡng sức’ tôi đọc “một lèo” bản thảo cuốn sách.
Tôi đọc và tiếp tục đọc.
Buông tập giấy ra, tôi hình
dung được Bác sĩ Nguyễn Duy Cung, môt người tôi được nghe qua nhiều người
bạn kể những hành động của ông đặc biệt trong những ngày hấp hối của VNCH vào
tháng 4 năm 1975, nhưng tôi chưa bao giờ được gặp anh trong thời điểm xáo trộn
đó.
Cảm nghĩ đầu tiên của tôi là một
sự bất ngờ lý thú, bất ngờ vì thấy cuộc đời của tác giả dù trải qua nhiều giai
đoạn nghiệt ngã của Đất Nước và của chính bản thân ở cuối đời…mà anh vẫn giữ được tấm lòng trung hậu với tha
nhân và những người thân thuộc chung quanh mình. Đó là một đức tính hiếm có
của một con người.
Xin trích một đoạn khi anh nói
về sự hiểm nguy trong cuộc chiến: “Cuộc đời của tôi đã đi qua những
đoạn đường chông gai thời chinh chiến tàn khốc, đôi khi quá kinh hoàng trong
cơn bơm rơi đạn nổ, nhiều lúc tưởng chừng như không thể nào thoát được lưới tử
thần nếu không có bàn tay mầu nhiệm đã cứu vớt tôi. Tôi có người Mẹ thân yêu đã
mất cách đây 50 năm, lúc tôi còn trẻ. Tuy nhiên, tôi có linh cảm như Mẹ tôi lúc
nào cũng ở bên cạnh để che chở cho tôi và giúp tôi tránh khỏi những tình huống
vô cùng khó khăn và đen tối”.
Lời văn tuy mộc mạc nhưng nói
lên cái tâm lành của tác giả, cung cách duy tâm của người con Việt chống Cộng sản,
luôn nghĩ đến và nuôi dưỡng một niềm tin
mãnh liệt là có một Đấng thiêng liêng che chở mình qua hình ảnh và tình thương
của người Mẹ.
Tôi cảm phục và đồng cảm với
Bác sĩ Cung trong những giây phút cuối cùng của cuộc chiến. Trong lúc nhiều đồng
nghiệp khác và cộng sự viên đều bỏ đi tìm đường di tản, anh Cung vẫn tiếp tục mổ xẻ, băng bó các vết thương của những người
chiến binh Việt Nam trong nhà thương Nguyễn Thài Học. Xin nói, đây
là một việc làm hiếm hoi của một người bác sĩ “thời hiện tại” mà ở xã hội xã
nghĩa đầy ác tính nầy, chúng ta ít thấy được tinh thần phục vụ của một lương y
thể hiện đúng theo lời thề Hyppocrates trước khi ra trường.
Tôi không nghĩ quyết định trên
của anh Cung thuần túy là do lương tâm của một người y sĩ, mà còn là một níu
kéo thiêng liêng nào đó, cầm giữ anh lại.
Tôi muốn nói, đó là Hồn Nước.
Hồn nước đã giữ chân anh, cũng
như bao nhiêu người con Việt khác dù biết
rõ người Cộng sản và con đường xã hội chủ nghĩa khắc nghiệt và phi nhân bản như
thế nào rồi. Chính vì sự đồng cảm đó với anh, cho nên tôi quyết định viết một
vài suy nghĩ về cuốn sách “Đời y sĩ trong cuộc chiến tương tàn”.
Mặc dù cuộc chiến nhìn từ bên ngoài có thể được xem như cuộc chiến tương tàn
theo ý của BS Cung, có lẽ vì dưới cặp mắt của một y sĩ, thương vong bên nào
cũng là nạn nhân của chiến cuộc hết!
Nhưng thực sự, đây chỉ là kết
quả của một cuộc chiến do cộng sản Việt Nam mang đến cho quê hương mà thôi. Và,
theo chủ quan của tôi, đây không phải là cuộc chiến tương tàn mà là…cuộc xâm lăng của Cộng sản tiến
chiếm Miền Nam thân yêu của chúng ta. Tôi có những suy nghĩ khác với BS
Cung về cuộc chiến đó, đúng như BS Cổn trong phần mở đầu tuyên bố, mỗi
người nhìn vào cuộc chiến tùy theo cảm nghĩ của mình.
Hiện tại, anh đang sống trong
những giây phút xế chiều của cuộc đời, anh đang chịu nhiều đau thương của thân
xác do cơn bịnh ngặt nghèo gây ra, nhưng anh vẫn viết lại cuộc đời của anh
trong một trạng thái hết sức bình thản, an nhiên, và đầy nhân hậu. Anh
vẫn lạc quan và cám ơn cuộc đời đã cho anh nhiều ưu đãi. Và trong những giai đoạn
khốn khó nhứt như hiện tại, anh vẫn nghĩ đó là những thử thách để cho anh cố gắng
vượt qua.
Tôi không thấy anh thể hiện
trong lời văn những tư tưởng yếm thế, buồn phiền hay hờn giận trong suốt chiều
dài của cuốn sách. Nếu có chỉ là một bàng bạc thoáng qua vì cảm xúc quá độ;
nhưng ngay sau đó, anh nghĩ lại và tự khuyên mình quên đi để thứ tha…
Có lẽ chính vì cái Tâm lành đó
làm anh vượt qua cơn đau để có một tầm nhìn tích cực và nhân bản hơn trong cuộc
sống phù du nầy.
Anh vẫn vui với miếng xôi, với
dĩa bánh cuốn, hay cái bánh bao mà bạn anh mang đến trong những lần ghé thăm
anh. Anh vẫn say sưa chăm chú vào ván cờ tướng anh đánh với bạn, không phải để
tranh thắng thua, mà chính là tìm lại được những giây phút trân quý bên bạn.
Anh
cám ơn tất cả, cám ơn bạn bè, và đặc biệt anh không tiếc lời cám ơn người vợ
luôn bên cạnh anh và chia xẻ với anh trong mọi tình huống mỗi khi anh có dịp
san sẻ trong cuốn sách. Bây giờ, trong những giây phút cuối của
cuộc đời, anh nói:” Tôi may mắn gặp được một người vợ hiền tuy nhỏ tuổi hơn tôi nhiều,
nhưng thật “đảm đang” gan dạ, đã không “bỏ” tôi trong thời buổi khó khăn khi
tôi còn ở trong các trại tù tập trung của cộng sản”.
Hoặc:” Sang Hoa Kỳ, vợ tôi biết chấp nhận
thiếu thốn về vật chất riêng tư cho mình, đi làm lụng cực nhọc để cho tôi có đủ
phương tiện học hành…”.
Thưa anh Cung,
Từ một bác sĩ giải phẩu gan dạ
của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, trực diện với nhiều biến cố gian nan suốt một
thời gian dài, nhờ lòng quyết tâm để vươn lên, không đầu hàng nghịch cảnh, anh
đã trở thành một Bác sĩ giải phẩu
thẩm mỹ khéo tay tại Hoa Kỳ.
Xin được khâm phục anh. Anh đã
vượt qua bao nhiêu thử thách nhưng Tâm anh vẫn bình an, vẫn an nhiên tự tại.
Trong anh, tôi nghĩ, anh không có tư tưởng
chiếm đoạt, một suy nghĩ của đa số đàn ông, trong anh không có cái “của tôi”, do đó, tôi nhìn thấy được niềm an
lạc nơi anh. Ngay cả đối với Vợ, anh nói là “được gặp” chứ anh không nói là “vợ của tôi”.
Anh đã thoát ra ngoài cái thường
tình!
Chính vỉ vậy, anh mới đứng dậy
được với nỗi đau thể xác do cơn bịnh và nỗi đau tinh thần do …tình người! Ở tuổi
như anh, như tôi, mọi sự đều trở nên vô thường phải không anh?
Thưa anh Cung,
Anh không là một nhà văn. Anh
viết một mạch hồi ký về cuộc đời như anh nói chuyện. Anh viết để cho con cháu,
bạn bè biết về cuộc sống của anh, bình dị và thản nhiên.
Tôi cũng như anh, tôi không là
một nhà văn, chỉ “nghĩ sao nói vậy người ơi”, rất Nam Kỳ. Nhưng tôi viết trong sự
chân thật, tôi đáp lại tấm chân tình của anh đối với người thân và tha nhân.
Duyên hội ngộ cho phép tôi chỉ
đếm thăm anh một lần duy nhất, và sau đó, vì hoàn cảnh, vì sự “cấm đoán”, tôi
không còn dịp để thăm anh. Hôm nay, nhân anh có mặt trong buổi Ra Mắt sách nầy do
Diễn
đàn Cựu Sinh Viên Quân Y QLVNCH, tôi xin nghiêng mình kính cẩn với tâm phục một
Người Lính Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ đầu hàng trước nghịch cảnh
và luôn luôn ngẩng cao đầu …đi vào con đường cứu nhân độ thế.
Anh là Một Người Lính Việt Nam
Cộng Hòa Nhân bản!
Tôi viết các suy nghĩ trên liên
tưởng đến ngày 14 tháng 7. Ngày nầy cách đây 225 năm, người dân Pháp đã biết đứng
lên tháo bỏ gông xiềng phong kiến, khơi mào cho tư tưởng tự do ngày nay.
Thưa anh,
Bao giờ những người con Việt
làm được như người Pháp năm xưa để mang lại niềm an lạc cho dân tộc Việt?
Viết lên những dòng chữ nầy,
tôi hy vọng luôn được làm bạn với anh để được học hỏi nơi anh, một
người Lính đích thực của Việt Nam Cộng Hòa.
No comments:
Post a Comment