Saturday, June 14, 2025

Phát triển Việt Nam trong hai kế hoạch ngũ niên Lời người viết: Những suy nghĩ chủ quan dưới đây là của người viết và xin được chia xẻ cùng quý bạn, hy vọng từ đó gợi ý cho sự phát triển bền vững, ứng hợp với chiều hướng toàn cầu hoá của Việt Nam trong tương lai. Trước hết, xin nói về mối giao tiếp giữa hai tầng lớp cán bộ ngoài Bắc và lớp chuyên viên miền Nam trong giai đoạn giao thời. Ngay sau khi chiếm đóng miền Nam ngày 30/4/1975, mọi tiếp cận và đối thoại giữa người nắm quyền lực trong tư thế của kẻ chiến thắng và giới chuyên viên của miền Nam còn nhiều cách ngăn và cản ngại. Ngăn cách vì sự thể quá mới và quá bất ngờ. Cản ngại trong cung cách cư xử qua sự say men của kẻ chiến thắng. Từ đó, đa số giới chuyên viên không dám hay không muốn đề nghị một phương cách phát triển nào cả, mà chỉ “làm việc” trong tâm trạng thụ động và cầu an. Dĩ nhiên, vẫn còn có một số trí thức 30/4, cố ráng cầu cạnh để mong được “cấp trên” đoái hoài đến. Và họ đã lầm và đã phải trả một giá rất đắt là sự khinh bỉ của bè bạn khắp nơi chỉ sau một thời gian ngắn! Cũng vì là buổi giao thời và ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, Việt Nam bị cấm vận cho nên nguồn nguyên vật liệu không còn nữa, cho việc sản xuất và phát triển các dự án không thể thực hiện được mặc dù quy trình sản xuất đều nằm trong khả năng và tầm tay của tầng lớp khoa học của VNCH cũ. Có hai lý do chánh dưới đây: • Lớp cán bộ miền Bắc không tin tưởng thực sự những người làm khoa học trong Nam. Sự khác biệt về trình độ và nhận thức khoa học không theo kịp đà tiến bộ của thế giới khiến họ bị mặc cảm dù họ thuộc thành phần lãnh đạo. • Tình hình an ninh trong nước thời bấy giờ dưới nhãn quan cộng sản, khiến cho họ cần tập trung tầng lớp trí thức khoa học để dễ kiểm soát hơn là thực sự khai thác khả năng của anh em trí thức trong Nam. Trong những năm hoạt động đầu tiên nầy, Ủy ban Khoa học Thành phố đã có một tập hợp trí tuệ hơn 100 nhân sự tốt nghiệp ở Việt Nam (VNCH), Pháp, Úc, Đức, Bỉ và Hoa Kỳ… và tuổi trung bình vào khoảng 30 đến 40, tuổi của sáng kiến, năng động và tinh thần đóng góp cao độ. Nếu so sánh với các thành quả thu hoạch được trong giai đoạn 10 năm đầu sau khi thống nhứt toàn thể Việt Nam, có thể nói là không có “hiệu quả kinh tế” so với thành quả đạt được trong “sản xuất”. Lý do tâm lý có thể là lý do quan trọng nhứt trong cung cách cư xử giữa hai đối tác như đã kể trên mặc dù một số trí thức trẻ vẫn còn mang tinh thần tích cực trong đóng góp. Câu hỏi được đặt ra là, với những điều kiện thuận lợi trong việc tập hợp ban đầu như thế, nhưng tại sao tầng lớp nầy lần lượt bỏ đi, không tiếp tục hợp tác với chế độ trong công cuộc phát triển Việt Nam? Câu trả lời chung quy gồm các lý do có thể tóm lược sau đây: • Điều kiện và các cơ sở vật chất là những cơ ngơi chiếm đoạt trong quá trình “đánh tư sản” hay được “dâng hiến”, do đó, không thích ứng cho bất cứ một dự án sản xuất nào cả vì thiếu máy móc và nguyên vật liệu. • Thành phố không có chương trình hành động hay kế hoạch phát triển…ngoài việc thấy đâu làm đó. Lãnh đạo nghe “báo cáo” nơi nầy, nghe rỉ tai nơi nọ…rồi từ đó “chỉ thị” lên phương án làm việc. Các “chuyên viên” chế độ cũ từ đó mà …viết dự án, thiết kế nhà máy…nhưng tất cả chỉ trên giấy tờ…để Thành phố có số liệu mà báo cáo lên…trung ương (?) • Chính sách đãi ngộ đối với trí thức quá bạc bẽo nếu không nói là những lời khuyến dụ hào nhoáng bề ngoài không thuyết phục được họ, dù lãnh đạo các cấp của CS cố gắng đem tình tự quê hương để khêu gợi lòng yêu nước của họ. • Trong số trí thức tập hợp được trong giai đoạn nầy, vẫn còn có nhiều anh chị có những suy nghĩ hết sức tích cực là cho dù người cộng sản mang đi các thành phẩm sản xuất được về Bắc, thì ít ra cũng còn lại một số ít để lại cho miền Nam dùng, may ra trong số ít người được hưởng đó có bà con mình. Ý tưởng tích cực đó, theo thời gian lần lần bị thui chột trong tâm trí những trí thức trẻ trên. Và quyết định sau cùng của họ là đành phải liều mạng bỏ nước ra đi dưới nhiều hình thức như vượt biên, vượt biển hay đi đoàn tụ nếu có điều kiện. Còn bây giờ, sau 40 năm (tính mốc thời gian từ 1985 trở đi) rút kinh nghiệm, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Thành phố đã thực hiện được những gì ngoài những loại sản xuất … tiểu thủ công nghiệp! Việt Nam cho đến nay vẫn theo chính sách phát triển Việt Nam trong cơ chế thị trường nhưng phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một cơ chế đã được cổ súy hàng 40 năm qua từ khi mở cửa, nhưng xin thưa, có thể nói một cách khẳng quyết rằng, ngay cả những người hoạch định chính sách ở cấp cao nhứt nước, vẫn không thể nào triển khai hay giải thích có tính cách thuyết phục cả. Điều đó có nghĩa là chính sách trên chỉ là sản phẩm của một số não trạng đã bị đóng băng trong kinh điển cộng sản nửa vời. Vì vậy, Đất và Nước ngày hôm nay phải gánh chịu biết bao dự án bị bỏ dở nửa chừng hay dự án treo, hàng loạt “đại công ty”, đại doanh nghiệp quốc doanh như Vinashin, Cty Dầu khí, Điện lực, Khai thác Bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, Cty Formosa Hưng Nghiệp ở Vũng Áng, Cty Hóa dầu Dung Quất, v.v…lần lượt khai phá sản hay thua lỗ… và để lại gánh nặng cho “Nhà nước”, chính là “cha đẻ” của những đại công ty trên! Hiện tại, trong 40 năm mở của tiếp thu văn minh và kỹ thuật cùng công nghệ tân tiến trên khắp thế giới, và đã tiếp nhận biết bao viện trợ khắp nơi, thế mà, Việt Nam vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo đói. Vì đâu nên nỗi! Rốt ráo lại…không lời kết Nhớ lại, dưới thời cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, chính sách cấm 14 ngành nghề mà người Trung Hoa không được nắm giữ trong đó có nhiều ngành dự phần vào việc phát triển kinh tế quốc gia. Cấm cản nhưng không có chính sách thay thế cho nên kinh tế miền Nam trong giai đoạn trên bị điêu đứng một thời gian. Cấm cản nhưng không giam cầm người Hoa. Để đối lại, chính sách triệt hạ tư sản “mại bản” của những người nắm quyền bính ngay những ngày đầu sau 1975 tạo ra một sự khủng hoảng toàn diện. Đất nước kiệt quệ thậm chí người dân không đủ gạo để ăn! Và đại đa số những tư bản Tàu và Việt có khả năng “làm kinh tế” trong các dịch vụ sản xuất và phát triển quốc gia hầu hết đều bị cầm tù cho nên có thể nói, tất cả hệ thống phát triển kinh tế trong giai đoạn nầy đều bị khựng lại. Sau cùng danh từ “thời kỳ quá độ” đã được rêu rao ầm ĩ trong những năm đầu…đã đi vào quên lãng. Vì sao? Vì mãi đến hôm nay, 50 năm qua, chính sách phát triển Việt Nam cũng vẫn còn nằm trong…thời kỳ quá độ theo định nghĩa lúc ban đầu. Phải chăng đây là một chính sách không văn bản nhằm mục đích “cào bằng” sự “giàu sang” của miền Nam ngang hàng với mức nghèo đói của miền Bắc? Phát triển có kế hoạch chỉ trên giấy tờ, nhưng trên thực tế là một sự phát triển…vô kế hoạch. Việt Nam vẫn không “tiêu hóa” được tinh thần của việc thiết lập khu chế xuất nhằm mục đích tiết kiệm năng lượng, tận dụng nguyên vật liệu, phó sản và phế phẩm để thực hiện một dây chuyền liên hoàn sản xuất, chứ nào phải đâu là nơi tập trung của một số nhà máy sản xuất “hổ lốn” như trong hơn 400 khu chế xuất hiện tại (2025) trên khắp miền đất nước. (Xem bài viết về Khu chế xuất Tân Thuận). Gánh nặng nhân sự của bộ máy quốc doanh làm trì trệ quốc gia và không phát triển bền vững được vì vẫn còn chính sách hồng hơn chuyên luôn được thể hiện đâu đó trong các dự án hay kế hoạch. Thí dụ như:” Ngày 19/4/2011, Quyết định 579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020 có hiệu lực từ ngày ký có chi tiết như: “Phấn đấu đến năm 2020 đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu phát triển nguồn nhân lực là: tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 55%; Số sinh viên đại học, cao đẳng là 400 sinh viên/10.000 dân. Có hơn 10 trường dạy nghề và trên 04 trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế. Chỉ tiêu nâng cao thể lực nhân lực, phấn đấu tuổi thọ trung bình của lao động là 75 tuổi, chiều cao trung bình của thanh niên là 1,65m, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 05 tuổi nhỏ hơn 5%.” Kết cục rồi tới năm 2020, không có chỉ tiêu nào đạt kế hoạch cả sau 10 năm thực hiện. Một người bạn trên FB, NQL góp ý:”Tôi ghét nhất là định hướng xhcn làm không được thì đưa ra con số ảo. Nhớ phong trào cơ khí hóa toàn quốc do bộ chính trị phát động 1977. Ông tbt LD đặt ta chỉ tiêu sau 3 năm nhà nào cũng có ti vi tủ lạnh ...trâu bò thịt hết, máy hỏng và nhân dân phải dùng cuốc thay trâu. Đừng mất thời gian định hướng bao nhiêu doanh nghiệp nữa. Cứ để cho nó phát triển tự nhiên . Doanh nghiệp nào làm ăn đúng thì tồn tại còn gian dối bị loại. Nhà nước đứng vai trò cầm cân nảy mực. Những kẻ lợi dụng quyền chức vòi vĩnh phá phách hay chây ì khi doanh nghiệp kiến nghị thì bỏ tù hoặc bắn bỏ ngay. Luật doanh nghiệp phải minh bạch ổn định. Đừng làm kiểu thay đổi luật chơi khi cuộc chơi vẫn tiếp tục . Nếu làm vậy sợ gì không phát triển . Còn số lượng to hay nhỏ do thị trường quyết định!” Rốt ráo lại, sau 50 năm “làm cách mạng”, CSBV điều hành nghề cách mạng một cách liên tục, không suy xiểng, bền bỉ, và vẫn áp dụng chuyên chính vô sản làm đầu trong việc quản lý đất nước, cũng như xem đó là… kim chỉ nam trong hành động. Mỗi khi một kế hoạch 5 năm chấm dứt, vẫn một khuôn sáo cũ, vẫn một Quyết nghị tăng trưởng đất nước hơn 5 - 10 lần hơn trước, mà cho đến nay đã 50 năm qua, gần 100 triệu người dân trong nước vẫn còn chật vật với chén cơm manh áo hằng ngày. Đó chính là vấn đề của đảng CSBV. Vì, • Phát triển không đi đôi và cân bằng với việc bảo vệ môi trường. • Phát triển hoàn toàn tự phát, chồng chéo không có kế hoạch hay không thích hợp với điều kiện tài nguyên, nhân sự hiện có để rồi, từ quá khứ cho đến nay, 2025, có biết bao kế hoạch bị bỏ dỡ nửa chừng. Xin chia xẻ lời nhận định của TS. Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế, từng là cố vấn chính phủ: “Chúng tôi muốn cải cách trong hòa bình. Tăng trưởng kinh tế phải đi kèm với tự do và quyền con người. Nếu không, đó chỉ là thành tựu bề nổi và dễ sụp đổ." Vì thế, kết quả sau cùng dành cho quê hương trong hiện tại là môi trường đã bị ô nhiễm có thể nói là không còn phương sách nào có thể cứu vãn được từ không khí, đất mặt, nguồn nước mặt và nước ngầm. Tương lai Việt Nam sẽ đi về đâu nếu Đảng Cộng sản Bắc Việt vẫn còn tồn tại và không thay đổi cung cách “cai trị”? Chỉ có dân chủ hóa mới có thể thay đổi được diện mạo của Đất và Nước Việt mà thôi! Dân chủ hóa Việt Nam là một quá trình phức tạp và dài hạn, đòi hỏi sự chuyển hóa cả về thể chế chính trị, xã hội dân sự, ý thức công dân, và vai trò quốc tế. Dân chủ hóa không đơn thuần là đa đảng hay bầu cử tự do, mà là xây dựng một hệ thống thể chế bảo đảm quyền lực nhà nước bị kiểm soát bởi luật pháp và nhân dân, với: • Tam quyền phân lập (lập pháp – hành pháp – tư pháp độc lập); • Báo chí tự do, xã hội dân sự năng động; • Bầu cử tự do, minh bạch; • Tôn trọng nhân quyền, pháp quyền; Con đường dân chủ hóa là khả thi nhưng người dân cần kiên định và khôn ngoan. Dân chủ hóa Việt Nam không thể áp đặt từ bên ngoài, cũng không thể đến chỉ bằng các tuyên ngôn, mà cần có: - Ý thức dân chủ từ dưới lên; - Cải cách thể chế từ trên xuống dưới; - Áp lực hợp lý từ bên ngoài; - Và nhứt là cần có một lực lượng dẫn dắt chuyển hóa, có lý tưởng, trí tuệ và khả năng tập hợp. Như vậy, Tuổi trẻ Việt hiện tại phải làm gì bây giờ? Mai Thanh Truyết Quán chiếu 50 Khát vọng Tự do Houston-Tháng Sáu - 2025

No comments:

Post a Comment