Câu chuyện một dòng sông – Phần II
Tình
trạng sông Mekong hiện tại
1- Trong quá khứ
·
Việc phá rừng trên dòng chính ở thượng nguồn làm đất
bị xói mòn hai bên bờ sông, do đó không giữ nước lại trong mùa nước lớn (từ
tháng 6 đến tháng 10) để rồi điều tiết trong mùa khô (tháng 12 đến tháng 3) hạn
chế một phần nào việc thiếu nước cho đồng bằng ở thời điểm nầy. Rừng là một thảm
thực vật thiên nhiên lớn nhứt và hữu hiệu nhứt trong nhiệm vụ điều tiết dòng chảy
của sông Mêkong. Rừng qua rễ cây và lớp đất thịt bao phủ sẽ hấp thụ và giữ nước
trong mùa mưa, và trong mùa khô sẽ điều tiết và cung cấp nước cho hạ nguồn để
tiếp tay với dòng chánh ngăn chặn nước mặn xâm nhập sâu vào ĐBSCL. Đây là một đặc
ân của thiên nhiên. Theo thống kê, trước Đệ nhị thế chiến, diện tích rừng
nguyên sinh của Việt Nam chiếm 43% tổng diện tích, nhưng đến năm 1995, rừng chỉ
còn lại 28%, nghĩa là mất trắng 55.000 Km2. Bắt đầu sau đó, với sự trợ giúp của
Liên hiệp quốc, việc trồng rừng mới được bắt đầu; tuy nhiên, tính đến năm 2005,
tỷ lệ rừng tăng lên đến 32%, trong đó những vùng trồng cao su, trà, cà phê… vẫn
được tính toán trong việc “trồng rừng” do đó con số mới tăng. Nhưng thực sự, việc
phá rừng vẫn tiếp tục gia tăng với nồng độ phi mã, tính đến năm 2005, rừng
nguyên sinh (rừng già) ở Việt Nam chỉ còn 8%.
·
Việc phá rừng tràm, rừng đước ở vùng ngập mặn: Tại
vùng ĐBSCL, rừng ngập mặn chiếm khoảng 300.000 Km² bao gồm các tỉnh Bạc Liêu,
Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Giờ. Nhưng sau hơn 15 năm khai thác
việc nuôi tôm, diện tích rừng hiện nay chỉ còn khoảng 200.000 Km², và phần diện
tích mất đi đều bị bỏ hoang vì vùng đất nầy bị ô nhiễm sau vài mùa tôm. Chỉ
tính riêng cho vùng Cà Mau, trước 1975, rừng ngập mặn chiếm độ 200.000 Km2, mà
nay, chỉ còn độ 70.000 km² mà thôi.
Rừng tràm, rừng đước bao bọc tạo
thành một vùng ưu đãi của thiên nhiên nhằm:
- Giữ chân thảm phù sa bồi thêm cho mũi Cà Mau hàng năm trên
1km trong quá khứ (hiện nay, vì thiếu rừng bờ biển vùng nầy ngày càng bị xói
mòn ước tính trên dưới 0,5 km/hàng năm);
- Vừa ngăn chặn sóng gió, bão nhiệt đới hàng năm;
- Là vùng trú ẩn và sinh sản cho tôm cá trong thiên nhiên;
- Rừng ngập mặn cũng là một vùng đệm (buffer) để hạn chế việc
nhiễm phèn sulphate và giảm thiểu việc ngập mặn trong mùa khô. (Vào tháng
3/2016, lưu lượng sông Cửu Long chì còn 800 m3/giây ở Tân Châu, do đó, nước mặn
đã vào sâu hơn 100Km).
Một khi những nhiệm vụ bảo vệ
ĐBSCL do thiên nhiên đã mất đi, nguy cơ làm cho vựa lúa của một vùng rộng lớn
ngày càng giảm vừa diện tích, và vừa giảm năng suất. Nhiệm vụ của rừng ngập mặn
rất quan trọng;
·
Việc khai thác cát
Hàng năm, hàng chục triệu mét
khối cát được khai thác từ hạ lưu sông Mekong, chảy qua Lào, Thái Lan, Cambodia
và Việt Nam.
Một
nghiên cứu của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho thấy hầu hết các hoạt động
khai thác đang diễn ra ở Cambodia và Việt Nam.
Lưu vực ĐBSCL, có hơn 150 mỏ
cát, trải rộng trên 8.000 ha (80 km2) bề mặt sông, đã được cấp phép ở 13 tỉnh đồng
bằng sông Cửu Long.
Theo ước tính cho việc phát
triển ở khu vực nầy, phải cần một tỷ mét khối (35,3 tỷ feet khối) cát vào năm
2020 để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng. Có vài nguồn tin cho biết CSBV ồ ạt
khai thác cát trong khoảng 10 năm vừa qua nhắm vào việc cung cấp cát cho TC để
…bồi đắp các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa(?)
Tứ giác Long Xuyên
Tứ giác Long Xuyên là một
vùng đất hình tứ giác thuộc Vùng đồng bằng sông Cửu Long nằm trên địa phận ba tỉnh
thành Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ. Bốn cạnh của tứ giác Long Xuyên là biên
giới Việt Nam - Campuchia, vịnh Thái Lan, kênh Cái Sắn và sông Bassac (sông Hậu).
Bốn đỉnh góc của tứ giác này ứng với bốn thành phố: Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch
Giá và Hà Tiên.
Vùng Tứ giác Long Xuyên
có diện tích tự nhiên khoảng 489.000 hecta. Địa hình trũng, tương đối bằng phẳng
với độ cao tuyệt đối từ 0,4 đến 2 mét.
Mùa lũ (nước nổi) (từ
tháng bảy đến tháng mười hai), vùng này thường ngập trong nước với độ sâu từ
0,5 đến 2,5 mét. Mùa khô, vùng này thường khô hạn và bị nước mặn xâm nhập.
Chương trình thủy lợi thoát lũ qua vịnh Thái Lan của Chính phủ Việt Nam đã phần
nào giải quyết tình trạng ngập lũ và đất bị nhiễm mặn của vùng này.
·
Việc xây dựng đê bao: Xã hội
chủ nghĩa Việt Nam mang chính sách đê bao vào ứng dụng trong việc làm tăng diện
tích trồng lúa, trong việc biến “sỏi đá thành cơm”, cho nên người dân ĐBSCL phải
gánh chịu hậu quả ngày hôm nay là lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn và không có
chu kỳ tương đối cố định như trước kia nữa. Nguyên do là khi dòng chảy từ
Mékong xuống khi mùa nước bắt đầu lên cao ở Tân Châu và Châu Đốc, nước sông
hoàn toàn di chuyển ra biển, đợi đến khi nước lớn hơn nữa mới bắt đầu làm đầy
hai vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.
Nhưng hiện tại, hiện tượng nghịch
lý đang xảy ra là, với đê bao, dòng nước của Sông Cửu Long chảy thẳng vào hai
vùng trên ngay khi chưa tới mùa nước lớn để khai thác nông nghiệp; do đó, khi
mùa nước lớn (nước nổi) đến, một lượng nước khổng lồ sẽ chảy vào hai vùng đã ngập
nước từ trước. Hiện tượng ngập lụt xảy ra là vì thế.
Cống Trà Sư xả lũ, cung
cấp phù sa, góp phần tháo chua, rửa mặn, vệ sinh đồng ruộng cho vùng Tứ giác
Long Xuyên.
Qua nạn lụt vào năm 2000,
chúng ta thấy hậu quả của đê bao rõ ràng nhứt trong mùa nước nổi tức mùa lụt. Thiết
nghĩ việc xây đê bao chính là nguyên nhân quan trọng nhứt so với những nguyên
nhân kể trên. Vì sao? Vụ lụt lớn nầy ở ĐBSCL kéo dài qua tận tháng giêng năm
2001 tại nhiều vùng từ Châu đốc và một vài nơi ở khu Tứ Giác Long Xuyên. Lý do
là mỗi địa phương quyết định xây dựng đê bao để che chắn cho khu vực. Thành thử
khi nước xuống, nhiều nơi nước còn tồn đọng vì đê bao ngăn chận…làm cho nước
không có lối thoát.
Việc xây dựng đê bao để chuyển
vận nguồn nước cho nông nghiệp hoặc chống lụt là một công trình nghiên cứu quan
trọng, cần phải mất nhiều năm để tính toán lưu lượng nước cần phải chuyển hướng,
đâu phải có thể do quyết định của lãnh đạo địa phương ra lịnh đắp đê chung
quanh địa phận xã để tránh ngập lụt và, dĩ nhiên hậu quả tất nhiên là các xã
chung quanh phải gánh chịu.
Thí dụ điển hình thứ hai về tại
hại của đê bao trong mùa khô tháng 4/2010, một số vùng miền Bắc tỉnh Hậu Giang,
vì vấn nạn đê bao, nguồn nước không thể thông thương vào được. Do đó, một số hệ
lụy đang xảy ra cho vùng nầy từ mấy năm sau đó như:
- Vì không có sự luân lưu của nguồn nước cho nên đất ngày càng
chai mòn vì dư lượng của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, và nhứt là phù sa
không vào được hàng năm như trước kia, vì vậy năng suất lúa không còn như xưa nữa.
- Đê bao hạn chế nguồn nước, cho nên nhiều nơi nông dân chỉ trồng
lúa cho gia đình, phần thời vụ còn lại thì phải trồng hoa màu để kiếm sống.
- Thời gian thiếu nước kéo dài ra, do đó thu nhập của nông dân
ngày càng giảm sút.
Tóm lại, vấn đề đê bao ở vùng
ĐBSCL cần phải nghiên cứu lại như một số đề nghị của các chuyên gia nông nghiệp
và thổ nhưỡng hiện đang làm việc ở hai Đại học Hậu Giang và Cần Thơ.
Đồng Tháp Mười là tên phần trong lãnh thổ Việt Nam của một
vùng đất ngập nước của Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích 697.000 hecta, trải
rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp trong đó Long An chiếm hơn
phân nửa, thủ phủ vùng là thị xã Kiến Tường.
Đồng Tháp Mười là một đồng
lụt kín được bao quanh bởi các giồng đất cao ven biên giới Việt Nam-Campuchia,
đê tự nhiên dọc sông Tiền và giồng biển cổ dọc theo quốc lộ 1A (Tân Hiệp - Nhị Quý, Cai Lậy) và
chặn lại bởi sông Vàm Cỏ Đông (Long An).
Đồng Tháp Mười là một
cánh đồng rộng lớn, hằng năm bị ngập lụt lối bốn, năm tháng khi nước sông Cửu
Long dâng cao. Biển Hồ Tonlé Sap ở Campuchia và Đồng Tháp Mười ở Việt Nam là
hai nơi lưu trữ nước thiên nhiên, nên đến mùa nước nổi, sông Cửu Long từ từ
dâng cao, sau đó nước sẽ lần lần rút ra biển.
Tuy nhiên, trong mùa đông xuân
năm 2016, do dòng chảy rất thấp nên lượng phù sa bồi đắp cho ĐBSCL rất thấp,
làm ảnh hưởng đến vụ lúa Đông Xuân. Tính đến hiện tại, số thiệt hại lên đến hơn
200 trăm ngàn hecta lúa bị khô cằn như sự việc đã nêu trên. Bên cạnh đó tình trạng
xâm nhập mặn sẽ tăng cao. Dự báo, theo thời gian, hiện tượng ngập mặn đang và sẽ
diễn ra sớm hơn, trầm trọng hơn như đã nói ở phần trên. Đợt hạn hán lịch sử đã
khiến cho người dân miền Tây trở nên khốn đốn. Theo nhiều chuyên gia, với tốc độ
xâm nhập mặn như hiện nay sẽ khiến nông nghiệp tại nơi này bị ảnh hưởng nặng nề
trong vòng 3 năm nữa. Và hiện tượng nầy đã xảy ra cho mùa Đông Xuân năm 2020 và
2021.
Cá ở hồ Tonle Sap, Khu dự trữ
sinh thái của UNESCO và sông Mekong là nguồn cung cấp 80% protein cho hàng triệu
người Campuchia và Việt Nam sống trong vùng. Đồng bằng, “vựa lúa” của Việt Nam
và cây trồng nơi đây đang nuôi sống người dân nhiều nước, đưa Việt Nam trở
thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới.
·
Việc
“cắt xé dòng Cửu Long” qua dự án Dự án Luồng: Nhằm chuyển dòng nước chảy ra Cửa Trần Đề (Tranh Đề), xây
dựng kinh Tắt cho tàu biển có trọng
tải lớn vào sông Hậu. Chủ đầu tư là Cục Hàng hải Việt Nam. Tổng dự toán trong
Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi là 3148,5 tỷ đồng. Tổng kinh phí đầu tư được
duyệt là 10319,2 tỷ đồng. Cửa Kênh Tắt là một thành phần của Dự
án Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu. Dự án này là một câu chuyện
dài, khởi đầu năm 2005 đến nay vẫn còn dang dở. Mục tiêu của dự án là:
- Tàu có
trọng tải đến 20.000 tấn sẽ vào đến cảng biển Cần Thơ;
- Từ đó,
sẽ không phải chi cho nạo vét luồng vì bồi lắng không đáng kể.
Luồng hiện nay gồm có (1) một đoạn luồng sông Hậu trước khi đến
Kênh Quan Chánh Bố tại cửa Định An dài 16,2 km; (2) 20 km luồng theo Kênh Quan
Chánh Bố kể từ đây: (3) 8,7 km Kênh Tắt đào mới; (4) cửa Kênh Tắt trổ ra Biển
Đông và một luồng biển đào tiếp ra đến phao số 0 dài 7,7 km. 16 năm qua rồi, dự án vẫn còn dang dở! Và hai cửa
Định An, Trần Đề (Tranh Đề) đang dần dần bị thu hẹp…
- Kênh Tắt
được đào mới hoàn toàn, cắt đôi huyện Duyên Hải, cắt đứt QL 53 và ĐT 931, thông
ra Biển Đông ở một vị trí mà Cục Hàng Hải Việt Nam được các công ty tư vấn cho
là ít bồi lắng nhất dọc theo bờ biển của huyện Duyên Hải, từ xã Trường Long Hòa
đến xã Đông Hải. Nơi trổ ra là xóm Mù U, thuộc xã Dân Thành.
- Đáy
Kênh Tắt rộng 85 mét. Bề rộng mặt kênh hiện nay rộng hơn tính toán ban đầu do
mái bị sạt lở vì nền đất yếu. Đáy của luồng biển mở rộng dần từ 85 ra 150 mét.
Việc cắt đất đào kinh để tẻ nước
sẽ làm đảo lộn dòng chảy của sông Hậu, từ đó có thể hủy hoại cả hệ sinh thái ở
hai bên dòng sông và có nguy cơ gây nhiều thiệt hại cho việc canh tác nông nghiệp.
Nên nhớ, TC đã cắt đất đào kinh dẫn nước sông Hoàng Hà ở phía Bắc nhằm canh tác
vùng Mãn Châu và chính hành động nầy đã chận dòng chảy của sông và sông Hoàng
Hà không còn chảy ra biển Bắc Trung Hoa nữa. Và tại Hoa Kỳ, dòng sông Colorado
cũng không còn chảy vào vịnh Mexico nữa nữa vì việc chuyển nguồn nước cung cấp
cho miền Nam California. Hai hệ lụy hiện tai trước mắt cần cho nhà cầm quyền
CSBV đáng suy gẫm vì: - Cửa Bassac đã bị bít kín từ hơn 10 năm qua, - Và hai của
Tranh Đề và Định An có khả năng cũng bị bít lại. Và sau cùng dòng Hậu giang
cũng sẽ không còn thông thương với biển cả nữa…
2- Và hiện
tại
Nhưng ngày nay, Biển Hồ và khu
vực đồng bằng sông Cửu Long, và tất cả những người trú ngụ trong lưu vực sông Mekong
đang bị đe dọa bởi sự phát triển các đập thủy điện trên thượng nguồn. Các mối đe dọa mới lớn hơn
nhiều so với bất kỳ trận hạn hán hoặc lũ lụt nào trong lịch sử tồn tại của chính
con sông.
Các dự án chuyển hướng và phát
triển nguồn nước dọc theo sông Cửu Long và các nhánh của sông không chỉ đe dọa
đến đời sống, nghề cá và nông nghiệp của cư dân Đồng bằng mà còn đối với hệ
sinh thái sông và Đồng bằng. Các nhà khoa học và kỹ sư trên khắp thế giới đang
lo ngại về sự tàn phá môi trường đối với Đồng bằng do các dự án phát triển ở xa
thượng nguồn gây ra. Các dự án này bao gồm phát triển thủy điện quy mô lớn ở
Vân Nam thuộc TC tức đập Jinghong, và Lào, đập Xayaburi cùng với các dự án chuyển
dòng nước sông Mekong lớn do Thái Lan đề xuất.
Tuy nhiên, chi phí kinh tế và
hậu quả môi trường của các dự án đang phải gánh chịu nặng nề nhất bởi những người
sống và canh tác xa hơn ở hạ lưu Đồng bằng sông Cửu Long. Những người này không
có tiếng nói trong quá trình ra quyết định dự án, không thu được lợi ích nào từ
các dự án này và chịu gánh nặng lớn nhất về tác động của họ.
Chuông báo động hiện đang vang
lên ở Biển Hồ và Đồng bằng sông Cửu Long (Dân số theo thống kê 2019 ở ĐBSCL là
17.273.630 sống trên một diện tích 40.547 Km2. Mực nước tại trạm
quan trắc Tân Châu, vào cuối mùa mưa năm 2010, đã xuống mức kỷ lục 95 năm. Cùng
với việc giảm mạnh mực nước sông Mekong là sản lượng khai thác đánh bắt thủy sản
cũng giảm tương tự và làm mất đi lượng phù sa sông giàu dinh dưỡng của sông Mekong
vốn cần thiết cho canh tác lúa và rất quan trọng để kiểm soát xói mòn. Mực nước
ngầm ở đồng bằng hiện đang giảm xuống do thiếu nước sông có sẵn để nạp lại tầng
chứa nước. Nước mặn đã xâm thực tới 90 km vào đồng bằng sông Cửu Long ở nhiều
nơi (Nhiễm mặn đo đạc ngày 10/3/2021: - Vàm Cỏ Đông và Tây (90Km) – Cửa Tiểu, Cửa
Đại (60Km) – Cổ Chiên (75Km) – Sông Hậu (65Km) – Sông Cái lớn (55Km)), đe dọa
làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước ngầm hiện có và khiến hàng triệu ha đất canh
tác không thể sản xuất).
Các dự án chuyển dòng
nước và đập thủy điện hiện có và được đề nghị sẽ làm thay đổi vĩnh viễn chu
trình thủy văn của lưu vực sông Mekong. Ở thượng nguồn, hàng
nghìn km vuông rừng chung quanh đập có thể bị ngập do các hồ chứa. Ở hạ lưu, đất
trồng trọt của vùng ngập lũ có thể bị thiếu nước và phù sa màu mỡ do lũ lụt
hàng năm cung cấp. Tính từ năm 2010 cho đến 2020, có khoảng 1,3 triệu người đã
phải di dời vì hạn hán và nhiễm mặn (tỷ suất di cư 39.9% năm 2019). Mực nước ở
hai trạm quan trắc Tân Châu và Châu Đốc đo đạc ngày 1/3/2021 lần lượt là 1,45 m
và 1,60 m so với trên dưới 2,50 m vào năm 2010!
3-
Thí dụ điển hình: Tỉnh Bến Tre
Qua
bản đồ độ mặn ở tỉnh Bến Tre vào đầu tháng 4/2021, và 3 bản tin dự báo khí tượng
của Đài Khí tượng Thủy văn Tỉnh Bến Tre dưới đây, chúng ta có thể hình dung một
cách rõ nét tình hình hạn hán và ngập mặn ở tỉnh nầy, một tỉnh miền
duyên hải nằm trên dòng chảy của sông Tiền. Mùa mưa thường bắt đầu vào những
ngày cuối tháng ba, nhưng những cơn mưa trên cũng không thể nào “đuổi mặn” ra
biển cũng như “tẩy bớt mặn” trên các đồng ruộng nơi đây. Hiện tượng nầy cũng
tương tự như các tỉnh ven biển như Gò Công, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau v.v…Việc
nhiễm mặn, theo bảng dưới đây cho thấy, tháng ba vẫn là tháng nghiệt ngã nhứt
cho vụ mùa lúa Đông Xuân hàng năm, từ đó kết quả của ba mùa khô tháng ba năm 2016, 2020, và
2021 đưa đến hậu quả là trên 200.000 mẩu lúa và hoa màu bị chết trắng, chưa kể
các cây trồng lâu năm như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm cũng bị đốn bỏ …làm củi
chụm lửa!
Và sau cùng, cũng báo hiệu
cho tương lai nông nghiệp của các vùng trên sẽ ngày càng tệ hại thêm lên:
• Đất càng ngày càng thiếu dinh dưỡng tự
nhiên;
• Đất sẽ bị khô cằn ra (aridness);
• Đất sẽ bị sa mạc hóa (desertification);
• Và cuối cùng đất sẽ “chết” hẳn, không
còn được khai thác nữa!
Chúng ta sẽ hình dung
tương lai của những cư dân sống ở các vùng đất kể trên như thế nào!
Và cũng không ngạc
nhiên khi tình trạng di dân ngày càng tăng thêm, ước tính trên 1,1 triệu trong
khoảng thời gian từ 2010 cho đến 2019. TS Huỳnh Thế Du là giảng viên cao cấp của
Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nhận định:”Quá
trình di dân ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là hợp tự nhiên. 10 năm
gần đây, hơn 1,1 triệu dân ở đây đã di dân đi nơi khác (chính yếu là vùng
TPHCM). Trung bình mỗi năm 100 nghìn người rởi khỏi kênh rạch miền Tây để tìm
cơ hội đổi đời mới, hoàn toàn đáng ủng hộ. Đó là một điều tốt, chứ không có gì
bất lợi”. Nhưng đối
với văn quá và thói quen của người nông dân, có ai muốn “tha phương cầu thực” nếu
không là một sự bắt buộc.
Tương lai hết sức mù mịt
cho những người con Việt chất phác sống ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, vùng đã từng
được mệnh danh là “vựa lúa của Việt Nam” mang vị trí xuất cảng gạo Việt Nam đứng
vào hạng thứ hai trên thế giới.
4- Lời cuối cay đắng cho một dòng sông
Mặc dù, trong nhiều năm qua,
đã có hơn 15.000 người đã ký tên vào lá đơn gửi tới lãnh đạo các
nước trong khu vực yêu cầu ngừng các dự án thủy điện để cứu sông
Mekong, nhưng mọi dự án xây đập ngay trên dòng chính của Mekong vẫn tiến hành
tuần tự trên đất Lào và Cambodia. Lá đơn do tổ chức Liên minh “Save
the Mekong” khởi xướng đã được gửi tới thủ tướng các nước
Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, yêu cầu dừng ngay 11 dự án thủy
điện tại vùng hạ lưu sông Mekong. Trong đó có 7 đập thủy điện sẽ
được xây tại Lào, hai tại vùng biên giới Lào-Thái Lan và hai tại
Cambodia. Đâp Xayaburi
vừa khánh thành cách đây 2 năm ở Lào (cách Vientiane khoảng 60 Km) do đầu tư của
Thái Lan và Trung Cộng nhằm mục đích dẫn nước qua vùng Bắc Thái với 600.000 mẩu
đất trồng lúa càng làm cho tình trạng hiếm nước ở hạ lưu như Cambodia và ĐBSCL
ngày càng trầm trọng hơn.
• Lý do chính là tuy các công trình thủy điện này sẽ
cung cấp điện cho phát triển kinh tế, nhưng chúng có thể gây hại trầm
trọng cho môi trường và đa dạng sinh học của dòng sông Mekong, đồng thời
ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của những người sinh sống nhờ dòng sông
Mẹ này.
• Nhà cầm quyền Việt Nam đã nhận nhiều tài trợ của Ngân hàng
Thế giới để trồng rừng. Nhưng những khó khăn trong việc nầy là do các vùng đất
bị bỏ hoang không khai thác nữa đã có chủ hay được cho TC thuê hàng 50, 70 năm,
vì vậy không thể thực hiện lại việc trồng rừng như đúng với ý nghĩa của công việc
nầy.
• Một hiện tượng tiêu cực khác nữa là do ý thức của người dân
vì không được giải thích tầm quan trọng của sự hiện diện và hữu ích của rừng ngập
mặn cho nên nhiều nơi đã được trồng lại nhưng sau đó lại bị phá đi…
• Một yếu tố không nhỏ nữa là do quản lý yếu kém, hiện tượng
tham nhũng và ăn chận tiền viện trợ. Chính những điều trên khiến cho việc tái tạo
rừng ngập mặn trở thành khó khăn hơn và không thể nào thực hiện được trên thực
tế.
Và tại một cuộc họp quốc tế về
Mekong, vấn đề hạn hán và ngập mặn cũng được đề cập đến. Nhiều chuyên gia nói hồ
chứa ở thượng lưu tham gia giải quyết chuyện hạn hán cho ĐBSCL là tốt và cần
thiết. Tuy nhiên, nhận định này không chính xác vì các hồ chứa chỉ cắt được lũ
trung bình còn lũ lớn như năm 1991 và 2000 thì không cắt được lũ. Việc làm cho
lũ trung bình thành không có lũ là không tốt vì ĐBSCL là vùng cần nước ngập
tự nhiên, sống nhờ mùa nước “nổi” (nước lớn), phát triển nhờ “nước
ngập tràn bờ”. Vai
trò của Biển Hồ là một hồ chứa thiên nhiên đã điều tiết nước cho ĐBSCL vào mùa
khô và hạn chế lưu lượng lớn của sông Mekong vào mùa nước nổi, hiện nay không
còn hiệu quả nữa.
Cũng cần nên biết, lượng phù
sa bồi đắp cho ĐBSCL khoảng 150 triệu tấn cho một mùa lũ trung bình. Nếu lũ nhỏ
cũng đạt khoảng 100 triệu tấn, riêng tháng 8 -9 (cực điểm của mùa nước nổi hàng
năm), lượng phù sa đạt khoảng 60 - 70 triệu.
Các chuyên gia trên khắp
thế giới đã xác định rằng nếu một người cướp nước của một con sông và làm thay
đổi các chu kỳ tự nhiên của nó, thì con sông đó sẽ chết.
Nghề cá, sự phong phú về nông
nghiệp và môi trường của Biển Hồ, và Đồng bằng sông Cửu Long phải được bảo vệ
thay mặt cho tất cả người dân Đông Nam Á.
Tóm lại, Hệ sinh thái sông Mekong ngày
hôm nay hoàn toàn bị đảo lộn, theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Ủy
ban sông Mekong, cao độ lòng sông của hai nhánh chính của sông Mekong tại đồng
bằng sông Cửu Long đã thấp đi tới 1,4m trong 10 năm tính từ năm 2008, còn nếu
tính từ năm 1990 đến nay, cao độ này thấp hơn từ 2-3 m.
Một nghiên cứu được công bố hồi tháng
trước, có tên Research in Nature, cho rằng, việc khai thác cát trên một đoạn
sông dài 20 km "không bền vững" bởi lượng trầm tích từ thượng nguồn đổ
về không đủ để thay thế lượng cát bị lấy đi.
Lưu vực ĐBSCL, có hơn 150 mỏ cát, trải
rộng trên 8.000 ha (80 km2) bề mặt sông, đã được cấp phép ở 13 tỉnh đồng bằng
sông Cửu Long.
Hệ thống cống được thiết kế với mục
đích ngăn mặn, thoát lũ ra biển Tây trước đây, giờ chỉ làm nhiệm vụ điều tiết
nước và ngăn mặn vào những tháng mùa khô. Việc vận hành đóng mở cống phải đảm bảo
giữ được nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất, ngăn mặn không xâm nhập vào hệ
thống sông, kênh mương nội đồng.
Sông Mekong - hệ sinh thái ven sông lớn không bị cản trở cuối
cùng còn
sót lại trên thế giới cần phải được bảo tồn và an ninh lương thực
của
100 triệu người nghèo cần được bảo vệ.
Do đó, mọi lời kêu gọi hành động
trong lúc nầy là rất cần thiết để bảo vệ hệ sinh thái sông Mekong và người dân
của trong vùng, cũng như chuyển đạt các thỉnh nguyện thư đến:
·
Chính
phủ Trung Cộng, Thái Lan, Myanmar, Lào, Cambodia và Việt Nam cùng Chương trình
Phát triển LHQ (UNDP) và Ủy hội sông Mekong (MRC).
·
Ngân
hàng quốc tế - World Bank – WB.
·
Ngân
hàng Phát triển Châu Á – Asian Development Bank – ADB.
·
Các
quốc gia tài trợ và các cơ quan viện trợ quốc tế.
·
Các
tập đoàn kinh tế và nhà đầu tư đa quốc gia.
Xin xem tiếp Phần III: Những
gì cần phải làm
Mai Thanh Truyết
Viết trong những ngày Tháng Tư 2021