Tuesday, April 12, 2022

 

Sự Hâm Nóng Toàn Cầu

Hiện tượng Duy Lý, Duy Tâm, và Duy Ngã

 

Hiện tượng Hâm nóng toàn cầu đã được toàn thế giới cùng đặt vấn đề qua Hội nghị Thượng đỉnh Rio de Janeiro, Ba Tây vào năm 1992. Nhưng mãi đến năm 1997, Nghị định thư Kyoto mới được các quốc gia đồng ý trên nguyên tắc là cần phải giảm thiểu từ 5 đến 10% mức phát thải khí carbonic CO2 so với định mức phát thải của năm 1990 cho từng quốc gia cho đến năm 2012. Các quốc gia đang phát triển như Trung Cộng, Ấn Độ, Ba Tây, Nam Dương v.v…đều được miễn trừ đối với nghị định thư nầy.

Theo quy định, quốc hội của các quốc gia cần phải chấp thuận các điều luật trong Nghị định thư (NĐT) trước khi NĐT được chánh thức trở thành luật. Hoa Kỳ, với sự phân công chịu trách nhiệm của 27% tổng số lượng khí phát thải toàn cầu, không đồng ý với quyết định của NĐT Kyoto, cho nên không ký cũng như quy trách sự bất công qua việc miễn trừ 2 quốc gia Trung Cộng, với mức phát thải CO2 thời bấy giờ (1997) là 12%, và Ấn Độ (8%) trên tổng lượng CO2 phát thải trên thế giới.

Úc Châu cũng phản đối không chịu ký, nhưng sau cùng vào năm 2004, chấp nhận quy định của NĐT Kyoto, và nghị định nầy có được trên 50% quốc gia chịu trách nhiệm chấp thuận. Do đó, vào tháng giêng năm 2005, NĐT Kyoto đã biến thành luật.

Nhưng, năm 2012 đã gần kề, chỉ có một vài quốc gia áp dụng và thi hành luật trên như Anh và Đức…Pháp có cố gắng giảm thiểu nhưng vẫn không đạt được mức yêu cầu.

Có thể nói, Nghị định thư và Luật Kyoto đã thất bại vì cho đến năm 2009, TC đã phát thải hàng năm là 6,6 tỷ tấn CO2 (2008), đứng trên Hoa Kỳ với 6,3 tỷ (2008), và Ấn Độ đứng hàng thứ tư với 1,4 tỷ. TQ và Ấn Độ là hai quốc gia được miễn áp dụng Luật Kyoto. (xin đọc các bài viết liên quan đến sự hâm nóng toàn cầu trên blog maithanhtruyet.blogspot1.com).

Các quốc gia trên thế giới đã nhận rõ tính cách không hợp lý của Luật Kyoto cho nên đã chuẩn bị nhiều cuộc họp từ nhiều năm qua, như cuộc họp thượng đỉnh thu hẹp ở Bali, Nam Dương năm 2007, chuẩn bị cho Thượng Đỉnh Copenhagen vừa diễn ra từ 6 đến 18/12/2009 ở Đan Mạch vừa qua với mục đích hy vọng đưa ra những quy định mới áp dụng sau khi Luật Kyoto chấm dứt năm 2012 để áp dụng cho đến năm 2020. Và cuối cùng thượng đỉnh COP26 (11/2021) lại dự kiến cho năm 2050!

Và, hiện nay (2020), TC phát thải carbonic hơn 16 tỷ tấn so với Hoa Kỳ 12 tỷ tấn. Trong lúc đó, TC chỉ sản xuất 17% tổng sản phẩm toàn cầu và Hoa Kỳ, 22%!

Ngay trong Thượng đỉnh COP26 tại Glasgow, Anh tháng 11 năm ngoái, TC lại tuyên bố tiếp tục khai thác năng lượng hóa thạch (than đá và dầu hỏa) cho đến năm 2020.

Đó chính là một nghịch lý cho mọi quyết định giảm thiểu sự phát thải khí carbonic trên thế giới trong thương đỉnh COP26 vừa qua!

Đến đây người viết chỉ muốn nói về Thượng đỉnh Khí hầu, dù bắt đầu từ năm 1992 cho đến nay, tất cả chỉ là một sự “Bắt đầu lại mà thôi - On recommence par le commencement”.

Trước một vấn nạn chung của toàn cầu, chúng ta học được những bài học gì qua cung cách hành xử của những quốc gia trên thế giới, từ các đại cường đến những nước nhược tiểu, từ cung cách phát biểu của các quốc gia Tây phương đến thái độ ứng xử của những nước cộng sản như TC và Việt Nam qua diễn biến và phản ứng ở những Thượng đỉnh vừa qua.

Hầu hết các quốc gia tham dự Thượng đỉnh đều đồng ý với nhận định của các khoa học gia là cần phải giảm thiểu mức phát thải CO2 cho đến năm 2100 của mỗi quốc gia từ 20 đến 40% so với định mức phát thải năm 1990, nếu không nhiệt độ trên thế giới có thể tăng lên 20C gây ra nhiều thảm họa cho các quốc gia có độ cao thấp hơn so với mặt biển như Việt Nam, Bangladesh, vùng New Orleans (Hoa Kỳ) v.v…

Nhưng văn bản ký kết ở các Thượng đỉnh chỉ là một bản văn mơ hồ, không đưa ra một quy định rõ ràng nào cả, ngoài một số quy định chung chung về việc khuyến cáo các quốc gia cố gắng tự tiết giảm trên và giúp đở các quốc gia đang phát triển (TC vẫn được xem như là một quốc gia đang phát triển trong các thượng đỉnh(?)) trong việc cắt giảm khí CO2 của họ.

Các điểm bất đồng chính yếu vẫn là:

·       Mức quy định cắt giảm phát thải của các nước phát triển kỹ nghệ;

·       Trợ giúp các quốc gia đang phát triển trong việc hạn chế việc phát thải CO2;

·       Biện pháp kiểm soát việc thi hành cắt giảm.

Chính ba bất đồng căn bản trên đã làm cho Thượng đỉnh đi đến bế tắc. Chỉ có một đồng thuận duy nhứt là Thượng đỉnh sẽ tiếp tục nhóm họp và thảo luận tiếp  sau Thượng đỉnh 2021 tại Glasgow.

Duyệt xét về nguyên nhân nào đưa đến sự bất đồng giữa các quốc gia về việc phân chia tỷ lệ phát thải cho mỗi nước, qua tiến trình tranh luận ở các Thượng đỉnh vừa qua, TC và Hoa Kỳ là hai quốc gia gây ra nhiểu tranh cãi nhứt. Và cả hai đã vô tình hay hữu ý vận động “tranh thủ bè phái” về phía mình: Hoa Kỳ với nhóm G8, và TC với nhóm quốc gia G77 gồm những quốc gia Á châu, Trung và Nam Mỹ Châu, cùng Phi Châu. Một nhóm đứng trung dung chờ xem cuộc “tranh thương hổ đấu” giữa TC và Hoa Kỳ là Nhật Bản, đại diện cho nhóm G27 gồm những quốc gia “chờ” không nằm trong hai nhóm đầu.

Có thể nói, ba khuynh hướng trên thể hiện ba hướng suy nghĩ về duy tâm, duy lý, và duy ngã, đề tựa cho bài viết về Sự biến đổi khí hậu nầy.

1-    Hướng Duy lý

Trước hết, các quốc gia Tây phương thường có khuynh hướng duy lý, nghĩa là nhận xét, suy luận, phân tách…mọi vấn đề qua các dữ kiện đã được chứng nghiệm. Từ cung cách duy lý đó, áp dụng vào tình hình thực tế từng quốc gia một, đôi khi không thể hiện hết được kết quả suy luận của vấn đề, nhứt là vấn đề có liên quan đến con người như sự hâm nóng toàn cầu.

Hoa Kỳ có thể nói là đại diện cho nhóm G7, đã phủ nhận việc phân chia trách nhiệm trong việc phát thải khí carbonic với lập luận là cần phải xét lại vấn đề tạo ra tỷ lệ sản phẩm vật chất so với cùng một phát thải. Mặc dù phát thải ít hơn TC, nhưng Hoa Kỳ đã tạo ra 22% sản phẩm cho thế giới trong lúc đó, TC chỉ sản xuất 17%. Do đó TC phải chịu trách nhiệm trong việc tiết giảm CO2 nhiều hơn HK đứng về mặt sản phẩm sản xuất.

Thêm nữa, người Hoa kỳ với tình thần cá nhân chủ nghĩa, do đó trong tâm thức của mỗi người dân thường không có tầm nhìn rộng trong sinh hoạt hàng ngày. Họ chỉ biết hưởng thụ những gì đất nước Hoa Kỳ cung cấp cho họ như điện, nước, năng lượng. mà không nghĩ đến nguy cơ cạn kiệt năng lượng và nguồn nước trên thế giới. Điển hình là phương tiện chuyên chở công cộng để giảm thiểu việc phát thải khí carbonic không được phát triển trên đất nước nầy. Cũng như việc phí phạm nguồn nước tiêu dùng quả thật không thể chấp nhận được. Trung bình một người Mỹ xài từ 700 đến 1000 lít nước mỗi ngày tùy theo vùng, trong lúc đó một người Pháp xử dụng dưới 100 lít/ngày và còn rất nhiều nơi không có được 1 lít cho sinh hoạt hàng ngày như Phi Châu!

Như đã nói ở phần trên, vấn đề hâm nóng toàn cầu (từ ngữ dùng đầu tiên trong Thượng đỉnh Rio de Janeiro trước khi đổi sang “Sự biến đổi khí hậu” kể từ sau Thượng đỉnh  Paris COP21 năm 2015). đã được trên 100 nguyên thủ quốc  gia chính thức nêu lên và đồng thuận là cần phải có một giải pháp toàn diện từ năm 1992.

Những đồng thuận căn bản như:

·       Trích 0,7% ngân sách quốc gia của những nước giàu để viện trợ cho các quốc gia đang phát triển;

·       Chuyển đổi công nghệ mới và sạch cùng cung cấp kỹ thuật để giúp họ giải quyết vần đề môi trường v.v… 

Nhưng tất cả những kết ước trên đều không được tuân thủ vì nhiều lý do liên quan đến kinh tế quốc gia và chính trị…Chính vì thế mà tình trạng hâm nóng toàn cầu ngày càng trầm trọng thêm và tỷ lệ phóng thích khí carbonic vào không khí của các quốc gia đang phát triển cao hơn các quốc gia đã phát triển. 

2-    Hướng duy ngã

Mặc dù phân loại nhóm G77 do TC đại diện không có tính cách tuyệt đối, nhưng TC đã kéo theo một số quốc gia cực đoan vùng Nam Mỹ và Phi Châu cùng Á Châu. Họ đặt tinh thần quốc gia cực đoan và suy nghĩ theo cung cách duy ngã, do đó, mọi vấn đề chung của thế giới đều đi đến chỗ bế tắc như trường họp ở mọi Thượng đỉnh Copenhagen vừa qua.

TC đã lấy một lý do hết sức ấu trĩ là phải chia lượng khí carbonic phát thải trên dân số của quốc gia. Nếu tính như thế thì TC phát thải ít hơn nhiều so với Hoa Kỳ. Cách tính nầy hoàn toàn không hợp lý. Cũng như khi bàn về vấn đề kiểm soát mức khí thải của mỗi quốc gia do một ủy ban quốc tế kiểm soát, TC không đồng ý và cho rằng làm như thế là “xâm phạm chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của TC” (trong lúc đó, đánh bắt, tịch thu tàu đánh cá Việt Nam trong hải phận Việt Nam thì không xâm phạm chủ quyền quốc gia!).

Những phát biểu trên đã làm tăng thêm tính cực đoan của Venezuela, Sudan và Tuvalu.

Sudan cho rằng bản đúc kết chung chỉ là những bản văn có giá trị Holocaust cho Phi Châu. Trong lúc đó, đại diện Venezuela còn đi xa hơn nữa là tố cáo Copenhagen Accord chỉ là hình thức do Hoa Kỳ chủ động nhằm chống lại Liên Hiệp Quốc. Tổng thống Chavez tuy không tham dự Thượng đỉnh, cũng tuyên bố…Đó là một sự gian trá đối với nhân dân thế giới.

3-    Hướng duy tâm

Thông thường, theo tinh thần và suy nghĩ chung trên thế giới, người Á Châu chuyên về hướng nội, nghĩa là suy nghiệm nhiều về nội tâm. Nhưng ngày hôm nay, điều nầy có thể đúng với một số quốc gia còn giữ nguồn cội gốc, và không còn áp dụng với một số quốc gia khác đang đeo đuổi một chính sách quản lý đất nước cực đoan và độc tài, điển hình là TC, Việt Nam và Miến Điện.

Nước Nhật có nền kinh tế thịnh vượng đứng thứ hai hay thứ ba tùy theo cách tính chỉ sau Hoa Kỳ, nhưng chỉ phát thải 1,3 tỷ CO2 năm 2008 (gần 5 lần ít hơn so với TC). Điều nầy chứng tỏ rằng người Nhật đã phát triển quốc gia theo đúng tiến trình phát triển bền vững ứng hợp với Nghị trình-21 về việc bảo vệ môi trường sống, tăng trưởng quốc gia và tăng phúc lợi cho người dân.

Chile, một quốc gia sản xuất đồng (copper) lớn nhứt trên thế giới, mang về cho ngân sách quốc gia gần phân nửa tổng sản lượng quốc gia. Nhưng lãnh đạo Chile đã biết tự chế và hạn chế mức sản xuất để bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản và phải điều chỉnh ngân sách quốc gia để thích ứng với việc thiếu hụt trên.

Indonesia, sau khi nhận định là cần phải cải cách nông nghiệp bằng cách huấn luyện nông dân về cách trồng lúa, xử dụng thuốc trừ sâu rầy, và phân bón cũng như nâng chính sách nầy lên tầm quốc gia. Chỉ sau 3 năm thực hiện, chính sách đã đem lại lợi ích là mức sản xuất lúa tăng thêm và giảm được hàng tỷ Mỹ kim do việc nhập cảng phân bón và truốc trừ sâu rầy. Nhưng thành quả to lớn nhứt mà Nam Dương đã đạt được là bảo vệ môi trường sống của xứ nầy.

Còn cung cách phát triển của Ấn Độ, không chạy theo cung cách ăn xổi ở thì của TC như sản xuất hàng tiêu dùng nhứt thời theo kiểu “mì ăn liền”, chứ không theo hướng phát triển kinh tế theo kinh điển của Clarke là giảm thiểu lượng nông dân, nâng tỷ lệ nhân công công nghiệp, và sau cùng tăng trưởng dịch vụ. Làm như thế Ấn Độ đã phát triển một cách đều đặn, tuy chậm chạp nhưng bền vững, không gây nguy hại cho môi trường nhiều.

Bốn quốc gia vừa kể trên đã theo hướng phát triển lấy tâm lành làm chuẩn, do đó vừa phát triển quốc gia vừa mang thêm phúc lợi cho người dân và vừa kiểm soát được mức phải thải carbonic, một vấn nạn chung của thế giới.

4-    Kết Luận

Qua những nhận xét và lý giải kể trên, vấn đề phân công và phân nhiệm cùng việc quy định các lề luật để giảm thiểu sự hâm nóng tòan cầu qua việc tiết giảm phát thải khí carbonic là một việc làm thiên nan vạn nan nếu không nói là không thể nào giải quyết được.

Thế giới ngày hôm nay là một thế giới đa cực, trong đó có nhiều quốc cổ súy tinh thần dân tộc cực đoan gây ra nhiều xáo trộn cho toàn cầu. Nếu các quốc gia trên áp dụng đúng những chương trình do Liên Hiệp Quốc đề ra mà chính họ đã thảo luận và ký kết, thế giới sẽ sống hài hòa theo tinh thần trách nhiệm chung của cộng đồng thế giới.

Rất tiếc, điều nầy không xảy ra.

Trở qua các Thượng đỉnh từ trước đến nay, Trung Cộng:

·       Một mặt xưng hùm xưng bá, chứng tỏ ta đây là một cường quốc, có mặt thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ, có quyền phủ quyết, có quyền can dự vào mọi chuyện xảy ra trên thế giới.

·       Nhưng trong một mặt khác, về việc bảo vệ môi trường chung, vẫn “năn nỉ” thế giới để được xếp vào các quốc gia đang phát triển để được “trợ cấp” trong việc nâng cấp công nghệ và tiết giảm phát thải khí carbonic. Hai cung cách ứng xử nầy đã làm cho thế giới khinh rẻ!

Trung Cộng có biết chăng, chính họ đã làm cho môi trường sống của người Tàu ngày càng xấu đi, và có thể nói người nông dân Trung hoa, ngày càng nghèo hơn, và điều kiện sinh tồn ngày càng xấu đi. Phát triển của TC hoàn toàn đi ngược lại với tiến trình toàn cầu hóa ngày hôm nay.

Trở qua Việt Nam, đi phó họp Thượng đỉnh là để thu thập, rút tỉa kinh nghiệm hầu áp dụng cho việc phát triển đất nước. Nhưng ngược lại, Việt Nam đã làm một việc cũng xấu hổ như TC đã làm, thể hiện cung cách “cái bang” trước thế giới bằng cách mang hai “nông dân” vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nạn nhân (?) của sự hâm nóng toàn cầu ngõ hầu đánh động lương tâm thế giới để ….xin tiền, ở Thượng đỉnh Copenhague năm nào! (Giống như mang những người tàn tật và gán cho là nạn nhân của chất độc màu da cam đi trình diễn khắp nơi cùng nhằm mục đích xin tiền năm 2004 ỡ Mỹ).

Trong lúc đó, ở bình diện khác, Viêt Nam tự xưng nào là đỉnh cao trí tuệ, nào là thay trời làm mưa, nào là Việt Nam và Cuba canh giữ hòa bình thế giới, nào là “tôi vừa động viên ông Obama, vừa phân hóa nội bộ họ…”.

Không biết ở Việt Nam ngày nay, có còn ai đi bán “cái liêm sỉ” để cải thiện cuộc sống đói nghèo hay không?

Vấn đề hâm nóng toàn cầu là trách nhiệm của MỖI người, MỖI quốc gia; do đó tất cả phải cùng chung lưng đâu cật để giải quyết vấn đề trong chiều hướng toàn cầu hóa. Mọi khuynh hướng dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bá quyền cần phải chuyển thể, nhường cho lòng bác ái, tương thân tương trợ nẩy mầm để được xứng đáng làm một “công dân thế giới”.

Phát triển quốc gia cần phải phát triển trong trách nhiệm toàn cầu chứ không phát triển theo kiểu “tư bản đang dảy chết”, cũng không phải phát triển nửa mùa như “phát triển tư bản theo định hướng xã hội chủ nghĩa” …mà cả bộ chính trị của Đảng CSBV cũng không thể giải thích chính sách phát triển trên như thế nào nữa!

Mai Thanh Truyết

Mùa Lễ Lá 2022



No comments:

Post a Comment