Lửa…tam muội!
Hình trên đây được chụp vào buổi tối đốt lò sưởi đầu tiên
ngày 19/12/2013. Xin nói ngay là kể từ ngày đặt chân trên đất tạm dung Hoa Kỳ,
tôi không có thói quen đốt lò sưởi. Những năm đầu tị nạn, thuê mướn apartment
cho nên không có lò sưởi.
Sau khi ổn định
công ăn việc làm, có nhà từ Fresno, San Diego, Orange…dường như tôi chỉ đốt lò
sưởi chỉ đôi ba lần.
Năm nay, tôi
quyết định thử đốt lò và “chơi với lửa”
xem sao. Chính vì vậy tôi đã đốt liên tục mỗi đêm cho đến tối ngày 28/12 và những
hình ảnh cuối cùng đã bước sang rạng ngày 29/12.
Trong cuộc đốt lửa, người phó nhòm của tôi cũng phải làm việc
suốt những đêm lửa cháy bập bùng. Hàng đêm, cô chụp khoảng vài mươi tấm hình,
nhưng đặc biệt đêm cuối cùng, cô phải chụp hàng trăm tấm vì, trong suốt 9 ngày
liền, tôi mới ưng ý với việc sắp xếp củi, ngọn lửa và những tia lửa bắn ra, và
cuối cùng chiêm nghiệm được một vài điều sau nhiều đêm chơi với lửa.
Đối với những nhà lò sưởi có đường gas gắn sẵn thì việc đốt
lò sưởi rất dễ dàng, chỉ việc sắp củi lên khung sắt và bật gas lên mà thôi.
Nhưng với tôi, sau khi đi mua các bó củi lớn đường kính hàng một tấc, và không
mua củi thông để châm mồi, cho nên việc đốt lò sưởi của tôi đòi hỏi kỹ thuật và
kinh nghiệm.
Tôi chỉ dùng giấy báo để làm mồi và vào ngày thứ ba, dùng
thêm dầu ăn tẩm lên các thanh gổ trước. Vì vậy lửa của tôi mỗi ngày có hình dạng
khác nhau. Các hình dưới đây là những hình ảnh tiêu biểu cho những ngày tiếp
theo từ 20/12 cho đến ngày cuối 28/12. Các hình trên đều không có “photoshop”
tham dự vào ngoài bức hình đầu trang, chỉ dùng photoshop để xóa hình khung sắt
dùng để kê củi.
Hình trên là hình ảnh ngọn lửa ngày 20, một
ngày đặc biệt của riêng tôi và cô thợ ảnh. Ngọn lửa cháy ập xuống
và các thanh củi đổ chúi vào nhau tạo ra một hình ảnh hỗn độn, không trật tự và thiếu
mỹ thuật. Than cháy tràn lan ra phía ngoài, không nằm ở vị trí phía dưới
của phần gỗ chưa cháy. Phải chăng khi đốt lửa lần nầy, tâm tôi thiếu
tập trung vào việc “khơi lửa” và “giữ lửa” cho nên mới có cảnh tượng “lộn xộn”
như trên?
Sang
ngày kế tiếp, lửa và cách bài trí gỗ cũng không khá gì hơn. Ngọn lửa vẫn cháy
vô trật tự không tạo ra một nét hay hình ảnh nào có vẽ hài hòa cả.
Ba ngày tiếp theo đó, nhờ có thêm “kỹ thuât tẩm dầu”, lửa
cháy mạnh hơn, ngọn lửa bùng lên, nhưng vẫn chưa cho thấy hình ảnh nào có thể gợi
ra “ấn tượng” cho người đốt lửa, mặc dù các tia lửa bắt đầu …hướng thượng
Tiếp theo, ngọn lửa cháy rực rỡ hơn. Lửa bốc cao, cho ra những tia lửa tạo hình ảnh vươn lên. Đó là ngọn lửa tôi ước mơ bùng lên một cách tình cờ trong đêm trước Giáng sinh
Phải chăng đó là
hình ảnh của một “sinh vật” được xuất hiện trên trần thế trong ngày nầy? (Có một người sanh ra vào ngày trước Giáng Sinh!)
Ngọn lửa ngày càng khởi sắc
trong những ngày tiếp theo đó (theo chủ quan của tôi). Ánh lửa và sự sắp xếp của
củi tạo ra những hình ảnh mỹ thuật hơn. Lúc tàn canh, củi và lửa tạo ra được nét hài hòa trong một hang động ấm cúng. Từng
tia lửa bắn ra, điểm tô phần không gian tối phía sau. Có thể nói trong những
ngày đốt lửa sau cùng nầy, dạng lửa và củi gần như đồng nhứt với nhau: Hình hang đá và nét sâu thẩm của hang…làm cho tôi liên tưởng đến một
cõi nào đó khó vói tới được hay thể hiện một sự bất lực của con người
trước sự an bài của Trời Đất!
Và, những hình cuối sau đây, với
than hồng rực rỡ làm nền cho một hang động tưởng tượng. Tôi ngắm nhìn từ nhiều
góc độ khác nhau, người thợ chụp hình cũng phải mệt mỏi vì tôi vì phải di chuyển
nhiều trong một không gian hạn hẹp và khó khăn vì phải làm theo yêu cầu của
tôi. Nào là lên đèn, nào là chụp có flash, nào là chụp trong đêm để lấy ánh
sáng tự nhiên…
Với nền than hồng, ngọn lửa dường
như muốn thoát lên cao, nhưng bị che chắn bởi hai phần gổ chưa cháy tạo thánh một
tam giác rất “ấn tượng” (Cấm nghĩ bậy bạ trong giờ phút thiêng liêng nầy!) Phần
thanh gổ đen phía trước, ta có thể hình dung một phần tối trong mỗi con người…và
dĩ nhiên với thời gian, khi lửa soi rọi đến, phần “u mê” kia sẽ được rửa sạch.
Cho đến khi nào?
Cho đến khi nào?
Ánh lửa càng về đêm càng cô đọng. Và sau một chuỗi tia lửa cuối cùng lóe lên vòm trời riêng tư, lửa đã trở về trạng thái “tiềm ẩn” trong tam giác cuộc đời…
Tôi thấy được gì?
Tôi
nghĩ gì trong thời điểm nầy?
Hình lửa sau cùng bên cạnh tạo cho tôi một vài suy nghĩ
không giống ai:
- Mặc dù thanh gỗ còn chưa
cháy sẽ được lửa soi sáng sau đó, nghĩa là phần tối sẽ lần lần được soi rọi;
nhưng trong tôi có ý tưởng ngược lại, dường
như với thời gian, tôi không còn nhìn thấy được tia lửa hy vọng nào cả, dù
là một hy vọng nhỏ nhoi trong công cuộc dành lại quê hương đang dưới ách
CSBV!
- Thanh gỗ có thể tàn rụi
vài giờ sau đó, để lại đống tro tàn…nhưng không đủ nóng để sưởi ấm không
gian của căn phòng hẹp và ngoài trời lạnh 540F mang vào.
- Qua
đống tro tàn trong lò sưởi tối nay, câu hỏi được đặt ra là có còn sót lại
một vài tia lửa …cuối cùng nào không?
- Sức bật trong tôi không còn nữa để khơi dậy ngọn lửa vừa
tắt. Niềm tin cũng vừa tàn lụn theo sự giã biệt của lửa.
- Lửa đã bỏ tôi mà đi!
Lửa đi mà lửa không nói lời
nào.
Lửa đi mà cũng hà tiện không buồn nói cho tôi biết là làm thế nào để tôi
“khơi lửa” và “giữ lửa” lại!
Sao lửa không nói?
Có
phải là vận nước đã đến ngày tận diệt?
Hay
là Hoa Ưu Đàm sẽ không bao giờ nở trên quê hương Việt Nam chăng?
Hay là
trong tôi, lửa thanh niên ở thời tuổi 17, giờ đây cũng tàn lụn theo thời gian để
trở thành một “phế nhân” 80 trước nỗi
đau của tột cùng dân tộc?
Có
lý nào???
Mai Thanh Truyết
Nhuận sắc năm 2022
Về Lửa
Việc phát hiện ra lửa, hay chính xác hơn là việc xử
dụng lửa có kiểm soát, tất yếu, là một trong những khám phá sớm nhất của con
người. Lửa tạo ra nhiều áp dụng trong đời sống, trong đó một số được kể là tăng
thêm ánh sáng và nhiệt, đun nấu động thực vật, phát rừng trồng rừng, nhiệt luyện
đá để làm công cụ bằng đá, nung đất sét làm đồ gốm.
Cháy là quá trình oxy hóa nhanh chóng vật liệu
trong quá trình đốt cháy tỏa nhiệt, giải phóng nhiệt, ánh sáng và các sản phẩm
phản ứng khác nhau. [1] Định nghĩa này không bao gồm các quá trình oxy hóa chậm
hơn như gỉ hoặc phân hủy.
Ngọn lửa là phần lửa có thể nhìn thấy được. Nếu đủ
nóng, các khí có thể bị ion hóa để tạo ra plasma. Tùy thuộc vào chất bốc lên và
bất kỳ tạp chất nào bên ngoài, màu sắc của ngọn lửa và cường độ của ngọn lửa sẽ
khác nhau.
Lửa ở dạng phổ biến nhất của nó có thể dẫn đến cháy
nổ, có khả năng gây ra thiệt hại vật chất khi đốt cháy. Cháy là một quá trình
quan trọng ảnh hưởng đến các hệ thống sinh thái trên toàn cầu. Các tác động
tích cực của lửa bao gồm kích thích tăng trưởng và duy trì các hệ thống sinh
thái khác nhau. Lửa đã được con người sử dụng để nấu nướng, tạo ra nhiệt, tín
hiệu và động cơ đẩy. Các tác động tiêu cực của hỏa hoạn bao gồm ô nhiễm nước,
xói mòn đất, ô nhiễm khí quyển và nguy hiểm đến tính mạng và tài sản.
No comments:
Post a Comment