Friday, April 1, 2022

 

Cùng Quý Vị,

Nga Sô vừa trả lại Nhà máy hạt nhân Chernobyl ngày hôm qua 31/3 cho Ukraine vì quân lính của họ bị nhiễm phóng xạ phải rút khỏi nơi nầy. Xin chuyển lại bài viết về tai nạn phóng xạ ở Chernobyl vào năm 1986 đã tàn phá vùng nầy như thế nào.

***

Một Bài Học Từ Thảm Nạn Chernobyl

 

 Trong đêm 25 rạng 26 tháng 4 năm 1986, một tai nạn bi thảm nhất thế giới đã xảy ra ở nhà máy điện dân sự hạch nhân Chernobyl ở Liên Sô cũ hay Ukraine hiện tại. Nhà máy điện hạch nhân nầy ở về phía Bắc cách thành phố Kiev 80 dặm. Nhà máy có 4 lò phản ứng.

Ðúng 1 giờ 23 phút sáng, các phản ứng phát nhiệt dây chuyền hoàn toàn không còn kiểm soát được và kết quả là nhiều tiếng nổ lớn cùng những cột lửa thoát ra từ cửa của lò hạch nhân số 4.

Có 30 nạn nhân bị chết ngay tức khắc. Hàng ngàn nhân viện cấp cứu tự nguyện cũng bị chết tiếp theo sau đó. Sau nầy con số đã được chính quyền kiểm chứng lại và ước tính từ 7.000 đến 10.000 người bị chết. Chất phóng xạ tỏa ra, bao phủ một vùng trên 20 dặm đường kính và 135.000 người dân phải di chuyển ngay sau đó. Mức phóng xạ đã được ước tính tương đương với 200 quả bom nguyên tử đổ xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki vào thời đệ nhị thế chiến. Phóng xạ không những ảnh hưởng ở vùng xảy ra tai nạn mà còn lan rộng sang Belarus, Nga Sô, Ba Lan, Thụy Ðiển, Ðức Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác nữa.

Tổng kết dài hạn, kết quả cho thấy có khoảng 150.000 trẻ em có nguy cơ bị ung thư  tuyến giáp trạng, và 800 ngàn bị leukemia (ung thư máu). Trên 2 triệu rưởi đất hoàn toàn bị hoang hóa, chiếm 20% diện tích đất canh tác củaUkraine. Ngoài nhân mạng và đất đai bất khiển dụng, vùng đất hoang phế nầy phải cần đến khoảng 200 tỷ Mỹ kim để có thể xử lý và cải thiện môi trường.

 Nguyên nhân tạo nên tai nạn

Theo lịch trình, lò phản ứng số 4 “phải” bị ngưng hoạt động vào ngày 25/4, nghĩa là ngày xảy ra tai nạn, để bảo trì và kiểm soát lại hệ thống an toàn. Trên nguyên tắc , khi bắt đầu thử nghiệm, thì tất cả hệ thống điện phải được đình chỉ, trừ nguồn điện dự trù cho việc vận hành hệ thống an toàn trong điều kiện khẩn cấp. Nhưng khi lò phản ứng hoạt động còn khoảng 50%, hệ thống điện vì một lý do gì đó vẫn còn trên mạng lưới của nhà máy. Từ đó nhiệt độ của lò phản ứng tăng nhanh bất thường, cũng như hệ thống làm nguội hoàn toàn ngưng hoạt động.

Dưới áp lực đó, các “ống nguyên tử” bắt đầu bị bể ra và phóng xạ thoát ra ngoài môi trường chung quanh. Các nguyên nhân gây ra tai nạn có thể được mô tả như sau:

·       Theo một tài liệu “bí mật” trong văn khố Nga Sô vừa được giải mã gần đây, thì tai nạn ở Chernobyl đã được những người có trách nhiệm tiên liệu trước qua những khuyết điểm trong việc xây dựng các lò phản ứng ở đâyVà nguyên nhân quan trọng nhất là “sự thiếu vắng của văn hóa an toàn”(lack of a safety culture), nghĩa là lãnh đạo đã biết rõ nguy cơ tai nạn sẽ xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng vì dưới danh nghĩa tập thể, không ai xem đây là điểm cần phải cải đổi để làm tăng mức an toàn trong vận hành.

·       Thứ đến là nguyên nhân về kỹ thuật, các lò phản ứng tại đây không có hệ thống kiểm soát hay chế ngự phản ứng phát nhiệt, cũng như hệ thống làm nguội bằng nước thay vì bằng hơi nước (Ðây là loại lò phản ứng hạch nhân thuộc thế hệ I, nghĩa là theo kỹ thuật từ những năm 1950. Do đó, một sự tăng nhiệt độ bất thường sẽ làm tăng thêm lượng hơi nước đã hấp thụ sẳn trung hòa tử, do đó áp suất sẽ tăng dần cho đến mức độ làm bể nấp lò phản ứng). Chỉ trong khoảng thời gian 3- 4 giây, lò phản ứng thay vì được làm nguội lại nóng hơn gấp 100 lần, từ đó nước trong lò phản ứng bốc hơi, tạo ra ra áp suất lớn và làm nổ tung cả hệ thống bao bọc lò bằng bê tông cốt sắt nặng hàng ngàn tấn. Hơi nước đã mang theo độ 70% chất phóng xạ vào môi trường ngay sau đó.

·       Nguyên nhân thứ ba là sự vi phạm trầm trọng các thủ tục thử nghiệm về an toàn do nhân viện kỹ thuật phạm phải. Ðó là, trong quy trình an toàn vận hành, cần phải thử nghiệm các ống phản ứng trong lò. Lần sau cùng nầy, các nhân viện chỉ thử nghiệm 8 ống phản ứng thay vì 30 ống trong lò. Thêm nữa, hệ thống làm nguội khi xảy ra tai nạn không hoạt động.

·       Và nguyên nhân sau cùng là tại nhà máy không có hệ thống liên lạc hữu hiệu giữa  các bộ phận chung quanh nhà máy, do đó nhân viên làm việc ở các lò khác không được thông báo kịp thời, vì vậy cho nên con số nạn nhân rất cao.

 Ảnh hưởng lên sức khỏe và tâm lý người dân sau tai nạn

Về sức khỏe:  Từ năm 1981 đến 1985, năm năm trước khi xảy ra tai nạn, trẻ em ở Ukraine dưới 15 tuổi trung bình bị ung thư tuyến giáp trạng là 4 – 6 người/1 triệu trẻ em. Từ năm 1986 đến 1997, số nạn nhân ung thư tăng lên 45/1 triệu, trong đó 64% bệnh nhân sống ở vùng bị nhiễm phóng xạ như Kiev, Chernigov, Zhitomir, Cherkassy, và Rovne.

Về ảnh hưởng tâm lý: Cho đến hiện nay, vẫn còn nhiều chỉ dấu ám ảnh và không thể xóa bỏ trong tâm thức của đa số người dân sống chung quanh Chernobyl. Ðó là: sự lo sợ; sự trầm cảm; sự không còn tin tưởng vào tương lai trước mắt; và sau hết là hiện tượng rối loạn thần kinh.

Một trong những nguyên do làm cho các ảnh hưởng trên trở nên trầm trọng là vì chính quyền không có biện pháp giải thích, hướng dẫn, cùng trấn an dân chúng sau khi xảy ra tai nạn. Hơn nữa, sự hoảng hốt, và sự bưng bít những thông tin bất lợi của tai nạn, nghĩa là trốn tránh sự thật của lãnh đạo Liên Sô (thời còn dưới chế độ Cộng sản) làm cho dân chúng càng nghi ngờ và không còn ai tin tưởng những gì nhà cấm quyền thống báo ra. Ðây cũng là một bài học lớn cho những quốc gia độc tài có chính sách hạn chế thông tin trong dân chúng.

Ảnh hưởng lên xã hội, kinh tế, và chính trị

Ngay sau tai nạn, lãnh đạo Liên Sô đã kiểm soát mọi biện pháp giới hạn các hoạt động kỹ nghệ và nông nghiệp trong những vùng có nguy cơ bị nhiễm phóng xạ, nhất là các kỹ nghệ phục vụ cho xuất cảng. Ðiều nầy làm cho lợi tức của người dân bị giảm theo, kéo theo lợi tức của địa phương. Từ đó, mức đầu tư cũng giảm do tâm lý không an toàn của những nhà đầu tư nội địa cũng như ngoại quốc.

Thêm nữa, sự di dời dân chúng trong vùng bị tai nạn đã làm xáo trộn mọi sinh hoạt trong một vùng rộng lớn. Ngay khi xảy ra tai nạn có 116 ngàn người phải di dời. Trong khoảng thời gian từ 1990 đến 1995 chính quyền lại phải dời cư thêm 210 ngàn người nữa. Ðiều nầy đưa đến việc xây dựng thêm một thành phố mới là Slavitich cho cư dân và nhân viên nhà máy Chernobyl. Chi phí cho việc di dời lên đến 26 tỷ Mỹ kim. Vì nhà máy đã bị đóng cửa vỉnh viễn cho nên nhu cầu điện năng để sản xuất và sinh hoạt trong dân chúng bị hạn chế trầm trọng.

Về mặt xã hội, mức sinh sản giảm, cũng như nhân lực lao động và chuyên môn đã di chuyển về những vùng không bị ô nhiễm phóng xạ, do đó tình trạng thiếu lao động trong vùng càng làm cho mức phát triển bị sút giảm nặng nề.

Về kinh tế, nông nghiệp và kỹ nghệ hầu như bị tê liệt hoàn toàn, và chính  phủ Ukraine ước tính mức thiệt hại hàng năm lên đến 13 tỷ Mỹ kim.

Giải pháp đề nghị trong sự vận hành lò phản ứng hạch nhân

Từ thảm nạn kinh hoàng trên và những hậu quả tiếp theo, kéo dài hàng chục năm sau đó, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ và các quốc gia khác trên thế giới qua nhiều phiên họp đã đề ra các khuyến cáo sau đây hầu có thể tránh những tai nạn tương tự xảy ra trong tương lai:

·       Trước hết, cần phải chuẩn bị tư tưởng và tâm lý cho tất cả nhân viện trực tiếp hay gián tiếp tham dự vào việc điều hành một lò phản ứng hạch nhân về vấn đề an toàn trong vận hành. Mọi bất thường dù nhỏ đến đâu cũng cần phải được báo cáo lên cấp trên ngay tức khắc, và phải được ban điều hành giải quyết ngay sau đó;

·       Ủy ban luật định lò phản ứng (Nuclear Regulatory Commission) cần phải luôn luôn giữ vai trò tích cực và cương quyết trong việc áp dụng luật lệ ở các nhà máy hạch nhân, để đề phòng tai nạn có thể xảy ra trước việc các nhà máy không tuân thủ đúng theo quy định an toàn của ủy ban.

·       Thường xuyên huấn luyện và tái huấn luyện nhân sự cũng như thực tập một số  tai nạn giả tạo để khảo sát khả năng ứng đối của nhân viên trong trường hợp xảy ra tai nạn thật sự.

·       Yếu tố nhân sự cũng là yếu tố hàng đầu trong trường hợp có tai nạn, do đó vấn đề an toàn vận hành cho một lò phản ứng hạch nhân lý tưởng cần phải được Ban điều hành phát thảo và trao đổi với nhân viên nhà máy thường xuyên.

·       Và sau cùng, làm thế nào để có một sự cảm thông và đối thoại trong tinh thần bình đẳng về bảo hành an toàn chung giữa ban điều hành và nhân viên nhà máy.

Nếu thực hiện được những điều trên, hy vọng tai nạn tương tự như ở tại Chernobyl sẽ không còn xảy ra trên hành tinh của chúng ta nữa. Còn đối với những quốc gia chưa có kinh nghiệm về việc tinh luyện chất Uranium-235 như Việt Nam, việc thiết lập và xây dựng một lò phản ứng cần phải có nhiều chuẩn bị hơn nữa.

Một trung tâm nghiên cứu việc tinh luyện và việc huấn luyện nhân sự chuyên là hai điều cần yếu đòi hỏi một thời gian ít nhất là 20 năm trong trường hợp Việt Nam. Bao giờ hai mục tiêu trên được thỏa mản, lúc đó Việt Nam có thể bắt đầu xây dựng lò phản ứng hạch nhân cho nhu cầu năng lượng cũng vẫn chưa muộn.

Kết luận

Qua thảm nạn Chernobyl, chúng ta đã thấy quá rõ là tai nạn ở các nhà máy công nghiệp xảy ra trong một quốc gia độc tài chuyên chính đều có những nguyên nhân tương tự như nhau. Và vụ cá chết vừa qua ở Vũng Áng cũng không là một ngoại lệ, cộng thêm với nghi vấn là TC cố tình đầu độc vùng biển của Việt Nam.

Từ đó chúng ta có thể rút ra được là:

  • Thái độ vô trách nhiệm của những người chiụ trách nhiệm ở các nước CS  mỗi khi có tai nạn xảy ra, vì dưới danh nghĩa tập thể, không ai xem đây là điểm cần phải cải đổi để làm tăng mức an toàn sau khi khám phá ra “sự cố” trong việc quản lý. 
  • Cung cách phát triển chỉ tập trung vào lợi nhuận, không chú ý đến việc bảo vệ môi trường;
  • Cung cách xem thường sự hiểu biết của người dân và những nhà khoa học trong nước và ngoài nước qua việc "giấu kín" chi tiết của các dự án cũng như che dấu sự thật hầu tránh bớt áp lực của người dân, nạn nhân chính thưc của họ;
  • Bưng bít, che đậy, trấn áp người người tố cáo tai nạn, bịt miệng truyền thông, thông tin sai lệch là những thủ thuật của cường quyền áp dụng cho người dân trong nước;
  • Coi thường sinh mạng, sức khỏe của người bằng cách che đậy mức nguy hại của tai nạn môi trường, nhứt là trong việc khai thác "dưới đất" (khoáng sản).

Tất cả những điều trên đây thể hiện một não trạng cứng ngắtĐó là não trạng của một chủ nghĩa Sô Viết Liên Sô còn sót lại trong suốt quá trình thành lập và xây dựng cộng sản chủ nghĩa mà chúng ta đã "chiêm ngưỡng" qua sự bể tường chắn bùn đỏ bauxite ở Ukraina vào năm 2005 (bể tường chắn bằng bê tông cao 140m), vụ bể tường chắn tại Hungary (tường chắn cao 41m), và tại Việt Nam qua vụ vỡ bờ chắn bằng đất của xí nghiệp Nà Lũng, Cao Bằng, cũng như qua hai tai nạn nhà máy điện hạch nhân ở Chernobyl và vụ nổ nhà máy hóa chất ởThiên Tân năm 2015, và vụ cá chết Vũng Áng, Hà Tĩnh vào tháng 4/2016.

Tóm lại, vụ nổ nhà máy Chernobyl, vụ nổ ở Thiên Tân, hay vụ xả phế thải độc hại (hoặc đầu độc) tại khu kinh tế Vũng Áng chỉ là hậu quả của một cơ chế sơ cứng “chuyên chính vô sản” mà người cộng sản Nga Sô, cộng sản Việt Nam và Trung Cộng với não trạng bệnh hoạn kết cấu thành.

Mai Thanh Truyết

Hi Khoa hc & K thut Vit Nam

Hiệu đính 5/2016

 


 









No comments:

Post a Comment