Sunday, October 10, 2021

 RA MẮt sách Hồi Tưởng của Từ Dung

Vào ngày 23-10-2021, tại nhựt báo Người Việt đường Moran, Westminster, CA sẽ có buổi Ra MẮT của tác giả Từ Dung. GS Từ Dung tốt nghiệp Ban Anh văn, Đại học Sư Pham Saigon trứơc 1975, vượt biên là từng là thầy giáo dạy Anh văn, dạy học ở các trường trung học Mỹ và làm thông dịch viên trong suốt thời gian cư ngụ tại Hoa Kỳ.

Hiện đã về hưu và ghi lại “Hồi tưởng”, ghi lại một sự thật về cuộc đời của tác giả. Có những sự thật trong Hồi tưởng, giải tỏa được một số ngộ nhận mà tác giả phải chịu đựng trong suốt một thời gian dài do sự thiếu lương thiện của một số người “không lương thiện” với tác giả. Thật thú vị, người viết được nghe tác giả kể lại tên “Từ Dung” chính là do phụ thân dặn dò mẫu thân trước khi bôn ba qua Tàu khi tác giả còn nằm trong bụng mẹ!

Như vậy mà, vẫn có nhiều người gán cho Từ Dung lấy họ của “người chồng nhạc sĩ” làm tên của mình với nhiều ngụ ý mĩa mai…

Xin mời đọc quyển sách Hồi Tưởng để khám phá thêm nhiều nét hết sức đặc biệt của một người từng là ca sĩ, từng là cô giáo, đã từng đóng góp cho quê hương thứ hai của mình.

Rất tiếc, người viết không thể tham dự buổi ra mắt như đã hứa vì phải có măt ở Alexandria, Virginia để tham dự đám cưới của một cháu gái họ gọi bằng Ông Chú cũng ngày hôm đó.

Thành thật xin lỗi Từ Dung vì đã thất hẹn và chúc buổi RA MẮt thành cộng.

TS Mai Thanh Truyết – Giảng sư

Trưởng Ban Hóa học Đại học Sư Phạm Saigon

 

***

Nhận định về “Hồi Tưởng” của tác giả Từ Dung

 

Nhận được “Hồi Tưởng” của tác giả Từ Dung vừa gửi, hình ảnh Sài Gòn đã hiện ra trong tâm khảm của tôi tức khắc vì dòng chữ từ trang đầu của tác giả:“Tôi, chỉ còn trong ký ức những quán Bà Cả Đọi, Bánh Cuốn Tây Hồ, Chả Cá Lã Vọng...

Tôi lang thang trên đường phố Sài Gòn, chiêm ngẫm những con đường đã đổi tên. Có những tên mới lạ lẫm như “Ba Tháng Hai,” “Cách Mạng Tháng Tám”...làm tôi khó liên hệ với những kỷ niệm xa xưa. Những món ăn đặc biệt trong ký ức vẫn còn vương vất (vấn?) hương vị khó quên trong miệng, trên lưỡi, trên môi, giờ tôi muốn nếm lại vô cùng.”

Quán Bà Cả Đọi hiện về với:” Quán Bà Cả thuộc con hẻm 53 đường Nguyễn Huệ, không có biển hiệu. Khách bước lên cầu thang vào một căn phòng rộng chừng 50 - 60m2 ở đó có có bày biện vài bàn và một tấm phản rộng. Những nhóm đi đông thì leo lên phản. Các bàn thì chỉ dành cho nhóm ít người. Ở ngay chỗ bậc cấp dẫn lên có một bàn chỉ đủ cho một người ngồi ăn. Đây cũng là nơi cư ngụ của gia đình bà….”

Ký ức hiện về…

Tác giả và người viết cùng có một điểm chung là ngày ngày cùng bước qua chiếc cổng đơn sơ ghi “Trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn”. Tôi rẽ vào dãy lầu Ban Khoa Học để làm việc, và tác giả, bước thêm nhiều bước nữa để dừng chân trong các lớp học của dãy lầu Ban Văn Chương. Như vậy cả hai không hề biết nhau. Tôi có nghe loáng thoáng qua câu chuyện kháo của các nghiệm chế viên trẻ là bên Ban Anh văn có một cô sinh viên ca sĩ hát rất hay lại có phát âm tiếng Anh rất đúng giọng! Đó là Từ Dung. Và tôi cũng đã nghe được tiếng hát của tác giả tại sân trường trong buổi Tất niên vào đầu tháng giêng 1974.

40 năm sau đó, tôi lại gặp tác giả qua “Hội ngộ 40 Năm Viễn Xứ cựu sinh viên Văn Khoa và Sư Phạm” năm 2015 tại Westminster, CA, US.

Thế mà tôi vẫn được tác giả gọi là…thầy, một tiếng ‘thầy” tôi không dám nhận! Nhưng tôi rất hãnh diện về những người sinh viên của Đại học Sư Phạm, tinh thần tôn sự trọng đạo đã được các anh các chị gìn giữ một cách chân thành dù không có ghi trong văn bản của mục tiêu giáo dục là Dân tộc – Nhân bản – Khai phóng – Khoa học.

Có thể nói 80% sinh viên tốt nghiệp đều có văn bằng Cử nhân Giáo khoa bên Đại học Khoa học hay Văn khoa. Và khi ra ngoại quốc như Pháp hay Hoa Kỳ đều được xem tương đương. Chính các anh các chị Sư Phạm sau khi qua Mỹ, trong những năm đầu tiên sau 30/4/1974, đều có văn bằng tương đương, chỉ học thêm vài tín chỉ tổng quát về giáo dục ở Hoa Kỳ là trở thành giáo sư trung học đệ nhị cấp ở các trường công lập Mỹ ngay. Đó chính là một điểm son lớn của Việt Nam Cộng Hòa trong ngành giáo dục. 

Trở về câu chuyện “Hồi Tưởng”.

Đối với tác giả và tôi, hôm nay lại khác, khi đứng trước màn hình với bản thảo của HỒI TƯỞNG.

Cũng xin nói ngay là có nhiều nguồn dư luận cho rằng tên của tác giả, Từ Dung, chính lấy lấy họ Từ của nhạc sĩ Từ Công Phụng, người chồng cũ của Từ Dung. Nhưng sự thật không phải như thế. Xin hãy nghe lời bộc bạch rốt ráo của Từ Dung qua lời tiết lộ của tác giả trong bài viết nhan đề “Mẹ tôi” đăng trên Diễn đàn Thế kỷ, cô khẳng định:“Ba tôi gởi thư về dặn mẹ nếu là con gái thì đặt tên Từ Dung, con trai thì Duy hoặc Giản. Như vậy Từ Dung là tên cúng cơm của tôi chứ không phải tên hát xướng đặt theo một nhân vật khác! Từ Dung có nghĩa là hình Dung giống mẹ, vì ba tôi lúc nào cũng tưởng nhớ mẹ tôi”.

Trong suốt chiều dài của quyển sách, Từ Dung nói về cuộc đời của chính mình, từ những mối tình đầu đời của tuổi mới lớn như:”Vì họ cũng không hề hé miệng - Tỏ cho nhau biết nỗi lòng mình”. Để rồi:”"Nhưng cũng không ai biết mối tình - Lặng thầm giữa đôi lứa thư sinh - Vì họ cũng không hề hé miệng - Tỏ cho nhau biết nỗi lòng mình”.

Tác giả đã từng bày tỏ:”Sau cơn đau khổ vì mối tình đầu với Vũ Nam Tấn là bạn học cùng lớp tại Nguyễn Bá Tòng, cái nhìn của Dung về tình yêu cũng bắt đầu thay đổi, không còn lãng mạn hóa như thuở ban đầu nữa”.

Sau đó:”Chỉ nội trong ba tháng, Dung mất đi 20 ký và trở thành thon thả như Audrey Hepburn và tâm hồn lại bắt đầu rung động. Có một anh chàng thường được bác Cử gửi đến nhà nhận chỉ thị của cậu Tiến, tên anh ta là Sơn. Lúc đó đang dấy lên phong trào hoạt động chống ông Diệm trong giới sinh viên học sinh và Dung cũng không nằm trong ngoại lệ. Dung nhờ Sơn giúp ý kiến trong những sinh hoạt được "hội" giao phó, dĩ nhiên là giấu cậu Tiến nếu không muốn ăn đòn quắn đít. Liên lạc một thời gian thì Dung nhận thấy Sơn chỉ là một tay sai tầm thường nên nói với mẹ là đừng có lo, con không thích hắn đâu!”

Bản chất lãng mạn của Từ Dung là vậy đó, tình yêu bồng bột không cần cân đo đong đếm, nhưng cũng không quên dòng máu cách mạng của một đại gia đình cách mạng, dòng máu của đứa con gái út của nhà văn Nguyễn Tường Long - Hoàng Đạo.

Nhưng nói thì nói vậy, chứ đối với tác giả, bàng bạc trong suốt quyển sách, những câu chuyện tình của Từ Dung được lần lượt “trình làng” một cách thẳng “bon ruột ngựa”, không che đậy, hư cấu cho đậm đà hay thêm thắt những tiết tấu cho lâm ly, mà Từ Dung “thật thà khai báo”:”Trong một dịp tình cờ, Dung quen với mấy anh bên Dược Khoa qua chơi, trong đó có anh Phúc, Tuấn, Khoa, Hạnh... Mối tình thầm kín nảy nở giữa Dung và Phúc. Trong một đêm qua phà trên sông Sài Gòn, Phúc trao cho Dung hai đóa cúc vàng nở e ấp tượng trưng cho mối tình lặng lẽ của hai đứa và hỏi Dung có chờ đợi được Phúc học thành tài rồi tính chuyện hôn nhân không... Tới nay Dung không nhớ là đã trả lời ra sao với Phúc!

Rồi cuộc đời của tác giả cũng phải đong đưa theo vận nước, bồng bềnh nổi trôi theo cơn sóng dữ của chế độ. Và Từ Dung, giống như hàng 20 triệu bà con miền Nam sau 1975 cũng phải biết làm những việc mà chính mình chưa bao giờ là nhằm để …sinh tồn.

Chúng ta hãy nghe tác giả tâm sự:”Sau đó, Dung, Phong và cháu Tú Uyên bắt đầu một cuộc sống cơ cực, xếp hàng cả ngày để chờ mua một ít bo bo, thứ dành cho ngựa ăn, hoặc chút bột nướng bánh mì, làm bánh canh, còn gạo thì phải mua giá chợ đen, có được ít gạo thì nhường cho con bé ăn, hai vợ chồng ăn bo bo ngâm cả ngày trời mà vẫn còn cứng ngắc, ăn không đau bao tử mới là lạ! Một hôm Phong đang hăng hái ném bột vào tường để làm bánh mì trông rất nghề và Dung đang vò bột để làm bánh canh thì có một ông bạn cũng đến thấy cặp vợ chồng có tiếng này sống khổ cực quá mới cho đi ăn tô phở. Phong cũng như Dung chưa bao giờ được ăn tô phở ngon lành và đầy tình người như thế!”

Và Phong cũng chính là một người tình không chân dung từ ban đầu của tác giả, mà cũng là người cùng chung chăn gối với Từ Dung nhiều năm.

Nói ra không hết!

Nói ra không phải để khen chê hay phê phán.

Mà nói ra để thấy tâm trạng của một người nữ, có trình độ, có suy nghĩ, có lý trí, có óc nghệ sĩ mà phải dấn thân vào một hoàn cảnh nghiệt ngã đầy giao động trong thời buổi loạn ly!

Tôi quý cái chân phương của Từ Dung là ở chỗ đó!

Để rồi, khi bình minh, khi đến bến bờ tự do, tác giả thấy lại “HAWAII - MÙA XUÂN TRÊN ĐỈNH BÌNH YÊN” thấy lại:”Hawaii, thiên đàng hạ giới. Hawaii lộng lẫy với đồi núi chập chùng một bên, biển mênh mang xanh ngát một bên, với muôn ngàn loài hoa khoe sắc quanh năm. Từ trên đỉnh Tantalus nhìn xuống Honolulu ban đêm, đèn đủ màu lấp lánh như những viên ngọc quý, trải dài và rộng dưới chân đồi. Khí trời lành lạnh mơn man da thịt làm tôi cảm thấy như trẻ lại. Niềm ham vui, ham sống trỗi dậy mạnh mẽ trong tâm hồn người đàn bà ngoài bốn mươi.” Và Từ Dung kết luận một cách rốt ráo và dứt khoát:”Tôi vẫn là tôi của ngày nào.

Tôi ngưỡng mộ cái “personnalité” của tác giả là ở chỗ đó!

Nhưng dù lãng mạn đến đâu trong tình trường, dù cứng rắn đến đâu trong những tình huống nghiệt ngã, tác giả vẫn một lòng với cha, với mẹ, với người cậu kính yêu, ông Lê Văn Tiến mà tôi có dịp “gặp gở” trong một nhà tù nhỏ ở T20 – Phan Đăng Lưu.

Viết về Mẹ, Từ Dung tự hỏi:”Tại sao một phụ nữ hiền hậu như mẹ tôi và có lòng thương người lại phải chịu một số phận đớn đau như vậy? Khi mẹ tôi chết đi, bà không bám víu vào một niềm tin tôn giáo nào cả vì bà không tìm thấy đức tin nơi cuối đời. Lúc gần chết, bà cảm thấy hoang mang...

Khi nhìn ngắm xác mẹ trong chiếc áo trắng tôi mặc cho bà và cành hoa lan trắng trước ngực bà, tôi mới ý thức được nỗi mất mát lớn lao đến thế nào. Đã quá muộn để chiều chuộng mẹ, để nói rằng mẹ ơi con yêu mẹ, để cám ơn bà cho tôi đời sống hôm nay và niềm tin ngày mai.”

Nói về người Cậu, Như Phong Lê Văn Tiến, bị CSBV bắt tháng 4/1976, và tôi 2/1977 tại Phan Đăng Lưu. Có thể nói, LVT là tự điển sống về nhân sự có tai mắt ở Việt Nam, biết rất nhiều ký giả và những nhân vật đảng phái có thái độ xanh vỏ đỏ lòng. Ông nhớ rất nhiều và có tinh thần bất khuất trước VC. Có lần cùng ở chung một phòng giam khu C, nghe ông kể về …con đường cách mạng của gia đình Nguyễn Tường mà quên ngủ. Xin có vài chia xẻ về người Cậu của Từ Dung.

Và dù gì đi nữa, Từ Dung vẫn luôn khắng khít với đại gia đình Nguyễn Tường…

Lá rụng về cội.

Happy ending là ở chỗ nầy.

Tóm lại, Hồi Tưởng chỉ ghi lại những câu chuyện tình của tác giả trong nhiều thời điểm và hoàn cảnh khác nhau. Tác giả kể lại không cần che đậy cũng không cần hư cấu hoặc bào chữa những gì mà tác giả cảm thấy “bất toàn? Tác giả đã thành thật với chính mình, đó là một đức tính hiếm thấy của một người phụ nữ, can đảm nói lên ngay cả những khuất tất của chính mình trong cuộc đời.

Nhưng trọng tận cùng đáy lòng, đôi khi tác giả không dấu được tính chân phương của chính mình, một đức tính tiềm ẩn được bộc lộ qua những tình cảm gia đình và bạn bè. Có thể nói hình ảnh người mẹ và người cậu chính là …“mũi tên định hướng” để tác giả…quay trở về sau những lần “phiêu lưu” do con tim có những lý lẽ của nó! Và cũng chính vì lý do trên mà cuộc đời hồng nhan cùng tài sắc vẹn toàn đã kéo tác giả vào những cơn lốc của đời hết sức truân chuyên.

Có lẽ cũng chính nhờ vậy mà tác giả mới cho ra đời tác phẩm “Hồi Tưởng”, một độc thoại  từ buổi đầu đời cho tới tuổi xế chiều, trong sự tĩnh lặng của buổi hoàng hôn đời…nhằm tâm sự cùng người thưởng ngoạn.

Một cuốn sách đáng đọc để các cô các bà tìm được vài nét của chính mình trong đó mà không dám nói ra. Riêng về các cậu, các ông, xin cũng đừng quá chủ quan để xét bên ngoài nhưng không thấy được nét “thạch trung ẩn ngọc” trong tận cùng tâm tư của người đã từng …vai kề vai.

Xin giới thiệu cùng độc giả.



No comments:

Post a Comment