Mai Thanh Truyết _EnviroVN
Friday, July 25, 2025
Chiến lược Vây hãm Việt Nam của Trung Cộng
1- Cơn sóng ngầm địa chính trị khu vực
Khi các cuộc chiến ở Trung Đông và Châu Âu leo thang và mang một chiều hướng mới, và khi một thỏa thuận ngừng bắn được duy trì giữa Ấn Độ và Pakistan xảy ra không được bao lâu, một cuộc đối đầu mới nhưng rất cũ ở biên giới đất liền Thái Lan và Cambodia vừa bùng nổ ngày hôm qua 23/7/2025.
Giống như nhiều cuộc xung đột, tranh chấp biên giới Thái Lan-Campuchia, trên khu vực đất xung quanh quần thể đền Preah Vihear rộng lớn thời Angkor, có nguồn gốc từ việc tranh chấp bản đồ thời thuộc địa. Mặc dù Tòa án Công lý Quốc tế đã phán quyết vào năm 1962 rằng Preah Vihear thuộc về Campuchia, nhưng 195 km đường biên giới đất liền phía bắc khu phức hợp này vẫn chưa được phân định.
Trong những tuần gần đây, dư luận khu vực Đông Nam Á lại dấy lên quan ngại khi có những vụ đụng độ nhỏ nhưng nghiêm trọng tại vùng biên giới Thái Lan - Cambodia. Đây là khu vực từng nhiều lần bùng phát tranh chấp, đặc biệt tại vùng quanh đền Preah Vihear, và luôn tiềm tàng nguy cơ lan rộng. Tuy nhiên, cuộc xung đột giữa hai biên giới lần này cần được nhìn nhận không chỉ như một va chạm song phương, mà như một mắt xích trong chuỗi tính toán chiến lược rộng lớn của Trung Cộng tại tiểu vùng sông Mekong.
Vị trí của Cambodia: Cambodia từ lâu đã là “chiến mã trung thành” của Bắc Kinh trong khối ASEAN. Căn cứ hải quân Ream mà TC đang hỗ trợ hiện đại hóa chính là đầu mối để Bắc Kinh thiết lập hiện diện quân sự sát Việt Nam. Những đụng độ biên giới, nếu có sự hậu thuẫn về tình báo, truyền thông, hoặc tiếp vận từ TC, hoàn toàn có thể leo thang thành xung đột khu vực nhỏ, đủ để:
• Gây rối loạn môi trường an ninh ở bán đảo Đông Dương.
• Đẩy Thái Lan rơi vào thế phòng ngự, lệ thuộc hơn vào Mỹ.
• Tạo ra sự chú ý lạc hướng khỏi Biển Đông, nơi TC đang từng bước hiện thực hóa “đường lưỡi bò”.
Cambodia đã nhận được hỗ trợ quân sự quy mô lớn của TC trong thập kỷ qua, nghĩa là nước này có thể cảm thấy tự tin hơn để gây sức ép quân sự quyết liệt hơn với người láng giềng lớn hơn của mình. Thêm nữa, trên các mạng xã hội gần đây loan tải tin tức và bình luận thuận nghịch cho cả đôi bên, khiến việc thương thảo trở nên khó khăn hơn nếu không nói là … đi vào bế tắc.
Vị trí Thái Lan: Có thể nói, Thái Lan là một đồng minh bị chia rẽ của phương Tây. Thái Lan tuy là đối tác của Mỹ Thái Lan và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ ngoại giao 190 năm trước và là đồng minh hiệp ước an ninh trong gần 70 năm, nhưng chính trị bất ổn, nội bộ phân hóa, quân đội nắm quyền lâu dài, khiến Bắc Kinh thấy rõ đây là một mảnh đất có thể phân hóa hoặc làm tê liệt.
Thái Lan, với tư cách là quốc gia lớn hơn, có những đòn bẩy kinh tế mà nước này có thể sử dụng và các hạn chế của nước này đối với việc qua lại biên giới đã làm Campuchia khó chịu, nước này đã đe dọa hành động trả đũa rất nhiều lần. Cambodia lập luận rằng hai nước nên theo đuổi việc giảm leo thang thông qua ủy ban biên giới chung song phương, một ủy ban hành chính tập trung vào việc quản lý các vấn đề biên giới. Nhưng, đồng thời, chiến thuật của Cambodia là tiếp tục nộp đơn lên Tòa án Công lý Quốc tế, nơi họ đã thành công vào các năm 1962 và 2013.
Nếu Thái Lan và Campuchia sa lầy trong đối đầu biên giới, ASEAN sẽ không thể đưa ra bất kỳ phản ứng tập thể nào cho vấn đề Biển Đông hay ứng phó an ninh khu vực. Và bóng ma Trung cộng đang thập thò..
Vị trí Việt Nam: Trước cuộc đụng độ biên giới Thái - Miên và trong bối cảnh TC đang dần thâu tóm ảnh hưởng ở toàn vùng Đông Dương, Việt Nam bắt buộc phải có một vị trí chủ động, minh định, và khôn ngoan để bảo vệ lợi ích quốc gia và tránh rơi vào bẫy địa - chính trị do TC giăng sẵn. Dưới đây là một phân tích về vị trí mà Việt Nam cần biết và NÊN chọn:
• Việt Nam là trái tim Đông Dương: Việt Nam nằm giữa một tam giác chiến lược: Trung Cộng - Campuchia - Lào ở phía Tây và Bắc, Thái Lan ở Tây Nam, Biển Đông ở phía Đông. Bất kỳ xung đột nào ở Đông Dương đều ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh biên giới Tây Nam và Bắc Trung Bộ của Việt Nam. Nếu Thái – Miên giao tranh kéo dài, Việt Nam khó tránh khỏi bị lôi kéo hoặc bị đặt vào tình thế buộc phải chọn phe.
• Vì vậy, Việt Nam không thể đứng ngoài được. Bằng chứng trong quá khứ, cuộc chiến biên giới Tây Nam với Cambodia (1978-1979) và cuộc chiến biên giới phía Bắc (1979) với TC đều cho thấy: Việt Nam bị TC dùng lá bài Campuchia để bao vây, phân tán lực lượng. Cũng giống như TC đã từng dùng Thái Lan làm hậu cứ cho Khmer Đỏ trong thập niên 1980. Chắc chắn là, TC sẽ tiếp tục can thiệp vào Đông Dương, không bao giờ để Việt Nam độc lập chi phối vùng này.
• Dù Hun Manet thân Bắc Kinh, nhưng Việt Nam không thể công khai đứng về phía Thái hoặc Campuchia nếu chiến tranh xảy ra. TC đang muốn biến Cambodia thành tiền đồn quân sự, đặc biệt qua căn cứ Ream gần Sihanoukville. Nếu Việt Nam ủng hộ Cambodia, vô tình giúp Bắc Kinh củng cố thế trận.
• Gút lại, Việt Nam CẦN tránh đứng về phe TC hoặc tiếp tay cho Cambodia. Việt Nam cần tuyên bố trung lập về quân sự, nhưng kiên quyết về chính trị. Dứt khoát, không chấp nhận bất kỳ thế lực ngoài khu vực nào sử dụng Campuchia, Lào làm căn cứ quân sự.
Vị trí Trung Cộng: TC đang tiến hành một cuộc vây hãm chiến lược đối với Việt Nam. Chiến lược này không mang dáng dấp của một cuộc chiến tranh tổng lực, mà là sự kết hợp của nhiều chiến thuật khác nhau:
- Chiến tranh khu vực “xám” (grey-zone warfare): Dùng tàu hải cảnh, tàu dân quân biển để đe dọa ngư dân và cản trở khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông.
- Chiến tranh kinh tế, tài chính, và hạ tầng: Đổ vốn vào Cambodia, Lào, làm biến dạng cấu trúc quyền lực và khiến Việt Nam bị cô lập phía Tây và Tây Nam.
- Tâm lý chiến và chiến tranh mạng: Gieo rắc hoài nghi, chia rẽ nội bộ, mua chuộc các tầng lớp cán bộ và trí thức Việt bằng ảnh hưởng mềm, tài trợ kín, biến họ trở thành con cờ và không dám phản kháng lại TC.
- Dự án Kênh Đào Funan: Giấc mộng Campuchia, nỗi lo Việt Nam, thâm ý TC. Kênh Funan (dự án 1,7 tỷ USD, dài 180km) do TC tài trợ, nối Phnom Penh với Vịnh Thái Lan, bỏ qua hệ thống sông Mekong - sông Tiền - sông Hậu của Việt Nam nhằm mục tiêu Campuchia "thoát Việt" trong vận chuyển thành phẩm, cuối cùng để TC mở đường chiếm cứ dần khu vực. Bị Việt Nam, ASEAN và phương Tây phản ứng quyết liệt về hệ sinh thái Mekong, an ninh nước đồng bằng sông Cửu Long, TC tạm ngưng sau 3 tháng khởi công. Xin thưa, tạm ngưng dự án, và chờ cơ hội thuận tiện mà thôi.
Tất cả nhắm vào mục tiêu sâu xa là “kềm kẹp” Việt Nam trong một gọng kìm không tiếng súng, buộc Hà Nội phải “thuần phục” theo trục chiến lược Bắc Kinh - Phnom Penh - Vientiane - và xa hơn là Myanmar.
2- Trung Cộng có ý định tiến chiếm Việt Nam không trước tình hình hiện tại?
Trung Cộng đang đứng ở đâu trong bàn cờ Đông Nam Á hiện nay? Xin nói ngay là TC đang triển khai chiến lược “chia để trị” trong toàn khu vực Đông Nam Á, đặc biệt nhắm vào các điểm yếu nội tại và mâu thuẫn song phương giữa các nước để duy trì ảnh hưởng, làm chậm lại sự đoàn kết ASEAN, và ngăn chặn bất kỳ liên minh nào có thể chống lại Bắc Kinh.
Trong chiến lược đó:Việt Nam là đối thủ nguy hiểm nhất vì vừa có lịch sử xung đột quân sự với TC hàng ngàn năm, vừa đang nghiêng về Mỹ và phương Tây trong các chính sách biển Đông, công nghệ, và chiến lược an ninh.Còn Thái Lan là đồng minh bán chính thức, có quan hệ lâu dài với Mỹ, nhưng chính trị nội bộ bất ổn, dễ bị TC mua chuộc hoặc tác động. Riêng Cambodia là vệ tinh, chịu ảnh hưởng gần như tuyệt đối từ Bắc Kinh, cả về quân sự, kinh tế và chính trị.
Dù hiện nay chưa có đầy đủ tin tức cụ thể, nhưng các vụ căng thẳng ở biên giới Thái – Cambodia có thể được Bắc Kinh sử dụng theo các phương cách như làm chệch hướng sự chú ý của ASEAN ra khỏi biển Đông, khuyến khích và làm lộ ra các rạn nứt trong ASEAN như Thái nghiêng về Mỹ, Cambodia nghiêng về TC. Để rồi từ đó… biện minh cho việc đổ thêm quân, viện trợ quân sự cho Campuchia, kể cả hiện diện gián tiếp qua căn cứ hải quân Ream.
3- Việt Nam trong thế gọng kềm và Trung Cộng sẽ ép hay đánh?
Qua các phân tích trên, người viết có thêm một suy nghĩ về viễn ảnh liệu TC có dùng tình hình bất ổn để đánh Việt Nam hay không. Hiện tại, TC đang tăng áp lực răn đe Việt Nam ở nhềếu mặt khác nhau như tăng tập trận sát vùng biển Việt Nam, dùng tàu hải cảnh, dân quân biển chèn ép các tàu cá Việt, tung gián điệp, tin giả, tấn công mạng, và mở rộng ảnh hưởng chính trị, tài chính qua Lào và Cambodia, siết vòng vây.
Các xác suất tiến chiếm Việt Nam không tiếng súng của TC là lật đổ mềm bằng cách kích động bất ổn nội bộ (có nhiều khả năng thực hiện), chiến lược đáng sợ nhất là phá từ bên trong, không cần nổ súng, gây mâu thuẫn giữa các nhóm quyền lực, giữa người dân và chính quyền, tạo ra các “biến động xã hội” như biểu tình môi trường, đấu đá tham nhũng, khủng hoảng niềm tin, thao túng truyền thông, mạng xã hội, gieo rắc tâm lý lệ thuộc hoặc sợ hãi TC.
TC có truyền thống “tận dụng thời cơ”, đặc biệt trong các giai đoạn Mỹ suy giảm tập trung hoặc bị phân tán nguồn lực. Biển Đông và Đông Nam Á là khu vực chiến lược trọng yếu, liên quan trực tiếp đến lợi ích an ninh quốc gia, kinh tế và địa chính trị của TC. Vì vậy, khả năng Bắc Kinh tăng cường các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo, quân sự hóa các điểm tranh chấp, hoặc gây sức ép lên các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, là rất cao.
Nhưng thiển nghĩ, hiện tại TC chưa dám mạo hiểm tấn công quân sự vì nhiều yếu tố nội tại và quốc tế:
* Mối kết giao Việt - Mỹ đang trên đà thuận thảo qua thỏa ước thuế quan.
* Kinh tế TC đang yếu và đang trong tình trạng đấu đá nội bộ, sẽ không chịu nổi một cuộc chiến tranh kéo dài.
* Sợ bị cô lập quốc tế nếu bị xem là kẻ gây chiến ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, với chiến lược dài hạn và nằm trong âm mưu biến Việt Nam thành một tỉnh phía nam, TC luôn luôn kích động và tạo ra bất ổn nội bộ tại Việt Nam qua nhiều khả năng khác nhau như tung tiền giả, tin giả, tạo ảnh hưởng để gây chia rẽ xã hội, nhất là giữa dân chúng với chính quyền. Vũ khí hữu hiệu nhứt của TC vẫn là…khuyến khích tham nhũng, lũng đoạn và mua cán bộ cao cấp qua các doanh nghiệp, dự án đầu tư.
4- Việt Nam nên làm gì trước nguy cơ của Bắc Kinh?
Chính sách “bốn không” và chiến lược “cây tre” cho đến hiện nay xem như vẫn còn hữu hiệu áp dụng cho trường hợp Việt Nam trước tình thế bất ổn chung của toàn thề giới. Hiện tại, Việt Nam kiên quyết giữ độc lập chiến lược, tránh bị rơi vào “lệ thuộc kép”: chính trị Trung Cộng và công nghệ Mỹ.
Tăng cường hợp tác quân sự kín đáo với Mỹ, Ấn Độ, Nhật – nhưng không để lộ ra như kiểu Philippines đang làm, dễ bị Bắc Kinh phản ứng mạnh. Thắt chặt an ninh mạng, phản gián, và an ninh nội bộ để đối phó với chiến tranh phi truyền thống. Cải tổ thể chế – đây là điểm mấu chốt. Một Việt Nam mạnh từ bên trong, minh bạch, pháp trị sẽ giảm khả năng bị Trung Quốc lợi dụng bất ổn nội bộ để can thiệp.
5-Thay lời kết
Trung Quốc hiện chưa có đủ lý do và điều kiện để đánh Việt Nam bằng quân sự, nhưng đang tích cực chuẩn bị và thử phản ứng của Việt Nam qua các đòn đánh “xám” (grey-zone warfare). Vụ đụng độ Thái - Miên chỉ là một bàn đạp để Bắc Kinh chuyển trục chiến lược xuống Đông Nam Á mạnh mẽ hơn, khai triển dự án Sáng kiến Vành đai - Con Đường – BRI hanh thông hơn, hòng đánh vào điểm yếu đoàn kết ASEAN và sau cùng bao vây Việt Nam.
Vấn đề then chốt vẫn là nội lực Việt Nam, nếu cải tổ được thể chế trọng pháp quyền, từ đó có thể xây dựng lòng tin của người dân, dứt khoát Trung Cộng sẽ không dám liều lĩnh.
Mai Thanh Truyết
Con đường Việt Nam
Houston – Tháng 7/2025
Thursday, July 24, 2025
Đất hiếm Việt Nam
Triển vọng hợp tác Mỹ - Việt – Phần III
Trong bối cảnh toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào đất hiếm – nguyên liệu thiết yếu cho công nghệ cao, quốc phòng, năng lượng tái tạo – việc khai thác và kiểm soát nguồn cung đất hiếm trở thành ưu tiên chiến lược. Việt Nam đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của Hoa Kỳ nhằm xây dựng chuỗi cung ứng đa phương, giảm phụ thuộc vào Trung Cộng.
Việt Nam là một trong những quốc gia có trữ lượng đất hiếm đáng kể ở Đông Nam Á, với các khoáng sản đa dạng gồm cả đất hiếm nhẹ (Light REEs) và đất hiếm nặng (Heavy REEs). Vì vậy, Hoa Kỳ đã chú ý và có chiến lược tiếp cận hợp tác, khai thác cũng như đảm bảo chuỗi cung ứng đất hiếm từ Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh làm giảm phụ thuộc Trung Cộng.
Dưới đây là một số dữ liệu về đất hiếm ở Việt Nam:
1. Mỏ đất hiếm tại Lai Châu: Mỏ đất hiếm lớn nhất của Việt Nam được phát hiện ở huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Đây là một trong những nguồn cung cấp đất hiếm quan trọng của đất nước, với tiềm năng khai thác lớn.
2. Mỏ đất hiếm tại Nghệ An: Đây là những khu vực có khả năng khai thác các nguyên tố đất hiếm như Cerium, Lanthanum và Neodymium.
3. Mỏ đất hiếm tại Hà Giang: Khu vực này cũng có một số mỏ nhỏ hơn với tiềm năng chứa đất hiếm.
Việc khai thác và chế biến đất hiếm tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, với nhiều dự án nghiên cứu và đầu tư để nâng cao giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường. Đất hiếm có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, và việc khai thác bền vững các nguồn tài nguyên này có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.
Theo số liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, ước tính 22 triệu tấn (20% trữ lượng toàn cầu) nhưng phần lớn vẫn chưa được khai thác. Vì đất hiếm rất quan trọng đối với ngành bán dẫn nên Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành nước đóng vai trò chính trong ngành bán dẫn trong tương lai. Việt Nam, quốc gia này trở thành nước đứng hàng thứ sáu trên thế giới về mặt hàng đất hiếm. Theo Reuters, TC sẽ là nước có lợi khi Việt Nam tăng sản lượng khai thác đất hiếm. Lý do vì Hoa Lục là thị trường xe hơi và xe điện lớn nhất thế giới; cũng như là trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử và điện thoại thông minh trên thế giới.
Bảng chỉ đường đến Đông Pao, mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam. Công an Việt Nam vừa bắt giữ sáu người bị cáo buộc vi phạm các quy định về khai thác mỏ, trong đó có chủ tịch của một công ty đi đầu trong nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp đất hiếm để có thể cạnh tranh với sự thống trị của TC trong lĩnh vực này, Reuters và truyền thông trong nước dẫn tin tức từ Bộ Công an cho biết hôm 20/10/2023. Trong số những người bị bắt có lãnh đạo của ít nhất một công ty tham gia đấu thầu là Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE).
Dưới đây là các điểm chính về tầm nhìn và chiến lược của Hoa Kỳ với đất hiếm Việt Nam kể từ khoảng 5 năm trở lại đây:
1. Đánh giá tiềm năng và hỗ trợ khảo sát thực địa:
Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) và Bộ Năng lượng (DOE) đã tài trợ hoặc hỗ trợ các dự án khảo sát địa chất tại Việt Nam để đánh giá chính xác trữ lượng và chất lượng đất hiếm. Mỹ phối hợp với các tổ chức địa chất Việt Nam, các chuyên gia quốc tế để xây dựng bản đồ trữ lượng đất hiếm vùng Tây Bắc, Quảng Trị, Lào Cai, Sơn La...
Tất cả nhắm vào mục tiêu nhằm có dữ liệu chính xác làm căn bản cho việc hợp tác khai thác hoặc đầu tư phát triển bền vững tại Việt Nam.
2. Khuyến khích đầu tư tư nhân Mỹ - hợp tác công tư (PPP):
PPP (Public – Private - Partnership) là khuôn mẫu đầu tư theo hình thức đối tác công tư, là hình thức đầu tư được thực hiện trên căn bản hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Với mô hình PPP, Nhà nước sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ và tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo phẩm chất dịch vụ. Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng có phẩm chất cao, nó sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nước, người đầu tư, và cả người dân.
Chính phủ Mỹ thúc đẩy các công ty khai khoáng, công nghệ cao của Mỹ hợp tác với Việt Nam trong khai thác và chế biến đất hiếm. Hoa Kỳ tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý, kỹ thuật, môi trường và đào tạo nguồn nhân lực để Việt Nam có thể khai thác đất hiếm một cách bền vững, không gây ô nhiễm nặng như ở TC.
Ví dụ có những liên doanh hay hợp tác giữa các công ty Mỹ với các doanh nghiệp Việt Nam hoặc các dự án do USAID hỗ trợ để phát triển công nghệ khai thác sạch.
3. Định hướng phát triển chuỗi cung ứng an toàn (Secure supply chain):
Mỹ không chỉ quan tâm khai thác mà còn muốn bảo đảm các nguyên liệu đất hiếm từ Việt Nam được đưa vào chuỗi cung ứng quốc tế “phi Trung Cộng”. Từ đó, đất hiếm Việt Nam có thể được xuất cảng qua các nước đồng minh, hoặc được tinh chế bằng công nghệ Mỹ hoặc đối tác tin cậy như Úc, Canada. Mỹ cũng quan tâm hỗ trợ Việt Nam xây dựng cơ sở tinh chế, chế biến trong nước hoặc khu vực, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô.
4. Hỗ trợ kỹ thuật và bảo vệ môi trường:
Do đặc thù khai thác đất hiếm rất dễ gây ô nhiễm môi trường nếu không giải quyết đúng cách, Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam áp dụng công nghệ khai thác và tinh chế hiện đại, thân thiện môi trường. Các chương trình hợp tác Mỹ - Việt nhằm giảm thiểu rủi ro môi trường, tăng cường giám sát, quản lý khoáng sản hiệu quả.
5. Hợp tác đa phương và địa chính trị:
Việt Nam là đối tác chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Vì vậy, Mỹ kết hợp hợp tác khai thác đất hiếm với nỗ lực hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực quốc phòng, phát triển công nghệ xanh, năng lượng tái tạo. Và chính hợp tác này cũng nhằm tăng sức mạnh kinh tế và chiến lược khu vực, hạn chế ảnh hưởng đơn phương của TC trong chuỗi cung ứng khoáng sản chiến lược.
6. Các ví dụ điển hình:
Mỹ đã từng tài trợ cho các chương trình hợp tác nghiên cứu địa chất với Viện Địa chất Việt Nam. Một số dự án hợp tác tư nhân - công tư đang trong giai đoạn đàm phán hoặc khảo sát. Hoa Kỳ cũng có ý tưởng xây dựng trung tâm tinh chế hoặc sản xuất nam châm đất hiếm tại khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam có vai trò quan trọng.
Tóm lại, HK tiếp cận đất hiếm Việt Nam bằng cách kết hợp khảo sát khoa học, đầu tư phát triển, chuyển giao công nghệ sạch, xây dựng chuỗi cung ứng đa phương an toàn và phối hợp trong chiến lược địa chính trị Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Việc làm này giúp Mỹ vừa khai thác được nguồn tài nguyên chiến lược, vừa hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững, đồng thời giảm lệ thuộc TC trong lĩnh vực đất hiếm và công nghệ cao.
7. Các dự án và kết quả hiện tại như thế nào?
Hiện tại, Mỹ chưa trực tiếp đầu tư khai thác đất hiếm quy mô lớn tại Việt Nam như ở Mountain Pass hay Round Top bên Mỹ, nhưng đã và đang triển khai một số dự án hợp tác khảo sát, phát triển công nghệ và hỗ trợ chiến lược, với kết quả ban đầu như sau:
7.1. Dự án khảo sát và đánh giá trữ lượng: Hợp tác Viện Địa chất Việt Nam – Viện Địa chất Hoa Kỳ (USGS) qua việc Mỹ hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị khảo sát địa chất và phân tích mẫu khoáng sản đất hiếm tại các vùng có tiềm năng như Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Quảng Trị, Thừa Thiên
Năm 2022, USGS phối hợp công bố bản đúc kết ban đầu về trữ lượng đất hiếm Việt Nam với trữ lượng đáng kể, nhất là đất hiếm nặng như dysprosium và terbium tại một số khu vực. Dữ liệu này tạo ra căn bản khoa học cho các nhà đầu tư Mỹ và quốc tế cân nhắc phát triển khai thác.
Kết quả thu lượm được là đã xác định các vùng trữ lượng đất hiếm đáng kể với phẩm chất đủ tốt để khai thác. Và HK cũng đã cung cấp dữ liệu để Chính phủ Việt Nam và nhà đầu tư tham khảo và hợp tác.
7.2. Dự án phát triển công nghệ tinh chế sạch: Qua các tổ chức như DoE (Bộ Năng lượng) và USAID, HK đã tài trợ các chương trình thử nghiệm công nghệ tinh chế đất hiếm thân thiện môi trường tại Việt Nam, chú trọng vào mục tiêu tránh lặp lại “vết xe đổ” ô nhiễm như TC hiện nay. Thử nghiệm công nghệ tinh chế đất hiếm thân thiện môi trường, giảm phát thải và thanh lọc chất thải độc hại. Trao đổi với các đối tác Việt Nam, các viện nghiên cứu và trường đại học kỹ thuật như Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Hóa học.
Các quy trình thử nghiệm thành công bước đầu với quy mô phòng thí nghiệm và bán công nghiệp. Hiện hai bên đang trong quá trình mở rộng thử nghiệm quy mô pilot tại các khu công nghiệp nhằm xây dựng nền tảng kỹ thuật giúp Việt Nam có khả năng tinh chế nội địa thay vì xuất khẩu nguyên liệu thô.
7.3. Liên doanh hoặc hợp tác đầu tư: Một số công ty Mỹ đã bày tỏ quan tâm hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam hoặc địa phương trong việc khai thác đất hiếm. Tuy nhiên, vẫn chưa có dự án khai thác thương mại quy mô lớn nào được công bố công khai tính đến 2025. Tất cả chỉ vì Việt Nam đang rà soát chính sách khoáng sản, quản lý môi trường và phát triển bền vững trước khi chấp thuận dự án quy mô lớn với đối tác ngoại quốc.
Các công ty Mỹ - Úc dưới đây đã và đang hợp tác đầu tư với Việt Nam:
• Công ty USA Rare Earth đang nghiên cứu khả năng hợp tác phát triển mỏ đất hiếm tại khu vực Tây Bắc Việt Nam. Hiện đã có liên lạc với các đối tác địa phương để khảo sát khả năng đầu tư, nhưng vẫn trong giai đoạn đàm phán ban đầu.
• Lynas Rare Earths (Úc) nhận được tài trợ và hỗ trợ từ Mỹ, đang tìm kiếm mở rộng chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á. Lynas cũng có dự án nghiên cứu thị trường và trữ lượng Việt Nam để đánh giá cơ hội đầu tư.
7.4. Hỗ trợ đào tạo và xây dựng năng lực: Mỹ đã phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo chuyên ngành về khai thác, tinh chế, quản lý khoáng sản và môi trường. Chính sách của Mỹ hiện nay hỗ trợ mạnh mẽ như các luật như CHIPS Act, Inflation Reduction Act tạo động lực tài chính và chính sách cho các công ty Mỹ mở rộng đầu tư, hợp tác khai thác và tinh chế đất hiếm ở các đối tác chiến lược như Việt Nam. Đây chính là bước chuẩn bị quan trọng để tạo nguồn nhân lực cho ngành đất hiếm phát triển trong nước.
7.5. Thách thức và hạn chế hiện tại: Hệ thống tinh chế đất hiếm ở Việt Nam hiện còn yếu, chỉ chú trọng vào việc khai thác thô và xuất cảng nguyên liệu. Việt Nam cần thêm nhiều vốn đầu tư công nghệ để xây dựng nhà máy tinh luyện hiện đại. Thủ tục cấp giấy phép đầu tư và chính sách môi trường còn trong giai đoạn chuẩn bị, cần thêm thời gian để cân bằng phát triển và bảo vệ môi trường. Căn cứ theo Báo cáo USGS (2022), việc đánh giá ban đầu cho thấy Việt Nam có trữ lượng khoảng 22 triệu tấn đất hiếm quy chuẩn (REO – Rare Earth Oxides), nằm rải rác ở nhiều vùng núi Tây Bắc và Trung Việt gốm các khoáng sản chánh như: Monazite, Bastnaesite, Xenotime, chứa nhiều Neodymium, Praseodymium, và Dysprosium. Vì địa hình phức tạp và tính chất đất hiếm bị phân tán, vì vậy cho nên việc khai thác rất phức tạp.
Tóm tắt kết quả công cuộc hợp tác Việt – Mỹ trong việc khai thác đất hiếm ở Việt Nam cho đến nay là: - Xác định trữ lượng tiềm năng đáng kể - Mẫu thử thành công, mở rộng quy mô - Đang chuẩn bị chính sách và đàm phán - Nâng cao trình độ kỹ thuật và quản lý. Quan trọng nhứt là Việt Nam cần có chiến lược dài hạn để khai thác tài nguyên đất hiếm một cách an toàn, hiệu quả, thân thiện môi trường và có lợi cho phát triển kinh tế xã hội.
Kết luận
Hiện tại, Việt Nam xuất cảng đất hiếm đến một số quốc gia và khu vực chính yếu. Dưới đây là những điểm đến chính:
1. Trung Cộng là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam trong việc xuất cảng đất hiếm. Mặc dù TC là nhà sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới, họ vẫn nhập cảng một lượng đáng kể từ Việt Nam để bổ túc cho nhu cầu nội địa và các dự án công nghiệp.
2. Nhựt Bổn là một thị trường quan trọng khác cho đất hiếm của Việt Nam. Nhựt sử dụng đất hiếm trong sản xuất các thiết bị điện tử và công nghệ cao.
3. Đại Hàn cũng là một khách hàng quan trọng về đất hiếm của Việt Nam vì nhu cầu cho ngành công nghiệp công nghệ cao và chế tạo.
4. Hoa Kỳ, với sự quan tâm ngày càng cao đối với việc đa dạng hóa nguồn cung cấp đất hiếm, Hoa Kỳ đã bắt đầu nhập cảng nhiều hơn từ các nguồn ngoài TC, trong đó có Việt Nam.
5. Châu Âu cũng nhập khẩu đất hiếm từ Việt Nam cho các ngành công nghiệp công nghệ cao và sản xuất thiết bị.
Việt Nam hiện đang sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm quý giá, có tiềm năng trở thành một trụ cột trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cho nên, cần đẩy mạnh phối hợp Việt - Mỹ trong khảo sát, chuyển giao công nghệ, đào tạo và phát triển chính sách.
• Cần phát triển song hành từ các giai đoạn khai thác, tinh chế, đến sản xuất và tái chế, bảo đảm an toàn môi trường và bền vững.
• Cần thúc đẩy hợp tác đa phương trong khu vực để tạo thế cân bằng và giảm áp lực phụ thuộc vào Trung Cộng.
• Cần tăng cường đầu tư công nghệ mới và nguồn nhân lực để nâng cao giá trị gia tăng trong nước.
• Và quan trọng nhứt là, đừng biến các dự án khai thác và tinh chế trở thành những… dự án treo như trong quá khứ!
Nếu các yếu tố trên được triển khai hiệu quả, việc Mỹ nhận được đất hiếm tinh chế từ Việt Nam trong vòng 3–5 năm tới rất khả thi.
Mai Thanh Truyết
Hội Bảo vệ Môi trường việt Nam
Houston - Tháng 7-2025
Tạo sao Mỹ không khai thác đất hiếm tại nội địa – Phần II
Việc khai thác đất hiếm trên thế giới bắt đầu từ thập niên 50 của thế kỷ trước, thoạt tiên là những cát chứa chất khoáng monazite trên các bãi biển. (Trong thời VNCH, Nhật mua rất nhiều cát ở miền Trung, nói là để làm kiếng xe, nhưng thật ra là mua “đất hiếm thô” để về tinh chế.) Vì monazite chứa nhiều thorium (Th) có tính phóng xạ ảnh hưởng đến môi trường nên việc khai thác bị hạn chế. Theo các chuyên gia, quá trình khai thác, chế biến đất hiếm phát sinh nhiều nguyên tố độc hại và có tính phóng xạ, do vậy nếu khai thác, chế biến đất hiếm không đúng quy trình kỹ thuật có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và những hệ lụy về môi trường, sức khỏe của người dân xung quanh khu vực khai thác.
Trữ lượng đất hiếm trên thế giới khoảng 87,7 triệu tấn (chưa qua tinh chế), tập trung vào các nước như: Trung Cộng (27 triệu tấn); Liên Xô trước đây (19 triệu tấn); Mỹ (13 triệu tấn), Australia (5,2 triệu tấn); Ấn Độ (1,1 triệu tấn), Canada (0,9 triệu tấn); Nam Phi (0,4 triệu tấn); Brazil (0,1 triệu tấn); các nước còn lại (21 triệu tấn). Nhu cầu hằng năm chỉ cần 125.000 tấn thì trong 700 năm nữa mới cạn kiệt loại khoáng sản này. (Có nhiều nguồn tài liệu khác, ước tính trữ lượng các nơi trên có thể khác nhau và Việt Nam có trữ lượng 22 triệu tấn, xếp hàng thứ hai sau TC(?).
Hoa Ký, từ năm 1965, khai thác đất hiếm ở vùng núi Pass, Colorado - Mỹ. Đến năm 1983, Mỹ mất vị trí độc tôn khai thác vì nhiều nước đã phát hiện mỏ đất hiếm. Trong đó, ưu thế khai thác dần nghiêng về phía TC vì nước này đã phát hiện được nhiều mỏ đất hiếm. Đến năm 2004, vùng mỏ Bayan Obo của TC đã sản xuất đến 95.000 - 102.000 tấn đất hiếm hàng năm.
Nhưng trong ba thập kỷ qua, Bắc Kinh đã nắm chặt chuỗi cung ứng đất hiếm của thế giới đến mức gần như tất cả nguyên liệu, bất kể chúng được khai thác ở đâu trên thế giới, đều phải chuyển đến TC để sàng lọc trước khi chúng có thể được xử dụng trong công nghệ.
Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, hiện nay, TC kiểm soát gần 65% hoạt động khai thác đất hiếm, hơn 85% công suất chế biến và hơn 90% sản lượng nam châm vĩnh cửu.
Tạo sao Mỹ không khai thác đất hiếm tại nội địa?
Câu hỏi thời thượng được đặt ra cho hôm nay rất thích hợp với tình hình đang gay cấn về việc khai thác, xuất nhập cảng đất hiếm trên toàn thế giới. Đất hiếm hiện tại là một nguyên liệu chiến lược trong một xã hội đang chao đảo hiện nay.
Câu trả lời là có, nhưng không chỉ vì môi trường, mà còn vì bốn nguyên nhân chính kết hợp:
Nguyên nhân 1: Vấn đề môi trường là rào cản lớn nhất vì Mỹ lo ngại ô nhiễm nặng nề do quá trình tinh luyện
Đất hiếm không “hiếm” về mặt địa chất, mà là khó tách chiết, phát thải một lượng lớn phế thải lỏng gây ô nhiễm và chi phí thanh lọc rất cao. Quy trình tinh luyện đòi hỏi nhiều acid vô cơ rất mạnh như Acid sulfuric, Acid nitric, và Acid hydrochloric tạo ra chất thải độc hại như bùn phóng xạ nhẹ (thorium, uranium) có khả năng tạo ra nguy cơ ô nhiễm đất, nước, và không khí kéo dài.
Thêm nữa, Mỹ có tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) quy định rất khắt khe. Từ đó, các công ty khai thác khoáng sản phải dự phòng cho chi phí hàng trăm triệu USD để thanh lọc chất thải độc hại. Trong khi đó, Trung Cộng chấp nhận đánh đổi môi trường để phát triển công nghiệp, biến thành một lợi thế cạnh tranh mà Hoa Kỳ không thể theo đuổi kịp.
Vì vậy, Mỹ có khai thác quặng, nhưng sản xuất rồi chuyển sang cho TC tinh chế, vì rẻ hơn và ít bị ràng buộc pháp lý.
Nguyên nhân 2: Kinh tế thị trường qua giá thành và lợi nhuận. Trung Cộng trợ giá (subsidies) mạnh cho ngành đất hiếm như giảm thuế, hỗ trợ tài chính, và nhứt là “lơ là” trong việc kiểm soát chất phế thải, tạo ra giá đất hiếm tinh luyện từ TC rẻ hơn từ Mỹ nhiều lần.
Nguyên nhân 3: Mỹ từng mất vị thế do sai lầm chiến lược trong thời gian chiến tranh lanh ở thế kỷ trước. Từ thập niên 1960–1980, Mỹ từng là nước dẫn đầu về đất hiếm (Mountain Pass chiếm 90% thị phần). Nhưng từ 1990s trở đi, TC tăng tốc đầu tư và trợ giá ngành này.Vào thời điểm nầy, Mỹ không xem đất hiếm là tài nguyên chiến lược, không đầu tư chuỗi chế biến và dần dần bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đến năm 2002, Mountain Pass phải đóng cửa vì không cạnh tranh nổi và vi phạm quy định môi trường qua việc giải quyết các phế thải.
Nguyên nhân 4: Qua ba nguyên nhân trên, Mỹ dần dần xa rời việc Nghiên cứu và phát triền (R&D) trong việc tinh chế đất hiếm và lần lần đưa công nghệ nầy vào quên lãng!
Chế biến đất hiếm đòi hỏi: - Một Công nghệ chiết xuất rất phức tạp – Cần một quy trình chuyên biệt cho từng nguyên tố - Và cần nhóm Kỹ sư chuyên biệt, nhà máy, và hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ v.v….
Mỹ mất dần chuỗi cung ứng này trong suốt 3 thập niên.Và ngay cả khi Mỹ muốn "khép kín" chuỗi sản xuất đất hiếm từ năm 2020, cũng cần 5–10 năm để xây dựng lại năng lực chế biến nội địa thành những thành phẩm cần thiết cho kỹ nghệ như lithium, nam châm vĩnh cửu …
Đất hiếm ở Hoa Kỳ
Thống kê và tin tức về cung, cầu và sự luân lưu trên toàn thế giới của nhóm khoáng sản đất hiếm - scandium, yttrium và lanthanides cho thấy nguồn kinh tế chính của đất hiếm là các khoáng chất bastnaesite, monazite, loparite và ion Laterit - đất sét hấp phụ (ion-adsorption).
Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra kế hoạch hỗ trợ các nước phát triển nguồn khoáng sản như lithium, đồng và cobalt, nhằm giảm phụ thuộc vào TC về những khoáng sản quan trọng đối với ngành công nghiệp kỹ thuật cao.Trong thời gian gần đây, Washington quan ngại về việc phụ thuộc vào khoáng sản nhập cảng sau khi có tin Bắc Kinh xem xét cắt giảm xuất cảng đất hiếm sang Mỹ giữa lúc chiến tranh thương mại song phương leo thang.
Các công ty quốc phòng Mỹ Raytheon và Lockheed Martin dùng đất hiếm trong hệ thống hướng dẫn và bộ cảm biến cho tên lửa. Đất hiếm cũng rất cần thiết cho những thiết bị quân sự quan trọng khác như động cơ máy bay, laser, và thiết bị nhìn xuyên đêm.
Theo Reuters, 80% lượng đất hiếm nhập vào Mỹ trong giai đoạn 2014-2017 là từ TC trong khi hiện nay không có nhiều bên cung cấp khác có thể cạnh tranh với nước nầy.
“Hơn 80% chuỗi cung cấp đất hiếm toàn cầu bị một nước kiểm soát. Việc dựa vào bất kỳ một nguồn nào làm gia tăng nguy cơ bị gián đoạn về nguồn cung”, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo trong tài liệu về kế hoạch hỗ trợ các nước phát triển khoáng sản, được gọi là Sáng kiến quản lý nguồn năng lượng. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ chia sẻ kỹ thuật khai thác nhằm hỗ trợ phát hiện và phát triển nguồn khoáng sản cũng như tư vấn cách quản lý nhằm đảm bảo ngành công nghiệp của các nước hấp dẫn đối với giới đầu tư quốc tế.
Bước đi này được kỳ vọng sẽ giúp đảm bảo nguồn cung khoáng sản toàn cầu có thể đáp ứng nhu cầu của thế giới. Nhu cầu về khoáng sản năng lượng thiết yếu có thể gia tăng gần 1.000% vào năm 2050, theo ước tính của giới chuyên gia.
Ở Bắc Mỹ, nguồn tài nguyên đất hiếm được đo lường và chỉ ra ước tính bao gồm 2,4 triệu tấn ở Hoa Kỳ và hơn 15 triệu tấn ở Canada.
Mỹ nhập cảng bao nhiêu nguyên tố đất hiếm?
Hoa Kỳ nhập khẩu ròng 100% vào các nguyên tố đất hiếm trong năm 2018, nhập khẩu ước tính khoảng 11.130 tấn hợp chất và kim loại trị giá 160 triệu USD. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, 80% lượng hàng nhập khẩu đó có nguồn gốc từ TC.
Kết luận
Cuộc cạnh tranh toàn cầu về các khoáng sản quan trọng đang nóng lên và Mỹ chưa giành được chiến thắng. Trong số các khoáng sản quan trọng này là các nguyên tố đất hiếm (Rare Earth Element-REE), rất quan trọng đối với mọi hoạt động từ quá trình chuyển đổi năng lượng sang kỹ nghệ quốc phòng. Vào ngày 4 tháng 3, 2025 Tesla TSLA đã công bố hợp tác với một mỏ niken ở New Caledonia.
Trước kia, Mỏ Mountain Pass của California là cơ sở đất hiếm duy nhất đang hoạt động của Hoa Kỳ. Nhưng Cty MP Materials mua lại mỏ Mountain Pass, quyết định, thay vì tinh chế, lại cho vận chuyển khoảng 50.000 tấn đất hiếm cô đặc mà họ khai thác mỗi năm từ California đến TC để chế biến. TC đã áp đặt mức thuế 25% đối với những mặt hàng nhập khẩu đó trong cuộc chiến thương mại.
Hiện tại, Mỏ Mountain Pass, CA hoạt động trở lại vào năm 2012 sau nhiều năm ngừng hoạt động. Từ năm 2020, HK cung cấp khoảng 15% sản lượng đất hiếm “thô” của thế giới, một nhóm gồm 17 khoáng chất được sử dụng để chế tạo nam châm trong công nghệ thương mại và quân sự tiên tiến nhất của Mỹ, từ xe điện. cho các tàu ngầm tấn công lớp Virginia. Mountain Pass của California, một trong những mỏ lớn nhất thế giới, nơi sản xuất 43.000 tấn REO vào năm 2022, theo USGS.
Nhưng trong vòng ba thập niên qua, Bắc Kinh đã nắm chặt chuỗi cung ứng đất hiếm của thế giới đến mức gần như tất cả nguyên liệu, bất kể chúng được khai thác ở đâu trên thế giới, đều phải chuyển đến TC để sàng lọc trước khi chúng có thể được xử dụng trong công nghệ.
Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, hiện nay, TC kiểm soát gần 60% hoạt động khai thác đất hiếm, hơn 85% công suất chế biến và hơn 90% sản lượng nam châm vĩnh cửu.
Hành pháp Trump 44 đã chuẩn bị tất cả cho sự độc lập của Mỹ về đất hiếm. Ngày 30/9/2019, TT Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để tăng cường khai thác các khoáng sản quan trọng trong nước, như nguyên tố đất hiếm, để hỗ trợ các công việc khai thác mỏ ở Hoa Kỳ, nhằm giảm sự phụ thuộc vào TC. Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong ngành khai thác mỏ của Hoa Kỳ, và yêu cầu Bộ Nội vụ xem xét việc thực hiện Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để tài trợ cho chế biến khoáng sản nhằm “bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta”.
Khai thác đất hiếm ở mỏ Mountain Pass, California, Mỹ.
“Chúng tôi sẽ đưa các thợ mỏ của mình trở lại làm việc”, TT Trump nói. Các cơ quan liên bang cũng sẽ được phép thăm dò và hoạt động để giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác trong việc nhập khẩu khoáng sản. Tòa Bạch ốc thời đó tuyên bố:“Tổng thống Trump sẽ tiếp tục bảo vệ chuỗi cung ứng nội địa của chúng ta đối với các khoáng sản quan trọng thoát khỏi hành vi săn mồi của TC”.
Thà chậm còn hơn không!
Mai Thanh Truyết
Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam
Houston - Tháng 7-2025
Wednesday, July 23, 2025
Đất hiếm và Chuỗi cung ứng trên thế giới – Phần I
Hiện tại, Trung Công giữ vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu, không chỉ nhờ trữ lượng lớn mà còn do năng lực chế biến và chiến lược địa chính trị tinh vi. Dưới đây là một phân tích chi tiết về cách hành xử và ảnh hưởng của TC trong vấn đề đất hiếm:
1- Vị thế của Trung Cộng trong ngành đất hiếm
Trữ lượng đất hiếm (ước tính 2023): Trung Cộng chiếm khoảng 36-38% trữ lượng thế giới (44 triệu tấn oxit đất hiếm). Việc sản xuất đất hiếm toàn cầu do TC hầu như độc quyền với khoảng 60–70% sản lượng khai thác. Nhưng quan trọng hơn cả, TC kiểm soát hơn 85–90% quy trình chế biến và tinh luyện, vốn là giai đoạn then chốt biến quặng thành nguyên liệu dùng trong công nghiệp. Có thể nói, TC thống trị toàn thể chuỗi giá trị, từ việc Khai thác → Tinh luyện → Chế tạo vật liệu → Sản xuất sản phẩm công nghệ cao (nam châm vĩnh cửu, pin, điện tử quốc phòng).
2- Cung cách hành xử của Trung Cộng
Tước hết, TC dùng đất hiếm như vũ khí địa chính trị. TC kiểm soát ngành xuất cảng đất hiếm thông qua hạn ngạch, thuế, giấy phép, và các hợp đồng do họ chủ động. Xin đan cử một vài thí dụ điểm hình dưới đây:
* Vào năm 2010, khi xảy ra tranh chấp lãnh hải với Nhựt Bổn (Senkaku/Điếu Ngư), TC tạm ngưng xuất khẩu đất hiếm sang Nhựt, khiến thị trường toàn cầu rúng động và giá đất hiếm tăng vọt. Từ đó, Bắc Kinh cảnh báo gián tiếp với các nước khác rằng nước này sẵn sàng dùng đất hiếm làm công cụ gây áp lực chính trị.
* Thâu tóm mỏ đất hiếm ở nước ngoài. TC đầu tư và kiểm soát mỏ tại Châu Phi (Congo, Tanzania, Namibia), Myanmar (giáp biên giới TC, quan trọng về nguồn cung), Australia (đầu tư cổ phần vào công ty Lynas), Nam Mỹ và Đông Nam Á. Để rồi, TC không chỉ làm chủ mỏ trong nước mà còn gián tiếp kiểm soát nguồn cung ứng toàn cầu.
* Trợ giá, thao túng thị trường khai thác và chế biến khiến giá đất hiếm rẻ hơn thị trường vì TC bỏ qua việc thanh lọc lượng phế thải lỏng rất lớn trong quá trình tinh chế đất hiếm. Vì vậy, các nhà sản xuất ở nước khác khó cạnh tranh nổi. Trước năm 2020, chính Hoa Kỳ xuất cảng đất hiếm thô sang TC, để rồi nhập lại đất hiếm tinh chế, vì chi phí thanh lọc phế thải lỏng ở Mỹ … quá cao! Nhiều quốc gia từng có mỏ đã phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh với giá rẻ từ TC (như Mỹ với mỏ Mountain Pass giai đoạn 2002–2010).
3- Ảnh hưởng toàn cầu
Vì nắm được yếu tố môi trường/tài chính/sản xuất, đất hiếm của TC ngày càng tác động lên chuỗi cung ứng công nghệ cao trên thế giới như các công nghệ: Xe điện, nam châm vĩnh cửu, điện thoại, vũ khí định hướng bằng laser... đều cần đất hiếm. Và từ đó, Bắc Kinh dùng đất hiếm như là một vũ khí áp đặt vào các dịch vụ buôn bán qua việc gián đoạn sản xuất hay cắt đứt hợp đồng nhằm gầy áp lực với các quốc già đối tác như Mỹ, Nhựt, Âu châu, Đài Loan, Đại Hàn v.v…
Tuy nhiên, cũng nhờ sức ép trên mà một số quốc gia gây ra làn sóng "thoát Trung" về đất hiếm bằng cách tự sản xuất. Hiện tại, Mỹ đang đầu tư tái khởi động mỏ ở Mountain Pass từ năm 2020. Nhựt, Liên Âu đang tìm nguồn thay thế nguyên liệu ở Úc, Việt Nam, Brazil…Và hiện nay, chuỗi cung ứng trở thành đa dạng, không còn độc quyền như trước năm 2020 nữa…
Hoa Kỳ cũng đang khôi phục đất hiếm từ các sản phẩm phế thải cũ và tái sinh trở lại, cũng như mở thêm nhà máy ở những tiểu bang có mỏ đất hiếm. Nhưng dù muốn dù không, hiện tại, TC vẫn còn chủ động trong việc sản xuất và phân phối đất hiếm tinh chế, ước tính kiểm soát khoảng 70% nhu cầu đất hiếm trên thế giớ
4- Hoa Kỳ có "lệ thuộc" đất hiếm của Trung Cộng hay không?
Câu trả lời ngắn gọn: Có, nhưng Mỹ đang nỗ lực giảm mạnh sự lệ thuộc xuống.
4.1- Mức độ lệ thuộc của Hoa Kỳ vào đất hiếm Trung Cộng
Lệ thuộc vào nhập cảng, tính đến giai đoạn 2014–2020, có từ 80% đến 90% đất hiếm tinh chế (rare earth oxides - REO) nhập cảng vào Mỹ từ TC. Riêng đối với “nam châm vĩnh cửu”, trong một thời gian dài, Mỹ nhập khoảng 98%.
Hoa Kỳ vẫn có mỏ đất hiếm, nhưng không đủ khép kín chuỗi sản xuất. Mỏ Mountain Pass là mỏ đất hiếm lớn nhất nước Mỹ, nhưng từ 2002 đến khoảng 2017, mỏ này đóng cửa một phần vì không thể cạnh tranh với giá cả của TC. Sau khi hoạt động lại, phần quặng khai thác vẫn được gửi sang TC để tinh chế.
4.2- Tại sao Mỹ lệ thuộc?
Chuỗi cung ứng chế biến do TC thống trị vì chế biến đất hiếm cần công nghệ cao, độc quyền và rất ô nhiễm (axit, hóa chất độc hại, phóng xạ nhẹ). Mỹ từng giảm sản xuất trong nước vì lo ngại môi trường và chi phí cao, để rồi phải mua sản phẩm rẻ hơn từ TC. TC, ngược lại, nhờ trợ cấp nhà nước mạnh, chấp nhận ô nhiễm để chiếm lĩnh thị trường.
Lý do thứ hai, là do Mỹ thiếu đầu tư dài hạn vỉ HK đã từng xem nhẹ chiến lược đất hiếm sau Chiến tranh lạnh. Chính phủ và tư nhân không đầu tư đúng mức vào hệ sinh thái chuỗi cung ứng cho đến khi TC sử dụng đất hiếm như “vũ khí kinh tế” trong các tranh chấp thương mại.
4.3- Mỹ đang làm gì để giảm lệ thuộc?
Hiện tại, nhờ Đạo luật CHIPS and Science Act (2022) và các chương trình của DoD - Bộ Quốc phòng ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng đất hiếm trong nước. Luật Defense Production Act đã được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho các công ty khai khoáng và chế biến đất hiếm.
Nhờ đầu tư nội địa qua Tập đoàn MP Materials (vận hành mỏ Mountain Pass) đã bắt đầu xây nhà máy chế biến trong nước, ký hợp đồng cung cấp nam châm vĩnh cửu cho GM, Lockheed Martin, và nhứt là nhận tài trợ hàng trăm triệu USD từ chính phủ Mỹ nhằm giải quyết chi phí cho việc thanh lọc phế thải lỏng.
Thêm nữa, các hợp tác liên chính phủ qua Liên minh Quốc tế để đa dạng hóa nguồn cung với Úc qua Cty Lynas Corp, Canada qua Cty Avalon, Vitals Metal, và Việt Nam. Tất cà nhằm mục đích có thêm nguồn khai thác và chế biến bên ngoài TC.
4.4- So sánh hiện trạng đất hiếm năm 2025 giữa Mỹ và Trung Cộng
Trung Cộng sở hữu 60 – 70% tổng lượng đất hiếm trên thế giới và tinh luyện khoảng 85% và sản xuất 95% nam châm vĩnh cửu. Trong lúc đó, Hoa Kỳ có tổng sản lượng khoảng 15%, và hiện đang tái hoạt động và xây dựng các nhà máy tinh chế đất hiếm từ năm 2020.
5- Vai trò của Việt Nam trong cuộc chơi này
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới (ước tính khoảng 22 triệu tấn), nhưng vì chưa có công nghệ tinh chế đất hiếm, nhưng chưa có chuỗi công nghiệp hỗ trợ và đầu tư mạnh mẽ, chưa khai thác quy mô các mỏ hiện có, nhứt là bị áp lực từ TC.
Nếu được đầu tư đúng hướng (như liên kết với Nhật, Mỹ, EU), Việt Nam có thể trở thành một đối trọng địa chính trị trong ngành đất hiếm ở châu Á.
6- Kết luận
Trung Cộng không chỉ khai thác đất hiếm, mà đã biến nó thành công cụ chiến lược để củng cố vị thế địa chính trị và kiểm soát chuỗi công nghệ toàn cầu. Việc thế giới phụ thuộc vào TC về đất hiếm là một điểm yếu chiến lược và là một mối đe dọa tiềm tàng đối với các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.
Hoa Kỳ đã từng lệ thuộc gần như tuyệt đối vào TC về đất hiếm, đặc biệt trong giai đoạn 2005–2020. Tuy nhiên, kể từ chiến tranh thương mại dưới thời Trump và tiếp tục dưới thời Biden, Mỹ đã tỉnh thức và đang đầu tư mạnh để giảm thiểu nguy cơ chiến lược này.
Dù vậy, việc “thoát Trung” hoàn toàn sẽ mất thời gian (ít nhất đến sau 2030), vì: - Việc xây dựng hạ tầng tinh luyện cần nhiều năm; - Thị trường Mỹ chưa đủ sức cạnh tranh nếu không có trợ cấp của của chính phủ.
Tại hội nghị thượng đỉnh các nước G7 ở Hiroshima, Nhật từ 19 đến 21 tháng 5, 2023, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) , đã nhấn mạnh cần phải hợp tác với những đối tác và các quốc gia có tầm nhìn chung để “giảm thiểu sự phụ thuộc của chúng ta vào Trung Cộng” ở một số lĩnh vực then chốt, trong đó có đất hiếm. Ngày 18/5/2023, Bộ Tài nguyên của Australia, là khách mời tham dự G7 tương tự như Việt Nam, đã ra thông báo chính sách tài trợ cho ngành khai thác mỏ, trong đó có chiến lược khai thác đất hiếm, nhằm giảm thiểu các rủi ro về chủ quyền và tăng cường năng lực cho chuỗi cung ứng của các lĩnh vực sản xuất.
Trong thời đại của nền kinh tế công nghệ cao cấp, các nguyên tố đất hiếm có mặt khắp mọi sản phẩm công nghiệp như xe hơi, điện thoại di động, vệ tinh, động cơ, tên lửa dẫn đường bằng tia laser, một số linh kiện dùng trong kỹ nghệ tình báo và quân sự như trong động cơ và các thiết bị điện tử của mỗi chiếc máy bay chiến đấu F-35 Lightning II thế hệ mới nhất của Hoa Kỳ cần có khoảng 450 kg nguyên tố đất hiếm.
Khai thác đất hiếm và công cuộc bảo vệ môi trường trong quá trình tinh chế đất hiếm đòi hỏi các kỹ năng khoa học kỹ thuật cao và cân bằng với việc bảo vệ môi trường. Từ một nguồn đất thô và phải qua nhiều giai đoạn tinh lọc, tinh chế…, phát thải một số lượng quá lớn phế thải độc hại lỏng, rắn, và khí. Các công ty Hoa Kỳ, chỉ vì chú trọng vào hiệu quả kinh tế hơn vấn đề an ninh quốc phòng, cho nên trước một phí tổn rất lớn do EPA quy định trong việc thanh lọc phế thải, người Mỹ đã từng ngủ một giấc ngủ dài trong việc tinh chế các đất hiếm nầy.
Ngược lại, TC với quyết tâm đại hán, muốn trở thành bá chủ toàn cầu, vì vậy họ xem nhẹ việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sống của hơn 1,4 tỷ người Tàu nhằm sản xuất đất hiếm và làm ngơ việc thanh lọc phế thải lỏng. Nên nhớ, sản xuất chỉ 1kg đất hiếm, phát thải ra hàng chục ngàn lít phế thải lỏng độc hại…cần phải thanh lọc.
Cuộc chiến về đất hiếm giữa TC và Mỹ đang lần lần được cân bằng sau cuộc chiến cấm vận của Hoa Kỳ và TC, cũng như thương chiến về đất hiếm khơi nguồn từ tranh chấp giữa Nhật và TC năm 2010.
Vấn đề là, đất hiếm một khi đã được tinh luyện rồi cần phải…được dùng để sản xuất những sản phẩm “công nghệ tối tân” nhằm phục vụ trong công kỹ nghệ quốc phòng, y tế, không gian v.v…chứ không nhằm để xuất cảng như hầu hết đất hiếm của TC.
Và, về điểm trên, Hoa Kỳ vẫn chiếm ưu thế, vì TC không đủ khả năng để chạy theo các tiến bộ khoa học - kỹ thuật của HK. Nên nhớ, dưới thời TT Reagan, chì vì chạy theo chính sách không gian của Mỹ, mà Liên Sô bị hụt hơi và “tự” bứt từ vào năm 1991.
Và cũng cần nên nhớ, tuy Trung Cộng được xem như một nhà máy cung ứng cho toàn cầu …với giá rẻ, nhưng chưa bao giờ có đủ linh kiện “tự sáng chế” để hoàn tất 100% một sản phẩm cao cấp nào cả, từ những mặt hàng công nghệ tiêu dùng hay trong lãnh vực quân sự hoặc quốc phòng hay không gian!
Sẽ còn lâu lắm Trung Cộng mới có khả năng đuổi kịp thế giới tự do trong lãnh vực nầy. Do đó, một khi Tây phương ổn định được mức sản xuất đất hiếm đủ dùng cho nhu cầu trong nước, đất hiếm TC sẽ không còn là vũ khí chiến lược để “áp đặt cuộc “chơi”” với tây phương nữa và đương nhiên, kỹ nghệ đất hiếm của TC sẽ… chết!
Xin đón đọc tiếp:
Phần II - Tạo sao Mỹ không khai thác đất hiếm tại nội địa
Phần III - Đất hiếm Việt Nam – Triển vọng hợp tác Mỹ - Việt
Mai Thanh Truyết
Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam
Houston – Tháng 7-2025
Sunday, July 20, 2025
Utsukushii – Vẻ đẹp sâu kín trong văn hóa Nhật Bản
"Utsukushii" (美しい) là một từ ngữ tiếng Nhật có nghĩa là đẹp, đáng yêu hoặc xinh xắn (beautiful, lovely, or pretty) trong tiếng Anh. Nó là một tính từ và được dùng để mô tả một cái gì đó đẹp về mặt thẩm mỹ hoặc mang lại cảm giác về cái đẹp.
Sau đây là một phân tích về vài từ ngữ Nhựt cùng chỉ về cái đẹp:
• Nghĩa: "Utsukushii" (美しい) chánh yếu có nghĩa là "xinh đẹp" hoặc "đáng yêu".
• Cách dùng: Đây là một tính từ đuôi i, vì vậy nó có thể được dùng để bổ nghĩa trực tiếp cho danh từ (ví dụ: "utsukushii hana" - bông hoa đẹp).
• Sắc thái: Mặc dù cả "kirei" (きれい) và "utsukushii" (美しい) đều có nghĩa là "xinh đẹp", nhưng "utsukushii" thường được dùng để diễn tả cảm giác sâu sắc, nghệ thuật hoặc cảm xúc hơn về cái đẹp, trong khi "kirei" cũng có thể ám chỉ sự sạch sẽ hoặc sự ngăn nắp. Ví dụ: "Kanojo wa utsukushii" (彼女は美しい) có nghĩa là "Cô ấy xinh đẹp".
Nhưng khi tra cứu trên jisho.org, Utsukushii cũng có thể có nghĩa là "trong sáng (trái tim, tình bạn, v.v.)". Tôi luôn nghĩ utsukushii chỉ đơn thuần liên quan đến "cái đẹp", và không có gì khác. Nhưng jisho.org ngụ ý rằng từ nhữ nầy gắn liền với sự trong sáng và các giá trị/đức tính "trong sạch" khác.
Thực ra, "Utsukushii"(美しい) trong tiếng Nhật ngoài việc được dịch là "đẹp" hay "mỹ lệ", nhưng ý nghĩa sâu kín của nó trong văn hóa Nhật Bản vượt xa khái niệm thẩm mỹ thông thường. Nó không chỉ đơn thuần là cái đẹp về mặt thị giác, mà là một trải nghiệm mang tính tinh thần, cảm xúc và hài hòa với tự nhiên và lòng người.
Dưới đây là những khía cạnh sâu kín của "utsukushii" trong văn hóa Nhật:
1. Cái đẹp gắn với sự mong manh và thoáng qua (無常 - mujō)
Trong văn hóa Nhật Bản, cái đẹp được trân quý bởi vì nó không vĩnh viễn.
Ví dụ tiêu biểu là hoa sakura (anh đào) – chỉ nở rộ vài ngày trong năm. Vẻ đẹp ấy không nằm ở sự lộng lẫy, mà ở tính tạm thời, sự chia ly, và cảm giác biết ơn vì đã được chứng kiến. Và từ đó, có thể hiểu được là, Utsukushii mang một chiều sâu triết lý về sự vô thường, khiến người Nhật cảm thấy xúc động trước vẻ đẹp giản dị, thoảng qua của hoa anh đào. Utsukushii trong trường hợp này mang một triết lý: “Chính vì ngắn ngủi nên mới quý giá. Chính vì sắp tan biến nên mới gây xúc động.”
2. Cái đẹp trong sự giản dị và không hoàn hảo (侘寂 - wabi-sabi)
"Utsukushii" không cần phải hoàn hảo, đối xứng hay lộng lẫy.Trong tinh thần wabi-sabi, cái đẹp được tìm thấy trong:
• Một cái chén sứ có vết nứt đã được hàn lại bằng vàng (kintsugi)
• Một khu vườn rêu phủ
• Một bóng cây in mờ trên vách giấy shoji.
Ở đây, "utsukushii" là cái đẹp của thời gian, dấu vết, và sự chân thật của cuộc sống.
3. Sự hòa hợp với thiên nhiên (自然 - shizen)
Vẻ đẹp mà người Nhật gọi là "utsukushii" thường gắn liền với tự nhiên, mùa màng, âm thanh của gió, ánh sáng dịu nhẹ, sự tĩnh lặng.
• Một tán lá đỏ mùa thu
• Một con đường làng phủ tuyết
• Âm thanh của suối chảy.
Đây là cái đẹp không được tạo ra, mà được cảm nhận, cho thấy sự đồng điệu giữa con người và thiên nhiên.
4. Sự rung động của tâm hồn (感動 - kandō)
"Utsukushii" thường được thốt ra không chỉ khi nhìn thấy điều gì đẹp, mà khi tâm hồn được lay động bởi một khoảnh khắc thiêng liêng, như chứng kiến lòng nhân ái, sự hy sinh, một hành động cao quý, hay một cảm xúc sâu sắc.
Khi một người nói Utsukushii, họ có thể đang cảm nhận một vẻ đẹp nội tâm, chứ không chỉ là bề ngoài. Trong Phật giáo và đặc biệt trong văn hóa Nhật Bản, mọi sự vật đều là tạm thời. Cái đẹp thật sự chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc trống và tàn.
5. Mỹ học gắn liền với lễ nghi, nghệ thuật và phong cách sống
Thêm nữa chữ "utsukushii" hiện diện trong:
• Trà đạo (sadō): sự tinh tế, tiết chế, khiêm nhường
• Hoa đạo (kadō/ikebana): sự cân bằng, khoảng trống
• Thư pháp (shodō): cái đẹp của dòng chảy tâm thức
• Kimono, Kiến trúc, Thi ca haiku: nơi cái đẹp và chức năng hòa làm một.
Trong đời sống Nhật, cái đẹp không phải để ngắm mà để sống cùng, hòa nhập vào nhịp thở hàng ngày.
Kết luận: Khi cái đẹp trở thành một đạo sống
Trong một thế giới đang rối loạn vì tốc độ, công nghệ, và chủ nghĩa tiêu dùng, triết lý "utsukushii" của người Nhật là một liều giải độc tinh thần mà nhân loại nên học lại. Nó không chỉ là mỹ học, mà là một cách thấy thế giới chậm lại, sâu hơn, có chiều kích tâm linh.
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mà vẻ đẹp bị thương mại hóa, kỹ thuật số hóa và tiêu thụ vội vàng. Người ta không còn rung động trước một chiếc lá rơi, hay một nét cười già nua, hay nhìn thấy nét ngây thơ của một em bé… vì cái đẹp hôm nay bị đóng khung trong công nghệ AI tạo ảnh, ảnh selfie, và thẩm mỹ viện.
Utsukushii đưa ta trở về với trực giác thẩm mỹ nguyên thủy, nơi mà cái đẹp không cần giải thích, chỉ cần cảm nhận. Nó dạy ta rằng:
• Cái đẹp không hoàn hảo mới thật, vì nó giống chính ta, con người thật.
• Cái đẹp hiện ra trong tĩnh lặng, nhưng thế giới ồn ào chẳng nghe được nó.
• Cái đẹp là một lựa chọn đạo đức, sống chậm, sống tử tế, sống biết ơn.
Triết lý “utsukushii” có thể là một cách kháng cự nhẹ nhàng nhưng sâu sắc trước chủ nghĩa tối đa hóa, tối ưu hóa, và công nghiệp hóa toàn diện nhân loại. Đó là một cách sống nhân bản, tự nhiên và tỉnh thức, điều mà không chỉ người Nhật, mà cả nhân loại đang khao khát trở lại.
"Utsukushii" là một chữ đầy chiều sâu, bao gồm vẻ đẹp của: - Hình thể - Tâm hồn - Sự sống - Và cả sự tàn úa, tan biến. Nó phản ánh một nền văn hóa trân trọng sự mong manh, sự hài hòa, và cái đẹp đến từ cảm xúc chân thật hơn là vẻ bề ngoài.
Nói về khái niệm "Utsukushii", một vẻ đẹp sâu kín trong văn hóa Nhật Bản trong thế giới ngày nay, nơi hình ảnh, tốc độ và vẻ hào nhoáng thường chiếm trọn vẹn đời sống hiện đại của chúng ta, người Nhật vẫn giữ gìn một triết lý thẩm mỹ đầy nhân bản và tĩnh lặng: "Utsukushii" – cái đẹp như một nhịp thở sâu của tâm hồn.
Utsukushii không chỉ là một mỹ từ, mà là một cách sống, một cách nhìn, một cách yêu thương thế giới nầy.
Khác với những khái niệm "đẹp" mang tính hình thức, được đo bằng chuẩn mực sắc đẹp hay thiết kế nhân tạo, Utsukushii đòi hỏi người tiếp nhận phải có chiều sâu cảm xúc, lòng khiêm nhường, và một tâm hồn biết lắng nghe.
• Utsukushii là một hành vi tâm linh: Khi một người Nhật thốt lên chữ này, không phải họ đang "đánh giá" một đối tượng, mà họ đang bày tỏ lòng biết ơn, rung động, và thừa nhận sự sống trong khoảnh khắc đó. Dù là một cánh hoa rơi hay một hành động thiện lành, "utsukushii" là cách họ nói:"Tôi nhìn thấy cái đẹp nơi đó, và tôi biết mình may mắn được chứng kiến."
• Utsukushii là cầu nối giữa cái hữu hình và cái vô hình: Đẹp không chỉ là thứ "thấy được", mà còn là thứ "cảm được". Như một ngôi đền cũ kỹ, một người già chăm sóc cháu nhỏ, một bài haiku ngắn ngủi về mưa rơi trên mái tranh…
Đó không phải cái đẹp lý tưởng của Hy Lạp cổ đại, mạnh mẽ, đối xứng, hoàn hảo.
Đó là cái đẹp của sự sống, sự cũ kỹ, sự tàn phai, và sự yêu thương. Một vẻ đẹp thiêng liêng vì nó tồn tại trong cái nhất thời của sự hiện hữu.
• Utsukushii là đạo đức thẩm mỹ: Ở Nhật, thẩm mỹ không chỉ là gu (taste), mà còn là tư cách sống. Một người ăn nói khiêm cung, giữ ý trong tiệc trà. Một nghệ sĩ gốm suốt đời luyện tay nghề để làm ra chiếc chén không hoàn hảo. Một người mẹ gói hộp cơm (bento) cho con mang vào lớp học với tình yêu giản dị.
Đó là vẻ đẹp của sự tận tụy, của lòng kính trọng cuộc sống, và của niềm tin rằng những điều nhỏ bé nhất có thể chứa đựng cái đẹp lớn lao nhất.
Và lời bàn “Mao Tôn Cương” sau cùng về chiêm nghiệm cho thời đại chúng ta của một tiện nhân:
Trong thế giới hiện đại, con người dễ bị cuốn vào một vòng xoáy của hiệu năng, tiêu chuẩn hóa, và cái đẹp nhân tạo, máy móc…. Cái đẹp được sản xuất hàng loạt, mô hình hóa, chỉnh sửa bằng công nghệ số do một lập trình viên… đôi khi làm mất đi cảm xúc gốc của con người. Triết lý "utsukushii" của người Nhật nhắc nhở chúng ta rằng:
• Cái đẹp không phải để sở hữu, mà để chiêm ngưỡng.
• Không có gì đẹp bằng một tâm hồn biết rung động.
• Không có điều gì là nhỏ nhặt, nếu ta đặt cả trái tim vào đó.
• Cái đẹp là điều ta phải luyện tâm mới nhận ra.
• Cái đẹp đối khi là một dấu nứt, một vết thời gian.
• Một cuộc đời sống đẹp là một cuộc đời khiêm nhường, biết cảm nhận, và biết tha thứ.
Nó là một lời nhắc nhở cho toàn nhân loại về giá trị của sự dừng lại, của cảm nhận, và của cái đẹp nội tại trong thế giới đang trở nên ngày càng vội vã, định lượng và công nghiệp hóa.
Trong thời đại của tối ưu hóa, hiệu suất, và sản xuất hàng loạt, chúng ta dễ dàng quên mất rằng:
• Cái đẹp không phải lúc nào cũng là cái nổi bật.
• Giá trị không luôn nằm ở sự hoàn hảo.
• Một đời sống đẹp không phải là một đời sống giàu có vật chất, mà là một đời sống có chiều sâu tâm linh.
Utsukushii là một tiếng thì thầm của trái tim, là một ánh nhìn từ bi với chính mình và với thế giới. Đó là lựa chọn sống nhẹ, sống sâu, và sống trọn từng khoảnh khắc, thay vì chạy theo những cái "đẹp" được đóng gói sẵn và quảng bá bởi mạng xã hội hay thị trường.
Nếu nhân loại có thể học được gì từ văn hóa Nhật, thì “utsukushii” chính là một câu trả lời thầm lặng nhưng bền vững, rằng vẻ đẹp không ở đâu xa, nó nằm trong cách ta đi qua từng ngày, với đôi mắt mở và trái tim rộng.
Và sau cùng, Utsukushii không chỉ là một chữ để miêu tả. Đó là một lời thì thầm giữa người và trời, giữa người và đất, giữa người và người… trong im lặng. Giữa cái hiện tại và sự vĩnh hằng, Và sau cùng, giữa một hình thái phù du nhưng vĩnh cửu, và, giữa một tâm hồn tĩnh lặng trong một thế giới đầy biến động.
Mai Thanh Truyết
Một ngày tìm Tĩnh lặng
Houston – Tháng 7-2025
Ghi chú: Lời hay ý đẹp:
• Donald Richie, Luận về Mỹ học Nhật Bản (Nhà xuất bản Stone Bridge, 2007):
“Vẻ đẹp Nhật Bản không phải là thứ để tìm kiếm, mà là thứ để chấp nhận một khi đã khám phá. Nó mang tính chủ quan, phù du, và thường ẩn chứa trong những gì chưa trọn vẹn hoặc sắp biến mất.” - “Japanese beauty is not something to be sought, but something to be accepted once discovered. It is subjective, fleeting, and often resides in what is incomplete or about to vanish.”
• Jun'ichirō Tanizaki, Ca ngợi Bóng tối (Nhà xuất bản Leete's Island Book, 1977):
“Chúng ta tìm thấy vẻ đẹp không phải ở bản thân sự vật mà ở những hình thái chiếc bóng, ánh sáng và bóng tối, mà sự vật này tạo ra khi tương phản với sự vật khác.” - “We find beauty not in the thing itself but in the patterns of shadows, the light and the darkness, that one thing against another creates.”
• Daisetz T. Suzuki, Thiền và Văn hóa Nhật Bản (Nhà xuất bản Đại học Princeton, 1959):
“Trong thực hành Thiền, vẻ đẹp không nằm ở vẻ bề ngoài, mà nằm ở bản chất bên trong vượt lên trên hình thức. Tâm trí cảm nhận vẻ đẹp khi nó trở nên tĩnh lặng.” - “In the practice of Zen, beauty lies not in the outward appearance, but in the inner nature that transcends form. The mind perceives beauty as it becomes quiet.”
• Kakuzō Okakura, Trà Thư (1906):
“Vẻ đẹp đích thực chỉ có thể được khám phá bởi người biết hoàn thiện những gì còn dang dở trong tâm trí. Giá trị của một cử chỉ lịch sự hay một sự im lặng đầy ý nghĩa còn lớn hơn cả những món đồ trang trí cầu kỳ nhất.” - “True beauty could be discovered only by one who mentally completes the incomplete. The value of a polite gesture or a meaningful silence is greater than the most ornate decoration.”
• Makoto Ueda, Con Đường Gai Hoa: Cuộc Đời và Thơ Ca của Yosa Buson (Nhà xuất bản Đại học Stanford, 1998):
“Mỹ học Haiku, đặc biệt là ở Buson, tìm cách bộc lộ những điều sâu sắc ẩn chứa trong sự bình dị. Khoảnh khắc thơ ca là một thế giới thu nhỏ của cái mà người Nhật coi là ‘utsukushii’ – phù du nhưng vĩnh cửu.” - “Haiku aesthetics, especially in Buson, seek to reveal the profound within the plain. The poetic moment is a microcosm of what Japanese consider ‘utsukushii’—ephemeral yet eternal.”
Thursday, July 17, 2025
Bill Gates và Diễn đàn Event 201
Lời người viết: Vào tháng 10 năm 2019, Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cùng các đối tác, Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Quỹ Bill & Melinda Gates đã tổ chức một cuộc diễn tập (exercise) phòng chống đại dịch mang tên “Sự kiện 201 – Event 201”. Sự kiện này mô phỏng sự bùng phát của một loại virus corona mới lây truyền từ dơi sang lợn rồi sang người và dẫn đến một đại dịch nghiêm trọng. Cuộc diễn tập này nhằm “làm nổi bật những thách thức về công tác chuẩn bị và ứng phó” có thể phát sinh trong một đại dịch rất nghiêm trọng. Nên nhớ, cuộc bùng phát Covid Wuhan vào tháng 12/2019 tại Wuhan làm rộ lên mối nghi ngờ về Bill Gates vì ông cũng là một nhà tài trợ cho việc thiết lập Viện Vi sinh Wuhan…
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu cuộc diễn tập có dự đoán được đại dịch hiện tại hay không, Johns Hopkins cho biết: “Đối với kịch bản này, chúng tôi đã mô phỏng một đại dịch virus corona giả định, nhưng chúng tôi đã tuyên bố rõ ràng rằng đó không phải là một dự đoán” – ““For the scenario, we modeled a fictional coronavirus pandemic, but we explicitly stated that it was not a prediction”.
Tiếp theo, một video được xem hàng nghìn lần trên mạng xã hội cho rằng Bill Gates đã trích dẫn một câu nói về “khử trùng và kiểm soát dân số”. Đoạn clip cho thấy một người đàn ông nói: “Theo lời Bill Gates, ít nhất 3 tỷ người cần phải chết”. Reuters không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Gates từng đưa ra tuyên bố như vậy. Bài viết phân tích của Reuters – “Fact check: Bill Gates did not say the world needs to be ‘depopulated’” - https://www.reuters.com/article/factcheck-bill-gates-depopulation-idUSL2N2LF1LZ. Reuters giải thích rõ các thuyết âm mưu liên quan đến Gates và “giảm dân số” là sai sự thật, đồng thời trích dẫn phát biểu thật của ông.
Quỹ Bill và Melinda Gates đã xác nhận với Reuters qua email rằng tuyên bố này là sai sự thật.
Một phiên bản được đăng lên Instagram vào ngày 25 tháng 1 đã được xem hơn nửa triệu lần ba ngày sau đó. Đoạn clip cũng được chia sẻ trên TikTok (vm.tiktok.com/ZMJoRcss3/). Đoạn clip lan truyền này không có sự góp mặt của Bill Gates, mà là một người đàn ông được xác định là "Tiến sĩ Robert O. Young", người được cho là đã trích dẫn Gates trong một hội thảo có tên "Tòa án Quốc tế về Công lý Tự nhiên - International Tribunal for Natural Justice”, một nhóm đã lan truyền các thuyết âm mưu về đại dịch COVID-19, theo các bản tin. Đoạn video dài hơn 90 phút được đăng tải trên YouTube (youtube.be/gKjnEz5s37o?t=5584) vào ngày 20 tháng 11 năm 2019. Trong đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội, Young nói: "Vì mục đích triệt sản và kiểm soát dân số, có quá nhiều người trên hành tinh này mà chúng ta cần phải loại bỏ. Theo lời Bill Gates, ít nhất ba tỷ người cần phải chết" (có thể nghe rõ vào khoảng 1:33:03, youtu.be/gKjnEz5s37o?t=5583.
Xin mời đọc trang chính thức của Quỹ Bill & Melinda Gates: https://www.gatesfoundation.org/what-we-do/global-development/reproductive-health. Nơi này trình bày rõ ràng các dự án và cam kết hỗ trợ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình trên toàn cầu, nhấn mạnh quyền lựa chọn và giáo dục.
Cá nhân người viết cũng đã dựa theo những tin tức trên mạng đôi khi thiếu kiểm chứng, và “kết án Bill Gates” qua các sự kiện trên. Sau khi tham khảo thêm nhiều nguồn tin khác nhau và kiểm chứng lại, xin được “viết lại” và có lời xin lỗi một tỷ phú có tấm lòng yêu thương nhân loại, Bill Gates.
***
Dưới đây là cái nhìn chi tiết hơn về Event 201 (18/10/2019), cuộc diễn tập mô phỏng đại dịch do Johns Hopkins, WEF và Quỹ Gates tổ chức, tập trung vào các tuyên bố cụ thể của Bill Gates cùng bình luận khách quan:
1- Mục tiêu chuẩn bị và phối hợp công tư trước đại dịch
Event 201 là cuộc diễn tập mô phỏng đại dịch do Johns Hopkins Center for Health Security phối hợp cùng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Quỹ Bill & Melinda Gates tổ chức.
Mục tiêu chính: mô phỏng một đại dịch giả định do virus corona (CoV) gây ra, để tìm ra các điểm yếu trong hệ thống y tế và phối hợp quốc tế, từ đó đề nghị các giải pháp ứng phó. Event 201 mô phỏng sự xuất hiện của virus corona từ động vật lây lan toàn cầu gây thiệt hại nghiêm trọng về y tế, kinh tế và xã hội.
Toàn thể các tham dự viên hiện diện đều mong muốn:
• Phân tích lỗ hổng trong hệ thống đối phó với đại dịch;
• Đề nghị cơ chế phối hợp công tư toàn cầu có hiệu quả Reddit+15Johns Hopkins Center for Health Security+15Dossier+15
• Kêu gọi minh bạch và trách nhiệm giữa chính phủ, doanh nghiệp, WHO, các Tổ chức quốc tế…
Event 201 tuyên bố rõ ràng đây không phải dự báo về COVID 19 mà là hình dung một tình huống giả định mang tính giáo dục cao, như các chương trình Clade X hay Dark Winter trước đó Reddit+3Johns Hopkins Center for Health Security+3Johns Hopkins Center for Health Security+3.
2- Những lời nhấn mạnh từ Gates và các lãnh đạo
Mặc dù Bill Gates không có vai trò “phát ngôn chính thức” tại Event 201, nội dung từ Chris Elias (gồm các quan điểm của Quỹ Gates) và các báo cáo sau Simulation đã minh định rõ là:
• Đại dịch sẽ gây thiệt hại kinh tế rất lớn (~0,7% GDP toàn cầu mỗi năm, hàng trăm tỷ USD mỗi sự kiện);
• Không một bên nào – công hoặc tư – có thể ứng phó đầy đủ nếu làm đơn lẻ;Cần tăng cường kho dự trữ vaccine, thuốc, xét nghiệm toàn cầu, đảm bảo phân phối công bằng HealthySimulation.com+2OpIndia+2non veni pacem+2;
• Ngăn tin giả, thông tin sai lệch là chiến lược then chốt, cần liên kết truyền thông – công ty công nghệ – chính phủ để cung cấp thông tin chính xác;
3- Thiết lập quy trình và trách nhiệm rõ ràng, có mục tiêu thời hạn và cấu trúc tổ chức minh bạch để giám sát hoạt động liên ngành hiệu quả.
4- Bill Gates và định hướng chiến lược ra sao?
Quan điểm của Bill Gates rất được lắng nghe qua tài liệu, báo cáo và các nhà lãnh đạo thuộc quỹ của ông. Những ý chính được Bill Gates và Quỹ Gates nhấn mạnh tại Event 201 và trong các cuộc họp liên quan gồm:
Tham vấn xuyên suốt với WHO và CEPI: ông nhấn mạnh “an ninh sinh học” cần được đầu tư ngang hàng với quốc phòng – từ năm 2015 và qua Event 201. (CEPI: Coalition for Epidemic Preparedness Innovations – Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Đối phó Dịch bệnh). Thế giới cần chuẩn bị kỹ càng cho đại dịch tiếp theo, bằng cách đầu tư vào nghiên cứu vaccine, thuốc và hệ thống xét nghiệm toàn cầu.
Vaccine & CEPI: góp phần cho cuộc Gặp gỡ ở Davos đầu năm 2020, từ đó, đặt nền móng cho nghiên cứu, đầu tư và dự trữ vaccine toàn cầu trước khi COVID 19 bùng phát.
Cần tăng cường hợp tác giữa chính phủ, tổ chức y tế và khu vực tư nhân để ứng phó nhanh và hiệu quả với đại dịch. Quản lý thông tin và chống tin giả là vấn đề then chốt trong khủng hoảng y tế cộng đồng.
Đề nghị tạo “đội phản ứng nhanh toàn cầu”, tương tự như GERM - Global Epidemic Response and Mobilization team, một cơ chế chuẩn bị luôn sẵn sàng, không chờ đến khi có dịch mới hành động.
5- Phân tích và Bình luận khách quan
Event 201 mô phỏng một coronavirus giả định, không "dự báo sự xuất hiện cụ thể". Sự bùng phát Covid Wuhan – Covid 19, khám phá vào cuối tháng 12/2019 chỉ là một sự trùng hợp ngày sau sự kiện Event 201. Từ đó mới dấy lên nhiều thuyết âm mưu, trong đó, Bill Gates và nhiều nhân vật tiếng tăm, nhiều tỷ phú được nêu tên là có liên quan mật thiết với đại dịch!
Bill Gates không kêu gọi “giảm dân số” bằng cách tiêu cực. Ông không chủ trương tiêu diệt bớt người hay áp đặt chính sách kiểm soát sinh sản cưỡng bức. Các cáo buộc như “muốn tiêm vaccine để diệt chủng” hay “giảm dân số bằng virus” là hoàn toàn sai lệch, đã bị nhiều tổ chức uy tín bác bỏ (như WHO, UNICEF, và các tổ chức kiểm chứng thông tin như Snopes, FactCheck.org…).
Gates ủng hộ giảm tốc độ gia tăng dân số thông qua giáo dục, y tế và phát triển
Trong bài phát biểu tại TED Talk năm 2010, Bill Gates nói:“ Nếu chúng ta làm tốt công việc với vaccine mới, chăm sóc y tế và sức khỏe sinh sản, chúng ta có thể giảm được gia tăng dân số khoảng 10–15%.”
Điều này KHÔNG có nghĩa là dùng vaccine để giết người, mà ngược lại, khi trẻ em được tiêm vaccine và chăm sóc tốt, cha mẹ có xu hướng sinh ít con hơn, vì không cần “sinh nhiều để phòng rủi ro”. Các quốc gia phát triển đều có dân số ổn định hoặc giảm do trình độ sống, y tế và giáo dục tăng , một xu hướng tự nhiên của xã hội phát triển.
Bill Gates và Quỹ Gates đã đóng góp rất nhiều cho y tế toàn cầu, trong đó có tài trợ các chương trình vaccine, chống HIV, sốt rét, và các sáng kiến phát triển hệ thống y tế.
Ý tưởng về “đội phản ứng nhanh toàn cầu” (sau này phát triển thành GERM) thể hiện tầm nhìn chủ động trong phòng ngừa đại dịch, tránh tình trạng bị động như COVID-19.
Những chỉ trích về “quyền lực quá lớn” của các tổ chức tư nhân, trong đó có Quỹ Gates, phản ánh mối quan ngại về sự minh bạch và trách nhiệm giải thích của các tổ chức này, điều cần được giám sát chặt chẽ hơn nữa.
Event 201 nhận định rằng hiện tại, thế giới thiếu đầu tư lâu dài vào y tế công, hệ thống cảnh báo, truyền thông khách quan và đúng đắn, và đây là những việc cần phải được giải quyết trước khi đại dịch mới sẽ xảy ra.
Những đề nghị và hướng đi logic của Events 201 là khi chính phù và tư nhân cùng nắm vaccine, hậu cần (logistics), truyền thông, chắc chắn sẽ giảm tối đa gian lận hay móc ngoặc, chậm trễ và việc phân bố không đều.
6- Kết luận
Trước hết, Event 201 không phải là một âm mưu, mà là cuộc “học diễn” (exercise) khoa học, một lời cảnh báo: nếu không đầu tư y tế, hậu cần, truyền thông chính xác và an ninh sinh học, khi có đại dịch lần sau, chúng ta sẽ trả giá rất đắt.
Bill Gates không “tiên tri” về COVID 19, nhưng ông và Quỹ Gates đã thúc đẩy tạo ra việc chuẩn bị vaccine, CEPI, kho dự trữ, cơ chế công tư để toàn cầu phản ứng nhanh trước đại dịch.
Event 201 là một cảnh báo quan trọng về sự chuẩn bị yếu kém của thế giới đối với đại dịch. Các phát biểu liên quan của Bill Gates thể hiện cam kết thúc đẩy sự phối hợp quốc tế, tăng cường y tế công cộng và sẵn sàng ứng phó khẩn cấp. Tuy nhiên, sự kiện cũng làm nổi bật thách thức về minh bạch và quản trị trong hệ thống y tế toàn cầu, nhất là khi nguồn lực tư nhân đóng vai trò ngày càng lớn.
Mai Thanh Truyết
Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam
Tháng 7 - 2025
Sunday, July 13, 2025
Trump’s Playbook: Destroy the Deep State, Dossiers & Debriefings
Chiến lược của Trump: Tiêu diệt Nhà nước ngầm, Hồ sơ & Báo cáo tóm tắt Rebekah Koffler
Lời người viết: Một cuốn sách dự kiến ra đời ngày 1/9/2025 phân tích chiến thuật của TT Trump và hành pháp 47 chống lại “Deep State”. Hiện chưa có lời nhận xét nào chánh thức, nhưng có rất nhiều bình luận từ nhiều ký giả, bình luận gia khác nhau, người viết xin ghi lại và góp ý kiến riêng về quyển sách nầy.
Trump's Playbook: Destroy the Deep State: Dossiers & Debriefings
ISBN-13: 9781922810540
ISBN-10: 1922810541
Xin nói ngay, có lẽ, cuốn sách “Trump's Playbook: Destroy the Deep State, Dossiers & Debriefings” - “Chiến lược của Trump: Tiêu diệt Nhà nước ngầm, Hồ sơ & Báo cáo tóm tắt” sẽ là một trong những cuốn sách quan trọng nhất của năm 2025. Với tính cách trình bày ngắn gọn, mạch lạc của tác giả Rebekah Koffler, đôi khi người đọc giống như một tiểu thuyết hành động hay phim kinh dị Hollywood hơn là những hiểu biết sâu sắc và phân tích độc đáo từ một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về tình báo Hoa Kỳ.
1- Về tác giả Rebekah Coffler
Tác giả: Rebekah Koffler, cựu nhân viên tình báo Mỹ gốc Nga, từng công tác tại DIA và CIA, được đánh giá cao trong lĩnh vực an ninh quốc gia với giải thưởng National Intelligence Professional Award. Bà là nhà bình luận truyền thông được kính trọng, thường xuyên xuất hiện trên các kênh truyền hình lớn bao gồm Fox News và Newsmax, các chương trình phát thanh và podcast. Bà cung cấp cho độc giả những hướng dẫn thiết yếu về nhiệm kỳ tổng thống của Trump khi Trump đang làm nên lịch sử.
Bà cũng từng làm việc tại Cục Tình báo Bí mật Quốc gia của CIA, chỉ huy các đội "đỏ" trong các cuộc tập trận và báo cáo cho các quan chức cấp cao tại Lầu Năm Góc, Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng và NATO. Một số chỉ huy quân sự Hoa Kỳ đã gọi bà là "tài sản quốc gia" và bà đã nhận được Giải thưởng Chuyên gia Tình báo Quốc gia.
Koffler là tác giả của một số cuốn sách, bao gồm:
• Trump's Playbook: Destroy the Deep State, Dossiers & Debriefings: Cuốn sách này, xuất bản năm 2025, cung cấp những hiểu biết sâu sắc và phân tích về nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, tập trung vào các chiến lược của ông liên quan đến "Nhà nước Ngầm". Các bài đánh giá mô tả đây là một cuốn sách "ngắn gọn, nhịp độ nhanh", đôi khi đọc như một "tiểu thuyết hành động hoặc phim kinh dị Hollywood". Koffler mong muốn cung cấp một "cẩm nang thiết yếu cho nhiệm kỳ tổng thống của Trump khi Trump đang làm nên lịch sử".
• Putin’s Playbook: Russia's Secret Plan to Defeat America - Kế hoạch của Putin: Kế hoạch bí mật của Nga nhằm đánh bại nước Mỹ: Trong cuốn sách này, Koffler trình bày chi tiết những gì bà mô tả là kế hoạch dài hạn của Putin nhằm làm suy yếu và khuất phục Hoa Kỳ. Cuốn sách bao gồm một phần giới thiệu mới đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine. Theo nhà xuất bản, cuốn sách dự đoán cuộc xâm lược Ukraine của Nga và chỉ trích sự thiếu chuyên môn của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ về các vấn đề của Nga.
Ngoài ra, Bà Koffler còn được nhiều tác giả xem như là một nhà văn và nhà bình luận an ninh quốc gia xuất sắc. Các tác phẩm của bà đã được giới thiệu trên nhiều truyền thông khác nhau như Fox News, The Hill, The Daily Caller, The New York Post và Washington Times. Bà cũng dẫn một podcast có tên "Censored But Not Silenced" và miêu tả cuốn sách như một bản kế hoạch mang cấu trúc hồ sơ - dossier, giúp người đọc hiểu được tư duy và chiến lược của Trump dưới góc nhìn tình báo. Thêm nữa, với tốc độ viết nhanh, đầy kịch tính như tiểu thuyết, nhưng đan xen thông tin phân tích chuyên sâu từ tình báo thật cùng cung cấp góc nhìn độc đáo về mối quan hệ giữa giới tình báo, “quyền lực ngầm” và quyền lực chính trị.
Thêm một điều đáng chú ý về Bà là một số lần xuất hiện trước công chúng của Koffler đã vấp phải sự chỉ trích. Vào ngày 15 tháng 6 năm 2025, bà xuất hiện trên Fox News để bình luận về cuộc diễu binh của Trump và gây tranh cãi với một phân đoạn được mô tả là "kỳ lạ" và "không mạch lạc", trong đó bà tỏ ra mất phương hướng và nói lắp bắp. Fox News đột ngột cắt ngang cuộc phỏng vấn. Koffler sau đó khẳng định âm thanh và video của bà bị hỏng do kết nối internet kém.
Trong bài đánh giá về Putin's Playbook, một cuốn sách của Koffler, SCIF lưu ý rằng mặc dù cuốn sách chứa đựng những hiểu biết sâu sắc có giá trị, nhưng một số phần lại chịu ảnh hưởng nặng nề từ định kiến cá nhân và chương trình nghị sự chính trị của Koffler, chẳng hạn như những cảnh báo của bà về "mối đe dọa đang lan rộng của chủ nghĩa xã hội". Ngoài ra, bài đánh giá cũng nhận thấy lập luận cho rằng Putin hoạt động theo một "kế hoạch tổng thể" là sai lầm.
2- Về nội dung quyển sách “Chiến lược của Trump”
Xin tóm lược nội dung của tác giả: tác giả phân tích cách Tổng thống Trump, trong lần tái tranh cử, đã chuẩn bị kế sách để “đánh bật” Deep State tức các thế lực ngầm trong chính quyền hiện hữu ở Washington. Cuốn sách được mô tả như một sự chấn động (thriller) chính trị: gồm nhiều hồ sơ và phân tích nhanh, bóc tách từng công cụ, phương pháp Trump và nhóm của ông (như Steve Bannon, Kash Patel, Elon Musk, RFK Jr…) dùng để đối phó các cố vấn và quan chức bị cho là “đơn vị nội bộ nguy hiểm”.
Có các chương đặc biệt như: - What is Deep State, kinh nghiệm của Rebekah khi đối đầu với nòng cốt quyền lực ngầm; -The Cleaning Crew, phân tích nhóm thân cận của TT 47 và chiến lược ra lệnh dọn dẹp Washington. Vì vậy, quyển sách sẽ rất thích hợp đối với những người quan tâm đến chính trị Hoa Kỳ, đặc biệt là các cơ chế vận hành bên trong chính quyền và các chiến lược gây ảnh hưởng, những người theo dõi phong cách lãnh đạo đối đầu, mâu thuẫn nội bộ và chiến thuật chống “Deep State”, và nhứt là đối với độc giả thích thể loại chính trị pha trộn với yếu tố thời sự độc đáo.
3- Tóm tắt vài Chương điển hình
Dưới đây là bản tóm tắt chương "How Trump Will Take the Trash Out of Washington" trong cuốn Trump’s Playbook, kết hợp với phần bình luận để làm rõ ý nghĩa và góc nhìn của tác giả Rebekah Koffler gồm:
Khái niệm về “Rác” - “Trash” trong chính quyền Washington: “Rác” được tác giả định nghĩa là những quan chức, công chức cấp cao bị cho là theo tư tưởng “Deep State” tức là bất hợp pháp, không trung thành, hoặc bị cho là hủy hoại chính quyền từ bên trong.
Về chiến thuật “dọn rác”: “Bãi bỏ, Giải mật, Phá vỡ” – “Dismiss, Declassify, Disrupt
Đối với chiến thuật “Bãi bỏ và Tái cấu trúc” – “Dismiss & Reorganize”: Trump sẽ hủy bỏ vị trí bảo vệ công chức (cụ thể như khôi phục lại Executive Order Schedule F), để có thể sa thải bớt cán bộ “không trung thành” và tuyển nhân sự mới tin cậy hơn.
Còn về “Giải mật hồ sơ” – “Declassify dossiers”: TT Trump muốn công khai các tài liệu nội bộ, báo cáo tình báo để minh bạch với công chúng, nhằm bòn rút sự ủng hộ và gây áp lực khác lên hệ thống quan liêu.
Về chiến thuật “Phá vỡ tin nhắn” - “ Disrupt messaging”: Bà nhận định cần đẩy mạnh báo chí thân Trump, sử dụng mạng xã hội để kiểm soát “chuyện kể” (narrative) khiến các quan chức "rác" phải lùi bước hoặc bị phơi bày bộ mặt thật trước truyền thông.
Đối với “Nhóm thực thi” – “The Cleaning Crew”, gồm những nhân vật thân tín như Kash Patel, Steve Bannon, Pete Hegseth… họ phụ trách việc xác định và theo dõi mục tiêu, thu thập “dossiers bẩn”, lo về sa thải, điều tra và truyền thông chiến lược.
Về mặt trận pháp lý và lập pháp, theo Bà, TT Trump sẽ ký các sắc lịnh hành pháp - executive orders để mở rộng quyền lực tổng thống. Từ đó, hướng tới cấu trúc “unitary executive” (tổng thống có quyền hành động tập trung), để đề nghị cải cách hệ thống FISA, IGs, và cấm tình trạng nhập nhằng giao tiếp (móc ngoặt, hối lộ) giữa công chức và giới tư nhân.
Và Chương kết luận đóng vai trò “tường thuật chi tiết” (play-by-play chi tiết): một kế hoạch rõ ràng từng bước như Sa thải → Công khai dữ liệu → Tổ chức dư luận → Thay đổi thể chế, nhằm mục tiêu “dọn rác” trong chính quyền. Tuy nhiên, chương nầy đã cho thấy hai mặt của một vấn đế. Đó là, một mặt cho chúng ta nhận diện được một hành pháp đầy quyền lực và quyết đoán, còn mặt khác thể hiện nhiều rủi ro pháp lý, thể chế, và ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng.
4- Hiện thực hóa kế hoạch “Dọn rác Washington”
Nhân sự trong kế hoạch dọn rác, không chỉ là một nhóm ‘dọn rác’, đây là một tổ chức tái cấu trúc nhà nước Hoa Kỳ từ trong ra ngoài, bắt đầu bằng việc xác định ai đáng tin và ai cần loại bỏ.
Kask Patel, Cựu cố vấn tình báo, từng phụ trách National Defense Strategy. Được mô tả là người thu thập và xử lý "dossiers" nội bộ.
Steve Bannon, Chiến lược gia chính trị cực đoan, thiên về chiến tranh truyền thông và lật đổ cấu trúc hiện hữu.
Pete Hegseth, Cựu quân nhân, nhà báo Fox News. Vai trò: truyền thông chiến lược, tác động dư luận yêu nước bảo thủ.
Vivek Ramaswamy, Doanh nhân trẻ, thiên về công nghệ, tư tưởng “chống đánh thức (anti-woke)” và dẹp bỏ “ESG” trong chính phủ.
Elon Musk, Biểu tượng công nghệ và tự do ngôn luận; đóng vai trò cung cấp nền tảng số (X/Twitter, Starlink, AI...) để truyền bá thông tin ngoài lề.
RFK Jr. và Tulsi Gabbard, Các nhân vật “cánh tả ly khai” – đóng vai trò hợp pháp hóa cho chiến lược Trump vượt khỏi ranh giới đảng phái.
Dưới đây là nhận định của Bà qua “Kịch bản thứ nhứt” trong Chương nầy và cho biết những điều gì có thể sẽ xảy ra?
• Trump ký lại Executive Order Schedule F → chuyển hàng chục ngàn nhân sự cao cấp trong hệ thống liên bang khỏi chế độ bảo vệ chức vụ.
• Tái cấu trúc một số cơ quan trọng yếu: DOJ, FBI, CIA... thông qua việc bổ nhiệm trung thành viên.
• Giải mật tài liệu gây tranh cãi như các hồ sơ FISA, hồ sơ Trump-Russia, vụ Hunter Biden...
Từ ba việc trên có thể tác động đến việc làm tổn thương niềm tin vào hệ thống hành pháp nếu bị xem là “trả thù chính trị”. Từ đó, dư luận sẽ chia rẽ mạnh hơn, nhưng nhóm cử tri trung thành (MAGA) vẫn coi đây là chiến thắng lịch sử. Thêm nữa, một số thay đổi có thể bị trì hoãn, vô hiệu hóa bởi tòa án liên bang hoặc bị Quốc hội cản trở (nếu không chiếm đa số). Điều trên đang xảy ra trong suốt 6 tháng đầu tiên của hành pháp 47!
Nói đến “Kịch bản thứ 2”, Bà cho biết sự thành công toàn phần của việc dọn “Rác” có xác suất rất ít. Khó thể xảy ra nếu TT Trump thành công việc:
• Chiếm đa số cả Hạ viện và Thượng viện, kiểm soát lập pháp.
• Ban hành luật để tăng quyền kiểm soát hành pháp (kiểu “unitary executive theory”).
• Loại bỏ hàng loạt nhân sự chính phủ, tái tuyển chọn theo lòng trung thành chính trị.
Vì nếu thành công, những điều trên sẽ tác dộng đến:
• Nền hành chính Hoa Kỳ bị biến đổi căn bản, từ hệ thống công vụ chuyên nghiệp sang hệ thống theo “phe cánh”.
• Rủi ro lớn về mất cân bằng thể chế sẽ làm mờ ranh giới giữa hệ thống hành pháp – lập pháp – tư pháp.
• Có thể châm ngòi cho các làn sóng bất ổn dân sự, đình công hành chính, hoặc kiện tụng quy mô lớn.
Và với “Kịch bản 3”, Bà đưa ra giả thuyết hành pháp 47 thất bại hoặc bị phản đòn (ngược tác dụng), từ đó, sự kiện nào sẽ xảy ra?
• Những bước đi của Trump bị tòa án bác bỏ (dựa vào tiền lệ hành chính công).
• Giới báo chí, truyền thông "phản chiến" công khai các hoạt động sa thải chính trị.
• Các “người tố cáo nội bộ” (whistleblower) phản ứng dữ dội, tạo ra khủng hoảng truyền thông, một cuộc chiến dai dẳng từ hơn 10 năm qua giữa Dân chủ và Cộng hòa. Từ đó, làm giảm tín nhiệm của chính quyền.
• Quốc hội, đặc biệt nếu thuộc đảng đối lập, có thể khởi động quy trình luận tội (impeachment) hoặc điều tra lạm quyền, làm chậm chương trình nghị sự cốt lõi khác như kinh tế, đối ngoại.
5- Đánh giá và Tổng hợp nội dung cuốn sách
Theo Bà, luận điểm chính của Trump đang dùng một kế sách tình báo, dưới hình thức các hồ sơ - dossiers, báo cáo giải mật, để triệt tiêu “Deep State”, tức là các tầng quyền lực ngầm có quyền lực độc lập, hoạt động bên dưới cấu trúc chính quyền thông thường.
Cuốn sách cấu trúc theo từng “chiến thuật”. từ ngữ thể hiện đúng bản chất của Deep State, đối tượng chính, đến các nhóm khai triển và bước đi chiến lược giống như một lộ đồ - roadmap điều hành, chỉnh đốn, tái cấu trúc chính quyền.
Giọng điệu và các điểm độc đáo của tác giả, với bề dày tình báo, dùng các ví dụ có độ tin cậy cao và lồng ghép trải nghiệm thực tế. Dù vậy, nhiều lời giới thiệu nhấn mạnh cuốn sách như "sẽ là một trong những cuốn quan trọng nhất năm 2025", điều này cũng tạo ra cảm giác sách thiên về tuyên truyền chiến lược hơn là cân nhắc đa chiều
Tuy nhiên, vẫn còn giới hạn về nội dung mà người viết muốn chia xẻ dưới đây:
• Nếu chúng ta tìm một cuốn sách phân tích công bằng, chỉ ra cả ưu và khuyết điểm của chiến thuật Trump, thì quyển sách này có thể hơi thiên hướng ủng hộ Trump, tập trung vào “giới tuyến đối lập” như Deep State là nguyên nhân duy nhất của thất bại.
• Cũng như quyển sách coi nhẹ về về những dữ liệu thực nghiệm (hard data), như không có bảng thống kê, số liệu xác minh độc lập, nhưng thiên về “chuyện kể” (narrative) tình báo hơn là chứng minh.
• Nếu chúng ta quan tâm đến chiến thuật cạnh tranh quyền lực cao cấp, các quy trình tình báo chính trị và muốn thấy lăng kính “pha giữa hành động và chính trị” của Trump, đây là cuốn nên đọc.
• Nếu chúng ta kỳ vọng một phân tích cân bằng, có luận cứ đa chiều và giỏi về số liệu, thì nên coi đây như một góc nhìn ủng hộ mạnh về chiến lược Trump, chứ không phải là nghiên cứu học thuật có giá trị.
• Việc loại bỏ lượng lớn công chức có thể gây mất ổn định hoạt động chính phủ, dẫn tới tình trạng "brain drain". Quyết định công khai tài liệu nhạy cảm cũng đặt một lượng lớn thông tin chính phủ lên mặt báo – điều có thể gây khủng hoảng trật tự nội bộ và làm suy giảm uy tín thể chế.
• Nếu thực hiện thành công, Trump có thể tạo ra một hành lang quyền lực tập trung hơn, gắn kết bộ máy Nhà nước phục vụ trực tiếp mục tiêu của ông. Tuy nhiên, luôn tồn tại phản kháng từ các cơ quan như Quốc hội, tòa án, và đảng đối lập, đồng thời tạo áp lực qua dư luận từ rời bỏ mô hình chính trị cân bằng hiện tại.
6- Thay lời kết
Rebekah Koffler không viết Trump’s Playbook như một phân tích trung lập, mà là một cuốn cẩm nang hành động, tương tự sách chiến lược trong quân sự. Mặc dù có giá trị thực tế, nhưng sách mang nhiều kịch tính hóa và lập trường rõ rệt ủng hộ Trump; người đọc cần giữ tư thế phản biện để đối chiếu với nhiều nguồn khác. Giá trị lớn nhất của cuốn sách là cho thấy tư duy hành động kiểu “chiến dịch đặc biệt” đang thâm nhập vào chính trị Hoa Kỳ, điều chưa từng phổ biến trong chính quyền trước Trump.
Giới thiệu đội hình gà nhà mà Trump sẽ xử dụng trong nhiệm kỳ kế tiếp 47 để “làm sạch” bộ máy chính quyền liên bang, tức loại bỏ các cá nhân, tổ chức bị cho là thuộc “Deep State”.
Và việc chuẩn bị đó đã thành hình và được thực hiện trong suốt 6 tháng qua của hành pháp 47. Đối với vai trò tập thể, hành pháp 47 hầu như hoàn tất việc tuyển chọn nhân sự mới (trung thành, tư tưởng “quốc gia ưu tiên”), lập hồ sơ loại trừ (gọi là purge lists), tái thiết định chế như DOJ, FBI, CDC, EPA, hệ thống giáo dục liên bang, kiểm soát truyền thông phản biện, và tạo hệ thống sinh hoạt hai chiều bao gồm think-tank, nền tảng xã hội, giáo dục, và tòa án thân hữu
Tóm lại, Trump và nhóm chiến lược gia đang triển khai một “chiến dịch dọn sạch”, không đơn thuần là thanh lọc, mà tái lập bộ máy nhà nước theo hình mẫu “chính trị trung thành”. Rebekah cũng nhìn nhận nhóm này như “đội đặc nhiệm” của một chiến dịch phản gián nội địa. Và nếu thành công, nước Mỹ sẽ chuyển từ nhà nước chuyên môn (meritocracy) sang nhà nước lòng trung thành (loyalty-based state).
Riêng đối với người góp nhặt cát đá, nhận thấy cuốn sách mang giá trị truyền tãi thông tin đáng chú ý trong bối cảnh nước Mỹ đang bước vào một giai đoạn phân cực sâu sắc. Với kinh nghiệm tình báo sắc sảo, Rebekah Koffler không chỉ mô tả lại chiến lược tranh cử của Trump, mà còn phác họa một chiến dịch chính trị mang tính quân sự, gián điệp, hành pháp, chưa từng thấy trong truyền thống chính trị Hoa Kỳ sau khi thành công trong nhiệm kỳ 47.
Quyển sách có những ưu điểm đặc biệt nổi bật là:
• Giọng văn sắc bén, trực diện, ảnh hưởng lớn như một bản “hồ sơ chiến trường”.
• Có chiều sâu chiến lược: cho thấy cách một tổng thống có thể "đảo cấu trúc" bộ máy quyền lực.
• Bộc lộ rõ lối tư duy hành động kiểu tình báo, dùng con người, dữ liệu, truyền thông để thay đổi thực trạng thể chế.
Nhưng nhiều nhược điểm vẫn không thiếu:
• Thiên kiến mạnh và đầy chủ quan cho thấy quyển sách là công cụ vận động chiến lược (advocacy), không mang tính học thuật trung lập.
• Nhiều giả định chưa được kiểm chứng bằng dữ liệu khách quan (ví dụ: ai thật sự là "Deep State"? Bao nhiêu người bị xếp vào danh sách "phản quốc"?
• Có thể góp phần làm tăng tính phân cực và tạo suy nghĩ đối kháng "chúng ta vs. bọn chúng" giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Người viết cũng nghi ngờ về lập trường tác giả và mục tiêu của sự xuất hiện của sách. Đó là, Rebekah Koffler không giấu giếm quan điểm chính trị của Bà là Bà không viết cho độc giả trung dung hay đối lập mà Bà nhắm đến cử tri ủng hộ Trump, những người tin rằng chính quyền đã bị xâm nhập và cần “dọn dẹp” triệt để. Theo cách ấy, Trump’s Playbook không phải là nghiên cứu xã hội trung lập, mà là một cẩm nang chiến đấu chính trị giữa các phe phái trong chính trường Hoa Kỳ.
Và,
Nếu bạn là người ủng hộ TT Trump, sách nầy sẽ giúp bạn hiểu rõ chiến lược phía sau các quyết định, cảm thấy được giải tỏa và củng cố quan điểm của chính mình, và có lý do để tin tưởng rằng có một “hành trình dọn dẹp” đang diễn ra thật sự.
Nếu bạn là người phản đối Trump, sách nầy cung cấp một cái nhìn cảnh báo, rằng Trump và phe nhóm của ông không còn chỉ là “chiến dịch tranh cử và hành động”, mà là một dự án kiến tạo lại thể chế Hoa Kỳ, với mục tiêu tập trung quyền lực và dẹp bỏ đối trọng.
Nếu bạn là người trung lập hoặc học giả, đề nghị bạn nên đọc sách như một “case study về chính trị thời Trump”, đồng thời đối chiếu với các nguồn dữ liệu khác (như Congressional Research Service, GAO, hoặc các phân tích chính trị học học thuật) để kiểm nghiệm thêm các lập luận trong sách.
Rút lại, Trump’s Playbook là một trường ca… chiến dịch hành động chính trị mang màu sắc tình báo, thể hiện rõ tính cách và mục tiêu của một phong trào đang muốn thay đổi tận gốc mô hình quyền lực liên bang Hoa Kỳ. Nó hấp dẫn như tiểu thuyết trinh thám, nhưng nguy hiểm nếu bị hiểu sai như là “sự thật toàn diện”. Mỗi chúng ta cần nên đọc kỹ, phản biện sâu, và dùng như một phần của bức tranh rộng lớn hơn, phức tạp hơn, thay vì xem như lời tiên tri chính trị duy nhất.
Mai Thanh Truyết
Houston - Tháng 7-2025
Tuesday, July 8, 2025
``````Tinh giản hay song hành
Phân tích cơ chế lãnh đạo Đảng và Chính phủ sau ngày 1/7/2025
Trong khuôn khổ cải cách hành chính đang được đẩy mạnh tại Việt Nam từ năm 2024 đến 2026, một câu hỏi căn bản cần được nêu ra là liệu cải cách có dẫn đến việc thay đổi cơ chế lãnh đạo song hành giữa Đảng và Chính phủ hay không?
Hay nói cách khác, liệu chính phủ có được thực sự "điều hành quốc gia" với quyền tự chủ rõ ràng, hay vẫn hoạt động trong khuôn khổ chỉ đạo trực tiếp từ Đảng Cộng sản Việt Nam?
Tất cả cơ chế chính trị hiện nay ở Việt Nam là mô hình “Đảng lãnh đạo, Chính phủ điều hành theo chỉ đạo Đảng.”
Sau hơn 80 năm ở miền Bắc và trên 50 năm trên toàn quốc, cơ chế này đã có những đóng góp nhất định. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nó cũng mang theo nhiều bất ổn, làm trì trệ sự phát triển kinh tế – xã hội và gây mất lòng tin trong nhân dân. Chúng ta cùng nhau nhìn nhận thẳng thắn để tìm ra con đường điều chỉnh phù hợp hơn. Bộ máy nhà nước Việt Nam hiện có số lượng lớn các cơ quan, tổ chức đảng cấp dưới đồng thời tồn tại trong bộ máy chính quyền. Nhiều vị trí lãnh đạo kiêm nhiệm chức danh đảng và chính quyền, làm tăng gánh nặng hành chính, hao tốn ngân sách và gây ra sự trùng lặp bổn phận và nhiệm vụ.
Sau ngày 1/7/2025, Việt Nam chỉ còn lại 28 tỉnh (mới) và 6 thành phố trực thuộc trung ương, nghĩa là thuộc về đảng, và đơn vị hành chánh “huyện” hoàn toàn biến mất, nghĩa là chỉ còn Xã và Tỉnh mà thôi.
Việt Nam vận hành theo mô hình "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ". Cơ chế song hành được thể hiện ở việc mọi cấp hành chính từ trung ương đến địa phương đều tồn tại đồng thời hai hệ thống:
• Hệ thống Đảng (cấp ủy, Ban tổ chức Đảng, Ban tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc v.v.)
• Hệ thống chính quyền (Chính phủ, UBND, các sở ngành...)
Các quyết sách lớn như bổ nhiệm nhân sự, quy hoạch phát triển, phân bổ ngân sách đều phải được cấp ủy Đảng đồng cấp thông qua trước khi chính quyền thực hiện. Cơ chế này tạo nên sự thống nhất về chính trị, nhưng cũng gây ra nhiều mâu thuẫn, chồng chéo nhau trong việc quản lý hành chính, hiệu quả điều hành và trách nhiệm của từng nhân sự.
1- Tình trạng trong đợt tinh giản hiện nay
Hiện nay, quá trình tinh giản tập trung vào hệ thống hành chính nhà nước: sáp nhập bộ, sở; giảm biên chế công chức, viên chức; hiện đại hóa công vụ. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy cơ cấu tổ chức của Đảng bị cắt giảm tương ứng. Trái lại, vai trò chỉ đạo của Đảng tiếp tục được củng cố mạnh mẽ qua các Ban Chỉ đạo Trung ương, đặc biệt là vai trò của Tổng Bí thư Tô Lâm trong giám sát và chỉ đạo cải cách, vì tất cả vị trí lãnh đạo từ Chủ tịch, Giám đốc nha sở hầu như do …đảng chỉ định tất cả. Và đảng hiện nay, chính là TBT CS Tô Lâm. Những vị trí then chốt đều thuộc về nhóm Hưng Yên cả!
Điều này cho thấy, cải cách chỉ mới diễn ra trên một nửa bộ máy trên giấy tờ và việc thực hiện. Nửa còn lại (Đảng) vẫn duy trì cơ cấu, nhân sự và quyền lực không thay đổi.
Đảng không những chỉ lãnh đạo đường lối, chính sách mà còn chỉ đạo mọi hoạt động của chính quyền và các cơ quan nhà nước. Rốt ráo lại, chính Tô Lâm tóm thâu trọn gói!?
Từ đó dẫn đến:
• Quyền lực chồng chéo, trách nhiệm mơ hồ: Chính phủ được xem là cơ quan hành pháp, nhưng các quyết định lớn phải thông qua ý kiến của Ban Bí thư, Bộ Chính trị. Điều này làm chậm tiến trình ra quyết định, thậm chí có lúc dẫn đến “giai đoạn dậm chân tại chỗ” khi các cơ quan nhà nước phải chờ ý kiến đảng. Ví dụ điển hình là các dự án đầu tư công lớn bị kéo dài nhiều năm, gây thất thoát ngân sách và lãng phí tài nguyên. Khi xảy ra sai phạm, không rõ ràng ai phải chịu trách nhiệm cuối cùng vì quyền lực và trách nhiệm phân tán giữa các cấp ủy đảng và chính quyền. Đây là lý do vì sao nhiều vụ tham nhũng lớn kéo dài mà không có ai chịu trách nhiệm rõ ràng, như vụ án tham nhũng tại Tổng công ty xây dựng xảy ra trong nhiều năm nhưng xử lý rất chậm. Rốt cuộc rồi chỉ đổ lỗi cho…cơ chế, và không ai bị xử phạt cả!
• Chế độ bổ nhiệm cán bộ dựa trên “lý lịch đảng” hơn năng lực: Chúng ta biết rằng để được thăng tiến, cán bộ phải qua quy trình quy hoạch của đảng với các tiêu chuẩn chính trị đặt lên hàng đầu, còn năng lực và hiệu quả công việc chỉ là yếu tố phụ. Điều này dẫn đến tình trạng không ít cán bộ yếu kém, thiếu trách nhiệm, không có năng lực, học vấn kém cỏi, thậm chí tha hóa và tham nhũng. Thực tế trước mắt, vừa qua hai vị lãnh đạo cấp trung ương lại … không biết đọc số dân số tỉnh từ con số triệu ra thành tỷ. Điều đó chứng minh rằng trình độ giáo dục cần phải xét lại dù trên lý lịch những cán bộ trên đều tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ cả! Từ đó, hậu quả của việc tuyển chọn theo tiêu chuẩn “đảng” như thế dẫn đến sai phạm nghiêm trọng gây thiệt hại tài sản nhà nước và lòng tin của người dân.
• Tham nhũng và lợi ích nhóm phát triển do quyền lực thiếu kiểm soát: Quyền lực không minh bạch, thiếu kiểm soát đưa đến tham nhũng tràn lan, từ việc phân bổ đất đai, ngân sách đến các dự án đầu tư công. Những vụ án tham nhũng quy mô lớn như vụ Vinashin, Vinalines không chỉ gây tổn thất hàng tỷ đô la mà còn làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của xã hội.
2- Tinh giản hay phình to? – Một nghịch lý từ cải cách hành chính tại TP.HCM
Từ nhiều năm nay, cải cách hành chính đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Mục tiêu là xây dựng một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả – nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, thực tiễn lại đang đặt ra những câu hỏi đầy nghịch lý. Một trong số đó là trường hợp của Sở Tài chính TP.HCM, nơi được cho là đang có tới 18, thậm chí 24 Phó Giám đốc, một con số gây nhiều băn khoăn trong dư luận. Sau đây là danh sách 18 vị phó giám đốc của một sở cấp thành phố ấy:
1.Nguyễn Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM (SN 1966);
2. Trần Mai Phương, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM (SN 1976);
3. Đinh Khắc Huy, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM (SN 1977);
4. Quách Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM (SN 1976);
5. Đỗ Đăng Ái, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM (SN 1972);
6. Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương (SN 1967);
7. Lê Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương (SN 1973);
8. Ngô Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương (SN 1975);
9. Lê Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương (SN 1983);
10. Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương (SN 1982);
11. Lai Xuân Đạt, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương (SN 1979);
12. Nguyễn Thanh An, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương (SN 1980);
13. Mai Bá Trước, Bí thư Huyện ủy huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương (SN 1972);
14. Hoàng Vũ Thảnh, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (SN 1974);
15. Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (SN 1980);
16. Nguyễn Thị Minh Vân, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (SN 1979);
17. Trương Tấn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (SN 1984);
18. Tạ Thành Nhân, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (SN 1987).
Nhìn vào danh sách này dễ thấy hầu hết lãnh đạo sở tài chính của ba tỉnh sáp nhập hoàn toàn được giữ nguyên.
Pháp lý có cho phép?
Câu trả lời là có. Nghị định 150/2025 của Chính phủ quy định rằng các địa phương đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM – do đặc điểm dân số đông, quy mô kinh tế lớn, khối lượng công việc nhiều được phép tăng thêm tối đa 10 Phó Giám đốc sở so với quy định thông thường. Tức là, nếu các sở ở địa phương khác chỉ có 3 đến 4 Phó Giám đốc, thì TP.HCM có thể có đến 13–14, thậm chí lên tới 17–18 nếu tính theo các cơ chế chuyển tiếp, luân chuyển cán bộ.
Trong trường hợp của Sở Tài chính TP.HCM, nhiều Phó Giám đốc hiện nay là cán bộ chuyển về từ các cơ quan sáp nhập, hoặc từ các sở liên quan như Sở Kế hoạch – Đầu tư (trước khi tái cơ cấu), Sở Tài sản công, hoặc các cơ quan tài chính cấp quận huyện được giải thể. Phải chăng lối giải thích trên cũng thuận tình thuận lý củng … ý đảng chăng?
3- Bài học từ các quốc gia khác
Việt Nam không phải quốc gia duy nhất từng vận hành hệ thống tập quyền kiểu này. Nhưng nhiều nước xhcn đã nhận ra điểm yếu và thay đổi để phát triển.
Đông Âu, Sau khi Liên Xô tan rã, các nước Đông Âu như Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary, Ukraina v.v… đã tách bạch quyền lực giữa đảng và nhà nước, xây dựng nền dân chủ đa đảng, hệ thống pháp luật minh bạch và báo chí tự do. Kết quả là họ đã có sự phát triển kinh tế vượt bậc và so với thời Sô Viết, xã hội ổn định hơn nhiều so với thời kỳ tập quyền.
Trung Cộng cũng duy trì cơ chế song hành nhưng tập trung quyền lực tuyệt đối vào một cá nhân (Tập Cận Bình), cho phép triển khai nhanh nhưng dễ sai lầm hệ thống. Dù vẫn do Đảng Cộng sản lãnh đạo, TC cũng đã trao quyền hành chính cho các cơ quan nhà nước và tập trung phát triển kinh tế, mở cửa với thế giới bên ngoài, giúp họ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Điều đó cho thấy quyền lực tập trung cần phải đi đôi với cơ chế kiểm soát và trách nhiệm minh bạch thì mới phát huy hiệu quả.
Lào vẫn tái lập mô hình Việt Nam nhưng ở quy mô nhỏ hơn, không có nhiều đột phá cải cách, cũng như nội bộ đảng không có nhiều mâu thuẫn, do đó, sự đấu đá, tranh dành quyền lực không quyết liệt như ở Việt Nam.
4- Tái định nghĩa vai trò “Đảng lãnh đạo” trong cơ chế chính trị Việt Nam
Hiến pháp Việt Nam hiện nay quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất, cao nhất trong hệ thống chính trị. Đây là nguyên tắc bất biến có ghi trong hiến pháp, gắn liền với quá trình cách mạng và bảo vệ đất nước. Các cơ quan đảng không chỉ làm công tác chính trị tư tưởng mà còn tham gia trực tiếp vào việc điều hành, kiểm soát các hoạt động hành chính, khiến quyền lực không được phân chia rõ ràng.
Kết quả là nhiều quyết định bị chậm trễ, thủ tục hành chính phức tạp, nguồn lực bị phân tán, gây ra lãng phí lớn cho xã hội. Tuy nhiên, trong thực tiễn vận hành, quyền lực của Đảng trực tiếp can thiệp vào mọi mặt hoạt động của nhà nước, từ hoạch định chính sách đến thực thi hành pháp làm cho tình trạng chồng chéo quyền lực, mâu thuẫn trách nhiệm, trì trệ và kém hiệu quả.
Nhiều cán bộ, đảng viên kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo trong bộ máy chính quyền khiến ranh giới giữa “đảng lãnh đạo” và “nhà nước điều hành” bị mờ nhạt, thậm chí mất đi sự phân định cần thiết.
XIn đan cử vài đề nghị cho vai trò của đảng trong việc tinh giản hiện tại như: - Định hướng chính trị, tư tưởng và chiến lược phát triển đất nước; - Giữ vai trò lãnh đạo về đường lối và xây dựng hệ thống chính trị về mặt tư tưởng; - Và dứt khoát, không can thiệp trực tiếp vào việc quản lý, điều hành cụ thể của Chính phủ và các cơ quan nhà nước.
Lam được như thế, chính phủ và bộ máy nhà nước mới có: - Quyền tự chủ trong thực thi chính sách, quản lý hành chính theo pháp luật; - Chính phủ chịu trách nhiệm rõ ràng, minh bạch với nhân dân và Quốc hội; - Và các cán bộ, dù là đảng viên, khi thực hiện công vụ phải tách biệt rõ vai trò chính trị và vai trò công chức, chịu sự giám sát và pháp luật điều chỉnh. Cho đến hiện tại, cán bộ đảng viên chỉ chịu trách nhiệm trước đảng mà thôi, hoàn toàn đúng ngoài mọi thủ tục pháp lý và hành chính mỗi khi phạm lỗi!. Chính điều nầy hoàn toàn đi ngược với nguyên tắc với chuẩn mực của một nhà nước pháp quyền, và biến người cán bộ đảng trên được miễn nhiễm trước… luật pháp?
Vì vậy, tái định nghĩa vai trò “Đảng lãnh đạo” không đồng nghĩa với việc xóa bỏ vai trò của Đảng, mà là bước tiến cần thiết để xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại, hiệu quả và có trách nhiệm. Đây là điều kiện tiên quyết để Việt Nam phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế. Việc này đòi hỏi sự đồng thuận cao trong xã hội và quyết tâm chính trị lớn từ lãnh đạo các cấp.
Chủ đề tinh giản nhà nước, đặc biệt là “bỏ bộ phận đảng lãnh đạo” trực tiếp trong bộ máy hành chính, là một trong những vấn đề trọng tâm của cải cách thể chế để nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển đất nước.
Tại sao Việt Nam cần phải tái định nghĩa vai trò “Đảng lãnh đạo”?
• Phân định rõ vai trò và trách nhiệm giúp bộ máy vận hành trơn tru, hiệu quả hơn.
• Bảo đảm chính phủ và các cơ quan nhà nước hoạt động độc lập theo pháp luật, chịu trách nhiệm trực tiếp trước nhân dân và Quốc hội.
• Tránh được tình trạng “chồng chéo quyền lực” dẫn đến trì trệ, vô trách nhiệm hoặc đùn đẩy trách nhiệm.
• Tạo điều kiện cho minh bạch, kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng hiệu quả hơn.
Để đất nước phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam cần có những bước đi căn bản sau đây:
Cần phân định rõ ràng vai trò giữa Đảng và Nhà nước: Đảng giữ vai trò định hướng chính trị, tư tưởng, xây dựng đường lối chiến lược; còn chính phủ thực thi quyền lực hành pháp và tư pháp một cách độc lập, có trách nhiệm trước nhân dân và Quốc hội. Đây là một cơ chế kiểm soát và cân bằng giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp, một cơ chế pháp trị đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Điều này giúp tránh chồng chéo quyền lực, giảm thiểu tranh chấp nội bộ và tăng hiệu quả quản lý.
Tăng cường minh bạch và trách nhiệm pháp lý: Xây dựng tòa án độc lập, báo chí tự do và xã hội dân sự phát triển để giám sát quyền lực nhà nước. Điều này sẽ giảm thiểu tham nhũng, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, từ đó, tao cơ hội cho các bộ phát huy sáng kiến trong việc phục vụ người dân.
Cải cách tuyển dụng cán bộ: Tuyển dụng cán bộ công khai minh bạch dựa trên năng lực thực sự, thành tích và phẩm chất đạo đức. Loại bỏ chế độ “quy hoạch cán bộ” dựa trên tiêu chí chính trị chủ quan.
Khuyến khích phát triển xã hội dân sự và báo chí độc lập: Cho phép các tổ chức phi chính phủ, các hội nghề nghiệp, báo chí hoạt động tự do, tạo nên tiếng nói đa chiều trong xã hội. Đây là yếu tố quan trọng để chính quyền lắng nghe và phản ứng kịp thời với nguyện vọng người dân. Cần phải để người dân tham dự, đóng góp vào công cuộc phát triển quốc gia.
Và cần nhứt là nâng cao phẩm chất giáo dục của cán bộ: Thay vì nhồi sọ, cần phát triển suy nghĩ phản biện, sáng tạo và kỹ năng khoa học công nghệ cho thế hệ trẻ. Đây là chìa khóa để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển trong thế kỷ 21.
Nhưng trong tình thế hiện tại của Việt Nam, câu hỏi được đặt ra là chính sách tinh giản bộ máy nhà nước do ai khởi xướng?
Trên nguyên tắc, các chính sách lớn, đặc biệt là cải cách thể chế, nên xuất phát từ sự đồng thuận cao trong nội bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, với tinh thần phục vụ lợi ích quốc gia và nhân dân. Nếu chính sách tinh giản được xuất phát từ một cá nhân hay một nhóm nhỏ với tham vọng tập trung quyền lực cá nhân, giống như mô hình lãnh đạo độc quyền kiểu “Tập Cận Bình”, thì rất dễ dẫn đến những hậu quả tiêu cực như:
• Gia tăng tập trung quyền lực quá mức, thiếu kiểm soát và minh bạch.
• Giảm tính đa dạng, phản biện và tính dân chủ trong hệ thống chính trị.
• Gây mất niềm tin xã hội và nguy cơ bất ổn chính trị lâu dài.
Và cảm quan của người viết nghiêng về tham vọng của Tô Lâm trong việc tinh giản chính phủ trong giai đoạn nầy. Ông Tô Lâm từng là Bộ trưởng Bộ Công an trong một thời gian dài, đồng thời là Ủy viên Bộ Chính trị, rồi Chủ tịch nước. Hiện tại là đương kim Tổng Bí Thư đảng, là một nhân vật quyền lực tột đỉnh của Việt Nam. Bộ Công an có vai trò then chốt trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội và kiểm soát các hoạt động trong bộ máy nhà nước.
Việc ông tham gia hoặc dẫn dắt chính sách tinh giản bộ máy là điều có thể hiểu được trong bối cảnh bộ máy công quyền cần hiệu quả hơn, song cũng có thể gắn liền với việc củng cố quyền lực hoặc tái cơ cấu theo hướng phù hợp với lợi ích chính trị cá nhân hoặc phe nhóm.
Nếu ông Tô Lâm thúc đẩy tinh giản nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, giảm tham nhũng, tạo bộ máy chính quyền gọn nhẹ, minh bạch, thì đây là một bước tiến tích cực, phục vụ lợi ích chung.
Tuy nhiên, nếu chính sách tinh giản được sử dụng như một công cụ để loại bỏ đối thủ, tái phân bổ quyền lực theo phe nhóm, hoặc tập trung quyền lực trong tay một nhóm nhỏ, dưới trướng cá nhân ông, thì đây là điều cần phải cảnh giác.
Nhìn về TC, từ suốt 13 năm qua, Tập Cận Bình đã tập trung quyền lực cá nhân với nhiều biện pháp tái cơ cấu, loại bỏ phe đối lập, củng cố địa vị, chiếm vị trí độc tôn. Nhưng hiện tại, ông ta đang đi lần vào bóng tối và không biết có bảo toàn được sinh mạng của chính ông hay không nửa trong một tương lai rất gần.
Tại Việt Nam, việc ông Tô Lâm tham vọng trở thành người đứng đầu lãnh đạo với quyền lực “độc tôn” tương tự không phải không thể xảy ra, nhất là trong bối cảnh các phe nhóm tranh giành quyền lực mà phe Hưng Yên đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên, thể chế chính trị Việt Nam hiện vẫn có cơ chế tập thể và các rào cản nhất định, nên việc tập trung quyền lực cá nhân tuyệt đối khó thành hiện thực trong ngắn hạn, trư phi ông dùng lưỡi gươm vấy máu…
5- Kết luận
Một khi nhìn thấu rõ được tham vọng độc tôn quyền lực của Ông Tô Lâm qua những dấu hiệu nhận biết dưới đây qua việc củng cố quyền lực trong Bộ Công an giúp ông kiểm soát trực tiếp lực lượng vũ trang và các cơ quan giám sát. Ông tinh giản bộ máy, tái cơ cấu chính phủ theo ý muốn về nhân sự. Ông xử dụng chính sách tinh giản làm công cụ để sắp xếp, thay thế cán bộ, tạo ra mạng lưới trung thành. Tất cả nhằm thâu tóm quyề./jn lực tuyệt đỉnh.
Từ đó, chúng ta có thể hình dung được nguy cơ thất bại trong chính sách tinh giản cùng tham vọng của Tô Lâm sẽ đưa đất nước vào… khủng hoảng, thất bại hoặc hạn chế có thể do:
• Cơ chế tập thể trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư vẫn tồn tại, tạo ra các rào cản kiểm soát quyền lực cá nhân tuyệt đối.
• Sự chống đối ngấm ngầm của các phe nhóm khác hoặc các nhóm lợi ích bị đụng chạm.
• Áp lực xã hội, dư luận và yêu cầu minh bạch ngày càng tăng, hạn chế khả năng tập trung quyền lực không kiểm soát.
• Và nhứt là, qua yếu tố lịch sử và văn hóa chính trị trong lịch sử Việt Nam, nơi quyền lực thường được phân chia theo nhóm, cũng như ảnh hưởng vùng miền và phải giữ cân bằng để duy trì ổn định.
Cơ chế chuyên chính vô sản sau 50 thống nhứt đất nước, chính cơ chế nầy đã bộc lộ nhiều nghịch lý làm cho sự phát triển quốc gia bị đình trệ, bị các quốc gia khác trong vùng như Đạị Hàn, Thái, Singapore, Mã lai…bỏ xa mấy chục năm, mặc dù, vào khoảng thập niên 1970, các quốc gia nói trên đã từng theo đuôi học hỏi Hòn Ngọc Viễn Đông Việt Nam!
Lòng tin của người dân hiện tại hoàn toàn bị đánh mất!
Việt Nam cần một cuộc cải cách thể chế kiên quyết, minh bạch và phù hợp với xu hướng phát triển toàn cầu để đất nước có thể phát triển thịnh vượng, dân chủ và công bằng hơn.
Tinh giản hành chính chỉ có ý nghĩa đích thực nếu tiến hành đồng thời và cân đối giữa hai hệ thống Đảng và Chính phủ. Nếu không, cải cách sẽ chỉ là sự sắp xếp lại bàn ghế trong một căn phòng vốn dĩ đã quá chật chội và hỗn độn. Một loại bình mới, rượu cũ mà thôi! Một chính phủ kiến tạo, có trách nhiệm và tự chủ thực sự chỉ có thể tồn tại nếu được giao quyền và được tách biệt khỏi sự điều hành trực tiếp hàng ngày của hệ thống Đảng.
Đây không chỉ là một vấn đề tổ chức, mà là câu hỏi cốt lõi về hiệu lực, hiệu quả, và niềm tin của nhân dân vào một nhà nước hiện đại, minh bạch và có trách nhiệm.
Tóm gọn lại tình hình: Việt Nam đang tiến hành cải tổ hành chính hay tinh giản bộ máy mạnh mẽ trong đầu năm 2025, nhưng đang đối mặt với sự chống đối cả trong nội bộ Đảng và từ xã hội.
Cải tổ hành chính ở Việt Nam là một bước tiến mang tính lịch sử về quy mô cải cách, nhưng gặp nhiều bất đồng nội bộ và e ngại xã hội từ quan chức muốn giữ quyền lực cho đến doanh nghiệp và nhà đầu tư lo về tương lai dự án có bị ảnh hưởng do cải cách nhân sự hay không?. Sự thành công phụ thuộc vào việc phân định rõ ràng giữa cải cách hành chính và mục tiêu chính trị của cá nhân.
Cơ chế song hành giữa Đảng và Chính phủ là một đặc điểm cốt lõi của hệ thống chính trị Việt Nam. Trong bối cảnh tinh giản bộ máy, nếu không cải tổ cả hai trục đồng thời, thì sẽ chỉ tinh giản một nửa – nửa còn lại vẫn phình to và điều hành ngược chiều, gây trì trệ và làm mất niềm tin xã hội. Cơ chế song hành giữa Đảng và Chính phủ ở Việt Nam không bị xóa bỏ trong đợt tinh giản hiện tại. Trái lại, vai trò của Đảng trong chỉ đạo cải cách càng được khẳng định và tập trung hóa hơn nữa, trong khi Chính phủ là người “ra tay thực hiện” dưới khuôn khổ ấy.
Ông Tô Lâm có tiềm năng và đã bộc lộ cho thấy tham vọng củng cố và tập trung quyền lực, đặc biệt thông qua chính sách tinh giản bộ máy nhà nước như một công cụ. Tuy nhiên, sự thành công của tham vọng này phụ thuộc rất lớn vào cấu trúc quyền lực nội bộ của Đảng, khả năng kiểm soát và cân bằng giữa các phe nhóm, cũng như yếu tố xã hội và chính trị bên ngoài.
Tinh thần cải cách thật sự phải đến từ chỗ Đảng CS Bắc Việt dám chuyển giao quyền lực thực chất cho một chính phủ sáng tạo, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, minh bạch, chịu trách nhiệm rõ ràng trước người dân, và nhứt là có một tấm lòng yêu quê hương tha thiết.
Nếu không, cải cách sẽ mãi mãi chỉ là “sắp xếp lại ghế” chứ không thay đổi được bản chất của bộ máy “cai trị” một thuộc địa!!!
Mai Thanh Truyết
Houston, Tháng 7 - 2025
Subscribe to:
Posts (Atom)