Thursday, September 28, 2023

 

Tam Giác Thiên Thần - Chiếc áo Bà Ba



Vừa chuyển lên FB và gửi qua email chia xẻ cùng bè bạn bài tản mạn vui về…Những tam giác thiên thần, người viết nhận được nhiều phản hồi từ khắp nơi như sau:

·         Một chiến hữu già từ Paris viết qua:”Sao toa lại khều “Chống Tàu Diệt Việt Cộng” vào đây làm loãng đi tính dí dỏm của bài viết? Khi toa ca ngợi những tam giác thiên thần là đã nói lên một nét văn hóa độc đáo của Nam Kỳ rồi. Ai muốn hiểu sao thì hiểu!

 

·         Có một người bạn khác trên FB tuổi trên dưới 60 (do một người bạn khác chuyển cho biết) phán:””Em” tức tác giả bài viết còn quá trẻ trung. Dù Em chỉ mới trên dưới 60 mà hoàn toàn không ó khái niệm về những tam giác thiên thần như tác giả ở lứa tuổi hoa niên. Em đã đánh mất tuổi xuân của mình trước cái đẹp của phụ nữ miền Nam.

 

·         Một người bạn trong Nhóm chụp hình COFFA, người Bắc cho ý kiến:”Ha ha, anh bây giờ lại có ý nghĩ …lợn cợn rồi đó”. Xin trả lời:”Ý nói là kỷ niệm xưa của tam giác thiên thần thôi bác ạ! Và đó là cái nhìn thuần khiết về các thiếu nữ miền Nam…Nhớ ngày xưa các nữ sinh trung học phải mặc áo lót phía trong áo dài nữa, nên thường thường, tam giác thiên thần thướt tha lượn phố thì phải đợi tới cuối tuần mới xuất hiện được!” Đó là ỡ những tiệm kem Mai Hương, góc Lê Lợi-Pasteur, Pole Nord trên đường Lê Lợi gần Charner, Brodard đường Tự Do v.v…

 

·         Nhận định của một nữ lưu trên FB:”Cám ơn anh về những nhận định về tam giác thiên thần bên chiếc áo dài Việt Nam, một nhận định không giống phàm phu tục tử mà nó thuộc vào hàng tao nhân mặc khách.” Hiện nay giới trẻ họ thích “áo dài cách tân” nhưng áo dài truyền thống với tam giác thiên thần vẫn còn hiện diện và xuất hiện nhiều nhất nơi các con chiên đi lễ nhà thờ Công giáo.”

 

·         Một chiến hữu già ở Arizona góp ý:”Cách đây khoảng 15-20 năm, tôi (người bạn già) sang Cali dự Hội Chợ Tết, một người bạn chỉ ông và giới thiệu rằng ông Đức có việt cuốn sách nhận xét về chiếc Áo Dài Việt Nam. Tôi đến làm quen bằng cách mua quyển sách.

Nhân đó tôi hỏi “ ông có nhận xét gì về chiếc áo dài của phụ nữ việt Nam, sau thời gian khá lâu sống và làm việc ở Việt Nam? Câu trả lời rất đơn giản “chiếc áo dài của các bà Rất Kín và Rất Hở.          

Sợ hiểu nhầm, tôi yêu cầu ông giải thích rõ hơn.

Ông chỉ nói:”Cứ Nhìn vào cái “Tam Giác Thiên Thần“ sẽ rõ.

 

·         Một người trẻ khác góp ý:”Chiếc áo dài với tam giác thiên thần của tác giả hiện giờ đã thành hiếm lạ tại quê nhà rồi, người ta chỉ thích các kiểu quần áo Tây đầm cho sang trọng thôi, và chú trọng vào những nét khêu gợi nhục thể nhiều hơn!?”

 

·         Một nữ nhân vui tính viết lên mạng:”Mới đọc đến hình tam giác đã …hết hồn rồi.”

 

·         Một BS ở Việt Nam, Đại diện cho Quỹ Khuyến học Cao Đài xuất khẩu thành thơ:”Thấp thoáng em về trong giấc mơ - Chập chờn áo lụa tóc buông hờ - Em là ảo vọng hay mây trắng - Để lại hương thầm cho khách thơ. Thân tặng ai còn mơ áo dài."

Thưa Bạn,

Và để giữ lời hứa, hôm nay người viết bắt đầu truy tìm trên mạng về những hình ảnh biếm họa về những tam giác thiên thần trong chiếc áo bà ba. Có khó khăn khi gặp phải là các hình ảnh chiếc áo bà ba cổ truyền dành cho các cô gái miền Đồng bằng sông Cửu Long chơn chất hầu như không còn nữa, vì thời gian và thời cuộc đã làm thay đổi thẩm mỹ của các thiếu nữ vùng ĐBSCL rồi.

 

Chiếc áo không còn là những màu “trơn” như trắng, đen, hoặc xám mà được thay bằng nhiều màu sặc sỡ đôi khi rất chói mắt, và đôi khi phủ xuống quá dài. Và chiếc quần không còn đơn  thuần là chiếc quần lãnh đen nữa được thế bằng những màu “tương hợp” với màu áo. Cái dáng nhà quê chơn chất với chiếc áo đơn sơ dài vừa đủ bao che đôi mông tròn lẵng bao phủ phía bên ngoài chiếc quần óng ánh màu đen và xanh đậm… đang từ từ mất dần ở vùng châu thổ.

 

Còn đâu hình ảnh chiếc áo bà ba cổ tròn đơn sơ  và chiếc quần lãnh đen óng ánh màu xanh đậm do phẩm màu từ trái mặc nưa mọc đầy rẫy ở vùng Châu Đốc dọc theo biên giới Miên – Việt.

 


Tất cả biến thể trên không còn đơn thuần là chiếc áo bà ba nguyên thủy nữa. Chính sự biến thể nầy đã làm cho bộ mặt ĐBSCL trở nên …dị dạng. Nét văn hóa độc đáo của một nền văn minh “cái lu” được thay thế bằng những hào hoa bên ngoài, cho những thú vui trần tục của một nền văn hóa lai căng, thay vì cổ súy những tinh túy của Tây phương, đằng nầy, lại khuyến khích những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng cho đủ mọi lứa tuổi cố tình làm cho tuổi trẻ quên đi những bất công trong xã hội do một chính sách cai trị độc đoán của nhà cầm quyền.

 

Tiếc thay Con Rồng Việt Nam ngày nào đã trở thành một Con Thuồng Luồng “vĩ đại” lặng ngụp trong vũng lầy vô luân!

 


Trở lại hình ảnh tam giác thiên thần qua chiếc áo bà ba, đây cũng là một trong những hình ảnh đặc thù của miền Nam sông nước. Chiếc áo bà ba hiện diện khắp nơi trong mọi sinh hoạt của người dân dù nam hay nữ, trong tư thế ngồi, lúc giã gạo, lúc giặt quần áo bên bờ sông, khi chèo ghe, lúc hong tóc ngoài nắng sớm… Và nhiều nhiều nữa. Đây mới chính thức là một nét văn hóa Nam Kỳ (Từ nhỏ từ những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ trước, tôi đã từng học, từng đọc là Nam Kỳ, chứ có nào nghe chữ “Nam Bộ” như trong hầu hết các bài viết ở hải ngoại khi nói về địa danh nầy).

 


Thưa bạn,

 Tôi sắp nói đến sự khác biệt giữa hai “tam giác thiên thần” của chiếc áo dài và áo bà ba đây.

 Các bạn có thấy điều gì khác không?

Có lẽ không, tôi trả lời dùm cho bạn đó.

 

Nhưng đối với riêng tôi, có một khác biệt rất lớn làm cho “người ngắm” có những rung động với “nồng độ” của mức …”sững sờ” khác nhau.

 

Vì sao?



·         Thứ nhứt, hai tà áo dài rất dài phủ gần đến chân và được kết nối nhau bằng một nút bóp, hay một móc áo, hoặc một dây kéo (fermeture), từ đó làm cho hai tà áo tạo ra hai cạnh của tam giác, khó di động được qua nhịp bước đi hay do gió…và tam giác thiên thần không linh động hay “lung linh” nếu không nói là…tam giác chết.

·         Ngược lại, với chiếc áo bà ba, hai tà áo ngắn do đó hai cạnh của tam giác thiên thần tương đối dễ di động hơn và cạnh huyền của tam giác là ranh giới của lưng quần lãnh đen, tạo ra một tam giác nõn nà trắng toát. Khi xưa lưng quần được luồn bằng sợi dây thun cho nên không bám chặt vào thân thể người mặc. Ngày nay, quần được bó sát bằng dây kéo kim loại, hoặc ở phía trước, hoặc phía sau lưng. Vì vậy, tam giác thiên thấn lồ lộ hiện ra rất rõ nét… Qua hai đặc tính trên, mỗi khi đi đứng hay làm bất cứ một động tác nào, chúng ta có thể thấy được ba cạnh của tam giác thiên thần…di chuyển, lung linh, mờ mờ, ảo ảo…Từ đó càng làm cho …lòng trai rộn ràng hơn những tam giác thiên thần của chiếc áo dài.

 

         Các bạn nghĩ người viết phân tích như vậy có đúng hay không?

 

         Xin được nghe và đọc ý kiến phản hồi của các bạn, nhứt là trong phái nữ, người viết có một câu hỏi phụ thêm là:”Khi bạn đang mặc một chiếc áo bà ba với quần lãnh đen, được một người nam đứng ngó trân trân (tôi không dùng chữ …nhìn), bạn cảm thấy thế nào?

          

         Bạn có lúng túng…vân vê tà áo không?


 


         Người viết rất muốn nghe tiếng nói của các bạn.

          

Riêng phần người viết, những điều ghi lại trên đây, tuy viết qua ký ức từ hơn 60 năm về trước. Nhưng hôm nay, kỷ niệm lại về, một kỷ niệm cách đây 11 năm tại phi trường Hobby, Houston. Hình ảnh một ông già, 70 tuổi bước ra khỏi phi trường sau khi lấy hành lý xong. Hình bóng một chiếc áo bà ba màu “beige” quyện khúc với chiếc quần lãnh đen đứng chờ bên cạnh xe. Chính buổi tao ngộ nầy làm dừng bước giang hồ của một lãng tử …già!

 

         Xin dừng lại đây, và chúc các bạn có được vài giây phút trở về thời hoa niên và chiêm nghiệm lại khoảng thời gian đẹp nhứt của đời người: chiếc áo bà ba.

 

      

          Mai Thanh Truyết

         Cô đơn-Cô độc-Cô liêu-Emptiness-Nothingness

         Houston – Thứ sáu 13-8-2021-Nhuận sắc 9-2023

        

        

No comments:

Post a Comment