Monday, November 29, 2021

 

Xin chuyển một bài viết hết sức giản dị nhưng rất chuyên sâu và thâm thúy của Huynh Từ Chơn, một tín hữu Cao Đài về mối tương duyên độc đáo của hai nguồn ĐẠO.

 

***

Ẩn ý của Chúa Jesus dưới ánh sáng của triết lý Cao Đài

 

Từ Chơn

 

Kính thưa quý đạo hữu, nhớ lại cách nay gần 96 năm, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế đã giáng cơ dạy rằng "Đêm nay, 24 Décembre phải vui mầng vì là ngày của Ta xuống trần dạy đạo bên Thái Tây". Nay mùa Giáng Sinh sắp trở lại trên toàn quả địa cầu 68, kính mời quý vị cùng đọc lại đôi lời dạy quý báu của Ngài, qua lời của Chúa Jesus, Giáo Chủ Thánh Giáo.

 

Khởi

Đã sắp vào mùa Giáng Sinh 2020, tín đồ Cao Đài trên toàn thế giới cùng toàn thể nhân loại vui mừng chào đón một ngày lễ lớn. Nhân dịp này nhớ lại, cũng vào một đêm Giáng Sinh cách đây chín mươi sáu năm, Thượng Đế Chí Tôn (tín đồ Thiên Chúa gọi là Đức Chúa Trời) đã giáng cơ tại một đất nước nhỏ bé là Việt Nam để tuyên bố khởi đầu một kỷ nguyên mới: Tam Kỳ Phổ Độ.

 

Nhân kỷ niệm này, xin mời quí vị đồng đạo cùng đọc lại một vài lời dạy của chúa Jesus, bậc đại giáo chủ đã giáng phàm truyền giảng lời của Đức Chí Tôn ở đất nước Israel, vốn cách xa Việt Nam ngàn dặm nhưng cũng có một lịch sử đầy sóng gió tương tự.

Lời giảng của chúa Jesus

 

Kể từ lúc Chúa Jesus rời khỏi gia đình đi giảng đạo, Chúa đã thu mười hai môn đồ đầu tiên, làm rất nhiều phép lạ, và chữa trị cho rất nhiều người bị bệnh nan y. Chính vì thế, mà số tín đồ cũng như số người đi theo Ngài càng lúc càng đông. Nhưng chính những lời giảng dạy của Ngài mới là nền tảng của một nền Tân Tôn Giáo so với thời bấy giờ. Xin đương cử một số tiêu biểu.

*“Đừng chống cự kẻ hung dữ …”

 “Đừng chống cự kẻ hung dữ ; nếu ai vả má bên phải của ngươi, hãy đưa luôn má bên kia cho họ; nếu ai kiện ngươi muốn lấy chiếc áo ngắn, hãy cho họ luôn chiếc áo dài; nếu ai muốn bắt ngươi đi bộ một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ …”  (Tân Ước – Matthew).

Về mặt Thể Pháp Cao Đài, có thể hiểu đây là lời dạy về nguyên tắc bất bạo động, dùng tình thương đối phó với hận thù. Trong lịch sử đầy sóng gió của quả địa cầu 68, con người, vì cuộc sống, phải tranh dành liên tục nên xem trọng sức mạnh vật chất. Bạo lực được đề cao là hệ quả tất yếu. Người ta sử dụng bạo lực hằng ngày. Kết quả, nhân loại tạo ra một thế giới đầy bạo lực. Bạo lực không biết đến tình thương và chỉ sinh ra đau khổ, mất mát.

 

Chúa Jesus dạy nguyên tắc bất bạo động để lập lại sự cân bằng, để nhắc nhở con người điều họ vốn đã biết nhưng không bao giờ thực hiện được. Cho đến nay, hơn hai ngàn năm qua đi mà loài người vẫn chưa thực hiện được bài học bất bạo động, trừ một vài cá nhân lẻ loi mà trong đó Thánh Mahatma Gandhi là một. Thậm chí có người còn biến bạo lực thành một “học thuyết” nhằm cổ vũ cho tính hung bạo của mình. Đại khái như là : Cần phải dùng bạo lực để trấn áp cái ác, khi diệt hết cái ác rồi thì điều còn lại sẽ là cái thiện. Lý thuyết  nghe rất hay, nhưng suy cho cùng thì họ chỉ mặc một chiếc áo đẹp đẽ cho tính hung hăng của họ mà thôi. Rõ ràng, họ đã mắc sai lầm nghiêm trọng! Bởi vì lịch sử loài người đã chứng minh rằng bạo lực không thể tiêu diệt được cái ác, mà chỉ nuôi dưỡng thêm một cái ác mới – đó là cái-ác-diệt-cái-ác. Chỉ khi nào số người làm điều thiện nhiều hơn số người làm điều ác (chứ không phải người thiện diệt hết người ác!) thì điều ác mới không còn đất để phát sinh. Vì thế, nghe và làm theo lời dạy của chúa Jesus là nuôi dưỡng, bổ sung điều tốt đẹp, tạo ra càng ngày càng nhiều điều thiện trong xã hội.

 

Đối với Bí Pháp Cao Đài, đưa má bên trái cho kẻ đã tát tôi vào má bên phải là một hành động phi nhị nguyên. Hành động nhị nguyên thông thường là: trả đủa kẻ đã tát mình bằng một hành động nào đó; tát lại hắn, chẳng hạn. Hành động phi nhị nguyên là một hành động rất khó thực hiện. Bởi vì nếu tôi thật sự đưa má bên trái cho kẻ đã tát tôi vào má bên phải; thì đó cũng lại là một hành động nhị nguyên khác. Thực hiện lời Chúa dạy sát theo từng câu chữ chỉ mới làm trọn phần Thể Pháp trong Cao Đài. Hiểu rõ lời dạy của Chúa để có được hành động phi nhị nguyên mới trọn phần Bí Pháp trong Cao Đài. Thể Pháp và Bí Pháp sóng đôi thì hành động mới tròn đầy, và sự tròn đầy sẽ tự thân hóa giải mọi niềm đau nhân thế, đưa con người trở về vườn Eden hạnh phúc (thuật ngữ Cao Đài gọi là Cực Lạc Thế Giới) .

 

Thế nào là hành động phi nhị nguyên?

 

Xin kể lại một câu chuyện đượm màu Thiền học trong những ngày mở đạo. Lúc bấy giờ, ngoài các vị tiền bối được thiêng liêng chỉ định phò loan ra thì nhiều người khác cũng lén cầu cơ, chấp bút. Điều đáng nói là cũng có các đấng giáng, thậm chí có cả Đức Chí Tôn giáng cơ. Ngày 7/11/1933  trong một đàn cơ ở Phạm Nghiệp, Đức Hộ Pháp hỏi Đức Chí Tôn:

“Dạ thưa Thầy,con không biết tại sao các nơi đều có cơ bút, mà mỗi lần đều xưng danh Thầy, không lẽ Thầy đến với cơ bút ấy?”

Đức Chí Tôn trả lời:

“Thầy đã nói rằng duy có ngôi của Thầy chúng nó không dám dựa, chớ danh Thầy nó được phép dùng. Nên Thầy đã dặn rằng đừng nghe Cao Đài nơi này, Cao Đài  nơi khác, rồi tin theo mà thất thệ. ….” 

 Đức Hộ Pháp bạch:

“Dạ thưa Thầy, nói vậy Thầy không có đến với cơ bút ấy?”

Đức Chí Tôn trả lời:

“Tắc, con tối trí quá!”

(Xin phép được biên tập phần trích dẫn trên vài chỗ cho dễ hiểu – Nguyên văn trong Thánh Ngôn Sưu Tập của Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng)

Xin lưu ý câu trả lời cuối cùng của Đức Chí Tôn. Tại sao Đức Chí Tôn không khẳng định hoặc phủ định mà lại trả lời bằng một câu chệch đi chỗ khác, thậm chí làm tối nghĩa thêm? Tuyệt đối không có chuyện tránh né ở đây, bởi vì ở vị trí của Đức Chí Tôn thì Ngài chẳng có việc gì phải tránh né. Nhưng khẳng định hay phủ định là một trong hai mặt của nhị nguyên. Câu trả lời của Ngài đã đi ra ngoài vòng nhị nguyên đối đãi: đó là một hành động phi nhị nguyên!

 

Dù thí dụ như thế, nhưng hành động phi nhị nguyên không có công thức, không thể na ná, giông giống với thí dụ đã nêu. Mỗi  một hành động phi nhị nguyên là cả một thế giới mới mẽ chưa từng có. Hành động phi nhị nguyên chỉ phát sinh ở người nào đạt được sự thông suốt trong tư tưởng và hiểu rõ ràng đôi đường thiện ác. Trong Cao Đài, một người học đạo muốn đạt được sự thông suốt trong tư tưởng thì phải thể hiện đầy đủ Thể Pháp, nghĩa là phải rèn luyện tam bửu không ngừng nghỉ trong cuộc sống. Có như thế  thì Bí Pháp mới vận hành. Có như thế mới mong có được hành động phi nhị nguyên - nói theo ngôn ngữ của người xưa là đắc đạo, hay nói theo ngôn ngữ Cao Đài là hiệp một cùng Đức Chí Tôn.

*“ … hãy yêu kẻ thù nghịch …”

 “Ta nói cùng các ngươi rằng: hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi …” (Tân Ước – Matthew).

 

Về mặt Thể Pháp Cao Đài, đây là một lời dạy rất khó thực hiện. Bởi tình yêu là một tình cảm rất đặc biệt. Không thể cưỡng ép bất cứ một ai yêu mến một người khác. Nếu tôi yêu mến một người nào đó bởi vì Chúa đã dạy như thế, thì tình yêu mến kia chẳng có giá trị gì! Đó chỉ là lừa dối chính mình và cả Chúa nữa! Yêu mến một người đã khó, Chúa Jesus lại dạy rằng nên yêu thương kẻ thù nghịch của mình. Đây là điều còn khó khăn hơn nữa!!

 

Có thể lý giải rằng Chúa dạy như vậy là để bắt tôi suy nghĩ lại những tình cảm của mình vốn vẫn phóng túng theo bản năng. Tôi chỉ yêu mến những gì đem lại lợi ích, và ghét bỏ những gì gây tổn hại cho mình. Tình cảm này vô cùng tự nhiên và không có gì đáng trách. Nhưng rồi lợi ích của người này lại là tổn hại của người khác và cứ như thế nhân rộng ra mà thế giới trở nên xung khắc hằn thù. Phải chăng còn một cách khác ngược lại với thói quen của tôi - ấy là làm theo lời Chúa Jesus: yêu mến kẻ thù nghịch của mình -  để làm cho thế giới này bớt thù hận, thêm thương yêu, giúp nhân loại sống hoà đồng hơn, có ý nghĩa hơn?

 

Yêu mến kẻ thù nghịch của mình có vẻ rất khó thực hiện. May thay, vẫn có thể có hành động này nếu xét lời dạy này dưới cái nhìn của Bí Pháp Cao Đài. Đối với Bí Pháp Cao Đài, đây là một động tác tuyệt vời để từ thế giới nhị nguyên bước vào thế giới nhất nguyên kỳ ảo. Muốn yêu mến kẻ thù nghịch với mình thì phải hiểu rõ tình cảm thù hận và yêu thương chỉ là một. Tại Đền Thánh Tây Ninh, đã có lời dạy của Đức Chí Tôn về điều này: hai bên cửa vào Đền có tạc tượng Ông Thiện và Ông Ác, và chính giữa hai tượng này là Cân Công Bình. Muốn bước vào Đền Thánh, tức là bước vào Bạch Ngọc Kinh tại thế phải biết “cân” Thiện Ác cho bằng nhau. Hay nói khác đi, phải hiểu Thiện Ác vốn không khác.

 

Tưởng cũng nên nhắc lại chuyện Ông Thiện, Ông Ác để tiện tham khảo. Ông Thiện và Ông Ác vốn là hai hoàng tử (Tỳ Văn và Tỳ Võ), con của một vị vua Ấn Độ. Ông Thiện tính tình hiền lành hay thương yêu giúp đỡ mọi người; trái lại Ông Ác tính tình nóng nảy rất dễ nổi giận. Cũng chính vì thế nên khi vua cha băng hà, vua cha nhường ngôi lại cho Ông Thiện. Ông Ác biết được liền nổi giận vì cho rằng, với tính tình hiền lành như thế, Ông Thiện sẽ không thể cai trị được dân trong nước. Thế nên Ông Ác đi tìm Ông Thiện để bảo ông  nhường ngôi lại cho mình. Sợ nhường ngôi cho Ông Ác là trái với ý nguyện của cha, hơn nữa sợ Ông Ác sẽ cai trị người dân quá hà khắc nên Ông Thiện bỏ trốn. Thấy thế, Ông Ác bèn đuổi theo để giải thích. Đến một ghềnh đá cao, Ông Thiện sơ ý nên té xuống vực chết. Ông Ác đến nơi, vô cùng hối hận nên cuối cùng cũng xuống tóc đi tu theo cha.

 

Câu chuyện trên là một dẫn đạo cơ bản để người học đạo có cái nhìn chính xác về Thiện Ác, Đúng Sai. Nếu Ông Thiện, Ông Ác là hai anh em ruột, thì Đúng Sai cũng xuất phát từ một gốc là nhận thức của từng cá nhân. Ông Thiện có lý do để không nhường ngôi lại cho em. Ông Ác cũng có lý do khi muốn dành lấy ngôi vua. Không thể nói rằng ai đúng hơn ai. Nói rộng ra toàn thế gian này, thì Đúng Sai; Thiện Ác cũng như thế. Cân Công Bình nằm giữa cửa vào Đền Thánh không có nghĩa là phải đong đếm Thiện và Ác cho bằng nhau mà ngụ ý tư tưởng của mỗi con người gồm có hai thành phần như thế. Không thể xóa bỏ bất cứ một thành phần nào vì chúng vốn là anh em ruột. Từ cái nhìn đó người học đạo Cao Đài  sẽ quen dần với khái niệm Thiện là Ác hay Đúng là Sai . Thế rồi trong một  tích tắc phù du nào đó trong đời, người tu học sẽ bừng ngộ chân lý trong câu truyện Ông Thiện, Ông Ác kia; lúc đó mới có thể yêu mến được kẻ thù nghịch một cách tự nhiên bằng tình cảm nồng nàn của mình chứ không phải yêu vì Chúa Jesus đã dạy như thế. Có như vậy thì mới đúng là làm theo lời Chúa Jesus dạy:

   

*“Ai trong các ngươi là người vô tội …

 

“Bấy giờ, các thầy thông giáo và người Pharisee dẫn lại cho chúa Jesus một người đàn bà đã bị bắt đang khi phạm tội tà dâm; họ nói cùng Chúa rằng: Thưa Thầy, luật Moses dạy rằng chúng ta phải ném đá những hạng người như vậy. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? Chúa Jesus phán rằng: Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy ném đá trước. Sau khi nghe lời này, mọi người lần lượt bỏ đi.” (Tân Ước – Jean).

 

Phải xét bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ thì mới thấy hết ý nghĩa của câu truyện nói trên. Thời nào cũng vậy, khi có một đấng cao trọng giáng thế thì loài người luôn luôn gây ra đủ thứ thử thách khó khăn. Chuyện xưa vẫn kể rằng Phật Thích Ca bị các giáo sĩ Bà La Môn vặn vẹo bắt bẻ không biết bao nhiêu lần. Chúa Jesus cũng vậy. Cụ thể là người Pharisee. Đây là một hệ phái của người Do Thái xưa chủ trương thực hành theo sát từng câu chữ trong cổ luật, cụ thể là luật Moses (Xin đọc Cựu Ước). Nên biết rằng lúc bấy giờ số người tin tưởng Chúa Jesus rất đông và mọi người đều xưng tụng Chúa Jesus là đấng Christ giáng sanh. Thế nên người Pharisee lợi dụng câu truyện của người phụ nữ kia để tìm cách bắt bí Chúa Jesus. Nếu Chúa Jesus đồng ý để họ ném đá người phụ nữ đến chết, thì Chúa cũng chỉ là người bình thường như họ, không phải là đấng Christ. Nếu ngược lại thì Chúa chống lại luật Moses, nghĩa là chống lại Đức Chúa Trời về mặt Đạo; về mặt Đời là chống lại dân tộc Do Thái, đàng nào họ cũng có thể qui tội phạm luật cho Chúa. Câu trả lời của Chúa Jesus vừa cứu được người phụ nữ đáng thương kia vừa làm cho người Pharisee thất bại thảm hại trong âm mưu hãm hại Chúa. Cũng giống như câu truyện kể ở phần trên, câu trả lời của Chúa không phải chỉ đơn giản là một cách đối phó khéo léo; đó chính là một bài học về đạo pháp rất quí giá mà Chúa Jesus muốn để lại cho loài người.

 

Dựa vào triết lý Cao Đài, chúng ta có thể hiểu rõ bài học này hơn. Theo Cao Đài, phần ý thức của con người là phần bán hữu hình (hai phần kia là phần xác thịt và linh hồn). Ý thức hoạt động theo nguyên tắc của vũ trụ; ấy là: Vô cực sanh Thái Cực, Thái Cực sanh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ Tượng sanh Bát Quái … Lưỡng Nghi chính là hai cực chấp nhận và phủ nhận của ý thức. Trong tình trạng phân hai, nghĩa là chấp nhận và phủ nhận khác nhau, đối chọi nhau, thì đó là cuộc đời với toàn thể những yếu tố sanh diệt, đau khổ, chết chóc …Nếu phủ nhận và chấp nhận là một – nói theo ngôn ngữ thiền học cho chính xác hơn là “Nếu phủ nhận và chấp nhận chẳng phải hai mà cũng chẳng phải một,” thì đó là trạng thái người tu học Cao Đài gọi là hiệp một với Đức Chí Tôn. Trong trạng thái này, con người có những suy nghĩ, phán đoán thông suốt phi thường mà người xưa gọi là đoạt Đạo, ngộ đạo, trí huệ đáo bỉ ngạn, thành Phật …vv.

Đức Chúa Jesus đã dạy một bài học về Thái Cực. Lời Chúa phán khi ấy xuất phát từ trạng thái Thái Cực, do đó đã thoát ra khỏi hai trạng thái phủ nhận và chấp nhận của Lưỡng Nghi. Không chấp nhận mà cũng không phủ nhận luật Moses, lời Chúa đã ra ngoài quĩ đạo của những hành vi tầm thường thế tục, nằm ngoài suy luận thông thường của loài người.

Thế nhưng, cần phải xác định rõ một điều để tránh ngộ nhận. Xin đừng cho rằng trạng thái không phân hai (Thái Cực) là tốt hơn rồi phủ nhận trạng thái phân hai (Lưỡng Nghi), bởi vì hành vi phủ nhận đó cũng chính là ý thức phân hai!! Ý thức phân hai thuộc về đời, cho nên rất cần thiết trong đời sống thường nhật. Con người cần ý thức phân hai để bảo vệ xác thân của mình. Ví dụ như tôi cần phải phân biệt rõ ràng điều nào là nguy hiểm cho bản thân để tránh xa và ngược lại. Khi một xe tải đang tiến thẳng đến chỗ tôi thì không cần thiết phải “dùng ý thức không phân hai”. Hay khi bị tiêu chảy vì thức ăn nhiễm khuẩn thì một viên thuốc bao giờ cũng hay hơn là “lý với lẽ”. Chỉ khi nào suy nghĩ đi vào chỗ cùng lý, thì Thái Cực mới là cứu tinh đích thực.         

*“Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét. Vì các ngươi đoán xét người ta thể nào thì họ cũng đoán xét lại thể ấy…

 

Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ giả hình! Trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được.” (Mathew)

Đây là lời dạy thuộc về tâm pháp (hay Bí Pháp nếu dùng ngôn ngữ Cao Đài) của Chúa Jesus. Trước khi bàn tiếp, thiển nghĩ nên định nghĩa lại danh từ Bí Pháp trong Cao Đài để làm nền tảng cho những lý lẽ tiếp theo.

 

Bí Pháp, theo nghĩa thường dùng từ trước đến nay, là những phương pháp đặc biệt trong một tôn giáo nào đó, chỉ truyền riêng cho một số người nhất định nhằm đạt mục đích của việc tu hành. Chẳng hạn như những phương pháp ngồi thiền, tịnh tâm của các hệ phái Phật Giáo ở Tây Tạng hầu như chỉ truyền cho một số đệ tử đặc biệt.

Nếu hiểu Bí Pháp theo nghĩa này, thì trong đạo Cao Đài không có “Bí Pháp”. Đức Hộ Pháp nhiều lần nói rằng Đức Chí Tôn đã bày bửu pháp tại thế gian cho con cái của Ngài tự do chọn lựa. Vấn đề chỉ là con cái của Ngài muốn nhìn thấy hay không mà thôi. Trong những bài thuyết đạo của mình lúc còn tại thế, Đức Hộ Pháp đã chỉ dạy rất cẩn thận về danh từ Bí Pháp. Ngài dạy rằng đây là điều quan trọng trong kiếp tu hành và các tín đồ Cao Đài phải tìm tòi để hiểu rõ những ẩn ý trong lời dạy của Ngài.

 

Danh từ Bí Pháp trong Cao Đài không thể xác định bằng nghĩa đen của tự điển. Đây là một cách dùng chữ đặc trưng của triết lý Cao Đài. Trước hết, Bí Pháp không tự thể hiện mà thiếu Thể Pháp; nói cho rõ là khi

 và chỉ khi Thể Pháp tồn tại thì mới có Bí Pháp. Bí Pháp và Thể Pháp vốn là một-mà- hai-và-hai-mà-một. Vậy phải hiểu Thể Pháp trước khi muốn hiểu Bí Pháp. Thể Pháp Cao Đài chính là những nghi thức tôn giáo có thể nhìn thấy và thực hiện được. Nghi thức thờ phượng, kinh sách, giáo luật … tất cả đều là Thể Pháp. Ngoài ra, Bí Pháp còn có ý nghĩa là nội dung của một hình thức bất kỳ. Theo nghĩa này thì tất cả các lời dạy đạo của các đấng thiêng liêng đều có nội dung - nghĩa là Bí Pháp. Bí Pháp có thể dễ hiểu; có thể khó hiểu. Có thể nhìn thấy ngay; có thể cả đời cũng không nhìn thấy.

    

Khi một tín đồ Cao Đài thực hiện bất kỳ một nghi lễ tôn giáo hằng ngày nào (nghĩa là Thể Pháp) cũng là lúc Bí Pháp vận hành. Vì thế, quan niệm cho rằng khi nào thực hiện xong phần Thể Pháp rồi mới vào Tịnh Thất để luyện Bí Pháp là không đúng. Thực sự mà nói, vào Tịnh Thất thì điều kiện thể hiện Thể Pháp dễ dàng hơn lúc ở bên ngoài. Trong Tịnh Thất người ta thu xếp sao cho môi trường yên tĩnh hơn, hạn chế những ảnh hưởng của đời sống vật chất bên ngoài. Người học đạo chỉ còn tập trung vào một chỗ duy nhất là vun bồi đời sống tâm linh.

 

Tuy nhiên, những phương pháp các tín đồ thực hiện trong Tịnh Thất, nói cho cùng, cũng là vẫn là Thể Pháp. Những phương pháp ấy vẫn còn liên quan đến phần nhục thân, nghĩa là phần hữu hình có thể sờ mó ngắm nhìn … Bí Pháp là phần nằm ngoài suy luận bàng bạc quyện theo Thể Pháp. Khi Thể Pháp được thực hiện đúng mức thì Bí Pháp vận hành bên trong người học đạo và chỉ có duy nhất bản thân người ấy nhận biết điều này.

Bây giờ xin trở lại lời Chúa Jesus dạy: đừng phán đoán người; mà hãy phán đoán bản thân mình trước. Đây chính là một pháp môn (cách tu tập) mà triết lý Đông Phương gọi là “quán tâm”. Thông thường, tâm lý con người là thích nhận xét về người khác. Những nhận xét ấy đa số là nói về khuyết điểm; nếu có nói về ưu điểm đi nữa thì cũng chỉ là gượng ép. Đây là bản chất tự nhiên của loài người. Để tự vệ, ý thức con người luôn luôn phóng ngoại, truy tìm những yếu tố tiềm ẩn sự nguy hiểm cho bản thân mình. Nếu phát hiện điều gì có thể ảnh hưởng xấu đến bản thân, ý thức sẽ tìm phương né tránh, chống đỡ hoặc tấn công đối tượng. Có thể thấy rõ điều này qua các mối giao tiếp của con người trong xã hội hoặc một phóng ảnh của xã hội là thế giới hiện nay. Người ta lo sợ một ngày kia, ngoại bang sẽ xâm chiếm nước mình, chiếm đoạt tất cả những của cải tài nguyên của dân tộc mình, do đó người ta lập ra quân đội. Và theo “cái-gọi-là-binh-pháp” thì: tấn công là cách phòng thủ hay nhất(!).Cho nên,  người ta đem bom đạn ném xuống đất nước của người khác; không đợi đến khi bị tấn công! Thử tưởng tượng một chút, nếu tất cả các quốc gia trên thế giới này đều có khả năng tấn công quân sự như nhau và đồng loạt áp dụng cái tư tưởng binh pháp quái đản kia, thì quả địa cầu 68 này sẽ ra sao?

 

Chúa Jesus dạy phải làm ngược lại điều đó; nghĩa là phải tự nhìn lại bản thân, tự nhận xét bản thân thay vì bươi móc những khuyết điểm của người khác. Khi nhìn ra mình cũng có những khuyết tật tâm hồn như bao người thì cõi lòng sẽ mở rộng, dễ tha thứ. Những tình cảm tích cực, đẹp đẽ tích lũy trong tâm hồn ngày một nhiều sẽ giúp cho con người sống có ý nghĩa. Thế giới sẽ bớt phần bạo tàn, địa cầu 68 sẽ chuyển hóa thành một thế giới khác đáng sống hơn nhiều. Vậy, hãy nghe lời chúa Jesus “lấy cây  đà trong mắt mình để thấy rõ hơn trước khi lấy rác trong mắt anh em mình”.

 

Thúc

 

Những lời dạy của chúa Jesus, cũng như các vị giáo chủ khác như Đức Phật Thích Ca, Đức Lão Tử vv … luôn chứa đựng những ý nghĩa sâu xa. Nếu dùng thuật ngữ của Cao Đài thì: lời của các bậc giáo chủ dạy luôn hàm chứa Bí Pháp. Vấn đề của tín đồ Cao Đài hiện nay, thiết nghĩ, nên tập trung tìm học những ý nghĩa của triết lý mênh mông trong Cao Đài Giáo, rồi đem ra thực hành trong đời sống thường ngày. Mong sao qua đó Đức Chí Tôn thương tình ban ân cho trí não được phát triển phần nào. Tóm lại, hãy lo lấy cây đà trong mắt mình, đừng bận tâm đến “ông này tu thiệt, bà kia tu giả, tôi tu đúng, anh tu sai nữa”. Bởi vì một kiếp người suy ra vô cùng ngắn ngủi, có khi chưa kịp làm được chút gì thì đã phải phủi tay!  

TỪ CHƠN

Sài gòn, Giáng Sinh 2007

Bản revised Giáng Sinh 2020






No comments:

Post a Comment