BÀI PHÁT BIỂU
Trong buổi ra mắt sách
“Tìm Về Với Một Cội Nguồn Cách Xa”
tại Hội trường Nhựt báo Người Việt,
Little Saigon, Nam California, Hoa kỳ
ngày 8/1/2005
Tiến sĩ MAI THANH TRUYẾT
Chủ Tịch Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt
Nam
Thưa Quý
Quan khách,
Thưa Quý
Vị Bô Lão của Cộng đồng Chăm tại Hoa Kỳ,
Tôi
không là một nhà nhân chủng học, một nhà sử học, cũng không là một nhà văn. Nói chung, khoa học nhân văn, không là cái
nghề của tôi. Nghề của tôi là dạy học, chuyên về hóa học. Trong hai thập niên qua tôi làm công việc của một
kỹ sư và quản lý. Do nhu cầu nghề nghiệp, và cũng do sở thích, tôi có những
nghiên cứu cụ thể chuyên ngành, nói riêng về môi trường, nhất là những đổi thay
trong môi trường Việt
Với hành trang vốn liếng đó, tôi hy vọng giữ
được cái vô tư khoa học, đồng thời giới thiệu cùng quý vị những nét tươi mát,
dễ thương của một tính tình, của một cá tính, đồng thời cùng quý vị khởi đầu
khám phá một thế giới mới, thế giới của đồng bào của mình gốc Champa. Tôi làm
việc này qua quyển sách:
BANGSA CHAMPA
Tìm Về Với Một Cội Nguồn Cách Xa
của Dohamide và Dorohiêm
Cuốn
sách được chia làm hai phần, trong đó nói lên hành trình của một chàng trai tên
Dohamide và lịch sử hình thành vương quốc Champa.
Phần I:
Câu chuyện chàng trai Dohamide.
Phần II: Cội nguồn văn hóa xã hội, Champa.
Trong hơn 380 trang giấy và nhiều hình ảnh dân
tộc, chúng ta có thể hình dung được sự trang trọng của tác giả trong từng nét
chữ.
Qua sự thân thiết, chúng tôi được biết tác
giả đã thai nghén quyển sách nầy trong một thời gian dài và đã hoàn tất từ năm
2001, nhưng vì hoàn cảnh lịch sử tế nhị lúc đó, mãi đến hôm nay, Bangsa Champa
mới được ra mắt Quý Vị.
Thưa Quý
Vị,
Dohamide sanh và lớn lên trong một cộng đồng
Champa khép kín. Khép kín trong địa dư của một cù lao vùng quê Châu Đốc, miền Tây
Nam Phần và khép kín trong những lối suy nghĩ bảo thủ và nghiêm khắc của tập
quán Hồi giáo tức Islam cổ xưa. Anh sớm
lên Sàigòn, sống trong một xóm nghèo ở vùng chợ Nancy, anh phải chiến đấu trong
việc tiếp cận với người thành phố. Chiến đấu giữa cái cũ và cái mới, giữa quá
khứ và hiện tại, giữa những giá trị ngàn đời của cha ông và cuộc sống trước mặt
(năng động, cuồng loạn, xô bồ). Cái mới không phải lúc nào cũng đúng, cũng hay,
cũng tốt. Cái cũ lúc nào cũng ổn định, vững chắc, dễ chịu, nhưng lắm khi là màn
chắn che lấp những giá trị khác, là sức ỳ cản trở bước tiến và sự phát triển
bản thân. Cho nên, có dằn co, trăn trở nội
tâm, có chọn lựa, chiến đấu cho chọn lựa.
Dohamide
đã tự soi rọi và ghi lại trung thực hành trình tâm thức của chính mình, hi vọng
phản ảnh được phần nào bản chất của những người đồng tộc của mình.
Đó là tâm trạng của một người thiểu số sống
ở một xã hội không cùng văn hóa, tập tục và tôn giáo, khiến cho họ luôn sống
trong mặc cảm sợ sệt, an phận thủ thường. Tôn giáo, kinh kệ (scriptures), lễ
nghi (liturgy), phong tục tập quán, là những bức tường thành kiên cố, giúp họ
tự vệ, tự phòng: phòng chống những cơn lốc của cái mới, cái khác lạ có khả năng
đem lại cho họ sự bất ổn, sự mất mát, nhất là mất mát cái di sản văn hóa của
họ. Cho nên, họ không chú ý đến việc hội
nhập vào một xã hội mở chung quanh. Dohamide đã nhận thức được điều này và những
vấn đề rộng lớn hơn. Do đó Anh từ bỏ
thái độ khép kín, anh mở tất cả cửa của pháo đài phòng ngự, để đón gió bốn phương. Cuộc sống vốn vô thường. Văn hóa phải biến đổi,
vì tính thấm thấu tự nhiên của sự tiếp cận văn hóa. Trăm hoa đua nở, mỗi người một
khác, mỗi nền văn hóa mỗi khác, mỗi thời mỗi khác. Giao lưu là thường tình,
giao lưu Đông và Tây, giao lưu Chăm và Việt. Giao lưu là liều thuốc cho các
bệnh sơ cứng văn hóa, là thần dược cho phát triển văn hóa. Hình như, anh nhìn văn hóa và dân tộc Anh như
vậy và Anh xử sự như vậy. Lấy nguồn dân tộc, di sản cha ông để đối thoại cái
mới, đó là thái độ của Anh, trong suốt cuộc hành trình 70 năm tròn dấn thân vào
cộng đồng Việt và cộng đồng Hoa Kỳ. Giờ đây, Dohamide ghi lại cuộc hành trình đó,
những chứng nghiệm, những cố gắng, kiên nhẫn, trì chí vượt các bức tường cổ
tục, để có một cái nhìn thoáng hơn với thế giới bên ngoài, để sống thực hơn và
mạnh hơn.
Vừa hơn
10 tuổi, Dohamide đã sớm rời cái tịch mịch và an bình của đồng nội, cái ổn định
và dễ chịu của xã hội Champa, cái thơ ngây của tuổi thơ vô tích sự, để lên
Sàigòn. Anh không rành tiếng Việt, và
phải ở giữa cái ồn ào, hỗn độn, người đi kẻ lại, tiếng rao hàng, tiếng cãi vã,
tiếng kèn, tiếng động của xe cộ đủ loại..., anh không chỉ là người nhà quê lần đầu
lên Sài gòn, anh là một người lạc vào thủ đô của một nước khác. Cho nên, nhiều
mâu thuẫn, nhiều va chạm, anh có nhu cầu cấp bách trở về cội nguồn, tìm lại sự
an ổn, trong trắng năm xưa, với những ước mong và hy vọng.
Nhưng
cội nguồn thì chẳng thấy đâu...mà chỉ thấy thêm những khó khăn và trăn trở Trăn
trở ngày càng thấm sâu hơn để rồi, vào chiều tà của cuộc sống, cuối đời nhìn
lại, Dohamide vẽ lại con đường từ cội nguồn tuổi thơ, lớn lên, thành nhân, rồi
giờ đây, trở về nguồn cội của dân tộc Champa.
Điều
nầy làm chúng tôi liên tưởng đến Nguyễn Vỹ với quyển “Tuấn Chàng Trai Nước Việt”.
Tuấn đi cùng khắp giang sơn trong một giai đoạn chuyển mình của lịch sử Việt
Nam, một giao mùa từ thời phong kiến và những ngày đầu, người Pháp bắt đầu thay
da đổi thịt Việt Nam. Đây là một bức tranh khó quên của một giai đoạn đen tối
của Đất Nước. Chàng trai Tuấn đã chứng thực cho cuộc đổi dạng trên, một giai đoạn
của đổi thay từ những tập tục quen thuộc của xã hội cũ đến những lối sống Tây
phương mới mẻ. Tuấn vừa ngạc nhiên, vừa quy phục hoàn cảnh mà không cho người đọc
biết được những trăn trở đích thực của mình.
Đối lại,
trong “Tìm Về Với Một Cội Nguồn Cách Xa”, Đỗ Hải Minh đã cho chàng trai
Dohamide làm một cuộc hành trình đúng nghĩa tiến vào một quá khứ mật thiết gắn
liền với nguồn gốc xa xưa Champa. Thêm nữa, chàng trai Dohamide không những đã
“chứng” mà còn “nghiệm” rằng lịch sử là một chứng tích của một giai đoạn cũ, khơi
lại cội nguồn dân tộc với mục đích duy nhất là tìm lại trong khoảnh khắc bản
lai diện mục của chính mình.
Để rồi từ đó, với thời gian đủ dài,
Dohamide đã khám phá thêm, cố gắng vươn lên và hoàn toàn hội nhập vào một xã
hội mới: một xã hội trong đó con người được cư xử bình đẳng và sống hài hòa cùng
nhau, một xã hội không còn lằn ranh địa lý, nguyên nhân đã tạo ra những mâu
thuẫn và nghịch cảnh không cần thiết. Có
thể nói ở điểm nầy, đây là những nhắn gởi rốt ráo và đắc ý nhất của tác
giả qua chàng trai Dohamide.
Qua đến Phần hai, trong bối cảnh hết sức khó
khăn truy tìm và xếp loại các tài liệu về
văn hóa, văn học và văn minh Chăm, thiết nghĩ tác giả đã cống hiến cho chúng ta
một công trình nghiên cứu nghiêm chỉnh qua việc chứng minh các tên “Lâm Ấp”,
“Hoàn Vương”, “Chiêm Thành”... do, hoặc người Trung Hoa hay người Việt Nam đặt
ra trong các giai đoạn lịch sử để chỉ một vương quốc Champa, một cơ cấu quốc
gia thống nhất chạy dài từ Quảng Bình đến tận Phan Thiết ở phía Đông và vùng
Cao nguyên Trung phần Việt Nam ở phía Tây mà thôi. Tính dung hợp và phân liệt
của những sắc tộc vùng cao nguyên và duyên hải Việt Nam được tác giả nhắc đến
và phân tích tường tận căn nguyên của vấn đề.
Từ đó,
tác giả có gợi ý về những phân chia do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nhập
lại:
- khách quan là do lịch sử chưa được soi
rọi rõ ràng;
- còn chủ quan là do “cái ngã” của từng bộ
tộc.
Nhưng điều quan trọng hơn hết là do một
số “chính sách ẩn tàng” của các nước từ bên ngoài, có ý định muốn mang ảnh hưởng
của một loại đế quốc mới xen vào nội tình dân tộc Champa để tạo áp lực và có
thể khuynh đảo trong tương lai. Đây chính là điểm tác giả lưu ý nhiều và bàng bạc trong nhiều chương của quyển sách.
Tác giả để lại nơi đây một bài học và một
lời nhắn gởi. Bài học là:” con người dù
ở bất cứ nơi đâu, cuối cùng rồi cũng sẽ tìm về nguồn cội của chính mình”. Tuy đơn
sơ, giản dị và mọi người đều rõ, nhưng có mấy ai còn giữ được khái niệm nầy
trước cuộc sống dẫy đầy bất trắc ở các xã hội mới. Về một lời nhắn gởi, thiết
nghĩ cộng đồng Chăm, dù sống ở địa phương nào trước kia, nên suy nghĩ về trường
hợp Việt Nam. Người Việt dù ở xa quê hay còn sống trong nội địa cũng đều có ít nhiều
mầm mống chia rẽ, kỳ thị Bắc Trung Nam. Và đây là kết quả của một thời kỳ đen
tối của dân tộc do thực dân và đế quốc áp đặt chính sách chia để trị.
Đây cũng là dấu ấn sâu đậm và đau đớn nhất
của dân tộc, đã làm chậm bước phát triển của Việt Nam cho đến bây giờ. Do đó,
lời nhắn gởi sau cùng của tác giả hướng
về các cộng đồng Chăm là đừng để bị chia rẽ vì những âm mưu chính trị của ngoại
bang như người Việt đã từng hứng chịu cho đến ngày nay.
Thưa Quý
Vị,
Tác giả Dohamide,
tức Đốc sự Hành chánh Đỗ Hải Minh, đã khơi mào và mở hướng cho tiến trình hội
nhập vào xã hội Việt Nam của một công đồng Chăm, nhỏ bé ở dân số, nhưng có một
chiều sâu văn minh phong phú… Hội nhập vào dòng chính lưu để nâng cao đời sống
kinh tế, văn hóa, và tinh thần nhưng không vì thế mà mất đi nền tảng văn hóa đặc
thù của dân tộc Chăm. Điều nầy đòi hỏi những bậc thức giả tiên phong trong cộng
đồng Chăm ở trong nước cũng như ở hải ngoại luôn luôn nhìn lại và giúp đỡ
khuyến khích người dân Chăm chơn chất bước vào dòng chính lưu. Và đã đến lúc
phải từ bỏ nếp sống “mép lề” cũng như mặc cảm của một loại công dân hạng hai
trong một xã hội đa văn hóa. Cộng đồng Chăm không còn có một lằn ranh địa dư ở
Việt Nam nữa, và lằn ranh văn hóa cũng mờ dần trong cộng đồng chung của dân tộc.
Quốc gia là một địa dư ranh giới, trên đó nhiều cộng đồng chủng tộc sống tiếp
cận nhau. Quốc gia Hoa kỳ gồm có người Indian, người gốc Anh, gốc Pháp, gốc Đức,
gốc Ấn, Trung Hoa... gồm nhiều chũng tộc đen, trắng, vàng, Âu, Á, Phi... Quốc gia Việt Nam, không chỉ là người Việt,
mà còn là người Chăm, Ê Đê, Mường, Tày, Thái trắng, Lô Lô.... Hội nhập vào dòng chính lưu là làm giàu cho
nền văn hóa Việt, cũng là cho sắc thái dân tộc Chăm, Mường, Việt v.v... thêm tươi,
thêm phong phú. Vì thế, quyển “Bangsa Champa: ”Tìm Về Với Một Cội Nguồn Cách
Xa” là một trợ duyên cho việc hội nhập nhuần nhuyễn giữa hai cộng đồng dân tộc
trong quốc gia Việt Nam.
Thêm nữa, tác giả đã nêu ra những đường nét
thật tích cực cho một dân tộc cố gắng vượt thoát khỏi tình trạng tự cô lập để
sinh tồn trong một thời gian dài: thời của những cơn mê cổ tục hoặc thời của
lòng tin mù quáng (bigotry) ở truyền thống dân tộc. Ngày nay, các thôn ấp người
Chăm ở Phan Rang, Phan Rí, Châu Đốc, Tây Ninh đã mở cánh cửa hội nhập vào xã
hội có người Việt bao quanh. Đây là một hướng duy nhất và cũng là tối ưu cho
dân tộc dân tộc Chăm ở Việt Nam do những điều kiện địa lý và lịch sử đặc thù. Đây
là một hình thức hội nhập hổ tương trước
tiến trình toàn cầu hóa trên mọi lãnh vực. Hiện tượng đa văn hóa trong một quốc
gia không còn là hình ảnh đối kháng mà là một sự hòa đồng nhuần nhuyễn trong
cuộc sống chung với tinh thần bình đẳng ở thế kỷ 21 nầy. Hội nhập mà không
bị triệt tiêu, không mất đi bản sắc dân tộc Chăm, và hai văn hóa Chăm – Việt là
thành phần căn bản cho nền văn hóa Việt Nam và là một điểm đặc thù cho vùng Đông
Nam Á châu vậy.
Tóm lại, qua cuộc hành trình dài của tác giả,
từ những ngày thơ ấu ở cù lao Koh Taboong nghèo vùng Châu Đốc, Tây nam vùng
đồng bằng sông Cửu long, cho đến tuổi thanh niên trong xóm nghèo Nancy, Sàigòn.
tác giả đã trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, ngay cả đến những lúc lên tột
đỉnh vinh hoa thời Đệ nhị Cộng hòa, hay những giây phút diện kiến lịch sử cùng cố
Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman, cùng cố Thủ Tướng Malaysia Tungku Abdul
Rahman, cùng cố Quốc vương Faysal A Rạp Sau Đi. Và sau cùng, cuộc hành trình
vẫn tiếp tục trên mãnh đất tạm dung Hoa Kỳ nầy. Với tuổi thất thập cổ lai hy,
tác giả đã VỀ NGUỒN, đã tìm lại nguồn cội của một dân tộc đã bị quên lãng trong
một số người.
Đi tìm cội nguồn cũ, vạch lại đường nét xưa
của một quốc gia Champa, tác giả hy vọng trình bày một giai đoạn của lịch sử,
sự hình thành của một quốc gia Champa, sự thăng trầm của một nền văn minh, của
một dân tộc, nhưng không vì đó mà phân liệt ra những cách ngăn của những cộng
dồng dân tộc trong quốc gia Việt Nam.
Tính an
bình trong chuỗi tư tưởng của tác giả từ trang đầu cho đến trang cuối cùng cho chúng
ta chiêm nghiệm được cái tâm bình đẳng trong tâm hồn tác giả. Nơi đây thể hiện sâu
đậm nhất sự hòa hợp hài hòa giữa những ảnh hưởng của Phật giáo, Ấn giáo, và Hồi
giáo của một dân tộc hiền hòa ở miền đất Champa.
Nói về Đỗ Hải Minh, thì cái nguồn từ trong
tôi hình như vô tận; tôi được biết Anh từ lúc còn ở Việt Nam, qua một người học
trò cũ của tôi, mà là cháu của Anh. Biết
nhau nhưng chưa hề gặp mặt. Qua đến Hoa
Kỳ, trong một hoàn cảnh đặc biệt, chúng tôi đã gặp nhau, và trở thành thân
thiết. Cho phép tôi, mượn diễn đàn nầy để mừng Anh, mừng sự can đảm, sự kiên nhẫn,
quyết tâm đầu tư công sức của Anh đã được tưởng thưởng. Mừng Anh thêm được một đứa
con tinh thần và cũng là một quý tử. Xin Anh nhận nơi đây lời khích lệ, tán thưởng
và thương mến của một số anh em chúng tôi.
Xin cám ơn
anh.
Xin cám ơn
Quý Vị.
No comments:
Post a Comment