Người
bạn, Người đồng chí
Thành ngữ Pháp có câu:
"Le moi est haïssable! - nói về cái tôi rất dễ ghét!" Tại sao bắt đầu
bài giới thiệu sách của một người bạn bởi thành ngữ nầy? Vì viết, nói về Mai
Thanh Truyết, giới thiệu những bài viết của Mai Thanh Truyết, một người bạn, một
người đồng chí là nói ra những cái tâm tư tuy là giấc mơ, là tâm huyết của bạn
nhưng cũng là của tôi nữa. Nói về Mai Thanh Truyết, nói về sách, nói về bài viết
của Mai Thanh Truyết là nói về mình. Nói về những giấc mơ của mình.
Lần đầu bỡ ngỡ:
Hòa đàm Paris năm 1968. Giáo
sư Nguyễn Ngọc Huy được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cử sang Paris cố vấn phái
đoàn Việt Nam Cộng Hòa. Mùa Đông 1969, tôi nhận điện thoại từ Paris cho biết là
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cần gặp tôi. Nhớ lại từ 1964 khi Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn
và Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy trở về nước tham chánh tôi chưa gặp lại hai chú bác ấy.
Tôi vẫn thường gọi Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn là Bác Tư và Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy
là Chú Ba; chú Ba gọi là tôi phải lên ngay. May quá, năm ấy tuy làm phụ giảng
(assistant) ở Viện Nghiên Cứu Quốc tế ở Toulouse, tôi không có giờ dạy học mà
chỉ làm quản thủ cho thư viện của Viện thôi, và tôi có thể xin nghỉ một tuần,
bù vào ngày nghỉ mùa hè để lên Paris gặp chú Ba.
Chú Ba muốn được giới thiệu những
người tin tưởng để đưa Chú Ba đi gặp đồng bào ở Âu châu. Dĩ nhiên, vùng nào đều
có thổ công đó. Vùng Toulouse và phụ cận mình lo được chứ những vùng khác phải
làm sao tìm cho được thổ công, vừa đáng tin cậy, vấn đề an ninh và an toàn cho
giáo sư Huy, phải quen biết nhiều, có uy tín.
Tôi đã biết Mai Thanh Truyết
trước rồi, nhưng thật sự, trong dịp ấy, chúng tôi mới quen nhau. Mai Thanh Truyết
đang học Tiến sĩ Hóa học ở Besançon, một thành phố nằm ở miền Đông xứ Pháp, một
trong những vùng lạnh nhứt nước. Với cặp mắt nhìn thẳng, nụ cười cởi mở, và cái
ít gặp nơi người Việt ta, kể cả ở những sinh viên du học thời bấy giờ là
"đúng giờ ". Mai Thanh Truyết là "con người đúng giờ", và
tôi cũng thế, nên mới ngày đầu làm việc chung, tuy mới quen nhau, hai thằng đã
y hẹn, "đúng giờ" và đã nghéo tay dễ dàng với nhau. Truyết "khó
tánh" hơn tôi, dễ nổ, dễ "quạu" khi gặp những ai đi trễ giờ, hay
làm sai hay "quá du di không đúng với
những giao ước", Truyết rất khoa học, chỉ "hoặc đúng hoặc sai"
thôi, tôi dân luật nên thường "tùy trường hợp, tùy điều kiện" hơn.
Tuy dễ nhịn nhục hơn Truyết,
nhưng vẫn "bực mình", nhưng nhờ Nam kỳ tánh, nên đành lầm bầm
"chửi thề", cho đỡ đau dạ dầy. Vả lại, "chửi thề", ít
"thất đức" hơn vì "mình chửi mình nghe", - ba tui dạy tui
dzậy - vì khi mình chửi mắng người ta, mình bị tổn đức, và gây ơn oán giang hồ.
Có lẽ vì vậy, ngày nay, tôi rất "dễ chửi thề".
Chúng tôi lúc ấy chỉ lo cho
công việc chung, không có thời gian làm quen và nói chuyện riêng; nên cả hai
chúng tôi đều không ai giới thiệu vợ con với nhau cả. Và sau hai ngày ở
Besançon, Truyết lãnh trách nhiệm vừa lái xe đưa Giáo sư đi vừa lo tổ chức những
cuộc nói chuyện của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, tôi hết nhiệm vụ, hết ngày phép
nên về lại Toulouse. Và chúng tôi cũng bặt tin nhau, chẳng ai gọi ai cả. Tại
sao? Chính tôi ngày nay vẫn không hiểu.
Hội ngộ giữa Sàigòn:
Tháng 7 năm 72, sau khi An Lộc
được giải tỏa, tôi được giải ngũ và biệt phái trả về bộ Giáo dục, Giáo sư Nguyễn
Ngọc Huy, lúc bấy giờ trách nhiệm lãnh đạo Tân Đại Việt và Phong trào Quốc gia
Cấp tiến, giao cho tôi hai công tác:
- Một là, tổ chức Trí thức vận. Tôi đi tìm và gặp Mai Thanh
Truyết sau đó hơn một năm trời tức là năm 1973 tại Sài Gòn; sau đó, tôi rủ Truyết
đi cùng tôi đến gặp Chú Ba Huy. Sau mấy năm không gặp nhau mà trông Truyết đã
già dặn hẳn, có một tấm vóc rất "giáo sư", rất "lãnh đạo",
một người đang dấn thân và sẵn sàng dấn thân. Tuy mới gặp lại nhau, nhưng chúng
tôi, sau khi bắt tay nhau, đi vào thẳng vấn đề, như vừa xa nhau ngày hôm qua.
Truyết và tôi được Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, anh Ba chỉ thị lập thành một tổ
riêng biệt, bí mật, tổ chức mạng lưới giáo chức. Chúng tôi tìm gặp những chuyên
viên trong ngành giáo dục để tổ chức một mạng lưới giáo dục cho Việt Nam hậu
chiến tranh.
Thừa lệnh Giáo sư, tôi đã giới
thiệu Truyết vào Đảng và Truyết bí mật «Tê Đơ» Tân Đại Việt tại nhà Ông Cụ tôi,
là anh Ba Xướng, đường Nguyễn Duy Dương, sau lưng trường Nam Sinh Mù chợ An
Đông. Hôm ấy có mặt Giáo sư do ông cậu tôi là Thiếu tá Nguyễn Trọng Đệ chở đến.
Hệ thống Trí thức Vận, Truyết và tôi, bị cạnh tranh rất mạnh bởi ảnh hưởng của
ông cố vấn về sau Tổng trưởng Bộ Dân Vận là anh Hoàng Đức Nhã, cũng là anh bạn
đồng môn trung học Lycée Yersin với tôi.
- Công tác thứ hai nằm trong suy nghĩ tổ chức một Trường Đại học
có nhiệm vụ năng luyện những quản trị gia chuyên nghiệp. Giáo sư Nguyễn Ngọc
Huy giao cho tôi và anh Trần Minh Xuân dựng một Viện Đại Học thương mãi, «Trường
Cao đẳng Thương mãi Minh Trí». Công tác là phải tạo một lớp cán bộ cán sự và chủ
sự trong những ngành công thương nghiệp tư doanh của mạng lưới kinh tế tương
lai của Việt nam. Tôi làm nhiệm vụ đảm
nhận trách nhiệm Trường Cao Đẳng Minh Trí với giáo sư Trần Minh Xuân. Truyết
lúc ấy đang làm việc ở Đại học Sư Phạm Sài Gòn và cũng có vị trí tổ chức ở Viện
Đại học Cao Đài, Tây Ninh, nên không cùng tôi trong công tác ấy.
Mạng lưới Đại học Sư phạm, Đại
học Cao Đài, Cao Đẳng Minh Trí đan với mạng lưới Quốc Gia Hành Chánh và các sĩ
quan Quân đội Việt Nam Cộng Hòa sẽ củng cố vai trò của Đảng Đại Việt và các đảng
viên Đại Việt tái thiết một Việt Nam hậu chiến tranh, với một tư tưởng, một lý
thuyết, trong một đồng thuận nhứt định mà chất keo là tư tưởng và lý thuyết Đại
Việt. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, Giáo sư Nguyễn Văn Bông đã gieo rắc cán bộ hành
chánh của nền Cộng hòa Việt Nam với những ý niệm, quan niệm, tư tưởng cho một nền
tảng chánh trị, hành chánh công minh, sáng sủa, với những quan niệm rõ ràng về
dân chủ hiến định thực sự, đối trọng ngang tầm với một đối lập xây dựng, kiểm soát (Nguyễn Văn
Bông), với những chu kỳ thay phiên cầm quyền (Nguyễn Ngọc Huy) Quan niệm
"Check and Balance" biến thành tập tục chánh trị dân chủ. Cùng với
hai Giáo sư, cũng cần nên nhắc đến Ký giả Phạm Thái Nguyễn Ngọc Tân, tức anh Bảy
Bớp đi gieo những hạt giống dân chủ.
Và hiện nay, cả ba con chim đầu
đàn đã đi vào thiên cổ. Xin đốt lên một nén hương để tưởng niệm Ba Vị đàn anh
trong gia đình Đại Việt.
Đến phiên chúng tôi, anh Trần
Minh Xuân và tôi, chúng tôi lãnh sứ mạng gieo rắc và tổ chức mạng lưới cán bộ
dân sự tương lai đóng góp cho mạng lưới quản lý các công thương nghiệp tư doanh
cho Việt Nam thời hậu chiến tranh. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã nghĩ đến thời hậu
chiến ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Viện Đại học Cao đẳng Thương mại
Minh Trí khai giảng mùa nhập trường năm 1974 và tan hàng cùng với đất nước vào
ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Những ngày mất ngày
tháng
Sau ngày Việt Nam Cộng Hòa tan
hàng rã ngũ, anh em tứ tán bốn phương trời, tù đày cực nhọc nhiều hơn thoải mái
sung sướng. Ba tôi và hai em tôi đi tù, tôi giữ trách nhiệm quản lý công ty BGI
La Ve, nước đá, nước ngọt, núp bóng qua ngày.
Còn bạn tôi, Truyết, chỉ một
thời gian ngắn sau ngày 30 tháng 4, bị "mời" ra khỏi ban giảng huấn
vì một tội danh, tuy không nói ra, nhưng qua những người đồng nghiệp, đó là tội
"có tinh thần quần chúng" mà chế độ không thể chấp nhận một "đức
tánh" chỉ dành riêng cho cán bộ đảng cộng sản mà thôi. Nhưng, với cái
thông minh và tài năng của nghề nghiệp trong một cái ngành rất hiếm có ở Việt
Nam, Truyết được một cán bộ ở Thành ủy lưu ý và mời về phụ trách Trạm Sản Xuất
Thí Nghiệm, một tiền thân của Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất thử, và sau cùng
cho đến hiện tại là Ủy ban Khoa học thành phố ngụ tại 244 Đường Điện Biên Phủ,
Sài Gòn.
Truyết cũng phải nín thở sang
sông. Nhưng chúng tôi cũng bắt liên lạc lại với nhau. Cái hy hữu là chính những
cán bộ quân quản Việt cộng ái mộ tài nghệ anh Tiến sĩ hóa học Mai Thanh Truyết
giới thiệu Mai Thanh Truyết với tôi, Giám đốc một công ty sử dụng rất nhiều hóa
chất, từ kỹ nghệ lạnh đến nước ngọt, la-ve...
Ban ngày, chúng tôi, hai
chuyên viên, có đôi lần gặp nhau ở văn phòng tôi, đường Hai bà Trưng. Nhưng tối
đến, tôi thường, cùng các nhơn viên ra bến tàu hóng mát, ăn hột vịt lộn nhậu la
de, và bạn Truyết cũng "tình cờ" có dịp ra hóng mát ở bến tàu nhập bọn
với chúng tôi. Chúng tôi giữ rất bí mật, không bao giờ gặp riêng hai đứa, cạnh
chúng tôi, luôn luôn có người, hoặc là dân BGI làm việc cùng tôi, hay giáo chức
quen với Truyết, có khi có cả cán bộ quân quản BGI nhập bọn với dân la-ve.
Trong cảnh tranh sáng tranh tối
của bến tàu, chúng tôi cầm tay nhau, cố gắng ngó mắt nhau khích lệ lẫn nhau.
Tôi không một lần hỏi thăm gia đình Truyết, xem vợ con Truyết thế nào? Cũng như
Truyết không bao giờ hỏi thăm tình cảnh vợ con tôi.
Bạn với nhau cả nửa đời người,
hai đứa chúng tôi vẫn không biết tên những đứa con của nhau. Gia đình Truyết,
tôi chỉ thực sự gặp lần đầu, khi gặp nhau lại ở Mỹ năm 1994. Vợ chồng Truyết
trái lại, đã đến thăm cha mẹ tôi sau năm 1978, sau khi Truyết ở tù về và trước
khi vượt biển.
Rồi đến phiên tôi đi tù, rồi đến
phiên Truyết đi tù, Chúa Phật thương chúng tôi nên gởi anh bạn Truyết vào phòng
giam của tôi. Chúa thương tôi nên tôi được bà vợ đầm la ó làm khó dễ với cơ
quan công an quản thúc, nên tôi được đặc biệt thăm nuôi dồi dào và tử tế hơn những
người tù khác. Để trả ơn Chúa, mâm cơm hằng ngày của tôi luôn luôn có những người
bạn thay phiên chia sẻ, vì vậy tôi được hân hạnh làm quen với rất nhiều bạn, mà
trong đời sống xã hội bình thường của Việt Nam tôi không có dịp gặp: những nhà
văn nhà thơ văn nghệ sĩ, những tu sĩ, những cậu bé gan dạ anh hùng rải truyền
đơn chống cộng sản như: các anh Nhà thơ Trần Dạ Từ, Họa sĩ Đằng Giao, Giáo sư
Ma Xuân Đạo, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, Nhà
báo Đinh Quang Anh Thái thời còn là một cậu học sinh lưu lạc, bác cựu Đại sứ
Nguyễn Quý Anh, các Luật sư Mai Văn Lễ, Vũ Ngọc Truy, các đồng môn Lycée Yersin
Luật sư Trần Danh San, Luật sư Nguyễn Hữu Giao, các Thầy Vũ Quốc Thông... và
nhiều bạn nữa nay không nhớ hết tên xin quý vị tha lỗi cho.
Thời gian Truyết ở tù chung
phòng với tôi, Truyết ăn chung mâm cùng tôi và Đinh Quang Anh Thái. Thái không
biết chúng tôi đã là anh em với nhau từ trước, vì tôi đối đãi với Truyết như là
một người mới quen trong tù, sau nầy có thể qua Mỹ, Thái mới biết anh em chúng
tôi quen nhau từ lâu.
Nhờ là chuyên viên trong ngành
chuyên môn, nên Việt cộng không xem Mai Thanh Truyết là ác ôn và Truyết được thả
ra sau một thời gian "dằn mặt". Còn tôi tiếp tục lật vài cuốn lịch nữa
trước khi "được" hay "bị" trục xuất đuổi về "xứ vợ"
tháng 6 năm 1980.
Tái ngộ
Năm 1989, sau bao năm tháng
lưu lạc tha phương cầu thực ở châu Phi và châu Âu, tôi bỏ tất cả về định cư ở
Poitiers và trở lại ngành dạy học. Hè 1994, nhờ vào ngành Giáo dục nên có nghỉ
hè, tôi đi Mỹ thăm gia đình em gái, đây lần đầu tôi đi Mỹ. Và tôi gặp lại Mai
Thanh Truyết và gia đình Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn. Mặc dù với Đảng, tôi đã bắt lại
liên lạc với Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy ngay từ những năm 1980 khi tôi vừa đặt
chân đến đất Pháp, nhưng sau đó, vì cuộc sống bên kia biển Địa Trung Hải nên
tôi không có dịp sinh hoạt với nhóm của giáo sư Huy ở Paris. Vả lại Giáo sư Huy vẫn muốn tôi giữ
tung tích kín, vì ông cần sử dụng tôi trong những công tác đặc biệt. Ông thường
gọi điện thoại để giao cho tôi những công tác ngoài đoàn thể. Bác sĩ Nguyễn Tôn
Hoàn cũng thế, khi gặp lại tôi, ông cũng không muốn để tôi lộ mặt ra. Và đối với
Mai Thanh Truyết cũng thế.
Đấu tranh
Gặp lại Truyết, câu đầu tiên
là "bồ vẫn như ngày nào với mình sống chết có nhau" "Song sao
Truyết vậy", và bắt tay cái cụp, chúng tôi có chụp bức hình kỷ niệm ấy,
không biết Truyết, bồ còn giữ không? Mình trân quý nó lắm!
Và bạn
Mai Thanh Truyết từ năm 2005, đã chấp nhận ra ánh sáng cùng với tôi điều hành Đại
Việt Quốc Dân Đảng nên tôi mới kể chuyện nầy, trước là để cám ơn Giáo sư Nguyễn
Ngọc Huy đã dành cho tôi những ưu ái đặc biệt, sau cũng để giới thiệu bạn Mai
Thanh Truyết.
Và chúng tôi, ngay những ngày ấy
đã nhận rõ và chia vai trò với nhau: vai trò của Truyết phải trau dồi tài nghệ
nghề nghiệp và để tái tạo một trận đánh trên lãnh vực khoa học, đánh vào cái chỗ
yếu của Việt Cộng: môi sinh, môi trường, hóa chất, nước, nước thải, rác, hóa chất
độc hại, cùng những vấn đề nhức nhối của Nhơn loại, và chỗ yếu của những nước
kém phát triển và yếu kém về mặt quản trị. Vì đó là nghề của Truyết, Truyết sẽ
đem nghề nghiệp, sở trường khả năng mình phục vụ cho chánh trị và đấu tranh cho
dân chủ và tự do cho Việt Nam. Dùng nghề nghiệp, sở trường, và tấm lòng son sắt
đối với quê hương của mình biến thành vũ khí đấu tranh chánh trị.
Còn vai trò tôi?
Tầm thường hơn, bổn phận tôi
là tôi sẽ làm ông từ đường rán giữ cái nhà Đại Việt.
Gặp nhau lần đầu hai anh em đã
thấy rõ chiến trường tương lai sẽ do môi sinh và môi trường chủ động, sông
ngòi, nguồn nước, không khí, ô nhiễm, phân bón, rác rưới, nước thải... nói tóm
lại kinh tế càng phát triển để nuôi sống con người, càng phải quản lý chặt chẽ
và khoa học những đầu nguồn và những phế thải của sự sống của con người. Nói
tóm lại phải biết phát triển bền vững và biết quản lý nguồn sống. Môi trường sẽ
là một đề tài chánh trị lớn, trị nước an dân vẫn sẽ do chánh trị, kinh tế nhưng
chánh trị kinh tế là quản trị với môi trường, với đạo đức, trong sạch trong
sáng, luật lệ phân minh và sống với quốc tế liên lập, khu vực, vùng, hợp đồng
qua lại thế lưỡng lợi (Win-Win situation).
Những lý thuyết chánh trị, Cộng
sản chủ nghĩa hay Tư bản chủ nghĩa chỉ dựa trên những lý thuyết phát triển kinh
tế và tổ chức xã hội không nghĩ đến vai trò của Thiên nhiên và Môi trường đối với
con người.
Nói tóm lại, các chủ thuyết chánh
trị đều tranh dành cầm quyền làm chủ căn nhà và tổ chức làm ăn trong một căn
nhà, nhưng không một ai nghĩ phải làm sao bảo quản căn nhà, sửa cái cột, lợp
cái mái, sơn cái tường, đào cái giếng... Hãy học bài học canh tác của người Thượng miền Cao nguyên
Nam Trung phần, họ canh tác xoay vần trên nhiều thửa ruộng khác nhau, họ luôn
luôn chừa một thửa ruộng bỏ "góa", không canh tác một năm để đất ruộng
ấy nghỉ (terre en jachère). Chặt cây đốn rừng thì phải trồng cây mới... phải sống
với thiên nhiên, phải bảo quản thiên nhiên. Không khí, nước dùng, sông ngòi biển
cả, rừng núi không phải là vô tận, phải biết quản lý và quản lý một cách khoa học.
Đề tài sông Mê kông và sự sống
còn của đồng bằng sông Cửu Long, anh em Hội Khoa học & Kỹ thuật mà Mai
Thanh Truyết là một thành viên nòng cốt đã thấy và đã báo động với cộng đồng Việt
Nam Hải ngoại và thế giới từ những năm '90 của thế kỷ trước. Rồi Chất độc Da
Cam, rồi nước thải, rồi những bãi rác, Bauxite... mỗi đề tài Mai Thanh Truyết
nêu ra là những mũi tên bắn thẳng vào kẻ thù.
Tiếng nói của Mai Thanh Truyết
là tiếng nói của một nhà khoa học.
Tiếng nói chánh trị của Mai
Thanh Truyết là tiếng nói một nhà khoa học có trách nhiệm.
Trên bàn viết tại nhà Truyết,
tôi thấy một tấm "phướng" ghi bài thơ của một Phật tử tên Phổ Kiên
(hiện nay là một Đại Đức) gửi cho Truyết ngày 21/9/2003 nhân chuyến viếng thăm
nhà máy xử lý nước, nơi Truyết làm việc ở West Covina. Bài thơ có nội dung như
sau:
Bồ tát thanh lương thủy
Thường du bất cánh không
Chúng sanh thủy cấu tịnh
Bồ đề ảnh hiện trung
Bốn câu thơ trên cũng nói lên
phần nào con người của Truyết mong hướng đến!
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết không
chống cộng vì cộng sản nó ngu nó dốt, nó khát máu, nó lưu manh, tóm lại nó
không giống mình.
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết chống
cộng và chỉ trích, phê bình vào cái bê bối, cái vô trách nhiệm của những tay
lãnh đạo Việt Nam, đang vì lòng tham tàn phá môi trường và đất nước chúng ta. Bù
lại, TS Mai Thanh Truyết đề xướng ra những giải pháp hay phương cách nhằm giải
quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như vấn nạn arsenic hay thạch tín trong
nguồn nước ở Việt Nam.
Truyết chứng minh với dư luận
cộng đồng Việt Nam trong và ngoài nước, với dư luận thế giới, rằng hành động phản
quốc của nhà nước Cộng sản đương quyền của Việt Nam khi cho Tàu khai thác Bô
xít ở Cao Nguyên Nam Trung phần Việt Nam là một hành động bán nước, vì về mặt
kinh tế không có cái lợi gì cả mà chỉ phá nước hại dân, phá hoại môi trường vùng
cao nguyên. Về mặt chánh trị làm chia rẽ đoàn kết dân tộc Việt,
giữa các sắc tộc Thượng, Chàm và Việt (CSBV gọi là Kinh). Trung Cộng, khi trúng
thầu (thực sự do Trung Cộng cầu kết với Cộng sản Việt Nam) khai thác Bauxite,
khi trúng thầu xây nhà máy điện nguyên tử ở Ninh Thuận, Phan Rang là đang có âm
mưu cắt vùng Đông Dương làm đôi bằng cách tổ chức lại bình nguyên Bolloven với
chương trình Đặc khu Kinh tế Bolloven (gồm tỉnh Attopeu - Nam Lào, tỉnh
Mondolkiri - Bắc Cao Miên và vùng cao nguyên Nam Trung phần), cùng tỉnh Bình
Thuận - Phan Rang - Phan Rí, thành một vùng tự trị cho anh em dân tộc Thượng
Chàm.
Hôm qua, Mai Thanh Truyết có
mặt ở mọi mặt trận khoa học của Việt Nam, ngày hôm nay với những bài viết về sự
hâm nóng trái đất Mai Thanh Truyết đang có mặt trong cuộc chiến của cả nhơn loại,
đang lo cho cái sống còn của quả địa cầu và nhơn loại.
Mai Thanh Truyết lo cho địa cầu,
lo cho tương lai nhơn loại. Mai Thanh Truyết vì có cái suy nghĩ của một nhà
khoa học có trách nhiệm của những quốc gia đang phát triển, và cần phát triển,
nên Mai Thanh Truyết không quá khích như những Đảng Xanh của thế giới các nước
tiên tiến Âu Mỹ, đang có lý thuyết là đi ngược lại hay ngừng hẳn quá trình phát
triển của các quốc gia. Các Đảng Xanh Âu Mỹ vì sống ở những xã hội sang giàu của
thế giới tư bản, đang chống lại sử dụng nhiên liệu hầm mỏ cho rằng lạm dụng,
phung phí và phá hoại môi trường, đòi dân chúng thế giới hãy bớt hay ngừng phát
triển để khỏi tàn phá địa cầu. Nhưng các Đảng Xanh ấy quên các nước chậm tiến
như Việt Nam của chúng ta cần phát triển, cần sử dụng cây rừng để có giấy, cần
phân bón để canh tác, cần những hột giống đã được cũng cố hay thay đổi gène để
chống sâu rầy (OGM-Organisme à gène modifié)... cần dầu mỏ nhiên liệu để có
năng lượng cần cho phát triển...
Quả địa cầu ngày mai sẽ phải
nuôi sống 9 tỷ dân, không biết tổ chức, bảo quản đàng hoàng sẽ có nạn đói, thiếu
nước, thiếu đất canh tác sẽ là những vấn nạn nan giải.
Mai Thanh Truyết và tôi, hai
anh em cùng một cái nhìn đấu tranh, chúng tôi chống cộng vì Cộng sản sau khi cướp
chánh quyền bằng bạo lực, không biết quản trị đất nước, chống chủ nghĩa tư bản
mà ngày nay chạy theo tư bản hỗn loạn, miệng nói xã hội chủ nghĩa mà hành động
chống xã hội...
Chúng tôi
đấu tranh cho dân chủ trở lại Việt Nam, cho người dân Việt Nam lấy lại quyền tự
quyết, cho Việt Nam lấy lại Tự do...
Chúng tôi chống nhà nước đương
quyền Cộng sản vì họ bất lực trước sự xâm lăng của Trung Cộng, vì họ ươn hèn
không một tiếng phản đối khi lãnh thổ bị xâm lấn, khi người ngư phủ Việt Nam bị
tàu lạ mang biển số Trung Cộng đụng chìm.
Chúng tôi
đấu tranh chống Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền vì họ đang bán đất cho Trung Cộng,
bán biển cho Tàu.
Sách là người, lời văn là tâm
sự. Mai Thanh Truyết suốt những năm tháng qua cạnh tôi và các đồng chí chiến hữu
thân hữu đại gia đình Đại Việt luôn luôn bằng ngòi bút, bằng những buổi nói
chuyện trải lòng, trải giấc mơ của những anh em đồng chí chúng tôi. Tiến sĩ Mai
Thanh Truyết, người bạn hiền, anh bồ tèo, với cái tên gọi rất hóa học, do các bạn
Tây đồng môn gọi Truyết là "Méthane". Tôi dốt từ khoa học không biết Việt
Nam ta gọi méthane là gì, nhưng méthane là khí tự nhiên của những cơ thể đang
phân hủy tạo thành có thể biến thành khí đốt và năng lượng. MaiThanh – Méthane
Truyết hiện quản lý một nhà máy lọc nước, nước dơ nước bẩn nước phế thải vào
nhà máy, qua một quá trình biến thành nước trong, nước sạch và có thể thành nước
uống.
Tái tạo, luợm nhặt, thay đổi sử
dụng lại. "Không có gì tự sanh ra, không có gì tự hủy hoại, tất cả chỉ sự
thay đổi - Rien ne se crée, rien ne se perd, tout se transforme" Truyết
đang áp dụng câu nói bất hủ của ông đàn anh Truyết, nhà hóa học đại tài Pháp
Antoine Lavoisier 1743-1794. Cũng như anh em đấu tranh chúng ta, những bài viết
của Mai Thanh Truyết là những bài viết đấu tranh chánh trị chống độc tài cộng sản
nhưng với những câu chuyện, những dẫn chứng, những biện minh khoa học.
Hãy đọc Mai Thanh Truyết để
cùng đi với Mai Thanh Truyết trên một con đường đấu tranh cho sự tồn vong của
dân tộc Việt Nam.
Hãy đọc Mai Thanh Truyết để
cùng chúng tôi những đồng chí, những chiến hữu những thân hữu với Đại Việt,
cùng đi trên con đường chủ thuyết Dân tộc Sanh tồn. Các chủ thuyết chánh trị hiện
hành đều dựa trên những biện minh kinh tế và tổ chức xã hội. Dân tộc sanh tồn
chúng tôi dựa trên con người.
Dân tộc sanh tồn là cái không
gian sanh tồn của dân tộc Việt. Đảng trưởng Trương tử Anh, Giáo sư Nguyễn Ngọc
Huy đã dẫn dắt chúng tôi đi trên con đường ấy. Đảng trưởng dẫn những người cha
chú chúng tôi đấu tranh chống Pháp dành Độc lập, cho dân Việt. Giáo sư Nguyễn
Ngọc Huy dẫn chúng tôi đi trên con đường dân chủ hiến định, tam quyền phân lập,
đối lập thay quyền, tự do bầu cử, đa nguyên đa đảng.
Hãy đọc Mai Thanh Truyết để
cùng chúng tôi đấu tranh cho Dân tộc Sanh tồn, đấu tranh cho cái không gian
sanh tồn.
Mỗi dân tộc có một không gian
sanh tồn, một môi trường sanh tồn không ai xâm lấn ai. Tôi trọng không gian
sanh tồn anh, anh trọng không gian sanh tồn tôi.
Nam Quốc sơn hà Nam đế cư,
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư.
Hai câu muôn thuở của danh tướng
Lý Thường Kiệt ngay từ đời Nhà Lý đã nói đến cái Không gian Sanh tồn của dân tộc
Việt. Vua Nam ở nước Nam. Dân Việt ở đất Việt.
Hãy đọc Mai Thanh Truyết, để
cùng chúng tôi tôi đòi lại cho dân Việt Nam cái quyền Dân tộc Sanh tồn của người
dân Việt Nam, cho đất nước Việt Nam, quyền tự quyết của người dân Việt, cho đất
nước Việt, cho không gian sanh tồn Việt. Không gian Sanh tồn dân tộc Việt do
người Việt bảo quản người Việt quản lý.
Lúc xưa cha chú chúng ta chống
Pháp để bảo vệ không gian sanh tồn, đòi quyền tự quản của không gian sanh tồn.
Hai mươi năm chống cộng cũng để
bảo vệ cái không gian sanh tồn của người Việt Tự do, bảo vệ cái Quốc gia Việt
Nam, cái không gian Sanh tồn dân tộc Việt. Khi miền Nam Việt Nam mất ngày 30
tháng 4 năm 1975, lúc ấy mọi người mới thấy rõ không gian sanh tồn người Việt
không còn nữa, trốn chạy, tỵ nạn chỉ để tìm không gian sanh tồn mà thôi.
Hãy đọc sách Mai Thanh Truyết
để cùng anh em chúng tôi chia sẻ con đường Dân tộc Sanh tồn để mãi mãi chúng ta
có một không gian sanh tồn cho dân tộc Việt.
Cám ơn bạn Truyết đã gom lại
thành sách những bài viết từ mấy năm nay, tâm sự tâm huyết của hai chúng mình,
Truyết đã trải dài biến thành những dòng chữ.
Sách bạn sẽ là một đóng góp lớn
cho công việc chung của tất cả các đồng chí và hai anh em chúng ta. Bạn sẽ tiếp
tục cùng mình và các đồng chí lèo lái con thuyền Đại Việt. Đảng trưởng nhìn ta,
anh Tư nhìn ta, anh Ba nhìn ta, anh Bảy, cậu Đệ, anh Ba Xướng... Truyết có nhớ
ngày Truyết Tê Đơ, anh Ba Xướng dặn mình cái gì không? "Đường chông gai lắm,
hai thằng nhớ nhẫn nại... thua nhịn đã
đành, thắng cũng phải biết nhịn".
Nhẫn nại nhé bạn!
Bạn viết bài là bạn mài gươm
dưới trăng đó.
Hồi Nhơn
Sơn July 4th, 2013.
Phan Văn
Song
No comments:
Post a Comment