Thursday, November 25, 2021

 

Nói về Việt Nam Tương Lai

Trong dịp ra mắt cuốn sách “Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam” năm 2010 tại Orange, CA, Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên, một đồng nghiệp ở Ban Hóa học, Đại học Sư phạm Sài Gòn trước 1975 có nêu bốn câu thơ của Võ Quốc Lịch như sau:

Ngẫu nhiên trời đất xoay quanh

Ngẫu nhiên cha mẹ sinh thành ra con

Ngẫu nhiên trong cuộc mỏi mòn

Ngẫu nhiên đưa ngực hứng đòn tử sinh

 

Duyên đọc ra đây để nói về những việc làm của tôi trong mấy chục năm qua và tình nguyện chấp nhận “đòn tử sinh” từ nhiều phía. Và cũng mỉa mai thay, đòn tử sinh nầy không những đến từ những người CS Bắc Việt, nguyên nhân của mọi khổ đau của dân tộc. Mà đòn tử sinh còn đến từ phía những người đã từng là bạn trong một thời gian dài, nhưng vì khác quan điểm và …con đường về quê hương, cho nên biến thành thù. Và đòn tử sinh thứ ba đến từ những kẻ “nửa hồng nửa xanh”, những người thường thường xuôi theo làn gió vì quyền lợi cá nhân.

Nhưng dù sao đi nữa, chính nhờ ba đòn tử sinh trên mà tôi vẫn tiếp tục…mài kiếm dưới trăng như lời một người bạn chiến đấu trong gần 50 năm, Tiến sĩ Phan Văn Song bên Pháp.

Cho đến hôm nay, tôi vẫn tiếp tục đi trên con đường chông gai hầu mong thực hiện những giấc như bài thơ Về Lại Saigon mà tác giả là một “nửa” của bản thân viết từ năm 2012 sau khi đọc tác phẩm “Tâm Tình Người Con Việt”:

Về Lại Sài Gòn

 Anh từng hẹn nhiều lần

Cùng bè bạn, người thân

Sài Gòn ta gặp lại

Ngày nắng đẹp thật gần

 

Ước mơ anh cưu mang

Thanh bình khắp xóm làng

Nhân quyền được tôn trọng

Nhà cầm quyền minh quang

 Anh mơ một bệnh xá

Cho mỗi làng mỗi xã

Có thuốc men cấp cứu

Đủ chăm sóc mọi nhà

 

Mơ mái trường nho nhỏ

Cho Thầy, Cô, học trò

"Câu thiệu" không nhồi sọ

Vào đầu những trẻ thơ

 

Anh ước mơ nông dân

Được học cách canh tân

Chăn nuôi và trồng trot

Thu lợi thêm bội phần

 

Anh mơ thấy tình người

Chào nhau trong niềm vui

Tình thâm láng giềng gần

Năng thăm hỏi tới lui

 

Anh mơ được bảo vệ

Từng tấc đất thôn quê

Tạo môi trường lành mạnh

Chuẩn bị cho ngày về…


Cho đến ngay giờ phút viết những lời cáo bạch cùng đọc giả, người viết vẫn còn tiếp tục mơ. Chính vì vậy, cuốn sách Việt Nam Tương Lai mới đến với bạn đọc. Tôi không mong tìm về những hình ảnh đẹp thời xa xưa ở Việt Nam như hình cậu bé chân đất ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, hình cô gái Huế mặc áo dài chèo ghe trên sông Hương, hoặc là những hình cầu tre lắt lẻo trên những đường đất nước Đồng bằng sông Cửu Long mà là …mơ về hình ảnh:

 

  • Các em nhỏ áo quần chỉnh tề, mang giày săng đan xếp hàng đi vào lớp học khang trang sạch sẻ;
  • Các cô gái Huế thướt tha đang làm việc trước máy điện toán, hay lịch thiệp hướng dẫn các đoàn du lịch ngoại quốc đi thăm di tích huy hoàng của cố đô Huế với lăng tẩm những vì vua Việt Nam;   
  • Những cầu tre xiêu vẹo được thay thế bằng những chiếc cầu bê tông vững chắc, trên đó xe đạp, xe gắn máy có thể chạy thong dong và an toàn.

 

Tuy đó là những giấc mơ hiện tại, nhưng người viết với niềm tin khẳng quyết là quê hương dấu yêu của chúng ta sẽ có một ngày mới như thế đó.

 Và, Việt Nam Tương Lai ra đời sẽ là một sự phác thảo những giấc mơ trên biến thành hiện thực bằng cách chuẩn bị cho tương lai Việt Nam một khi không còn bóng dáng những người quản lý Đất và Nước với một não trạng chuyên chính vô sản bịnh hoạn. (Quyển sách “Việt Nam Tương Lai” I và II đã xuất bản năm 2014) 

Đây chỉ là một đóng góp sơ khởi mà người viết đặt trọng tâm vào các lãnh vực ưu tiên cần phải làm một khi hoa dân chủ, dân quyền nở rộ trên quê hương. Dĩ nhiên, những gợi ý trên cũng cần tất cả đóng góp của những người con Việt, dù ở quê nhà hay tha hương trên khắp nẻo đường. 

Dù tuổi đời đã đến sát con số tám, nhưng người viết vẫn  còn thao thức cho một ngày về, một ngày về không cần “mài kiếm dưới trăng” nữa mà là “an bần lạc đạo” trong cảnh chập chùng non nước của vùng quê bên dòng sông Cửu.

Mai Thanh Truyết

Người con Việt viết cho Quê hương

 

 







No comments:

Post a Comment