Monday, November 29, 2021

 

Thân chuyển một bài viết về “Kỳ thị…” của một đồng nghiệp “tháo giầy” ở Việt Nam, GS Lâm Văn Bé.

***

Từ kỳ thị tù nhân đến kỳ thị hệ thống ở Québec

Lâm Văn Bé

 

Kỳ thị là hiện tượng có từ cổ chí kim và nơi nào cũng có, chỉ khác nhau ở hình thái và mức độ. Tại Canada, sự kỳ thị giữa người gốc Pháp với người gốc Anh, giữa người Anh và Pháp với người Thổ dân đã bắt đầu từ khi lập quốc ngày 1 tháng 7 năm 1867 chưa kể thời chiến tranh trước đó. Cho đến khi hoàn tất liên bang vào năm 1949, trong số 10 tỉnh bang, chỉ có Québec là tỉnh bang Pháp thoại, 9 tỉnh còn lại (ROC/Rest of Canada) kể cả 3 vùng lãnh thổ của người Thổ dân đều là Anh thoại.   

Sau thế chiến thứ hai, những dân nhập cư vào Canada phần lớn đều định cư ở các tỉnh bang Anh thoại, và từ năm 1977, khi Québec ban hành đạo luật 101 buộc trẻ con di dân phải học tiếng Pháp, những di dân mới đến vẫn muốn chọn các tỉnh bang Anh thoại, và nếu «phải» định cư ở Québec, họ vẫn thích chọn học ở CEGEP và đại học tiếng Anh vì tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế và kinh tế. 

Từ đấy, Québec có thêm một đối tượng kỳ thị là những di dân không có tiếng mẹ là tiếng Pháp mà Québec gọi chung là minorités ethniques (thiểu số sắc tộc). Mức độ kỳ thị ở Québec thay đổi tùy theo đảng cầm quyền, càng rõ rệt hơn với đảng có chủ nghĩa quốc gia (nationalisme), như trước đây là Parti Québécois, và hiện nay là CAQ (Coalition Avenir Québec). Bài viết nhận định vài sắc thái  kỳ thị nổi bật ở tỉnh bang Québec. 

Ở tù vẫn bị kỳ thị 

Một nghiên cứu tựa là «Le profil des personnes judiciarisées au Québec » của hai tác giả Pierre Tircher và Guillaume Hébert do Institut de recherche et d’informations socioéconomiques (IRIS) vừa được phát hành ngày 17/11/2021 liên quan đến chủ đề người bị kết án tội hình sự và bị giam ở Québec. Theo hai tác giả, những tù nhân loại nầy vô tù năm 2019-2020 bị xếp  theo màu da thuộc 4 loại với tỷ lệ như sau : 

Da lợt (pâle) :                35.37%

Da «sáng» (clair) :         31.20% 

Da trung bình (moyen) : 24.20%

Da sậm (foncé) :              9.23% 

(sđd, tableau 11, p. 11) 

Sự phân loại nầy thực là đặc thù của «quốc gia» (nation) Québec mà Thủ Tướng Legault luôn lạm ngôn khi nói về tỉnh bang của mình. Nhận định về cách phân loại, tác giả Pierre Tircher cho là «không thể chấp nhận được, kỳ thị, kỳ dị, phản khoa học, đặc biệt là trái với những tiêu chuẩn và phương pháp thống kê của Statistique Canada» 

Khi nói đến da trung bình và da sậm, bảng phân loại muốn nói đến các sắc tộc mà Statistique Canada gọi là minorités visibles. Theo định nghĩa, minorités visibles là những dân tộc không phải là Thổ dân (Autochtones) , không phải là chủng tộc trắng hay da trắng. Đó là những dân tộc Nam Á (bán đảo Ấn Độ), Đông Nam Á, Tây Á, Trung Quốc, Phi Luật Tân, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ Châu La Tinh, Á Rập, Da Đen. 

 Trừ người da đen có thể nhận biết rõ là da sậm, nhưng với các sắc dân khác như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Á Rập…  có màu da từ lợt, trung bình đến sậm, vậy Québec xếp theo loại nào ? Dựa vào yếu tố nào để phân biệt da lợt và «da sáng». 

Ngoài ra, theo Statistique Canada năm 2016 (thống kê 2021 chưa công bố đầy đủ), tổng số dân «minorités visibles» ở Québec là 13% so với dân số toàn tỉnh. Nếu tính theo bảng phân loại tù nhân da trung bình và da sậm như trên là 33.43% trong khi tỉ lệ dân minorités visibles chỉ có 13%, như vậy  số tù nhân loại nầy chiếm gấp 2.6 lần. Phải chăng qua cách phân loại, Québec muốn chứng minh là các dân tộc có da trung bình và da sậm có tỉ lệ phạm pháp hình sự cao hơn dân da lợt và da «sáng» ? Được hỏi là sự phân loại nầy có dụng ý gì, đại diện Bộ An Ninh Công Cộng (Sécurité publique) trả lời là dùng để nhận diện tù nhân khi mãn án ra khỏi nhà tù hay khi vượt ngục. Maria Mourani, giáo sư về Tội Phạm học (Criminologie) ở Đaị học Montréal nhận định cách phân loại  nầy là « ngu xuẩn và kỳ thị » (JdM, 17/11/2021). Người viết muốn nói rõ hơn đó là loại kỳ thị tinh vi gọi  là kỳ thị  hệ thống. 

Thế nào là kỳ thị  có hệ thống (racisme systémique)

 Trước hết người viết không có ý định đi sâu vào lãnh vực môn Ý nghĩa ngôn ngữ  học (sémantique) cũng như các môn học khác để đưa ra định nghĩa hai danh từ phân biệt đối xử (discrimination) và kỳ thị chủng tộc (racisme) vì trang giấy có hạn, nhất là quan điểm của các chuyên gia cũng khác nhau. Một cách tổng quát :

 Phân biệt đối xử  là hành động tạo ra sự phân biệt một cách sai trái giữa những con người với nhau dựa trên các đặc điểm như giới tính, tuổi tác, xu hướng tính dục (LGBTQ / lesbian, gay, bisexual, transgender, queer), quốc tịch, màu da, tôn giáo, sắc tộc, địa vị kinh tế, địa vị xã hội, ngôn ngữ…Cường độ và chủ đích của phân biệt đối xử thường nhẹ nhàng hơn kỳ thị. 

Kỳ thị chủng tộc là dựa vào các thuyết  về ưu thế các chủng tộc. Mặc dù ý niệm về chủng tộc (race) đã có từ thời Thượng cổ biểu hiện qua chế độ bộ tộc và nô lệ, nhưng danh từ chủng tộc chỉ thực sự chính thức xuất hiện từ đầu thế kỷ XVII và danh từ racisme từ đầu thế kỷ XX. Bởi lẽ những cuộc tranh chấp dữ dội vì kỳ thị đẳng cấp (caste) ở Ấn Độ, kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi (apartheid), màu da ở Hoa Kỳ, diệt chủng ở Đức, Soudan, Campuchia, Bosnia, tất cả những tranh chấp đẫm máu nầy đã hằn sâu thêm vấn đề kỳ thị chủng tộc, do đó danh từ kỳ thị đã lần lần phổ quát sử dụng trong mọi trường hợp kỳ thị hay phân biệt đối xử. 

Kỳ thị có thể biểu hiện dưới 3 trạng thái 

1– Kỳ thị trực tiếp: là sự phân biệt đối xử của một cá nhân với một cá nhân, một cá nhân với một tập thể, hay giữa các tập thể với nhau, biểu lộ qua lời nói hay hành động, gây ra những thiệt hại về vật chất, tinh thần, phẩm giá cho người hay tập thể bị kỳ thị. Lý do kỳ thị là một hay những yếu tố đã nêu trên. Kỳ thị trực tiếp có thể là hành động tự phát của cá nhân hay tập thể quyền lực. Loại kỳ thị nầy thường bị luật pháp trừng phạt vì dễ nhận diện. 

2- Kỳ thị gián tiếp: biểu hiện qua các chính sách, luật lệ, tổ chức… trông có vẻ hợp lý, công bình, nhưng ngầm chứa những thiệt hại vô tình hay cố ý cho đối tượng bị kỳ thị. Thí dụ : Một công ty quyết định cho con của nhân viên cấp chỉ huy (staff) được ưu tiên thu nhận làm việc mùa hè. Quyết định nầy là một kỳ thị gián tiếp vì đa số cấp chỉ huy là người da trắng, con của những nhân viên sắc tộc ít có cơ may được hưởng quyền lợi nầy. Một thí dụ khác : Sở Địa Ốc phân phối nhà xã hội cho cư dân theo những tiêu chuẩn rất minh bạch, công bình, nhưng trong giá tiền mướn nhà có cung cấp bữa ăn trưa theo thực đơn của người Tây phương. Như vậy, một cách gián tiếp, người sắc tộc mặc nhiên bị kỳ thị vì đa số không ăn được (hay không thích) thức ăn của người Tây phương mà vẫn phải trả tiền. 

Một thí dụ khác gần đây. Ngày 18/11/2021, Thủ tướng Legault thành lập một « Ủy ban nghiên cứu về hockey » do Bộ trưởng Tài Chánh giám sát để cứu nguy môn thể thao quốc gia của Québec là hockey vì từ 20 năm nay, hockey đã lần lần giảm người ham mộ, dĩ nhiên phải nhờ tài trợ của chính phủ và mạnh thường quân. Ngoài ra, trong khi Québec đang đối đầu với cơn đại dịch mà chưa thấy lối ra, kinh tế khó khăn, thiếu nhân công và đình công hàng loạt, thì chính ông lại chủ trì vận động kế hoạch tái lập đội hockey Nordiques cho thành phố Québec (vì bị thua lỗ đã phải bán năm 1995 cho đội Colorado), trong khi tại Montréal đã có đội Canadien từ cả thế kỷ nay, chưa kể người dân Québec còn thích các môn thể thao khác như baseball, soccer. Báo chí và giới thể thao đã phản ứng bất lợi, ngay cho George Laraques, một thủ môn hockey nổi tiếng của đội Canadien cũng chỉ trích vì cho đó là một cách kỳ thị với dân sắc tộc.

 Nếu khi xưa (và cả đến hôm nay), Québec có « Hai nỗi cô đơn »(tác phẩm nổi tiếng Two Solitudes  của Hugh Mac Lennan xuất bản năm 1945 nói lên sự phân cách giữa người Anh thoại và Pháp thoại, bản dịch tiếng Pháp là Les deux solitudes) thì hôm nay, với chính sách dân túy (populisme), Legault đã thêm 2 nỗi cô đơn nữa là phân cách thành thị và thôn quê, chia rẻ thành phố Québec và thành phố Montréal. 

3- Kỳ thị có hệ thống: là loại kỳ thị thâm độc nhất, phát xuất từ những định kiến (thí dụ di dân là những voleurs de jobs, a tòng với người Anh thoại để chống lại người Québécois…), những tập tục đã tồn tại từ lâu đời, và mặc dù có những thay đổi, nhưng xã hội và những nhóm đa số quyền lực không muốn tuân hành hay tuân hành không trọn vẹn khiến cho những nhóm thiểu số yếu kém tiếp tục bị dồn nén trong bất công, bất bình đẳng và bất mãn.  Chế dộ kỳ thị chủng tộc apartheid  ở Nam Phi, chế độ đẳng cấp (caste) ở Ấn Độ, chính sách di dân, cung cấp dịch vụ cho di dân là điển hình chính sách kỳ thị có hệ thống. 

Kỳ thị có hệ thống ở Québec 

Sau đây là vài  thí dụ điển hình theo các lãnh vực và theo dòng thời gian: 

Tuyển chọn những ứng viên thường trú y khoa (résidence), giai đoạn cuối cùng để có thể hành nghề bác sĩ ở Québec

Tại Québec, các di dân tốt nghiệp từ các đaị học y khoa ngoài Canada và Hoa Kỳ khó có thể tìm được một chỗ thường trú tại 4 trường đại học y khoa ở đây, ngay cả họ tốt nghiệp từ các đại học lớn trên thế giới, có nhiều kinh nghiệm hành nghề trước khi nhập cư Québec và mặc dù đã được Hiệp Hội Y sĩ Québec (Collège des médecins du Québec) chấp nhận văn bằng tương đương. Năm 2007, tất cả các bác sĩ tốt nghiệp từ 4 trường Y khoa đều đương nhiên có một chỗ thường trú trong khi 2/3 bác sĩ tốt nghiệp ở các nước khác không tìm được chỗ. Những bác sĩ di dân nầy khiếu nại với Ủy Ban Bảo vệ Nhân Quyền Québec (Commission des droits de la personne du Québec). Phải chờ đến 3 năm điều tra, Ủy Ban mới xác nhận vào năm 2010 là các đại học y khoa và Hiệp Hội Y sĩ đã áp dụng chính sách kỳ thị có hệ thống đối với các bác sĩ di dân vì những lý do sau đây :

 – Hội đồng tuyển chọn ứng viên thiên vị đối với các ứng viên nói tiếng Pháp và trẻ tuổi, không quan tâm đến kinh nghiệm và khả năng của các bác sĩ di dân so với ứng viên tốt nghiệp từ các đại học địa phương. 

-Tiêu chuẩn «công trình nghiên cứu» bất công đối với bác sĩ di dân vì các bác sĩ địa phương được trợ cấp trong khi làm nghiên cứu. 

– Tiêu chuẩn «gián đoạn hành nghề» bất công vì người di dân phải chờ đợi thời gian dài để làm thủ tục nhập cư, cứu xét bằng cấp, và chờ quyết định của Ủy Ban tuyển chọn, điều mà người bác sĩ di dân không trách nhiệm để bị gián đoạn nghề nghiệp. 

– Hội đồng tuyển chọn không có đại diện của nhóm bác sĩ di dân… 

Những lý do mà Ủy Ban nêu lên thực sự chỉ là những lý do nhận thấy được, nhưng tiềm ẩn cái lý do sâu kín là chánh sách bảo thủ nghiệp đoàn (corporatisme) không muốn có bác sĩ được đào tạo ở ngoại quốc. Đó là chính sách kỳ thị có hệ thống trong y giới. Cho đến nay, Québec đang bị thiếu nhân viên y tế trầm trọng, nhưng chính phủ vẫn không nhận các bác sĩ, y tá tốt nghiệp ở ngoài Québec. 

Kỳ thị vì cái tên 

Trong một luận án tiến sĩ ở Đại học Sherbrooke về đề tài kỳ thi chủng tộc ở Québec, tác giả L.T-M ngụy tạo 8 cái CV của 8 ứng cử viên để gởi xin một chỗ kỹ sư cơ khí ở Lévis. Các CV nầy ghi cấp bằng, kinh nghiệm, và một số điều kiện yêu cầu tương đương, trong đó 4 người có tên họ Québécois tốt nghiệp ở Québec, 4 người có tên «ngoại quốc» trong đó 3 tốt nghiệp cũng ở Québec và 1 ở Toronto. Trong số 8 ứng viên ấy, 4 ngưới Québécois và người tốt nghiệp ở Toronto được mời phỏng vấn, và sau cùng 1 người Québécois tốt nghiệp ở Québec được tuyển chọn. Như vậy, 3 người di dân đã bị loại ngay từ đầu vì cái tên. Đó là kỳ thị hệ thống trong cách tuyển chọn nhân viên. 

Kỳ thị vì chánh sách phân biệt đối xử với di dân và Thổ dân 

Chiều ngày 26/09/2020, bà Joyce Echaquan, một thổ dân ở vùng Manawan đến phòng cấp cứu ở bịnh viện Joliette, cách Montréal chừng 50 km. Bà được nhập viện nhưng không thấy nhân viên nào đến, bà kêu la rên siết, nhấn chuông kêu cứu nhiều lần, nhưng không ai đến. Một y tá nói với đồng nghiệp : « C’est une Indienne, c’est pas grave, elle sonne pour rien ». Phải rất lâu sau, một y tá đến và sỉ vả ngay : «Tu es épaisse en câlisse ». Cuối cùng, khuya ngày 28, bà Echaquan chết. Khi được biết bà vừa chết, một y tá thông báo : «Enfin, on va avoir la paix, elle est morte»! Thật là dã man. 

Cũng tại bịnh viện nầy trước đó, trong phòng định bịnh (salle de triage) cho một bịnh nhân người Syrien, một y tá đã  tỏ vẻ bực mình nói với đồng nghiệp : «J’ai passé beaucoup de temps avec cette famille qui ne parlait qu’arabe». 

Bịnh viện nầy nổi tiếng kỳ thị  nguời thổ dân, và di dân, nhưng giới chức trách nhiệm không bao giờ cải thiện cho đến khi scandale nầy bùng nổ. Khi bị khiếu nại, một y tá đã sống sượng nói : «Ça aime mieux se faire fourrer, pis faire des enfants, pis se plaindre, pis c’est nous autres qui paye pour ça» (C’est une indienne, c’est pas  grave/Le Devoir 26/05/2021) 

Kỳ thị có hệ thống với người thổ dân và di dân vẫn còn ăn sâu trong tâm thức của người Québécois, nhất là ở vùng xa thành phố. (người viết không dịch để độc giả cảm nhận được sự vô cảm và những lời nói  thô lỗ với ngôn ngữ bình dân của những người kỳ thị). 

       4 – Kỳ thị trong giới công quyền

 Sau cái chết bi thảm của bà Joyce Echaquan, dân chúng biểu tình khắp nơi đòi hỏi chính phủ phải giải quyết vấn đề kỳ thị có hệ thống đối với người di dân và Thổ dân, do đó chính phủ phải bổ nhiêm một Bộ Trưởng phụ trách chống kỳ thị chủng tộc (Ministre responsable de la lutte contre le racisme). Điều cần nói rõ là thủ tướng Canada  Justin Trudeau và 9 thủ tướng tiểu bang, các cơ quan hiệp hội các tỉnh đều xác nhận Canada vẫn còn chìm đắm trong nạn kỳ thị chủng tộc có hệ thống, kể cả dân chúng Québec, duy chỉ có ông thủ tướng Legault nhứt định  phủ nhận sự kiện nầy  tại tỉnh bang ông cai trị. Trong nội các của ông có 2 người bộ trưởng gốc người Haïtien (Nadine Girard và Lionel Carmant), nhưng ông bổ nhiệm một người Québécois da trắng đang là Bộ trưởng bộ Môi Trường kiêm nhiệm chức vụ nầy. Bị báo chí chất vấn, ông trả lời là không nhất thiết một người da đen thì bảo vệ người da đen. Ông còn bồi thêm : « Ce qui était le plus important, c’était de trouver une personne qui a ce dossier à cœur». Họ tiếp tục đặt câu hỏi : Môi trường có liên quan gì với Kỷ thị…, khi ông bổ nhiệm một người da trắng phụ trách  chuyện người da đen thì tại sao ông không bổ nhiệm một người đàn ông phụ trách chuyện phái nữ (Ministère de la Condition féminine) Le Soleil, 24/02/2021). 

Kỳ thị vì cái gốc (souche)

 Người viết xin kể lại chuyện xưa ở Việt Nam trước khi kể chuyện nay ở Québec. 

Philippe Franchini, là con lai, cha là Mathieu Franchini, chủ nhà hàng Continental ở Saigon và mẹ là con gái của đốc phủ Lê Văn Mầu, lãnh chúa vùng cù lao Năm Thôn ở Mytho, quốc tịch Pháp, nhà giàu nức đố đổ vách. Hơn ai hết trong số người Pháp ở VN, Philippe Franchini là người biết tường tận ngọn rau cọng cỏ của quê mẹ ông và có hơn 10 tác phẩm nổi tiếng viết về xã hội và lịch sử VN. Lúc trẻ thơ, từ Saigon ông về nghỉ hè ở cù lao Năm Thôn, sống hồn nhiên cùng với các bạn trẻ VN cùng lứa tuổi, nghèo nàn, thất học. 

Trong quyển Continental Saigon ông kể lại khi ông bà ngoại của ông từ Mỹtho lên Saigon đến trường đón ông trong chiếc xe Peugeot lộng lẫy có phủ rèm. Ngày hôm sau, các bạn hỏi ông: 

– Qui c’était la vieille Annamite qui t’embrassait hier ? – Bà già Annam nào hôm qua ôm hun mầy ? 

– C’était ma grand-mère – Bà ngoại tao 

– Ta grand-mère est Annamite? Mais alors tu n’es pas Français. – Bà ngoại mầy người Annam ? Như vậy mầy không phải là người Pháp 

– Si, je suis Français. Mon père est Français – không, tao là người Pháp, cha tao là người Pháp

 – Non, tu n’es pas Français. Tu es un métis!  Không, mầy không phải là người Pháp, mầy là người lai 

Ils se mirent à rire, je rougis…Désormais, je craignais que mes grands-parents ne viennent m’y chercher …Chúng nó cười rộ lên. Tôi đỏ mặt. Từ nay, tôi sợ ông bà ngoại tôi đến trường đón tôi…(Philippe Franchini. Continental Saigon. – Paris : Métaillé, 1995, p.72). 

Một đoạn khác, Philippe Franchini viết về nỗi cô đơn của ông « Sans savoir encore que les Vietnamiens appelaient les métis «dau ga dit vit», tête de poulet, cul de canard, je ressentis très tôt l’inégalité des conditions et l’ isolement…..» (p. 21). Câu chuyện người Việt Nam gọi đứa con lai Philippe Franchini là «đầu gà đít vịt » đã xảy ra gần một thế kỷ trước ở VN, nhưng chuyện tương tự như vậy cũng đã xảy ra tại Collège de Brébeuf ở Montréal hơn mươi năm gần đây nhân một cuộc tranh cử Ban đại diện sinh viên giữa Jacques Tremblay và Thanh Nguyễn. Sau đây là đoạn kết cuộc đấu khẩu gay go :

 – Jacques : Toi, tu n’es pas Québécois

– Thanh : Si, si !!! Je suis Québécois comme toi. J’étais né ici, ma mère est Québécoise

– Jacques : Non, tu n’es pas Québécois de souche. À la rigueur, on te dirait Québécois  de racine ! 

Thanh bỏ cuộc và Jacques cũng bị bỏ cuộc vì kỳ thị. Thanh hôm nay đã thành danh và hội nhập tích cực vào xã hội Québec, nhưng anh vẫn nhớ mãi vết thương năm nào. Câu chuyện do cha của Thanh kể lại. Ông nói thêm : không biết bao giờ người Việt từ cái rễ (racine) trở  thành cái gốc (souche). 

Kết luận 

Viết về kỳ thị như viết chuyện dài «nhân dân tự vệ». Viết về chuyện kỳ thị tại một địa phương lại càng vô duyên hơn vì chuyện kỳ thị có trăm hình vạn trạng, xảy ra khắp năm châu bốn biển và càng ngày càng thêm dữ dội. Ngoài ra, kỳ thị là một căn bịnh của con người. Vẫn biết thế, người viết muốn dùng một vài hình thái điển hình của căn bịnh để chia sẻ cùng bạn đọc nỗi niềm cố không ta thán mà cũng không oán giận bởi lẽ con người vừa là nạn nhân mà cũng vừa là tác nhân của kỳ thị. Giảm thiểu, chớ không bao giờ chấm dứt kỳ thị không phải bằng bạo lực mà bằng giáo dục. Giáo dục mỗi người và mọi người. 

Lâm Văn Bé

25/11/2021 

Về tác giả Lâm Văn Bé: 

Trước 1975, tác giả làm việc và từng giữ các chức vụ:

·       Giáo sư, Giám học, Hiệu trưởng Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho

·       Tổng Thư Ký Viện Đại Học Tiền Giang

·       Chánh Sở Học Chánh Định Tường

·       Sau 1975, ông làm Giám đốc Thư Viện Mile End ở Montreal, Canada.

·       Hiện nay, ông về hưu và dành thời gian viết biên khảo.

 

 



 

Xin chuyển một bài viết hết sức giản dị nhưng rất chuyên sâu và thâm thúy của Huynh Từ Chơn, một tín hữu Cao Đài về mối tương duyên độc đáo của hai nguồn ĐẠO.

 

***

Ẩn ý của Chúa Jesus dưới ánh sáng của triết lý Cao Đài

 

Từ Chơn

 

Kính thưa quý đạo hữu, nhớ lại cách nay gần 96 năm, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế đã giáng cơ dạy rằng "Đêm nay, 24 Décembre phải vui mầng vì là ngày của Ta xuống trần dạy đạo bên Thái Tây". Nay mùa Giáng Sinh sắp trở lại trên toàn quả địa cầu 68, kính mời quý vị cùng đọc lại đôi lời dạy quý báu của Ngài, qua lời của Chúa Jesus, Giáo Chủ Thánh Giáo.

 

Khởi

Đã sắp vào mùa Giáng Sinh 2020, tín đồ Cao Đài trên toàn thế giới cùng toàn thể nhân loại vui mừng chào đón một ngày lễ lớn. Nhân dịp này nhớ lại, cũng vào một đêm Giáng Sinh cách đây chín mươi sáu năm, Thượng Đế Chí Tôn (tín đồ Thiên Chúa gọi là Đức Chúa Trời) đã giáng cơ tại một đất nước nhỏ bé là Việt Nam để tuyên bố khởi đầu một kỷ nguyên mới: Tam Kỳ Phổ Độ.

 

Nhân kỷ niệm này, xin mời quí vị đồng đạo cùng đọc lại một vài lời dạy của chúa Jesus, bậc đại giáo chủ đã giáng phàm truyền giảng lời của Đức Chí Tôn ở đất nước Israel, vốn cách xa Việt Nam ngàn dặm nhưng cũng có một lịch sử đầy sóng gió tương tự.

Lời giảng của chúa Jesus

 

Kể từ lúc Chúa Jesus rời khỏi gia đình đi giảng đạo, Chúa đã thu mười hai môn đồ đầu tiên, làm rất nhiều phép lạ, và chữa trị cho rất nhiều người bị bệnh nan y. Chính vì thế, mà số tín đồ cũng như số người đi theo Ngài càng lúc càng đông. Nhưng chính những lời giảng dạy của Ngài mới là nền tảng của một nền Tân Tôn Giáo so với thời bấy giờ. Xin đương cử một số tiêu biểu.

*“Đừng chống cự kẻ hung dữ …”

 “Đừng chống cự kẻ hung dữ ; nếu ai vả má bên phải của ngươi, hãy đưa luôn má bên kia cho họ; nếu ai kiện ngươi muốn lấy chiếc áo ngắn, hãy cho họ luôn chiếc áo dài; nếu ai muốn bắt ngươi đi bộ một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ …”  (Tân Ước – Matthew).

Về mặt Thể Pháp Cao Đài, có thể hiểu đây là lời dạy về nguyên tắc bất bạo động, dùng tình thương đối phó với hận thù. Trong lịch sử đầy sóng gió của quả địa cầu 68, con người, vì cuộc sống, phải tranh dành liên tục nên xem trọng sức mạnh vật chất. Bạo lực được đề cao là hệ quả tất yếu. Người ta sử dụng bạo lực hằng ngày. Kết quả, nhân loại tạo ra một thế giới đầy bạo lực. Bạo lực không biết đến tình thương và chỉ sinh ra đau khổ, mất mát.

 

Chúa Jesus dạy nguyên tắc bất bạo động để lập lại sự cân bằng, để nhắc nhở con người điều họ vốn đã biết nhưng không bao giờ thực hiện được. Cho đến nay, hơn hai ngàn năm qua đi mà loài người vẫn chưa thực hiện được bài học bất bạo động, trừ một vài cá nhân lẻ loi mà trong đó Thánh Mahatma Gandhi là một. Thậm chí có người còn biến bạo lực thành một “học thuyết” nhằm cổ vũ cho tính hung bạo của mình. Đại khái như là : Cần phải dùng bạo lực để trấn áp cái ác, khi diệt hết cái ác rồi thì điều còn lại sẽ là cái thiện. Lý thuyết  nghe rất hay, nhưng suy cho cùng thì họ chỉ mặc một chiếc áo đẹp đẽ cho tính hung hăng của họ mà thôi. Rõ ràng, họ đã mắc sai lầm nghiêm trọng! Bởi vì lịch sử loài người đã chứng minh rằng bạo lực không thể tiêu diệt được cái ác, mà chỉ nuôi dưỡng thêm một cái ác mới – đó là cái-ác-diệt-cái-ác. Chỉ khi nào số người làm điều thiện nhiều hơn số người làm điều ác (chứ không phải người thiện diệt hết người ác!) thì điều ác mới không còn đất để phát sinh. Vì thế, nghe và làm theo lời dạy của chúa Jesus là nuôi dưỡng, bổ sung điều tốt đẹp, tạo ra càng ngày càng nhiều điều thiện trong xã hội.

 

Đối với Bí Pháp Cao Đài, đưa má bên trái cho kẻ đã tát tôi vào má bên phải là một hành động phi nhị nguyên. Hành động nhị nguyên thông thường là: trả đủa kẻ đã tát mình bằng một hành động nào đó; tát lại hắn, chẳng hạn. Hành động phi nhị nguyên là một hành động rất khó thực hiện. Bởi vì nếu tôi thật sự đưa má bên trái cho kẻ đã tát tôi vào má bên phải; thì đó cũng lại là một hành động nhị nguyên khác. Thực hiện lời Chúa dạy sát theo từng câu chữ chỉ mới làm trọn phần Thể Pháp trong Cao Đài. Hiểu rõ lời dạy của Chúa để có được hành động phi nhị nguyên mới trọn phần Bí Pháp trong Cao Đài. Thể Pháp và Bí Pháp sóng đôi thì hành động mới tròn đầy, và sự tròn đầy sẽ tự thân hóa giải mọi niềm đau nhân thế, đưa con người trở về vườn Eden hạnh phúc (thuật ngữ Cao Đài gọi là Cực Lạc Thế Giới) .

 

Thế nào là hành động phi nhị nguyên?

 

Xin kể lại một câu chuyện đượm màu Thiền học trong những ngày mở đạo. Lúc bấy giờ, ngoài các vị tiền bối được thiêng liêng chỉ định phò loan ra thì nhiều người khác cũng lén cầu cơ, chấp bút. Điều đáng nói là cũng có các đấng giáng, thậm chí có cả Đức Chí Tôn giáng cơ. Ngày 7/11/1933  trong một đàn cơ ở Phạm Nghiệp, Đức Hộ Pháp hỏi Đức Chí Tôn:

“Dạ thưa Thầy,con không biết tại sao các nơi đều có cơ bút, mà mỗi lần đều xưng danh Thầy, không lẽ Thầy đến với cơ bút ấy?”

Đức Chí Tôn trả lời:

“Thầy đã nói rằng duy có ngôi của Thầy chúng nó không dám dựa, chớ danh Thầy nó được phép dùng. Nên Thầy đã dặn rằng đừng nghe Cao Đài nơi này, Cao Đài  nơi khác, rồi tin theo mà thất thệ. ….” 

 Đức Hộ Pháp bạch:

“Dạ thưa Thầy, nói vậy Thầy không có đến với cơ bút ấy?”

Đức Chí Tôn trả lời:

“Tắc, con tối trí quá!”

(Xin phép được biên tập phần trích dẫn trên vài chỗ cho dễ hiểu – Nguyên văn trong Thánh Ngôn Sưu Tập của Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng)

Xin lưu ý câu trả lời cuối cùng của Đức Chí Tôn. Tại sao Đức Chí Tôn không khẳng định hoặc phủ định mà lại trả lời bằng một câu chệch đi chỗ khác, thậm chí làm tối nghĩa thêm? Tuyệt đối không có chuyện tránh né ở đây, bởi vì ở vị trí của Đức Chí Tôn thì Ngài chẳng có việc gì phải tránh né. Nhưng khẳng định hay phủ định là một trong hai mặt của nhị nguyên. Câu trả lời của Ngài đã đi ra ngoài vòng nhị nguyên đối đãi: đó là một hành động phi nhị nguyên!

 

Dù thí dụ như thế, nhưng hành động phi nhị nguyên không có công thức, không thể na ná, giông giống với thí dụ đã nêu. Mỗi  một hành động phi nhị nguyên là cả một thế giới mới mẽ chưa từng có. Hành động phi nhị nguyên chỉ phát sinh ở người nào đạt được sự thông suốt trong tư tưởng và hiểu rõ ràng đôi đường thiện ác. Trong Cao Đài, một người học đạo muốn đạt được sự thông suốt trong tư tưởng thì phải thể hiện đầy đủ Thể Pháp, nghĩa là phải rèn luyện tam bửu không ngừng nghỉ trong cuộc sống. Có như thế  thì Bí Pháp mới vận hành. Có như thế mới mong có được hành động phi nhị nguyên - nói theo ngôn ngữ của người xưa là đắc đạo, hay nói theo ngôn ngữ Cao Đài là hiệp một cùng Đức Chí Tôn.

*“ … hãy yêu kẻ thù nghịch …”

 “Ta nói cùng các ngươi rằng: hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi …” (Tân Ước – Matthew).

 

Về mặt Thể Pháp Cao Đài, đây là một lời dạy rất khó thực hiện. Bởi tình yêu là một tình cảm rất đặc biệt. Không thể cưỡng ép bất cứ một ai yêu mến một người khác. Nếu tôi yêu mến một người nào đó bởi vì Chúa đã dạy như thế, thì tình yêu mến kia chẳng có giá trị gì! Đó chỉ là lừa dối chính mình và cả Chúa nữa! Yêu mến một người đã khó, Chúa Jesus lại dạy rằng nên yêu thương kẻ thù nghịch của mình. Đây là điều còn khó khăn hơn nữa!!

 

Có thể lý giải rằng Chúa dạy như vậy là để bắt tôi suy nghĩ lại những tình cảm của mình vốn vẫn phóng túng theo bản năng. Tôi chỉ yêu mến những gì đem lại lợi ích, và ghét bỏ những gì gây tổn hại cho mình. Tình cảm này vô cùng tự nhiên và không có gì đáng trách. Nhưng rồi lợi ích của người này lại là tổn hại của người khác và cứ như thế nhân rộng ra mà thế giới trở nên xung khắc hằn thù. Phải chăng còn một cách khác ngược lại với thói quen của tôi - ấy là làm theo lời Chúa Jesus: yêu mến kẻ thù nghịch của mình -  để làm cho thế giới này bớt thù hận, thêm thương yêu, giúp nhân loại sống hoà đồng hơn, có ý nghĩa hơn?

 

Yêu mến kẻ thù nghịch của mình có vẻ rất khó thực hiện. May thay, vẫn có thể có hành động này nếu xét lời dạy này dưới cái nhìn của Bí Pháp Cao Đài. Đối với Bí Pháp Cao Đài, đây là một động tác tuyệt vời để từ thế giới nhị nguyên bước vào thế giới nhất nguyên kỳ ảo. Muốn yêu mến kẻ thù nghịch với mình thì phải hiểu rõ tình cảm thù hận và yêu thương chỉ là một. Tại Đền Thánh Tây Ninh, đã có lời dạy của Đức Chí Tôn về điều này: hai bên cửa vào Đền có tạc tượng Ông Thiện và Ông Ác, và chính giữa hai tượng này là Cân Công Bình. Muốn bước vào Đền Thánh, tức là bước vào Bạch Ngọc Kinh tại thế phải biết “cân” Thiện Ác cho bằng nhau. Hay nói khác đi, phải hiểu Thiện Ác vốn không khác.

 

Tưởng cũng nên nhắc lại chuyện Ông Thiện, Ông Ác để tiện tham khảo. Ông Thiện và Ông Ác vốn là hai hoàng tử (Tỳ Văn và Tỳ Võ), con của một vị vua Ấn Độ. Ông Thiện tính tình hiền lành hay thương yêu giúp đỡ mọi người; trái lại Ông Ác tính tình nóng nảy rất dễ nổi giận. Cũng chính vì thế nên khi vua cha băng hà, vua cha nhường ngôi lại cho Ông Thiện. Ông Ác biết được liền nổi giận vì cho rằng, với tính tình hiền lành như thế, Ông Thiện sẽ không thể cai trị được dân trong nước. Thế nên Ông Ác đi tìm Ông Thiện để bảo ông  nhường ngôi lại cho mình. Sợ nhường ngôi cho Ông Ác là trái với ý nguyện của cha, hơn nữa sợ Ông Ác sẽ cai trị người dân quá hà khắc nên Ông Thiện bỏ trốn. Thấy thế, Ông Ác bèn đuổi theo để giải thích. Đến một ghềnh đá cao, Ông Thiện sơ ý nên té xuống vực chết. Ông Ác đến nơi, vô cùng hối hận nên cuối cùng cũng xuống tóc đi tu theo cha.

 

Câu chuyện trên là một dẫn đạo cơ bản để người học đạo có cái nhìn chính xác về Thiện Ác, Đúng Sai. Nếu Ông Thiện, Ông Ác là hai anh em ruột, thì Đúng Sai cũng xuất phát từ một gốc là nhận thức của từng cá nhân. Ông Thiện có lý do để không nhường ngôi lại cho em. Ông Ác cũng có lý do khi muốn dành lấy ngôi vua. Không thể nói rằng ai đúng hơn ai. Nói rộng ra toàn thế gian này, thì Đúng Sai; Thiện Ác cũng như thế. Cân Công Bình nằm giữa cửa vào Đền Thánh không có nghĩa là phải đong đếm Thiện và Ác cho bằng nhau mà ngụ ý tư tưởng của mỗi con người gồm có hai thành phần như thế. Không thể xóa bỏ bất cứ một thành phần nào vì chúng vốn là anh em ruột. Từ cái nhìn đó người học đạo Cao Đài  sẽ quen dần với khái niệm Thiện là Ác hay Đúng là Sai . Thế rồi trong một  tích tắc phù du nào đó trong đời, người tu học sẽ bừng ngộ chân lý trong câu truyện Ông Thiện, Ông Ác kia; lúc đó mới có thể yêu mến được kẻ thù nghịch một cách tự nhiên bằng tình cảm nồng nàn của mình chứ không phải yêu vì Chúa Jesus đã dạy như thế. Có như vậy thì mới đúng là làm theo lời Chúa Jesus dạy:

   

*“Ai trong các ngươi là người vô tội …

 

“Bấy giờ, các thầy thông giáo và người Pharisee dẫn lại cho chúa Jesus một người đàn bà đã bị bắt đang khi phạm tội tà dâm; họ nói cùng Chúa rằng: Thưa Thầy, luật Moses dạy rằng chúng ta phải ném đá những hạng người như vậy. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? Chúa Jesus phán rằng: Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy ném đá trước. Sau khi nghe lời này, mọi người lần lượt bỏ đi.” (Tân Ước – Jean).

 

Phải xét bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ thì mới thấy hết ý nghĩa của câu truyện nói trên. Thời nào cũng vậy, khi có một đấng cao trọng giáng thế thì loài người luôn luôn gây ra đủ thứ thử thách khó khăn. Chuyện xưa vẫn kể rằng Phật Thích Ca bị các giáo sĩ Bà La Môn vặn vẹo bắt bẻ không biết bao nhiêu lần. Chúa Jesus cũng vậy. Cụ thể là người Pharisee. Đây là một hệ phái của người Do Thái xưa chủ trương thực hành theo sát từng câu chữ trong cổ luật, cụ thể là luật Moses (Xin đọc Cựu Ước). Nên biết rằng lúc bấy giờ số người tin tưởng Chúa Jesus rất đông và mọi người đều xưng tụng Chúa Jesus là đấng Christ giáng sanh. Thế nên người Pharisee lợi dụng câu truyện của người phụ nữ kia để tìm cách bắt bí Chúa Jesus. Nếu Chúa Jesus đồng ý để họ ném đá người phụ nữ đến chết, thì Chúa cũng chỉ là người bình thường như họ, không phải là đấng Christ. Nếu ngược lại thì Chúa chống lại luật Moses, nghĩa là chống lại Đức Chúa Trời về mặt Đạo; về mặt Đời là chống lại dân tộc Do Thái, đàng nào họ cũng có thể qui tội phạm luật cho Chúa. Câu trả lời của Chúa Jesus vừa cứu được người phụ nữ đáng thương kia vừa làm cho người Pharisee thất bại thảm hại trong âm mưu hãm hại Chúa. Cũng giống như câu truyện kể ở phần trên, câu trả lời của Chúa không phải chỉ đơn giản là một cách đối phó khéo léo; đó chính là một bài học về đạo pháp rất quí giá mà Chúa Jesus muốn để lại cho loài người.

 

Dựa vào triết lý Cao Đài, chúng ta có thể hiểu rõ bài học này hơn. Theo Cao Đài, phần ý thức của con người là phần bán hữu hình (hai phần kia là phần xác thịt và linh hồn). Ý thức hoạt động theo nguyên tắc của vũ trụ; ấy là: Vô cực sanh Thái Cực, Thái Cực sanh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ Tượng sanh Bát Quái … Lưỡng Nghi chính là hai cực chấp nhận và phủ nhận của ý thức. Trong tình trạng phân hai, nghĩa là chấp nhận và phủ nhận khác nhau, đối chọi nhau, thì đó là cuộc đời với toàn thể những yếu tố sanh diệt, đau khổ, chết chóc …Nếu phủ nhận và chấp nhận là một – nói theo ngôn ngữ thiền học cho chính xác hơn là “Nếu phủ nhận và chấp nhận chẳng phải hai mà cũng chẳng phải một,” thì đó là trạng thái người tu học Cao Đài gọi là hiệp một với Đức Chí Tôn. Trong trạng thái này, con người có những suy nghĩ, phán đoán thông suốt phi thường mà người xưa gọi là đoạt Đạo, ngộ đạo, trí huệ đáo bỉ ngạn, thành Phật …vv.

Đức Chúa Jesus đã dạy một bài học về Thái Cực. Lời Chúa phán khi ấy xuất phát từ trạng thái Thái Cực, do đó đã thoát ra khỏi hai trạng thái phủ nhận và chấp nhận của Lưỡng Nghi. Không chấp nhận mà cũng không phủ nhận luật Moses, lời Chúa đã ra ngoài quĩ đạo của những hành vi tầm thường thế tục, nằm ngoài suy luận thông thường của loài người.

Thế nhưng, cần phải xác định rõ một điều để tránh ngộ nhận. Xin đừng cho rằng trạng thái không phân hai (Thái Cực) là tốt hơn rồi phủ nhận trạng thái phân hai (Lưỡng Nghi), bởi vì hành vi phủ nhận đó cũng chính là ý thức phân hai!! Ý thức phân hai thuộc về đời, cho nên rất cần thiết trong đời sống thường nhật. Con người cần ý thức phân hai để bảo vệ xác thân của mình. Ví dụ như tôi cần phải phân biệt rõ ràng điều nào là nguy hiểm cho bản thân để tránh xa và ngược lại. Khi một xe tải đang tiến thẳng đến chỗ tôi thì không cần thiết phải “dùng ý thức không phân hai”. Hay khi bị tiêu chảy vì thức ăn nhiễm khuẩn thì một viên thuốc bao giờ cũng hay hơn là “lý với lẽ”. Chỉ khi nào suy nghĩ đi vào chỗ cùng lý, thì Thái Cực mới là cứu tinh đích thực.         

*“Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét. Vì các ngươi đoán xét người ta thể nào thì họ cũng đoán xét lại thể ấy…

 

Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ giả hình! Trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được.” (Mathew)

Đây là lời dạy thuộc về tâm pháp (hay Bí Pháp nếu dùng ngôn ngữ Cao Đài) của Chúa Jesus. Trước khi bàn tiếp, thiển nghĩ nên định nghĩa lại danh từ Bí Pháp trong Cao Đài để làm nền tảng cho những lý lẽ tiếp theo.

 

Bí Pháp, theo nghĩa thường dùng từ trước đến nay, là những phương pháp đặc biệt trong một tôn giáo nào đó, chỉ truyền riêng cho một số người nhất định nhằm đạt mục đích của việc tu hành. Chẳng hạn như những phương pháp ngồi thiền, tịnh tâm của các hệ phái Phật Giáo ở Tây Tạng hầu như chỉ truyền cho một số đệ tử đặc biệt.

Nếu hiểu Bí Pháp theo nghĩa này, thì trong đạo Cao Đài không có “Bí Pháp”. Đức Hộ Pháp nhiều lần nói rằng Đức Chí Tôn đã bày bửu pháp tại thế gian cho con cái của Ngài tự do chọn lựa. Vấn đề chỉ là con cái của Ngài muốn nhìn thấy hay không mà thôi. Trong những bài thuyết đạo của mình lúc còn tại thế, Đức Hộ Pháp đã chỉ dạy rất cẩn thận về danh từ Bí Pháp. Ngài dạy rằng đây là điều quan trọng trong kiếp tu hành và các tín đồ Cao Đài phải tìm tòi để hiểu rõ những ẩn ý trong lời dạy của Ngài.

 

Danh từ Bí Pháp trong Cao Đài không thể xác định bằng nghĩa đen của tự điển. Đây là một cách dùng chữ đặc trưng của triết lý Cao Đài. Trước hết, Bí Pháp không tự thể hiện mà thiếu Thể Pháp; nói cho rõ là khi

 và chỉ khi Thể Pháp tồn tại thì mới có Bí Pháp. Bí Pháp và Thể Pháp vốn là một-mà- hai-và-hai-mà-một. Vậy phải hiểu Thể Pháp trước khi muốn hiểu Bí Pháp. Thể Pháp Cao Đài chính là những nghi thức tôn giáo có thể nhìn thấy và thực hiện được. Nghi thức thờ phượng, kinh sách, giáo luật … tất cả đều là Thể Pháp. Ngoài ra, Bí Pháp còn có ý nghĩa là nội dung của một hình thức bất kỳ. Theo nghĩa này thì tất cả các lời dạy đạo của các đấng thiêng liêng đều có nội dung - nghĩa là Bí Pháp. Bí Pháp có thể dễ hiểu; có thể khó hiểu. Có thể nhìn thấy ngay; có thể cả đời cũng không nhìn thấy.

    

Khi một tín đồ Cao Đài thực hiện bất kỳ một nghi lễ tôn giáo hằng ngày nào (nghĩa là Thể Pháp) cũng là lúc Bí Pháp vận hành. Vì thế, quan niệm cho rằng khi nào thực hiện xong phần Thể Pháp rồi mới vào Tịnh Thất để luyện Bí Pháp là không đúng. Thực sự mà nói, vào Tịnh Thất thì điều kiện thể hiện Thể Pháp dễ dàng hơn lúc ở bên ngoài. Trong Tịnh Thất người ta thu xếp sao cho môi trường yên tĩnh hơn, hạn chế những ảnh hưởng của đời sống vật chất bên ngoài. Người học đạo chỉ còn tập trung vào một chỗ duy nhất là vun bồi đời sống tâm linh.

 

Tuy nhiên, những phương pháp các tín đồ thực hiện trong Tịnh Thất, nói cho cùng, cũng là vẫn là Thể Pháp. Những phương pháp ấy vẫn còn liên quan đến phần nhục thân, nghĩa là phần hữu hình có thể sờ mó ngắm nhìn … Bí Pháp là phần nằm ngoài suy luận bàng bạc quyện theo Thể Pháp. Khi Thể Pháp được thực hiện đúng mức thì Bí Pháp vận hành bên trong người học đạo và chỉ có duy nhất bản thân người ấy nhận biết điều này.

Bây giờ xin trở lại lời Chúa Jesus dạy: đừng phán đoán người; mà hãy phán đoán bản thân mình trước. Đây chính là một pháp môn (cách tu tập) mà triết lý Đông Phương gọi là “quán tâm”. Thông thường, tâm lý con người là thích nhận xét về người khác. Những nhận xét ấy đa số là nói về khuyết điểm; nếu có nói về ưu điểm đi nữa thì cũng chỉ là gượng ép. Đây là bản chất tự nhiên của loài người. Để tự vệ, ý thức con người luôn luôn phóng ngoại, truy tìm những yếu tố tiềm ẩn sự nguy hiểm cho bản thân mình. Nếu phát hiện điều gì có thể ảnh hưởng xấu đến bản thân, ý thức sẽ tìm phương né tránh, chống đỡ hoặc tấn công đối tượng. Có thể thấy rõ điều này qua các mối giao tiếp của con người trong xã hội hoặc một phóng ảnh của xã hội là thế giới hiện nay. Người ta lo sợ một ngày kia, ngoại bang sẽ xâm chiếm nước mình, chiếm đoạt tất cả những của cải tài nguyên của dân tộc mình, do đó người ta lập ra quân đội. Và theo “cái-gọi-là-binh-pháp” thì: tấn công là cách phòng thủ hay nhất(!).Cho nên,  người ta đem bom đạn ném xuống đất nước của người khác; không đợi đến khi bị tấn công! Thử tưởng tượng một chút, nếu tất cả các quốc gia trên thế giới này đều có khả năng tấn công quân sự như nhau và đồng loạt áp dụng cái tư tưởng binh pháp quái đản kia, thì quả địa cầu 68 này sẽ ra sao?

 

Chúa Jesus dạy phải làm ngược lại điều đó; nghĩa là phải tự nhìn lại bản thân, tự nhận xét bản thân thay vì bươi móc những khuyết điểm của người khác. Khi nhìn ra mình cũng có những khuyết tật tâm hồn như bao người thì cõi lòng sẽ mở rộng, dễ tha thứ. Những tình cảm tích cực, đẹp đẽ tích lũy trong tâm hồn ngày một nhiều sẽ giúp cho con người sống có ý nghĩa. Thế giới sẽ bớt phần bạo tàn, địa cầu 68 sẽ chuyển hóa thành một thế giới khác đáng sống hơn nhiều. Vậy, hãy nghe lời chúa Jesus “lấy cây  đà trong mắt mình để thấy rõ hơn trước khi lấy rác trong mắt anh em mình”.

 

Thúc

 

Những lời dạy của chúa Jesus, cũng như các vị giáo chủ khác như Đức Phật Thích Ca, Đức Lão Tử vv … luôn chứa đựng những ý nghĩa sâu xa. Nếu dùng thuật ngữ của Cao Đài thì: lời của các bậc giáo chủ dạy luôn hàm chứa Bí Pháp. Vấn đề của tín đồ Cao Đài hiện nay, thiết nghĩ, nên tập trung tìm học những ý nghĩa của triết lý mênh mông trong Cao Đài Giáo, rồi đem ra thực hành trong đời sống thường ngày. Mong sao qua đó Đức Chí Tôn thương tình ban ân cho trí não được phát triển phần nào. Tóm lại, hãy lo lấy cây đà trong mắt mình, đừng bận tâm đến “ông này tu thiệt, bà kia tu giả, tôi tu đúng, anh tu sai nữa”. Bởi vì một kiếp người suy ra vô cùng ngắn ngủi, có khi chưa kịp làm được chút gì thì đã phải phủi tay!  

TỪ CHƠN

Sài gòn, Giáng Sinh 2007

Bản revised Giáng Sinh 2020






Sunday, November 28, 2021

 

Thưa Quý vị,

Nhân Ngày Lễ Tạ Ơn năm nay 2021, người viết xin gửi một bài về một nét sống, một hình thức văn hóa đặc biệt của người Thụy Điển và các quốc gia Bắc Âu. Một lối sống:” “Not too little. Not too much. Just right.” đã là “kim chỉ nam” cho họ hàng ngàn năm qua.

Xin Quý vị một chút lắng lòng nhìn lại chính mình đã sống, đã nghĩ, đã làm gì …cho chính mình, người thân của mình, và tha nhân từ khi hiện diện trên cõi Ta Bà nầy…

 

***

Lagom – Một nếp sống đẹp của người Thụy Điển

 Lagom - Bí quyết để có được sự hạnh phúc trong cuộc sống hiện đại của người Thụy Điển:  Không quá thừa, không quá thiếu, chỉ cần vừa đủ.

Trong một thế giới có nhịp độ sống nhanh, bạn sẽ trở nên tuyệt vời nếu bạn có thể sống chậm lại và tận hưởng một cuộc sống với ít áp lực hơn, ít căng thẳng hơn và có nhiều thời gian hơn cho mọi thứ bạn yêu thích và yêu thích phải không?

Về bản chất, lagom có nghĩa là tận hưởng một cuộc sống đơn giản, tìm kiếm sự cân bằng trong mọi khía cạnh của cuộc sống và tập trung vào những gì thực sự quan trọng khiến bạn hạnh phúc.

Lagom - Từ đơn độc nầy, gói gọn toàn bộ triết lý dân chủ xã hội của Thụy Điển về cuộc sống rằng:”mọi người nên có đủ nhưng không quá nhiều - that everyone should have enough but not too much.”

Tại văn phòng, những chuyên gia làm việc chăm chỉ - nhưng không làm tổn hại đến những phần khác trong cuộc sống của họ. Thay vì đốt cháy bản thân với một tuần làm việc 60 giờ và sau đó bị căng thẳng, lagom khuyến khích sự cân bằng và sống ở đâu đó ở giữa - living somewhere in the middle.

Các tính năng khác bao gồm tiết kiệm, giảm căng thẳng, tạo ra sự cân bằng hoàn hảo giữa công việc và giải trí và tập trung vào các mối quan tâm về môi trường và tính bền vững.

Câu tục ngữ cổ điển của Thụy Điển, “Lagom är bäst”, nghĩa đen là, “Lượng vừa đủ là tốt nhất” nhưng cũng được dịch là “Đủ tốt như một bữa lễ lạc” và “Có đức có chừng mực”.Enough is as good as a feast” and “There is virtue in moderation”.

Đến đây, chắc bạn đang tập thể dục lagom nhiều mặt trong cuộc sống của bạn rồi.

Nếu có một từ để định nghĩa cuộc sống hiện đại của chúng ta ngày nay, thì đó chính là thừa thãi. Chúng ta đang sở hữu quá nhiều thứ, thậm chí cả những thứ chúng ta chẳng bao giờ cần đến. Bên cạnh đó, suy nghĩ về một cuộc sống hoàn hảo vô hình đã tạo ra cho chúng ta quá nhiều áp lực.

·       Bạn đã bao giờ ngắm nghía cuộc sống của một người hoàn toàn lạ trên Facebook, Instagram và rồi ao ước rằng mình cũng như họ?

·       Bạn đã bao giờ mua những bộ cánh đắt tiền nhưng rồi để chúng trong tủ quần áo đến cả năm trời không mặc lấy một lần?

·       Bạn đã bao giờ cảm thấy quá mệt mỏi với việc chạy đua theo chủ nghĩa vật chất, để lấp đầy cuộc sống của bản thân trong khi tâm hồn thì lại thiếu thốn?

 Đây là lúc bạn cần biết đến Lagom - bí quyết sống hạnh phúc của người Thụy Điển.

Đối với người Thụy Điển, lagom là một lối sống, một thói quen của tâm trí. "Có một tư duy bên trong về sự chấp nhận và hài lòng ở Thụy Điển. Đó là một phần của bí quyết để trở nên hạnh phúc - đừng ám ảnh về điều đó.

Triết lý của lagom rất đơn giản và cung cấp một giải pháp thay thế cho ý tưởng ‘luôn tìm kiếm điều tốt nhất tiếp theo.

Khái niệm này khuyến khích sự cân bằng tổng thể trong cuộc sống của chúng ta: mọi thứ ở mức độ vừa phải.

Nó đối lập với chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa tiêu dùng.

1-    Lagom là gì?

Bí quyết để có được sự hạnh phúc trong cuộc sống hiện đại của người Thụy Điển: Không quá thừa, không quá thiếu, chỉ cần vừa đủ. Lagom (phát âm là lah-gom) có nghĩa là không quá thừa cũng không quá thiếu, chỉ vừa đủ. Về bản chất, lagom có nghĩa là tận hưởng một cuộc sống đơn giản, tìm kiếm sự cân bằng trong mọi khía cạnh của cuộc sống và tập trung vào những gì thực sự quan trọng khiến bạn hạnh phúc.

Lagom có nghĩa là biết được điều gì là thiết yếu trong cuộc sống của bạn và biết những thứ không thực sự cần đến. Người Thụy Điển coi lagom như là một kim chỉ nam trong cuộc sống. Một số ý kiến cho rằng lagom có thể là một lối sống tiêu cực, bởi nó dựa trên sự chối bỏ vật chất. Tuy nhiên, với sự bền bỉ chứng minh, người Thụy Điển đã cho chúng ta thấy lagom đã thực sự cải thiện cuộc sống bằng cách nắm lấy sự "vừa đủ".

2-    Sống lagom tại nhà

Càng tiến gần đến thế giới hiện đại, càng chạy đua theo những lợi ích xã hội, chúng ta càng muốn trở về với những thứ giản đơn và cũ kĩ. Lagom hướng bạn nắm giữ lấy niềm vui và loại bỏ những điều phiền phức, thừa thãi.

Ở Thụy Điển, bạn có thể thấy rằng người ta dường như hoàn toàn hạnh phúc trong những ngôi nhà nhỏ chỉ bằng 1/3 kích thước của những ngôi nhà ở Mỹ. Chúng ta có thực sự cần những ngôi nhà to rộng và phải lấp đầy nó bằng nhiều thứ khác, đồng thời mất quá nhiều thời gian để dọn dẹp trong khi chúng ta có thể sống hoàn toàn ổn trong một ngôi nhà chỉ bằng một nửa?

Bí quyết để có được sự hạnh phúc trong cuộc sống hiện đại của người Thụy Điển: Không quá thừa, không quá thiếu, chỉ cần vừa đủ

Một chút "lộn xộn" không phải lúc nào cũng là một điều tồi tệ. Nếu bạn có được niềm vui thực sự từ một tủ sách đầy những đồ lặt vặt hoặc một ngăn kéo chứa đầy những cây bút yêu thích của mình, thì hãy cứ làm như vậy. Chỉ cần chắc chắn rằng những gì mà bạn đang cất giữ có giá trị xử dụng. Một kệ đầy sách xếp hang thẳng lối và có thứ tự…sẽ chỉ là một gánh nặng nếu như bạn chẳng bao giờ sờ đến chúng.

 

Điều tương tự cũng xảy ra với bất cứ thứ gì làm không gian sống của bạn trở nên bừa bộn mà không có mục đích. Trước khi thêm bất cứ món đồ nào vào không gian sống của bạn, hãy tự hỏi mình xem bạn có thực sự cần đến nó và bạn đã có đủ những món đồ cần thiết hay chưa?

3-    Lagom trong công việc

Thay vì làm thêm giờ để trông có vẻ là một người tận tâm và cống hiến, hãy nghĩ như người Thụy Điển rằng việc làm thêm giờ đồng nghĩa với việc bạn không làm việc đủ hiệu quả trong giờ hành chính.

Bí quyết để có được sự hạnh phúc trong cuộc sống hiện đại của người Thụy Điển: Không quá thừa, không quá thiếu, chỉ cần vừa đủ.

Hãy chấp nhận rằng công việc là một phần quan trọng trong cuộc sống, nhưng cũng đừng để nó trở thành trọng tâm chính trong cuộc đời bạn hay một nhiệm vụ mà bạn phải thực hiện càng nhanh càng tốt. Hãy đặt kỳ vọng với cấp trên của mình: bạn sẽ nỗ lực hết mình khi ở văn phòng nhưng sau 8 tiếng, bạn sẽ ra ngoài để tận hưởng phần còn lại trong ngày.

Thay vì sử dụng thời gian nghỉ ngơi để làm việc, hãy thực sự nghỉ ngơi.

4-    Lagom trong bữa ăn

Lagom trong bữa ăn thực sự là điều cần thiết dành cho tất cả chúng ta. Thay vì ăn trái cây nhập cảng quanh năm, hãy cố gắng tìm các sản phẩm địa phương đang vào mùa. Khi bạn mất quá nhiều thời gian để tạo ra một món ăn cầu kiỳ, hãy thay vào đó bằng những món ăn đơn giản, đủ dưỡng chất và ít tốn thời gian hơn. Bày vẽ có thể sẽ khiến bạn bè, người thân phải chờ đợi, trong khi bạn thực sự có thể làm được những món ăn ngon lành mà không quá phức tạp.

Bí quyết để có được sự hạnh phúc trong cuộc sống hiện đại của người Thụy Điển: Không quá thừa, không quá thiếu, chỉ cần vừa đủ

Đơn giản là chỉ cần dành nửa giờ vào ngày cuối tuần để lên thực đơn cho tuần tới không chỉ giúp bạn tiết kiệm tiền mà còn khiến bạn không lãng phí thực phẩm. Một thực đơn đã lên sẵn sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, không phải đau đầu suy nghĩ xem ngày mai ăn gì và giúp bạn có cuộc sống cân bằng và khỏe mạnh hơn.

5-    Lagom là tử tế với những người xung quanh

Thụy Điển là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Một trong những lý do cho điều này là vì người dân ở đây biết cách đối nhân xử thế. Người Thụy Điển thường chỉ nói vừa đủ, không vòng vo, thậm chí cũng không thích tám chuyện hay bàn tán về người khác. Họ giảm thiểu khả năng bị hiểu nhầm và có thể nảy sinh ra mâu thuẫn bằng lời nói nhất có thể. Đôi khi, bạn sẽ có cảm giác rằng người Thụy Điển khá lạnh lùng và ít nói.

Thực tế, họ bỏ qua cái tôi to lớn của bản thân và hướng đến một xã hội thân thiện, hợp tác, nơi tất cả mọi người đều được tôn trọng và sự khiêm tốn sẽ giúp mọi người sống trong hòa bình.

6-    Kết luận

Bí quyết để có được sự hạnh phúc trong cuộc sống hiện đại của người Thụy Điển: Không quá thừa, không quá thiếu, chỉ cần vừa đủ.

Lagom là triết lý sống mà bạn có thể áp dụng vào gần như mọi khía cạnh trong cuộc sống. Lagom không chỉ là đơn giản hóa mọi thứ, mà nó còn giúp bạn giảm bớt căng thẳng và khiến bạn tìm thấy hạnh phúc trong sự cân bằng. Lagom cũng giúp bạn nhận ra rằng đôi khi những điều đơn giản nhứt lại mang đến cho bạn nhiều niềm vui nhứt.

Hy vọng những góp nhặt cát đá trên sẽ giúp mỗi người trong chúng nhìn lại cung cách cư xử của chính mình với những người thân thiết trong gia đình, với bạn, và nhứt là đối với tha nhân những người không hề quen biết. Riêng người viết, trên suốt quãng đời giao tiếp trong cõi ta bà nầy, rất nhiều lần đã đem “cái tôi”, cái biết của mình…vun vãi ra trong đối xử. Từ đó đã làm nhiều người phật lòng và buồn phiền không ít.

Vì vậy, xin mượn bài viết nầy, nhân Mùa Tạ Ơn, cũng xin tạ lỗi cùng mọi người.

Từ nay, diện bích và sám hối là châm ngôn và hành xử của Ngu Tử nầy.

Mai Thanh Truyết

Thanksgiving 2021