Saturday, January 2, 2021

 

Thưa Bà Con,

YourStory kỳ nầy xin được ghi tên TS Cao Văn Thân là Tổng trưởng Bộ Canh Nông và Tổng trưởng Phát triển Nông nghiệp của quốc gia Việt Nam Công Hòa. Ông là tác giả Bộ Luật “Người Cày Có Ruộng” năm 1967. Các tin tức lượm lặt dưới đây trên nhiều nguồn khác nhau và cũng không biết/nhớ tên tác giả, xin chuyển lại để tưởng nhớ một người con Việt đã từng mang lại niềm vui và hạnh phúc cho Bà Con Nông dân miền Nam Việt Nam.

Bộ trưởng VNCH Cao Văn Thân

Có thể có nhiều người đã bàn luận về chương trình "Người cày có ruộng" ở Miền Nam Việt Nam trước 1975, nhưng đây là lần đầu tiên, chúng ta nghe một chứng nhân lịch sử nói về chương trình này: Giáo sư Cao Văn Thân (Tổng trưởng Cải cách Điền địa và Phát triển Nông nghiệp, đồng thời là Tổng Trưởng Bộ Phát triển Nông thôn. Năm 1974, ông rời chính quyền và dạy tại Đại học Sorbonne ở Paris, sau đó sang Hoa Kỳ và dạy ở Đại học Arizona. Khi về hưu, ông là Giáo sư và Khoa trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Tiểu Bang Montana, Hoa kỳ.)

***

Giáo sư Cao Văn Thân qua đời tại Montreal, Canada, hôm 14 tháng 4 năm 2020 vì bệnh thận. Ông hưởng thọ 88 tuổi. Là một trong những nhà kỹ trị nổi bật của Việt Nam Cộng Hoà (VNCH), ông Cao Văn Thân lớn lên ở Sài Gòn, học trường Pháp, và học đại học và sau đại học về triết học, luật và kinh tế tại các trường đại học Pháp và Mỹ. Sau thời gian phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà trong mười năm, ông giải ngũ và làm luật sư, thẩm phán tại Toà án sơ thẩm Sài Gòn và giám đốc điều hành tại Công ty Shell Dầu Hoả Việt Nam, trước khi bắt đầu sự nghiệp giảng dạy môn Kinh tế học tại nhiều trường đại học. Từ năm 1967 đến 1974, ông tham gia Chính phủ của VNCH, đầu tiên là cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, sau đó là Tổng trưởng Cải cách Điền địa và Phát triển Nông nghiệp, đồng thời là Tổng Trưởng Bộ Phát triển Nông thôn, đảm trách thực hiện Chương trình Người Cầy Có Ruộng (NCCR). Năm 1974, ông rời chính quyền và dạy tại Đại học Sorbonne ở Paris. Sau biến cố tháng 4 năm 1975, ông sang Hoa Kỳ và dạy ở Đại học Arizona. Khi về hưu, ông là Giáo sư và Khoa trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Tiểu Bang Montana, Hoa kỳ. Chúng tôi xin giới thiệu dưới đây bản dịch phần đầu bài viết của ông vừa được in trong tuyển tập “Việt Nam Cộng Hoà, 1955-1975: Kinh Nghiệm Kiến Quốc” (Vũ Tường và Sean Fear biên tập, Nhà Xuất Bản Đại học Cornell cho Chương Trình Nghiên Cứu về Đông Nam Á), chương 4, trang 47-51. Bản dịch của Phan Lương Quang do Vũ Tường hiệu đính.

Sinh năm 1934, GS Cao Văn Thân là Bộ trưởng Bộ Cải cách Đất đai và Phát triển Nông nghiệp dưới thời Nguyễn Văn Thiệu. Ông gần như “tàng hình” trong sử sách chiến tranh Việt Nam, một phần vì bị lấn át bởi thông tin của giới tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa, một phần vì giới cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam tránh nói về các lãnh đạo dân sự của “Ngụy quyền”.

May mắn là trong các tài liệu rải rác tìm được, chúng ta có thể thấy dấu ấn của Cao Văn Thân trong các thành công bước đầu của chính quyền dân sự miền Nam Việt Nam. Cụ thể, Cao Văn Thân thỉnh thoảng được báo chí phương Tây nhắc đến như là kiến trúc sư trưởng của chính sách “Người cày có ruộng” (Lands to the Tillers), cùng những nỗ lực không mệt mỏi của ông trong việc thi hành thành công chính sách quan trọng này.

Trong nghiên cứu có tên “Âm vang Đệ nhị Cộng hòa miền Nam Việt Nam” (Voices from the Second Republic of South Vietnam) của Giáo sư K. W. Taylor thuộc Đại học Cornell – sử gia hàng đầu về Việt Nam của Hoa Kỳ, TS Cao Văn Thân được ghi nhận là một trong những cấp lãnh đạo đời đầu được đào tạo luật lẫn kinh tế tại Hoa Kỳ, thay thế cho nhóm “cây đa cây đề” gốc Pháp trước đó.

Ông cũng được khen ngợi là bộ óc sáng giá nhất trong nội các của Nguyễn Văn Thiệu thời kỳ bấy giờ. Hệ thống nhân sự, chương trình đào tạo và tiến trình thực hiện “Người cày có ruộng” là do ông chuẩn bị và soạn thảo trong gần nửa năm. Các chương trình phát triển như tăng cường xuất khẩu nông sản, bảo vệ an ninh lương thực, thử nghiệm giống lúa mới cũng như mô hình sản xuất 5 năm… đều do ông đề xướng và chịu trách nhiệm.

Không phải là một nhà nghiên cứu, nhưng ông Thân có để lại quyển Agrarian reform in Vietnam, được xuất bản dưới sự bảo trợ của Hội đồng Đối ngoại Việt Nam Cộng hòa. Hiện quyển này còn có thể được tìm thấy trong Thư viện Quốc gia Australia.

Theo tin tức năm 2016 từ đài VOA, Tổng trưởng Cao Văn Thân sinh sống cùng gia đình tại Canada. Và báo Người Việt ở Mỹ có đăng một số cáo phó nói rằng ông qua đời ngày 14/4/2020 ở Montréal, Canada.

GS Cao văn Thân và chương trình Người Cày Có Ruộng ở Miền Nam Việt Nam, 1969-1973

Dưới đây là trích đoạn trong một bài viết của GS Cao Văn Thân nói về “CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, GIAI ĐOẠN 1968-1975”

“Những chính sách nông nghiệp dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã biến chuyển vùng nông thôn và góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế miền Nam Việt Nam trong những năm cuối của chiến tranh. Các chính sách này bao gồm cải cách điền địa, phát triển nông nghiệp, rỡ bỏ kiểm soát giá cả, và ổn định thị trường. Kết quả là miền Nam đã xoá bỏ tình trạng tá điền, giảm bất bình đẳng ở nông thôn bằng cách tạo ra một tầng lớp chủ đất nhỏ đông đảo, nhanh chóng mở rộng sản xuất theo hướng tự túc về thực phẩm, ổn định thị trường cung cấp và tiêu thụ thực phẩm. Đây là một cuộc cách mạng nông thôn thành công diễn ra giữa một cuộc chiến tranh tàn bạo, một cuộc cách mạng chưa được sử gia công nhận một cách đầy đủ. Thay vì đấu tranh giai cấp bằng bạo lực, cuộc cách mạng của chúng tôi được thực hiện dựa trên sự kết hợp giữa các quyền lợi về kinh tế và kỹ thuật canh tác mới để thu hút sự tham gia và đem lại lợi ích cho đa số nông dân miền Nam.

Chương trình Người Cày Có Ruộng

Ngay sau cuộc tấn công Tết Mậu thân của cộng sản năm 1968, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã bổ nhiệm tôi làm Tổng trưởng Bộ Cải cách Điền địa và Phát triển Nông nghiệp, và sau đó đồng thời kiêm nhiệm Tổng trưởng Bộ Phát triển Nông thôn. Tôi bắt đầu tháp tùng ông Thiệu trong những chuyến đi kinh lý về nông thôn, nói chuyện với nông dân, cố gắng tìm hiểu và giải quyết các vấn đề của họ. Vào đầu năm 1969, tôi được giao trách nhiệm thiết kế và thực hiện dự án Cải cách điền địa để giải quyết tình trạng nông dân không có đất phải làm thuê (tá điền) đã gây nhiều bất bình ở nông thôn.

Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), với diện tích bằng tiểu bang Missouri của Hoa Kỳ, là một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá từ sau Thế Chiến Hai. Năm 1954, nông dân chiếm khoảng 90% tổng số dân cư. Tỷ lệ này giảm rất chậm theo thời gian. Vào giữa thập niên 1960, dân làng mạc chiếm 80% dân số VNCH, được ước tính lên khoảng 17,4 triệu năm 1968. Rất ít người ở nông thôn làm chủ đất của mình khai thác, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà 70% số nông dân vẫn còn trong hoàn cảnh tá điền.”

Xin đốt một nén nhang cho một người con Việt nặng lòng với Quê Hương!









No comments:

Post a Comment