Monday, December 28, 2020

 

Tưởng niệm năm thứ hai
Nhà Văn Quân Đội Hải Triều Lê Khắc Anh Hào

 

Thưa Bà Con,

 

Nhà thơ Lê Khắc Anh Hào, nhà văn Hải Triều đã từ giã chúng ta cách đây hai năm, ngày 6/12/2018. Anh tên thật là Lê Khắc Hai, sinh năm 1942 tại Phan Thiết, Bình Thuận, học báo chí tại Đại Học Vạn Hạnh và làm phóng viên báo Sóng Thần ở Việt Nam. Anh còn có bút hiệu Bắc Phong. Từng là Chủ nhiệm Báo Lửa Việt, Nguyệt San Việt Nam, Canada.

 

Anh Hải Triều và tôi quen biết nhau qua một sự việc hết tình cờ. Số là, vào năm 2002, khi tôi được tờ báo Orange County Register phát hành ở Orange County, CA phỏng vấn và cho đăng trên trang A1 và trang A3 về nguy cơ ô nhiễm thạch tín (arsenic) ở ĐBSCL. Anh cho dịch ra và đăng lại trên báo Nguyệt San Việt Nam của anh và viết tên tôi là chị tiến sĩ MT “Tuyết” thay vì là “Truyết”. Thế là chúng tôi quen nhau và thân nhau, cùng bắt tay tranh đấu cùng nhau từ đó cho đến ngày anh ra đi.

 

Nhà Văn Quân Đội Hải Triều đã từng tham gia “Mạng Lưới Dân Tộc – Dân Chủ – Hành Động” ngay từ những ngày đầu vào tháng Giêng năm 2017. Nhóm chủ trương gồm có:  Giáo sư Ngô Quốc Sĩ, Nhà văn Hải Triều, BĐQ Đoàn Trọng Hiếu, Giáo sĩ Huỳnh Quốc Bình, và tôi. Phía thành viên cộng tác thì có Nhà văn ThụyVi, nhà biên khảo Long Điền Vương Văn Giàu…

 

Cũng vào thời điểm ấy, chúng tôi đã song hành thực hiện chương trình phát thanh “Tiếng Dân Việt” hàng tuần (www.tiengdanviet.net). Và tính đến hôm nay, chúng tôi đã có tất cả 63 lần hội luận chính trị để phát thanh về trong nước. Cuộc hội luận đầu tiên có tiêu đề: “Nước Đã Tràn Bờ”.

Thưa Bà Con,

 

Nói đến anh Hải Triều Lê Khắc Anh Hào phải kể đến thơ văn và đã xuát bản các tập thơ như sau: Đường Tổ Quốc, Sỏi đá còn hờn cơn quốc biến, Tự thuở vầng trăng vỡ cuối nguồn, Thắp lửa vào thơ, Lục bát đen thời đại HCM, và nhiều tập thơ và văn xuôi khác. Nhưng có thể nói, tập thơ “Máu và nước mắt trên lưng Trường Sơn” là di sản anh đã để lại cho hậu thế những lời xác quyết nhứt trong công cuộc tẩy trừ CSBV.

 

Tác phẩm “Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn” ra đời nhắm vào đảng Cộng Sản Việt Nam và nhà cầm quyền Hà Nội sau khi anh đọc tập “Nhật Ký Đặng Thùy Trâm” do VC xuất bản. Anh nói:”Đặng Thùy Trâm là nạn nhân của chế độ Cộng Sản. Đặng Thùy Trâm không là đối tượng “tấn công” của chúng tôi. Về mặt nhân bản và dân tộc, chúng tôi trân trọng tình cảm, hoàn cảnh và lòng chân thật của Đặng Thùy Trâm. Chúng tôi chỉ muốn ngăn chận tác động giả trá của tập Nhật Ký Đặng Thùy Trâm về mặt tuyên truyền, xâm nhập vào công luận Hoa Kỳ khi tác phẩm này được Hà Nội và phản chiến Mỹ chuyển ngữ sang tiếng Anh”.

 

Anh cố gắng “lật mặt nạ” đảng Cộng Sản BV để thế giới và người Hoa Kỳ biết sự thật và mặt thật của chế độ Hà Nội. Đó là lý do tại sao chúng tôi cho phát hành tác phẩm “Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn” bằng cả tiếng Anh, tiếng Pháp lẫn tiếng Việt để người Tây phương và thế hệ Viêt Nam sinh ở hải ngoại có thể tìm đọc được những cái gì xẩy ra trên quê hương cha mẹ các em…Từ mục đích và hoài bảo trên, chúng tôi hy vọng tác phẩm “Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn” sẽ giúp mở ra một cánh cửa nhỏ để từ đó, hy vọng công luận Hoa Kỳ và giới trẻ Việt Nam trên toàn thế giới, sinh sau 1975, nhận ra phần nào nỗi đau thương nghiệt ngã của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến năm xưa, và kéo dài đến hôm nay … có từ gốc rễ cội nguồn từ đâu: đó chính là sự ra đời và tồn tại của đảng Cộng Sản Việt Nam trong dòng lịch sử hàng hàng lớp lớp máu xương trên phần đất kéo dài từ Nam Quan tới Cà Mâu.

 

Và từ đó, anh kết luận là đảng CSBV đã giết ĐTT lần thừ hai khi cho xuất bản “Nhật kỳ ĐTT”. Trong “Máu và nước mắt trên lưng Trường Sơn” anh đã dành một chương dài nêu lên “Tính nhân bản của người lính Việt Nam Cộng Hoà”, và “Những tội ác của Đảng CSVN mà thế hệ Đặng Thùy Trâm chưa biết và nên biết”

 

Theo anh, lịch sử đau thương của dân tộc Việt Nam còn rất nhiều trang chưa mở ra. Đã hơn 32 năm (2007) sau ngày miền Nam lọt vào tay Bắc quân Cộng Sản, những trang sử máu và nước mắt, thay vì chấm dứt, nhưng nó lại kéo dài thêm, tiếp tục kéo dài bắt đầu ngay từ ngày 30/04/1975.

 

Hôm nay, nhân Ngày tưởng niệm nhà văn, nhà thơ quân đội Lê Khắc Anh Hào Hải Triều, thiết nghĩ cũng cần ghi lại vài nét chấm phá trên con đường tranh đấu của anh từ khi bước vào quân trường Thủ Đức cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.

 

Xin hãy nghe Hải Triều kêu gào:”Từ trong bóng đêm vô tận đó, người ta chỉ thấy thêm những mõi mòn, tuyệt vọng, oan ức và cùng đường. Từ trong bóng đêm đó, mọi khát vọng tự do lóe lên trong nước đều bị đảng Cộng Sản Việt Nam dập tắt dã man, tàn bạo… Lịch sử cận đại của dân tộc Việt Nam là một chuỗi dài bất hạnh và liên tục, nó kéo dài đậm nét hơn từ ngày đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, và nó tiếp tục tồn tại tới ngày hôm nay.”

 

Và anh dặn lòng với chính mình:”Nếu vô tình bỏ mất một ngày trôi qua - không làm gì cả - tôi cảm thấy xót xa vô cùng - cành lá đau, người sầu, cỏ hận - Tổ Quốc một màu thê thảm mông lung - nếu tôi bỏ một ngày trôi qua - không làm gì cả - buổi tối nhìn đèn soi gương thấy lạ - mưa đổ ngoài trời mà cứ ngỡ lệ ai sa - nhưng nếu một ngày tôi không bỏ trôi qua - thì gánh sơn hà cũng đã quằn quai trăm mối - (ví dù biết có làm gì một mình thì thiên hạ cũng thế thôi! - nước đoạ 33 năm trường chưa thấy ai sám hối!) - thế cứ quay lưng đi là thấy mình có tội - với cỏ, với cây, với nguồn, với cội - với trăm họ lạc loài, với quê hương tăm tối - than ôi! - đau nhức này đâu chia bờ ngăn lối - đau nhức này cũng đâu phải của riêng tôi! - đâu phải của riêng tôi! - đâu phải của riêng tôi! - Tự thuở ngày Ðông Âu vỡ tung - Ta nghe sông núi động vô cùng - Cỏ cây chuyển kiếp thành đao kiếm - Lửa sẽ bùng, hoang thú cáo chung.

 

Ngồi ôn lại trước giây phút thiêng liêng của mùa Đông năm Canh Tý, xin đốt một nén nhang cho chiến hữu Lê Khắc Anh Hào Hải Triều, một chiến sĩ chiến đấu nhằm tẩy sạch ách cai trị của CSBV trên quê hương Việt cho đến giây phút cuối cùng.

 

Xin cám ơn Bà Con đã lắng nghe,

 

Mai Thanh Truyết

Nhóm Chống Tàu Diệt Việt Cộng






 


 



No comments:

Post a Comment