Wednesday, January 6, 2021

 

Thưa Bà Con,

Lại nghĩ đến giáo dục miền Nam thời Việt Nam Cộng Hòa. Xin gửi lại bài viết xưa nói về cảm nghĩ của một người thầy giáo trẻ giã từ lớp học…”tiếng Tây tiếng u” để trở về Việt Nam tiếp xúc lần đầu tiên với sinh viên Sư Phạm lần đầu tiên, trong đó có những anh chị đã hoàn tất Cử nhơn Lý Hóa rồi.

Ông Thầy trẻ vẫn còn ngơ ngác (!) với nhiều danh từ hóa học tiếng Việt. Thế mà cũng đã hoàn tất niên học…

***

Lớp Lý Hóa 2 của Tôi

Lời người viết: Bài viết nầy viết theo ký ức những hoạt cảnh và suy nghĩ trong quá khứ cách đây 38 năm, có thêm sự giúp sức của hai cựu sinh viên Đại học Sư phạm Sài Gòn, lớp Lý Hóa 2 niên học 1973-1974. Xin cám ơn hai chị Hồng Oanh và Tú Anh

Sau khi thủ tục hành chánh hoàn tất việc thu dụng vào Đại học Sư Phạm, tôi được phân nhiệm vào Ban Hóa học với chức vụ Trưởng ban và ngạch Giảng Sư vào tháng 9 năm 1973. Tôi bắt đầu đi làm việc hàng ngày. Mặc dù đã có trên 2 năm giảng dạy ở Besancon, nhưng không khí giữa các đồng nghiệp với nhau vẫn làm cho tôi bỡ ngỡ mặc dù nói cùng một ngôn ngữ Việt Nam, nỗi bỡ ngỡ ban đầu có lẽ vì tôi là một người mới chưa tạo được niềm tin nơi đồng nghiệp. Nhưng chưa đầy một tuần lễ sau, tôi khám phá ra rằng, Ban Hóa học tuy chỉ có 15 nhân viên giảng huấn và phòng thí nghiệm, nhưng vô hình chung chia ra làm hai nhóm, nhóm “thân chính quyền” (tức là nhóm thân cận với GS Phó khoa trưởng, Lý Công Cẩn) và nhóm trẻ, độc lập với tinh thần cầu tiến. Tôi không quên nhắc đến các Giảng nghiệm viên trẻ đã giúp tôi trong khoảng thời gian nầy và về sau nữa như Nguyễn Hoàng Duyên (bây giờ là Luật sư ở San Jose), Nguyễn Văn Kim (hiện là hướng dẫn viên du lịch bằng tiếng Pháp ở Việt Nam), Lôi Quốc Quế (hiện là Giám đốc một Công ty chà xát và đáng bóng gạo ở VN).

Vốn tính bình dân và dễ bắt chuyện, tôi đã làm thân được với nhóm thứ hai nầy, và nhờ đó tôi biết được sinh hoạt cùng một số tính tình của các đồng nghiệp. Chính những buổi ngồi “tán gẩu” ở Câu lạc bộ sinh viên, tôi mới hiểu thêm nhiều cung cách sinh hoạt và giảng dạy đặc thù ở Ban Hóa học.

Buổi học đầu tiên

Thắm thoát buổi dạy đầu tiên của tôi bắt đầu trên Quê Mẹ. Tôi phụ trách lớp Lý Hóa 2, nghĩa là đã qua 3 năm đại học, với môn giảng dạy là Hóa Cơ cấu (Structural Chemistry), mổi tuần 4 giờ.

Lớp tôi có tất cả 34 anh chị gồm 23 trai và 11 gái. Các anh chị trong lớp thuộc lứa tuổi từ Canh Dần (1950), Tân Mão (1951), Nhâm Thìn (1952) và Quý Tỵ (1953). Sở dĩ biết được những điều trên là vì, trước khi bắt đầu buổi học đầu tiên, tôi đã vào văn phòng sinh viên vụ lượt duyệt qua thành phần sinh viên trong lớp để biết thêm về gia cảnh của mỗi sinh viên để được dễ dàng giao tiếp trong những ngày sắp đến.

Trong hai giờ học đầu tiên, ngoài việc giới thiệu “thân thế và sự nghiệp”, tôi nói lên quan điểm và “triết lý” của tôi trong việc giảng và dạy.

Trước hết, tôi minh định rất rõ là tôi không dám “làm Thầy” của quý anh chị, mà vai trò của tôi chỉ là chuyển đạt những thông tin khoa tin khoa học đến các anh chị mà thôi.

Tôi mời gọi sự đối thoại trực tiếp, chấp nhận phản bác trong tinh thần cởi mở, khoa học và tương kính.

Và triết lý “giáo dục ba xu” của tôi về môn hóa học là “mỗi trường hợp là một trường hợp đặc thù, nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ có thể lập lại một phản ứng hóa học giống nhau (identical) hai lần”. Dù cho có cùng một áp suất, nhiệt độ, cân lượng giống nhau nhưng thực hiện vào thời điểm to và t1 đã là khác nhau rồi. Thêm nữa, cấu trúc của các hóa chất tham dự vào phản ứng tuy cùng một tên gọi nhưng phân tử hay nguyên tử tạo thành hóa chất trên sẽ không giống nhau. Tôi diễn dịch “triết lý” nầy dựa theo thuyết tương đối để từ đó đi đến kết luận là trong mọi sự kiện hay hiện tượng xảy ra trên quả đất nầy luôn cả trong tình yêu đều chỉ là tương đối. Nếu có tuyệt đối thì tuyệt đối đó chỉ là tương tuyệt đối mà thôi.

Các lập luận triết lý ba xu của tôi cũng đã làm ngạc nhiên không ít cho những anh chị trong lớp học suốt hai giờ.

Sau buổi học đầu tiên, một số sinh viên đến gặp tôi, nói chuyện, trao đổi nhau…và từ đó ngày càng thâm tình hơn lên và lớp LH2 nghiễm nhiên trở thành lớp “chou chou” của người “Thầy” MTT cho mãi đến ngày viết lên những dòng chữ nầy, mặc dù tôi cũng đã dạy các lớp khác, nhưng không có được những kỷ niệm đầy ấp của những anh chị em LH2.

Giảng dạy và Thi cử

Nhận thấy cách dạy và học cùng chế độ thi cử của giáo dục Việt Nam thời bấy giờ vẫn còn rập khuôn theo phương pháp cũ, nghĩa là người thầy dạy liên tục một bộ môn cho đến hết học kỳ, để rồi sau đó ra một kỳ thi cuối khóa. Và bài thi phải là một đề tài khó, phức tạp…để chứng tỏ “người Thầy” học cao và hiểu rộng. Chính quan niệm nầy đã là một cản lực cho bước tiến của sinh viên và làm chậm lại việc  đào tạo nhân tài cho đất nước. Xin những bậc “Giáo sư tiền bối”, những Trưởng lão trong ngành giáo dục VNCH hãy can đãm nhận lấy trách nhiệm của mình vì đã để biết bao nhiêu sinh viên vì thi rớt, phải rời mái trường, vào quân trường và đã hy sinh mạng sống cho cuộc chiến!

Từ đó, quan niệm về “việc kiểm soát liên tục” để làm nhẹ bớt gánh nặng cho sinh viên ở cuối khóa, nghĩa là sau vài ba chương học, người phụ trách giảng dạy cho ra một kỳ kiểm tra, để rồi, cuộc thi cuối học kỳ chỉ chiếm một tỷ lệ % nào đó. Kết quả cuộc thi là tổng hợp tất cả các kỳ kiểm tra và thi cuối học kỳ. Tổ chức như vậy thì sinh viên tương đối không bị nhiều áp lực thi cử cuối năm, và người phụ trách giảng dạy phải mất thêm thời gian chuẩn bị ra đề thi và chấm thi. Điều nầy ít có “giáo sư” nào áp dụng vì mất nhiều thì giờ mà không “sanh lợi” (thù lao).

Do nhận xét trên cùng hấp thụ một nền giáo dục Tây phương qua cung cách giảng dạy và chế độ thi cử không từ chương, tôi đã áp dụng phương pháp kiểm soát liên tục và giảng dạy qua các thí dụ giản dị trong bộ môn cơ cấu hóa học. Điều nầy đã làm cho một số “lão” giáo sư ở đại học lân cận phê phán là “ngựa con háo đá”, cũng như các đồng nghiệp thuộc “nhóm thân chính” cho là tôi ….không biết dạy.

Và tôi vẫn tiếp tục đi theo con đường đã vạch sẳn và năm sau, 1974, hai dự án nghiên cứu rất giản dị của tôi là: “Phương pháp kiểm soát liên tục trong thi cử” và “Phương pháp giảng dạy hóa học bằng thực nghiệm” đã được Vietnam Education Foundation (VET) chấp thuận và đã giải ngân để bắt đầu nghiên cứu. Rất tiếc hai dự án không thể hoàn tất được vì nỗi can qua của dân tộc.

Trở lại lớp LH2, dù biết hầu hết các anh chị đã đâu chứng chỉ Cơ cấu nầy bên Khoa học, nhưng tôi vẫn tiếp tục “giản di hóa” cách dạy và cũng nhờ chính phương pháp nầy mà tôi có nhiều thì giờ trao đổi với sinh viên và hiểu tâm trạng của các anh chị nhiều hơn qua những lời tâm sự…

Học không những là hấp thu những lời thầy giảng mà học còn là hấp thụ được nhân cách của người thầy. Nếu suy nghĩ trên là đúng, tôi hãnh diện là người thầy của lớp Lý Hóa 2 niên khóa 1973 – 1974 của tôi.

Các sinh hoạt sinh viên ngoài giờ

Ngoài việc đứng lớp, văn phòng tôi hầu như lúc nào cũng có sự hiện diện của anh chị em LH2 đến thăm và trao đổi. Tôi dành nhiều thời giờ để tiếp sinh viên hơn là lên lớp dạy. Với ngạch Giảng sư, chỉ cần dạy 3 giờ/tuần là đủ lảnh nguyên lương (khoảng 70.000$VN thời đó). Còn nếu dạy thêm sẽ lảnh lương phụ trội. Do đó, nhiều đồng nghiệp mong được chia nhiều giờ dạy và mỗi khi dạy xong thì biến khỏi “hiện trường” (lớp học) ngay để làm những chuyện khác.

Trong suốt thời gian hai niên học 1973-1974 và 1974-1975, tôi dành trọn thời gian 3 ngày cho Sư phạm và 2 ngày cho Đại học Cao Đài, và chính vì thế tôi có rất nhiều cảm tình và có nhiều dịp sinh hoạt chung với hai trường trên (Xin mời xem Chương nói về Viện Đại học Cao Đài). Sau đây là những sinh hoạt điển hình với lớp LH2 của tôi:

·       Làm sạch khu nhà vệ sinh của ĐH Sư Phạm: Với ý thức bảo quản của công, tôi phát động phong trào làm vệ sinh và làm sạch trường lớp. Dĩ nhiên tôi chọn LH2 làm “chủ lực”. Và ngày J, một ngày chủ nhựt đã đến với chương trình làm sạch khu nhà vệ sinh của trường. Tất cả anh chị em mặc quần áo ngắn để dọn hai dãy nhà vệ sinh. Thay vì lấy acid acetic để tách các chất vôi và cáo bẩn đóng trên các bàn cầu và máng tiểu, tôi dùng acid chlorhydric để cho có phản ứng nhanh hơn. Sau hơn hai giờ, hai dãy nhà vệ sinh trở nên sạch sẽ và không còn phảng phất mùi “nước đáy quỷ” (mùi ammoniac) nữa. Chương trình nầy đã được lập lại một lần nữa trước ngày Đất và Nước lâm vào cơn hồng thủy Bắc phương.

 

·       Thăm viếng Viện Đại học Cao Đài: Trong chiều hướng trao đổi sinh hoạt trong sinh viên, tôi thực hiện một chuyến thăm Viện Đại học Cao Đài cho các anh chị lớp LH2. Chuyến viếng thăm gồm ngoài việc tiếp xúc giữa hai trường, còn có sinh hoạt văn nghệ vào buổi tối cùng viếng thăm khu Tòa Thánh Tây Ninh. Chính hai ngày sinh hoạt nầy, làm cho anh chị LH2 nhận thức rõ là sinh viên Cao Đài rất nghèo qua các buổi cơm đạm bạc chỉ có dưa cà, rau muống luộc ở Đền Thánh Mẫu cũng như điều kiện học tập còn quá thô sơ so với sinh viên Sài Gòn. Tuy nhiên, một điểm nổi bật làm cho LH2 của tôi cảm động là tinh thần và đạo đức của tín đồ Cao Đài trong cố gắng tạo dựng một cơ ngơi giáo dục cho người dân vùng đồng khô cỏ cháy nầy.

Trong buổi tối trình diễn văn nghệ, bản hợp ca “Dậy mà đi” do liên trường đồng ca đã gây xáo trộn và bắt buột tôi phải chấm dứt chương trình văn nghệ. Số là vào thời điểm dầu sôi lữa bỏng vào tháng 4 năm 1974, hầu hết mọi sinh hoạt học đường đều có sự hiện diện của cảnh sát chìm và nổi. Điều nầy cũng không là một ngoại lệ ở Viện Đại học Cao Đài. Mặc dù trường nằm phía bên trong khuôn viên của Tòa Thánh, nhưng tôi được thông báo là có toán cảnh sát chìm có mang vũ khí len lõi trong số sinh viên đang tụ họp sinh hoạt. Do đó, khi bản nhạc trên được hát lên, anh trưởng toán cảnh sát đến gặp tôi ngay và yêu cầu giải tán. Tôi đành phải chấm dứt chương trình trong sự hối tiếc của sinh viên.

Ủy lạo học sinh bị pháo kích ở Cai Lậy

Ngày 9 tháng 3 năm 1974, tại trường tiểu học Cai Lậy, vào khoảng 8 giờ sáng, trong khi học sinh đang chuẩn bị xếp hàng vào lớp, Việt Cộng đã pháo kích vào và làm thiệt mạng tại chỗ 23 em học sinh và 45 em bị thương, thay vì tấn công vào một căn cứ quân sự của VNCH cách đó độ 2 cây số. Hành động dã man nầy đã khiến cho Richard Falk, một vận động chính trị theo hướng khuynh tả và chống chiến tranh phải báo động trên toàn nước Mỹ lúc bấy giờ.

Tôi quyết định đến xem hiện trường. Sau khi thu góp nhiều hiện kim và hiện vật của sinh viên cùng đồng nghiệp. Chỉ hai ngày sau đó, chuyến xe buýt của trường chuyên chở khoảng 50 sinh viên đa số là LH2 và hai đồng nghiệp trẻ. Chúng tôi trực chỉ về Cai Lậy. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đi trên quốc lộ 4, nhìn thấy tận mặt nông thôn Việt Nam cùng cảm nhận được nỗi bất an của nông dân trước hiễm họa xâm lăng của cộng sản Bắc Việt trong đó Mắt trận Giảo Phóng Miền Nam chỉ là một con cờ và là một chiêu bài của họ mà thôi.

Trong chuyến đi nầy tôi thấm thía và mỉa mai cho câu nói “nhiều điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Thương nhau đâu không thấy, mà chỉ thấy toàn hận thù và giết chóc lẫn nhau, và sau cùng nạn nhân chính là những người dân vô tội. Sự sai trái của việc pháo kích lầm lại còn được tuyên truyền là “quân ta” đã tiêu diệt địch ra rả trên đài phát thanh Hà Nội thời bấy giờ. Địch đây phải chăng là những mái đầu xanh vô tội.

Câu chuyện pháo kích lầm và diệt địch nầy không chỉ xảy ra ở Cai Lậy mà đã xảy ra khắp nơi từ vỹ tuyến 17 đến tận mũi Cá Mau trong suốt 20 năm của cuộc chiến.

Cám ơn các anh chi LH2 đã giúp tôi nhìn được tận mặt cuộc chiến, trong đó một bên tham chiếm chỉ vì ý thức hệ mà quên đi nhân tính hiền hòa cùa dân tộc Việt.

Tính quần chúng

Qua suốt gần hai năm làm công việc giảng dạy và sinh hoạt với sinh viên, GS Huỳnh Ngọc Tiếu, phụ trách sinh viên vụ của trường, và năm sau, 1974, GS Lê Quang Tiếng (hiện ở Pasadena, CA) lên thay thế, cả ba chúng tôi làm việc rất mật thiết, thường xuyên chia xẻ cùng nhau một số vấn đề của sinh viên, dĩ nhiên không quên những yếu tố chính trị nhạy cảm, tức cuộc chiến Quốc Cng đang xảy ra trên quê hương.

Nên nhớ, người cng sản luôn cổ súy tinh thần phi chánh trị trong đại học, nhằm mục đích ru ngủ sinh viên để tập trung vào việc học. Nhưng trên mặt khác, bằng chiến dịch rỉ tai, khuyến dụ, thậm chí họ còn hăm dọa và kích động người sinh viên tham gia vào cuộc lật đổ chế độ Mỹ - Thiệu. Chính nhờ Văn phòng sinh viên vụ mà các sinh viên như Ngô Phàn, Mai Hồng Thu (học ban Lý hóa Đệ nhứt cấp)  sớm bị khám phá, phải chạy vào bưng trước khi gây nên “tội ác” nơi chốn học đường. Thiết nghĩ, nếu các trường đại học khác ở Sài Gòn có chính sách sinh viên vụ nghiêm chỉnh, những trường hợp như Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm chắc khó xảy ra! Nhưng không phải vì thế mà trường Đại học Sư phạm tránh được nạn sinh viên thân cng.

Mối giao tình giữa tôi và các đồng nghiệp trong sinh viên vụ, cùng các sinh hoạt sinh viên có tính cộng đồng chắc chắn làm cho các sinh viên thân cng và nằm vùng chú ý và báo cáo lên thượng cấp. Cũng có lẽ từ đó tôi bị kết án là phản động (?) vì có tính quần chúng, một độc quyền của người cng sản.

Và cũng chính vì thế mà tôi bị đì, ngay từ ngày đầu tiên CS kiểm soát trường. Sau cùng tôi phải chạy đi nơi khác tìm chỗ ẩn thân.

Cuộc họp mặt lịch sử

Ngay sau khi màn “học tập tại chỗ” cho giáo chức đại học hoàn tất cùng việc phân loại sinh viên cảm tình Đoàn, cho đến sinh viên thuộc gia đình tư sản hay phản động, ban lãnh đạo nhà trường bắt đầu chuẩn bị cho việc học tập trở lại và tuyển sinh viên năm Dự bị vào trường vào giữa năm 1976. Dĩ nhiên là tôi không được dự một phần nhỏ nào trong việc tổ chức trên. Tôi chỉ là k đứng bên lề “cuộc chơi”.

Một buổi chiều giữa tháng 6 năm 1976, tôi mời tất cả sinh viên LH2 đến nhà tôi ngụ tại đường Nguyễn minh Chiếu, ngay sau lưng Nha Hàng Không Dân Sự nằm trên đường Cách Mạng 1-11.

Phòng khách nhà tôi có kích thước 5x8 mét, được dọn dẹp bàn ghế vào sát tường để dành đủ chỗ trống cho khoảng 30 anh chi em đến dự hôm đó.  Tôi ngồi giữa, mặc bên ngoài áo sơ mi một áo kimono màu xanh do một người bạn Nhựt tặng. Phía sau lưng áo có một vòng tròn màu trắng trong đó có ghi chữ Xuất () (theo lời GS Nguyễn Văn Sâm, một người bạn từ thời tiểu học nói chữ nầy là do hai chữ Sơn gộp lại).

Sau khi hàn huyên mọi chuyện, nhứt là tình hình trong trường, vì lúc đó tôi đã rời khỏi nơi chốn thân thương nhiều kỷ niệm để đi vào một cuộc phiêu lưu mới. (xin xem Chương “Con đường đi đến Ban Khoa học Kỹ thuật thành phố”). Tôi mang ra một can nhựa 10 lít chứa đầy rượu mía Hiệp Hòa. Tôi mời mỗi người uống cùng tôi một chung rượu. Sau mỗi chung rượu mời, tôi tự đáp lễ một chung cho chính tôi, nghĩa là tôi đã uống tổng cộng 30 chung rượu trong một thời gian ngắn.

Tiếp theo, tôi mời các anh chị lên sân thượng xem “vườn thượng uyển” của tôi do một anh sinh viên Cao Đài đã chia ngọt xẻ bùi ngay sau ngày 30/4/75. Đó là Lê Phú Huy hiện ở Vancouver, Canada. Tôi đã bắt đầu xây xẩm mặt mày, có lẽ vì vừa uống nhiều rượu, vừa bị trúng gió khi lên sân thượng, và cũng có lẽ vì tôi quá cảm động không ngờ hầu như tất cả LH2 của tôi đều có mặt ở nhà tôi hôm đó.

Tôi cố gắng tiễn chân từng sinh viên một. Vừa dắt xe đạp ra khỏi cửa nhà tôi, Chị ĐTTV ghé tai tôi nói nhỏ: “Thầy nên cẩn thận, họ đang tìm cách bắt Thầy đó”. Tiếp theo, Chị CHO đi bên cạnh nhắc tôi coi chừng vì có vài anh nằm vùng trong nhóm. Cảm kích vì lời nhắn của hai Chị, tôi trấn an bằng cách cho hai Chị biết là tôi cũng đã phòng ngừa kỹ lưỡng tình trạng xấu nhứt xảy ra cho tôi rồi...tức là đi tù là cùng...

Buổi họp mặt ngày hôm đó cho đến bây giờ dường như đang xảy ra trước mắt tôi. Các Anh, các Chị Lý Hóa 2 ơi! Thầy của các Anh các Chị vẫn còn một lòng sắt son với quê hương và luôn dồn tâm sức vào tiến trình mang lại tự do, nhân quyền cho 88 triệu bà con đang còn quằng oại dưới gông cùm của cường quyền.

Đây là một lời hứa của Thấy và cũng là một Lời Nguyền của một người con Việt.

Lớp Lý Hóa 2 hiện tại

Trong hồi ức giữa mùa Lễ Tạ Ơn năm nay, tôi cố tìm lại những hình ảnh củ lớp LH2. Trong số 34 sinh viên, tôi hình dung vị trí từng anh, từng chị ở dãy lớp học bên phía Ban Văn Chương do Phó Khoa trưởng Lê Văn (quá cố tại Hoa Kỳ cuối năm 2009) phụ trách. Xin được liệt kê ra đây danh sách các anh chị:

·       Các anh: - Nguyễn Cấp – Trần Văn Chương – Nguyễn Bá Dũng – Lê Xuân Dũng – Phạm Long Hải – Lê Thành Hiếu – Nguyễn Đức hoành – Nguyễn Thành Hiệp – Nhiêu Khương Huê – Liêm (gốc Chàm) – Trần Mạng – Nguyễn Hữu Mỹ - Nguyễn Hữu Ơn – Lê Tấn Phát – Nguyễn Thanh Sơn – Nguyễn Long Thành – Nguyễn Văn Thiện – Nguyễn Chí Thiện – Nguyễn Thiều – Trần Đăng Ưng - Nguyễn Thanh Vân – Nguyễn Ngọc Vượng – Nguyễn Hữu Vy.

·       Các chị: - Nguyễn Thị Tú Anh – Trần Thị Dung – Nguyễn Thị Hồng Hoa – Bùi Tuyết Hồng – Nguyễn Thị Kim Loan – Trần Thị Bích Liên – Chu Hồng Oanh – Nguyễn Thị Ngọc Sanh – Phí Thị Từ - Đinh Thị Tùng Vân – Nguyễn Thị Kim Yến.

Những anh chị LH2 mà tôi đã gặp hay biết tin tức lần lượt xin được kể ra đây.

Được biết anh Huỳnh Long Hải đã qua đời. Anh Lê Thành Hiếu được bổ dạy ở trường Trung học Hậu Nghĩa (dù tỉnh nầy đã bị xóa tên và xáp nhập vào tỉnh Long An khi CS vào) thời gian đầu và sau đó anh rời nhiệm sở…

Tôi đã liên lạc được chị Chu Hồng Oanh vào cuối năm 1985 khi tôi đang làm post doctorate ở Medical School ở Minneapolis, Minnesota. Nhưng sau đó lại mất liên lạc. Mãi đến năm 2009 mới gặp lại cùng với chị Nguyễn Thị Tú Anh cùng môt người anh là Anh Tú, trưởng lớp LH3 năm 1974, lớp mà tôi có dịp phát bằng ra trừơng vào tháng 6, 1974 (bằng cấp lúc đó chỉ là một cuộn giấy cứng trượng trưng mà thôi).

Năm 2010, tôi có dịp đi ăn với chị Nguyễn Thị Ngọc Sanh đến từ San Jose ở nhà chi6 Oanh. Cùng thời gian đó tôi lại được dịp gặp chồng của Chi Đinh Thị Tùng Vân, một bác sĩ thành công (về tài chánh) ở Việt Nam qua Hoa Kỳ thăm con đang du học tại đây.

Tôi lại may mắn gặp anh Nguyễn Chí Thiện, du lịch qua Mỹ. Ngoài ra tôi cũng được biết các anh chị em LH2 vẫn còn sinh hoạt thường xuyên ở quê nhà trong tinh thần đồng môn.

Dù nhiều anh chị bỏ nghề. Nghe nói anh Hiệp, phấn đấu và được làm…đến chánh sở học chánh quận Nhà Bè (?), nhưng sau đó chán nản cung cách giáo dục cs cho nên phải từ nhiệm. Anh Nguyễn Thanh Sơn, trưởng lớp LH2, cùng vượt biên và đã gặp tôi tại Sungai Busi, Mã Lai. Anh tỏ vẻ e ngại khi thấy tôi làm Trưởng trại lúc đó; nhưng tôi đã trấn an cho anh là Thầy không bao giờ hại trò cả, cũng như những hành động phấn đấu của anh lúc đó chỉ vì chưa nhận thức được bộ mặt thật của những người cộng sản mà thôi. Anh đã định cư ở Canada.

Kết luận

Vừa ghi lại những dòng chữ trên, tôi dường như cũng vừa trút bỏ một tâm sự từ gần 40 năm. Đối với tôi, mối quan hệ giữa Trò và Thầy rất quan trọng. Tuy đây là một khoảng cách xa nếu so với vai vế, nhưng nếu người thầy biết vận dụng mối quan hệ tương tác giữa thầy trò, người học trò hay người sinh viên sẽ giúp cho người thầy diễn đạt vai trò của mình hay hơn, uyển chuyển hơn. Sau hết trong giao tiếp chân thật, nhờ đó, học trò có cơ hội quan sát mình rõ hơn và có thể có những nhận xét chính xác hơn giúp người thầy trong việc giảng dạy.

Tôi đã có may mắn hướng dẫn và sinh hoạt với LH 2 và chính nhờ đó, qua những cọ sát trong xã hội, thăng trầm của cuộc sống và qua thời gian, tâm hồn tôi dung chứa nhiều hình ảnh tích cực hơn là tiêu cực.

Các Anh Chị, ngay từ những giây phút đầu, đã gợi ý cho tôi thử nghiệm một phong cách dạy mới là phá vở rào cản Thầy-Trò, một điều khó làm và khó được các đồng nghiệp khác chấp nhận vì quan niệm Nho giáo còn quá sâu đậm trong tâm khảm người Việt mình.

Các Anh Chị đã cho tôi thể hiện cái Tâm nhân bản và ý thức cộng đồng khi đã cùng tôi tham gia vào những sinh hoạt ngoài học đường, điều mà nhiều đồng nghiệp khác không thích làm hay không muốn làm.

Cám ơn các Anh Chị Lý Hóa 2.

Hy vọng chúng ta sẽ cùng cạn chén trà trong một tương lai không xa tại Sài Gòn.

Mai Thanh Truyết

Một thời không quên

Mùa Lễ Tạ Ơn 2011










No comments:

Post a Comment