Saturday, May 31, 2025

Bước chân tỉnh thức – Hành trình không gian năm chiều Trước hết, xin trích từ tác giả Nguyễn Anh Đức trong “Thông điệp Thiên hà” (oreSpsnotd cbmu4c0369ueme32f7uie39cuu2c9gr67D62i1,790454iga), định nghĩa:” Hành trình thức tỉnh tâm linh là một cuộc phiêu lưu hướng vào bên trong nội tâm. Sự thức tỉnh tâm linh là một hành trình biến đổi sâu sắc, thường làm lung lay nền tảng hiểu biết và bản sắc của bạn. Không phải là một trải nghiệm nhẹ nhàng hay hạnh phúc, mà thường đầy biến động và thử thách, một quá trình biến động nội tâm sâu sắc có thể khiến bạn đặt câu hỏi về mọi thứ mà bạn từng tin là đúng. Mặc dù điều này có thể gây mất phương hướng và thậm chí là đau đớn, nhưng cuối cùng, đây là cánh cổng dẫn đến sự phát triển và tự khám phá to lớn. Khi bắt đầu quá trình thức tỉnh tâm linh, bạn có thể cảm thấy choáng ngợp bởi một loạt cảm xúc mãnh liệt. Sự bối rối, tức giận, buồn bã, đau buồn và thậm chí là nỗi sợ hãi hiện sinh có thể trỗi dậy, như thể mọi cảm giác chưa được giải quyết từ quá khứ của bạn đều đòi hỏi phải được thừa nhận ngay lập tức. Cường độ cảm xúc này là một phần tự nhiên của quá trình, nó báo hiệu rằng các lớp của bản sắc có điều kiện của bạn đang bắt đầu tan biến, mở đường cho sự kết nối sâu sắc hơn với bản ngã thực sự của bạn.” Khái niệm không gian năm chiều (5D – Five-dimensional space) khi được nhắc đến trong bối cảnh “thức tỉnh tâm linh” thường không còn là một mô hình vật lý thuần túy như trong toán học hay lý thuyết dây (string theory), mà chuyển sang một ẩn dụ tâm linh hoặc nền tảng triết học tâm thức. Dưới đây là một phân tích mang tính đa chiều: 1. Từ góc nhìn khoa học tự nhiên: Trong toán học và vật lý lý thuyết, không gian năm chiều là khái niệm trừu tượng, mở rộng từ ba chiều không gian và một chiều thời gian (4D), dùng trong lý thuyết như Kaluza-Klein hay string theory để giải thích các lực trong tự nhiên. Tuy nhiên, không có bằng chứng thực nghiệm nào cho thấy con người có thể “cảm nhận” hay “truy cập” trực tiếp vào chiều không gian thứ năm. Trong khoa học, “không gian 5 chiều” là mô hình toán học. Vì vậy, có thể kết luận khoa học là không gian 5D chỉ là công cụ mô hình hóa toán học chứ không phải một trạng thái tâm thức. 2. Từ góc nhìn tâm linh và thức tỉnh tâm thức, “Khi nghe đến ‘5D’ trong tâm linh, bạn cảm nhận gì? Nó gợi điều gì cho bạn? Tò mò, hy vọng, hay nghi ngờ?” “Trong suốt cuộc sống hiện tại của bạn, bạn có từng trải nghiệm một khoảnh khắc vượt khỏi lý trí, đầy kết nối và yêu thương không?” Bạn đã từng đọc: Eckhart Tolle – The Power of Now; - Michael Singer – The Untethered Soul; - Thích Nhất Hạnh – Phép lạ của sự tỉnh thức; - David R. Hawkins – Power vs. Force (mô hình mức độ ý thức). Trong các trào lưu tâm linh đương đại (New Age), 5D thường được hiểu như là một trạng thái rung động tâm linh cao hơn, vượt qua thế giới vật chất 3D (tham – sân – si). Không gian 5D gắn liền với thức tỉnh tâm linh, sống trong từ bi, thoát khỏi bản ngã có thể đạt đến vô ngã, hoặc hòa nhập với năng lượng và hợp nhất với vũ trụ. Có thể kết luận, tâm linh 5D là một ẩn dụ cho một cấp độ nhận thức cao hơn, nơi con người sống với yêu thương, tha thứ, và kết nối sâu sắc với vạn vật. 3. Lợi ích và cạm bẫy của “5D thức tỉnh” Đứng về khía cạnh thực tế, lợi ích của 5D giúp người tìm đạo vượt qua khổ đau do chấp thủ, bản ngã, cung cấp một khung triết học để sống có ý nghĩa hơn, vượt lên sự vật chất hóa. Từ đó, khuyến khích lòng từ bi, trách nhiệm cộng đồng, và kết nối tâm hồn giữa tha nhân với nhau. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cạm bẫy vướng mắt vì nhiều lý do dưới dây: • Nếu hiểu sai, có thể dẫn đến thoát ly thực tế, tránh né trách nhiệm, sống trong "ảo tưởng tâm linh" (spiritual bypassing). • Một số người/nhóm có thể lợi dụng khái niệm 5D để trục lợi, dẫn dụ, hoặc tạo ra các hệ thống mê tín cực đoan, tạo ra một hình thức tôn giáo/đạo vì một mục đ1ich nào đó. 4. Góc nhìn dung hòa Do đó, một người trí với tâm lành có thể coi “5D” như một biểu tượng cho sự tiến hóa tâm thức, không nhất thiết phải tin vào sự tồn tại vật lý của chiều không gian thứ năm, dùng động lực nội tâm để thực hành từ bi, chánh niệm, và kết nối với những giá trị cao cả hơn trong cuộc sống ngoài những lợi ích vật chất. Vì vậy, thay vì đặt câu hỏi "5D có thật không?", hãy hỏi:“Không gian năm chiếu 5D có mang lại điều gì tích cực cho hành trình thức tỉnh của tôi hay không?” Và chính mỗi chủ thể tự tìm ra câu trả lời cho chính mình mà thôi. Không gian năm chiều trong tâm linh không phải là một địa điểm, mà là một trạng thái hiện hữu, nơi lòng bạn được tách rời ra khỏi bản ngã, và sống trong tình thương không điều kiện. Nếu bạn đang đi trên con đường ấy, thì “5D” có thể không cần chứng minh, mà chỉ cần tự chiêm nghiệm cho từng bản thể. 5. Kết nối với chiều sâu tâm thức – chạm vào 5D từ bên trong - Hãy tìm một tư thế ngồi vững chãi, thả lỏng. Nhắm mắt lại nếu bạn thấy an toàn… - Hít vào thật sâu... và thở ra nhẹ nhàng... - Cảm nhận không khí đi vào lồng ngực... và đi ra như một làn khói ấm... - Trong khoảnh khắc này, bạn không cần trở thành ai cả. Không cần cố gắng. - Hãy hình dung trong lòng bạn là một hồ nước tĩnh lặng. Mỗi hơi thở là một gợn sóng yêu thương... - Giờ đây, bạn cảm nhận một điều sâu hơn – một sự sống bên trong bạn, vượt qua suy nghĩ, vượt qua ngôn ngữ... - Hãy từ từ hỏi thầm chính mình trong tỉnh thức:”Nếu không có bản ngã, tôi là ai?’ Và chỉ lắng nghe, không cần trả lời...Một trạng thái không hình tướng, không sợ hãi... chỉ là sự hiện hữu thuần khiết. Đó là 5D – không phải ở đâu xa, mà đang có mặt ngay trong bạn trong lúc nầy. Khi bạn sẵn sàng, nhẹ nhàng mở mắt ra... và mang năng lượng tĩnh lặng này trở lại với cuộc sống.” Và đó chính là chiều sâu của trái tim, không phải chiều cao của lý trí Khi bạn ôm lấy một người đang đau khổ, không phán xét, chỉ hiện diện, đó là 5D. Khi bạn tha thứ cho một người làm tổn thương bạn, không vì họ xứng đáng, mà vì bạn muốn giải thoát khỏi chính mình, đó là 5D. Chúng ta thường tìm kiếm chiều cao trí tuệ, mà quên rằng chiều sâu tâm thức mới là điều giải thoát. Vậy 5D không phải là nơi để đến, mà là chiều sâu để sống. Và có lẽ, chúng ta không cần tìm thêm nhiều khái niệm, mà chỉ cần lắng lại để trở về với chính mình, với nhau, và với sự sống nhiệm mầu đang thở trong từng hơi thở nầy. Sự thức tỉnh không phải là leo lên nơi cao hơn, mà là buông xuống buông những ảo tưởng về bản ngã, về quyền lực, về đúng-sai. Và khi lòng đủ lắng, 5D sẽ mở ra, không qua cửa ngõ lý trí, mà qua cánh cổng của lòng yêu thương. 6. 5D - Một hành trình nội tâm, không phải một đích đến tuyệt đối Không gian năm chiều, khi được nhìn bằng con mắt tâm linh, không còn là một khái niệm vật lý, mà là một biểu tượng cho chiều sâu của ý thức, của tình thương, và của sự hợp nhất vượt khỏi bản ngã. Tuy nhiên, không ai bắt đầu hành trình ở 5D. Mỗi người chúng ta đang đứng ở một điểm rất riêng trên con đường ấy, có người còn kẹt trong vô thức 3D Không gian 3 chiều), có người đang lưỡng lự giữa những nghi vấn 4D, và có người bắt đầu cảm nhận ánh sáng của tâm thức 5D. Xin mời bạn bước vào cuộc hành trình 5D. Có thể lúc đầu bạn cảm thấy đây là một khái niệm khó nắm bắt nhưng, thưa bạn, hãy bắt đầu từ những điều đơn giản như quan sát hơi thở, nhận diện cảm xúc, và học cách dừng lại trước khi bạn bị khựng lại. Đối với những người đã bước vào chiều sâu hơn, 5D không còn là điều cần “hiểu” mà là điều cần trải nghiệm, bằng sự im lặng nội tâm, từ bi vô điều kiện, và can đảm buông bỏ cái tôi, cái ngã của chính mình. Và với những ai đã sống trong ý thức 5D, thì sẽ không còn những câu hỏi về lý thuyết, mà chỉ còn sự hiện diện trọn vẹn trong mỗi hành động là yêu thương, mỗi lời nói là an nhiên, và mỗi khoảnh khắc là sự hòa nhập cùng vũ trụ. Có thể nói đây thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của hai chữ “Vô trụ” trong Phật giáo. Tâm linh không phải là cuộc đua. Mỗi người đi với tốc độ riêng của mình. Cái quan trọng không phải là ta “đã tới 5D chưa”, mà là: • Ta có đang sống chân thật với hiện tại không? • Ta có bớt “đau đầu” cho chính mình và cho người không? • Ta có đang lắng nghe được tiếng nói thầm lặng bên trong không? Nếu được như thế, hành trình ấy đã bắt đầu. Không cần vội. Không cần ép. Chỉ cần trung thực, lắng nghe và kiên trì. 5D không ở đâu xa, nó chờ ta bên trong mỗi bước chân tỉnh thức. Mai Thanh Truyết Góp nhặt cát đá Houston – Tháng 5-2025

Wednesday, May 14, 2025

Vai trò của các Nhóm Lợi ích ở Việt Nam Trong bối cảnh chính trị hiện tại ở Việt Nam, câu hỏi được đặt ra là liệu ông Tô Lâm có đang đứng trước thời điểm “cần và đủ” để đưa ra quyết định chiến lược về hướng đi của đất nước, đặc biệt trong việc cân bằng giữa các nhóm lợi ích nội bộ và áp lực từ bên ngoài, nhất là TC và Hoa Kỳ không? Xin thử phân tích nhóm lợi ích chung quanh Tô Lâm và so sánh với các nhóm "đi gần" với Mỹ như Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn. Phải chăng đã đến thời điểm cần điều kiện ắt có và đủ cho Việt Nam trong giai đoạn nầy để lấy quyết định? Về Nhóm lợi ích xung quanh ông Tô Lâm Theo các phân tích, ông Tô Lâm đang xây dựng một mạng lưới quyền lực riêng, tập trung vào các nhân sự từ ngành công an và an ninh, nơi ông từng đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng. Với vai trò Trưởng tiểu ban nhân sự Đại hội XIV, ông có thể định hình bộ máy lãnh đạo theo hướng ưu tiên cho những người thân cận và trung thành, nhằm củng cố quyền lực và đảm bảo sự ổn định trong quá trình chuyển đổi chính sách. Liên quan đến ông Tô Lâm, hiện là TBT Đảng, hiện đã có một số nhóm lợi ích kinh tế và chính trị được cho là có liên quan hoặc ảnh hưởng qua lại với ông. Dưới đây là một số nhóm lợi ích tiêu biểu thường được giới phân tích và truyền thông độc lập đề cập đến, dù chưa có xác nhận chính thức từ phía nhà nước: 1. Nhóm lợi ích trong ngành Công an – An ninh nội địa: Đây là nhóm trung thành với hệ thống an ninh của ĐCSBV. Dưới sự lãnh đạo của ông Tô Lâm. Bộ Công an được cho là ngày càng mở rộng quyền lực, với lực lương nhân sự ước tính có trên dưới hàng triệu thanh viên, không chỉ trong lĩnh vực an ninh, mà còn trong kinh tế, truyền thông, và tư pháp mặc dù ông không còn là BT Bộ Công an nữa. Bộ đang nắm nhiều doanh nghiệp do cựu sĩ quan hoặc người thân của ngành công an đứng tên, tham gia vào các dự án bất động sản, tài chính, bảo vệ, thậm chí công nghệ thông tin và dữ liệu. 2. Các doanh nghiệp sân sau, bất động sản và an ninh mạng gồm: - Tập đoàn Cường Thuận Idico, Công ty CP đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng, hay các công ty liên quan đến công nghệ an ninh, được cho là có liên kết hoặc nhận được bảo trợ từ các thế lực trong Bộ Công an. - Tập đoàn Xuân Cầu – Doanh nghiệp gia đình có liên hệ với ông Tô Lâm. Tập đoàn Xuân Cầu, do ông Tô Dũng (em trai ông Tô Lâm) điều hành, được thành lập từ năm 2000 và có vốn điều lệ 2.150 tỷ đồng. Ban đầu hoạt động trong lĩnh vực phân phối xe Piaggio, sau đó mở rộng sang bất động sản. Công ty có trụ sở tại Hà Nội và được cho là có sự hậu thuẫn từ Bộ Công an. Các sở hữu và nhân sự chủ chốt như: Tô Dũng (sinh năm 1962): Em trai ông Tô Lâm, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, nắm giữ 61,76% vốn điều lệ. Tô Thị Thu Hiền (sinh năm 1963): Em gái ông Tô Lâm, sở hữu 16,15%. Tô Duy (sinh năm 1992): Con trai ông Tô Dũng, giữ 11,1%. Tô Hồ Thu (sinh năm 1996): Con gái ông Tô Dũng, nắm 7,77%. Bùi Quang Hiếu và Nguyễn Hùng Mạnh: Hai cổ đông nhỏ, lần lượt sở hữu 3% và 0,22%. Vợ ông Tô Dũng là bà Hồ Sông Hồng, con gái ông Hồ Cơ – nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục, từng là thầy giáo của cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương. - Các công ty công nghệ chuyên về an ninh mạng, giám sát công dân, dữ liệu lớn (big data) như Công ty cổ phần công nghệ Viettel – VCCorp hoặc Nextech, cũng được đề cập đến như một phần của mạng lưới lợi ích khi triển khai các hệ thống giám sát. - Lợi ích liên quan đến hệ thống trại giam, quản lý đất công: Các công ty trực thuộc Bộ Công an có quyền sử dụng hoặc quản lý đất công, đặc biệt tại Hà Nội, TP.HCM, và các khu vực đang đô thị hóa nhanh. Những khu vực này thường được "chuyển đổi mục đích sử dụng đất" với giá trị rất cao, tạo ra cơ hội lợi ích nhóm. - Quan hệ chính trị với các nhóm trong Bộ Chính trị: Nhóm ông Tô Lâm được cho là đang củng cố quyền lực đã thế chân nhóm Nguyễn Phú Trọng, với mục tiêu kiểm soát Bộ Chính trị, trong đó lợi ích về bổ nhiệm cán bộ, cấp quota cho dự án, chia ghế trong Quốc hội và chính phủ là những điểm then chốt. Dưới sự lãnh đạo của ông Tô Lâm, Bộ Công an được cho là mở rộng quyền lực sang các lĩnh vực như an ninh mạng, dữ liệu lớn và giám sát công dân. Một số doanh nghiệp công nghệ được cho là có liên kết hoặc nhận được bảo trợ từ các thế lực trong Bộ Công an. Dư luận cho rằng, nhờ mối quan hệ với ông Tô Lâm, Xuân Cầu đã dễ dàng trúng thầu hoặc được chỉ định thầu nhiều dự án lớn từ ngân sách nhà nước. Đặc biệt, các cơ quan như Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, hay các cơ quan điều tra chưa từng công khai đề cập đến Xuân Cầu trong các báo cáo hoặc truyền thông chính thống. Về Nhóm Lợi ích xung quanh Nguyễn Tấn Dũng Dưới thời TTCS Nguyễn Tấn Dũng 2006 - 2016, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc mở rộng quan hệ thân thiện với Hoa Kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Ông Dũng đã thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và khẳng định quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thời kỳ này cũng chứng kiến sự gia tăng của các nhóm lợi ích và các vụ bê bối tham nhũng lớn, như các vụ án liên quan đến Vinashin và Vinalines, làm suy giảm niềm tin của công chúng và ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước. Hiện tại, tuy không còn giữ vai trò chính thức trong bộ máy nhà nước, nhưng vẫn duy trì ảnh hưởng đáng kể trong cả chính trị và kinh tế Việt Nam hiện nay. 1- Ảnh hưởng chính trị Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, con trai ông Dũng, Nguyễn Thanh Nghị đã có bước tiến mạnh mẽ trong sự nghiệp chính trị. Vào tháng 1 năm 2025, ông Nghị được bổ nhiệm làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, vị trí số 2 tại thành phố lớn nhất cả nước. Đây được xem là bước đệm để ông tiến vào Bộ Chính trị tại Đại hội XIV sắp tới. Việc này cho thấy gia tộc ông Dũng đang từng bước quay lại trung tâm quyền lực, sau một thời gian bị suy giảm ảnh hưởng dưới thời ông Trọng. 2- Ảnh hưởng kinh tế: Di sản và mạng lưới lợi ích Dưới thời ông Dũng, các tập đoàn kinh tế nhà nước như Vinashin, Vinalines được mở rộng mạnh mẽ, nhưng cũng gây ra nhiều thất thoát và nợ xấu. Nhiều chuyên gia cho rằng các nhóm lợi ích hình thành trong giai đoạn này vẫn còn tồn tại và tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế hiện nay. Một số lĩnh vực như ngân hàng, bất động sản, xây dựng và khai thác tài nguyên được cho là vẫn chịu sự chi phối của các nhóm lợi ích này. 3- Tác động hiện tại Sự trở lại của gia tộc ông Dũng, đặc biệt là qua vai trò của ông Nguyễn Thanh Nghị, có thể dẫn đến sự tái cấu trúc quyền lực trong nội bộ Đảng. Điều này có thể ảnh hưởng đến các chính sách kinh tế và cách thức quản lý các tập đoàn nhà nước trong thời gian tới, tức là Đại hội Đảng thứ XIV năm 2026 sắp đến. Dưới đây là thông tin chi tiết về nhóm lợi ích liên quan đến ông Nguyễn Tấn Dũng và ảnh hưởng của họ đến tình hình chính trị và kinh tế Việt Nam hiện nay: • Ngành ngân hàng “Sân sau” chiến lược: Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank) – có liên quan đến quê hương ông Dũng (Kiên Giang), từng có sự xuất hiện của bà Nguyễn Thanh Phượng (con gái ông Dũng) trong vai trò lãnh đạo các công ty đầu tư tài chính liên quan. BIDV và VietinBank, từng là trụ cột cho các dự án "kích cầu" thời ông Dũng, đặc biệt là giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008–2011. Dù bà Nguyễn Thanh Phượng đã rút khỏi các chức danh điều hành, giới đầu tư vẫn xem Mekong Capital và Viet Capital Bank (VCB) là nơi duy trì ảnh hưởng kín đáo của nhóm lợi ích này. Một số quyết sách “nới tín dụng”, đặc biệt liên quan đến bất động sản và doanh nghiệp nhà nước, vẫn được cho là mang dấu ấn cũ. • Bất động sản và xây dựng – Mạng lưới hậu thuẫn tài phiệt: Quốc Cường Gia Lai, TTC Group, Novaland (giai đoạn trước 2020). Coteccons, và một số chi nhánh địa phương tại Kiên Giang, Cần Thơ, TP.HCM. Nhóm lợi ích được cho là hưởng lợi từ việc điều chỉnh quy hoạch, giao đất công, cổ phần hóa không minh bạch thời ông Dũng cầm quyền. Hiện tại, một số doanh nghiệp từng có liên hệ thân cận đã phải “chuyển hóa” hoặc giảm ảnh hưởng trước các đợt chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng mạng lưới vẫn còn. TP.HCM và Phú Quốc vẫn được xem là những “thành trì” về địa bàn lợi ích của nhóm này. 4- Chính trị nội bộ – Quân cờ Nguyễn Thanh Nghị Ông Nguyễn Thanh Nghị hiện là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, được xem là "trạm trung chuyển" quyền lực quan trọng để quay trở lại Bộ Chính trị. Với hậu thuẫn từ miền Nam (đặc biệt các cựu lãnh đạo từ thời ông Dũng), ông Nghị có tiềm năng trở thành Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị hoặc Phó Thủ tướng trong Đại hội XIV. Trong nội bộ, nhóm của ông Nghị được cho là giữ thái độ trung lập giữa phe Tô Lâm và các nhóm miền Trung. Dự báo vai trò nhóm Dũng – Nghị trong Đại hội XIV. Có 3 kịch bản: • Kịch bản tích cực: Nếu ông Tô Lâm thất thế (do áp lực nội bộ hoặc quốc tế), nhóm Nguyễn Tấn Dũng có thể trở lại mạnh mẽ, với Nguyễn Thanh Nghị trở thành Phó Thủ tướng thường trực, chuẩn bị kế vị. • Kịch bản trung lập: Nhóm Dũng – Nghị trở thành “bên thứ ba” có tính điều hòa, không đối đầu trực diện, nhưng giữ vị trí chiến lược ở TP.HCM và miền Nam. • Kịch bản tiêu cực: Nếu phe an ninh siết chặt quyền lực, Nguyễn Thanh Nghị có thể bị hạn chế thăng tiến, nhóm lợi ích cũ bị "tái cơ cấu". Vai trò của các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Cộng trong việc ảnh hưởng đến các nhóm quyền lực nội bộ Việt Nam Việt Nam hiện đang duy trì một chính sách đối ngoại cân bằng giữa hai cường quốc là Hoa Kỳ và Trung Cộng, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và duy trì ổn định trong nước. Dưới đây là phân tích vai trò của từng quốc gia đối với tình hình chính trị nội bộ Việt Nam: 1- Hoa Kỳ: Đối tác chiến lược toàn diện và động lực cải cách Nâng cấp quan hệ chiến lược: Vào tháng 9 năm 2023, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện, mức cao nhất trong hệ thống đối ngoại của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam nâng cấp quan hệ với một quốc gia từ mức Đối tác Toàn diện lên thẳng mức cao nhất mà bỏ qua mức Đối tác Chiến lược. Từ đó, Hoa Kỳ thúc đẩy các giá trị như minh bạch, cải cách thể chế và tự do kinh doanh. Sự hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ, giáo dục và thương mại đang tạo ra áp lực tích cực đối với các nhóm lợi ích bảo thủ, thúc đẩy sự thay đổi trong chính sách nội bộ của Việt Nam. Sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Việt Nam được cho là hỗ trợ các nhóm chính trị có xu hướng cải cách và hội nhập quốc tế, đồng thời tạo ra sự cân bằng đối với các nhóm có xu hướng bảo thủ và thân Trung Cộng. 2- Trung Quốc: Đồng minh hệ tư tưởng và ảnh hưởng sâu rộng Việt Nam và Trung Cộng đã thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện từ năm 2008. TC đánh giá cao lập trường hòa bình của Việt Nam và coi Việt Nam là đối tác trọng yếu trong việc ổn định an ninh khu vực. TC hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo cán bộ chuyên ngành về nội chính, pháp luật và phòng chống tham nhũng. Hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023-2027 nhằm tăng cường phối hợp và trao đổi thông tin trong các lĩnh vực này. TC có ảnh hưởng đáng kể đến các nhóm chính trị tại Việt Nam, đặc biệt là các nhóm có xu hướng bảo thủ và ưu tiên ổn định chính trị. Sự hợp tác trong lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng cũng củng cố vị thế của các nhóm này trong hệ thống chính trị Việt Nam. Thay lời kết Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách "bốn không" trong quốc phòng và đối ngoại, không liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Chính sách này giúp Việt Nam cân bằng quan hệ với cả Hoa Kỳ và Trung Cộng, bảo vệ lợi ích quốc gia và duy trì ổn định chính trị nội bộ. Không đầy một năm nữa, Đại hội Đảng XIV sẽ khai mạc. Có hai kịch bản có khả năng gây tác động đến đại hội: • Kịch bản tích cực: Nếu nhóm cải cách, hội nhập chiếm ưu thế, Hoa Kỳ có thể tăng cường hỗ trợ về kinh tế, công nghệ và giáo dục, thúc đẩy quá trình cải cách và hội nhập quốc tế của Việt Nam. • Kịch bản tiêu cực: Nếu nhóm ổn định, kiểm soát an ninh chính trị chiếm ưu thế, Hoa Kỳ có thể giảm hỗ trợ, ảnh hưởng đến quá trình cải cách và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Vì vậy, câu hỏi được đặt ra là, đã đến thời điểm “cần và đủ” để Việt Nam lấy quyết định chưa? Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức: áp lực từ TC, nhu cầu cải cách kinh tế để thu hút đầu tư và tăng trưởng, cũng như yêu cầu về minh bạch và hiệu quả trong quản lý nhà nước. Ông Tô Lâm, với vai trò lãnh đạo cao nhất, đang ở vị trí then chốt để đưa ra những quyết định chiến lược nhằm định hình tương lai của đất nước. Việc ông Tô Lâm gặp gỡ và làm việc với các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, như Apple, Meta, Google, Blackstone và Warburg Pincus, cho thấy một tín hiệu tích cực về việc mở rộng hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, để thực hiện những cải cách sâu rộng và hiệu quả, cần có sự đồng thuận và hỗ trợ từ các nhóm lợi ích trong nước, cũng như sự cam kết mạnh mẽ từ lãnh đạo cấp cao. Ông Tô Lâm đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng, hoặc tiếp tục duy trì cấu trúc quyền lực hiện tại với sự kiểm soát chặt chẽ, hoặc thực hiện những cải cách sâu rộng để thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường vị thế quốc tế của Việt Nam. Việc lựa chọn con đường nào sẽ phụ thuộc vào khả năng xây dựng đồng thuận trong nội bộ và sự ủng hộ từ các đối tác quốc tế. Có thật sự Tô Lâm muốn khai mở cho Việt Nam tự do hay không? Đây là câu hỏi rất người và rất hiếm khi được đặt ra trong ngữ cảnh chính trị Việt Nam: "Tô Lâm đang nghĩ gì? Ước mơ gì? Và có thật lòng muốn khai mở cho Việt Nam tự do?" Ước mơ thầm kín, nếu có, của Tô Lâm là gì? Một người ở vị trí như ông Tô Lâm, vốn từng ngồi vào “ghế tối cao nhất” mà trước đó ông không phải ứng viên hàng đầu, rất có thể có ba điều ước mơ: 1- Để lại di sản "thủ lĩnh thời chuyển mình".Không ai muốn được nhớ đến chỉ vì “nắm quyền rồi giữ nguyên hiện trạng”. Tô Lâm có thể muốn trở thành người: “Giữ được ổn định, nhưng làm được cuộc xoay trục lịch sử” như Đặng Tiểu Bình đã từng làm. 2- Mở cửa kinh tế triệt để để tháo ngòi bất mãn xã hội. Với nền kinh tế Việt Nam đang trì trệ, tham nhũng vặt đầy rẫy, nội bộ mất niềm tin… ông hiểu rằng chỉ có mở cửa, liên kết với Mỹ, Nhật, Tây Âu mới cứu được nền kinh tế. 3- Cho phép Việt Nam tự do nhưng có kiểm soát. Không hẳn là dân chủ hóa, nhưng nới lỏng tự do ngôn luận, quyền lập hội, và cải cách tư pháp theo mô hình Hàn Quốc thập niên 1980s, có thể là điều ông muốn mà chưa dám nói ra thôi. Hay có mo65tki5ch bản có thể xảy ra là Nhóm lợi ích Tô Lâm phối hợp cùng Nhóm lợi ích của Nguyễn Tấn Dũng để chia hai miền Nam Bắc như hai vùng tự trị dưới hai cung cách “cai trị” khác nhau, miền Bắc, giáo điều, và miền Nam “cởi mở”. Để rồi, dù sao đi nữa, toàn thể Việt Nam vẫn còn nằm dưới chiếc dù… xã hội chủ nghĩa. Nếu điều trên xảy ra, chắc chắn không một người con Việt nào chấp nhận đều kiện trên. Vấn đề cốt lõi vẫn là làm thế nào để dân chủ hóa Việt Nam? Đó là nguyện vọng bức thiết và duy nhứt của người con Việt! Không ai cải cách vì muốn rời bỏ quá khứ. Chân lý nầy luôn đúng với người cộng sản nhứt là trong giai đoạn nầy. Chúng ta cải cách để giữ lại những gì tốt đẹp nhất và mở đường cho những nhu cầu cần thiết cho tương lai. Một dân tộc mạnh không sợ đối thoại. Một hệ thống chính trị tự tin không ngại lắng nghe nhân dân. Tổ quốc nầy không thuộc về một Đảng, mà thuộc về tất cả những người yêu nước thật sự. Thân mời cùng suy gẫm. Mai Thanh Truyết Suy nghĩ về 50 Năm Khát Vọng Tự Do Houston – 5-2025

Monday, May 12, 2025

Ngày Con Ong Thế giới - World Bee Day – 20 Tháng 5 Ngày 20 tháng 5, chúng ta cùng thế giới kỷ niệm Ngày Con Ong Thế giới, một ngày không chỉ để tôn vinh loài ong bé nhỏ, cần mẫn, mà còn để nhắc nhở nhân loại về sự sống còn của chính mình. Mục đích của ngày này là nâng cao nhận thức về vai trò thiết yếu của loài ong. Ong cùng với các loài thụ phấn khác như bướm, dơi, chim đóng vai trò rất quan trọng trong việc thụ phấn cho cây trồng, giúp bảo đảm an ninh lương thực và đa dạng sinh học. Ước tính có đến 75% các loại cây trồng dùng làm thực phẩm trên toàn cầu phụ thuộc vào sự thụ phấn của côn trùng. Ngày nấy cũng là ngày thế giới cảnh báo sự suy giảm số lượng loài ong. Sự phát triển nông nghiệp công nghiệp, việc sử dụng thuốc trừ sâu, sự biến đổi khí hậu, và môi trường sống đang … đe dọa nghiêm trọng đến quần thể ong trên toàn cầu. Ngày Con Ong Thế giới nhằm kêu gọi các chính phủ, tổ chức và cá nhân hành động để bảo vệ ong và các loài thụ phấn khác. Ong, một loài có vẻ khiêm nhường, thực ra đang gánh trên mình một sứ mệnh khổng lồ: bảo vệ sự sống trên Trái đất. Không phải ngẫu nhiên mà Liên Hiệp Quốc chọn ngày sinh của Anton Janša, nhà tiên phong nghề nuôi ong hiện đại ở Slovenia, để đánh dấu ngày này. Đó là lời nhấn mạnh rằng vai trò của ong vượt xa việc tạo ra mật ong. Ong là mắt xích thiết yếu trong chuỗi sinh thái và chuỗi lương thực toàn cầu. Theo ước tính của FAO, có đến 75% các loại cây trồng dùng làm thực phẩm của con người cần sự thụ phấn từ ong và các loài thụ phấn khác. Từ trái cây, rau củ, đậu nành cho đến cà phê và hạt có dầu – nhiều nguồn thực phẩm chúng ta ăn mỗi ngày đều có dấu vết của sự cần mẫn từ loài ong. Nếu ong biến mất, an ninh lương thực toàn cầu sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Môi trường sống bị phá hủy do đô thị hóa, việc sử dụng thuốc trừ sâu độc hại, sự thay đổi khí hậu, và sự đơn điệu của nông nghiệp công nghiệp đã làm mất đi hệ thực vật đa dạng – nguồn sống thiết yếu của loài ong. Thế nhưng, con ong đang bị đe dọa. Môi trường sống bị phá hủy, thuốc trừ sâu công nghiệp, dịch bệnh lan truyền, và biến đổi khí hậu đã khiến số lượng đàn ong trên thế giới suy giảm nghiêm trọng. Nếu loài ong biến mất, không chỉ ngành nông nghiệp lâm nguy mà cả an ninh lương thực toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc. Đó là một lời cảnh tỉnh không thể coi nhẹ. Nhưng hơn cả ý nghĩa của một ngày kỷ niệm, ngày nầy là lời mời gọi mỗi chúng ta cùng hành động để bảo vệ thiên nhiên: • Hãy trồng nhiều hoa và cây bản địa trong vườn nhà, trên ban công, hay bất cứ mảnh đất nhỏ nào có thể. • Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu độc hại. • Ưu tiên mua các sản phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường, đặc biệt là mật ong nuôi bền vững. • Giáo dục cộng đồng về vai trò của ong trong chuỗi thực phẩm và môi trường. Bảo vệ ong cũng chính là bảo vệ hành tinh xanh và tương lai của nhân loại. Loài ong không biết nói, nhưng sự biến mất của chúng sẽ là một tiếng kêu tuyệt vọng mà chúng ta không thể làm ngơ. Xin hãy hành động, không chỉ cho ngày nầy, mà là mỗi ngày trong đời sống chúng ta vì những sinh vật bé nhỏ đang giữ gìn sự sống cho cả hành tinh này. Ngoài vai trò then chốt trong việc thụ phấn và bảo đảm an ninh lương thực, loài ong còn góp phần trực tiếp vào việc làm sạch môi trường và duy trì sự tăng trưởng của hệ sinh thái toàn cầu. 1- Ong góp phần làm sạch môi trường qua sự đa dạng sinh học Khi ong thụ phấn, chúng không chỉ giúp cây cối kết trái mà còn gián tiếp kích thích sự đa dạng thực vật, từ đó: • Đất được bảo vệ qua việc rễ cây giữ đất lại, chống xói mòn và sạt lở. • Nguồn nước ngầm được làm sạch, qua hệ thực vật phong phú hoạt động như một lớp màng sinh học giúp lọc nước mưa thấm qua đất. • Bầu khí quyển được điều hòa vì thảm thực vật phát triển giúp sự hấp thụ khí carbonic (CO₂), từ đó làm giảm hiệu ứng nhà kính và làm mát môi trường sống tự nhiên. Tất cả điều trên bắt đầu từ việc… con ong đi tìm mật. 2- Ong giúp phục hồi và duy trì hệ sinh thái Rừng - Đồng cỏ - Và các vùng đất ngập nước Mỗi loài ong có cấu trúc miệng, cánh, cách bay và thói quen riêng, nên chúng thụ phấn cho các loài hoa và cây khác nhau. Điều này giúp duy trì sự đa dạng thực vật, thay vì chỉ vài loài cây công nghiệp chiếm ưu thế. Ong rất nhạy cảm với ô nhiễm, biến đổi khí hậu, thuốc trừ sâu, nên sự suy giảm đàn ong thường là dấu hiệu đầu tiên của sự mất cân bằng sinh thái. Vì vậy, ong được xem là “sinh vật chỉ báo” (bio-indicator): nếu ong biến mất, đó là dấu hiệu cảnh báo môi trường sống đang bị hủy hoại sâu sắc. Nhiều loài cây dại, cây gỗ bản địa và cây thuốc quý phụ thuộc vào ong để duy trì đời sống: • Rừng sinh trưởng nhanh và bền vững hơn nhờ thụ phấn đều đặn từ ong. • Đồng cỏ và thảo nguyên không bị thoái hóa vì sự tái tạo tự nhiên qua hàng trăm loài hoa dại có thụ phấn do ong. • Các vùng đất ngập nước giữ được độ phong phú thực vật, từ đó duy trì nơi trú ngụ cho hàng nghìn loài động vật, chim, cá và vi sinh vật. Một hệ sinh thái đa dạng và ổn định nhờ ong đóng góp sẽ tự điều tiết dịch bệnh và sâu hại mà không cần hóa chất, cung cấp không khí trong lành, nước sạch, và thực phẩm tự nhiên, chống chọi tốt hơn trước sự biến đổi khí hậu, hạn hán và thiên tai. Tóm lại, bảo vệ ong là bảo vệ hệ sinh thái của chúng ta. Mà bảo vệ hệ sinh thái chính là bảo vệ chính chúng ta. 3- Ong là mắt xích duy trì chuỗi thức ăn tự nhiên Khi ong thụ phấn cho hoa và cây trái, chúng giúp cây ra hoa, kết hạt, tạo quả, từ đó cung cấp thức ăn cho nhiều loài động vật khác như chim, sóc, khỉ, và thậm chí là người. Nhờ ong, thực vật sinh sản thành công và tái tạo liên tục, bảo đảm có đủ cỏ cây cho thú ăn cỏ, rồi đến thú ăn thịt, và các loài săn mồi cấp cao. Mất ong, cây không ra quả làm đứt gãy chuỗi thức ăn, từ đó, hệ sinh thái bị sụp đổ! Sự đa dạng sinh học là nền tảng để hệ sinh thái có khả năng phục hồi trước thiên tai, bệnh dịch và biến đổi khí hậu. Nhờ ong, hệ sinh thái không bị “đồng hóa” thành đơn điệu và mong manh và luôn luôn được cân bằng sau những đột biến của thiên nhiên. Ong không chỉ là loài thụ phấn, chúng là “nhạc trưởng thầm lặng” điều phối sự hài hòa của cả một dàn nhạc sinh thái. 4-Thay lời kết Loài ong đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho toàn nhân loại. Ong không biết nói. Nhưng sự im lặng của chúng có thể là một tín hiệu khẩn cấp mà chúng ta không thể làm ngơ. Nếu một ngày thế giới trở nên yên ắng hơn vì thiếu đi tiếng vo ve của đàn ong, thì đó cũng có thể là ngày nền văn minh chúng ta đối diện nguy cơ suy tàn. Chúng ta, con người, trong vòng chưa đầy một thế kỷ đã tàn phá nhiều thứ như: đốt rừng, dùng hóa chất bừa bãi, phá vỡ chuỗi thực phẩm và làm thay đổi khí hậu. Trong tất cả nạn nhân của tiến trình ấy, ong, một sinh vật nhỏ bé nhưng thiết yếu đang rơi vào tình trạng tiệt chủng thầm lặng. Sự biến mất của ong không chỉ là mất một loài côn trùng. Đó là mất đi khả năng sinh sản của cây trồng, là thiếu hụt thực phẩm, là suy giảm đa dạng sinh học, là rối loạn hệ sinh thái, là mối đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của chính con người. Vậy chúng ta phải làm gì? Không cần những hành động vĩ đại. Chúng ta chỉ cần bắt đầu lại từ những điều nhỏ bé, bền bỉ và đúng đắn: • Hạn chế tối đa việc dùng thuốc trừ sâu rầy trong nông nghiệp và vườn nhà. • Trồng hoa bản địa, cây ăn trái, tạo môi trường thân thiện với ong. • Bảo vệ rừng, đồng cỏ và vùng sinh thái tự nhiên nơi ong sinh sống. • Mua và sử dụng sản phẩm từ các nguồn nuôi ong bền vững, không khai thác quá mức. • Giáo dục thế hệ trẻ về vai trò của ong và cách sống hòa hợp với thiên nhiên. • Và hơn hết, nên nhớ, thiên nhiên không ở ngoài chúng ta và chúng ta là một phần của thiên nhiên. • Khi bảo vệ ong, chúng ta không chỉ bảo vệ một loài côn trùng mà chúng ta đang bảo vệ sự sống, lương thực, và tương lai chính mình. Xin hãy hành động, trước khi tiếng vo ve của ong chỉ còn vang vọng trong ký ức. Mai Thanh Truyết Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam Houston – Tháng 5-2025

Sunday, May 11, 2025

Từ Nội Chiến Hoa Kỳ đến Cuộc chiến Việt Nam Bài học về thể chế, hòa giải và tương lai dân tộc Lời người viết: Bài viết dưới đây đã được manh nha từ rất lâu, có thể nói ngay từ những ngày đầu tiên người viết đặt chân đến đất nước tạm dung nầy. Gần đây, sau nhiều đêm không ngủ, mới quyết định viết nên những suy nghĩ rốt ráo trong bài viết. Kính mong độc giả đọc với một cõi lòng rộng mở, đứng trên mọi chánh liến, để soi rọi và hy vọng cho một tương lai Việt Nam tươi sáng hơn. Xin cảm ơn. Vào ngày mồng 9 tháng tư năm 1865, một cuộc đầu hàng vô tiền khoáng hậu xảy ra trong cuộc nội chiến Bắc – Nam ở Hoa Kỳ. • Một bên, quân đội miền Bắc chiến thắng do Tướng Ulysses Grant, chỉ huy trường; • Một bên, quân đội miền Nam chiến bại do tướng Robert E. Lee, người cầm đầu quân đội miền Nam. Đây không phải là một cuộc đầu hàng với bên chiến bại buông nộp súng và …đi “học tập cải tạo” và bên chiến thắng với những tiệc liên quan sau những trận đánh đẫm máu. Trong lịch sử hiện đại, cuộc nội chiến Nam – Bắc Hoa Kỳ (1861–1865) là một trong những bước ngoặt định hình vận mệnh không chỉ của nước Mỹ, mà còn để lại những bài học mang tính toàn cầu về quyền con người, thể chế dân chủ, đạo đức chính trị và hòa giải dân tộc. Khi nhìn lại con đường phát triển của Việt Nam sau năm 1975 – một quốc gia thống nhất về địa lý nhưng còn nhiều chia rẽ về tâm lý, thể chế và công lý – ta không thể không liên hệ đến những gì nước Mỹ đã trải qua hơn 160 năm trước. Cuộc đầu hàng diễn ra trong nước mắt, trong tình tự dân tộc, cả hai ông Tướng và quân đội hai bên gặp nhau với biên bản “đầu hàng” như sau: • 1. Không bị coi là phản quốc và không phải ở tù. • 2. Chính phủ coi binh lính miền Nam là những công dân bình thường nếu họ chấp hành tốt luật lệ. • 3. Được mang ngựa và lừa về nhà để giúp gia đình cày cấy vào mùa xuân. Và một mùa xuân dân tộc trong sự hòa giải hòa hợp…Từ đó Hoa Kỳ xóa tan vết thương chiến tranh chỉ trong một thời gian ngằn khoảng 10 năm sau đó và tiếp tục phát triển trong thịnh vượng. Cuối cùng là một cường quốc thế giới sau Đệ nhứt Thế chiến 1918. Nếu các Tướng CSBV và Đảng CSBV học được bài học của Tướng Grant, có lẽ nước Việt Nam thân yêu của chúng ta không đứng gần cuối bảng về NGHÈO-ĐÓI so với trên 200 quốc gia trên thế giới sau 50 năm “chiến thắng” và “thống nhứt” Đất và Nước! 1- Câu chuyện tại làng Appomattox Cách đây 160 năm, vào ngày 09/04/1865, Tướng Robert E. Lee của quân đội miền Nam đầu hàng Tướng Ulysses Grant của quân đội miền Bắc, đánh dấu kết thúc cuộc nội chiến Hoa Kỳ đã làm hơn 7 trăm ngàn người thiệt mạng. Sở dĩ gọi là chiến tranh Nam Bắc là vì cuộc chiến diễn ra giữa hai phe: phe miền Bắc (còn gọi là phe liên bang) đứng đầu là Tổng thống Lincoln chủ trương xóa bỏ buôn bán nô lệ người da đen và phe miền Nam chống lại chủ trương này. Cuộc chiến Nam Bắc của Mỹ thường được nhắc tới qua những trận đánh đẫm máu giữa quân đội của hai phe: quân miền Bắc do tướng Ulysses Simpson Grant chỉ huy và quân miền Nam do tướng Robert Edward Lee cầm đầu. Tuy tướng Lee đã nhiều lần tấn công và gây tổn thất khá nặng cho đội quân của tướng Grant nhưng quân miền Bắc được sự hỗ trợ to lớn từ ngân sách liên bang và chiêu mộ được thêm nhiều quân số từ những người nô lệ da đen vừa được giải phóng nên cuối cùng quân miền Nam của tướng Lee phải chấp nhận thua trận. Đã có những lời khuyên tướng Lee nên chia nhỏ quân của mình ra và tiến hành đánh du kích nhưng tướng Lee đã nói: “Nếu cứ tiếp tục chiến tranh gây bao chết chóc thì tội của tôi đáng chết gấp ngàn lần. Ông đã nhắn cho tướng Grant là ông chuẩn bị đầu hàng. Tướng Grant nhắn lại, đề nghị tướng Lee chọn địa điểm bàn thảo việc qui hàng. Và căn nhà của một người buôn bán tên là Wilmer Mc. Lean tại làng Appomattox đã được chọn. Ngày nay ngôi nhà này trở thành di tích lịch sử quốc gia, và được gọi là Appomattox Court House. Đến ngày hẹn, tướng Lee bận một bộ lễ phục mới tinh và đeo kiếm, còn tướng Grant xuất hiện muộn hơn trong bộ đồ tác chiến thường ngày còn dính bùn đất hành quân. Hai người ngồi trong phòng khách của ông Mc. Lean và hàn huyên thân mật về những kỷ niệm quân ngũ trong cuộc chiến tranh Mexico. Câu chuyện lâu đến nỗi tướng Lee sốt ruột, chủ động đề cập đến “mục đích buổi gặp gỡ của chúng ta ngày hôm nay là bàn về việc đầu hàng”. Tướng Grant bèn lấy cây bút chì và tờ giấy viết vội những điều khoản và trao cho tướng Lee, trong đó có những nội dung nói về binh lính miền Nam: Sau khi xem qua những điều tướng Grant vừa viết, tướng Lee nói: “Những điều này sẽ có tác động tốt đến quân sĩ của tôi. Chúng sẽ góp phần quan trọng trong việc hòa giải dân tộc chúng ta.” Tướng Lee cho biết ông sẽ trao trả những tù binh miền Bắc vì ông không có đủ lương thực cho họ. Tướng Grant đáp lại rằng ông sẽ gửi ngay cho binh lính miền Nam 25.000 phần lương thực khô. Ông cũng ra lệnh cho in 28.231 giấy phóng thích cho binh lính miền Nam. Khi nghe tin phe miền Nam đầu hàng bay đến doanh trại, quân miền Bắc định bắn đại pháo chào mừng. Tướng Grant ra lệnh ngưng ngay lập tức các hoạt động ăn mừng. Ông nói với các sĩ quan dưới quyền:“Chiến tranh đã kết thúc. Giờ đây họ đã là đồng bào của chúng ta”. Ông cho rằng hai bên không còn là kẻ thù, và cách tốt đẹp nhất để bày tỏ niềm vui của miền Bắc là không vui mừng trước thất bại của miền Nam. Ngày 12 tháng 4 năm 1865, quân đội của tướng Lee tiến vào ngôi làng Appomattox để giao nộp vũ khí. Tướng Joshua L.Chamberlain của miền Bắc được chỉ định tiếp nhận binh sĩ quy hàng. Trước hàng quân miền Bắc nghiêm chỉnh, ông nhìn những binh sĩ miền Nam bại trận đi vào làng với cảm xúc dâng trào. Sau này ông viết lại: “Giây phút đó làm tôi thực sự xúc động. Tôi quyết định đánh dấu sự kiện này bằng một hành động, không gì khác hơn là giơ tay chào kiểu nhà binh. Tôi biết có người sẽ chỉ trích tôi về cử chỉ này. Tôi đã không xin phép và cũng không yêu cầu sự tha thứ về hành động này. Đối diện với chúng tôi là những chiến binh, bại trận nhưng can trường, là biểu tượng cho tinh thần trượng phu, không rã rời, không đau khổ, bất chấp hy sinh và không có gì khuất phục được họ. Giờ đây, họ là những người ốm yếu và đói khát, nhưng họ hiên ngang nhìn thẳng vào chúng tôi, làm sống dậy những ràng buộc thiêng liêng cao cả hơn bao giờ hết. Không có lý do gì để những đấng nam nhi ấy không được hội nhập vào Hợp Chủng Quốc vững vàng của chúng ta.” Sau đó tất cả hàng ngũ quân miền Bắc thắng trận từ đơn vị này đến đơn vị khác đều nghiêm chỉnh giơ tay chào kiểu nhà binh. Vị tướng dẫn đầu đoàn quân miền Nam đầu cúi xuống trong buồn bã, chợt nhận ra và ngồi thẳng lại trên lưng ngựa, giơ tay chào đáp lễ. Ông ra lệnh cho các đơn vị theo sau tuân theo nghi lễ quân sự khi đi ngang qua đoàn quân miền Bắc. Không có kèn thắng trận, không có tiếng trống, tiếng hô, tiếng reo hò mừng chiến thắng, không một lời nói hay tiếng xì xầm… Một sự im lặng đến nghẹt thở. Từ sáng sớm đến chiều tối, những người lính miền Nam đều giơ tay chào khi đi ngang qua hàng quân miền Bắc cũng đang giơ tay chào. Họ giao nộp vũ khí, những lá cờ trận rách tơi tả của miền Nam và trở về quê. Gần 100.000 quân miền Nam đã qui hàng ở làng Appomattox. Vài ngày sau tất cả rời khỏi nơi này, ngôi làng trở lại cuộc sống bình thường. Hàng năm, có khoảng 110.000 du khách đến thăm ngôi làng này. Các du khách đến đây để tìm nguồn cảm hứng, và câu chuyện các du khách muốn nghe không phải là trận đánh cuối cùng mà là sự hòa hợp của quốc gia và những điều khoản rộng rãi do tướng Grant đưa ra. Ông Ron Wilson, sử gia của Appomattox Court House nói: “Tướng Grant và tướng Lee có một tầm nhìn rất xa. Hai ông nhận thức rằng những nỗ lực hai bên cùng dồn vào cho cuộc chiến đã gây ra sự phân hóa khắc nghiệt trong bao năm qua, giờ đây cần phải được dùng để tái thiết quốc gia. Không cần phải có hận thù.” Nghĩa trang tử sĩ được Tổ quốc Ghi ơn của hai bên chiến thắng – chiến bại được chôn chung với hai lá cờ Bắc – Nam. Bài học nào cho CSBV đây, với hơn 45 năm qua mà vẫn còn…say men chiến thắng ngày 30/4 trên khắp nước, từ thủ đô đến thành phố, từ quận huyện đến xả ấp. Bao giờ CSBV mới hết ăn mừng chiến thắng để nhìn đất nước hôm nay tang thương hơn bao giờ hết? Tướng Lee và tướng Grant đã đi vào lịch sử như những huyền thoại. Nhưng đằng sau câu chuyện ở làng Appomattox là bàn tay đạo diễn của Tổng thống Abraham Lincoln, lẽ đương nhiên cũng là một nhân vật huyền thoại. Ông thường nói rằng ông mong muốn cuộc chiến kết thúc trong sự khoan dung. Ông Ron Wilson nói rằng Tổng thống Lincoln và tướng Grant đã gặp nhau hai tuần trước đó trên chiến hạm River Queen ở sông James. Họ đã thảo luận rất lâu về hình thức kết thúc chiến tranh và những xáo trộn có thể xảy ra trong thời kỳ hậu chiến. Tổng thống Lincoln đã nói với tướng Grant: “Hãy để họ buông súng một cách thoải mái”. (Sau chiến tranh, ngày 14/4/1865, tổng thống Lincoln bị ám sát, tướng Lee trở thành Viện trưởng của Đại học Washington, tướng Grant được bầu làm Tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ (1869-1877). Còn Việt Nam thì sao? Sau năm 1975, Việt Nam thống nhất về mặt địa lý, nhưng lại thiếu vắng sự hòa giải quốc gia, công lý lịch sử, và một thể chế bao dung. Nếu không nhìn lại và học hỏi từ lịch sử thế giới, dân tộc ta có thể sẽ tiếp tục trượt dài trong chia rẽ, trì trệ, và lỡ nhịp với thời đại. 2- Việt Nam 1954–1975: Nội chiến, xâm lược hay chiến tranh ủy nhiệm? Một câu hỏi quan trọng cần được đặt ra: Liệu cuộc chiến giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (miền Bắc) và Việt Nam Cộng Hòa (miền Nam) từ 1954 đến 1975 có phải là một cuộc nội chiến? Có ba cách nhìn chính: • Quan điểm coi đó là nội chiến: Hai chính quyền đều tuyên bố đại diện hợp pháp cho toàn lãnh thổ Việt Nam. Chiến sự chủ yếu diễn ra giữa người Việt với nhau, trên đất Việt Nam. Nhiều sử gia quốc tế xếp cuộc chiến này vào nhóm các cuộc nội chiến mang tính ý thức hệ. • Quan điểm coi đó là cuộc chiến xâm lược:Theo phía Việt Nam Cộng Hòa và nhiều người Việt hải ngoại, đây là một cuộc xâm lăng do miền Bắc phát động với sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Cộng, áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên miền Nam tự do. Miền Nam có chính phủ, quân đội, được hơn 60 quốc gia công nhận và có quan hệ ngoại giao rộng rãi. • Quan điểm trung dung – chiến tranh ủy nhiệm: Nhiều học giả cho rằng đây là cuộc nội chiến có yếu tố ủy nhiệm giữa hai khối tư bản và cộng sản trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.Dù là người Việt đánh nhau, nhưng cuộc chiến bị quốc tế hóa bởi các siêu cường, khiến nó vừa mang bản chất nội chiến, vừa mang dấu ấn địa chính trị toàn cầu. Theo nhận định của TS Nguyễn Phương Mai, Sydney, Úc trong môt bài nghiên cứu về “Yếu tố nội chiến” có nêu lên như sau:” Yếu tố nội chiến. Hơn một nửa số người được phỏng vấn cho rằng cuộc chiến 1954-1975 là sự kết hợp giữa "chiến tranh ủy nhiệm" và "nội chiến" (hoặc "có yếu tố nội chiến"). Hai giai đoạn được nhấn mạnh là trước khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam và sau khi Mỹ rút quân, "hoàn toàn chỉ có người Việt trên chiến trường". Từ khóa "nội chiến" xuất hiện trong hơn 90% buổi chia sẻ. Một số lượng lớn nhân vật có xuất thân đảng viên, chính trị gia và quân nhân cho rằng việc chấp nhận "yếu tố nội chiến" là "chỉ dấu quan trọng nhất để có thể bắt đầu hòa giải một cách thực sự". "Nhà văn Nguyên Ngọc từng kể rằng, trong chiến tranh, ông Võ Chí Công lúc ấy là chính ủy quân khu, đã họp anh em thảo luận một ngày. Ông hỏi cuộc chiến này có phải nội chiến không. Đám cán bộ anh nào cũng lên gân: Ta đánh ngoại xâm, đám miền nam là tay sai. Ông Công nói: 'Theo tôi là có tính chất nội chiến'." Và TS NPM chia xẻ quan điểm về “yếu tố ủy nhiệm trong cuộc chiến Việt Nam như sau: “Cuộc chiến ủy nhiệm - "Có sự khác biệt rất lớn giữa nội chiến và cuộc chiến ủy nhiệm." "Nội chiến anh em đánh nhau xong là giảng hòa. Song phương. Chỉ có hai đứa." "Việt Nam ngày xưa rượt thằng Tàu cũng thế, thắng xong xin triều cống để giữ hòa khí. Không có bên thứ ba liên quan." "Nó rất khác với việc hai đứa vừa đánh lộn vừa có mấy thằng đứng sau dí dao đe dọa bắt phải chọn phe: 'Mày đánh thế này mới đúng. Bây giờ tao giúp mày khẩu súng, thắng rồi mày phải nghe lời tao'." "Đen đủi là lúc đó ta nằm ngay trung tâm của một cơn bão xoáy tư tưởng trên toàn cầu. Hai phe cộng sản và tư bản đánh nhau. Việt Nam, Lào, Campuchia, Triều Tiên-Hàn Quốc… đều trở thành chiến trường, trở thành quân tốt để Xô-Mỹ đối đầu." "Yếu tố nội chiến ở Việt Nam chỉ là hệ quả của cuộc chiến ủy nhiệm ấy." Miền Bắc là tiền đồn của chủ nghĩa xã hội, miền Nam là con đê chặn làn sóng đỏ chủ nghĩa cộng sản, ngăn không cho nó lan rộng ra châu Á." "Ý này cũng được ông Tô Lâm khẳng định trong bài phát biểu hôm 30/4/2025." Tóm lại, cho dù gọi là nội chiến hay chiến tranh ủy nhiệm, cuộc xung đột 1954–1975 vẫn là bi kịch của một dân tộc chia rẽ bởi ý thức hệ, nơi người Việt đánh người Việt, nhưng cái giá phải trả lại do toàn dân tộc gánh chịu. Đã đến lúc cần phải vượt lên tranh cãi ngôn từ, để cùng nhìn lại lịch sử bằng sự trung thực và hướng tới hòa giải và dân chủ hóa dân tộc. 3- Những bài học rút ra từ cuộc nội chiến Mỹ 3.1- Nền tảng đạo lý quốc gia - Quyền con người không thể thỏa hiệp Nội chiến Mỹ khởi phát từ mâu thuẫn không thể hòa giải giữa hai mô hình đạo lý: một bên ủng hộ chế độ nô lệ vì lợi ích kinh tế và truyền thống, một bên khẳng định quyền tự do và bình đẳng của con người là tối thượng.Abraham Lincoln từng nói: "Một quốc gia không thể tồn tại lâu dài nếu vừa chấp nhận nửa tự do, nửa nô lệ." Tại Việt Nam, sau năm 1975, thay vì thống nhất dân tộc trên cơ sở các giá trị phổ quát – tự do, nhân quyền, pháp trị, chính quyền lại duy trì phân biệt đối xử với hàng triệu người bị xem là "ngụy quân, ngụy quyền", cưỡng ép cải tạo, cướp đoạt tài sản, và cấm đoán tiếng nói độc lập. Điều này tạo ra một vết thương kéo dài hàng thế hệ. Bài học được rút ra là: Quốc gia không thể trường tồn nếu xây dựng trên nền móng đạo lý phân mảnh, nơi một bộ phận công dân bị tước đoạt quyền làm người vì lý do chính trị hay lịch sử. 3.2- Thể chế và khả năng tự thanh lọc - Cải cách hay là chết Nội chiến Mỹ không chỉ là xung đột vũ trang, mà là biểu hiện cuối cùng của một quá trình bất đồng không thể giải quyết bằng thể chế hiện hành. Sau chiến tranh, Hiến pháp Mỹ được bổ sung (Tu chính án 13, 14, 15) nhằm bảo đảm quyền bình đẳng cho người da màu và củng cố vai trò của liên bang. Thể chế Mỹ cho thấy khả năng tự điều chỉnh sâu sắc. Việt Nam, sau chiến thắng năm 1975, đã có cơ hội để tái định hình thể chế theo hướng dung hợp và cải cách. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Thay vào đó là sự củng cố độc quyền lãnh đạo của một đảng, loại bỏ tam quyền phân lập, kiểm soát tư pháp và triệt tiêu báo chí độc lập. Dù Đổi Mới 1986 mang lại tăng trưởng kinh tế, nhưng bản chất thể chế không thay đổi vì quyền lực vẫn tập trung, không có cơ chế kiểm soát nội bộ hữu hiệu như check – balance của Hoa Kỳ. Bài học được rút ra là: Một thể chế nếu không có cơ chế tự sửa lỗi sẽ lặp lại sai lầm, dẫn tới suy thoái đạo đức công vụ, tham nhũng tràn lan và khủng hoảng niềm tin xã hội. 3.3- Vai trò của lãnh đạo - Khi đạo đức chính trị là sức mạnh TT Abraham Lincoln không chọn con đường thỏa hiệp với chế độ nô lệ để giữ yên lòng dân miền Nam. Ông hiểu rằng một nền hòa bình dựa trên bất công chỉ là hòa bình giả tạo. Dù biết chiến tranh sẽ gây tổn thất, ông vẫn kiên quyết bảo vệ giá trị đạo lý, và chính điều đó đã tạo nên uy tín chính trị lâu dài. Trong khi đó, tại Việt Nam, lãnh đạo sau 1975 lại chọn con đường "thắng làm vua", chính sách học tập cải tạo, cải tạo công thương, và kiểm soát tư tưởng đều phản ảnh một tư duy chính trị dựa trên trừng phạt thay vì hoà giải. Không có lãnh đạo nào đứng lên để hóa giải hận thù, mời gọi trí thức miền Nam cùng tham gia xây dựng quốc gia. Bài học được rút ra là: Chính trị không thể chỉ dựa vào quyền lực, mà phải dựa vào đạo đức. Người lãnh đạo thực sự là người dám đối mặt với sự thật và đặt tương lai dân tộc lên trên lợi ích cá nhân hay phe nhóm. 3.4- Hòa giải và công lý sau chiến tranh - Không chỉ là tha thứ, mà là tái hội nhập Sau chiến thắng, TT Lincoln không trừng trị hàng loạt quan chức miền Nam. Thay vào đó, ông kêu gọi “không ác ý với ai, bác ái với tất cả” – nhằm đặt nền móng cho một nước Mỹ thống nhất. Dù Lincoln bị ám sát, nhưng chính sách hòa giải vẫn tiếp tục trong những thập niên sau. Tại Việt Nam, thay vì hòa giải, chính quyền lại thực hiện chính sách phân biệt lý lịch kéo dài, kiểm soát gắt gao dân miền Nam, thậm chí lưu truyền tâm lý hận thù trong sách giáo khoa và truyền thông. Điều này gây tổn thương tâm lý tập thể, làm chậm quá trình hội nhập quốc gia. Bài học được rút ra là: Hòa giải không thể chỉ tuyên bố; nó cần chính sách cụ thể để đưa tất cả người dân trong và ngoài nước, bất kể nguồn gốc, trở lại làm chủ đất nước thực sự, không phải là lời nói suông như CSBV tuyên truyền trong suốt 50 năm qua như “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. 3.5- Thống nhất thể chế chứ không chỉ địa lý Mỹ sau nội chiến đã thống nhất không chỉ lãnh thổ mà cả mô hình phát triển, dựa trên nền dân chủ, thị trường tự do, giáo dục và pháp quyền. Trong khi đó, Việt Nam dù thống nhất từ 1975, nhưng đến nay vẫn chia rẽ sâu sắc về mô hình phát triển, giá trị sống, và lòng tin vào thể chế. Miền Nam, nơi từng có báo chí tự do, đại học dân tộc, nhân bản, và khai phóng, pháp quyền tương đối. CSBV hoàn toàn cai trị và kiểm soát miền Nam khiến nơi nầy trở nên câm lặng trong một trật tự mới được họ áp đặt ngay từ những ngày đầu tiến chiếm trọn miền Nam. Bài học được rút ra là: Một quốc gia không thể thực sự thống nhất nếu không thống nhất được các giá trị nền tảng như tự do, pháp quyền, và nhân phẩm. Vì vậy, Việt Nam cần một cuộc thức tỉnh đạo lý. Việt Nam không cần lặp lại bi kịch máu lửa như Mỹ. Nhưng Việt Nam cần một cuộc tự chuyển hóa, một hành trình khai phóng từ bên trong đảng. Cần chấm dứt độc quyền chân lý, mở rộng không gian dân sự, và để mọi người dân bất kể quá khứ chính trị có quyền đóng góp. Muốn thế, cần: • Sửa lại sách giáo khoa để dạy hòa giải thay vì hận thù. • Trả lại quyền tự do báo chí và ngôn luận để xã hội đối thoại thay vì đồn đoán gây hoan mang cho người dân. • Tổ chức nhiều diễn đàn quốc gia về công lý, lịch sử đa chiều tạo cho người dân biết và không sợ phản biện ngược lại với chiều hướng, chính sách của đảng. • Cải cách thể chế theo hướng dân chủ hóa có kiểm soát được giới hạn ghi trong hiến pháp. Cuộc nội chiến Mỹ kết thúc bằng máu, nhưng mở ra cho … một nước Mỹ vỹ đại. Cuộc chiến Việt Nam kết thúc bằng “nhiều máu”, nhưng hiện đang đứng trước một ngã rẽ tương tự sau 50 năm dù muộn nhưng vẫn còn đủ thời gian để điều chỉnh, hoặc là cải cách để thống nhất thực sự, hoặc là tiếp tục tồn tại trong một hình thức thống nhất giả tạo. Một dân tộc có thể chia rẽ vì quá khứ, nhưng không thể chia rẽ mãi nếu muốn có tương lai chung. 4- Làm sao giải thích chiến tranh ủy nhiệm cho thế hệ sinh sau 1975? Đối với thế hệ trẻ Việt Nam sinh sau 1975, những người lớn lên trong hòa bình nhưng ít được tiếp cận thông tin đa chiều, khái niệm "chiến tranh ủy nhiệm" có thể xa lạ. Để giúp họ hiểu rõ, cần đặt cuộc chiến Việt Nam vào bối cảnh toàn cầu của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Chiến tranh Việt Nam không chỉ là xung đột nội bộ giữa hai miền, mà còn là một trong những mặt trận tiêu biểu của cuộc đối đầu giữa hai khối ý thức hệ toàn cầu: tư bản do Hoa Kỳ dẫn đầu, và cộng sản do Liên Xô và Trung Cộng hậu thuẫn. Cả hai bên đều đổ vào Việt Nam những nguồn lực khổng lồ, vũ khí, tiền bạc, cố vấn, binh sĩ chiến đấu và ảnh hưởng chính trị để bảo vệ tầm ảnh hưởng chiến lược của mỗi khối. Chúng ta có thể hình dung Việt Nam vào thời điểm nầy như một "sân bóng toàn cầu", nơi người Việt là cầu thủ nhưng chiến thuật, huấn luyện viên và luật chơi lại đến từ Washington, Moscow và Bắc Kinh. Người Việt cầm súng, nhưng không được toàn quyền quyết định vận mệnh của chính mình. Điều đáng buồn là dù chiến thắng hay thất bại, cái giá phải trả không nằm ở các siêu cường, mà nằm trên vai hàng triệu người dân Việt Nam, những người mất nhà cửa, sinh mạng, tương lai và cả quyền được nói lên sự thật về lịch sử. Việc giải thích trung thực và khách quan bản chất ủy nhiệm của cuộc chiến là điều kiện tiên quyết để thế hệ trẻ hiểu rằng, dân tộc Việt Nam không chỉ cần hòa bình, mà còn cần một nền độc lập thật sự, độc lập cả về chính trị, văn hóa lẫn suy nghĩ và ý thức về lịch sử dân tộc. 5- Kết luận Cuộc nội chiến Hoa Kỳ và cuộc chiến tranh Việt Nam đều để lại những vết thương sâu sắc trong lịch sử dân tộc mỗi nước. Tuy nhiên, cách mà hai quốc gia ứng xử với quá khứ đã dẫn đến những kết quả rất khác biệt trong hiện tại. Mỹ đã vượt lên sự chia rẽ dân tộc bằng một thể chế có khả năng tự điều chỉnh, bằng đạo đức chính trị của lãnh đạo, và bằng chính sách hòa giải có chiều sâu. Trong khi đó, Việt Nam sau 1975 đã bỏ lỡ cơ hội lịch sử để kiến tạo một thể chế bao dung và đồng thuận xã hội, thay vào đó là mô hình thống trị mang tính trừng phạt, kéo dài phân hóa trong lòng dân tộc trong suốt 50 năm qua. TS NPM nhận định:“ Những kẻ đứng sau hai anh em đánh nhau - Đúng là Mỹ chống lưng và kiểm soát chính quyền Sài Gòn. Nhưng Liên Xô và Trung Quốc cũng gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến miền Bắc Việt Nam." Nếu "Sài Gòn là con rối trong tay Mỹ thì Hà Nội cũng đâu thoát vòng kiềm tỏa của Xô, Trung?" "Nếu Mỹ có hơn 500.000 quân thì Trung Quốc cũng có 310.011 lính tại Việt Nam. Lính nhé, không phải chuyên gia. Thông tin này chỉ mới được tiết lộ gần đây trên báo chính thống. Lính Trung Quốc đã đánh 1.659 trận, chết gần 800 người [Vietnamnet ngày 20/4/2025, Sự giúp đỡ của Trung Quốc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước]. Khoảng 30 nghĩa trang liệt sĩ Trung Quốc vẫn còn ở Việt Nam. Và lãnh đạo Việt Nam vẫn hằng năm thắp hương đầy đủ." Rồi "chính họ đã ép Việt Nam làm cải cách ruộng đất, phản đối Việt Nam thống nhất, điều hướng Việt Nam phát triển kinh tế tập trung bao cấp, khiến hàng triệu người dân chết oan và đẩy lùi đất nước tụt hậu cho đến khi Liên Xô sụp đổ." Về cơ bản, "Mỹ-Trung-Xô đã dùng máu của người Đông Dương để đánh đối thủ. Thậm chí Mỹ và Trung Quốc còn đi đêm với nhau đến mức Lê Duẩn phải kêu lên rằng: 'Các đồng chí bán đứng chúng tôi. Các đồng chí lấy xương máu của dân tộc Việt Nam để trả giá với Mỹ'." "Tên gọi đúng bản chất nhất của cuộc chiến này phải là Cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai." "Ta phải xác định Việt Nam chỉ là một yếu tố trong trận đồ quốc tế." "Nếu chỉ là nội chiến thì hòa hợp dân tộc cũng nhanh thôi. Nhưng vì có bao nhiêu thế lực lớn đằng sau nên cứ bung bét mãi". "Nếu chúng ta còn tranh cãi, hận thù nhau về việc đó là 'nội chiến', 'kháng chiến chống Mỹ', hay 'cuộc chiến chống cộng' thì muôn đời ta không thể hòa hợp được. Bởi những cái tên đó đúng, nhưng chưa đủ. Nó không lột tả được gốc rễ của bất hòa chủ yếu đến từ bên ngoài." Vì vậy bài học cốt lõi cần rút ra là: một đất nước không thể phát triển bền vững nếu không có thể chế chính trị dung hợp, không có nền đạo lý chung làm điểm tựa, và không có tinh thần hòa giải thực chất sau chiến tranh. CSBV vô hình chung tạo ra hai “dân tộc”: dân tộc của “kẻ chiến thắng thống trị”, và dân tộc của “kẻ thua trận bị trị”. Chình vì vậy mà Việt Nam vẫn còn èo uột trong kinh tế, và không có thế đứng trên bình diện thế giới. Để hướng tới một tương lai chung, Việt Nam cần thực hiện một cuộc thức tỉnh đạo lý và tái lập nền tảng thể chế, không phải bằng thù hận hay phủ nhận quá khứ, mà bằng sự trung thực lịch sử, đối thoại xã hội, và cam kết xây dựng một quốc gia của tất cả người Việt, không phân biệt nguồn gốc hay lập trường chính trị. Thực hiện điều trên, người cộng sản Bắc Việt cần phải đủ can đảm để sám hối, cải sửa những sai lầm trong quá khứ hầu mong Việt Nam có thể chuyển mình theo chiều hướng dân chủ hóa đất nước trong những ngày sắp đến Mong lắm thay! Tương lai dân tộc không nằm trong sự lặp lại quá khứ, mà nằm trong khả năng học hỏi từ nó để làm khác đi, và làm tốt hơn. Mai Thanh Truyết Suy nghĩ về 50 Năm Khát Vọng Tự Do Houston – Tháng 5-2025

Wednesday, May 7, 2025

Tô Lâm Giữa hai chọn lựa; Phần Lan Hóa - Đường hướng Đặng Tiểu Bình Hiện tại có thể TBT CS Tô Lâm đang chuyển hướng theo "chính sách Phần Lan Hóa" để cân bằng thế "đứng giữa" (đu dây cây tre) Hoa Kỳ và Trung Cộng. Người viết xin lần lượt phân tích. 1- Chính sách "Phần Lan hóa" (Finlandization) Chính sách nầy thường được hiểu là chiến lược ngoại giao trong đó một quốc gia tìm cách duy trì độc lập chính trị và chủ quyền, nhưng phải điều chỉnh các chính sách của mình để tránh đối đầu trực tiếp với một siêu cường lớn, như Liên Xô trong trường hợp của Phần Lan vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Phần Lan tuyên bố trung lập nhưng vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Liên Xô để bảo vệ an ninh của mình. Việc TBT Tô Lâm có thể đang chuyển hướng theo một chính sách tương tự nhằm "đứng giữa" HK và TC nhằm phản ánh tình hình địa chính trị hiện nay của Việt Nam, trong đó Việt Nam vừa muốn duy trì mối quan hệ kinh tế, chính trị với TC, vừa muốn gia tăng sự hợp tác với Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây để đối phó với các thách thức toàn cầu và khu vực.Đặc biệt, trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa HK và TC, việc tìm kiếm một chiến lược "đứng giữa" sẽ giúp Việt Nam tránh bị kéo vào một cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai cường quốc này. Chính sách này có thể bao gồm các động thái như: • Tăng cường ngoại giao đa phương: Việt Nam có thể củng cố vai trò của mình trong các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như ASEAN và LHQ để giữ vững lập trường trung lập và tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia nào. • Đa dạng hóa quan hệ đối ngoại: Việt Nam có thể tiếp tục mở rộng hợp tác với các quốc gia khác ngoài HK và TC, bao gồm các nước trong khu vực Đông Nam Á và các quốc gia lớn như Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan, EU v.v… • Cần cân bằng các mối quan hệ kinh tế và quân sự: Cả HJ và TC đều là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa hai quốc gia này có thể khiến Việt Nam phải lựa chọn giữa việc duy trì các mối quan hệ kinh tế có lợi trong khi tránh tham gia vào các liên minh quân sự hoặc chính trị quá rõ rệt. Vì Việt Nam cần cả HK và TC trong giao thương. Thie61y hay mất một, kinh tế VN sẽ bị khủng hoảng ngay. • Tăng cường chủ quyền và ổn định trong khu vực: Việt Nam có thể nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực Biển Đông, nơi có sự cạnh tranh quyền lực giữa TC và các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ. Việc Việt Nam thể hiện vai trò trung lập và hòa giải sẽ giúp củng cố hình ảnh của mình như một quốc gia chủ động trong việc thúc đẩy hợp tác và giảm căng thẳng. Tuy nhiên, chính sách này có thể sẽ gặp phải những khó khăn nhất định, bởi sự cạnh tranh chiến lược giữa HK và TC đang ngày càng gay gắt hiện tại. Việt Nam sẽ phải tìm cách cân bằng những lợi ích kinh tế và an ninh của mình để không gây ra sự phụ thuộc quá mức vào bên nào. Chính sách "Phần Lan hóa" mà Việt Nam có thể đang tiếp cận có thể gặp phải một số khó khăn và thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay. Các khó khăn này không chỉ đến từ môi trường quốc tế mà còn từ tình hình nội bộ và cơ cấu chính trị, kinh tế của Việt Nam. Dưới đây là một số điểm cụ thể: 1.1-Kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào Trung Cộng và Hoa Kỳ Chính sách "Phần Lan hóa" đòi hỏi một quốc gia phải đứng giữa hai cường quốc lớn mà không phải chấp nhận hoàn toàn sự ảnh hưởng của một bên. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, mối quan hệ giữa HK và TC đang ngày càng căng thẳng, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thương mại, công nghệ, an ninh khu vực, và các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Điều này khiến Việt Nam khó có thể duy trì một lập trường trung lập thật sự mà không bị lôi kéo vào cuộc đối đầu gián tiếp giữa hai quốc gia này. • Đối với lợi ích đối với Trung Cộng: TC là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và có ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều ngành công nghiệp, từ nguyên liệu thô đến sản phẩm chế biến. Mối quan hệ này có thể khiến Việt Nam gặp khó khăn khi phải duy trì một lập trường trung lập, đặc biệt khi TC có thể lợi dụng mối quan hệ kinh tế để gây sức ép về chính trị. TC không dễ dàng chấp nhận sự trung lập của Việt Nam nếu điều này ảnh hưởng đến các lợi ích chiến lược của Bắc Kinh trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông. Điều nầy đã thể hiện qua cuộc tiếp xúc giữa Tô Lâm và Tập Cận Bình ngày 14/4 vừa qua. • Đối với lợi ích đối với Hoa Kỳ: Hoa Kỳ là thị trường xuất cảng lớn của Việt Nam, và Việt Nam cũng được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hoa Kỳ (VFTA). Nếu Việt Nam phải đứng giữa hai cường quốc này, họ sẽ phải điều chỉnh chính sách để tránh làm phật lòng cả HK lẫn TC. Tuy nhiên, HK có thể gây áp lực buộc Việt Nam phải chọn một bên, nhất là trong các vấn đề chiến lược lớn, như đối phó với sự trỗi dậy của TC, như ép buộc Việt Nam không được nhập cảng nguyên liệu từ TC để xuất cảng thành phẩm sang HK nếu muốn HK hạ thấp thuế quan. Hoặc HK có thể cấm người Việt hải ngoại gửi tiền trực tiếp về Việt Nam. Chỉ nội một trong các điều xảy ra sẽ làm kinh tế Việt Nam điêu đứng ngay tức khắc. 1.2- Khả năng duy trì chủ quyền và độc lập chính trị của Việt Nam Chính sách "Phần Lan hóa" đòi hỏi một quốc gia phải duy trì chủ quyền và độc lập chính trị, nhưng trong khi vẫn cần phải điều chỉnh các chính sách để không đối đầu trực tiếp với một trong hai cường quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam khó có thể duy trì hoàn toàn độc lập chính trị khi: • Ảnh hưởng từ TC: TC có ảnh hưởng lớn trong khu vực Đông Á và Biển Đông, nơi có tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam. Việt Nam không thể hoàn toàn thách thức sức mạnh quân sự và chính trị của TC mà không gặp phải những hệ lụy nghiêm trọng. • Sự cam kết với Hoa Kỳ: Trong khi đó, nếu Việt Nam quá "đứng giữa" mà không thể tạo ra sự ổn định trong quan hệ với Hoa Kỳ, quốc gia này có thể bị mất đi sự hỗ trợ về mặt quân sự và chiến lược từ Hoa Kỳ, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông cũng như cuốc chiến thuế quan giữa HK và TC 1.3- Tình hình chính trị nội bộ Một trong những thách thức lớn đối với việc thực hiện chính sách "Phần Lan hóa" là việc Việt Nam cần phải duy trì sự ổn định chính trị nội bộ trong khi phải điều chỉnh chính sách đối ngoại. Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong việc giữ vững quyền lực và ổn định chính trị nếu quá phụ thuộc vào một trong hai cường quốc trên. Điều này có thể tạo ra các vấn đề nội bộ nếu có sự phản đối từ các nhóm trong Đảng hoặc xã hội về chính sách ngoại giao. Cón đối với dư luận và công chúng, nếu Việt Nam không thể giữ được sự cân bằng giữa các lợi ích quốc gia, có thể xảy ra phản ứng tiêu cực từ công chúng, đặc biệt là khi đối mặt với các vấn đề như quyền tự quyết và chủ quyền lãnh thổ, nhất là trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Tóm lại, trước tình hình quốc tế thay đổi nhanh chóng, với những động thái chính trị và quân sự không thể đoán trước từ cả Hoa Kỳ, TC, và các quốc gia khác. Việc duy trì chính sách "Phần Lan hóa" đòi hỏi Việt Nam phải liên tục điều chỉnh chiến lược ngoại giao và đối nội để ứng phó với các biến động. Mỗi bước đi không cẩn thận có thể dẫn đến những rủi ro lớn về an ninh và sự ổn định của quốc gia. Chính sách "Phần Lan hóa" mà Việt Nam có thể theo đuổi là một chiến lược ngoại giao phức tạp và đầy thách thức, đòi hỏi sự khéo léo trong việc duy trì sự độc lập, chủ quyền, và ổn định chính trị khi phải điều chỉnh để không đối đầu trực tiếp với các cường quốc như HK và TC. Thực hiện chính sách này đòi hỏi Việt Nam phải rất cẩn trọng trong việc quản lý các mối quan hệ quốc tế, đồng thời duy trì một nền tảng chính trị ổn định trong nước. 2- Việt Nam chạy theo chính sách Đặng Tiểu Bình Việc Tô Lâm, với vai trò TBT, có thể áp dụng chính sách của Đặng Tiểu Bình hay không để giải quyết tình trạng chính trị và kinh tế đình trệ hiện nay của Việt Nam là một câu hỏi khá thú vị và phức tạp. Đặng Tiểu Bình, lãnh đạo TC từ cuối thập niên 1970 đến cuối thập niên 1980, nổi tiếng với việc thực hiện các cải cách kinh tế và chính trị quan trọng, giúp TC thoát khỏi tình trạng trì trệ và tiến lên trở thành một nền kinh tế lớn trên thế giới. 2.1- Cải cách kinh tế và mở cửa - Đổi Mới kiểu Trung Cộng Đặng Tiểu Bình thực hiện một loạt cải cách kinh tế sâu rộng, nhất là sau năm 1978, với chiến lược "cải cách mở cửa". Ông bắt đầu mở cửa nền kinh tế TC cho các yếu tố thị trường, khuyến khích đầu tư nước ngoài và áp dụng các cơ chế kinh tế thị trường trong khi vẫn giữ vững sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đặc biệt, Đặng chú trọng vào cải cách trong nông nghiệp (giới thiệu hệ thống "hợp đồng gia đình"), cải cách trong các doanh nghiệp nhà nước (cho phép một số tự chủ trong quản lý), và phát triển các khu vực kinh tế đặc biệt. Nên nhớ, chính sách "Đổi Mới" của Việt Nam từ năm 1986 có một số tương đồng với cải cách của Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần phải đẩy mạnh việc tiếp tục cải cách sâu rộng trong các lĩnh vực như doanh nghiệp nhà nước, chính sách công nghiệp, và đầu tư nước ngoài. Chính sách của ĐTB về cải cách kinh tế có thể là nguồn cảm hứng để thúc đẩy đổi mới trong khu vực này, đặc biệt là khi Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm và nền kinh tế còn nhiều bất ổn. 2.2- Ổn định chính trị, duy trì sự lãnh đạo của Đảng ĐTB Tiểu Bình đã khéo léo duy trì sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng trong khi thúc đẩy cải cách kinh tế. Ông nổi bật trong việc giữ vững sự ổn định chính trị trong một xã hội đã trải qua biến động lớn sau cuộc Cách mạng Văn hóa. Ông cũng thực hiện chính sách "xây dựng xã hội chủ nghĩa đặc sắc TC", trong đó giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản nhưng cho phép nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường. Điều mà Tô Lâm có thể học hỏi từ Đặng Tiểu Bình trong việc duy trì sự ổn định chính trị trong bối cảnh xã hội có những thay đổi sâu sắc và áp lực từ các yếu tố bên ngoài là chính quyền Việt Nam hiện nay vẫn duy trì vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, vì vậy, có thể tiếp tục áp dụng những cải cách kinh tế và xã hội trong khi không làm suy yếu quyền lực của Đảng. 2.3- Khuyến khích tư nhân hóa và phát triển khu vực kinh tế tư nhân Một điểm nổi bật trong chính sách của ĐTB là việc khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, điều này được thực hiện qua việc tạo ra các khu vực kinh tế đặc biệt (SEZ), cho phép các doanh nghiệp tư nhân hoạt động tự do hơn trong một phạm vi hạn chế, với ít sự can thiệp từ chính quyền. Mặc dù Đổi Mới đã mở đường cho khu vực tư nhân phát triển, nhưng vẫn còn nhiều rào cản đối với các doanh nghiệp tư nhân, nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến đất đai và quyền sở hữu. Việt Nam cũng cần tăng cường tự do hóa thị trường và giảm bớt sự can thiệp từ Nhà nước có thể là một phần của chính sách cải cách kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, những khó khăn và thách thức trong việc áp dụng chính sách của ĐTB có thể xảy ra trong tình trạng hiện tại của kinh tế Việt Nam sẽ ảnh hưởng lên an ninh chính trị xã hội. Đó là: • Mặc dù ĐTB đã thành công trong việc duy trì sự ổn định chính trị tại TC trong giai đoạn sau Cách mạng Văn hóa, điều này có thể khó thực hiện ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, khi mà sự bất mãn xã hội có thể gia tăng vì sự trì trệ trong phát triển kinh tế, tham nhũng, và các vấn đề xã hội khác. Cải cách kinh tế sâu rộng có thể dẫn đến những biến động chính trị không mong muốn nếu không được điều phối khéo léo. • Mặc dù Việt Nam và TC có những điểm tương đồng trong việc áp dụng mô hình kinh tế "xã hội chủ nghĩa đặc sắc", nhưng cơ cấu xã hội và lịch sử của Việt Nam khác biệt so với TC. Việt Nam có một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp và nguồn lực từ lao động, trong khi TC vào thời điểm Đặng Tiểu Bình chủ trương cải cách lại có một nền kinh tế công nghiệp hóa nhanh chóng. Điều này khiến cho việc áp dụng chính sách cải cách như Đặng Tiểu Bình không hoàn toàn dễ dàng. • Một thách thức lớn mà Tô Lâm phải đối mặt là việc duy trì mối quan hệ ổn định với các đối tác quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh giữa HK và TC. Các cải cách của ĐTB đã giúp TC thu hút đầu tư và gia nhập nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh giữa các cường quốc mà còn phải điều chỉnh các chính sách để không làm mất lòng các đối tác lớn nhứt là HK và TC. 3- Vài đề nghị Tô Lâm có thể áp dụng những yếu tố trong chính sách của ĐTB, đặc biệt là trong việc cải cách kinh tế, mở cửa và khuyến khích khu vực tư nhân phát triển, trong khi vẫn duy trì ổn định chính trị và sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ gặp phải nhiều thách thức, bao gồm sự cần thiết phải duy trì sự ổn định trong nước và cân bằng mối quan hệ với các đối tác quốc tế. Nếu Việt Nam theo đuổi chính sách "Phần Lan hóa", tức là duy trì một chính sách trung lập trong bối cảnh quốc tế, tìm cách không đứng về phía nào trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc lớn như HK và TC, thì tương lai của Việt Nam sẽ gặp phải nhiều thách thức, nhưng cũng có thể tạo ra một số cơ hội, tùy thuộc vào cách thức thực hiện và các yếu tố trong nước và quốc tế. Dù chọn bất kỳ con đường nào, và đối mặt với các thách thức kể trên trong tình trạng kinh tế trì trệ, báo hiệu nhiều bất ổn xã hội có thể xảy ra trong tình thế hiện tại, vài đề nghị dưới đây có thể áp dụng cho Việt Nam trong những ngày sắp đến: * Kinh tế: Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định nếu tiếp tục duy trì chính sách trung lập và phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, và nông nghiệp trong nước. Tuy nhiên, việc quá trung lập có thể khiến Việt Nam mất cơ hội tận dụng tối đa các cơ hội hợp tác với các cường quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực như công nghệ cao, thương mại và đầu tư. Chính sách "Phần Lan hóa" có thể giúp Việt Nam giữ được môi trường đầu tư quốc tế, nhưng thiếu sự tập trung vào một đối tác kinh tế chiến lược như TC hay HK có thể làm giảm động lực phát triển mạnh mẽ từ các cường quốc này. Việt Nam có thể khó tạo ra các bước đột phá trong công nghiệp hóa hoặc chuyển đổi nền kinh tế thành nền kinh tế sáng tạo và công nghệ cao nếu không có sự thúc đẩy từ các đối tác lớn. * Chính trị và ổn định xã hội: Chính sách trung lập có thể giúp duy trì ổn định chính trị nội bộ vì không phải lựa chọn bên nào trong cuộc cạnh tranh quốc tế, tuy nhiên điều này cũng có thể khiến chính quyền gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh đòi hỏi cải cách chính trị và xã hội từ một bộ phận dân chúng. Duy trì chính sách "Phần Lan hóa" có thể tạo ra một tình trạng chính trị không rõ ràng, khi mà các lực lượng chính trị nội bộ có thể tranh cãi về hướng đi của đất nước, đặc biệt khi có những yêu cầu mạnh mẽ từ các đối tác quốc tế yêu cầu Việt Nam phải lựa chọn bên. * Chính sách ngoại giao và địa chính trị: Trong bối cảnh hiện nay, khi quan hệ giữa các cường quốc lớn như HK và TC đang ngày càng căng thẳng, việc duy trì chính sách "Phần Lan hóa" có thể trở thành một thách thức lớn. Việt Nam sẽ phải rất khéo léo để không bị kéo vào các cuộc xung đột địa chính trị, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông, nơi có những tranh chấp lợi ích với TC. Việt Nam có thể tận dụng các diễn đàn quốc tế như ASEAN, Liên Hợp Quốc, và các hiệp định thương mại để giữ vai trò chủ động và bảo vệ lợi ích quốc gia mà không phải đối đầu trực tiếp với các cường quốc. Tuy nhiên, để duy trì chính sách trung lập, Việt Nam cần phải cân bằng giữa việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và hợp tác quốc tế. * Cải cách và phát triển xã hội: Chính sách "Phần Lan hóa" có thể giúp Việt Nam duy trì tốc độ cải cách xã hội và kinh tế một cách từ từ, nhưng cũng có thể làm cho đất nước thiếu những đột phá mạnh mẽ. Điều này có thể khiến Việt Nam khó đáp ứng nhanh chóng với các thách thức của thời đại, như chuyển đổi sang nền kinh tế số, cải cách giáo dục, và các vấn đề môi trường. 4- Thay lời kết - Định hướng tương cho của Việt Nam Chính sách "Phần Lan hóa" có thể giúp Việt Nam duy trì một mức độ ổn định và bền vững trong dài hạn, nhưng tốc độ phát triển sẽ có thể chậm hơn so với các quốc gia theo đuổi mô hình phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự hỗ trợ và hợp tác với các cường quốc lớn. Tuy nhiên, Việt Nam có thể trở thành một hình mẫu quốc gia trung lập, giống như Phần Lan, tạo ra một không gian chính trị ổn định trong khu vực Đông Nam Á. Nhằm duy trì vị thế này, Việt Nam cần đảm bảo rằng các cường quốc sẽ không áp đặt yêu cầu nào, mà vẫn có thể tham gia vào các vấn đề khu vực và quốc tế mà không bị lệ thuộc vào bất kỳ ai, nhứt là TC. Nếu thế giới “thấy” được Việt Nam nằm trong gọng kềm của TC, chắc chắn sẽ không có cuộc đầu tư nào quan trọng có thể giúp Việt Nam phát triển nhanh đâu! Cũng cần nên nhớ, TC dưới thời TCB hiện đang đi vào “ngõ cụt” vì những suy nghĩ vỹ cuồng “Đại hán số 1 thế giới” vào năm 2049, giống như “lỗi lầm” của tiền nhân của ông ta trong quá khứ. Trong suốt chiều dài lịch sử Trung Hoa, các triều đại suy vong không phải vì ngoại bang mạnh hơn, mà vì nội trị yếu kém, vì không thể tự thích ứng khi thời thế đổi thay như: - Hán suy vì hoạn quan và tham nhũng, - Đường suy vì loạn An Sử, - Minh suy vì bảo thủ, - Và Thanh suy vì khước từ hiện đại hóa. Mỗi lần lỡ nhịp, đất nước lại phải trả giá bằng trăm năm tụt hậu. (Trích Lê Thọ Bình – Tâm Thức Việt). Nếu theo đuổi chính sách "Phần Lan hóa", Việt Nam sẽ có thể duy trì một nền chính trị ổn định và tránh các xung đột lớn giữa các cường quốc. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ tạo ra một số hạn chế về tốc độ phát triển kinh tế, thiếu động lực lớn từ các đối tác chiến lược, và có thể gặp phải sự kháng cự từ chính nội bộ. Tương lai của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào khả năng duy trì sự cân bằng giữa các lợi ích quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, và không để mình bị cô lập trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu ngày càng phức tạp. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần theo đuổi một chiến lược phát triển bền vững, linh hoạt và độc lập, kết hợp giữa các yếu tố như cải cách kinh tế, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực có phẩm chất, và tăng cường hợp tác quốc tế. Việc không lựa chọn “bên” trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc mà duy trì chính sách trung lập chiến lược có thể giúp Việt Nam tận dụng tối đa các cơ hội toàn cầu mà không bị phụ thuộc vào bất kỳ cường quốc nào. Mong lắm thay! Mai Thanh Truyết Suy nghĩ về 50 Năm Khát vọng Tự do Houston – Tháng 5 - 2025

Monday, May 5, 2025

Tô Lâm sau những công bố “hòa giải hòa hợp” trong ngày 30/4/2025 Sau bài phát biểu của TBT CS Tô Lâm vào ngày 30/4/2025 nhân kỷ niệm 50 năm “Ngày Giải phóng miền Nam”, thống nhất đất nước, dư luận xã hội đã có nhiều phản ứng khác chiều về thông điệp "hòa giải, hòa hợp dân tộc" mà ông nhấn mạnh. Trong bài diễn văn, Tô Lâm kêu gọi toàn dân tộc "gác lại quá khứ, cùng hướng tới tương lai", nhấn mạnh rằng "nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" và khẳng quyết hòa hợp dân tộc là chiến lược trụ cột để xây dựng một đất nước phồn vinh, hùng cường. Một số người hoan nghênh thông điệp hòa giải, hòa hợp dân tộc, coi đó là bước tiến tích cực trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến bày tỏ sự hoài nghi về khả năng thực hiện những lời kêu gọi này, cho rằng cần có hành động cụ thể để chứng minh thiện chí. Nói trên Radio Free Asia, LS Vũ Đức Khanh nhận định: "Hòa giải không thể dừng lại ở những tuyên bố; nó cần được chứng minh bằng hành động cụ thể, đặc biệt từ phía nhà cầm quyền, để khôi phục niềm tin từ những người từng là nạn nhân của lịch sử." Một số nhà quan sát trên thế giới cho rằng, để thông điệp hòa giải thực sự có ý nghĩa, cần có những chính sách cụ thể như: Xóa bỏ các rào cản pháp lý và chính trị đối với những người bất đồng chính kiến.Thúc đẩy tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận.Tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào sự phát triển của đất nước mà không bị phân biệt đối xử. Theo đánh giá của Giáo sư Young, người từng làm việc cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) từ năm 1968-1972, sau đó là Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, dù nội dung tương đồng, nhưng giọng điệu của hai bài có sự khác biệt vì "khán giả khác nhau". Chẳng hạn, trong bài viết hôm 27/4, có nhan đề "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", ông Tô Lâm không dùng cụm từ "đế quốc Mỹ" giống như trong diễn văn ngày 30/4. Ông Young cho rằng diễn ngôn trong ngày 30/4 "truyền thống hơn và thể hiện sự đồng thuận với các lực lượng bảo thủ trong Đảng và Quân đội nhằm tôn vinh chiến thắng cách đây 50 năm". Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, nhận định, đối với các "khán giả" trẻ tuổi hơn, việc hòa hợp hòa giải có thể sẽ dễ dàng hơn. "Thời gian rồi sẽ để lại dấu ấn lên những người từng cầm súng. Trách nhiệm giờ đây thuộc về thế hệ hậu chiến - những người cần được kết nối thông qua các hoạt động tôn vinh những đặc điểm chung: ngôn ngữ, văn hóa, tín ngưỡng và niềm tự hào trước sự phát triển của đất nước - thay vì để quá khứ tiếp tục chia rẽ," ông Thayer, nói vào ngày 2/5. (Trích từ Báo Mai 2/5/2025) Tuy nhiên, trong quá khứ, dư luận trong và ngoài nước vẫn còn nghi ngờ những gì các lãnh đạo CSBV tuyên bố trong những dịp lễ lớn, việc đánh giá lại như:” Tô Lâm có thật lòng với lời kêu gọi "hòa giải, hòa hợp dân tộc" hay không là điều mà dư luận đang tranh luận sôi nổi, và không có câu trả lời tuyệt đối” bởi vì sự đánh giá tùy thuộc vào góc nhìn và trải nghiệm của từng nhóm người khác nhau. Đối với những người tin vào thiện chí của ông Tô Lâm thì cho rằng: • Việc ông đưa ra lời kêu gọi vào đúng dịp 30/4 có ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ, cho thấy nỗ lực thay đổi lập trường chính trị trước đây vốn thường tập trung của kẻ "chiến thắng" hơn là hòa giải. • Việc ông nhấn mạnh "hòa hợp dân tộc là chiến lược trụ cột" là điểm mới trong cách tiếp cận lãnh đạo. Còn đối với những người nghi ngờ thiện chí cho rằng: • Lời nói chưa đi kèm với hành động cụ thể: vẫn còn nhiều người bất đồng chính kiến bị bắt giữ, tự do ngôn luận còn bị hạn chế. • Lịch sử hoạt động và hành vi trước đây của ông Tô Lâm, nhất là trong vai trò Bộ trưởng Công an, khiến nhiều người không dễ tin rằng ông thực sự muốn hòa giải vì tính sắc máu của ông. Nhưng trên thực tế, một số nhà phân tích trung dung cho rằng: ngay cả nếu có thiện chí, việc thực hiện hòa giải thật sự đòi hỏi cả hệ thống phải thay đổi, chứ không thể chỉ dựa vào ý chí cá nhân của một lãnh đạo. Hòa giải đòi hỏi cần có sự công nhận sai lầm lịch sử của đảng CS, cung cách và chứng tỏ biết lắng nghe phản biện của người dân, và nhứt là đảng thể hiện sự thay đổi/cải cách thể chế tao cho người dân tin tưởng vào. Đối với những nhận định trên, sẽ KHÔNG một ai ngoài ông Tô Lâm biết rõ nội tâm của ông có thật lòng hay không mà thôi! Nhưng điều quan trọng hơn hết là hành động kế tiếp của ông, nếu không có bước đi cụ thể chứng minh, thì dù lời nói có hay đến đâu, cũng chỉ là khẩu hiệu. 1. Tô Lâm khác với những công bố của các TBT tiền nhiệm như thế nào? Tô Lâm, trong cương vị TBT từ năm 2024, đã tạo ra một số khác biệt quan trọng trong diễn ngôn chính trị, đặc biệt khi so với các TBT tiền nhiệm như Nguyễn Phú Trọng, Nông Đức Mạnh hay Lê Khả Phiêu qua bài phát biểu ngày 30/4/2025 vừa qua với thông điệp “hòa giải - hòa hợp dân tộc” rõ ràng và nhấn mạnh hơn, nhấn mạnh một "chiến lược trụ cột" của quốc gia; không chỉ là khái niệm đạo đức mà là định hướng chính trị lâu dài. Trong lúc đó, Nguyễn Phú Trọng và các tiền nhiệm có đề cập đến "đại đoàn kết dân tộc", nhưng tránh dùng cụm từ “hòa giải”, vì sợ liên hệ đến việc công nhận phe thua cuộc trong chiến tranh. Ông Trọng thường nhấn mạnh vai trò "lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng", hơn là đối thoại hay hòa hợp với lực lượng ngoài hệ thống, tức là tuyệt đại đa số công dân Việt. Và, lần công bố nầy của TL hướng đến người Việt hải ngoại nhiều hơn qua việc khẳng quyết rõ ràng: “mọi người Việt Nam, dù trong nước hay ngoài nước, đều là con dân đất Việt, đều có quyền cống hiến”. Câu hỏi được đặt ra là Ông có thực tâm nghĩ như vậy hay không? Người viết vẫn còn nghi ngờ tính minh bạch và lòng chân thật của người cs nhứt là khi nắm quyền lãnh đạo quốc gia. Thêm một lý do nữa là ông Tô Lâm là người đầu tiên lên làm TBT từ vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, nghĩa là từ một ngành đàn áp, an ninh, chứ không phải lý luận, tổ chức hay quốc hội. Điều này tạo sự mâu thuẫn nội tại: người từng chỉ đạo và thực thi đàn áp giờ nói về hòa giải, điều này gây hoài nghi nhưng cũng là yếu tố khiến lời nói của ông được chú ý đặc biệt. 2. So sánh Tô Lâm với các Tổng Bí thư tiền nhiệm Các lãnh đạo trước đây, đặc biệt là trong các giai đoạn đầu sau chiến tranh, thường có cái nhìn rất cứng rắn và kiên quyết đối với VNCH, phản ánh sự chia rẽ sâu sắc của xã hội sau chiến tranh. Họ nhấn mạnh về sự "thắng lợi" của cuộc kháng chiến chống Mỹ và không ngần ngại chỉ trích các chính quyền miền Nam trước 1975 là "ngụy quyền". Những tuyên bố này phản ánh một tư tưởng chiến thắng, khó hòa giải với quá khứ đau thương của nhiều người miền Nam. Lê Khả Phiêu (1997–2001): Chỉ nhấn mạnh bảo vệ thành quả cách mạng, không nhắc hòa giải, hầu như hoàn toàn không đề cập đến người Việt hải ngoại, liên tục dùng các thuật ngữ “phản động, ngụy quân ngụy quyền…” Tập trung vào sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng, phát biếu ít và ngắn gọc đầy quân sự tính, và tuyết đối bảo vệ thể chế. Nông Đức Mạnh (2001–2011): Nói chung chung về "đoàn kết dân tộc", không đề cập đến hòa giải. Tương tự như Ông Trọng, NĐM nhấn mạnh vai trò kinh tế, tránh đề cập đến chính trị. Không thấy có thay đổi về thái độ một cách rõ ràng trong suốt nhiệm kỳ TBT. Lấy trọng tâm là phát triển kinh tế, hoàn toàn không quan tâm gì đến cải tổ chính trị. Luôn chọn tập thể, BCT và Trung ương đảng. Nguyễn Phú Trọng (2011–2023): Hoàn toàn giáo điều. Không bao giờ nói đến những ngôn từ: hò giải hòa hợp dân tộc. Vẫn tiếp tục xem VNCH là “ngụy quân, ngụy quyền”. Tránh né từ “hòa giải”, chỉ nói đến "đại đoàn kết toàn dân tộc". Gọi là “kiều bào”, khuyến khích đầu tư nhưng không muốn nhắc đến chánh trị, vẫn duy trì cách gọi kiểu tuyên huấn cổ điển. Không có hành động cụ thể ngoài lời kêu gọi “đoàn kết dưới sự lãnh đạo Đảng”. Lý luận nặng, giáo điều, trích dẫn Mác - Lênin thường xuyên. Tô Lâm (2024 - …): Từng là BT Bộ Công an Việt Nam, có cách tiếp cận khá khác biệt so với các tiền nhiệm trong việc nhìn nhận về Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và các vấn đề liên quan đến lịch sử, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ giữa các thế hệ lãnh đạo và nhận thức về quá khứ. Trong các phát biểu của Tô Lâm, ông tỏ ra thận trọng và thực dụng hơn trong những vấn đề nhạy cảm về VNCH. Ông không quá nhấn mạnh vào các yếu tố phân biệt giữa "thắng" và "thua" mà chính yếu tập trung vào các vấn đề an ninh quốc gia, sự ổn định chính trị, và phát triển xã hội. Đặc biệt, Tô Lâm đã thừa nhận rằng dù là chiến tranh, Việt Nam cần một chính sách hòa hợp, hòa giải để không tạo ra chia rẽ sâu sắc trong xã hội. Chính sách này thể hiện sự tiếp cận mềm mỏng hơn so với một số tiền nhiệm, tập trung vào công tác bảo vệ an ninh, đồng thời thúc đẩy sự đoàn kết trong nước. (Người viết thực sự không biết Ông TL có thực tâm thực lòng hay không, chỉ ghi lại qua những gì ông tuyên bố!). 3. Các điểm khác biệt của Tô Lâm Trong lần phát biểu trong buổi tiếp xúc với cán bộ vừa qua, TL lần đầu tiên dùng ngôn từ trung tính và hòa giải, tránh những từ như “chiến thắng”, “bên thua cuộc”. Ông cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng tương lai chung thay vì nhắc lại hận thù quá khứ. Khi mở lời nói với và gọi người Việt hải ngoại như một phần của dân tộc, không ràng buộc điều kiện chính trị (phải trung và hiếu với đảng) trong lời nói. Tuy lời nói của Tô Lâm mang tính cởi mở hơn, nhưng cho đến nay chưa có chính sách cụ thể hay cải cách pháp lý rõ ràng nào để chứng minh lời kêu gọi đó là thật lòng và hệ thống đã thay đổi. Câu hỏi được đặt ra cho Ông Tô Lâm là “Liệu Ông có khả năng hiện thực hóa ước mơ đó không?” Hiện tại, Ông nắm quyền lực cao nhất, đang kiểm soát cả Bộ Chính trị lẫn nhân sự cho Đại hội XV, không bị ràng buộc bởi phe giáo điều cũ như thời Nguyễn Phú Trọng, được Tây phương đánh giá là “đối tác thực dụng có thể đàm phán”. Nhưng Ông chưa có lực lượng cải cách đứng sau đủ mạnh (chẳng hạn như tầng lớp trí thức, doanh nhân, quốc nội độc lập, báo chí tự do...). Và nhứt là, Ông đang thiếu một “ý thức hệ mới” để thay thế cái cũ! Nếu mở cửa, thì mô hình quản trị quốc gia nào sẽ được định hướng? Chủ nghĩa dân tộc? Kinh tế thị trường toàn phần? Mô hình Singapore hóa? Hay mô hình Đặng Tiểu Bình hay Phần Lan hóa? Và hơn tất cả là liệu Ông có chấp nhận “đánh cuộc” với chính Ông hay không? Ông phải chấp nhận rủi ro: Nếu cải cách thất bại, ông có thể bị lật đổ, thậm chí mất hết danh dự. Nếu thành công, ông có thể trở thành người mở ra một kỷ nguyên mới cho Việt Nam, như một "Đặng Tiểu Bình phiên bản Việt"! 4. Thay lời kết Ông Tô Lâm không phải là Gorbachev, không là Đặng Tiểu Bình, lại càng không phải là một nhà dân chủ, nhưng có thể là người đầu tiên trong hệ thống dám "nới lỏng thể chế có điều kiện"(?) nhằm mở lối ra cho một Việt Nam chuyển mình ít nhứt qua lời nói... Điều đó không đến từ lý tưởng, mà đến từ áp lực thực tế và khát vọng tự do của người dân sau 50 năm dưới cơ chế chuyên chính vô sản của CSBV. Nếu ông đủ bản lĩnh và đủ “cái nhìn vượt hệ thống đảng”, thì thời điểm hôm nay có thể là "cần và đủ" để làm nên lịch sử. Kỷ niệm 30/4/2025 đánh dấu một chuyến biến, một bước ngoặt sau 50 năm “thống nhứt Việt Nam”; từ đó, các đề nghị về hòa giải dân tộc từ người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang được khắp nơi chú ý. Trong bài phát biểu công khai, TBT Tô Lâm đã gọi hòa giải, hòa hợp dân tộc là "chiến lược trụ cột" để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường. Thông điệp này đã gây ấn tượng mạnh mẽ, nhưng đồng thời đặt ra câu hỏi cốt lõi: “Liệu ông Tô Lâm có đang khởi đầu một giai đoạn mới trong tư duy và thực hành chính trị Việt Nam?” Tô Lâm đã đề cập hòa giải dân tộc một cách công khai và chính danh hơn bất kỳ ai trong lịch sử TBT Việt Nam thời hậu chiến. Tuy nhiên, mấu chốt ở đây không chỉ là ngôn từ mà chính là hành động. Liệu Đảng Cộng sản sẽ có những thay đổi cụ thể về chính sách, thể chế và luật pháp hay không theo “lời nói” của Tô Lâm hay không? Lịch sử sẽ đánh giá điều đó. Mai Thanh Truyết 50 Năm Khát Vọng Tự Do Houston – Tháng 5-2025 Xin đón đọc “Tô Lâm giữa hai chọn lực: Phần Lan Hóa hay Đường hướng của Đặng Tiểu Bình” tiếp theo.

Thursday, May 1, 2025

Việt Nam giữa hai Ảnh hưởng: Hoa Kỳ – Trung Cộng Chiến lược Phát triển Tự chủ Chúng ta đang chứng kiến một thời kỳ chuyển dịch mạnh mẽ của trật tự thế giới. Cạnh tranh giữa HK và TC không chỉ là chuyện của hai siêu cường mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến các nước trung gian, đặc biệt là các quốc gia có vị trí địa chính trị chiến lược như Việt Nam. Trong khi đó, bên trong Việt Nam, các nhóm chính trị cũng đang tranh thủ ảnh hưởng quốc tế để củng cố vị thế và định hình hướng đi cho đất nước trong tương lai. Trong phần trình bày hôm nay, xin chia sẻ ba nội dung chính: • Bản chất và xu hướng ảnh hưởng của Hoa Kỳ và TC tại Việt Nam. • Tác động của các ảnh hưởng này đến chiến lược phát triển đất nước. • Diễn biến gần đây trong nội bộ chính trị Việt Nam và khả năng cân bằng chiến lược. 1. Mối liên quan với Hoa Kỳ Hoa Kỳ: Hướng đến cải cách và hội nhập công nghệ Sau nhiều thập niên thăng trầm, quan hệ Việt - Mỹ đã có một bước ngoặt quan trọng khi được nâng lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9 năm 2023. Đây là một mốc quan trọng, không chỉ mang tính biểu tượng mà còn có hàm ý chiến lược sâu sắc. Sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện nay tập trung vào ba trụ cột: công nghệ cao, giáo dục, và thương mại toàn cầu. Mỹ không tìm cách can thiệp vào chính trị nội bộ Việt Nam một cách trực tiếp, nhưng sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ, viện nghiên cứu, và trường đại học lại mang theo tư duy cải cách, quản trị minh bạch và hệ giá trị phương Tây – trong đó có chính sách pháp trị, tự do phát biểu, tự do trong học thuật và cạnh tranh bình đẳng. • Mỹ nhìn thấy Việt Nam là một đối tác chiến lược quan trọng ở Biển Đông, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh với TC ở Đông Nam Á. • Tuy nhiên, sự thận trọng của Việt Nam khiến Mỹ đôi lúc thiếu kiên nhẫn, vì không dễ thiết lập liên minh sâu sắc như với Nhật Bản, Hàn Quốc hay Phi Luật Tân. • Chiến lược “Indo-Pacific” của Mỹ xem Việt Nam là “trụ cột mềm,” nhưng chưa hoàn toàn tin cậy được. Nhóm cải cách trong chính trường Việt Nam nhìn nhận quan hệ với Hoa Kỳ như một cơ hội để mở rộng không gian chính sách, nâng cao năng lực quản trị và giảm phụ thuộc vào mô hình kiểm soát hành chính tập trung. Nhưng có lẽ vì chưa đủ sức mạnh để tạo nên thế cân bằng với nhóm bảo thủ chăng (?) Kết quả của chính sách “cây tre” trong mối quan hệ Việt – Mỹ Việt Nam đã thể hiện khả năng “đi dây” khá linh hoạt giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới. Kết quả cụ thể: Về phía Hoa Kỳ: - Về việc tăng cường hợp tác kinh tế – công nghệ, Mỹ đã trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2023, thương mại hai chiều đạt hơn 124 tỷ USD. Các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Intel, Apple, Google đã đầu tư mạnh vào Việt Nam, hỗ trợ quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. • Về việc hợp tác an ninh – chiến lược, hai nước nâng cấp liên lạc lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2023, bao gồm cả hợp tác quốc phòng, đào tạo sĩ quan, và chuyển giao công nghệ quốc phòng nhẹ. Chính việc tăng cường mối liên quan nầy giúp Việt Nam có “bảo hiểm chiến lược” trong tranh chấp Biển Đông và giảm lệ thuộc vào TC. 2. Mối liên quan với Trung Cộng Ngược lại, mối liên quan Việt–Trung được định hình từ rất sớm – từ năm 2008 với khuôn khổ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện. Tuy nhiên, trọng tâm của mối liên lquan này không nằm ở công nghệ hay thị trường, mà là ở khía cạnh chính trị nội bộ: đào tạo cán bộ, cải cách hệ thống pháp luật theo hướng kiểm soát xã hội, phòng chống tham nhũng và củng cố bộ máy. TC thường chia sẻ kinh nghiệm về mô hình “chủ nghĩa xã hội đặc sắc” với một Đảng cầm quyền mạnh, bộ máy kiểm soát chặt chẽ, và không gian chính trị hạn chế. Mô hình này đặc biệt thu hút các nhóm bảo thủ trong nội bộ Việt Nam, những người dành ưu tiên cho ổn định và an ninh chính trị trên hết. Ảnh hưởng của TC vì thế ít trực tiếp hơn nhưng thấm sâu vào cấu trúc tổ chức và tư duy quản trị của một bộ phận lãnh đạo Việt Nam – nhất là trong ngành công an, nội chính và các cơ quan kiểm tra, thanh tra. Tất cả nhằm: • Giữ ổn định quan hệ kinh tế – chính trị, TC vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam nhập cảng nhiều máy móc, nguyên vật liệu và thiết bị từ Trung Quốc phục vụ sản xuất. • Việc hợp tác hai đảng sâu rộng, từ đó mối liên quan mật thiết giữa hai Đảng Cộng sản vẫn được duy trì ở mức cao, với nhiều hội nghị cấp cao, việc hợp tác, trao đổi, thực tập quân sự khắng khít. • Và nhứt là tránh đối đầu trực tiếp cho dù có tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam vẫn duy trì “ngoại giao song phương” thay vì đa phương hóa xung đột (trái với Philippines), tránh làm Bắc Kinh mất mặt. TC chấp nhận Việt Nam “đa phương hóa, đa dạng hóa” đối ngoại nhưng vẫn tìm cách giữ Việt Nam trong “quỹ đạo ảnh hưởng truyền thống.” Bắc Kinh có thể khó chịu khi Việt Nam xích lại gần Mỹ, nhưng vẫn duy trì hợp tác chặt về kinh tế và chính trị nội bộ, giúp họ không mất kiểm soát hoàn toàn. Dù muốn dù không, TC vẫn là nguồn đầu tư hạ tầng lớn, đặc biệt qua sáng kiến “Vành đai - Con đường” biến Việt Nam thành một con nợ quan trọng hiện nay. 3. Đi với Mỹ hay Hoa, nước nào có lợi hơn cho Việt Nam? Về lâu dài, hợp tác với Hoa Kỳ đem lại nhiều lợi ích bền vững hơn vì công nghệ cao, thị trường rộng, chuẩn mực minh bạch, và tạo không gian phát triển kinh tế – xã hội ổn định hơn. Tuy nhiên, không thể hoàn toàn “thoát Trung” vì khoảng cách địa lý, phụ thuộc chuỗi cung ứng, và ảnh hưởng chính trị, văn hóa đã ăn sâu bén rễ hàng ngàn năm qua. Vì vậy, “cây tre” là lựa chọn thực tế và hiệu quả nhất hiện nay — tận dụng cái mạnh của mỗi bên để xây dựng nội lực: vừa “hợp tác” vừa “cảnh giác,” vừa “mềm mỏng” vừa “kiên định.” 4. Chiến lược nào cho Việt Nam? Việt Nam trong hai thập niên qua đã có bước phát triển ngoạn mục, tuy nhiên vẫn đang đứng trước một ngã ba đường: tiếp tục cải cách để hội nhập sâu hơn với thế giới bên ngoài, hay quay về mô hình kiểm soát tập trung để duy trì ổn định nội bộ? Chiến lược phát triển theo hướng hội nhập Có hai khuynh hướng phát triển Việt Nam, khuynh hướng cải cách và khuynh hướng bảo thủ. Khuynh hướng cải cách thường thúc đẩy chính sách phát triển dựa trên: • Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; • Tăng cường liên kết với thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật, Hàn; • Xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại, minh bạch hóa hệ thống quản lý công. Những chương trình hợp tác như CHIPS Act, Indo-Pacific Economic Framework (IPEF) hay các quỹ hỗ trợ giáo dục đại học của Mỹ được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tăng cường nội lực mà không rơi vào phụ thuộc. Ngược lại, khuynh hướng bảo thủ thường tập trung vào việc: • Kiểm soát rủi ro chính trị từ bên ngoài; • Tăng cường kiểm duyệt thông tin và quản lý truyền thông xã hội; • Củng cố bộ máy chống tham nhũng để làm “công cụ thanh lọc” nội bộ. Chiến lược này gắn liền với mô hình phát triển “phi dân chủ nhưng hiệu quả” mà TC từng áp dụng thành công trong hai thập niên đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, nó mang theo rủi ro là triệt tiêu sáng tạo và hạn chế không gian dân sự, vốn là động lực lâu dài của đổi mới. Chính sách “bốn không”: nỗ lực trung lập hóa chiến lược Việt Nam hiện vẫn kiên nhẫn duy trì chính sách “bốn không” trong quốc phòng: - Không liên minh quân sự - Không liên kết với nước này để chống nước kia - Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự - Không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực. Chính sách này vừa là thông điệp ngoại giao, vừa là công cụ để trung hòa ảnh hưởng đối kháng từ cả Hoa Kỳ và TC, duy trì tự chủ trong chiến lược phát triển và chính trị nội bộ. 5. Chính sách cây tre và chiến lược đu dây của Việt Nam Hình ảnh cây tre được TBT cs Nguyễn Phú Trọng ví như biểu tượng cho đường lối đối ngoại của Việt Nam: “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển.” Trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, đặc biệt là sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và TC, chính sách này cho thấy một cách tiếp cận khôn ngoan: giữ được chủ quyền, mở rộng được cơ hội hợp tác, nhưng vẫn không rơi vào vòng xoáy của bất kỳ cực nào. Cây tre Việt Nam, trong bối cảnh đó, là sự tự chủ trong quan hệ đa phương, vừa kiên định mục tiêu độc lập dân tộc (?) và phát triển bền vững, vừa linh hoạt thích ứng với những cơn gió lớn của thời đại. Đối với Hoa Kỳ - Mở ra cửa ngõ phát triển công nghệ và chiến lược lâu dài • Kinh tế – thương mại: Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn hàng đầu của Mỹ tại Đông Nam Á. Năm 2023, kim ngạch song phương vượt 124 tỷ USD. Mỹ không chỉ là thị trường xuất khẩu lớn mà còn là điểm đến của các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ Việt Nam. • Công nghệ – chuỗi cung ứng: Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị công nghệ trong chiến lược “China +1” của các tập đoàn Mỹ. Điều này không chỉ mang lại việc làm mà còn nâng cao năng lực công nghệ nội địa. • An ninh – quốc phòng: Qua đối tác chiến lược toàn diện năm 2023 đánh dấu bước ngoặt. Việt Nam được tiếp cận các chương trình huấn luyện, chia sẻ thông tin, và thậm chí là hợp tác nghiên cứu quốc phòng, ở mức vừa đủ để tăng vị thế, không gây phản ứng đối đầu từ Trung Quốc. Đối với Trung Cộng - Vẫn giữ vị thế hợp tác chiến lược đặc biệt • Thương mại – đầu tư: Trung Quốc vẫn là nguồn cung chính về nguyên liệu và máy móc. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt trên 170 tỷ USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu trung gian phục vụ cho xuất khẩu. • Chính trị – đảng phái: Mối quan hệ giữa hai Đảng vẫn là “trụ cột” của ngoại giao song phương. Các hội nghị lý luận, giao lưu cán bộ cao cấp, và hợp tác an ninh biên giới được duy trì đều đặn, cho thấy Việt Nam giữ được thế ổn định với một láng giềng lớn. • Biển Đông: Dù có tranh chấp, Việt Nam vẫn kiên trì đấu tranh bằng con đường hòa bình, không để vấn đề biển đảo phá vỡ toàn bộ quan hệ, đồng thời tránh xa các liên minh quân sự mà TC có thể xem là đe dọa. Việt Nam dưới mắt Hoa Kỳ: Việt Nam được xem là một đối tác chiến lược tiềm năng, đặc biệt trong vai trò “neo giữ ổn định Đông Nam Á.” Tuy nhiên, sự thận trọng của Hà Nội khiến Washington có phần thiếu kiên nhẫn trong việc xây dựng liên minh sâu. Hiện tại, trong cuộc thương chiến Mỹ - Trung, Việt Nam lại trở thành điểm đến lý tưởng cho đầu tư chuyển dịch chuỗi cung ứng khi các cty Hoa Kỳ rời khỏi TC cùng với sự ổn định chính trị và vị trí địa lý thuận lợi của nước nầy. Việt Nam dưới mắt Trung Cộng: TC coi Việt Nam là quốc gia “anh em” có quan hệ lịch sử, nhưng cũng không giấu sự cảnh giác khi Việt Nam tiến gần hơn với Hoa Kỳ. Anh em nhưng luôn luôn cảnh giác. Lịch sử đã chứng minh rằng, TC luôn đề cao cảnh giác Việt Nam, không hoàn toàn tin tưởng vì sự tráo trở của của lãnh đạo Việt. Bắc Kinh vẫn có lợi ích sâu sắc trong việc duy trì Việt Nam như một “vùng đệm hòa bình”, không để rơi vào tay liên minh phương Tây. 6. Việt Nam nên “nghiêng” về đâu để có lợi hơn? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng câu trả lời lại nằm trong chính tư duy “cây tre” tức là không nghiêng hẳn, cũng không đứng yên. • Đi với Mỹ, Việt Nam được tiếp cận khoa học – công nghệ, thị trường toàn cầu, và một trật tự pháp lý quốc tế. Đây là nền tảng phải đạo cho sự phát triển bền vững, hiện đại hóa và nâng cao năng suất lao động. • Đi với Trung, Việt Nam duy trì sự ổn định nội địa, tránh xung đột lớn, và bảo đảm được nguồn cung ứng nguyên vật liệu chiến lược trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu phải chọn một định hướng lâu dài, Việt Nam nên ưu tiên xây dựng quan hệ bền vững với Hoa Kỳ và các nước dân chủ phát triển. Lý do là những quốc gia này tôn trọng chủ quyền, luật pháp quốc tế, và khuyến khích sự minh bạch. Đó là những yếu tố giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế và củng cố nền tảng phát triển tự chủ. Trên thực tế, sau cuộc hội đàm giữa Tập Cận Bình và Tô Lâm ngày 14/4 vừa qua với hơn 40 ký kết giữa hai nước đã cho thấy chính sách trung lập cây tre đã nghiêng về phía TC. Chính vì vậy, Mỹ đã cứng rắn hơn với Việt Nam bằng cách “khuyến cáo” viên chức HK tham gia vào các sinh hoạt 30/4 ở Việt Nam và thắt chặt chính sách thuế quan cho Việt Nam hơn nữa. Người viết tiên đoán có thể HK sẽ cấm người Việt hải ngoại gửi tiền về Việt Nam hang năm với con số lên đến gần 20 tỷ US$. Nhiều lãnh đạo cao cấp từng được xem là gương mặt cải cách, đã bị bắt hoặc kỷ luật trong chiến dịch đốt lò từ năm 2021 trở đi, các địa phương năng động về kinh tế như Saigon, Đà Nẵng hay Bình Dương, vốn là căn cứ quyền lực chính yếu của nhóm đổi mới ở miền Nam đều có các thành phần lãnh đạo thậm chí nằm trong tứ trụ vẫn bị loại trừ. Trong khi đó, các nhân sự từ ngành công an nội chính lại ngày càng có mặt nhiều hơn trong Bộ Chính trị và giữ vai trò chủ chốt ở nhiều tỉnh thành như hiện nay. Như vậy, có thể nói, chiến dịch chống tham nhũng, dù mang lại hiệu ứng làm sạch bộ máy, cũng đồng thời dẫn đến việc tái cấu trúc cán cân quyền lực nghiêng hẳn về phía bảo thủ có bóng dáng tương tự như mô hình quản trị nội bộ của TC. Về vai trò của quân đội và công an: - Quân đội có truyền thống chống TC mạnh mẽ hơn do ảnh hưởng từ chiến tranh 2/1979, thường có lập trường cải cách, độc lập quốc phòng. Lãnh đạo quân đội có xu hướng ủng hộ hợp tác với phương Tây và mô hình tự chủ về công nghệ. - Còn đối với công an, vì luôn gắn chặt với an ninh chính trị, kiểm soát thông tin, đào tạo theo mô hình TC cho nên, lực lượng này ngày càng có vai trò trung tâm trong đời sống chính trị có nhằm thắt chặt việc kiểm soát đời sống chính trị của người dân. Và sự đối trọng giữa hai lực lượng này cũng là một phần quan trọng trong việc duy trì cân bằng nội bộ. Một điều đáng chú ý là, dù có sự khác biệt sâu sắc, các nhóm chính trị ở Việt Nam không đối đầu công khai mà cạnh tranh trong khuôn khổ “đồng thuận có kiểm soát”. Việc một số nhân sự cải cách tạm thời bị thất thế không có nghĩa là xu hướng cải cách bị chặn đứng hoàn toàn. Trái lại, sự cạnh tranh giữa hai nhóm bảo thủ và cải cách, nếu được quản lý tốt không có các đột biến bất thường xảy ra, có thể tạo ra động lực đổi mới và điều chỉnh chính sách phù hợp hơn với bối cảnh quốc tế đang thay đổi hiện nay. 7. Thay lời kết Việt Nam đang bước vào một giai đoạn bản lề. Sự cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường Mỹ - Trung không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để Việt Nam định hình lại bản lĩnh tự chủ và năng lực chiến lược của chính mình. Việt Nam không thể phát triển bền vững nếu không cải cách thể chế, nâng cao năng lực quản trị và tăng cường nội lực công nghệ. Nhưng cũng không thể bảo vệ ổn định chính trị nếu bỏ qua các rủi ro từ việc chuyển hóa xã hội, từ mạng xã hội, từ tư tưởng cực đoan hoặc can thiệp mềm của các thế lực bên ngoài. Việt Nam không thể chọn phe, nhưng bắt buộc phải chọn hướng đi. Và hướng đi ấy thiết nghĩ cần phải dựa trên ba trụ cột: • Giáo dục và trí thức hóa xã hội. • Cải cách thể chế theo khuynh hướng trọng pháp quyền, minh bạch và có trách nhiệm. • Phát triển một nền kinh tế tự chủ về công nghệ và nhân lực. Trong hành trình khẳng quyết chiến lược phát triển tự chủ, Việt Nam đã và đang vận dụng khéo léo tinh thần “cây tre”, mềm dẻo trong đối ngoại, nhưng “thiếu kiên cường” trong nguyên tắc vì đôi khi đi chệch hướng như chuyến viếng thăm vừa qua của Tập Cận Bình là một bước “faux pas” tồi tệ nhứt của Việt Nam, làm cho TT Trump nổi giận. Trong thế kỷ 21, thế lưỡng nan giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng không thể được lược giải bằng chọn một để chống lại một. Thay vào đó, Việt Nam cần: • Giữ mối liên quan hữu nghị và hợp tác thiết thực với TC dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và bảo vệ chủ quyền. • Thúc đẩy quan quan chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ dựa trên lợi ích phát triển bền vững, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường và tăng cường sức mạnh quốc gia. • Giữ liên lạc mật thiết với các liên minh kinh tế, an ninh đa phương như CPTPP, IPEF, ASEAN+, QUAD+ hay Liên minh EVFTA, để tránh thế bị kềm kẹp song phương giữa Hoa Kỳ và TC. • Tái định nghĩa lại “tự chủ chiến lược” không phải là trung lập thụ động, mà là chủ động định hình luật chơi và vị thế trong trật tự khu vực. Việt Nam không cần phải chọn đứng hẳn về phía nào, nhưng phải chọn rõ cho mình một con đường, con đường phát triển độc lập, công bằng và nhân bản, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc trên mọi ràng buộc ý thức hệ hay sức ép của nước ngoài. Mai Thanh Truyết 50 Năm Khát Vọng Tự Do Houston – Tháng Tư 2025