Tuesday, July 5, 2022

 

Xin trích một đoạn trong bài viết của ký giả Từ Thức, Paris:

 

TẠI SAO, 47 NĂM SAU, VẪN CHƯA CÓ THAY ĐỔI TẠI VIỆT NAM?

GRAMSCI VÀ THUYẾT “THỐNG TRỊ VĂN HOÁ”

 

Để giải thích hiện tượng CS chưa có gì thay đổi ở VN, dân chủ tự do vẫn là chuyện xa vời, có lẽ phải mượn lý thuyết Gramsci

Theo Gramsci, văn hoá giải thích tất cả.

Muốn có cải cách chính trị, phải có nền móng văn hoá, những yếu tố khác, thí dụ kinh tế, chỉ là thứ yếu. Muốn thay đổi xã hội, không thể hà tiện một cuộc cách mạng văn hoá, thay đổi tư duy. Nếu không, nếu có biến chuyển, chỉ là những cuộc đảo chánh, những thay đổi nhất thời, những cuộc nổi loạn, sau đó sẽ đâu trở lại đó.

Theo Gramsci, có 2 điều kiện để người dân tích cực tham gia nỗ lực thay đổi:

1.Cùng chung một ý thức hệ, một hoài bão chung.

2.Tin rằng thay đổi sẽ có hậu quả tốt cho chính mình

Cả hai điều đó chưa có ở VN

Antonio Gramsci (1891-1937), một lý thuyết gia thiên tả người Ý, ít được nói tới ở VN, trước đây là cẩm nang tranh đấu cho các phong trào cách mạng trên thế giới, ngày nay là sách gối đầu giường cho các chính trị gia thuộc mọi khuynh hướng, từ tả sang hữu, kể cả cực tả, cực hữu, nhất là ở Âu Châu.

Tại Pháp chẳng hạn, phe cực hữu, đã mở một trường học ở Lyon để đào tạo cán bộ, vì đồng ý với Gramsci là nếu không tạo một nền móng văn hoá vững chắc, nếu tư tưởng quốc gia cực đoan của họ không ăn rễ trong dân chúng, dù họ có thắng cử cũng chỉ là những thắng lợi bề mặt, nhất thời. Trong các tài liệu học tập của các đảng khác, Gramsci cũng được coi như kim chỉ nam

Tạm tóm tắt lý thuyết Gramsci qua 2 chữ «hégémonie culturelle» - thống trị văn hoá

Muốn tiến tới chính quyền và đứng vững lâu dài, phải đi tới thống trị văn hoá.

‘’Gramsci phân biệt xã hội ra 2 thành tố mà ông gọi là

·       1.Société politique, hay Pouvoir politique - Xã hội chính trị, Quyền lực chính trị;

·       2. Société civile - Xã hội dân sự.

Quyền lực chính trị, bao gồm các cơ chế nhà nước, bộ máy chính quyền: chính phủ, quân đội, công an, cảnh sát.

Xã hội dân sự, là tất cả những gì thuộc địa hạt tư nhân, lãnh vực tinh thần, sở hữu của mỗi cá nhân, địa hạt của văn hoá, tôn giáo, tri thức, đạo đức, nhân sinh quan, triết lý sống tiềm tàng trong một xã hội. Tóm lại : tư duy của một dân tộc.

Lật đổ một chính phủ, một tập đoàn cầm quyền, chiếm pouvoir politique, chỉ là một cuộc đảo chánh.

Muốn bền vững, muốn thay đổi xã hội, phải đấu tranh và chiến thắng trên địa hạt văn hóa, phải nắm société civile, phải thay đổi tư duy. Phải đặt một nền tảng văn hóa mới

Chính quyền phải được một sự hậu thuẫn ngầm, đương nhiên, của một xã hội cùng chia sẻ những giá trị tinh thần tiềm tàng, sâu kín trong tiềm thức của một dân tộc.

Gramsci giải thích tại sao cách mạng vô sản chỉ thành công ở Nga nhưng thất bại ở Âu Châu. Bởi vì trong xã hội Nga, và nói chung, xã hội Đông Phương, nhà nước là tất cả, xã hội dân sự còn sơ khai , chỉ cần nổ vài tiếng súng, chiếm vài cơ sở huyết mạch là chiếm được quyền lực.

Trái lại, các nước Tây phương, xã hội dân sự, nói khác đi, quyền lực văn hoá, rất phức tạp, sâu xa (với văn chương, nghệ thuật, triết học..), xã hội dân sự phong phú (với các hội đoàn, các nghiệp đoàn, báo chí, đảng phái…), nắm được chính quyền không dễ, áp đặt một chế độ mới là chuyện không thể xẩy ra.

Chính vì vậy, Cộng Sản chỉ cần chiếm vài cơ sở chính yếu ở Nga đã thành công trong cách mạng 1917, người dân hầu như không hay biết gì. Nhưng sau đó, vì không có cỗi rễ văn hóa, không có sự đồng thuận tư duy, Staline không có cách gì khác hơn để duy trì quyền lực là sự khủng bố ( terreur ).

Không có đồng thuận, nhà nước phải dùng terreur. Nhưng người ta không xây dựng gì trên sự khủng bố . Tất cả tài nguyên, nhân lực quốc gia chỉ dành cho ưu tiên hàng đầu : củng cố guồng máy đàn áp. Guồng máy quốc gia tê liệt, kinh tế khủng hoảng, luân lý suy đồi, xã hội băng hoại. (Từ Thức. Gramsci: tất cả là một vấn đề văn hoá. Tuthuc-paris-blog.com)








No comments:

Post a Comment