Wednesday, February 23, 2022

 

Thời thơ ấu

 

Quê tôi-Ấp Sò Đo-Làng Tân Phú Thượng, Hậu Nghĩa.

Lìa nơi chôn nhau cắt rún khi chưa đầy ba tuổi vào năm 1945.

Mang theo hình ảnh một người cha trên người đầy máu và nhà cửa đang bị đốt cháy phừng phực.

Cả gia đình còn lại gồm Ba Má, chị Hai, Chị Sáu, Anh Bảy, Chị Chín, Anh Mười…dìu dắt nhau trên một chiếc xe bò hướng về Sài Gòn.

Hai Anh Ba và Anh Năm trong thời điểm đó đang đi học ở Sài Gòn.

Đó là hình ảnh tôi mang theo khi tuổi còn thơ, những hình ảnh đã khắc ghi trong tôi đậm nét với những gương mặt tuổi trên dưới 20, đầy nét hận thù đầy hung khí… mà sau nầy, qua Má kể lại, họ chính là những tá điền của gia đình tôi.

1-       Tuổi thơ của tôi yên ả với ngôi nhà thuê tại đường Cô Bắc (Dumortier cũ). Nhà tôi số 1, nhà của Chú Năm Nghĩa (ba của cô đào Thanh Nga) số 2.

Sống thong dong như mọi trẻ con, nửa quê, nửa tỉnh, chiều chiều thả diều trên bãi đất trống trong khu phố. Thỉnh thoảng “rắn mắt” cùng các bạn cùng tuổi đi thọc trái “me keo” ở hàng rào bao bọc một thành Tây còn sót lại nằm trên góc đường Nguyễn Khắc Nhu (Ballande) và Trần Hưng Đạo (Galliéni cũ).

Cũng biết đánh đáo, tạt hình với “tiền” là những bao thuốc lá xếp lại.

Cũng biết lấy nút phén (nấp của những chai bia Larue, xá xị…) để dưới đường rầy xe điện chạy ngang qua ga Arras (Cống Quỳnh) để được cán dẹp. Sau đó, đục hai lỗ ở giữa, thắt sợi dây vào và dùng hai ngón tay cái, xoay vòng vòng, làm vũ khí đấu với vũ khí của “địch”. Bên nào bị cắt đứt giây trước là bị thua…Đôi khi bánh xe “nút phén” được khía vòng ngoài làm răng cưa để …chiến đấu. Tôi đã chứng kiến một bạn nhỏ cùng xóm bị nút phén cắt đứt môi khi vũ khí của anh ta bị cắt đứt dây.

Cũng biết thỉnh thoảng chạy qua đống rác của nhà máy làm vỏ ruột xe đạp L’Abbé để lượm những ống ruột xe đạp được cắt từng sợi dây thung kết liền nhau. Và đây cũng là một loại “tiền” để tuổi trẻ chúng tôi “ăn thua” trong khi đánh đáo hay bắn đạn…Các dây thung nầy cũng được tuổi trẻ “gái” kết nối làm sợi dây dài dùng để nhảy dây. Có thể nhảy một mình, nhảy đôi hoặc nếu dây dài hơn nữa, có thể nhảy một lượt nhiều người trông rất đẹp mắt và vui.

Cũng biết chạy theo sau xe ngựa với chiêng trống inh ỏi, hai bên là hai bảng vẽ quảng cáo chiếu phim ở các rạp hát bóng. Chạy theo để lượm những tờ programme của các phim sắp chiếu.

Cũng biết bắn đạn (người Bắc gọi là bắn bi), cũng biết đi “hoang” cùng chúng bạn, xuống chợ Cầu Muối đường Cô Giang (Douaumont cũ).

Đôi khi mạo hiểm hơn nữa, xuống Cầu Ông Lãnh, vượt qua Cầu Mống, thả lần qua nhà máy thuốc lá Bastos và dừng lại ở Rạp hát bóng Nam Tiến.

Ba tôi không cho đi học lớp một như mọi đứa trẻ khác mà Ba dạy tôi ở nhà, để rồi sau đó vô trường học lớp 2.

Thế mà tôi cũng hoàn tất bậc tiểu học ở trường Tiểu học Trương Minh Ký nằm ngay góc đường Nguyễn Thái Học (Kitchener cũ) và đại lộ Trần Hưng Đạo.

Tất cả, đó là tuổi thơ của tôi:

         Kinh hoàng khi nhìn thấy Ba tôi bị xử tử (mà không chết) tại quê nhà và,

         Những trò chơi thơ ngây khi xuống Sài Gòn.

2-       Rời trường Trương Minh Ký chuyển qua Petrus Trương Vĩnh Ký – Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký -LPK, nằm trên đường Cộng Hòa (Nancy).

Định mệnh đã đưa đẩy tôi cùng học dưới hai trường có tên Ký, và là hai Thầy Trò với nhau.

Một kỷ niệm nơi đây mà tôi không bao giờ quên là trận đánh giữa quân đội quốc gia và lực lượng Bình Xuyên. Số là phải dành cho trường Chu Văn An vừa mới di cư từ miền Bắc vào, các lớp đệ nhứt cấp chúng tôi mỗi ngày chỉ học 2 giờ từ 11 giờ tới 1 giờ trưa. Lực lượng quân đội Bình Xuyên chiếm khu nội trú của trường không biết từ bao giờ (hai dãy nội trú sau nầy trở thành Trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn là nơi tôi tùng sự ngay sau khi từ Pháp về năm 1973).

Tôi còn nhớ, ngày hôm ấy là buổi học Pháp văn của Thầy Phạm Văn Thới (sau nầy Thầy làm Chuyên viên trong Phủ Thủ tướng và qua đời năm 2002). Tiếng súng bắt đầu nổ giữa trưa. Quân Bình Xuyên bò lên đỉnh của nóc nhà ngang, nơi có phòng thí nghiệm và phòng vệ sinh của trường.

Bên ngoài từ hướng cổng trường từ đường Nancy, quân chính phủ gồm những lính người Nùng chạy xuyên qua hành lang rộng. Hai bên bắn nhau, tôi không thấy ai bị thương hay chết cả. Sau nầy mới biết là nạn nhân của cuộc giao tranh hôm ấy là bức tượng bán thân Petrus Ký, hướng mặt về phía cổng trường. Cụ bị một vết đạn làm má bên phải lún sâu vào như một đồng tiền (giả tạo). Vì tượng bán thân của Cụ hướng ra đường Cộng Hòa, cho nên thủ phạm hẳn là do lính chính phủ bắn vào…

Chỉ sau độ nửa giờ giao tranh, Ông Hiệu trưởng Phạm Văn Còn bắt loa kêu gọi hai bên ngưng chiến và thầy trò chúng tôi bắt đầu ra khỏi trường. Thay vì chạy thẳng về nhà, lũ trẻ chúng tôi lại mân mê và lượm những vỏ đạn đồng rơi tung tóe trên sân trường, làm các thầy giám thị phải một phen cực nhọc xua đuổi.

Cuộc giao tranh ngắn ngủi đó trở thành một chuyến hồi hương hết sức lý thú. Số là vì tình hình mất an ninh tại Sài Gòn lúc đó, Ba tôi cho Má tôi dẫn các anh chị nhỏ và tôi về …quê, làng Tân Phú Thượng, sau nầy đổi thành tỉnh lỵ Khiêm Cương, thuộc tỉnh Hậu Nghĩa.

Trong vòng một tuần lễ ngắn ngủi, tôi thực sự sống trọn vẹn với thú vui dân dã, quê mùa nơi quê nhà yên bình vì ở thời điểm đó, tháng 4/1955, CSBV chưa tung quân vào miền Nam. Có chăng chỉ còn năm ba du kích quân còn lại, lặn sâu sau hiệp định đình chiến và chia đôi đất nước ngày 20/7/1954.

Khi rời quê, chưa biết gì, cộng thêm nỗi kinh hoàng khi nhìn thấy bên ngực trái của Ba đầy máu; bây giờ được rông chơi trên những cánh đồng ruộng vì mùa khô cho nên được chạy rong bên những giồng trồng đậu phọng, dưa leo, dưa hấu v.v…

Tôi được theo các anh đi rất xa, hái “trộm” dưa hấu còn hườm hườm, độ trái cam lớn, chùi sạch bên ngoài bằng chính chiếc áo đang “bận” trên người. Các anh đập bể dưa ra và chia nhau ăn ngấu nghiến. Một thú vui khác nữa, là đi nhổ trộm…đậu phọng trên những luống thẳng tắp. Đậu non, mới tượng hột bên trong, vỏ còn màu trắng chưa ngả màu ngà…Nhổ lên. Đập đập cát bụi rớt ra khỏi võ (sạch trong suy nghĩ của tuổi thơ). Bóp võ và bỏ vào miệng. Ngọt lịm và rất bùi!

Và thú vui sau cùng tôi ghi nhận được là đi…móc ếch. Các anh lấy cây tâm xe đạp, mài một đầu cho nhọn, uốn cong chút xíu. Sau đó, cây tâm được cột chặt và một thân trúc dài. Đó là vũ khí đi móc ếch. Trong lúc mấy anh đi dọc theo các bờ đê khô, tìm nơi nào có hang ổ tình nghi là …thọc cây vào sâu và ngoáy tròn. Khi nghe tiếng ếch kêu, tức là đã bắt được.

Trong lúc đó, lũ nhỏ chúng tôi đi ngang dọc, nơi nào nghe tiếng dế kêu, là rón rén đi lật từng cục đất (tôi muốn ghi lại những tiếng dân dã miền Nam, chứ không văn hoa như chữ “hòn” đất).

Đó là bảy ngày thần tiên mà tôi được hưởng những thú vui đồng nội trong đời. Sau đó lại trở lên Sài Gòn tiếp tục đèn sách.

Cũng cần nhắc lại là trong suốt thời gian đi học ở trường LPK, thời niên thiếu, tôi được anh bạn cùng lớp tên Huỳnh Văn Tòng, nhà ở tận bên Vĩnh Hội, ngày ngày chạy qua nhà tôi sớm để chở tôi đi học. Bạn Tòng còn có biệt danh là Bảy Hổ vì anh ta trong lúc đá banh ở sân vận động của trường nằm ngay phía sau trường giáp với đường Trần Bình Trọng, thường hay…lăn chai, ủi cả người vào đối thủ trong những giờ tập thể thao của trường. Những buổi sáng sau khi tập thể thao xong, chúng tôi ở lại trường để đá banh và vui chơi cho đến trưa mới vào lớp học, đôi khi chia xẻ nhau những củ khoai lang vì không về nhà. Đó là thời điểm trường Chu Văn An đã dọn về Ngã Sáu Chợ Lớn rồi.

Rồi trong thời gian học Đệ nhị cấp, một anh bạn khác, nhà ở tận Kho 5, đường Trịnh Minh Thế, chạy chiếc xe mobylette đen, đến nhà mỗi ngày chở tôi đi học. Đôi khi, tôi phải đi bằng xích lô hay anh chị chở đi. Tôi không có xe đạp, chỉ có được chiếc xe mobylette “xanh” năm học Đệ nhứt.

Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao Ba không cho tôi đạp xe đạp đi học thời trung học?

Một tuổi thơ mặc dù đã chứng kiến những giây phút kinh hoàng qua việc “xử tử” Ba tôi, nhưng rồi cũng qua đi theo dòng thời gian tương đối êm đềm của một đứa bé từ …nhà quê lên thành đô.

Xin một lời cám ơn Ba Má, và các anh chị đã đùm bọc tôi trong tình thương yêu cật ruột. Cũng xin cám ơn bè bạn thời tiểu học và trung học đã giúp đở tôi trong di chuyển và vui đùa cùng nhau trong những giờ thể thao hàng tuần.

Mai Thanh Truyết

Houston - 2-2022












No comments:

Post a Comment