THưa Bà Con,
Lượm được bài viết hay hay,
xin trích đoạn phần nói về Điện Hòn Chén thờ Nữ thần Thiên Y A Na (Po Nagar),
Chàm
Điện Hòn
Chén trên sông Hương
…Cô lái đò chừng như cũng hòa
vui với điệu hát câu hò ngồ ngộ nhưng đầy cảm xúc của khách bỗng cất tiếng hò
dìu dặt theo nhịp với mái chèo. Tiêng hát cất lên từ sau lái mang âm vang thanh
thoát của người lĩnh xướng:
Ơ hơ…ơ ơ cầu Trường Tiền sáu vài
mười hai nhịp
(Chớ) em qua không kịp (mà) tội
lắm anh ơi à…ớ… ơ…ờ
Ơ hơ…ơ ơ… (Chơ) thà rằng không
biết thì thôi
(Chớ) biết rồi mỗi đứa (ư…à…)
ơ hờ…hớ mà… mỗi nơi ớ hơ a à… cũng
(ứ… a…) buồn…!
Tiếng hò vút cao, lững lờ rơi
dần xuống thấp, rồi im bặt… Cũng buồn! Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi cũng buồn. Có lẽ
nguồn tình cảm miên man rất lãng mạn kiểu Huế nằm trong tiếng “cũng”. Cái
“cũng… buồn” rất e dè nhưng cũng rất nũng nịu thâm cung của cô gái Huế có nghĩa
là níu kéo, là sẽ tương tư, là hào phóng một cách “tình cho đi ai lấy lại bao
giờ”. Tất cả những người khách có mặt trong đò đều khẩn khoản yêu cầu cô lái đò
hò thêm bài nữa nhưng vẫn hoàn toàn im lặng, cái im lặng bất thường của một tâm
hồn sôi nổi thường có vẻ ghê ghê như cây cối mới theo gió vật vờ bỗng đứng yên
giữa vùng tâm bão.
Cô lái chỉ tay về mé sông bên
kia với một vùng cây cối thâm u, đen kịt trong đêm. Giọng cô nói như rì rào với
gió : “Điện Hòn Chèn thờ Bà Chúa đó.
Ngài thiêng lắm. Ai hò hay hát giỏi, Ngài ưng ý, ‘bắt lính’ âm binh rồi thì hết
đường chạy chữa, chỉ có nước đem chôn thôi”. Nghe giọng nói nghiêm trang như
con chiên ngoan đạo của cô lái, khách trên đò cũng cảm thấy phảng phất một chút
sương mờ “ớn lạnh” nên chưa ai tiếp tục cuộc chơi “để em buồn em hát lý cây
bông”. Cặp vợ chồng Nam Bộ xích lại gần nhau thêm chút nữa chừng như để che chở
cho nhau mà trốn lính âm binh…
Bỗng Phó Biên Thùy cất tiếng
cười dòn tan như cốm bắp An Thuận, tiếng cười không chờ đợi và đúng lúc có mãnh
lực an ủi chúng sinh trên đò như nhà pháp sư trừ ma ếm quỷ. Thùy chỉ tay về
phía bờ sông bên kia, nơi có lùm cây cao nhô lên, nổi bật giữa lằn chân trời
cây đen thẩm, giải thích:
– Đó là Điện Hòn Chén, tên chữ
là Ngọc Trản (có nghĩa là chén ngọc). Đây là đền thờ Nữ thần Thiên Y A Na,
vốn là một nữ thần Chàm. Theo Đào Thái Hanh trong Bulletin des amis du vieux
Hué; xuất bản năm 1914 mà thời đi học, tôi đọc lóm được của Ba tôi thì Thiên Y
giáng trần qua bóng dáng của một thiếu nữ đẹp huyền diệu và vào đời qua một câu
chuyện tình thần tiên vương giả. Rồi cũng như những câu chuyện tình buồn của Huế,
nữ thần cũng ra đi trong nước mắt. Nhưng cái mê hoặc của trần gian đau khổ nầy
nó lạ lắm. Nó vẫn còn mãi níu kéo nữ thần vương vân với cuộc đời để ban bố bao
nhiêu là phép lạ cho con người. Vì vậy, trong niên hiệu đầu, vua Gia Long ban
cho nữ thần chức tước “Thần tối cao và ơn đức vô biên, ban phước lành
khắp mọi nơi đầy linh hiển”.
Thế nhưng, khoảng hai năm trước,
tôi có dịp tham gia vào đoàn rước lễ của Thiên Tiên Thánh Giáo Huế, hành hương
bằng thuyền trên sông Hương từ Điện Hòn Chén về Bãi Dâu với đoàn thuyền có đủ cờ
quạt, lọng tàn, lễ nghi rực rỡ đầy màu sắc thì lại được nghe một vị chức sắc
cho biết đây là nơi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh. Nguyên bà là con gái thứ của Ngọc
Hoàng Thượng Đế, giáng trần vào rằm tháng Tám năm 1557 đời Mạc Phúc nguyên tại
Vụ Bản, tên Giáng Tiên.
Người tiên giáng phàm nhưng vẫn
không thoát khỏi nợ tình với Trần Đào Lang. Và rồi cũng như Thánh nữ Thiên Y A
Na, Thánh Mẫu Liễu Hạnh được về lại cõi trời năm hai mươi mốt tuổi, nhưng vẫn
yêu cảnh trần gian nên đành xin Ngọc Hoàng trở lại… với nhiều phép lạ giúp dân
lành nên đã trở thành một trong Tứ Bất Tử của dân tộc Việt Nam: Phù Đổng, Chữ Đồng
Tử, Tản Viên Sơn Thánh và Liễu Hạnh.
Bà Chúa Liễu Hạnh đã được sùng
kính tôn thờ như một tín ngưỡng dân gian lan rộng khắp nơi, từ Phủ Giày Nam Định,
tới chùa Thiên Minh Lạng Sơn, vào đền Sòng Thanh Hóa, ra Tây Hồ Thăng Long, vào
Sóc Hương Nghệ An… trước khi giáng phàm chỉ đường cho chúa Nguyễn dựng nghiệp ở
Đàng Trong và xây dựng dinh cơ ở Huế. Vua nhà Nguyễn đã sắc phong cho bà chúa
là “Thượng Đẳng Tối Linh Thần”.
Theo nguồn tin dân gian truyền
khẩu tại Huế thì bà chúa Điện Hòn Chén hết sức linh hiển. Đã có rất nhiều người
buôn bán xuôi ngược trên sông Hương đã bị “bắt lính” vì có tài hát hò. Một số
khác bị bà chúa “vật chết tươi” vì có thái độ bất kính khi đò chèo ngang qua Điện
Hòn Chén. Năm Tự Đức thứ 15, nhà vua cảm thương bá tánh vô tội bị chết oan nên
đã đích thân lên Điện Hòn Chén đeo chuỗi hột bồ đề vào cổ bức tượng của bà chúa
Liễu Hạnh và khuyên bà chúa hãy tu hành. Từ đó, bà chúa không còn linh hiển như
xưa nữa.
No comments:
Post a Comment