Friday, March 7, 2025

Câu chuyện giả tưởng: ”Giả sử Cộng sản Việt Nam hoàn toàn sụp đổ, chuyện gì sẽ xảy ra ngay sau đó?” Phần II Đất nước chuyển đổi có thể là cơ hội, nhưng phải có chiến lược thông minh để tránh hỗn loạn như đã phân tích ở Phần I. Trong trường hợp Việt Nam hiện tại, dù muốn dù không, vài trò của quân đội và công an là hai lực lượng cần thiết để "gìn giữ" ổn định xã hội trong giai đoạn chuyển đổi. Vấn đề đặt ra là, công cuộc chuyển đổi ước tính kéo dài trong khoảng thời gian bao lâu là hợp lý để công cuộc quản lý quốc gia “phải” trả lại cho... dân sự? Thời gian quân đội và công an "gìn giữ" ổn định xã hội trước khi trả lại quyền quản lý quốc gia cho dân sự phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng có thể ước tính dựa trên các trường hợp lịch sử tương tự. Dưới đây là một số kịch bản có thể xảy ra: 1. Chuyển giao nhanh chóng trong vòng 1-2 năm Theo kinh nghiệm chuyển đổi của những quốc gia trên thế giới qua dân chủ đòi hỏi vài điều kiện ưu tiên sau: • Quân đội chỉ tạm thời ổn định tình hình, sau đó nhanh chóng tổ chức bầu cử. • Có một lực lượng chính trị dân sự đủ mạnh để tiếp nhận quyền lực. • Kinh tế và xã hội không quá xáo trộn, không xảy ra biểu tình hay nội chiến. Điển hình là Bồ Đào Nha (1974): Quân đội lật đổ chế độ độc tài, nhưng nhanh chóng tổ chức bầu cử và trao quyền lại cho dân sự trong vòng 1 năm. Tunisia (2011): Sau khi chính quyền độc tài sụp đổ, quân đội chỉ giữ vai trò trung gian trong vài tháng, sau đó tổ chức bầu cử và trao quyền cho chính phủ dân sự. Kịch bản này ít gây xáo trộn, nhưng đòi hỏi phải có sẵn một lực lượng chính trị dân sự mạnh. 2. Quân đội giữ quyền lực trung hạn trong vòng 5-10 năm Nếu lực lượng dân chủ chưa kịp thành hình và chuẩn bị, hoặc chưa có một tổ chức dân sự đủ mạnh để lãnh đạo, quân đội phải tiếp tục duy trì trật tự xã hội. Trong giai đọan nầy, xã hội có nhiều biến động, cần thời gian để viết lại hiến pháp, thiết lập hệ thống chính trị mới. Và sau cùng, quân đội có thể nắm giữ quyền lực, nhưng phải cam kết chuyển giao dần dần có thể kéo dài từ 5 đến 10 năm. Điển hình là: • Chile (1973-1990): Sau cuộc đảo chính, quân đội giữ quyền lực 17 năm, nhưng cuối cùng tổ chức trưng cầu dân ý và chuyển giao cho dân sự. • Myanmar (2011-2021): Quân đội nắm quyền gần 50 năm, sau đó mới mở cửa dần cho dân chủ (nhưng lại đảo chính năm 2021 vì sợ mất quyền lực). • Hàn Quốc (1961-1987): Quân đội nắm quyền 26 năm, sau đó mới chuyển dần sang dân chủ. Cũng cần nên ghi nhận, nếu quá trình kéo dài trên 5 năm, nguy cơ quân đội quen với quyền lực và không muốn rời đi rất cao. 3. Quân đội giữ quyền lâu dài trên 10 năm hoặc vĩnh viễn Trong điều kiện quân đội và công an sau khi nắm quyền lực và trở thành một thế lực chính trị mới, vì tham quyền cố vị, không còn ý định trao trả quyền quản lý lại cho một chính phủ dân sự . Chuyện gì sẽ xảy ra? Kinh nghiệm đau thương của Đệ I Việt Nam Cộng Hòa ngay sau cuộc đảo chánh TT Ngô Đình Diệm, xã hội rơi vào tình trạng bất ổn kéo dài, các phong trào dân sự bị đàn áp. Chánh phủ dân sự được quân đội trao lại lúc đầu, nhưng cuối cùng cũng dành lại, tạo ra sự bất ổn chánh trị suốt thời Đệ II CH. Chính sự bất ổn, xáo trộn nầy là một trong những yếu tố đưa đến ngày mất nước 30/4/1975. Cũng như trong trường hợp Miến Điện – Myanmar, quân đội giữ quyền lực từ năm 1962 đến nay, chỉ có vài thời kỳ "cởi mở" trao quyền lại chánh phủ dân sự của Bà Aung San Suu Ky, nhưng cuối cùng vẫn hoàn toàn kiểm soát chính trị. Trong trường hợp Ai Cập, từ năm 1952 đến nay, quân đội lật đổ chế độ quân chủ, từ đó luôn kiểm soát chính quyền, dù có bầu cử nhưng quyền lực thực sự vẫn thuộc về quân đội. Còn Thái Lan qua nhiều lần đảo chính, mỗi khi chính quyền dân sự yếu kém, quân đội lại can thiệp và cầm quyền, tạo ra chu kỳ "quân sự - dân sự - quân sự". Tóm lại, nếu chánh quyền quân đội/công an kiểm soát đất nước quá lâu, từ 10 năm trở đi… kịch bản này sẽ dẫn quốc gia đến việc mất dân chủ lâu dài, không khác gì một chế độ độc tài mới dù không còn mang tên chuyên chính vô sản nữa. 4- Dự đoán cho Việt Nam từ 3-5 năm là hợp lý Nếu giả sử có một biến động chính trị lớn, quân đội và công an có thể cần 3-5 năm để giữ ổn định trong trường hợp Việt Nam hiện tại. Nhóm nầy có nhiệm vụ viết lại hiến pháp, xác định hệ thống chính trị mới. Để rồi, từ đó khuyến khích việc xây dựng và tập hợp các đảng phái dân sự để có sự lựa chọn cho cử tri. Nếu không thể/không muốn tổ chức bầu cử, và nếu thời kỳ quân quản kéo dài trên 10 năm, chắc chắn sẽ có nguy cơ quân đội không chịu trao trả quyền lực cho dân sự. Vì vậy, nếu có cuộc chuyển đổi diễn ra ở Việt Nam, quân đội và công an nên giữ vai trò "bảo đảm ổn định" trong 3-5 năm, sau đó tổ chức bầu cử và trả lại quyền quản lý cho dân sự để tránh đi vào vết xe đổ của Myanmar hay Thái Lan. 5- Xác suất chuyển đổi ở Việt Nam ước tính được bao nhiêu %? Xác suất một cuộc chuyển đổi quyền lực có kiểm soát ở Việt Nam, trong đó quân đội và công an giữ quyền tạm thời rồi chuyển giao cho dân sự, có thể ước tính dựa trên các yếu tố lịch sử, chính trị và xã hội. Dưới đây là phân tích xác suất cho từng giai đoạn tùy theo thời gian chuyển giao quyền quản lý quốc gia cho dân sự Chuyển giao nhanh từ 1 đến 2 năm: Trong trường hợp Việt Nam, xác suất ước tính từ 10-20%, với điều kiện nếu quân đội và công an chỉ tạm thời duy trì trật tự rồi tổ chức bầu cử nhanh, xã hội ổn định, không có xung đột lớn, và các nhóm lãnh đạo mới đủ khả năng điều hành đất nước ngay lập tức. Sở dĩ xác suất chuyển giao thấp là vì hiện tại Việt Nam chưa có một lực lượng chính trị dân sự mạnh để tiếp nhận quyền lực ngay vì CSBV đã kiểm soát chính trị toàn thề đất nước. Mọi sinh hoạt chính trị, đảng phái đều bị cấm hay bị triệt tiêu hoàn toàn nếu nhà cầm quyền phát hiện được. Trên thực tế và trong điều kiện Việt Nam hiện tại, không cho phép một cuộc chuyển đổi quá nhanh, nguy cơ rơi vào hỗn loạn hoặc quyền lực rơi vào tay các nhóm không có kinh nghiệm quản lý hay được dựng lên từ những thế lực quốc tế. Xác suất xảy ra cũng vào khoảng từ 10 đến 20%. Ý thức dân chủ, nhân quyền của tiểu trẻ việt hiện nay tuy được nâng cao và tương đối phổ quát, nhưng trước sự kiểm soát và hình phạt gắt gao nếu bị phát hiện làm cho tuổi trẻ khó kết hợp và tổ chức thành đoàn thể được. Quân đội giữ quyền trung hạn từ 3 đến 5 năm rồi chuyển giao: Điều nầy có xác suất từ 40 đến 50% nếu có vài điều kiện dưới đây như quân đội và công an giữ vai trò ổn định xã hội, sau đó tổ chức cải cách và chuyển giao dần dần không làm mất đi sự ổ định xã hội. Thành lập ban tu chỉnh hay viết lại hiến pháp cho hợp với hệ thống chính trị mới và ứng hợp với việc hội nhập vào cộng đồng thế giới. Trong giai đoạn nầy, Ban/Hội đồng Quân quản vừa chuẩn bị chuyển giao cho dân sự, vừa điều hành quốc gia cả về chính trị, quân sự, an ninh lãnh thổ. Sau cùng, các nhóm lãnh đạo dân sự có thời gian để phát triển trước khi tiếp quản quyền quản lý quốc gia từ quân đội. Khả năng chuyển giao quyền lực trong điều kiện trên có xác suất cao là vì mô hình này đã từng áp dụng thành công ở nhiều nước như Chile, Hàn Quốc, trong đó, quân đội có thể đóng vai trò trung gian, giúp quá trình chuyển đổi diễn ra an toàn, bảo đảm quyền lợi cho nhóm cầm quyền hiện tại, tránh xung đột, và trấn an sẽ không có những cuộc thanh trừng hay tắm máu sau đó! Quân đội giữ quyền 10+ năm hay vĩnh viễn có xác suất từ 30 đến 40% Nếu không có sự đồng thuận về chuyển đổi, quân đội quyết định nắm quyền lâu dài. Từ đó, xã hội sẽ rơi vào tình trạng quân phiệt bất ổn hoặc có mâu thuẫn với/giữa các nhóm chính trị. Chính điều nầy sẽ khiến cho quân đội và công an thiết lập một mô hình mới, nhưng vẫn duy trì kiểm soát chặt chẽ. Đây chính là mô hình của số nước trong khu vực như Myanmar, Thái Lan ngày nay. Quân đội có thể không muốn rời bỏ quyền lực nếu thấy lợi ích và bản thân của mình bị đe dọa nếu có chuyển đổi. Theo nhận định của người viết, dự báo hợp lý và lý tưởng nhứt trong điều kiện chính trị, quân sự, và sự phân tán cũng như đấu đá nội bộ của đảng CSBV, nếu có bất cứ một biến động chính trị nào, quân đội và công an có thể giữ quyền 3-5 năm rồi chuyển giao dần dần cho chánh phủ dân sự. 6- Sau cùng vai trò của người dân trong giai đoạn chuyển giao sẽ như thế nào? Trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, vai trò của người dân sẽ rất quan trọng vì họ là yếu tố quyết định tốc độ, mức độ thành công và hướng đi của quá trình chuyển đổi nầy. Có thể nói điều kiện tiên quyết cần phải có là giữ ổn định xã hội, tránh rơi vào hỗn loạn. Vì, khi một chế độ cũ sụp đổ, nếu người dân hoảng loạn, bạo loạn hoặc chia rẽ, đất nước sẽ rơi vào hỗn loạn. Điển hình trong quá khứ như Iraq (2003), sau khi chế độ Saddam Hussein bị lật đổ, không có sự đồng thuận trong xã hội vì khác biệt giai tầng, thức bậc trong xã hội, vì khác biệt tôn giáo … dẫn đến nội chiến. Tại Libya (2011), người dân chia rẽ theo phe phái, cuối cùng không có chính quyền ổn định. Vì vậy, vai trò của người dân rất quan trọng như không tham gia vào các hoạt động cực đoan như đập phá, trả thù chính trị, tích cực hợp tác với lực lượng an ninh để duy trì trật tự, và nhứt là không lan truyền tin giả, kích động thù hận trên mạng xã hội, truyền thông đại chúng. Cần thúc đẩy đối thoại thay vì đối đầu: Nếu người dân bị chia rẽ về ý thức hệ, xung đột có thể bùng phát trở lại ngay sau khi chuyển đổi. Nếu có sự đồng thuận của đa số người dân, cuộc cách mạng có xác suất thành công rất cao. Trong buổi giao thời, người dân cần phải chấp nhận sự khác biệt về quan điểm, không cực đoan hóa vấn đề chính trị, tham gia đối thoại ôn hòa giữa các nhóm khác nhau để tìm giải pháp chung, và nhứt là ủng hộ các giải pháp trung dung, tránh để đất nước rơi vào tình trạng "bên thắng bên thua". Bài học từ Nam Phi sau khi chế độ Apartheid sụp đổ, Nelson Mandela kêu gọi hòa hợp dân tộc, nhờ đó Nam Phi tránh được nội chiến và xã hội tiếp tục tiến bước trên con đường phát triển thông thoáng. Giám sát và gây áp lực để đảm bảo chuyển giao diễn ra đúng lộ trình như đã vạch sẵn. Nếu không có sức ép từ người dân, quân đội hoặc lực lượng cầm quyền có thể kéo dài quá trình chuyển giao hoặc độc quyền hóa quyền lực. Như ở Myanmar là một điển hình. Quân đội hứa chuyển giao cho dân sự nhưng sau đó lại đảo chính, quay về chế độ độc tài quân phiệt nhiều lần bằng vũ lực. Vai trò của người dân trong trướng hợp nầy cần đòi hỏi sự minh bạch trong quá trình chuyển giao quyền lực, trực tiếp tham gia các phong trào xã hội ôn hòa để bảo đảm không có sự lạm quyền. Người cần ủng hộ các tổ chức dân sự, giúp xây dựng một chính quyền dân chủ. Thí dụ tốt như ở Chile, sau khi chế độ độc tài quân sự sụp đổ, người dân đã gây sức ép để có một cuộc trưng cầu dân ý công bằng, đảm bảo quyền lực không rơi vào tay một nhóm lợi ích. Người dân tham gia vào các tổ chức chính trị, xã hội để định hướng đất nước Một chính quyền mới muốn hoạt động tốt cần có lực lượng dân sự có năng lực quản lý. Nếu người dân chỉ đứng ngoài quan sát, đất nước có thể bị kiểm soát bởi một nhóm nhỏ có lợi ích riêng. Vì vậy, vai trò của người dân là cần phải tham gia vào các tổ chức chính trị mới, đóng góp ý tưởng và giám sát chính sách, tham gia hội đồng địa phương, hiệp hội xã hội để định hình tương lai đất nước, tránh suy nghĩ thụ động xem đó là chuyện của người khác, của các nhóm chính trị, không nhứt thiết phải tham gia. Trường hợp Ba Lan chẳng hạn, khi chế độ Cộng sản sụp đổ, phong trào Công đoàn “Solidarity” đóng vai trò lớn trong việc xây dựng một nền dân chủ bền vững với sự tập hợp đông đảo dân chúng ngày từ đầu.. Tóm lại, người dân là yếu tố quyết định thành công hay thất bại trong mỗi lần lột xác của đất nước. Nếu người dân hành động có trách nhiệm, quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra suôn sẻ. Nếu người dân bị kích động, chia rẽ, đất nước có thể rơi vào bất ổn hoặc nội chiến. Nếu người dân hành động khôn ngoan, Việt Nam có thể học theo mô hình chuyển đổi thành công của Hàn Quốc, Đài Loan, Chile… thay vì rơi vào tình trạng như Myanmar hay Libya. 7- Thay lời kết Người viết vừa trang trải một giấc mơ về một câu chuyện giả tưởng “Giả sử Cộng sản Việt Nam hoàn toàn sụp đổ, chuyện gì sẽ xảy ra ngay sau đó?” trong đó tưởng tượng ra nhiều giả thiết có thể xảy ra cho Việt Nam tùy theo điều kiện khách quan và chủ quan của đất nước. Và ước vọng của người viết (hy vọng cũng là ước vọng của người dân) là nếu có chuyển đổi xảy ra thì nên xảy ra trong ôn hòa, không bạo động. Và diễn biến của cuộc chuyển đổi sẽ được giới hạn trong vòng từ 3 đến 5 năm. Qua hình bên cạnh, hình ảnh hàng triệu người dân Estonia (Bắc Âu) tay nắm tay tới tận biên giới Nga để tỏ sự đoàn kết và sức mạnh dân tộc của một quốc gia với vài triệu dân dám đối đầu với 160 triệu con gấu Nga, khiến cho người viết càng tin tưởng câu chuyện giả tưởng trên đây sẽ thành … sự thật! Nếu được như vậy, đây sẽ là một cuộc Cách Mạng Nhung mang dân tộc xích lại gần nhau trong nghĩa tình Một Mẹ Trăm Con của tiền nhân. Như hiện nay, dù đã 50 năm thống nhứt toàn cõi từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, nhưng niềm đau dân tộc vẫn còn dai dẳng. Tuy không còn dòng Sông Bến Hải ngăn đôi bờ địa lý, nhưng dân tộc thực sự đã bị phân liệt, không phân liệt vì vùng miền Bắc – Trung – Nam, mà bị phân liệt vì… hận thù chủ nghĩa từ một chủ nghĩa không tưởng ngoại lai vận vào! Bài học lịch sử của dân tộc Đức ngày nay qua việc giựt xập bức tường Bá Linh để không còn Đông Đức và Tây Đức nữa chính là nhờ ý chí thống nhứt của toàn dân tạo dựng lại một quốc gia Đức - Germany. Chính người dân Đức tự họ đập tan bức tường ô nhục Berlin, chứ không phải bị phía nào xâm lăng vì bạo lực cả. Phía Đông, người dân đập phá một mảng tường, phía Tây, người dây Tây Đúc chuẩn bị thực phẩm, nước uống, quần áo chào đón đồng bào ruột thịt. Đây chính là một bài học lớn cho những người con Việt còn nặng nợ với quê hương trong và ngoài nước. Sợi dây chia cắt tuy vô hình nhưng đã cách chia Nam Bắc hàng 50 năm qua! Hởi tất cả những người con Việt, phải chăng đã đến lúc cần phải khơi dậy tình tự dân tộc trong cơn chuyển đổi sắp tới của Việt Nam. Mong lắm thay! Mai Thanh Truyết Giấc mơ cuối đời - 2025 Khi đảng CS tự xóa bỏ chình mình

No comments:

Post a Comment