Tôi
đi vượt biên
Một ngày cuối năm 1982.
Từ xa xa thấp thoáng một vài điểm sáng lập lòe trên sóng nước vùng Cái Côn Cần Thơ trong đêm. Đó là lúc xuất phát của một chiếc ghe chứa 54 thuyền nhân đang đi tìm tự do. Vì tất cả bến bãi đã được "mua" trước nên chuyến đi rất an toàn trên suốt đoạn đường qua cửa biển. Tôi là một trong hai thuyền trưởng "không bằng cấp" đã điều khiển chiếc ghe sau hai đêm một ngày lênh đênh trên biển cả đi thẳng vào Trengganu thuộc địa phận Mã Lai. Trengganu là một thành phố nằm sát biên giới phía Nam ngăn cách Mã Lai và Thái Lan. Về phía Bắc ở địa phận Thái Lan là Songkla, một trại tị nạn nổi tiếng về tình trạng khắc nghiệt đối với thuyền nhân.
Trước khi vượt biên, đã có tin đồn rằng Mã Lai không chấp nhận các thuyền nhân Việt Nam nữa và sẽ đẩy tàu tị nạn ra khơi lại khi cận bến. Do đó, khi nhận diện được quốc kỳ Mã ở một trạm đồn trú sát biển chúng tôi liền quyết định ủi bãi mặc dù phải chịu áp lực của sóng to lúc đó. Tàu chĩa mũi đâm thẳng vào bãi cát bên cạnh đồn lính...mà không hề có ước tính nông sâu tại địa điểm trên.
Chỉ trong giây phút, tàu lật nghiêng và tôi từ trên phòng lái nhảy liều xuống biển. Khi biết rằng biển cạn chỉ tới thắt lưng, tôi bèn la to để mọi người bớt hoảng hốt, và sau đó từng người một thay nhau nhảy xuống khỏi tàu, ướt đẫm, mất tất cả đồ đạc trừ quần áo mang trên người và cuối cùng cũng đến được bến bờ tự do trong hoàn cảnh tệ hại kể trên. Sau khi định thần và kiểm điểm lại thì thấy thiếu mất một người, mà vài ngày sau xác một cô gái trôi vào một chỗ cách đó vài cây số. Tuy huyền hoặc, nhưng trong hoàn cảnh nầy cũng phải tin lời truyền khẩu rằng nơi đây luôn luôn phải để lại một người cho mỗi tàu vượt biên!
Tàu chúng tôi được Mã Lai cho bảng số là PB 768 (PB viết tắt cho chữ Pulau Bidong) và tất cả 53 người còn lại được chuyển vào đảo Pulau Bidong sau vài ngày tạm trú ở Trengganu. Khi đi trên tàu cũng như những ngày đầu tiên đến Ma Lai, chưa ai hân hạnh biết được tên cúng cơm của tôi cả. Mãi cho đến lúc trình diện tại SB-Special Branch sau khi cập bến vào cầu Jetty ở đảo Bidong, tôi mới thật thà khai báo tên tuổi do cha mẹ đặt ra khi chào đời.
Lý
do rất đơn giản là khi quyết định liều mình vượt biên, tôi đã dùng "mãnh
lực kim tiền" để mua một chứng minh nhân dân chính thức (không phải đồ giả)
và xin được giấy phép chính thức (không phải đồ giả) để đi cào cá tôm ngoài
biển. Tôi đã sống trên ghe rày đây mai đó gần một năm trước khi đặt chân lên
đất Mã với lý lịch chính thức trong thời gian nầy là Trần Văn Đức sinh ngày
24/12/1940 tại Tân An.
Chỉ vài ngày sau sau khi nhập đảo, một nhân viên Mỹ tên Ramsey, cựu Đại úy cố vấn sư đoàn 25 đóng tại Củ Chi và đã bị thương ở chân năm 1972, gọi tôi lên và cho biết một số thông tin và tình trạng gia đình của con và vợ tôi dù điều nầy tôi cũng đã biết trước qua thư từ khi ra đi. Ông ta bảo tôi cứ an tâm và ông sẽ tiến hành thủ tục nhanh nhất để tôi được đoàn tụ với gia đình.
Từ khi biết được tôi có "liên
hệ mật thiết" với "giới chức có thẩm quyền" và biết được lý lịch
thật của tôi, hầu như mọi người trên đảo đều nhìn tôi với một cặp mắt khác
thường.
Họ thân thiện hơn để cầu cạnh?
Một số người khác tôi quen biết từ Việt Nam thìï lo sợ và né
tránh vì sợ tôi tố cáo lý lịch và hành vi ở Việt Nam?
Còn một số có vẽ ghen ghét vì không được địa vị của tôi
chăng?
Nhưng đa số tỏ vẻ kính trọng tôi vì nghĩ tôi biết chữ nghĩa?
Ôi thôi đủ cả! Nhưng không biết vì tôi tốt số hay có nhiều may mắn mà chỉ hai ngày sau khi đến đảo, một số thanh niên trẻ tuổi tôi vẫn còn nhớ tên từng người cho đến bây giờ "rủ" tôi về nhà ở chung trong khu B nằm sát bờ biển, chăm sóc tôi từ việc ăn uống đến việc xách nước sinh hoạt hàng ngày. Tôi chỉ ngày ngày đi tắm biển và suy nghĩ về các hoạt động tương lai "từ thành phố nầy, tôi sẽ ra đi!" (Anh Truyết cám ơn NVHoàng (Hoàng ngáy, Porland), NVHiếu (Boston), TVHoàng (Hoàng méo, Toronto), NXOánh (London, Canada), Đoan Đỗ (San Jose), Quang nhỏ (Ottawa, Canada)... Các bạn trẻ trên đã qua xong Bàn 1, bàn Screening và lần lượt được chuyển qua Sungei Besi trước tôi vài ngày.
Trại cấm Sungei Besi
Sungei Besi là một trại tị nạn hình chữ nhựt, dàì khoảng 350m, ngang độ 250m, nằm về phía đông bắc của thủ đô Kuala Lumpur, Mã Lai và cách thành phố nầy khoảng một giờ lái xe. Trại chỉ có duy nhất một cổng lớn ra vào. Chung quanh bao bọc bởi hàng rào cao độ 1.8m và phía trên được phủ bằng những cuộn kẽm gai. Trại chia ra làm hai phần: trại A chiếm độ 3/4 diện tích chứa dân tị nạn thuộc diện sẽ định cư tại các quốc gia nói tiếng Anh, trại B thì dành cho các quốc gia nói tiếng Pháp và linh tinh. Trại A gồm 16 nhà "hộp" có giường và bàn ghế trong nhà và tám dãy nhà "longhouse" là những "ngăn" nhà, không cửa. Mỗi ngăn chứa được tám thuyền nhân. Vào thời điểm 1983, toàn trại có khoảng hơn bốn ngàn tị nạn đang chờ để được đi định cư vào đệ tam quốc gia nhưng đa số là Hoa Kỳ.
Trong giờ làm việc hàng ngày, nhân
viên Hội Lưỡi Liềm Đỏ Mã Lai (Red Crescent) điều hành sinh hoạt của trại. Sau
giờ làm việc và cuối tuần là thời điểm của Task Force do một đại úy quân đội Mã
tên là Khally chỉ huy.
"Tiểu quốc" Sungei Besi
thật ra được điều hành và "quản lý" bởi bốn cơ quan độc lập, chứ
không phải "chính phủ trung ương", đại diện cho dân chúng sống tại
đây và không có thực quyền gì so với bốn cơ quan kể sau đây!
Trước hết là Hội Lưỡi Liềm Đỏ của Mã Lai. Đây là một cơ quan hành chánh, điều
hành sinh hoạt trại và phụ trách thông tin liên lạc. Họ nhận thư tín và bưu
phiếu gửi đến từ thân nhân bên ngoài và chuyển giao cho chính phủ tức Hội Đồng
trại. Họ ăn lương của Mã Lai nhưng Liên Hiệp Quốc phải trả lại tất cả chi phí
nhân sự/dịch vụ cho chính phủ Mã. Tuyệt đại đa số nhân viên của Hội theo đạo
Hồi nên họ rất quyết liệt trong việc cấm thịt heo và rượu.
Dân chúng Mã gốc Tàu ngoài trại vẫn
ngày ngày bán lậu thịt và rượu vào trại cho dân tị nạn.. Nếu bị bắt, người vi
phạm sẽ bị tịch thu tang vật và có thể bị đánh đập... Trong những trường hợp
nầy, đích thân “Tổng thống” hay “Bộ trưởng an ninh” phải can thiệp để cứu
"phạm nhân"! Người Mã Lai luôn
luôn giữ thái độ hách dịch và xem dân tị nạn như một loại công dân hạng nhì.
Thuyền nhân dù phải chịu sự quản lý của
họ, nhưng chắc chắn trong thâm tâm của mỗi người tị nạn khi rời trại sẽ không
chút lưu tình nhỏ nào vì nhận thấy họ chỉ làm việc để đổi lấy đồng lương chứ
không thể hiện một hành động nhân đạo nào cả!
Thứ đến, Task Force là một nhóm quân đội đặc nhiệm do một đại úy và một số
quân nhân trực thuộc bộ chỉ huy ở Kuala Lumpur. Nhiệm vụ của họ là giữ gìn an
ninh trong trại vào cuối tuần và sau giờ hành chánh mỗi ngày. Nhiệm vụ tuy rất
rõ ràng, nhưng cũng chính họ gieo rắc tệ trạng do việc cấu kết với tư bản Tàu (thí dụ như cho phép buôn bán "xả
dàn" sau khi các phái đoàn ngoại quốc và Cao ủy rời trại), du đảng và nhất là những cán bộ cộng sản
vượt biên để làm những việc kém văn minh đối với người tị nạn.
Thứ ba là các phái đoàn đến từ các quốc gia chấp nhận tị nạn, phỏng vấn và
quyết định tình trạng định cư của từng người tị nạn. Thường xuyên đến làm việc
để thu thập dữ kiện, tài liệu... là phái đoàn Hoa kỳ, sau đó là Úc và Pháp vì
Pháp cũng là đại diện cho một số quốc gia trong vùng. Phái đoàn của các quốc
gia khác đến và đi không định kỳ. Chỉ có phái đoàn Hoa kỳ làm việc năng nổ và
rộn rịp nhất vì đại đa số tị nạn đều xin định cư tại quốc gia nầy.
Hầu như hàng ngày, ngoài các nhân
viên Sở Di trú và Nhập tịch (Immigration & Naturalization Service tức là
INS), còn có thêm nhân viên an ninh , tình báo nói tiếng Việt rành rọt đến
phỏng vấn và điều tra những trường hợp đặc biệt. Họ làm việc có công tâm nhưng
đôi khi quá máy móc thành thử nhiều trường hợp rất thương tâm đã xảy ra vì tình ngay lý gian hoặc để cộng sản trà
trộn vào các nước cho định cư khác nhất là nước Úc.
Thứ tư là tổ chức đáng ghi ơn nhiều nhất về
phương diện tình cảm là những "tiên ông và tiên bà"...những người
thuộc các phái đoàn thiện nguyện do Cao ủy Liên Hiệp Quốc chịu trách
nhiệm. Chỉ có một vài nhân viên điều hành Cao ủy được đài thọ tương xứng với
công việc về thù lao và phụ cấp; còn đa
số đều là tình nguyện viên trong chương trình đại loại như Peace Corps của Hoa Kỳ.
Họ đã đến từ mọi quốc gia trên thế giới. Họ là những người trẻ tuổi, hưởng phụ
cấp rất tượng trưng khoảng $US 500/tháng và sống trong điều kiện tương tự như
dân ở trại tị nạn. Họ là những người ra về trễ nhất trong ngày. Đôi khi họ còn
xử dụng số tiền phụ cấp ít ỏi của họ để giúp tị nạn.
Họ làm đủ mọi công tác cần thiết cho
cộng đồng tị nạn như dạy sinh ngữ, huấn nghệ, xã hội, hướng dẫn khải đạo
(counseling) v.v.... Họ chính là những làn gió mát hiếm hoi trong những giây
phút căng thẳng và ngặt nghèo của các mảnh đời tị nạn.
Cũng cần ghi thêm nơi đây những ân
nhân của tị nạn là các linh mục
(quên tên) đã không quản ngại phiền nhiễu và nguy hiểm đối với chính quyền Mã.
Chính các linh mục đã mang tin tức, tiền bạc, giúp đỡ chuyển thư từ...từ các
nơi về cho thuyền nhân ngay cả đối với những người không có điều kiện liên lạc.
Đây là một phương tiện thông tin, chuyển ngân hữu hiệu, không thất thoát và đầy
tình người so với bưu điện Mã Lai. Xin ghi ơn các bậc tu hành trên.
Con đường tiến thân
Vừa chân
ướt chân ráo đến Sungei Besi, lũ bạn trẻ của tôi đã đợi sẵn
và đón tôi về dãy LongHouse 7 lúc đó mới vừa xây cất xong. Tên tôi được cấp ở
nhà hộp (có giường ngủ, bàn và đèn điện) tiện nghi hơn nhưng sau cùng tôi quyết
định sống trong điều kiện của những người "cùng đinh" trong xã hội.
Chỉ hai ngày sau đó, ông Ramsey đến
tìm tôi và muốn tôi làm Camp Leader trong thời gian tôi tạm trú ở đây (Nơi đâu
cũng có bàn tay lông lá cả!). Và tôi nhận lời. Có lẽ tôi là một dân sự đầu tiên
giữ "địa vị" nầy vì trước đó dường như chỉ có sĩ quan quân đội hay
cảnh sát làm Trưởng trại mà thôi. Cựu Th.T hải quân Đoàn Quan Vũ (Westminster)
đến đảo trước tôi hơn hai tháng, và là Trưởng trại ở Bidong đã rất ngạc nhiên
khi không được tiếp tục làm ở Sungei Besi. Sự kiện nầy đã càng khiến cho nhiều
người xác quyết rằng tôi đã được Mỹ, CIA dựng lên để làm "puppet" cho
họ!
Kể từ đó, mọi người nhìn tôi hoàn
toàn khác hẳn!
Tôi thực sự là một "Tổng
Thống" của một quốc gia có 4.000 dân. Thủ tục định cư của tôi đã được giải
quyết một cách mau chóng bởi tòa đại sứ Hoa kỳ tận ngoài Kuala Lumpur và tôi
chỉ tuyên thệ trước nhân viên INS (Bàn 4) lúc đó là ông Wallace, không có sự
hiện diện của nhân viên và thông dịch viên Việt Nam, do đó hầu như không một ai
biết chắc chắn lý lịch đích xác của tôi cả. Điều nầy làm cho tôi có thêm một huyền
thoại bí hiểm đối với nhiều người, làm tăng uy thế cũng như tạo điều kiện cho
tôi điều hành "quốc gia" tương đối dễ dàng. Đó là bởi vì, đại đa số
thuyền nhân mang tâm trạng "tâm phục" và "sợ phục", vì sau
lưng tôi có Mỹ chứ không phải hiến pháp!
Việc làm đầu tiên của tôi ngay sau
khi lên "ngôi cửu ngũ" là dời đô về phía nhân dân. Số là những “Tổng
thống” tiền nhiệm làm việc trong một văn phòng có máy lạnh, nằm trong dãy nhà
làm việc của nhân viên Hội Lưỡi liềm Đỏ. Trong lúc, trụ sở Văn phòng trại tức “Nội
các chính phủ” chiếm cứ một dãy nhà lợp thiết, rất nóng...Việc liên lạc và thông
tin với Tổng thống do đó rất khó khăn vì
bị "ngăn sông cách chợ" do thủ tục ra vô văn phòng Hội. Phần tôi quyết định chọn nhân dân, nghĩa là
chấp nhận chia xẻ nóng bức và áp bức cùng với đồng bào.
Hai hành động không ở nhà hộp tiện
nghi và dời đô về phía "quần chúng" vô hình chung biến tôi trở thành
một vị tổng thống "anh minh" và hợp lòng dân ít nhất về phương diện
hình thức ban đầu. Tiếp đó, nội các tị nạn (Camp Council) được thành lập như
sau:
Tổng
Thống (Camp Leader): Mai Thanh Truyết
Thủ
Tướng (General Secretary): Nguyễn Văn Huy, cựu công chức Ty Công chánh Cần Thơ,
hiện ngụ tại Lansing (Michigan);
Bộ
Trưởng An Ninh (Security): Trần Văn Sơn, cựu Đại úy Sư đoàn 25 Tây Ninh, hiện
ngụ tại San Diego (California);
Bộ
Trưởng Mật vụ (Special Branch tức SB): Nguyễn Hồng Hải, Đại úy đã từng được
huấn luyện tại trường Hoàng Phố (?), hiện ở Hoa Kỳ, nhưng không biết địa chỉ.
Thứ
Trưởng Mật vụ: Nguyễn Trường Khương, Thiếu úy huấn luyện viên Bộ Tư lệnh Cảnh
sát, cư ngụ tại Los Angeles (California);
Bộ
Trưởng Y tế (Hospital): BS Trương Văn Như, hiện cư ngụ tại Garden Grove
(California);
Thứ
Trưởng Y tế: BS Khương Văn Lịch, hiện cư ngụ tại Westminster (California);
Bộ
Trưởng Xã hội (Social Services): Hoàng Ngọc Thủy, Trung úy, hiện là Luật sư -
Solicitor hành nghề tại Sydney (Úc);
Bộ
Trưởng Bưu điện kiêm Tổng Cục Gia cư (Post & Housing): Hà Văn Thước, sinh viên, hiện cư ngụ tại
Hawaii.
Dù không có Bộ Tài chánh, Quốc
phòng, Tư pháp và Ngoại giao và nhất là không có ngân sách điều hành và tài
nguyên, quốc gia Sungei Besi vẫn được xếp hạng vào hàng quốc gia bậc trung so
với các nước đang mở mang trên thế giới với tổng sản lượng tính theo đầu người
tương đương với $US 5,00/ngày hay $US 1.850.00/năm ($US 4.00/ngày/người do Cao
Ủy LHQ trợ cấp, gạo do Trung Cộng đài thọ, quần áo vật dụng do các nước viện
trợ). Như vậy lợi tức đầu người của dân tị nạn vẫn cao hơn lợi tức của Việt Nam
năm 2011.
Nhân viên chính phủ làm việc trong
tinh thần tự nguyện, không phụ cấp, không lương bổng và hoàn toàn chia xẻ cùng
một điều kiện sống với tất cả mọi từng lớp nhân dân trong quốc gia Sungei Besi
nầy. Luật lao động cũng như việc nghỉ phép thường niên hay nghỉ bịnh...không
thể áp dụng ở đây...mà nếu có nghỉ thì cũng chẳng biết đi đâu vì đây là một
quốc gia hoàn toàn cô lập với tất cả xã hội bên ngoài "vòng rào". Nội
các chính phủ làm việc hết sức tích cực rất xứng đáng là "đầy tớ của nhân
dân".
Đây chính là một quốc gia lý tưởng
về phương diện phân bổ phúc lợi đồng đều cho toàn dân từ thượng tầng kiến trúc
cho đến hạ tầng cơ sở. Có thể gọi đây là một thiên đường mà người cộng sản
thường cổ súy chăng?!
Nhân viên chính phủ phải làm việc
hầu như 24/24 giờ, các viên chức trách nhiệm đều luôn luôn sống trong tình trạng
báo động để ứng trực. Những chuyện thường xảy ra trong xã hội là: tranh chấp
giữa người dân, tranh chấp nhà ở, ghen tuông, khiếu nại về thức ăn, cổ phần ăn,
mất đồ đạc, bị ức hiếp, chèn ép... và nổi bật hơn cả là những vấn đề an ninh và
cuộc tranh chấp quốc cộng tại tiểu quốc nầy.
Những vấn đề nóng bỏng
Vấn đề thứ nhất cho nội các trong
việc điều hành quốc gia là việc mọi "công dân tạm thời" ở
quốc gia nầy đều rất nhạy cảm với chế độ vừa trải qua và những gì liên quan đến
cộng sản. Có hai loại đối tượng cần phân biệt: một là cán bộ cộng sản vượt biên, và hai là những người có dính líu với
cộng sản mà đa số là "cán bộ 30/4" còn được gọi là sư đoàn 304.
Bộ Mật vụ thu thập hồ sơ, phỏng vấn các thuyền nhân để thanh lọc kỹ lưỡng các
đương sự được xem là có vấn đề... trước khi họ gặp phái đoàn. Đích thân Tổng
thống sau đó nghiên cứu và trao đổi tin tức với đế quốc Hoa Kỳ.
Hầu hết hồ sơ cộng sản là do sự thổi
phồng và lòng "quá nhiệt tình" của nhân viên mật vụ, nhưng cũng có
vài trường hợp khám phá đúng hiện trạng của cá nhân có thành tích liên quan hoặc làm việc với chế độ. Một trường hợp điển
hình là Hoàng Ngọc Giàu hay Hoàng Xuân Nhuận (biệt hiệu), một “tội ác” trong
thảm nạn Mậu Thân ở Huế, người đã bị phái đoàn Hoa Kỳ từ chối định cư ba lần,
và sau cùng đã được Úc chấp nhận cho định cư tại Sydney.
Vấn đề thứ hai đến từ Task Force của Mã Lai.
Họ đã cấu kết để ăn chận phần thức ăn của người tị nạn mà tư bản Trung Hoa đã
trúng thầu cung cấp, đến nổi một hộp thịt gà chỉ có vài miếng xương chân gà và
nước! Họ cũng đã bao che mở cửa hàng đêm cho người Hoa buôn bán tự do (rượu,
thịt heo) trong bản quốc. Tệ hại nhất là
việc cấu kết với du đảng để phát triển mãi dâm và mang phụ nữ tị nạn ra Kuala
Lumpur hàng đêm để rồi mang trở về sáng hôm sau trước khi các phái đoàn đến làm
việc.
Vấn đề thứ ba là đối phó với du đãng.
Ngoài việc cấu kết với Task Force trong vấn đề mãi dâm, các du đãng đầu nậu kết
hợp một số thành phần du đãng khác mà đại đa số là thành phần không được quốc
gia nào cho định cư, do đó phải ở lại trong trại quá lâu có khi hàng bốn, năm
năm trước đó. Thành phần nầy sách nhiễu và hiếp đáp đồng bào đến nổi nếu không
có sự can thiệp cứng rắn của Bộ trưởng An ninh thì quốc gia Sungei Besi có thể
trở thành đại loạn trong giai đoạn nầy.
Vài đối tượng bất hảo
Như đã nói ở các phần trên, sự thành
lập quốc gia Sungei Besi quả là một sự tình cờ. Mỗi công dân mang trong tiềm
thức những tâm trạng khác biệt nên đã thể hiện chúng qua những thất tình lục
dục khác nhau. Tuy cùng giòng máu Việt, nhưng có thể nói trong trường hợp nầy,
quốc gia Sungei Besi là một "hợp
chủng quốc" về trình độ, và nhận thức. Thật rất khó cho công việc điều
hành quốc gia nhất là giữ gìn trật tự cho các sinh hoạt xã hội. Vừa mới nhậm
chức vài ngày, đích thân Tổng thống phải đối đầu với những "thương
thảo" hay "dằn mặt" từ các đối tượng bất hảo đã nêu ở phần trên.
Đầu tiên Đại úy chỉ huy trưởng
Khally (Task Force) mời Tổng Thống ăn chiều ở căn cứ Task Force trong trại như
một hình thức kết thân nhưng với dụng ý rõ ràng là chuyển đạt thông điệp "đừng
xen vào những chuyện Task Force làm".
Tiếp theo, nhóm du đảng cầm đầu bởi
hai anh em Năm Ca và Sáu Hát mời ăn trưa mà tôi biết chắc chắn là sẽ có rượu và
thịt heo là hai món bất hợp pháp. Dù nhận lời nhưng tôi đã cẩn thận bố trí hơn
mười nhân viên an ninh canh gác chung quanh căn nhà hộp và các ngõ đi vào để đề
phòng Task Force vì nhóm nầy có thể phục kích để triệt hạ tôi. May mắn thay,
diễn tiến của buổi ăn thật "thắm tình hữu nghị" và tôi cũng mượn dịp
nầy để chuyển đạt lời nhắn gửi nghiêm khắc là:" Rượu và thịt heo là hai thứ cấm kỵ có ghi trong văn bản của nội quy,
mong các anh đừng xử dụng trong phạm vi trại nữa. Nếu nhân viên tôi bắt gặp
lần tới, chúng tôi sẽ có biện pháp mạnh". Tôi tin rằng họ hiểu rõ là tôi
không hăm dọa suông. Cũng nên nói thêm là Năm Ca, cựu trung sĩ quân cảnh, và
Sáu Hát, học sinh...vì lý do đánh lộn và có hành vi du đảng mà phái đoàn Hoa kỳ đã từ chối cho định cư
hơn năm năm nay.
Chỉ không đầy hai tuần sau bữa ăn
trên, tôi bắt buộc cho bắt giam Sáu Hát vì tội vi phạm nội quy trại. Nhà tù đầu
tiên được thiết lập bên cạnh văn phòng Task Force. Sự kiện nầy làm tôi bị phê
phán là đã qua được bến bờ tự do rồi mà còn kềm kẹp đàn áp tị nạn. Nhưng cũng
nhờ đó mà trật tự trong trại từ đó về sau tương đối ổn định hơn. Tôi đã lấy
quyết định trên không ngoài mục đích mục đích chận đứng sự hợp tác của du đãng
với Task Force trong vấn nạn mãi dâm để tôi rãnh tay đối phó với Khally. (Năm
Ca và Sáu Hát sau đó bị trả về lại Bidong và bị giam trong nhà tù Mã lai cho
đến năm 1992, sau đó không có thêm tin tức).
Đối tượng thứ ba và nguy hiểm nhất là các cán bộ cộng sản
vượt biên và những người thân cận của họ. Họ có thế lực
Task Force yểm trợ ngầm vì có liên hệ mật thiết với nhau qua dịch vụ săn gái và
chuyển gái ra Kuala Lumpur. Đại diện của nhóm nầy là Nguyễn Văn Nam, trung úy
công an nội chính Bến Tre và hiện có cửa hang trong trại sản xuất tranh thủ
công nghệ, huy động hàng chục nhân viên dưới tay. Tên nầy được ra vô Kuala
Lumpur thường xuyên bằng xe của quân đội Mã để mua bán nguyên vật liệu và sản
phẩm thủ công nghệ. Nên nhớ là, không có thuyền nhân nào được phép ra khỏi trại
ngoại trừ các trường hợp như đi bịnh viện khẩn cấp, sanh sản, mổ xẻ, hay do yêu
cầu từ tòa đại sứ Hoa Kỳ.
Người thứ hai là thiếu úy Hoàng Mạnh
Dược, biên phòng Rạch giá. Hai tên nầy có một cuộc sống rất "đế
vương" và làm rất nhiều chuyện chướng tai gai mắt mà trước đó không vị
tiền nhiệm nào dám đụng đến họ! Dĩ nhiên là họ bị Hoa Kỳ và các nước khác từ
chối cho định cư, tin tức sau cùng năm 1992 cho biết họ vẫn còn ở đây. Hai đối
tượng bất hảo nầy đã mua chuộc tôi bằng cách biếu cho tôi một bức tranh
"vinh quy bái tổ" với hàng chữ đề tặng vợ tôi.
Câu hỏi cần được đặt ra, đối với vấn
đề giải quyết định cư vào đệ tam quốc gia của những thành phần như trên, là: Có
nên giữ chân họ mãi trong trại tị nạn chuyển tiếp hay đề nghị trả họ về lại
nguyên quán? Ngày nay tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng khi
viết lại những dòng trên đây.
Sau khi tạm thời triệt hạ được nhóm
du đãng, tôi bắt đầu chĩa mũi dùi về phía Task Force với mục đích tống khứ
Khally. Nhân viên của tôi đã thiết lập được danh sách của các cô gái "nhẹ
dạ" cũng như "không nhẹ dạ", là những người đã "hành
nghề" tại Long house 8 lúc đó chưa
có người ở, và những người đã đi ra ngoài Kuala Lumpur hàng đêm. Một lần nữa,
xin cám ơn sự hữu hiệu của nhân viên dưới quyền của Bộ trưởng an ninh TVSơn.
Sau khi thiết lập đầy đủ chứng cớ, tôi xin gặp Cao ủy trưởng và Ramsey. Tôi
biết rõ là Cao ủy tị nạn chỉ chăm sóc những vấn đề xã hội như y tế, huấn nghệ,
dạy sinh ngữ và khải đạo...Họ không có quyền hạn gì cả trong công việc giải
quyết các xáo trộn trong trại. Do đó tôi hoàn toàn tin tưởng vào Ramsey và Tòa
Đại sứ Hoa kỳ, người có thể giúp tôi giải quyết vấn nạn nầy. Cuối cùng tôi
thành công trong việc trừ khử Khally và chấm dứt được tình trạng mãi dâm ở tiểu
quốc Sungei Besi. Tên Đại úy Khally bị bứng ra khòi Task Force trại.
Tuy nhiên hậu quả của thành tích nầy
là tình trạng an ninh cá nhân của tôi từ đó không được bảo đảm nữa. Số là Đại
tá chỉ huy trưởng, có lẽ vì mất phần chia chác trong dịch vụ trên, đã để tâm
thù tôi và cho một thiếu tá thay thế Khally theo dõi tôi từng bước một. Họ đã
biết được thói quen của tôi thường hay đến bịnh viện để đọc hồ sơ báo cáo của
SB. Vị bác sĩ Bộ trưởng Y tế của tôi có tính "ham vui" nên thường
xuyên có người đẹp ra vào ăn uống có khi nhảy nhót bỏ túi nữa trong khuôn viên
bịnh viện đầy đủ tiện nghi với máy lạnh. Task Force hy vọng bắt được quả tang
tôi tham gia các sinh hoạt nầy để làm chứng cớ triệt hạ tôi. Họ đã thất bại
nặng nề!
Cần phải kể thêm sau đây một thành
tích nổi bật của "Tổng Thống thuyền nhân" làm hầu hết nhân dân của
tiểu quốc vui mừng là việc nhận lại được
thư và bưu phiếu tưởng đã mất. Đa số thuyền nhân khi đến Pulau Bidong chỉ ở
lại một thời gian ngắn trung bình từ hai đến sáu tuần lễ thôi. Thời gian nầy
chỉ vừa đủ để cho họ báo tin đến thân nhân ở ngoại quốc.
Khi thân nhân hồi âm và gửi bưu
phiếu tiếp tế thì đa số tị nạn đã được chuyển trại qua Sungei Besi. Nhân viên
Hội Lưỡi Liềm Đỏ vì tắc trách và thường xuyên "làm thất lạc" các bưu
phiếu trong thư cho nên người tị nạn không nhận được. Biết được việc nầy tôi
nhờ Cao Ủy can thiệp. May mắn thay họ cho phép chúng tôi ra tận kho chứa của
Hội ngoài Kuala Lumpur để nhận lại các thư cũ. Trong khi phân phối thư chúng
tôi đã thu hồi trên US$12,000.00, tiền của thân nhân tị nạn gửi qua, mang đến
niềm vui không nhỏ cho nhiều người.
Vẫn chuyện đối đầu với Task Force,
tôi thường xuyên bị tên đại tá thay thế Khally đe dọa. Tình trạng nầy trầm
trọng và căng thẳng thêm sau khi tôi âm
thầm xách động nhân dân không nhận thức ăn sáng để phản đối nhà thầu cấu kết
với Task Force ăn chận phần ăn của tị nạn. Vào một buổi sáng đẹp trời, hơn
2.000 nhân khẩu trên tổng số 4.000 đã tuân theo lời rỉ tai của chính phủ từ
chối lãnh phần ăn sáng. Việc nầy làm náo động toàn trại và Task Force biết chắc
rằng chỉ do tôi khởi xướng mà thôi. Họ xem tôi như cái gai chận đứng lợi lộc
của họ khi chỉ nhận được tiền của 2000 khẩu phần có chữ ký của tôi thay vì 4000
cho ngày hôm đó..
Tình trạng ngày càng căng thẳng đến
nổi tôi quyết định là phải tìm mọi cách hợp pháp để mau chóng rời khỏi nơi đây.
Kết quả là một sớm đẹp nắng, Ramsey xuất hiện mà không báo trước đưa tôi ra phi
trường cùng với hai mươi em cô nhi để nhờ tôi hướng dẫn qua Mỹ. Tôi còn nhớ
những lời chúc lành và cám ơn của Ramsey về những việc tôi đã làm ở trại Sungei
Besi.
Sự thực là tôi chỉ được biết mình
phải rời nơi đây từ tối hôm trước mà thôi. Hành trang của tôi khi ra khỏi tiểu
quốc Sungei Besi thật nhẹ nhàng: Không có chương mục ở ngân hàng ngoại quốc;
Chỉ một bộ quần áo đang mặc trên người mua bằng tiền của học trò và vợ gửi qua;
Bức tranh vinh quy bái tổ đã kể trên; Một phong bì lớn chứa đựng hồ sơ cá nhân
mà tôi đã được dặn dò chỉ mở ra khi đặt chân tới Hoa Kỳ. Tôi đã không hề nhận
lãnh quần áo ở Bộ Xã hội mặc dù chính tôi đã ký nhận hàng tấn quần áo từ các cơ
quan thiện nguyện trên thế giới gửi đến.
Tôi rời Sungei Besi sau năm tháng
"trị vì". Tuy chỉ là một thời gian ngắn tựa bóng câu qua cửa sổ so
với một đời người nhưng giai đoạn nầy đã để lại một dấu ấn sâu đậm. Tôi đã gặp rất nhiều tấm lòng thành, và
những bầu nhiệt huyết trẻ, trong sáng và chỉ có tâm nguyện làm tốt cho những
người chung quanh và làm đẹp xã hội. Mặc dù biết rằng tôi có thể rời trại
để đi Hoa kỳ bất cứ lúc nào vì hồ sơ định cư của tôi đã hoàn tất hai tuần sau
khi đặt chân đến Sungei Besi cũng như được miễn qua trại chuyển tiếp ở Bataan
(Phi luật Tân). Nhưng, những chuyện nhân tình thế thái ở cái xã hội nhỏ nầy đã
làm tôi bận tâm và giữ chân tôi suốt năm tháng dài. Trong khoảng thời gian nầy,
thực sự tôi rất ít có giây phút nghĩ và mong sớm được gặp mặt vợ con.
Nhìn lại xã hội thu hẹp Sungei Besi,
tôi có cảm tưởng có một sự buông thả hoàn toàn sau khi mọi người vừa được hít
thở một ít không khí tự do. Sự buông thả trên không nằm trong ý nghĩa
cao đẹp của Phật giáo mà là một sự buông thả vô trách nhiệm, vô đạo đức của một
số người đại diện cho mọi tầng lớp trong xã hội. Từ cậu thanh niên đến
cô thiếu nữ, từ người vợ trên đường vượt biển tìm chồng cho đến những người
cha, người chồng trên bước đường sum hợp gia đình. Tất cả vẽ lại nơi đây một
bức tranh vân cẩu nói lên rất nhiều tệ trạng xấu xa nhất trên cõi đời ô trọc
nầy mà vì tính chất phóng sự vui của bài nầy, tôi không muốn vào chi tiết.
Phần nhiều mỗi người trong chúng ta
đều có "những điểm đen" trong tâm khảm, mà khuynh hướng thường có
định kiến khắt khe với người nhưng lại quá dễ dãi với chính mình là một! Nhưng
tôi đã may mắn không phạm phải một sai trái nào trong thời gian tạm trú ở đây
như "thường tình", mặc dù có biết bao cám dỗ đến từ nhiều phía. Tôi
vẫn giữ được "bình an dưới thế", không phải vì tôi biết tự chế, không
phải vì tôi có một tấm lòng "trong trắng" và "trung thành với vợ
con", mà vì tôi.... biết SỢ! Đây,
tuy là một xã hội nhỏ, tuy nhiên lý trí cho tôi biết rằng, bất cứ một hành động
sai tráí nào của mình cũng được loan truyền đi khắp thế giới, vì nơi đâu cũng
có tị nạn cả. Do đó, tôi thì càng phải ráng giữ mình. Chính nhờ suy nghĩ trên
mà tôi thoát khỏi "sự cố cho bản thân".
Tôi xin kết luận bằng một số bài học
mà tôi rút tỉa ra được trong thời gian "lãnh đạo quốc gia chuyển tiếp
Sungei Besi":
·
Lãnh đạo phải chia xẻ THỰC SỰ với
cùng điều kiện sống của nhân dân;
·
Lãnh đạo sẽ bị đào thải nếu phi dân
tộc, phản dân tộc và đi ngược lại quyền lợi của toàn dân;
·
Bám theo chân ngoại bang thì suốt
đời chỉ làm nô lệ cho ngoại bang và sẽ bị loại trừ bất cứ lúc nào ngoại bang
thay đổi chính sách;
·
Thiếu chính nghĩa, hành xử bá đạo,
và xử dụng bạo lực để đàn áp nhân dân thì sớm muộn gì cũng sẽ bị hủy diệt;
·
Và bài học sau cùng là không thể nào
có được độc lập thực sự (trong nghĩa cực đoan) của một quốc gia trước xu thế
toàn cầu hóa của thế giới mà phải chấp nhận liên kết và liên đới với nhau.
Mai Thanh Truyết
Thân tặng bà con
trên chuyến tàu PB768
Cập “bến”
Trengganu ngày 24/12/1982
No comments:
Post a Comment