Monday, October 3, 2022

 

Đôi Đũa “Lệch” Trung Cộng

Mai Thanh Truyết




Đũa là một dụng cụ dùng để gấp đồ ăn thông dụng đối với Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, và Đại Hàn, so với nỉa hay dùng bàn tay của các dân tộc Tây phương hay dân tộc có đạo Ấn, Hội hay Islam. Có thể nói gần 1/3 dân số trên thế giới dùng đũa để ăn. Đối với bốn quốc gia kể trên, đũa dự phần quan trọng vào văn hoá ẩm thực của người dân.

Đôi đũa xuất phát từ dân tộc nào? Nhiều người nói là từ người Tàu. Tuy nhiên nhìn và soi kỹ văn minh Tàu, thấy người Huê-Hạ xưa là du mục, ẩm thực thiên về lúa mì tức là xay ra bột làm bánh rồi bốc tay mà ăn.

Trong văn minh nhơn loại, với cái muỗng nĩa dao của Tây, thói ăn bốc của Ấn-Độ thì đôi đũa của Châu-Á nhìn rất hay, quý phái và điệu nghệ.

 


Người Trung Hoa (TH) đã bắt đầu dùng đũa trên 3.000 năm trước. Tiếng TH cỗ gọi đũa là “Zhu”, và tiếng hiện tại là “Kuaizi”. Theo lịch sử TH, đũa đã được sử dụng từ triều đại Thương (Shang) (từ năm 1600 trước Thiên Chúa). Đũa tre có trước đũa làm bằng ngà voi hàng ngàn năm. Sau đó, đũa làm bằng đồng (copper) xuất hiện vào khoảng 1.100 trước Thiên Chúa; rồi đến đũa sơn (lacquer) vào năm 206 trước Thiên Chúa.

Sau cùng đũa vàng và bạc xuất hiện dưới triều Tống vào năm 618 sau Thiên Chúa. Đũa vàng và bạc ngoài lý do phô trương sự giàu sang còn dùng để khám phá sự hiện diện của chất độc trong thức ăn nữa (các quan lại, vua chúa thời nầy rất tin tưởng vào đìều nầy).

Đũa có thể được phân chia thành năm nhóm khác nhau tuỳ theo nguyên liệu dùng để chế tạo.

  1. Đó là đũa gỗ (tre hay các loại cây khác),
  2. Đũa kim loại, đũa làm bằng xương thú vật,
  3. Đũa bằng đá,
  4. Đũa làm bằng các hỗn hợp hoá chất gọi là đũa tổng hợp.

Theo phong tục TH, khi ăn không nên khua đũa, vì việc gây ra tiếng động nầy là biểu tượng cho việc làm của người hành khất khua đũa để gây sự chú ý của người qua đường. Hầu hết đũa trên thế giới được sản xuất tại Trung Cộng. Vài trăm nhà sản xuất ở TC sản xuất khoảng sáu mươi ba tỷ đôi đũa mỗi năm.

Việc dùng đũa cho đến hôm nay đang là một vấn đề tranh cãi lớn trên thế giới vì các nhà khoa học “xanh” cũng như các tổ chức phi chính phủ (NGO) chống lại việc dùng đũa xài một lần trong ăn uống vì ảnh hưởng lên môi trường do việc phá rừng để làm nguyên liệu.



Muốn có 1,8 tỷ đôi đũa cần phải đốn một triệu cây rừng! Do đó, đũa “dùng một lần” (disposable hay one -time) đối với các giới trên, cũng là một hiểm họạ làm tăng sự hâm nóng toàn cầu do việc cây cối hấp thụ CO2 vì một triệu mẫu cây trồng hấp thụ hàng năm 70 triệu tấn CO2.

Các phong trào tẩy chay đũa dùng một lần ngày càng phổ biến ở TC. Học sinh, sinh viên, và nhạc sĩ “pop TC” lên tiếng khắp nơi vận động việc không xài đũa dùng một lần. Đứng về phía nhà cầm quyền TC, họ cũng có vài hành động tích cực đáp ứng lại đòi hỏi của phong trào là ra lịnh cho trên 100 cửa hàng ăn uống quốc doanh dùng đũa “tổng hợp” (hoá chất). Gần đây Thượng Hải và một vài tỉnh lớn ra lịnh cấm dùng loại đũa nầy vì hóa chất…lại dễ bị nhiễm độc  trong khi ăn uống.

Phong trào cũng lan rộng qua Nhật Bản, nhưng chưa gây được sự chú ý nhiều vì 25 tỷ đôi đũa người Nhật dùng hàng năm không do sự chặt đốn cây trồng ở Nhật mà do nhập cảnh từ Hoa Kỳ và TC. Đại Hàn kể từ năm 2000 bắt đầu cấm xài đũa dùng một lần và thay thế bằng đũa kim loại ở các tiệm ăn.

Một hành động tích cực khác của chính quyền TC là mới vừa ban hành việc đánh thuế 5% lên đũa gỗ dùng một lần nhằm mục tiêu cải thiện việc phá rừng và bảo vệ môi trường sống cho thế hệ về sau cũng như khuyến khích người dân dùng các loại đũa khác để xài nhiều lần.

Ngoài việc sản xuất và xuất cảng đũa qua các quốc gia lân bạng, TC còn nhập cảng một số lượng lớn đũa từ Hoa Kỳ, như nhà máy ở Hibbing Duluth, MN và Lakewood Industries Inc sản xuất độc quyền cho TC hàng ngày khoảng 20 triệu đôi đũa/ngày, và nhà máy The Iron Range, Georgia, dùng cây bạch dương – poplar từ năm 2011 bán ra trên 10 triệu đôi đũa cho TC trong giai đoạn trên và dự trù tăng lên 50 triệu/ngày trong giai đọan sắp tới.

Câu chuyện đũa TC không ngừng ở đây, vào tháng 4, 2007 nhà chức trách TC ra lịnh thu hồi trên 45 tỷ (45.000.000.000) đôi đũa dùng một lần đang trên đường qua Nhật Bản và Đại Hàn.  Theo lời ông Chiu Ree, sở dĩ có lịnh thu hồi nầy vì trong đợt xuất cảng trước, các quốc gia nhập cảng đã khám phá là đũa bị nhiễm độc.

Đũa dùng để xuất cảng của TC làm bằng gỗ, được sơn màu trên đó lại còn thêm những hoa văn làm cho đẹp mắt và làm cho đũa khỏi bị thấm nước. Nhưng một khi sơn bị tróc ra đũa trở nên vô dụng vì nước đã đi vào các sớ gỗ. Cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm ở hai quốc gia kể trên sau khi phân tích lớp sơn bên ngoài đũa đã khám phá ra sự hiện diện của chì (lead) và một số hoá chất hữu cơ khác cao hơn định mức an toàn cho phép. Kể từ đây Nhật và Đại Hàn có lẽ phải dùng muỗng nỉa khi ăn uống trong một thời gian dài.

Còn đôi đũa Việt Nam thì sao?



Xin ghi nhận vài lượm lặt trên mạng thì…Đũa không thể thiếu trong bữa ăn của dân Á, trong tiệc tùng quan-hôn-tang-tế, đặc biệt ăn món nước như hủ-tíu, mỳ thì phải xài đũa, dân Ý xưa chôm mì của Tàu nhưng lại ăn nĩa. Trong cuốn “L’histoire culturelle de la Chine” nói người Tàu thời tiên Tần (trước Tần-Thủy-Hoàng) vẫn còn ăn bốc. Riêng dân Tàu Huê Bắc ăn bốc là một thói quen truyền thống.

 


Chỉ có các dân tộc Bách-Việt phía Nam làm lúa nước, nấu cơm ăn thì phải xài đũa và vô miệng, cây tre ở xứ Nam đã cho ra đôi đũa tre huyền thoại. Tàu bắt chước mà ra… Hồi xưa khi Tây mới qua họ nhìn người Á như là làm xiếc với đôi đũa, Tây cũng bắt chước làm nhưng không được.

Đũa một cặp thể hiện âm-dương, đực-cái trong văn hoá.

“Đôi ta như đũa trong kho,

Không tề, không tiện, không so cũng bằng”. 

Dân gian gọi những thứ tréo ngoe, ví như vợ cao – chồng lùn là “đôi đũa lệch “, kêu người nghèo mà dụ vợ chồng giàu là “đũa mốc mà trèo mâm son”….

“Đũa vàng dộng xuống mâm son

Thấy ai có ngãi, anh thương mặn nồng”.

Đôi đũa hình thành ra quy tắc xử sự trong văn hóa ẩm thực. Dâu về nhà chồng khi dọn cơm phải đặt đũa ngay thẳng, đầu đũa phải bằng, không được để lệch cao thấp, không được lộn ngược đầu hai chiếc đũa. Và khi ăn phải chờ người lớn tuổi cầm đũa trước.

Người Nam Kỳ nói riêng và người Việt Nam nói chung kỵ những hành động dưới đây trong bữa ăn

·       Cắm đũa thẳng đứng trên chén cơm vì cái này chỉ để cúng người đã chết;

·       Không trở đũa để chỉ vào người. Cái này là mất dạy, vô phép. Không như … vượn Trường Sơn;

·       Không dùng đũa gõ chén, gõ tô. Gõ là kêu ma về, cũng mất lịch sự;

·       Không xài đũa của mình đang ăn gắp và nhúng trong tô canh lớn xài chung. Phải trở đầu đũa hoặc tốt nhứt lấy đũa khác mà gắp. Không như … vượn Trường Sơn;

·       Không dùng đũa mình đang ăn gắp thức ăn cho người khác, giống như vượn TS

·       Khi gắp đồ ăn, tránh đụng đũa kêu chan chát;

·       Không dùng đũa để xỉa đồ ăn như nĩa, giống như vượn TS;

·       Hồi nhỏ mà lấy đũa làm đồ chơi thí dụ như chơi banh đũa là bị rầy chết, vì như dậy là trù gia đình tàn mạt.

Rồi khi cúng cũng có nguyên tắc, phải đặt đũa ngay ngắn ở mặt bàn sát bên cái chén, không được đặt trên cái chén. Nhưng ngày nay thiên hạ xũng làm tùm lum thôi.

Tây ăn thì múc riêng ra cho từng người trong dĩa của họ, nhưng người Việt mình  có thói quen ăn chung mâm, uống chung ly rượu mới “thân tình”, chấm cùng chén mước mắm. Thành ra chuyện đũa của chủ nhà gắp đồ ăn cho khách lùm lum khó tránh.

Tóm lại, qua câu chuyện trên lượm lặt đây, cùng với biết bao vấn nạn về an toàn thực phẩm của hàng tiêu dùng sản xuất từ TC, một số suy nghĩ sau đây có thể nói lên cung cách làm ăn của một hệ thống thống trị và quản lý đất nước theo cung cách xã hội chủ nghĩa. Đó là:

  1. Não trạng của người cộng sản trong ba quốc gia trên thế giới là TC, Việt Nam và Bắc Hàn vẫn không thay đổi dù họ có tiếp cận với Tây Phương hay đã gia nhập vào WTO trong tiến trình toàn cầu hoá;
  2. Họ chỉ tập trung vào việc phát triển để mong thu hồi mức lợi nhuận tối đa, không cần lưu tâm đến những luật lệ họ đã cam kết với thế giới cũng như sức khoẻ của con người, ngay cả chính người dân của họ;
  3. Việc phát triển như trên là một phát triển không bền vững, một phát triển nghịch lý, phát triển chỉ phân bổ thành quả cho một thiểu số cầm quyền, còn tuyệt đại đa số người dân không được hưởng một phúc lợi nào do phát triển tạo ra cho xã hội.

Chúng ta, người Việt hải ngoại đã đến lúc cần phải đồng loạt giống lên tiếng nói để đánh thức lương tâm nhân loại trong việc phát triển nghịch lý hay phát triển âm của những quốc gia kể trên. Chính điều nầy đã tạọ thêm khoảng cách giàu-nghèo ở Việt Nam ngày càng tăng.

Làm được như thế tiến trình dân chủ ở Việt Nam có thể xảy ra nhanh hơn và tuyệt đại đa số người Việt trong nước có cơ may giảm bớt nỗi cơ cực do một chính sách phi nhân bản của cường quyền.

Mai Thanh Truyết

Houston – 10/2022

 

 

 


No comments:

Post a Comment