Thursday, January 20, 2022

 

Phụ Nữ Việt Nam Hải Ngoại Nghĩ gì Về Nạn Thực phẩm có độc tố

 

Lời Người Viết: Xin gửi đến quý độc giả một bài viết đơn giản, với lời lẽ nôm na, nhưng hy vọng nó cũng nói lên được, phần nào, tâm trạng của phụ nữ Việt Nam ta nơi hải ngoại, đối với một vấn đề thiết thực trong đời sống hàng ngày. Điều may mắn là chúng ta được sống trong một môi trường tương đối thoải mái, được hưởng một bầu không khí tự do, và được tự mình lựa chọn để có một cuộc sống lành mạnh. Bài này chỉ là một gợi ý, không phải là một bài nghiên cứu; và chắc chắn là còn nhiều thiếu sót. Xin để quý vị tuỳ nghi thêm thắt.

Mấy lúc gần đây, cộng đồng người Việt khắp nơi tưởng như lên cơn sốt vì phải đối phó với nạn thực phẩm bị ô nhiễm mà hẳn quý vị cũng từng nghe, từng biết.  Có thể nói, đây là một vấn đề đã gây hoang mang bất ổn cho nhiều người, nhất là những bà nội trợ có tinh thần cầu tiến, quan tâm tới sức khỏe gia đình trong bữa ăn hàng ngày.

Dưới nhiều hình thức khác nhau và qua nhiều đề tài, những thông tin về nạn ô nhiễm thực phẩm vẫn thỉnh thoảng lại xuất hiện như là một lời cảnh giác, khiến dù vô tâm đến đâu người ta cũng không thể không thắc mắc. Có thể nói tác giả của những thông tin đó đã làm nhiều người "thất điên bát đảo", vì nay thì nghe báo động "gia vị chứa độc tố", mai lại nghe loan tin "thức ăn chứa hoá chất", khiến người nghe không khỏi hoang mang. Những tin tức này được phổ biến dưới nhiều hình thức, báo chí truyền thanh, truyền hình, làm dư luận không khỏi cảm thấy … nhức đầu.

Tác giả của những bài ấy đã "dám cả gan" viết những bài chỉ trích cách làm ăn của người mình tại Việt Nam trong việc xử dụng các hoá chất vào thực phẩm với liều lượng quá độ. Tác giả đã vạch trần cho thấy cách làm ăn này là rập khuôn theo Trung Quốc, có thể gây tác hại trầm trọng đến sức khoẻ người tiêu thụ nếu không lưu ý. Những loạt bài này nhằm gây ý thức sâu rộng trong quần chúng về việc ngăn ngừa bớt thói quen tiêu dùng sản phẩm quê hương mà không để ý đến những khía cạnh độc haị của nó. Chỉ nguyên trong lãnh vực này thôi cũng đã đủ làm cho người nghe... chóng mặt. Do đó, hậu quả của những bài viết này là:

Làm cho nhiều người mất vui

Mất vui vì sao? Thưa quý vị, xưa nay hầu như ai cũng quan niệm rằng ăn để sống, nhưng nếu có điều kiện thì ăn ngon vẫn cảm thấy đời sống nhiều hạnh phúc hơn. Ấy thế mà ngày nay người ta đã phải … khựng lại, và cảm thấy ăn mất ngon, ngủ mất yên - mặc dù không có chiến tranh - chỉ vì tác giả của những bài này đã gây xáo trộn cho tâm trạng nhiều người khi nêu những vấn đề không có gì là hấp dẫn, những vấn đề ngoài ý muốn của mọi người, từ ít lâu nay…Người ta không khỏi âu lo chỉ vì tự nhiên lại phải để ý đến những vấn đề hết sức tầm thuờng như đồ ăn, thức uống; ngay cả những món hàng tiêu dùng nữa.

Dù biết rằng ăn uống chỉ là phương tiện, nhưng người ta vẫn không thể phủ nhận một điều quan trọng là sau một ngày làm việc là bữa cơm tối gia đình hay những bữa ăn gia đình cuối tuần, những lúc họp mặt bạn bè, hoặc những khi tiệc tùng cưới hỏi thì phải cần đến những món ăn Việt Nam. Mà nay nói đến món ăn lại thấy những "ô nhiễm" với "ngộ độc" thì còn gì là hứng thú nữa? Nghe mãi dần dần người ta bắt đầu cảm thấy "nơm nớp sợ" khi nghĩ đến hậu quả của việc vô tình ăn phải những món ăn có độc tố. Và đó cũng chính là điều ...

Làm nhiều tiệm buôn bất mãn

Chủ nhân các tiệm buôn có thể bất mãn. Tại sao? Vì những món hàng đang được tiêu thụ ngon lành, tự nhiên vì vậy mà sinh ế ẩm: Những thứ quốc hồn quốc tuý của ta từ hàng nghìn năm nay bỗng dưng bị "thất sủng", chẳng khác nào cung nữ bị vua bỏ bê... Dù tin hay không thì quả tình những nguồn tin này không có lợi cho những nhà buôn vì đã ảnh huởng không ít đến việc mua bán những hàng nhập cảng từ Việt Nam… .

Vậy thì nguyên do vì sao mà có những bài viết "vạch trần" này khiến cho dư luận có những tâm trạng "mất vui" kia?

Nhìn kỹ và đọc những tài liệu về thực phẩm ô nhiễm, kể cả ở trong nước nữa, thì chúng ta có thể hiểu tại sao chúng ta phải đề phòng "thực phẩm ngày nay". Có người lý luận rằng ngày xưa ông bà ta đã ăn mãi những món ăn như tôm, cá; xài hoài những gia vị như nước mắm, xì dầu; lại luôn dùng các gia vị để nấu những món bún, phở, mì, miến; và thường sử dụng những món bánh tráng, tôm khô, củ kiệu, mắm tôm, mắm thái v.v...nghĩa là đủ cả, từ khô đến ướt, cả thức ăn đóng hộp, lẫn thức ăn đông lạnh; và dù là món Bắc,Trung, Nam v.v... thì ngày nay chúng ta cũng ăn những món ăn như thế, dùng những sản phẩm như thế mà tại sao lại "có vấn đề"? Mà, chả cứ gì người buôn bán, ngay cả giới tiêu thụ là các bà, các cô và các ông nữa, cũng cảm thấy "không thoải máí".

Có người hoang mang tự hỏi "nên tin hay không tin?". Có người chẳng muốn đề vào tai, vì…nghe bất lợi quá. Lại có những người buông một câu "chắc nịch": "Ngày trưóc ông bà mình cũng ăn như vậy đâu có sao, việc gì phải bày đặt?". Nhưng rất nhiều người khổ sở nhăn nhó bảo rằng: "Nếu cái gì cũng độc cả thì biết ăn gì bây giờ?". Gạo và nước mắm là hai món căn bản nhất không thể thiếu của bữa cơm Việt Nam mà lại cũng có những chất độc hại thì quả là một thất vọng não nề!

Phải thành thực mà nói rằng kể từ khi có loạt bài viết về thực phẩm có hoá chất, nhiều người đã có những phản ứng khác nhau. Kẻ thì bất cần, chẳng muốn nghe. Người chịu nghe thì thất vọng, cảm thấy không còn được ăn uống một cách "hồn nhiên" như xưa. Và họ đã bắt đầu lưu ý. Mặc dù bấy lâu nay nhiều người cũng đã thay đổi thói quen ăn uống mà lắm lúc vẫn còn cảm thấy còn… ấm ức, thật không "fair" tí nào… Những món mà từ lâu những người cẩn thận không dám đụng tới là những món làm sẵn từ Việt Nam, như cá basa, mướp đắng nhồi thịt, cá kho tộ v.v… thì tránh không mua đã đành. Nhưng lại cả đến thực phẩm khô như bún, bánh tráng, các chất bột (bột gạo, bột đổ bánh cuốn, bánh bèo, v.v…) lại cũng được cho vào những hoá chất để tẩy cho trắng, và chất chống mốc (sulfide) để giữ được lâu thì biết nói sao? Thật là ai nói cứ nói, "tôi" chẳng muốn nghe.

Nhưng dần dà, không "nghe" cũng phải áy náy. Muốn "lờ" đi cũng không được. Chính cá nhân chúng tôi, người viết bài này, vốn cũng chọn kiểu ăn uống kỹ càng; và từ trước đến giờ vốn theo thói quen, chủ trương là ăn sao cho "đúng điệu". Món nào phải ra món đó. Món Bắc phải đúng là món Bắc. Bún thang thì phải có mắm tôm, có củ cải dầm. Món Huế phải ra món Huế. Món Nam cũng vậy. Còn món chả cá Thăng Long thì phải có thìa là, mắm tôm và bánh đa nướng kèm vào mới là đúng cách. Thế mà mắm tôm ngày nay muốn chống giòi bọ và để được lâu thì những nhà sản xuất phải cho hoá chất thích hợp vào. Còn "bánh đa có vừng " (mà trong Nam chúng ta gọi là bánh tráng mè) thì ngày trước, lúc còn ở quê nhà mỗi lần ăn nghe dòn tan; bây giờ thì vừa cứng, vừa dai. Thì ra tại có hàn the để cho dai, và chắc chắn là để lâu mấy cũng chẳng mốc. Đó là nhờ đâu, nếu không phải là "nhờ" hàn the? Ăn đã không ngon, lại còn hại nữa. Hàn the với chất chống mốc thì còn gì là bổ? Thế là đành phải nghĩ lại. Chẳng thà không biết thì thôi, chứ chính những chất ấy là những chất dễ gây ung thư thì tôi... chả dại.

Mặt khác, tôi rất thông cảm với tâm trạng các vị còn mang nặng lòng nhớ quê hương. Những món ăn thuần tuý Việt Nam như món canh rau đay mướp nấu với cua đồng, ăn với cà muối, và đậu rán ướp hành đầy hương vị quê hương, làm sao tôi "quên cho đành". Rõ ràng là "hương gây mùi nhớ...".

Nói về thức ăn ưa chuộng của Việt Nam mình thì nhiều lắm. Một trong những món "nhà quê" đơn giản mà tôi vốn thích từ khi còn ở Việt Nam là món bắp vườn. Khoảng chừng 5 năm về trước, mặc dù vẫn luôn cẩn thận về các món ăn đưa sang từ Việt Nam, nhưng tôi vẫn không tránh khỏi thèm ăn món bắp này, một loại bắp nếp, dẻo vô cùng mà bao nhiêu năm xa quê, tôi vẫn cảm thấy nhớ nhung. Vì đó chính là món "favourite" của tôi. Mặc dù lúc ấy tôi chỉ hơi ngờ rằng có thể họ sẽ cho đường hoá học vào, nhưng vì nhớ bắp nếp quá nên thỉnh thoảng tôi cũng mua cho "đỡ ghiền". Đến bây giờ cũng phải... suy nghĩ lại, vì muốn để lâu không bị hư thì chắc chắn nó cũng phải chịu chung số phận như những món khác. Nó sẽ được chăm sóc cẩn thận bằng cách tẩm vào một hoá chất nào đó để có thể giữ được lâu. Thoát sao cho khỏi các nhà buôn Việt Nam? Và thế là đủ để biết thêm về thực chất của những món hàng ăn từ Việt Nam đưa sang rồi!

Ngoài ra, có những thứ mà tôi cứ nghĩ là không hại và cứ ung dung xử dụng, và là những món căn bản nhất trong bữa ăn Việt Nam, như gạo thơm, hiệu "Cô Tiên" chẳng hạn. Hàng năm cứ tới mùa gạo mới, thường là vào khoảng cuối năm, là gạo đầu mùa thì vừa thơm vừa dẻo; cho nên bà con hải ngoại cứ mua trữ đều đều. Ngoài gạo là nước mắm, là một loại gia vị căn bản nhất, đầy "chất" Việt Nam và tính dân tộc, cần thiết cho một bữa cơm ngon. Nào ngờ bà con hải ngoại từ gần hai năm nay lại đưọc nghe một loạt những tin tức khác báo động rằng chính gạo và nước mắm cũng là những món chứa hoá học nhiều nhất: Muốn cho gạo trắng, người ta cho chất tẩy vào, giữ được lâu người ta cho thuốc chống mốc, chống sâu mọt, và cho thêm vào một số mùi thơm hóa học chứ không phải là hương gạo tư nhiên như gạo "nàng hương" ngày nào! Đây mới là điều đau khổ nhất, vì gạo, nước mắm cũng… không được yên thân: Hoá chất tổng hợp được "ưu ái" ướp vào, trong đó có cả chất urea để làm tăng độ đạm (protein) "biểu kiến" khi phân tích nước mắm. Vừa đẹp, vừa ngon, nhờ được tăng thêm nhiều chất hoá học cho khỏi loãng, lại ngọt ngào vì thêm bột ngọt mới là "khổ" cho người tiêu thụ. Nước mắm "Ba Con Cua" là một ví dụ cho thấy sự nguy hại của cung cách sản xuất thức ăn kiểu này. Chả trách có người phải cất tiếng than: "Ăn cũng khổ, mà không ăn cũng …khổ".

Ăn chay cũng không tránh khỏi vấn đề ô nhiễm thì…"Biết ăn gì bây giờ?" Đậu hũ, nếu tôi không lầm thì cũng bị bỏ hàn the và cho thạch cao (gypsum) vào? Điều này chắc phải hỏi các nhà sản xuất đậu hũ, hoặc cơ quan kiểm nghiệm thực phẩm mới xong!

Cùng chung số phận với gạo là bún. Bún vốn là món được nhìều người Việt ưa chuộng. Để cho sợi bún được dẻo dai, ngưòi ta cho chất hàn the (borax) vào. Mà các nhà sản xuất Việt Nam ta thì rất hay, hoặc theo vết chân Tàu, hoặc "sáng tạo" và "linh động" kiểu ta, thay vì chấp hành nghiêm chỉnh những luật lệ về bảo quản thức ăn cho đuợc lâu dài và tránh mốc. (Vì đã mốc thì còn làm ăn gì nữa và còn đâu là lời?) Do đó mà chất hoá học cứ thả cửa mà ướp, không thắc mắc gì cả. Có lẽ đó cũng là "bản chất gan dạ" của nhiều người Việt Nam, bất chấp luật lệ, tất cả cũng vì cạnh tranh, vì lợi nhuận. Tệ hại hơn nữa là những thủ đoạn làm ăn bắt nguồn từ Trung Quốc đã xâm nhập Việt Nam, gây thêm sự độc hại một cách thầm lặng và tiệm tiến, nhưng khôn lường.

Càng đọc, càng nghe, càng thấy sợ. Có ai ngờ rằng ngay cả cọng giá cũng làm giả từ những hột đậu xanh héo quắt, thay vì đổ đi thì chỉ cần ngâm vào một dung dịch hoá học một hồi là bỗng trở thành láng bóng căng tròn; và người ta đem ngâm để chế tạo thành giá. Tiêu sọ cũng được làm giả bằng cách bọc xi măng (ciment) bên ngoài cho năng ký và đỡ tốn tiền vốn, tha hồ lời (Xin mời vào Google để nghe 10 You tube "Tiến sĩ Mai ThanhTruyết 1000 năm Thẵng Long" để tường). Hột vịt lộn được lấy từ trứng của những con vịt đã chết, nghe cứ như truyện thần thoại (Xin đọc thêm tin tức từ Việt Nam sẽ rõ). Như vậy thì thử hỏi còn trời đất nào nữa. Những món hàng ấy mà đem nhập cảng vào Việt Nam thì dân mình ... lãnh đủ. Mà rất nhiều món hàng độc hại ướp hoá chất khủng khiếp đã được nhập vào Việt Nam, nhất là trái cây, là loại thực phẩm "trong héo ngoài tươi". Tất cả cũng là nhờ "công trình" của các nhà buôn, các nhà sản xuất tẩm các chất hoá học vào. Các "nhà" sản xuất Tàu cứ việc bình chân như vại làm ăn kiếm lợi. Các "nhà" buôn Việt Nam cứ việc nhập cảng “vô tư” những món thực phẩm nhiễm độc đó, không có gì phải bận tâm. Rốt cuộc chỉ người dân là khổ.

Còn những món "lẩm cẩm" khác mà truớc kia tôi hằng yêu mến là mắm tôm, để ăn với bún thang, riêu tôm đóng trong những hộp sắt để nấu bún riêu (thật tuyêt diệu) thì chắc chắn những hoá chất cho vào để bảo quản được lâu cùng với liều lượng quá cả mức ấn định, cũng đủ làm người ta, một khi đã phát giác ra rồi, phải ngần ngại. Ngay cả các loại bột gia vị, như bột gấc, bột gia vị bún bò Huế…v.v.  cũng đã đươc các nhà sản xuất Việt Nam cho chất "sudan" (vì có màu đỏ) vào - là chất thường có ở trong sơn - thì thật là hết ý kiến. Ngoài ra còn phải kể trái gấc là trái mà nhiều người rất ưa chuộng, thì bây giờ vì tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, người ta cũng đành phải ngậm ngùi mà "kính nhi viễn chi" vậy …

Ôi, thực phẩm Việt Nam, ôi đất nước Việt Nam, ôi con ngưòi Việt Nam -ngày nay- trên quê hương tôi!!!

Nếu những thực phẩm đem đến từ Việt Nam độc hại như thế nào thì những lọạt bài nghiên cứu vạch rõ cái nguy hại của môi trường, của nạn thực phẩm chứa đựng hoá chất quả thật cũng "ác độc" không kém. "Ác độc" vì đã nêu lên, một cách không khoan nhượng, cái tai hại của những chất hoá học này khi ăn vào cơ thể con người. "Ác" nhất là đã khiến mọi người phải âu lo, mất vui - như chúng tôi đã đề cập ở trên và như quí vị cũng đã thấy. Nhưng là một âu lo cần thiết cho việc ý thức sự an toàn trong khi chọn mua thực phẩm. Mà kể cũng lạ, thường thường con người ta có khuynh hướng nói về những cái hay, ca ngợi những cái đẹp của cuộc đời…để mọi người ưa thích và cười vui. Nhưng tác giả của nó lại làm ngược lại, chẳng chiều lòng người tí nào. "Sự thật mất lòng" là thế mà "nhà khoa học" này cũng không ngại!

Như vậy đủ rõ ràng những bài viết đó đã "báo hại" nhiều người mà cái thiệt trước mắt là ăn mất ngon, ngủ mất yên. Đối với nhà buôn thì thực phẩm nhập từ Việt Nam bán bớt chạy hơn trước. Tác dụng của chúng là đã để lại những hoang mang trong quần chúng, nhất là trong đám những bà nội trợ như… tôi.

Vậy phải "đối phó" với thực phẩm có độc tố cách nào?

Thưa quý vị,

Đã từ lâu, tôi đã phải tự nhủ lòng rằng phải cương quyết từ bỏ thói quen cũ là ăn uống phải đầy đủ lệ bộ, cho "ngon miệng" và làm thức ăn phải trình bày sao cho "đẹp mắt". Vì muốn cho ngon miệng mà các bà nội trợ phải cho hàn the vào nem chua, như thế nem mới giòn. Vì muốn đẹp mắt, mà lắm bà nội trợ phải dùng những phẩm màu vào bánh trái. Dùng quá đến lạm dụng, khiến cho bánh da lợn thì xanh lè, xôi gấc thì (có những nơi) làm toàn phẩm màu nên trông đỏ tiá một màu cánh sen.  Trông đến là giả tạo! Và vì thế, thay vì ăn ngon lại thấy toàn vị phẩm, và không có hương vị gấc. Ăn bánh da lợn mà nhuộm quá nhiều phẩm xanh thì chỉ còn lại vị đắng xen lẫn với ngọt. May cho tôi là được dịp chia xẻ với chị em bạn bè nên biết rõ cách làm ăn này, có những bà rất "chuộng hình thức" nên khi nghe nói những chất hàn the độc, bột ngọt không tốt, thì nghe để mà nghe. Việc làm đãi khách thì cứ đãi, miễn làm sao cho "ngon" thì thôi.  Cho nên bây giờ, để áp dụng ngay trong đời sống hàng ngày, tôi đành chú trọng đến những thức ăn "lành mạnh", thay vì "ngon".

Trong lãnh vực nghề nghiệp, nếu có dịp tổ chức những buổi họp nhóm cho các gia đình, chúng ta có thể đem vấn đề thiết thực này ra để làm đề tài thảo luận cũng là điều nên làm.

Tuy nhiên, chắc chắn là nội trợ thì cũng tùy bà, và cửa tiệm thì cũng tùy tiệm; hi vọng rằng, nhờ những bài nghiên cứu, cùng với sự học hỏi và cảnh giác của phụ nữ ta thì cách làm ăn quá độ (bỏ bột ngọt quá tay, cho phẩm màu quá độ v.v..) cũng sẽ bớt dần.

Nếu bảo rằng thức phẩm nước ngoài, ngay cả Canada, Mỹ, hay các nước Âu châu cũng thế, chứa thiếu gì hoá chất thì điều này cũng đúng. Nhưng thức ăn chứa hoá chất được làm ra từ bên này thì có khác; vì liều lượng đã được quy định bởi chính quyền, để có thể bảo đảm cho sức khoẻ người dân. Nhà sản xuất chỉ việc tuân theo. Dĩ nhiên là cũng có trường hợp ngoại lệ, "unethical", (làm ăn không lương thiện) thì sớm muộn gì "ngoại lệ" ấy cũng có thể bị phát giác. Còn Việt Nam ta thì vốn sẵn "óc sáng tạo" và cách làm ăn "linh động" nên thường cho quá tay. Chính "sự quá tay này" đã là nguyên nhân đưa đến hậu quả không tốt cho sức khỏe con người.

Nói cho cùng, không ai có thể ảnh hưởng xấu chúng ta, nếu nhìn cho kỹ thì tất cả là một sự chọn lựa.

Chúng ta chọn lối sống lành mạnh hay lối sống theo sở thích cố hữu mà độc hại?

Không ai bắt ta phải làm thế này hay phải theo thế kia. Chúng ta tự trách nhiệm lấy đời sống của mình, nhất là sống trong thời đại mà tất cả mọi tin tức dù hay, dù dở cũng đều đầy rẫy trên môi trường điện tử. Thì hay, dở, phải, trái đều là cần thiết để chúng ta có dịp suy nghĩ, tìm kiếm, cân nhắc mà không do môt áp lực nào. Về phía người có trách nhiệm với cộng đồng thì việc nêu lên những vấn đề có hại hoặc bàn về những việc cần làm mà có lợi cho kiến thức người dân là điều phải làm. Đó chính trách nhiệm của ngưòi sống vì cộng đồng, và cho cộng đồng.

Thiết nghĩ, những bài viết về thực phẩm độc hại có hai tác dụng: Thuận và Nghịch, tùy theo nhận định của mỗi ngưòi chúng ta. Trên đây chỉ là một vài nhận xét thô thiển về vấn đề thực phẩm có độc tố để chị em chúng ta, những bà nội trợ, có thể tùy nghi lựa chọn. Riêng cá nhân chúng tôi, thì đây là lúc mình phải cố gắng làm theo lời khuyên của các cụ xưa "tri túc, quả dục" để sự độc hại ngoài tầm tay có thể được giảm thiểu. Còn những gì trong tầm tay thì phụ nữ chúng ta cố gắng tối đa để việc ăn uống được quản lý một cách sáng suốt. Nấu ăn ở nhà, chọn những gì ít độc hại, ít chất hoá học để dùng, bớt tiệc tùng vì trong bữa tiệc rất khó biết và khó tránh thức ăn mua ở đâu, từ những nguồn có bảo đảm hay không…Hơn thế nữa, chị em chúng ta có thể xử dụng quyền tự do của mình để nói lên tiếng nói thẳng thắn với Cơ quan Kiểm Tra Thực Phẩm (FDA) của nhà nước trong trường hợp nào cần thiết, thì quả không còn gì tích cực hơn.  Điều tra là việc của nhà nước sở tại, chúng ta chỉ xử dụng quyền công dân của mình. Làm như thế, chúng ta vừa đem lại lợi ích cho bản thân; lại vừa làm lợi cho người. Điều quan trọng là chúng ta không cần phải khổ sở, thắt lưng buộc bụng quá đến nỗi sự cẩn thận trở thành cái bệnh "sợ" thì quả là ... méo mó vấn đề, còn gì là hạnh phúc nữa!

Ăn uống cẩn thận một cách "có nghệ thuật" là ở chỗ đó, thưa quý vị.  Theo kinh nghiệm cá nhân, trước kia tôi thường thích ăn cơm và bún hàng ngày, bây giờ tôi tự tiết giảm bằng cách ăn bớt đi và thay vào đó bằng gạo lức, thỉnh thoảng ăn xen kẽ bằng những món như mì, bánh mì nguyên chất (whole wheat) trong khi vẫn ăn thức ăn bình thưòng, thì cũng không đến nỗi khó ăn lắm. Như thế, chúng ta có thể giảm thiểu chất đường, chất béo cũng như các chất hoá học khác. Cũng chẳng cần phải có bệnh tiểu đường ta mới kiêng. Tôi quan niệm, trong tất cả mọi vấn đề, "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Một điều thú vị là có những món rất tầm thường mà "vô tình" (chứ chẳng phải mình khôn ngoan) tôi rất thích từ lâu; mà may thay, lại chính là rất tốt cho cơ thề, vì có chất sơ (fiber) và những chất bổ dưỡng khác, đó là khoai lang và chuối.. . Nói đến vấn đề thực phẩm thì lại là cả một cuộc "hành trình" đi vào bộ môn dinh dưỡng, và không thuộc phạm vi chuyên môn cùng khả năng của ngưòi viết. Cho nên xin đề quý độc giả tùy nghi tìm hiểu và lựa chọn.

Khi nghĩ như vậy thì chúng ta cảm thấy tạm yên tâm. Ai cũng biết rằng thời buổi này cần nhất phải có sức khoẻ; vì có sức khoẻ thì mới sống an vui được. Muốn thể, phải cần một lối sống lành mạnh. Mà muốn sống lành mạnh ta cần thay đổi phong cách sống (lifestyle).  Một trong những yếu tố của phong cách sống lành mạnh là cách ăn, ngủ điều độ, và có sự chọn lựa. Nghĩa là cần tránh xa những gì độc hại cho cơ thể. Một trong những độc hại này đầu tiên đến từ thức ăn. Thức ăn ô nhiễm thì con người ta cũng bị nhiễm độc theo. Biết được những thức ăn nào độc hại, thức nào không là điều cần thiết để lựa chọn. Lựa chọn cẩn thận thì con người mới mong tránh khỏi bệnh tật; mà một vài trong những thứ bệnh đó là bệnh về tim mạch, ruột, gan, bao tử.

Bây giờ là lúc hơn bao giờ hết, phụ nữ chúng ta nhớ những bài học thường thức ngày còn nhỏ, và thực hành chính những điều ta dạy cho con cái chúng ta.  Rõ ràng phụ nữ chúng ta cũng như bao nhiêu người khác, không muốn "bệnh tòng khẩu nhập". Viết đến đây tôi tự cảm thấy ... ngượng vì giống như mình nhai lại những bài học vỡ lòng ngày còn ở Tiểu học. Nhưng bây giờ là "bài học vỡ lòng kiểu... tân thời", mình tự nhắc nhở mình thì đúng hơn.                                            

Đến đây chúng ta có thể kết luận rằng "thủ phạm" của những bài viết, những buổi nói chuyện trên diễn đàn vừa kể không ai khác hơn là Tiến sĩ Mai Thanh Truyết - một chuyên gia về hoá học, một nhà chuyên môn về môi trường, một nhân vật luôn lên tiếng tranh đấu vì lợi ích của đất nước Việt Nam. Ông hiện đang sống ở Nam Cali, nhưng những bài viết và lời kêu gọi của ông đã đem lại tác dụng đáng kể khiến chị em chúng ta phải lưu ý, vì nó "đụng chạm" đến lãnh vực nấu ăn của phụ nữ. Những bài viết này còn lan rộng hơn, đem lại những điều suy tư cho đồng bào trong cũng như ngoài nước, thuộc đủ mọi giới, chứ không riêng gì phụ nữ. Đề tài có khô khan, nhưng ảnh hưởng của chúng nếu nhìn kỹ lại rất thiết thực; vì đó chính là những nhắc nhở cần thiết và bổ ích cho những ai quan tâm đến sức khỏe. Nếu không có sự nhắc nhở ấy thì công việc bận rộn hàng ngày rất dễ làm chúng ta quên đi.

Từ một cái nhìn như thế chúng chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm hơn để ý thức rằng quả thực "thuốc đắng giã tật". Và những bài nói chuyện lặp đi lặp lại nhiều lần ở nhiều nơi chính là tiếng kêu ra rả như ve sầu, của Tiến sĩ Mai Thanh Truyết- không phải chỉ vào mùa Hè mà trong suốt bốn mùa-quả không phải là vô ích. Sự thật có thể phũ phàng và làm mất lòng nhiều người. Nhưng với một mục đích chân chính, thì người nói lên hẳn cũng chẳng ngại ngùng và người nghe mãi rồi cũng sẽ "nhập tâm". Và thiết nghĩ đó mớí là điều đáng nói….

 Nguyễn thị Ngọc Dung,

Vancouver, 9/2010










No comments:

Post a Comment