Monday, September 30, 2024
Thiên Nhiên cảnh báo
Tiến trình làm sạch thiên nhiên và trả lại thiên nhiên những nguồn nước trong lành, bầu khí quyển tươi mát, bảo vệ những cánh rừng nơi trú ngụ của các thú vật sắp bị tiệt chủng, bớt phí phạm những nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới nhất là nguồn nước sạch .... là bổn phận và trách nhiệm của mọi người trên hành tinh nầy.
Đã tự nhận là một sinh vật thượng đẳng, con người không thể từ chối bổn phận trên được.
Việt Nam từ khi mở cửa để phát triển từ năm 1986 trở đi, tình trạng môi trường ngày càng xuống cấp tệ hại. Tương tự như ở Trung Cộng, có thể nói rằng mức độ tiếp nhận ô nhiễm do con người tạo ra ở Việt Nam đã đến mức tới hạn tối đa (threshold limit) rồi.
Một thí dụ điển hình về Chỉ số Phẩm chất Không khí – Air Quality Index – AQI ở Hà Nội hàng năm. Hà Nội thường có chỉ số AQI từ mức “kém” đến “rất xấu” xảy ra trong trong nhiều tháng trong năm. Các chỉ số AQI cụ thể có thể dao động từ khoảng 100 (mức "kém") đến 300 (mức "rất xấu") trong những ngày ô nhiễm nặng. Khi chỉ số AQI đạt mức 150, theo khuyến cáo WHO, nhà cửa cần phải phải được đóng kín và con người không được đi ra ngoài. Vào mùa hè 2024, Một số khu vực ở Hà Nội đã ghi nhận mức ô nhiễm không khí cao hơn, chẳng hạn như như hai khu phố sang trọng Vinhome Riverside với AQI 302 và Quang Khánh với AQI 282.
Tình hình phẩm chất không khí ở Sài Gòn hiện tại là "trung bình" với chỉ số AQI là 56, chánh yếu bị ô nhiễm bởi PM2.5 . Điều này có nghĩa là không khí hiện tại khá tốt cho phần lớn mọi người, nhưng những người nhạy cảm có thể gặp các triệu chứng nhỏ đến trung bình khi tiếp xúc lâu dài. Các thông số cụ thể về chất lượng không khí như sau: - PM2.5: 12µg/m³, vượt 2,4 lần giá trị hướng dẫn chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tính đến hôm nay, ngày 27 tháng 9 năm 2024, phẩm chất không khí tại Sài Gòn được đánh giá là trung bình, với AQI là 68. Mức phẩm chất không khí này có thể chấp nhận được đối với hầu hết mọi người, mặc dù những người nhạy cảm với đường hô hấp có thể cảm thấy hơi khó chịu. Chất gây ô nhiễm chính góp phần vào AQI này là PM2.5, bao gồm các hạt nhỏ có thể ảnh hưởng đến phổi theo thời gian
Chỉ số phẩm chất không khí là chỉ số đo lường mức độ ô nhiễm không khí trong một khu vực, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. AQI thường được chia theo các mức độ khác nhau từ “Tốt” đến “Nguy hiểm” dựa trên các chỉ tiêu như nồng độ bụi mịn (PM2.5, PM10), ozone (O₃), nitrogen dioxide (NO₂), sulfur dioxide (SO₂) và carbon monoxide (CO).
Ngoài các hạt bụi mịn như PM2.5 và PM10, khí thải từ xe hơi và xe gắn máy còn chứa nhiều hóa chất và khí độc hại khác, xuất phát từ quá trình đốt cháy nhiên liệu không hoàn toàn. Các hợp chất này có thể gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.
Dưới đây là các hóa chất phát thải từ khói xe hơi và xe gắn máy: Carbon monoxide (CO), Nitrogen oxides (NOx), Hydrocarbons (HC), Sulfur dioxide (SO₂), Carbon dioxide (CO₂), Amoniac (NH₃), Benzen (C₆H₆), Formaldehyde (HCHO), Polycyclic Aromatic Hydrocarbons (PAHs), 10. Chì (Pb).
Các phương tiện giao thông xử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng và dầu diesel là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí chính tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Sài Gòn.
Để có một khái niệm về mức độ ô nhiễm không khí ở hai Hà Nội và Sài Gòn, chúng ta căn cứ chỉ số AQI đo đạc hàng ngày do các máy quan trắc đặt để ở khắp các đường phố. Các dữ liệu căn bản dưới đây về diện tích, mật độ dân số, lượng xe gắn máy và xe hơi tại Hà Nội và Sài Gòn căn cứ vào thống kê gần đây:
Hà Nội có Diện tích: 3,358.6 km²; Dân số khoảng 8.5 triệu người (2023); Mật độ dân số 2,531 người/km²; Lượng xe gắn máy 7 triệu xe (2023); Lượng xe hơi khoảng 700,000 xe (2023).
Còn Sài Gòn có Diện tích: 2,095.6 km²; Dân số khoảng 9.5 triệu người (2023); Mật độ dân số khoảng 4,535 người/km²; Lượng xe gắn máy khoảng 8.5 triệu xe (2023); Lượng xe hơi khoảng 800,000 xe (2023).
Hà Nội có xu hướng chịu ảnh hưởng từ thời tiết theo mùa, đặc biệt là sự khác biệt giữa mùa nắng từ tháng 10 đến tháng 4 (mùa khô) có AQI trung bình 150-200. Đây là mức không lành mạnh cho các nhóm nhạy cảm đến không lành mạnh cho mọi người. Và mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9 (mùa ẩm ướt), mức AQI trung bình từ 80 – 150.
Còn Sài Gòn có khí hậu nhiệt đới, mùa nắng hay mùa khô khoảng từ tháng 12 đến tháng 4 có AQI trung bình 100-150; và mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 có AQI trung bình: 70-120, tức mức từ tốt đến trung bình.
Dù Hà Nội lớn hơn về diện tích so với Sài Gòn, có mật độ dân số thấp hơn, có số lượng xe máy và hơi thấp hơn, nhưng chỉ số phẩm chất không khí AQI trung bình cao hơn Sài Gòn nói lên tính cách hết sức nghịch lý một khi so sánh giữa hai thành phố.
Tại sao?
Hà Nội thường có mức độ ô nhiễm không khí cao hơn so với Sài Gòn do một loạt các yếu tố địa lý, khí hậu, hạ tầng và nguồn phát thải khác nhau giữa hai thành phố. Dưới đây là những lý do chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội cao hơn:
1. Vị trí địa lý và điều kiện khí hậu: Hà Nội nằm ở vùng đồng bằng Sông Hồng, có khí hậu nhiệt đới gió mùa với mùa đông lạnh, khô và mùa hè nóng, ẩm. Con, Sài Gòn nằm ở miền Nam, có khí hậu nhiệt đới gió mùa nhưng không có mùa đông lạnh như Hà Nội. Sài Gòn thường có mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, giúp giảm bụi và làm sạch không khí nhờ lượng mưa lớn. Điều kiện gió cũng thường thuận lợi hơn, giúp phân tán các chất ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị.
2. Sài Gòn mặc dù cũng có mật độ dân số và xe cộ cao, nhưng với hệ thống giao thông và không gian đô thị rộng lớn hơn, Mạng lưới giao thông tương đối nhiều hơn và đường xá rộng hơn, cho nên tình trạng tắc nghẽn giao thông và khí thải không bị tích tụ dày đặc như ở Hà Nội. Điều này làm giảm sự tập trung của các hạt bụi mịn và khí thải ở mức cao.
3. Nguồn phát thải công nghiệp và xây dựng: Hà Nội có nhiều cơ sở công nghiệp, đặc biệt là ở các khu vực ngoại ô và làng nghề truyền thống như gốm sứ, dệt may, sản xuất đồ gỗ. Nhiều cơ sở sản xuất này chưa được trang bị công nghệ thanh lọc khí thải tốt, dẫn đến việc phát thải bụi và hóa chất vào không khí. Ngoài ra, các hoạt động xây dựng liên tục và nhiều công trình hạ tầng đô thị đang trong giai đoạn phát triển cũng tạo ra lượng lớn bụi và chất ô nhiễm. Còn Sài Gòn, tuy cũng có các khu công nghiệp lớn, nhưng nhiều trong số đó được đặt cách xa trung tâm thành phố hơn, nhờ đó giảm thiểu tác động của khí thải lên khu vực dân cư đông đúc. Hơn nữa, các điều kiện gió ở khu vực này cũng giúp phân tán các khí thải nhanh chóng.
4. Phẩm chất và Cung cách quản lý phương tiện giao thông: Hà Nội có tỷ lệ xe máy và xe hơi thấp hơn Sài Gòn, tuy nhiên, nhiều xe máy, xe hơi tại Hà Nội có tuổi đời lớn, không bảo đảm được tiêu chuẩn khí thải, gây ra nhiều khí thải độc hại hơn. Việc bảo trì xe cộ chưa được thực hiện đầy đủ và nghiêm ngặt, khiến lượng phát thải từ xe tăng cao.
5. Thiếu không gian xanh và khu vực nước lớn:
• Hà Nội có mật độ xây dựng cao và thiếu không gian xanh trong nội đô, hạn chế khả năng cây cối hấp thụ các chất ô nhiễm trong không khí. Đồng thời, các hồ nước và sông ngòi trong thành phố, mặc dù có khả năng làm mát không khí, nhưng cũng bị ô nhiễm, không đủ khả năng giảm ô nhiễm môi trường.
• Sài Gòn có một số không gian xanh và hệ thống sông ngòi lớn hơn, giúp cải thiện chất lượng không khí và điều hòa nhiệt độ, làm giảm bớt sự tích tụ của các chất ô nhiễm.
Tóm lại, Hà Nội thường có mức độ ô nhiễm không khí cao hơn Sài Gòn là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm điều kiện khí hậu khắc nghiệt hơn vào mùa đông, mật độ giao thông và phương tiện cũ kỹ cao, nguồn phát thải công nghiệp và xây dựng gần khu dân cư, cũng như thiếu không gian xanh. Những yếu tố nầy làm cho tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội trở nên nghiêm trọng, đặc biệt trong những tháng mùa đông khô hanh khi không khí khó khuếch tán.
Qua các phân tích về AQI ở hai thành phố lớn nhứt Việt Nam là Hà Nội và Sài Gòn, có nhiều chỉ dấu cho thấy thiên nhiên đã cảnh báo con người về mức tới hạn trong hiện tại. Đó là, hệ thống sông ngòi từ Bắc chí Nam đã và đang biến thành những dòng sông chết, hệ lụy tất yếu của sự phát triển bừa bãi và không cân bằng với việc bảo vệ môi trường.
Một khi thiên nhiên không còn khả năng tự điều tiết để tái tạo hay làm sạch môi trường thì hệ quả về sự suy thoái môi trường ở Việt Nam sẽ khốc liệt hơn và con người sẽ không còn đủ khả năng để điều chỉnh hay cứu chữa nữa. Và chính sự khuất tất trên của những người quản lý đất nước hiện tại đã là một trọng tội đối với những thế hệ tiếp nối.
Trước những vấn nạn của Đất Nước hiện nay, dú là thiên tai hay nhân tai, mỗi người con Việt, dù sống trong hay ngoài nước vẫn hằng mong quê hương luôn tươi đẹp, mỗi người dân cùng nhau đóng góp cho sự thịnh vượng chung và sự hài hòa trong tình tự dân tộc.
Một suy nghĩ sau cùng của người viết là:”Làm sao có sự phối hợp giữa người Việt trong và ngoài nước để cùng bảo vệ thiên nhiên?”
Để tạo sự phối hợp giữa người Việt trong và ngoài nước nhằm bảo vệ thiên nhiên, thiết nghĩ chúng ta có thể thực hiện một số bước sau:
Tạo mạng lưới kết nối: Thiết lập các mối liên lạc, trao đổi trực tiếp giữa người trong và ngoài nước nhằm đối thoại trong tinh thần cởi mở, kết nối các diễn đàn hoặc nhóm mạng xã hội từ những người quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường sống chung và hào hòa… Từ đó, những hoạt động trao đổi, chia xẻ tin tức qua ý tưởng và kinh nghiệm, sẽ tạo ra sự gắn kết giữa người Việt hầu hình thành một sự đoàn kết quốc gia. Các việc trên sẽ khuyến khích người Việt ở trong và ngoài nước tham gia vào các dự án bảo vệ môi trường, như trồng cây, dọn dẹp rác thải, bao plastic ở các bãi biển hoặc bảo tồn các hệ sinh thái vùng.
Thiết nghĩ, mỗi người trong chúng ta cùng xây dựng các kênh kết nối và hợp tác chặt chẽ, người Việt trong và ngoài nước có thể cùng nhau tạo ra những thay đổi tích cực trong công tác bảo vệ thiên nhiên.
Mỗi người trong chúng ta, nếu ý thức được điều đó, cần phải biết gìn giữ và bảo vệ môi trường sống chung quanh mình.
Đó là một phương cách an toàn và nhân bản nhất trong thiên niên kỷ thứ ba.
Vừa qua, phát biểu trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam trước Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hiệp Quốc vào trưa 22/9, ông Tô Lâm nhấn mạnh “mục tiêu phát triển bền vững của thế giới và lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất của chúng ta”. Ông Tô Lâm, người cũng nắm chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, có thực quyền quyết sách cao nhất, phát biểu thêm rằng “Thành tựu khoa học, công nghệ phải phục vụ tiến bộ xã hội, hướng về con người, giải phóng con người, phát triển con người toàn diện…”, qua tường thuật trên trang web của Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Phải chăng cho tới bây giờ lãnh đạo Việt Nam mới nhận thức được rằng “con người phải được đạt ở vị trí trung tâm để phát triển bền vững trên thế giới.” Dù muộn, nhưng chúng ta có … quyền hy vọng vì yếu tố con người, hạt mầm của quốc gia sẽ là quyết định tương lai của Việt Nam trong những ngày sắp đến. Hay cũng chỉ... nói để mà nói! Chờ xem!!
Qua trên, chúng ta đã duyệt qua câu chuyện về Thiên Nhiên qua nhiều góc cạnh khác nhau, dù muốn hay không muốn, Thiên nhiên đã từng hiện diện từ thuở tạo thiên lục địa. Qua thời gian, Thiên nhiên biến thiên và biến đổi với sự tham gia trực tiếp hay gián tiếp của con người.
Thông điệp hôm nay nhằm mục đích gợi lại khái niệm cần phải trả lại Thiên nhiên cho Thiên nhiên, gìn giữ môi trường và hệ sinh thái chung cho 8 tỷ con người đang hiện diện trên quả đất nầy. Và hơn nữa, có làm được như thế, chúng ta đã trả lại một phần nào món nợ mà chúng ta đã vai mượn trước của các thế hệ sau do việc làm suy thoái môi trường và phí phạm tài nguyên trong quá trình phát triển kỹ nghệ để phục vụ tham vọng của con người.
Rốt cuộc rồi... trước thách thức của biến đổi khí hậu, "trở về với thiên nhiên" vẫn là một khái niệm then chốt. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái, kêu gọi mọi người tôn trọng các quy luật của thiên nhiên và giảm thiểu thiệt hại của con người đối với môi trường. Đây không chỉ là bảo vệ hệ sinh thái hiện tại mà còn là trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai.
Phát triển bền vững có nghĩa là cân bằng nhu cầu của con người với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cho phép thiên nhiên tự phục hồi và duy trì sự cân bằng hệ sinh thái của trái đất ứng hợp với chiều hướng toàn cầu hóa của thế giới.
Mai Thanh Truyết
Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam (VEPS)
Denver 28-9-2024
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment