Friday, September 20, 2024
Bão Yagi: Bài học từ thiên tai, ‘nhân tai’
Bài phỏng vấn MTT do BTV Trà My, Radio VOA ngày 20/9/2024
1- Tại sao hậu quả thảm khốc của bão Yagi được giới khoa học liên hệ với biến đổi khí hậu?
MTT: Bão số 3 hay Bão Yagi vừa qua đã gây thiệt hại cho Việt Nam khoảng 40.000 tỷ đồng, ước giảm khoảng 0,15% GDP năm 2024.
Bão đã gây ra tình trạng mất điện, mất nước, mất thông tin liên lạc trên diện rộng cùng lúc, cả trên biển và trên bờ, toàn bộ địa bàn của một số địa phương và tại nhiều địa phương, khiến công tác thông tin, liên lạc, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn càng trở nên khó khăn, nặng nề và nhiều thách thức hơn. Đến nay, một số địa phương vẫn còn tình trạng ngập lụt, hoặc có nguy cơ cao khiến cho thiệt hại còn có thể còn nặng nề hơn.
Về chi tiết có thể kể ra … khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp 3 trở lên; trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gãy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ.
Nhìn chung, hệ thống kết cấu hạ tầng của các địa phương do ảnh hưởng của bão, nhiều nơi bị hư hại nghiêm trọng. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, dân sinh về đường sá, cầu, cống, điện, cấp nước, thoát nước, viễn thông, thông tin, trường học… bị hư hại, cần sớm khắc phục.
Các công trình hạ tầng thủy lợi, đê kè, đập chứa nước của nhà máy thủy điện… bị thiệt hại, tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ khi tình hình bão lũ thời gian tới dự báo còn rất phức tạp.
Bão Yagi, giống như nhiều cơn bão khác trong thời kỳ hiện tại, đã thu hút sự chú ý của giới khoa học và truyền thông vì những hậu quả thảm khốc mà nó gây ra. Có một số lý do khiến các nhà khoa học gắng kết các cơn bão mạnh mẽ như Yagi với sự biến đổi khí hậu như sau:
Tăng cường năng lượng nhiệt đới: Một trong những hậu quả của sự Biến đổi khí hậu là làm tăng nhiệt độ của đại dương, vì vậy các cơn bão có thể lấy thêm năng lượng từ đại dương đã ấm hơn. Năng lượng này giúp cơn bão mạnh lên nhanh chóng và có khả năng trở thành bão cấp cao hơn. Nhiệt độ đại dương cao hơn có thể làm gia tăng độ ẩm trong không khí, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các cơn bão mạnh mẽ hơn nữa. Hệ quả là các cơn bão trở nên mạnh mẽ hơn và kéo dài hơn. Trong lúc đó, sự biến đổi khí hậu làm tăng mực nước biển do hiện tượng băng tan và sự giãn nở nhiệt của nước biển. Điều này dẫn đến nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng hơn trong các khu vực ven biển khi bão đổ bộ.
Từ đó có thể làm thay đổi mô hình khí hậu toàn cầu, ảnh hưởng đến hướng di chuyển và tần suất của bão. Những thay đổi này có thể dẫn đến việc các cơn bão đổ bộ vào các khu vực không thường xuyên bị ảnh hưởng trước đây.
Tăng cường cường độ của gió: Sự thay đổi trong khí quyển có thể dẫn đến sự thay đổi trong cường độ và cấu trúc của các cơn bão. Các nghiên cứu cho thấy rằng cường độ gió của bão có thể gia tăng do sự thay đổi nhiệt độ trong bầu khí quyển.
Những yếu tố này kết hợp lại có thể giải thích tại sao các cơn bão như Yagi gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn so với những năm trước đây. Mặc dù không thể kết luận một cách chính xác rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân trực tiếp gây ra mỗi cơn bão cụ thể, nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng nó có thể làm tăng cường độ và sự nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm cả bão.
2- Biến đổi khí hậu là gì? Biến đổi khí hậu góp phần thế nào vào các thiên tai như thế này? (tạo thời tiết cực đoan hơn, thiên tai dị thường hơn, mức độ tàn phá khắc nghiệt hơn, kéo dài hơn, thường xuyên hơn?)
MTT: Biến đổi khí hậu đề cập đến sự thay đổi lâu dài trong các yếu tố và điều kiện khí hậu của Trái Đất, đặc biệt là sự thay đổi nhiệt độ toàn cầu. Điều này chủ yếu là kết quả của các hoạt động của con người, như đốt nhiên liệu hóa thạch (dầu, than, khí đốt), phá rừng, và các hoạt động công nghiệp khác, dẫn đến việc tăng cường khí nhà kính như carbon dioxide (CO2), methane (CH4), và nitrous oxide (N2O) trong khí quyển.
Tác động của biến đổi khí hậu đối với thiên tai:
1. Thời tiết khắc nghiệt hơn: Biến đổi khí hậu làm thay đổi nhiệt độ toàn cầu, dẫn đến nhiều đợt nóng hay lạnh bất thường hơn ở nhiều vùng khác nhau vào cùng một thời điểm. Thí dụ như, Houston đang mùa nóng bất thường vào cuối tháng 8 vừa qua trên 100oF, tuy nhiên ở vùng Wyoming cũng vào thời điểm nầy nhiệt độ giảm xuống dưới 10oF so với mức trung bình hàng năm! Vì nhiệt độ tăng cao bất thường tạo nên một khối lượng hơi nước bốc hơi từ đại dương, và vì áp suất không khí thay đổi, tạo thành gió … từ đó đưa hơi nước lần vào các bờ biền và lục địa…tạo mưa giông, hoặc nếu cường độ mạnh hơn sẽ tạo ra bão. Sự tăng cường nhiệt độ đại dương và độ ẩm cung cấp nhiều năng lượng hơn cho các cơn bão, khiến chúng có thể mạnh lên nhanh chóng và đạt cường độ cao hơn. Mặc dù có sự gia tăng mưa ở nhiều khu vực khác nhau, sự biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng sự bất thường trong lượng mưa, dẫn đến hạn hán nghiêm trọng hơn ở những nơi bị ảnh hưởng.
2. Bão Yagi vừa qua đã mang theo gió mạnh, có thể lên đến cấp 8, cấp 9 hoặc hơn nữa. Gió mạnh gây thiệt hại cho nhà cửa, cây cối, cột điện và các công trình xây dựng. Bão thường đi kèm với mưa lớn kéo dài nhiều giờ hoặc nhiều ngày. Lượng mưa lớn có thể dẫn đến tình trạng ngập lụt nghiêm trọng ở các khu vực thấp, làm tắc nghẽn giao thông và gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
3. Và dĩ nhiên, mức độ tàn phá cũng sẽ khắc nghiệt khắc nghiệt hơn, nếu lượng hơi nước bốc hơi ở đại dương cáng nhiều, có thể tạo ra sóng thần và cơn bão sẽ hung dữ hôi, mức ngập lụt và thiệt hại vật chất nhiều hơn nữa.
Tóm lại, sự biến đổi khí hậu đang xảy ra hôm hay thể hiện qua các Thượng đỉnh hàng năm do LHQ bảo trợ luôn nhắc nhỡ các quốc gia trên thế giới cần phải hạn chế sự phát thải những khí nhà kính và những khí thải làm tăng sự hâm nóng toàn cầu khi carbon dioxide, methane, các oxit nitrogen v.v…Các khí trên không những làm gia tăng sự bất thường nghiệt ngã, làm xáo trộn chu kỳ thời tiết, đảo lộn các sinh hoạt của dân chúng trên thế giới, nhứt là nông dân trong việc canh tác theo thời vụ. Trong trường hợp trên, con người cũng khó thích ứng được trong lãnh vực môi trường, khoa học, y tế và sức khỏe con người, thưa cô Trà My.
3- Tại sao châu Á được xem là khu vực dễ tổn thương nhất, thiệt hại nặng nề nhất vì biến đổi khí hậu?
MTT: Châu Á là một lục địa lớn nhứt, có diện tích khoảng 44,58 triệu km², chiếm 30% diện tích toàn cầu, và đông dân nhứt trên thế giới có hơn 4,7 tỷ người sinh sống, tương đương với 60% dân số thế giới. Châu Á là lục địa lớn nhất và đa dạng về địa lý, từ các vùng ven biển đến vùng núi cao và các khu vực sa mạc. Sự đa dạng này có nghĩa là các khu vực khác nhau có thể bị ảnh hưởng khác nhau bởi biến đổi khí hậu, từ mực nước biển dâng cao đến hiện tượng hạn hán và lũ lụt.
Thêm nữa, Á châu nằm cạnh Thái Bình Dương, cũng là đại dương lớn nhứt thế giới, vì vậy, ảnh hưởng liên đới giữa hai vùng nầy cùng chia xẻ “ngọt bùi” cùng với sự hình thành và hoạt động của bão tố nhiệt đới ở châu Á, đặc biệt là ở các khu vực ven biển phía Đông của Việt Nam.
Vì vậy, Châu Á là một trong những khu vực dễ tổn thương nhất và chịu thiệt hại nặng nề nhất do biến đổi khí hậu vì một số nguyên do nội tại và ngoại tại, hay do thiên nhiên và con người:
Xác suất xảy ra thiên tai: Do vị trí của Châu Á nằm cạnh TB Dương cho nên mật độ xảy ra thiên tai nhiều hơn so với các châu lục khác. Đây là khu vực thường xuyên phải đối mặt với các thiên tai như bão nhiệt đới, động đất, sóng thần, và lũ lụt. Các hiện tượng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu, làm gia tăng thiệt hại và tổn thất.
Về địa chất vùng biển và ven biển thường là các vùng thấp, nhiều nơi ngang tầm với mực nước biển như miền Nam VN cho nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao và lũ lụt.
Và sự Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng sự biến động trong thời tiết, từ các đợt nắng nóng bất thường đến các cơn bão mạnh hơn và tiến đến nhanh… đôi khi khoa học khí tượng không kịp cảnh báo dân chúng chúng trong vùng kịp thời.
Tóm lại, sự biến đổi khí hậu mang đến nhiều hậu quả do nhiệt độ bầu khí quyển nóng lên làm cho băng tan, mực nước biển dâng cao, bão lớn hơn, và hạn hán kéo dài có thể gây thiệt hại nặng nề đối với các nền kinh tế quốc dân và nhiều ảnh hưởng khác đan cử ở phần trên. Và Á châu trở thành một khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu, dẫn đến thiệt hại nặng nề hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới.
4-Ngoài yếu tố thiên tai, các yếu tố nhân tai nào đưa tới các thảm họa như Yagi tại VN? (Xin liệt kê tổng quát từ đốt rẫy, phá rừng, nạo vét lòng sông, hút cát, xả đập…)
Nói về lũ và lụt, Giáo sư Nguyên Ngọc Lung, chuyên gia về rừng vừa có bài viết nói rõ:” khi còn rừng tự nhiên thì mưa xuống chỉ có 5% nước chảy trên mặt đất, 95% sẽ ngấm xuống thành nước ngầm, cho nên ta đào giếng ở đâu cũng có nước. Khi mất rừng tự nhiên thì ngược lại, chỉ 5% ngấm xuống thành nước ngầm, hơn 90% sẽ chảy tràn trên mặt đất. Nghĩa là còn rừng tự nhiên thì chỉ có lụt. Lụt hiền, lành, và thân thuộc như bạn chung tình mỗi năm một lần trở lại. Tôi ở Hội An, tôi biết, 3 năm qua không có lụt, người ta nhớ và chờ. Lụt rửa sạch ruộng đồng và mang về phù sa. Lũ là khi đã mất rừng tự nhiên, chỉ còn lơ thơ mấy cây bụi lẹt đẹt, với cỏ, với cao su, keo, cà phê… tràn lan, là các loại cây không có bộ rễ giữ nước (mà các báo cáo với thống kê cứ gọi vống lên một cách gian dối là “độ che phủ”), 95% nước mưa chảy thành thác trên mặt đất quét hết mọi thứ, làng mạc và con người.”
Như vậy, ngoài các yếu tố thiên tai, nhiều yếu tố nhân tai cũng đã góp phần làm gia tăng mức độ thiệt hại và sự tàn phá của các thảm họa như bão Yagi ở Việt Nam. Dưới đây là một số yếu tố nhân tai chính như: Đốt rẫy, phá rừng, nạo vét lòng sông, hút cát xả đập.
Đốt rẫy, hay còn gọi là đốt đồng, là một phương pháp truyền thống trong nông nghiệp được sử dụng để làm sạch đất trước khi trồng cây mới. Đây là một kỹ thuật phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt là trong các khu vực nông thôn ở các nước đang phát triển.
Khi rừng bị phá, đất trở nên dễ bị rửa trôi hơn khi gặp mưa lớn từ bão, dẫn đến lũ lụ Những video quay ở các điểm sạt lở cho thấy, rừng già hầu như biến mất. Mưa dầm kéo dài khiến đất ẩm ướt, mất tính liên kết và cả ngàn mét khối đổ ập xuống nhà cửa, đường sá. Nếu còn rừng, đất sẽ liên kết tốt hơn. Rễ cây rừng ăn sâu vào lòng đất sẽ như những sợi dây thừng giữ đất không bị trôi. Lớp cây rừng tầng thấp, cây bụi, dây leo, thảm lá sẽ giúp giữ nước tốt hơn, giảm tốc độ chảy của nước. Việc này phần nào kéo giảm được tốc độ lũ tràn về.
Tình trạng vét cát ở sông Hồng và sông Cửu Long đang đặt ra nhiều thách thức về môi trường và yêu cầu sự can thiệp quyết liệt từ chính phủ và cộng đồng để giải quyết vấn đề một cách bền vững. Khuyến khích việc khai thác bền vững: Phát triển và áp dụng các công nghệ khai thác cát bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường. Cần nhứt là nâng cao nhận thức cộng đồng và các doanh nghiệp về tác động của việc khai thác cát và tầm quan trọng của bảo vệ môi trường.
Việc “Xả đập" ở thượng nguồn sông Mekong và sông Hồng liên quan đến việc xả nước từ các hồ chứa, đập hoặc các cơ sở lưu trữ nước khác ở khu vực thượng nguồn của sông Mekong và sông Hồng, hai con sông huyết mạch của Việt Nam. Đây là một vấn đề quan trọng, vì sự quản lý nước ở thượng nguồn có thể có tác động lớn đến dòng chảy của sông Mekong và ảnh hưởng đến các quốc gia nằm ở hạ nguồn như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, và Lào.
Cũng xin nhắc thêm là sự hiện diện của 362 nhà máy thuỷ điện được mọc lên ở Việt Nam, trong đó có 41 nhà máy có công suất trên 1000 MW như Nhà máy Hòa Bình (1920 MW), Sơn La (2400 MW), Lai Châu (1200MW), và 321 nhà máy cỡ trung và nhỏ rải rác khắp nơi từ Bắc chí Nam. Đây cũng là những trái bom nổ chậm, một cơn bão lớn như Yagi cũng có khà năng làm bể đập hay bị bắt buộc phải xả đập một khi mực nước đã tràn đầy và nhấn chìm các thành phố hay làng mạc ở vùng trũng thấp. Chuyện nầy đã xảy ra nhiều lần ở Việt Nam rồi.
Trên đây là vài yếu tố chủ quan do người tạo ra gây ra hậu quả trầm trọng thêm qua các thiên tai như cơn bão Yagi vừa qua thưa Cô Trà My.
5-Xin phân tích chi tiết từng yếu tố một vừa liệt kê, chẳng hạn hút cát gây hậu quả gì, đốt rẫy gây hậu quả gì, phá rừng gây hậu quả gì….)
MTT: Như vậy tôi xin đi vào chi tiết và nhận định mức tác hại của các tác động trên.
Về lợi ích của việc đốt rẫy, việc làm trên giúp tiêu hủy các phế thải, rác rưởi thực vật từ vụ mùa trước, làm sạch đất và tiêu diệt nhiều loại sâu bệnh và cỏ dại. Tro từ việc đốt rẫy có thể được xem như là một loại phân bón cung cấp một số chất dinh dưỡng cho đất, như kalium, calcium và magnesium có thể thay thế các loại phân bón hóa học tổng hợp, loại phân bón dùng lâu ngày sẽ làm chai đất.
Tuy nhiên, việc đốt rẫy gây ra khói và bụi, làm ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và động vật sống chung quanh vùng.
Về việc phá Rừng: Rừng là một thảm thực vật mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Đối với Việt Nam, rừng thượng nguồn ở miền Bắc Sông Hồng và sông Cửu Long giữ một vai trò hết sức quan trọng: giữ nước trong mùa mưa và điều tiết nước cho vùng hạ lưu trong mùa khô qua lớp đất thịt do rễ cây chằng chịt bám phải. Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ đất và giảm sự xói mòn. Theo các chuyên gia, cây rừng tự nhiên lâu năm cao 40-50m sẽ có thảm thực vật và các tầng cây khác. Khi mưa lớn, nước mưa sẽ thấm vào các cành cây khô và thảm lá mục bên dưới. Sau đó, nước sẽ thấm vào đất tạo thành mạch nước ngầm, 80-90% lượng nước mưa sẽ được giữ lại trong quá trình này, 10-20% sẽ trôi đi và ít có khả năng gây sạt lở, lũ ống, lũ quét. Các loại rừng khác chỉ giữ được 20 – 50% lượng nước và chỉ có tác dụng cản lũ.
Nếu không có rừng già, lượng nước mưa đổ về các sông, suối tạo lũ nhanh gấp 10 lần và bỗng chốc biến thành những cơn lũ quét, sạt lở nghiêm trọng
Thống kê năm 2024, Việt Nam có tỷ lệ che phủ rừng đạt 42% bao gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng. Thế nhưng, rừng già, rừng nguyên sinh còn vô cùng ít. Theo công bố của các chuyên gia về môi trường và biến đổi khí hậu thì Việt Nam chỉ còn 0,25% rừng nguyên sinh, tức là cứ 800 hecta rừng mới có 2 hecta rừng già. Trong 80 năm qua, Việt Nam đã mất khoảng 2 triệu hecta rừng (20.000 Km2). Trước đây, từng có nhiều số liệu cho thấy, Việt Nam có tỷ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Nigeria.
Xin trích một đoạn vàn của tác giả Quyết Hồ về việc phá rừng và trồng rừng:” Đó là sự sốt ruột trước việc mất rừng. Có nhiều người dẫn con số "mật độ che phủ rừng" của Việt Nam tăng liên tục trong nhiều năm qua để biện minh cho ý kiến, nói mưa lũ là do mất rừng là không đúng, hoặc đại khái là do "thế lực thù địch" dựng chuyện mà thôi, chứ làm gì có chuyện đó? Nhưng mật độ che phủ rừng có lớn tới bao nhiêu, có tăng bao nhiêu mà chất lượng rừng không đa dạng, không tăng thì cũng như không. Bởi nếu một trận mưa diễn ra trong rừng tự nhiên nó sẽ khác, đó là cảm giác của tuổi thơ khi đi tìm trâu cả ngày trong rừng những hôm mưa gió. Còn một trận mưa ở rừng keo, rừng cây công nghiệp nó khác hoàn toàn. Nước tuôn xuống xối xả và ộc thẳng ra suối, rồi ra sông và tống về xuôi. Rừng một tán lá, một giống cây thì làm sao mà đủ sức cản trở nước mưa, giữ nước mưa trong nó bằng rừng đa tán, đa tầng?
Những bức ảnh bên dưới, tôi chụp ở gần điểm giao giữa Ql6 và QL37, chỗ gần tượng đài Cò Nòi. Kể từ đây, nếu chạy QL37 sang tới Đèo Chẹn, đứng từ đây, nhìn xuống sâu lòng vực thẳm thì thấy hùng vĩ thật đấy. Nhưng bên cạnh cái hùng vĩ đó là sự sợ hãi, bởi vì làm gì còn rừng? Lúc đứng ở đây là vào Tháng Ba, mới sau tết, tôi mơ hồ đặt câu hỏi trong lòng là: nếu mưa to thì ở đây sạt lở chết kinh hoàng tới thế nào? Và cuối cùng là sạt lở ở mạn Yên Bái, Lào Cai nhiều hơn. Nhưng như thế không có nghĩa là điều tôi lo lắng đã không đến. Nó đến,..”
Và bây giờ, “Nó” của tác giả Quyết Hồ đã đến qua cơn bão Yagi!
Chính nạn phá rừng làm mất đi khả năng giữ nước cho nên, mỗi khi đến mùa khô, nước song chuyển về hạ lưu càng cạn kiệt.. Việc phá rừng làm giảm khả năng của các hệ sinh thái rừng trong việc giữ nước và ổn định đất đai, dẫn đến gia tăng lũ lụt và xói mòn đất. Hậu quả của việc phá rừng còn đưa đến nguyên nhân chính yếu, chính là sự xâm nhập nước biện mặn và sâu trong lục địa vì dòng chảy yếu không thể đuổi mặn đi được..
Về tình trạng nạo vét lòng sông: Tình trạng vét cát ở sông Hồng và Sông Cửu Long ở Việt Nam đang gây ra nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng. Dưới đây là các điểm chính liên quan đến tình trạng này:
* Sông Hồng: Vét cát ở sông Hồng nhằm mục đích cung cấp nguyên liệu cho ngành xây dựng. Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát ở đây diễn ra rất mạnh mẽ, dẫn đến những tác động tiêu cực lớn đến môi trường: - Xói mòn bờ sông làm suy giảm độ ổn định của bờ sông, dẫn đến xói mòn và mất đất; - Việc hút cát quá mức làm giảm mức nước ngầm và có thể gây sụt lún đất ở các khu vực ven song; - Khai thác cát gây hủy hoại môi trường sống của nhiều loài động thực vật trong sông và các khu vực lân cận.
* Sông Cửu Long: Sông Cửu Long, với mạng lưới sông ngòi phức tạp, cũng đang đối mặt với vấn đề khai thác cát không kiểm soát. Hoạt động này nhằm cung cấp cát cho ngành xây dựng và các nhu cầu khác. Tác động môi trường: - Khai thác cát làm giảm khả năng giữ nước của các con sông, dẫn đến nguy cơ ngập úng trong mùa mưa; - Sự thay đổi trong cấu trúc lòng sông và sự lắng đọng cát có thể gây ra biến đổi địa hình, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và nông nghiệp; - Khai thác cát làm giảm lượng phù sa mà các con sông mang đến cho vùng đồng bằng, ảnh hưởng đến màu mỡ của đất đai nông nghiệp.
Về việc hút cát từ bờ biển: Hút cát từ các khu vực ven biển làm giảm khả năng bảo vệ của các bãi cát và hệ sinh thái ven biển, dẫn đến mực nước biển dâng cao và gia tăng sự tấn công của sóng biển làm tăng nguy cơ xói mòn bờ biển và làm giảm khả năng bảo vệ bờ biển khỏi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Thêm nữa, ở nhiều vùng có rặng san hô như Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang, Vịnh Hạ Long, Mong Cái, việc hút cát sẽ tiêu diệt san hô, một vùng sinh thái cho sinh vật biển sinh sản và trú ngụ.
Tóm lại, tất cả những yếu tố chủ quan do con người tạo ra kể trên không chỉ làm tăng cường sự tàn phá của các thảm họa mà còn làm giảm khả năng phục hồi của các cộng đồng và hệ sinh thái, dẫn đến thiệt hại nặng nề hơn trong các tình huống như bão Yagi và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác. Thưa Cô Trà My.
Về việc xả đập: Thưa Cô TM, cá nhân chúng tôi đã viết rất nhiều bài viết về việc xả đập hay ngăn chận dòng nước ở dòng chính sông Mekong qua đạp Jinghong – Cẩm Hồng ở tỉnh Vân Nam nằm ngay trên phía Bắc biên giới giáp với Lào, ở tỉnh Vân Nam của TC. Trong suốt 5 năm liền từ năm 2019 cho đến 2024, TC đã chặn dòng nước ở con đập trên, làm cho mực nước ở hai trạm quan trắc Tân Châu và Châu Đốc ở sông Tiền và sông Hậu xuống thấp dưới 200 m3/giây vào tháng 3 và tháng tư gây thiệt hại đến 200.000 hecta lúa và hoa màu trong vụ mùa Đông Xuân (trước 1975, mực nước trung bình của hai tháng nầy ở hai địa điểm trên giao động từ 5.000 đến 9.000 m3.giây). Nhưng hiện tại, miền Nam đang vào mùa nước nổi – nước lớn. Cơn bão Yagi sẽ làm tràn đầy các hồ chứa và các đâp ở thượng nguồn ở TC. Vì vậy, bắt buộc họ phải xả đâp. Chúng ta đã kinh qua việc ngập lụt quá mau so với trữ lượng rất lớn của nước mưa do bão gây ra. Đó chính là kết quả của việc xả đập đó. Và Đồng bằng sông Cữu Long “CÓ LẼ” cũng đang bị ngập lụt (20/9) vì cần phải 8, 9 ngày nước từ thượng nguồn mới xuống tận Cửu Long. Không biết nhà cầm quyền có cảnh bào cho người dân hay biết hay không để chuẩn bị di tản?
Tóm lại, việc xả đập không hợp lý và tùy tiện là một việc làm phạm pháp, các quốc gia nằm trong lưu vực sông Mekong (Việt Nam, Cambodia, Lào, Thái Lan, Myanmar, và Trung Cộng) và sông Hồng (Việt Nam và Trung Cộng) cần hợp tác chặt chẽ để quản lý nước và điều phối các hoạt động xả dập nhằm đảm bảo lợi ích chung và giảm thiểu tác động tiêu cực của thời tiết. Cùng trao đổi tin tức qua công nghệ dự đoán dòng chảy và hệ thống cảnh báo sớm có thể giúp các quốc gia hạ nguồn chuẩn bị và ứng phó kịp thời với các thay đổi đột ngột trong dòng chảy. Nên nhớ Trung Cộng và Miến Điện đã rút ra khỏi MRC – Mekong River Committee- Uỷ ban ban Sông Mekong để toàn quyền hành động xây dựng đập trên dòng chính ở thượng người từ Trung Công, qua Lào, và Cambodia…Việt Nam cần lưu ý điều nầy! thưa Cô Trà My.
6. Lũ lụt ngoài nguyên nhân do mưa nhiều khiến sông dâng cao ‘tức nước vỡ bờ’, còn những nguyên nhân nào khác?
MTT: Lũ lụt có thể xảy ra vì nhiều nguyên nhân khác ngoài việc mưa nhiều làm mực nước sông dâng lên cao. Dưới đây là một số nguyên nhân chính khác gây ra lũ lụt:
Về Nguyên nhân chủ quan do con người:
• Quản lý nguồn nước không hợp lý do phân bổ không đồng đều, một vùng có dư thừa nước, ngược lại ở một vùng khác không có đủ nước cho nhu cầu sinh hoạt và khai thác nông nghiệp…Tứ đến là việc xả nước từ các đập hoặc hồ chứa không kiểm soát có thể làm gia tăng lưu lượng nước trong các con sông và suối, dẫn đến lũ lụt vùng hạ lưu.
• Đô thị hóa không kế hoạch và thiếu nghiên cứu tác động môi trường: Thí dụ vùng Thủ Thiêm, Cát Lái, Tân Thuận là một vùng ngập nước thiên nhiên để điều tiết lượng nước dư thừa trong mùa mưa hay thủy triều lên. Nhưng nay vì nhu cầu xây dựng khu Phú Mỹ Hưng và xa lộ vòng đai cho nên ngập lụt triền miên. Còn trong nội thành Saigon, việc xây cất cao ốc làm tăng bề mặt không thấm nước và làm giảm diện tích đất có khả năng hấp thụ nước, do các bề mặt cứng như bê tông và nhựa đường không cho nước thấm vào. Điều này dẫn đến việc nước mưa chảy ra nhanh chóng vào hệ thống thoát nước và các con sông tạo ra ngập lụt cho dù một cơn mưa nhỏ hay nhằm trăng rằm cho thủy triều cao hơn bình thường.
• Phá Rừng và Xói mòn đất như đã nói ở phần trên.
Về nguyên nhân do thiên nhiên:
Mưa xối xả trong thời gian ngắn hay mưa dai dẳng trong một thời gian dài có thể làm các con sông, kênh thoát nước, và các cống chính dẫn nước ra sông rạch bị tràn ngập nhanh chóng đưa đến lũ lụt.
Một nguyên nhân khác nữa là vì miền Nam Việt Nam nằm ở vùng hạ lưu cho nên một khi có lũ lụt ở miền thượng lưu, là ngay sau đó miền Nam cũng bị ảnh hường. Đối với miền Trung và miền Bắc, cấu tạo địa chất có dốc thẳng, cho nên, mỗi khi có mưa rào, một lượng nước rất lớn chảy xiết ra biển làm ngập lụt các vùng chung quanh ven biển.
Và sau cùng do biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng lên cao cũng có thể làm gia tăng nguy cơ lũ lụt ven biển, đặc biệt khi kết hợp với với áp thấp trên mặt biển tạo ra gió mạnh hay bão. Biến đổi khí hậu còn tạo ra hai hiện tượng El Nino và La Nina gây ra tình trạng mưa gió bất thường không năm trong các chu kỳ thời tiết như trong quá khứ nữa
Tất cả những yếu tố trên có thể tác động đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau để làm gia tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của lũ lụt. Do đó, việc quản lý và ứng phó với lũ lụt cần phải xem xét toàn diện các nguyên nhân và tác động khác nhau tùy theo từng vùng hay khu vực trên thế giới. Không thể suy diễn sự việc xảy ra ở vùng nầy để ứng dụng cho một vùng cách xa nào khác. Mỗi kinh nghiệm về thời tiết phản ảnh qua hiện tượng biến đổi khí hậu là một đặc thù cho chính vùng đó mà thôi.
7. Đất chuồi ngoài nguyên nhân mưa nhiều khiến đất ẩm ướt sụt lở, còn những nguyên nhân nào khác?
MTT: Đất chuồi, hay còn gọi là trượt đất, xảy ra khi đất hoặc đá trên sườn núi hoặc dốc bị lở hoặc di chuyển xuống dưới do lực kéo của trọng lực hay do thời tiết ẩm ướt. Mưa nhiều khiến đất ẩm ướt và dễ sạt lở. Ngoài ra cũng cần nhắc đến một vài nguyên nhân đã trang trải ở phần trên.
Cây rừng và hệ thống rễ của chúng giúp giữ đất lại. Khi rừng bị phá, hệ thống rễ bị mất đi, làm giảm khả năng giữ đất, dẫn đến sự xói mòn và đất chuồi do lớp đất thịt di chuyển về vùng có địa hình thấp hơn. Các hoạt động khai thác mỏ, đào hố hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng có thể làm suy yếu kết cấu của đất, làm cho đất không còn kết dính như trước nữa, do đó, hiện tượng lở đất hay đất chuồi xảy ra. Mất lớp thực vật bảo vệ đất làm tăng khả năng xói mòn, khi đó đất dễ bị cuốn trôi và gây ra hiện tượng đất chuồi.
Còn đối với các tầng lợp đất “không có chân đứng”, nghĩa là phần dưới của lớp đất thịt thông thường dày khoảng từ 5 đến 10 m, không dược cấu tạo vững chắc như đất sét ở vùng Houston, hay đất đất bồi ở Đồng bằng sông Cửu Long, do lực nén của những xây dựng trên mặt đất, sẽ làm đất lún hay di chuyển ra một địa điểm khác.
Nước ngầm cũng là một yếu tố khá qua trọng trong hiện tượng đất lún hay chuồi. Một thí dụ điển hình ở tỉnh Sóc Trăng, người dân ở đây đã đào hơn 45.000 giếng đóng nhằm mục đích lấy nước để nuôi tôm từ thập niên 90 ở thế kỷ trước. Hậu quả là có thể nói tỉnh Sóc Trăng bị lún trên 50 cm. Còn Thành phố Saigon do xây dựng quá tải, và có rất nhiều nhà trong nội thảnh đào giếng lấy nước từ nước ngầm. Và hiện tượng lún ước tính cũng trên dưới 50 cm.
Tóm lại, tất cả những yếu tố kể trên có thể tác động đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau để làm tăng nguy cơ đất chuồi, đất lún gây ra thiệt hại lớn đối với môi trường và cơ sở hạ tầng.
8. Thường lũ lụt xảy ra ở vùng trũng hay duyên hải gần biển, nay các vùng cao-vùng núi phía Bắc Việt Nam lại bị lũ lụt khủng khiếp trong bão Yagi, các chuyên gia môi trường lý giải ra sao?
MTT: Lũ lụt ở các vùng cao và vùng núi, như xảy ra trong trường hợp bão Yagi ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, có thể được lý giải bởi một số yếu tố môi trường và khí hậu đặc thù. Dưới đây là các lý do chính mà các chuyên gia môi trường thường đưa ra để giải thích hiện tượng này:
Mưa lớn và có cường độ cao: Trong trường hợp bão Yagi, lượng mưa lớn có thể rơi trong một khoảng thời gian ngắn, tạo ra khối lượng nước khổng lồ trên các sườn núi và vùng cao. Đặc biệt là mưa rất mạnh, xối xả trong một thời gian ngắn làm cho lớp đất thịt bị bảo hòa nhanh chóng dẫn đến lũ lụt. Miền cực Bắc Việt Nam có địa hình dốc với núi cao, nước mưa chảy nhanh xuống triền dốc và các khe núi làm cho nước tích tụ nhanh chóng gây ra lũ lụt. Thêm nữa, lớp đất thịt ở miền núi cao không dầy, nhiều nơi chưa đến 1m đất, vì vậy, mỗi khi có mưa lớn lớp đất nầy dễ bị chuồi tạo ra hiện tượng sạt lở. Và nguyên nhân chánh yếu cần phải kể ra ở những vùng nầy cũng là do việc phá rừng làm giảm khả năng lưu giữ nước của đất.
Hiện tượng biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng cường độ mưa và làm thay đổi mô hình thời tiết. Sự gia tăng nhiệt độ có thể dẫn đến nhiều mưa hơn và mưa dai dẳng hơn. Vì ở một vị trí cao, cho nên nhiều đám mây tích tụ hơi nước nhưng đọng lại và tạo ra mưa rào do áp suất và nhiệt độ không khí thấp so với các vùng thấp ở bên dưới
Lũ lụt ở các vùng núi, như trong trường hợp bão Yagi, cho thấy rằng các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt, bất thường và tác động của con người có thể làm gia tăng nguy cơ lũ lụt ngoài vùng núi cao, mà cũng có thể xảy ra ngay cả ở những khu vực khác nữa, nghĩa là sự biến đổi khí hậu là một hiện tượng có thể phát sinh ra nhiều hậu quả không thể nào tiên liệu trước được thưa Cô Trà My.
9. Nhiều người VN lo ngại về các con đập ở Trung Quốc. Xin cho biết các rủi ro cho các vùng miền của VN từ các con đập ở Trung Quốc? Một khi họ xả đập, xả lũ thì các vùng nào của VN sẽ bị nguy hiểm?
MTT: Lo ngại về các con đập ở thượng nguồn sông Hồng và sông Mekong của TC là một vấn đề quan trọng đối với Việt Nam. Dưới đây là các rủi ro và ảnh hưởng có thể xảy ra đối với các vùng miền của Việt Nam nếu TC xả nước từ các đập trên hoặc lấy nước ở dòng chính của song đầu nguồn:
• Nguy cơ lũ lụt vì các con đập trên thượng nguồn của TC: Khi TC xả đập đột ngột, một lượng nước lớn có thể được phóng thích vào sông chính, như sông Mekong và sông Hồng, gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở các khu vực hạ lưu. Sự gia tăng lưu lượng nước có thể làm vượt quá khả năng của các hệ thống thoát nước và gây ra lũ lụt ở các khu vực hạ lưu.
• Trong trường hợp ngược lại, việc tích trữ nước trong đập trong mùa khô cạn cũng là một rủi ro lớn cho Việt Nam. Vì sao? Trong trường hợp nầy, TC tích trữ nước trong các con đập làm cho lưu lượng nước ở các sông chảy vào Việt Nam có thể giảm, dẫn đến tình trạng khô hạn và thiếu nước cho nông nghiệp và sinh hoạt, đặc biệt trong mùa khô. Sông Hồng và sông Cửu Long chính là hai nạn nhân chính của TC. Có thể nói đây là một cuộc chiến xâm lăng của TC không tiếng súng qua việc kiểm soát nguồn nước của hai sông trên.
• Từ hai sự kiện trên, Sông Hồng và Sông Cửu Long phải hứng chịu tất cả hệ quả của việc xả nước hay rút nước. Tất cả làm thay đổi hệ sinh thái của con sông, làm xói mòn, sạt lở hai bên bờ sông, làm ô nhiễm nguồn nước sông vì nước trong hồ bị ứ dọng, không phải là nước luân lưu do đó, kết tụ rất nhiều phế thải cho nên bị ô nhiễm.
Qua hai trường hợp điển hình trên, những nguy cơ và tác động từ các con đập ở TC đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng, do đó, xin đề nghị trong trường hợp sông Mekong, cần phải có sự tham gia quốc tế nhằm giải quyết những tranh chấp trong việc quản lý nguồn nước là:”Đề nghị các cơ quan liên quan đến nguồn nước sông Mekong và quốc tế, các nhà hoạch định chính sách và cư dân của lưu vực sông Mekong và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuân thủ và duy trì các nguyên tắc dưới đây để phát triển và khai thác lưu vực sông Mekong một cách nghiêm chỉnh và có trách nhiệm. Và lệnh cấm được áp dụng ngay lập tức đối với các dự án chuyển dòng nước, đập, và thủy điện trên sông Mekong, ưu tiên hàng đầu của các cơ quan quốc gia và quốc tế là phát triển dữ liệu cơ sở khoa học về sông Mekong, thủy văn và hệ sinh thái của sông.”
10. VN có cách nào tránh? Phải làm gì?
MTT: Để giảm thiểu và ứng phó với rủi ro từ các con đập ở TC và các vấn đề liên quan đến lũ lụt, Việt Nam có thể thực hiện một số biện pháp chiến lược và cụ thể. Dưới đây là các phương pháp và biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu những tác động của bão. Trước hết cần phải thực hiện hệ thống dự báo bão lũ, mưa lớn, động đất (đất run chuyển) hữu hiệu để theo dõi tình hình và kịp thời thông báo cho dân chúng ở các khu vực bị ảnh hưởng. Việc quản lý đập cần phải do những nhà chuyên môn về đê điều - đập thủy điện – thủy văn điều hành và phối hợp chặt chẽ với dự đoán thời tiết và thực hiện xả lũ theo kế hoạch để giảm thiểu tác động tiêu cực. Đây là những việc làm thuần túy chuyên môn không phải là một công tác chính trị. Đảng cần đứng ngoài trong vấn đề nầy.
Tóm lại, việc xả lũ của các đập ở thượng nguồn có thể làm trầm trọng thêm thiệt hại từ bão và mưa lũ, và quản lý hợp lý việc xả lũ cùng với các biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng để giảm thiểu tác động tiêu cực.
VN cần học bài học: Qua kinh nghiệm từ cơn bão Yagi, Việt Nam có thể rút ra nhiều bài học quan trọng để cải thiện khả năng ứng phó và giảm thiểu thiệt hại từ các cơn bão trong tương lai. Dưới đây là một số bài học quan trọng:
Việt Nam cần nâng cao hệ thống dự báo và cảnh báo sớm đến dân chúng, đầu tư cà cải thiện các hệ thoát thoát và rút nước, không xây dựng hay đô thị hóa những vùng ngập nước thiên nhiên nhằm điều tiết ngập lụt. Hạn chế khai thác các rừng ngập mặn chung quanh mũi Cà Mau (khoàng 200.000 hecta) vì đây là một vùng đệm thiên nhiên để hạn chế nước mặn tràn vào nội địa, vùng trú ẩn và sinh sản cho tôm cá, cây tràm, cây đước của rừng ngăn chặn xói mòn và hấp thụ phèn trong nước, và nhứt là rừng ngập mặn nầy có khả năng hạn chế phần nào sức tàn phá của bão nhiệt đới trong vùng.
Những bài học này sẽ giúp Việt Nam nâng cao khả năng ứng phó với các cơn bão trong tương lai, giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ tốt hơn cho người dân thưa C6 Trà My.
11- Sông Hồng, hệ thống đê điều, ảnh hưởng của Yagi như thế nào?
MTT: Đối với Sông Hồng và châu thổ, các tỉnh phía Bắc Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, một khi TC xả đập ở các con sông nguồn như sông Hồng, lưu lượng nước đổ về khu vực đồng bằng sông Hồng có thể gia tăng nhanh chóng, cộng thêm một lượng lớn nước mưa do bão Yagi cung cấp… sẽ gây ra lũ lụt nghiêm trọng. Điều này có thể làm ngập các khu vực thấp và gây thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp.
Sông Hồng, với hệ thống đê điều phát triển, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lũ lụt và bảo vệ đất đai nông nghiệp ở miền Bắc Việt Nam. Hệ thống đê điều giúp ngăn chặn nước lũ, duy trì dòng chảy ổn định và bảo vệ các khu vực dân cư có thể bị vỡ sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng sạt lở và ngập lụt.
Bão Yagi có thể ảnh hưởng đáng kể đến các con đê của Sông Hồng, đặc biệt là đoạn chảy qua thủ đô Hà Nội. Nếu mực nước sông dâng cao, áp lực lên các công trình đê có thể tăng, dẫn đến nguy cơ tràn bờ hay vở đê hoặc sạt lở. Gió bão có thể làm hư hại trực tiếp đến cấu trúc đê, gây ra hiện tượng xói mòn hoặc làm suy yếu nền đất. Và nếu các đoạn đê bị hư hại hoặc không kịp thời nâng cấp, vùng đất ven sông sẽ đối mặt với nguy cơ ngập úng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và sản xuất nông nghiệp mỗi khi có bão.
Còn hệ thống đê điều của các sông phụ lưu Sông Hồng, như sông Đuống, sông Thái Bình, và sông Lô, cũng rất quan trọng trong việc quản lý lũ lụt và bảo vệ nông nghiệp. Tuy nhiên, đê điều ở các sông phụ lưu này có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố có thể xảy ra trong khi cơn bão Yagi hoành hành. Khi lượng nước mưa lớn hoặc nước từ các sông chính dâng cao, đê điều có thể bị áp lực lớn, dẫn đến nguy cơ tràn hoặc sạt lở. Các đoạn đê gần khu vực cửa sông hoặc nơi dòng chảy mạnh có thể bị xói mòn, làm giảm khả năng ngăn chắn một khi bão Yagi quét ngang.
Việc theo dõi, đánh giá và nâng cấp thường xuyên các công trình đê điều là rất quan trọng để bảo đảm an toàn cho khu vực Hà Nội, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và gia tăng tần suất các hiện tượng thời tiết khắc nghiệp trong mùa bão nhiệt đới hàng năm..
12- Cảnh báo của giới môi trường sau hậu quả từ Yagi?
MTT: Sau các hậu quả thảm khốc từ bão Yagi, các nhà chuyên môn về môi trường có thể đưa ra một số nhận định và cảnh báo quan trọng về tương lai khi dựa trên kinh nghiệm từ các cơn bão như bão Yagi. Dưới đây là một số điểm chính mà họ có thể đề cập:
1. Bão có khuynh hướng ngày càng mạnh hơn và tàn phá khốc liệt hơn: Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng sự thay đổi khí hậu có thể làm gia tăng cường độ của các cơn bão. Bão Yagi có thể là một ví dụ của xu hướng này, với các cơn bão trở nên mạnh mẽ hơn và có sức tàn phá lớn hơn do nhiệt độ biển cao hơn do sự biến đổi khí hậu.
2. Thật khó để dự đoán bão trong những ngày sắp tới vì bão sẽ thay đổi cường độ, hướng di chuyển, và tốc độ bão vì những sự thay đổi đột ngột của áp suất của bầu khí quyển..
3. Trong trường hợp bão Yagi vừa qua, chúng ta có thể kết luận rằng không nơi nào, vùng nào được ghi nhận là “vùng không có bão” như các vùng cực Bắc của VN nằm sâu trong lục địa với núi cao chắn…nghĩa là không còn khu vực nào gọi là an toàn cả đối với “thiên nhiên” ngày hôm nay.
Tóm lại, bão Yagi đã cho chúng ta một bài học đích đáng là hiện tại, xin đừng xem thường bão. Não trạng “thay trời làm mưa” chỉ là một câu thiệu cho những người huyễn tưởng mà thôi!
13- Khuyến nghị giúp khắc phục và phòng tránh từ bài học Yagi? Nhà nước phải làm gì, người dân phải làm gì?
MTT: Bài học từ Yagi liên quan đến các vấn đề về nhận định, cảnh giác, quản lý, phát triển cộng đồng, hoặc ứng phó với những tình huống khẩn cấp do thiên nhiên mang đến. Tuy nhiên, một số khuyến nghị chung dựa trên các bài học phổ biến từ các tình huống tương tự mà Yagi có thể đại diện. Đây có thể là các bài học từ quản lý thiên tai, hạn chế thảm họa, phát triển cộng đồng, hay canh tân chính sách.
Đứng về phương diện chính quyền: Cần phải đầu tư vào công nghệ và hệ thống cảnh báo sớm để phát hiện và thông báo về các nguy cơ sớm hơn để bảo đảm tin tức kịp thời và chính xác đến người dân. Trong những khu vục nhạy cảm với bão, mưa lớn, đất chuồi, cần phải lắp đặt những hệ thống quan trắc để nắm vững các biến động của thời tiết như vũ lượng, mặt đất chuyển động v.v…Sau cùng cần phải đào tạo một lớp chuyên viên có khả năng chuyên môn cao hầu đảm trách những công việc trên. Cũng cần phải nói thêm, là, nhà cầm quyền cũng cần phải, qua truyền thông, hội thảo… hướng dẫn cho người dân biết và hiểu tầm quan trong của nguy cơ của những thiên tai sẽ ngày càng khốc liệt hơn nhằm hạn chế thiệt hại nhân mạng và tài sản một khi cơn bão tiến về..
Về phía người dân, qua sự hướng dẫn của nhà cầm quyền, đã được hiểu biết cung cách ứng phó bới bão để từ đó có chuẩn bị kịp thời và chu đáo hơn, hầu hạn chế được thiệt hại.
Có được sự hợp tác giữa người dân và nhà cầm quyền, thiết nghĩ những cơn bão trong tương lai sẽ không còn gây tác hại khủng khiếp vầ nhân mạng và tài sản ước tính lên đến 40.000 tỷ Đồng VN tương đương với 0,15% ngân sách quốc gia như cơn bão Yagi vừ qua.
Cảm ơn Cô Trà My đã điều hướng chương trình và cảm ơn tất cả Quý vị đã lắng nghe…
Mai Thanh Truyết
Houston 20/9/2024
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment