Thursday, June 22, 2023

 

 

 


Kiếp Ve Sầu



Sáng nay 22/6/2023, ngày thứ hai của mùa hè năm nay, đi cùng với Wabi (đi cùng/ đồng hành/song hành chứ không “dẫn” như trước kia nữa), ra công viên gần nhà, nghe tiếng ve kêu rộn ràng gợi lại nhiều kỷ niệm thời thơ ấu ngày xưa ở Saigon ở những năm cuối 48 đầu 50 của thế kỷ trước.

Tiếng ve hòa điệu cùng tiếng xe đủ loại chạy trên xa lộ bên cạnh công viên. Âm thanh đôi khi nghe hơi chỏi, khó nghe, nhưng cũng có đôi lúc dường như hai âm thanh trên giao thoa cùng nhau tạo thành một điệu nhạc êm dịu do cộng hưởng mà ra.

Xin có vài hàng cùng ve sầu dưới đây:

Về phân loại khoa học, ve sầu thuộc Giới (regnum) Animalia, Ngành (phylum) Arthropoda, Phân ngành (subphylum) Hexapoda, Lớp (class) Insecta, Bộ (ordo) Hemiptera, Phân bộ (subordo) Auchenorrhyncha, Phân thứ bộ (infraordo) Cicadomorpha. Liên họ (superfamilia) Cicadoidea, Họ (familia) Cicadidae

Ve sầu hay còn gọi là kim thiền là một siêu họ côn trùng có đầu to, hai cánh có nhiều vân. Có khoảng 2.500 loài ve sầu trên thế giới, trong vùng ôn đới lẫn nhiệt đới. Ve sầu là các loài sâu bọ được nhiều người biết nhất vì kích thước to lớn hơn, hình dáng đặc biệt có đầu lớn và khả năng tạo âm thanh rỉ rả, inh ỏi, suốt mùa hè. Ở khu vực dãy núi Appalachian, dân Mỹ gọi ve sầu là ruồi khô (tiếng Anh: dry flies) vì xác ve sau khi lột còn nguyên hình và khô.

Ve sầu không chích, không cắn và vô hại đối với con người. Nhiều người ăn ve sầu (như ở Hy Lạp cổ đại, Trung Hoa, Malaysia, Myanmar, châu Mỹ La tinh và Congo. Ve sầu cũng được dùng làm thuốc Đông y.

Khác với các loài côn trùng khác, như dế, tạo âm thanh bằng cách cọ xát hai cánh vào nhau, ve sầu đực tạo âm thanh bằng cách rung hai cái "loa" làm bằng màng mỏng, phát triển từ lồng ngực, có sườn bên trong. Những vòng sườn được co giãn thật nhanh, làm rung màng mỏng, tạo sóng âm thanh. Bụng ve rỗng nên có thể khuếch đại thành tiếng ve kêu rất to. Ve lắc mình và dùng cánh để tạo nhịp lên xuống cho "bài hát" của mình. Mỗi giống ve có một thứ tiếng, cường độ, cao độ khác nhau - để mời gọi ve sầu cái cùng giống để giao tình! Và…Ve cái không tạo được âm thanh nhưng cũng có hai cái màng bên mình, chỉ dùng để "nghe" ve đực hát và bị dụ dỗ. Ve đực khi không hát, cũng dùng hai cái loa ấy làm "tai" nghe ngóng động tĩnh xung quanh.

Một số loài ve có khả năng tạo âm thanh đến 120 dB, tiếng kêu to nhất nhì trong loài côn trùng.

Ve sầu lột xác



Sau khi giao phối, ve cái đào những rãnh nhỏ lên vỏ các cành cây và đẻ trứng vào đó. Ve cái có thể làm nhiều lần như vậy cho đến khi nó đẻ hết vài trăm trứng. Khi trứng nở, ấu trùng ve rơi xuống và đào sâu vào trong đất. Hầu hết các loài ve có vòng đời từ 2 đến 5 năm. Một số loài có vòng đời dài hơn nhiều, ví dụ như loài Magicicada có vòng đời 17 năm và đôi khi là 13 năm. Những vòng đời dài như thế là một sự thích ứng để chống lại các loài ăn thịt ve như loài ong bắp cầy ăn ve và bọ ngựa bởi vì các loài ăn thịt này không thể thường xuyên xuất hiện đồng thời với ve.

Phần lớn cuộc đời của ve là thời kỳ ấu trùng ở dưới đất với độ sâu khoảng từ 30 cm (1 ft) đến 2,5 m (khoảng 8½ ft). Các ấu trùng ve hút nhựa rễ cây và có những chân trước đào bới rất khỏe.

Khi đến giai đoạn chuyển tiếp cuối cùng để kết thúc thời kỳ ấu trùng, những ấu trùng ve đào một đường hầm lên mặt đất và chui lên. Sau đó, chúng lột xác lần cuối trên một cái cây gần đó và trở thành ve trưởng thành. Xác ve vẫn còn nằm đó và gắn vào vỏ cây.

Phân loại: Siêu họ này chứa 2 họ là: Cicadidae Westwood, Tettigarctidae

***

Nghe thiên nhiên giao hòa, tiếng ve, tiếng xe khi lên bổng khi xuống trầm, thấy lòng người nhẹ “hửng” ra. Nhớ lại thời thơ ấu, sáng sớm đi bộ từ đường Cô Bắc (Dumortier) ra đến đường Công Lý, chỗ hai công viên trồng cây cao su trước cổng Dinh Độc Lập. Xin thưa một chút về lịch sử của đường Công Lý:” Ban đầu, đường Công Lý được đặt thành số 26, sau này thì gọi là đường Impératrice, rồi đến Mac Mahon (dân Sài Gòn thời đó hay gọi quen thành đường Mặt Má Hồng), rồi lần lượt mang theo những cái tên như Général De Gaulle, Maréchal De Lattre de Tassigny. Mãi đến năm 1955, đường mới có tên cнíɴн thức và Việt hóa là đường Công Lý (bởi, con đường này đi ngang qua Tòa Pháp Đình Sài Gòn, được xem là nơi gìn giữ côɴԍ lý của người dân).” Và sau 30/4/1975, đã được đổi tên…Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công lý!

Ví sao tôi đến đây?

Vì muốn bắt ve sầu.

Bước từng bước một, chậm rãi đi và quan sát kỹ lưỡng chung quanh các gốc cao su. Một vài chú ve bắt đầu bò lên thân cây sau khi từ dưới đất chui lên. Ve ban đầu trần trụi không có cánh. Nắm ve sầu để trong lòng bàn tay, thổi nhẹ vào phía đầu của ve…thấy từ từ một lớp cánh mỏng nhú ra. Chỉ trong độ 5 phút là cánh ve đã “trưởng thành”.


Và sau đó, ve bay đi, bay đi…bắt đầu cho buổi đầu đời ngắn ngủi chỉ trong vài tháng hè mà thôi.

Thử nghĩ dù, 5 năm, 10 năm, hay dài nhứt là 17 năm của một chu kỳ ve trong lòng đất. Chỉ hưởng được không khí tự do trong vài tháng. Thế mà ve vẫn hạnh phúc hát nghêu ngao liên lục suốt mùa hè. Để rồi giao hoan cùng đồng loại. Đẻ trứng. Chôn vùi vào lòng đất chuẩn bị cho một chu kỳ mới sau đó…

Còn con người, dù cho có sống trăm năm đi nữa, có bao giờ con người có được trọn vẹn vui hưởng hạnh phúc suốt cuộc đời như ve hay không?

Vài suy nghĩ lý sự cùng của một ông Đồ gàn và lẩm cẩm. Xin chia xẻ cùng Bà Con xa gần.

Mai Thanh Truyết

Houston Đầu hè 2023


No comments:

Post a Comment