Xin giới
thiệu một bài viết nhân Ngày Khai Đạo Cao Đài do một tín hữu, BS Lê Thị Ngọc Vân
viết. Đây là một tài liệu căn bản cho bước đầu học Đạo.
NHO
GIÁO TRONG TAM KỲ PHỔ ĐỘ.
Kính thưa Quý Hiền thân hữu, Quý Hiền
Huynh, Tỷ, Đệ Muội,
Nhân kỷ
niệm 98 năm ngày Khai ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ, tiện muội gặp gỡ Quý Hiền qua bài
viết vai trò của Nho Giáo trong thời Phổ Độ lần thứ ba, đánh dấu thời Hạ Ngươn.
Bài viết chỉ là đóng góp nhỏ nhoi của một tín đồ Cao Đài cho cuộc " Hoằng
khai Đại Đạo, Phổ Độ Chúng Sanh" nên không khỏi còn thiếu sót,mong Quý Hiền
đọc bài lượng thứ cho tiện muội đức thô tài kém vì viết cũng là một cách học hỏi,
và mong Quý Hiền đóng góp thêm.
Thưa Quý Hiền, nếu bạn không là tín đồ
Cao Đài, nhưng có ý muốn tìm hiểu về một nền tôn giáo mới được mở ra gần 1 thế
kỷ tại một đất nước nhỏ bé chịu ảnh hưởng ít nhiều của nền văn hóa Khổng Giáo,
hoặc đã là một tín đồ Cao Đài hiểu biết về giáo lý của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
cũng xin Quý Hiền nhín chút thời giờ đọc bài. Với tôn chỉ "Tam Giáo qui
nguyên,Ngũ chi phục nhứt",Cao Đài không phá bỏ những triết thuyết của những
nền tôn giáo cũ để tạo ra một triết lý mới khác như trong câu Kinh Phật Mẫu có
dạy:
"
Xuân Thu,Phất Chủ,Bát Vu
Hiệp
qui Tam giáo hữu cầu chí chơn.."
Ba món Bửu Pháp của 3 đạo:
Xuân Thu: sách Xuân Thu tượng trưng Nho
Giáo
Phất Chủ: cây phất trần của đạo Lão
Bát Vu: bình bát của Phật giáo.
Ba món
Bửu Pháp tượng trưng 3 đạo lớn trong Nhị kỳ phổ độ, đồng hiệp lại trong kỳ ba
phổ độ này.
Có lẽ trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu về
Nho Giáo để hiểu thêm vì sao Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có nghĩa lần phổ độ chúng
sanh kỳ ba này, Đức CHÍ TÔN hay còn gọi các đại danh khác như Đức Ngọc Hoàng
Thượng Đế,hay gọi một cách thân thương kính ngưỡng lại Đức Đại Từ Phụ có nghĩa
là Đấng Cha Lành của toàn vạn linh trong vũ trụ lại chọn Nho Giáo làm căn bản để
cải sửa con người hầu cứu rỗi nhơn sanh, tạo một đời sống an lạc thái bình ngay
tại thế gian.
Tiện muội mong rằng trước khi tìm hiểu có
lẽ chúng ta nên bỏ qua những quan niệm có sẵn về Nho Giáo là một luận thuyết hủ
lậu cổ xưa làm cho nhân loại trì trệ trên đường phát triển văn minh vật chất,hay
Nho Giáo làm duy trì độc tài độc đoán, hạn chế nhân quyền qua 3 điểm Quân,Sư,
Phụ.hay Tam cang,Ngũ thường đánh mất tính nhân bản của con người v.v...tiện muội
xin phép Quý Hiền rằng chúng ta hãy khách quan hơn để nhận xét một nền triết lý
có từ hơn 2000 năm trước ảnh hưởng đến một vùng lãnh thổ rộng lớn của Châu Á và
nhiều dân tộc đã lấy Nho Giáo làm căn bản để đào tạo con người và xây dựng đất
nước .
Một đề tài bao quát rộng lớn nếu chỉ vài
dòng cũng không thể chuyển tải hết nội dung được, vậy nên có điều chi sơ sót
xin Quý Hiền bổ sung,tiện muội chỉ mong học hỏi nhiều hơn vì viết cũng là một
cách học và tu sửa thân mình.
* Nho học là một triết lý
đã có từ trước khi Đức Khổng Tử ra đời.vào thời hơn 1000 năm trước Công nguyên
con người đã biết thực hành Nhơn Nghĩa là căn bản của Nho Giáo, và các Vua Hiên
Viên Đế, Huỳnh Đế,Vua Nghiêu,vua Thuấn đã dựa vào đó để cai trị, lấy dân làm gốc
trong Nhơn Đạo tạo thành một xã hội thuần lương, thời kỳ đó gọi là thời Thượng
Ngươn đánh dấu con người bước đầu vào xã hội tập trung thành tổ chức hợp quần,
lúc này con người còn thuần nết thiện lành và được gọi là thời Nhứt kỳ phổ độ,Đấng
Thượng Đế cho Phật A Di Đà xuống thế để độ người hiền lương.
Trải qua hàng ngàn năm sau con người tại thế
nhuốm bụi trần,thay đổi tâm tính, thích tranh đấu, xã hội nhiều loạn lạc, thời
kỳ Trung Ngươn này là thời Ngươn Tranh đấu.Nhân loại xa dần Thánh đức, thiện
lương.Đấng Thượng Đế cho các Đấng Thiêng Liêng xuống thế cứu rỗi loài người là
Đức Thích Ca Mâu Ni gọi là Phật Thích Ca Như Lai.Đức Thái Thượng Lão Quân gọi
là Đức Lão Tử.
Bên
Châu Âu có Đức Jesus Christ xuống thế để cứu chuộc tội lỗi cho người và gieo mầm
Đạo Thánh.Đức Khổng Tử phục hưng Nho Giáo. Tất cả đều muốn cải thiện nhân loại,
cứu rỗi con người khỏi vòng sa đọa.Thời kỳ này gọi là Nhị kỳ phổ độ.
Đức Khổng Tử sinh ra và lớn lên trong thời
kỳ xã hội Trung Hoa nhiều chia rẽ, loạn lạc, khắp nơi nhiều anh hùng cát cứ bốn
phương, ai cũng muốn xưng hùng xưng bá.Đức Khổng Tử khổ công lập lại học thuyết
Nho Giáo thành một hệ thống mạch lạc, một nhân sinh quan có mục đích cứu đời, tạo
một xã hội trật tự, giáo dục đào tạo những người có đức hạnh và sáng suốt để
lãnh đạo nhân sanh.
Nhờ vậy
Nho học trở thành một tôn giáo, người ta gọi là Nho Giáo và để tôn vinh Đức Khổng
Tử người ta gọi là Khổng Giáo và xem Ngài là Giáo chủ Nho Giáo.
Trải qua hơn 2000 năm, nhân loại bước vào
thời hạ ngươn là thời kỳ các pháp môn tu luyện từ Nhứt kỳ,Nhị kỳ phổ độ đã bị
con người canh cải sửa đổi xa lần những giáo điều xưa. Nhân loại tiến bộ rất
nhanh về tiện nghi vật chất để phục vụ con người hưởng thụ cá nhân. Người ta ca
tụng sự thành đạt hữu hình như công danh, sự nghiệp vật chất của cá nhân, và lấy
đó làm thước đo giá trị con người.Từ quan niệm đó,giá trị đạo đức mất dần chỗ đứng
trong tâm hồn nhân loại. Người người chạy theo vật chất,trồi sụt trong vòng danh
lợi, quyền thế để thỏa mãn hưởng thụ cá nhân mà họ gọi là hạnh phúc.Tánh tự
mãn, vị kỷ chiếm thượng phong trong cách sống để lần lần con người xa dần thiện
lương.Tình yêu thương chia sớt giúp đỡ nhau khi hoạn nạn trở thành lạ lùng hiếm
gặp.Mãi chạy theo hưởng lạc thú vật chất, kết quả là con người mãi trầm luân
trong bể khổ do họ tự tạo theo vòng nghiệp lực luân hồi sinh - tử.
* ĐỨC CHÍ TÔN đau lòng khi
nhìn những đứa con của NGÀI rời xa vòng tay NGÀI rồi mất hút trong biển trần,
NGÀI xuống thế lần thứ ba qua huyền linh cơ bút bằng phép thông công để mở mối
Đạo hầu cứu vớt đưa con cái của NGÀI trở lại Thiên tánh.Lần thứ ba gọi là Đại Đạo
Tam Kỳ Phổ Độ, NGÀI lấy Nho Giáo làm căn bản để sửa cải con người trở lại thuần
lương thánh đức.
Trái với 2 lần phổ độ trước, Đức CHÍ TÔN đưa
Phật xuống trước để cứu rỗi con người để đưa nhân phẩm tấn hóa lên trở về Phật
vị.
Nay lần
thứ ba NGÀI dùng Nhân Đạo là Nho Giáo để đưa con người vào đường Thánh đức để từ
đó tấn hóa theo phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật đến Thiên Đạo giải thoát.Đại Đạo
Tam Kỳ lấy Nho tông làm căn bản chuyển thế.Chuyển thế có ý nghĩa chuyển từ bỉ cực
đến thái bình, từ xã hội hỗn loạn,suy đồi đạo đức sang một thế giới trật tự an
lạc, công bằng thạnh trị.
Mang vai trò chuyển thế,Nho Giáo có sứ mạng
giúp con người thực hiện Nhơn Đạo, lấy tu thân sửa mình là noi theo Ngũ thường
xử thế giữa người với người.Ngũ thường là 5 đức tính hằng có sẵn của con người
" Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín., thực hành được 5 điều này là sửa tâm cho tốt
đẹp đến gần Thiên Lý là đạo Trời.Đó là sự thăng hoa của tính nhân bản trong sự
tương giao với xã hội.
* NHÂN: Thể hiện qua cách sống
tương giao người với vạn linh, bằng tình thương, biết đùm bọc khi hoạn nạn,chia
sớt mà không vị kỷ chính là trách nhiệm của mỗi người trong xã hội qua tính
lương thiện, độ lượng vị tha phát xuất từ lương tâm mà không tính toán.
Chữ
Nhân còn là ý nghĩa làm cho xã hội được vẹn toàn hạnh phúc.
* NGHĨA: Là lẽ
phải vì lợi ích chung của xã hội, vì lẽ công bình chính trực.
" Hễ biết nghĩa thọ ơn chẳng bội
Giúp
cho người chớ vội khoe ra..."
hoặc " Ơn trợ giúp khá lo đền báo
Giữ vẹn tròn nghĩa đạo với đời...."
( Kinh sám hối của Cao Đài).
Ngoài
ra vì nghĩa vụ với đất nước, tổ tiên, ơn tấc đất ngọn rau, núi sông phải đền
đáp,con người phải gánh lấy trách nhiệm, gạt bỏ tính toán vị kỷ.Nghĩa vụ này phải
báo đáp theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc.
" Làm người nhơn nghĩa giữ tròn
Muôn năm
bóng khuất tiếng còn bay xa..."
..( Kinh sám hối của Cao Đài).
* LỄ: Trong Nho Giáo chữ lễ thực
hiện trong tập quán lễ nghi.Lễ bao gồm những phép tắc xử thế phù hợp với lòng
người, thuận theo chữ Hòa trong trật tự của Trời, đến chúng ta là những trật tự
cao thấp, thứ bậc từ gia đình đến ngoài xã hội.Có thứ bậc để tạo ra lễ nghi mà
vẫn giữ lấy phẩm giá của người.Trên lấy lễ đãi người dưới, kẻ dưới dùng lễ để
tôn kính cái lễ của người trên mà tạo thành hoà ái.Thực hành lễ để tu dưỡng
tánh tình khiêm cung, lễ để phân định phải, trái, trật tự trên dưới phân minh
thích hợp,nhờ lễ người ta phân biệt được kẻ nhỏ người lớn có quy định đối xử
khác nhau do đó không có hiềm nghịch khích bác lẫn nhau.Và cũng nhờ lễ mới định
được chính danh.
Lấy lễ để kềm chế lòng dục. Con người thường
bị dục vọng lôi kéo, nếu không có lễ để chế giảm thì dục vọng làm cho người hư
hỏng, lễ là để ngăn ngừa sự việc tội lỗi để không xảy ra. Còn luật là pháp luật
để trừng trị tội lỗi đã xảy ra rồi.Lễ chú trọng về mặt giáo hoá hướng con người
đến việc lành, thiện theo lương tâm, dạy người ta việc gì nên làm và việc gì
không nên làm.Còn pháp luật để trừng trị.Nếu không có lễ thì cả xã hội mãi chạy
theo trừng phạt mà không giáo dục thì xã hội tất loạn, không thể có một xã hội
thái bình an lạc được.
* TRÍ: Trong Nho Giáo chữ trí là sự
học hỏi để trí tuệ thông suốt biết phân biệt chánh, tà, phải, quấy.Học cho đến
tận cùng lý, tìm được lẽ nhất quán của Trời. Gọi là học để tự chứng tự nghiệm
nghĩa là biết được Thiên Lý.
Trí
trong Nho Giáo là dùng sự hiểu biết của mình để tu thân hoàn thiện " khắc
kỷ phục lễ"và đem sự biết của mình truyền lại cho người.Đức Khổng Tử cả đời
theo đuổi sự học và dạy học và người đời sau gọi Ngài là " Vạn thế sư biểu".
Tìm trong Tứ thư,Ngũ Kinh của Nho Giáo
không thấy Đức Khổng Tử hoặc các bậc Nho gia nhắc đến Niết bàn hay Trí Huệ Bát
Nhã, nhưng lại nhấn mạnh đến vấn đề tu thân để trở nên người quân tử,hiền
nhơn.Không phải tất cả học Nho đều trở thành nhà cai trị lỗi lạc " tề gia,
trị quốc, bình thiên hạ" nhưng cốt lõi để sửa mình trở nên hiền nhơn, mọi
người đều trở nên hiền nhơn, thánh hiền thì xã hội không loạn lạc, thái hòa an
vui đó là bình thiên hạ.
* TÍN: Chữ Tín rất quan trọng trong
Nho Giáo. Vấn đề giao tiếp giữa người với người cần phải giữ chữ tín là tin tưởng
với nhau. Tín là phép tắc tương giao để tạo cho mình một uy tín, thể hiện sự thủy
chung trước sau như một, nói, làm đi đôi, còn là lòng thành thật đối với nhau.
Và ngay cả giữ gìn tín với bản thân mình để trau dồi làm sáng cái đức gọi là tu
đức.
* Người tín đồ Cao Đài trước tiên cần tu
dưỡng đạo đức lấy Nhơn Nghĩa Lễ Trí Tín của Nho Giáo làm căn bản noi theo sửa
mình là trau tâm sửa tánh để làm tròn Nhơn Đạo.Từ Nhơn Đạo để lập đức, lập
công, lập ngôn rồi từng bước đi vào đường tấn hóa để đến Thiên Đạo giải thoát.
Trong
giáo lý của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Ngũ chi là Nhơn Đạo, Thần đạo, Thánh đạo,
Tiên đạo và Phật đạo.. Năm bậc thang tiến hóa mà người tín đồ Cao Đài noi theo
tu dưỡng cho đến lúc "phản bổn hoàn nguyên" nghĩa là hiệp nhứt với khối
Đại Linh Quang của Đức CHÍ TÔN, mà con người là một Tiểu Linh Quang từ khối Đại
Linh Quang, Đức CHÍ TÔN ban cho như lời Đức CHÍ TÔN đã dạy " THẦY là các
con, các con là THẦY".
Trong cách tu này, Đức Hộ Pháp là bậc nắm
về cơ phổ độ hữu hình của Đạo Cao Đài đã từng dạy để các tín đồ thực hành từng
bước đi đến giải thoát là:Tùng khổ, Cứu khổ khổ,Thọ khổ,Thắng khổ, và Giải khổ.
Năm bước đi là 5 trình độ tấn hóa, chuyển
hóa liên tục trên đường giải thoát vòng luân hồi, khỏi sự khổ đau phiền não của
kiếp người để trở về hiệp nhứt với Chân Nguyên là Đại Linh Quang của Thượng Đế
gọi là Thiên Đạo giải thoát.
Khi bắt đầu nhập môn là người tín đồ Cao Đài từng bước một
đi vào cửa Đạo. Đầu tiên theo Nhơn Đạo nghĩa là nhập thế, như lời Đức CHÍ TÔN
đã dạy..."trong các con có nhiều đứa lầm tưởng hể vào Đạo thì phải phế hết
nhân sự, nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng có một điều rất thấp thỏi là vào một chỗ
u nhàn mà ẩn thân luyện đạo. THẦY nói cho các con biết nếu công quả chưa xong
thì không thể nào các con luyện thành đặng đâu mà mong.Vậy muốn đắc quả chỉ có
một điều phổ độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng thế này thì tìm cách
khác mà làm âm chất thì cái công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng thể đạt được địa
vị tối cao..."( TNHT, đại đàn Cầu Kho ngày 5 Mars- 1927).
Từ những lời dạy Đạo buổi ban sơ đã chỉ rõ
con đường Tu của người tín đồ Cao Đài là phải nhập vào trường thi công quả, là
bôn ba trong cõi nhân gian cùng với nhơn sanh chịu đắng cay của kiếp người gọi
là tùng khổ.
Tùng
khổ là cộng khổ với nhơn sanh để thấu hiểu và yêu thương vạn linh nhiều hơn nữa.
Dùng đức Nhân trong Nhơn Đạo là nhân ái, nhân nghĩa, nhân từ, nhân nhượng, nhân
hậu và nhân văn để ứng xử với đời, làm gương sáng dìu dắt nhơn sanh vào đường đạo
đức gọi là Cứu khổ .
Vào con đường lập đức cứu khổ, người tín đồ
Cao Đài đã bước vào giai đoạn chuyển tiếp tấn hóa hơn, lòng bác ái chấp nhận hy
sinh bản thân để gánh khổ cho đời gọi là Thọ khổ. Cảm nhận nỗi khổ của vạn linh
trên thế gian, người hành giả lấy tình thương và lòng bao dung để vượt thoát ra
khỏi danh lợi phù phiếm, không so đo tính toán hơn thiệt, lòng nhẹ nhàng đi vào
cõi tịnh độ để thoát khổ.Một khi xa lìa bản ngã, rời bỏ tham, sân, si, làm chủ
được lục dục thất tình, hành giả nhẹ nhàng bước vào con đường giải khổ cho
chúng sanh như lời Đức CHÍ TÔN dạy:" THẦY lại khuyên nhủ các con rằng: THẦY
đã đến chung cùng với các con, các con duy có Tu mà đắc Đạo; phải đoái lại bá
thiên vạn ức nhơn sanh còn phải trầm luân nơi khổ hải chưa thoát khỏi luân hồi,
để lòng từ bi mà độ rỗi...."
( TNHT,Q1,Mercredi,4 Aout - 1926).
( Mùng 5_6_Bính Dần.
Lời Đức CHÍ TÔN dạy Đạo buổi đầu vẫn mãi
lưu truyền để môn đệ Cao Đài ghi khắc vào tâm. Quay về tự tánh, nhìn vào tâm
mình để gột rửa bợn trần, không để lục trần làm nhơ tâm trong sạch hầu tầm
phương giải thoát.
Tóm lại Vai trò của Nho Giáo trong Đại Đạo
Tam Kỳ Phổ Độ mà Đức CHÍ TÔN giao phó như một nền tảng vững chắc để người người
bước vào giải khổ mà không sa ngã lạc lối.
Từ Nhân phẩm phải tùng khổ
để vào Thần vị
Từ Thần vị phải Cứu khổ,
lập đức lập công lập ngôn để vào Thánh vị.
Từ Thánh vị là phải hy
sinh, có lòng bác ái, vị tha, thoát khỏi vòng danh lợi ở cõi thế gian để từng
bước vào hàng Tiên vị.
Từ Tiên vị đã thoát khổ,thong
thả nhìn đời thế gian là bọt nước phù du, sắc sắc không không để hành Đạo tiến
hoá lên hàng Phật vị.
Từ Phật vị đã đạt Đạo rồi
vẫn tiếp tục tu luyện để giải thoát gọi là giải khổ cho chúng sanh là thoát khỏi
vòng luân hồi vay trả để trở về hiệp nhứt với khối Đại Linh Quang gọi là Thiên
vị. Như câu dạy của Đức CHÍ TÔN " THẤY là các con, các con là THẦY".
Qua bài viết,tiện muội mong rằng chúng ta
mang tâm thái khách quan để xét Nho Giáo và từ đó chúng ta hiểu thêm về Cao
Đài, một tôn giáo mới đầy tính nhân bản, nhân văn để đưa nhơn loại hưởng một thế
giới an lạc, thái bình hòa ái tương thân.Một thế giới người với người đối nhau
bằng tình thương yêu và công bình để tạo một cõi Thiên đàng tại thế trước khi
bước vào cõi hư vô cực lạc.
Pháp môn nào cũng hướng con người về điều
thiện lành, và luật công bình nhân quả của Thiên điều không chừa một ai đó là
Thiên Lý mà Nho Giáo thường nhắc nhở.Sự tu thân để trở về Đạo chẳng ngoài tâm
và lương tâm tức là Trời.
Mang sứ mạng tạo đời " cải dữ ra hiền",
người môn đệ Cao Đài thực hiện Ngũ luân,ngũ thường trong đời sống hằng ngày để
làm gương sáng trước nhơn sanh. Lấy Nho Giáo làm căn bản trong hành tàng của
mình để " Hoằng khai Đại Đạo và Phổ Độ chúng sanh".
Tiện muội xin kết thúc bài viết, cảm ơn Quý
Hiền đã đọc một bài viết dài và khô khan, có gì thiếu sót xin lượng thứ và góp
ý thêm để chúng ta cùng thực hiện " Nho tông chuyển thế" hầu sửa đổi
hoàn thiện hơn trên bước đường Thiên Lý còn diệu vợi.
" Buông trôi ví chẳng tròn Nhơn Đạo
Còn có mong chi đến Đạo Trời! "
( Thi văn dạy Đạo,TNHT).
Kính
chúc Quý Hiền được hưởng Hồng Ân của hai Đấng Trọn Lành Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu.Kính
thân!
Ngày 14_10 âl năm Nhâm Dần.
7-11-2022
Lê Thị Ngọc Vân.
No comments:
Post a Comment