Tuesday, May 17, 2022

 

Hạnh phúc là gì? 

 

Mở đầu bài Khai Kinh trong Kinh cúng Tứ thời mà chúng ta đều thuộc nằm lòng: 

"Biển trần khổ vơi vơi trời nước

Ánh Thái Dương rọi trước phương Đông..."

 

(Dịch từ bài Kinh chữ Hán "Trần hải man man thủy nhật Đông", đã như một xác quyết cõi trần ai là một biển khổ và câu Ánh Thái Dương rọi trước phương Đông là một cánh cửa mở ra ánh sáng để xua tan bóng tối khổ đau.

Hầu hết con người đặt mục tiêu của đời sống là tìm hạnh phúc. 

Vậy hạnh phúc là gì? Thật khó định nghĩa được hạnh phúc,khi mỗi người có một quan điểm riêng.Trong bài viết nhỏ này không có ý giải thích thêm về hạnh phúc vì từ ngàn xưa đến nay con người đã tốn rất nhiều bút mực để nói về hạnh phúc. Ở đây chúng ta tạm hiểu và chấp nhận hạnh phúc là thỏa mãn được ước mơ, cảm giác toại nguyện của cá nhân như là một thước đo sự hài lòng với cuộc sống của con người. 

Bởi con người muốn được thỏa mãn, hài lòng trong cuộc sống nên tìm cách tránh né đau khổ, nhưng hằng ngày ta lại đối diện với những buồn phiền, không hài lòng. Từ hàng chục ngàn năm trước,khi con người biết tập hợp lại thành xã hội thì ý thức tâm linh cũng có mặt trong đời sống, tôn giáo xuất hiện như một cứu cánh giúp con người vơi bớt khổ đau.Kéo dài qua nhiều thời kỳ các vị Giáo Chủ tôn giáo lần lượt xuất hiện đặt ra những phương cách giải thoát đau khổ, tìm sự an lạc trong tâm hồn cho đến ngày nay con người vẫn mãi miết đi tìm hạnh phúc thông qua sự hài lòng vật chất. 

Con người càng đi sâu vào khoa học kỹ thuật thì trường tranh đấu giữa hạnh phúc và khổ đau càng lớn. Khi chạy đua theo vật chất để thỏa mãn những đòi hỏi hữu hình của con người càng cao thì tỷ lệ "không biết đủ" càng nhiều. Do vậy sự thèm muốn và đau khổ vì không hài lòng kéo thêm sự đau khổ tinh thần.Đôi khi trong nỗi đau thể xác hoặc tinh thần con người bèn quay về tìm một năng lực siêu nhiên vô vi để làm dịu cơn khát vọng hạnh phúc. 

Trong bối cảnh đầy sự đau thương của thế gian, các tôn giáo đều chung một mục đích đem hạnh phúc vĩnh cửu cho nhân loại qua những Giáo Pháp, những Quy điều để ngăn chặn lòng tham,, để trau luyện con người đến thiện lành gọi là làm lành lánh dữ. Gần đây nhất vào giữa đầu thế kỷ XX, một nền tôn giáo mới xuất hiện tại miền Nam Việt Nam với tên gọi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do chính Đấng Thượng Đế hay còn gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế khai mở Đạo, gọi tắt là Đạo Cao Đài.Hai chữ "phổ độ" đã nói lên mục đích của nền Tôn Giáo mới này là độ dẫn hết nhơn sanh về nơi Cực Lạc. 

Với quan niệm Nhân Sinh quan mới mẻ của ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ, người tín đồ Cao Đài thích nghi cuộc sống ngoài đời và tương hợp Đời - Đạo trong thế quân bình.Người đệ tử Cao Đài hiểu rằng thế gian này chỉ là trạm dừng chân của Chơn thần, mà người đời hay gọi là quán trọ, con người là khách trần trong chuyến đi vào thế gian để học hỏi thêm trên đường tấn hóa hầu đạt được hạnh phúc vĩnh hằng, và bài học sự khổ đau của kiếp người là thử thách,trau dồi đạo đức nên thiện lành hơn. 

Mang mục đích thoát khổ ở cõi trần, người tín đồ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có nhiều cách để tìm về an lạc hạnh phúc tùy theo sự lựa chọn cá nhân không ngoài những luật lệ,nội quy của Chánh Pháp. Thông thường con đường nào cũng phải nhập thế độ sanh, phải lăn lộn giữa trường đời náo nhiệt.Những biến cố thăng trầm của đời người trong cuộc sống trần tục là nhân - quả theo luật Nhân Quả, Công bình nên người tín đồ Cao Đài vui lòng nhận lãnh gọi là  thọ khổ ". Biết đủ để từ bỏ những tham vọng bất chánh đưa đến sa ngã,  và khổ đau vì không toại nguyện, những tham muốn này như một vòng luẩn quẩn trói buộc con người mãi trong vòng luân hồi nghiệp quả.Biết đủ để không cầu hạnh phúc cho riêng mình nên người đệ tử Cao Đài mang tâm thái an nhiên đi vào đời để cùng chúng sanh thọ khổ. Cảm nhận những đau khổ của người khác đang gánh chịu như mình đang cảm thọ để chia sẻ thương yêu và thấu hiểu. 

Một khi đã đi cùng bạn đồng sanh trong cái khổ gọi là"tùng khổ". Tùng khổ để tìm phương cứu khổ không chỉ riêng mình mà cứu khổ cho đều cả nhơn sanh không phân biệt.Những thiện hành được nối tiếp nhau thực hiện trong tình Bác Ái và Công bình. 

Trên con đường tầm Chơn Lý để tạo hạnh phúc cho nhơn sanh thì chính người đệ tử Cao Đài phải đạt được cái đức sáng của mình. Đức là hành vi cử chỉ thể hiện Đạo lý phụng sự vạn linh,độ đời có nghĩa là giúp đời bằng nhiều cách tùy theo hoàn cảnh từ hình thức đến tinh thần.Đức chính là điều nhơn sanh mong mỏi thiết thực ở Đạo và người đệ tử Cao Đài phải thực hiện lập đức. Đến lúc này bước vào giai đoạn" thắng khổ". Người đệ tử Cao Đài nhìn "biển trần khổ vơi vơi trời nước" mà nhơn sanh trồi sụt trong biển khổ gọi là "mê hà". Để tỉnh thức cần có một trí huệ công phu quay về chính nội tâm của mình "Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến". 

Bằng một tấm lòng từ ái,bao dung tha thứ mở rộng với vạn linh và xem vật chất chỉ là phương tiện để giúp thực hiện lập công, lập đức, lập ngôn nên đến giai đoạn này người đệ tử Cao Đài không còn chấp ngã, vọng tưởng về hình thức để cầu danh đoạt lợi.Bước "thắng khổ" là thắng được" bản ngã" của mình để làm chủ Chơn thần. 

Đã" thắng khổ" rồi,con đường tâm linh của người tín đồ Cao Đài không dừng ở đây.Để tiếp tục hành trình tìm về sự an lạc trường cửu là phải vào con đường" giải khổ"Giải khổ là con đường về Cực Lạc Niết bàn, thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, có nghĩa là" Thiên Đạo giải thoát". Hướng về Chân Nguyên hiệp cùng Đức CHÍ TÔN, làm tròn câu của Đức CHÍ TÔN dạy" THẦY là các con, các con là THẦY". 

Đến đây sau khi đã đủ đầy tam lập, người đệ tử Cao Đài có thể đi tiếp vào con đường tịnh luyện hầu đạt được Tinh Khí Thần hiệp nhứt. 

Để kết luận bài viết tiện muội xin nêu một vấn đề:

"Tu hành có thật sự giải thoát con người khỏi cảnh khổ đau của kiếp người không?

Và hạnh phúc trường cửu, niềm an lạc có phải là nơi Cực Lạc Niết bàn?" 

Xã hội vẫn còn nhiều đau thương từ lòng tham, ganh tị, tranh đấu hơn thua, bất công phân biệt giàu nghèo thì con đường mà người lữ khách phải đi để tìm sự giải thoát nằm ở cuối con đường và bắt đầu từ những bước chân nhỏ nhất. Không ai ban cho mình sự giải thoát nếu mình không cố gắng. Như lời Đức CHÍ TÔN dạy:"Không vì thương mà ĐẠI TỪ PHỤ bồng ẵm ta lên cao thăng Thiên vị được".

 Thành thật cảm ơn Quý Hiền Huynh Tỷ đã đọc bài,dẫu bài còn nhiều thiếu sót vì không đi sâu vào Nhân Sinh quan của Đạo Cao Đài ( bài dài sẽ làm các Quý vị mệt mỏi). 

Tiện muội thành tâm cầu nguyện Đức CHÍ TÔN và PHẬT MẪU ban hồng ân cho toàn sanh chúng được thái bình an lạc. Các Quý Hiền được hạnh hưởng ân phước trên đường phụng sự vạn linh. 

NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.

                  KÍNH THÂN

Lê Thị Ngọc Vân








No comments:

Post a Comment