Tuesday, December 14, 2021

 

Đoạn Ái: Nghĩ – Hiểu – Tập

  

Lời người viết: sau hai ngày tham dự buổi lễ 49 ngày của người chị của một người bạn ở Dallas, người viết tự dưng thấy cần phải chiêm nghiệm thêm về “Đoạn Ái” vì: - Quang cảnh buổi lễ đưa đến quá nhiều thương tiếc, nhớ nhung giữa người và người, - Vị thầy giảng trong buổi lễ cũng đưa ra lời khuyên nhũ là đừng bi lụy nhiều quá đối với người quá cố, chỉ nên giữ “trong lòng” (?)…Có đôi lúc trong giữa buổi lễ, người viết nghe  “lùng bùng lỗ tai” và thấy cần suy nghĩ lại. Chính vì vậy, bài viết dưới đây được nhuận sắt lại. (14/12/2021)

 ***

Hôm nay, ngày 23 tháng 11 năm 2017, tôi muốn nói về tôi và với tôi.

Chỉ trong vòng một tháng, giữa tháng 10 và 11, tôi đã trải qua ba chuyến du hành từ miền Tây Hoa Kỳ, San Jose, đến miền Trung, Dallas, và miền Đông Washington DC. Mỗi chuyến kéo dài 5 ngày, nhưng thực sự làm tôi hụt hẫng …vì mệt!

 

Tổng cộng gồm 3 buổi hội luận, thuyết trình chính thức trước cộng đồng, nhiều buổi hội luận, trao đổi với các hội đoàn, nhóm nhỏ, 4 buổi phỏng vấn trên truyền hình, 4 buổi phỏng vấn trên truyền thanh, và hơn 4 giờ thâu youtube ở ba nơi (mỗi youtube kéo dài khoảng 15 phút, như vậy sẽ có 16 youtube sắp ra mắt).

 Tôi nói gì mà lắm thế?

Tôi nói về Đất và Nước nơi sinh tôi ra. Tôi nói về chuyện:

·       Chuyện Môi trường, Thực phẩm, và Y tế;

·       Chuyện Cộng sản Bắc Việt;

·       Chuyện Trung Cộng triệt hạ nguồn lương thực bằng cách chận nước sông Cửu Long từ đầu nguồn bằng đập Cẩm Hồng, Vân Nam;

·       Chuyện TC đầu độc dân tộc Việt qua thực phẩm nhiễm độc vì có chứa độc chất kích thích (excitotoxins) để tạo ra “hương vị giết người” (mượn lời tựa quyển sách “The taste that kills” của BS Russell Blaylock) nhằm mục đích triệt hạ tinh thần chiến đấu của các thế hệ tương lai của dân Việt sau khi Hán hóa Việt Nam;

·       Chuyện CSBV “đu giây” giữa Mỹ và Tây Phương trong trục “Ấn-Thái Bình Dương” với Trung Cộng để còn nước, còn dân và còn mạng; nhưng nếu theo Tàu chắc chắn mất nước, mất đảng, mất dân, và luôn cả mất mạng!

 

Ngày hôm nay (và dĩ nhiên còn nhiều ngày sau nữa nhằm “nhuận sắc” bài viết lại), tôi dứt khoát tập trung để trang trải, để nói về mình trong suy nghĩ, hiểu và tập trong “pháp mônĐoạn Ái. Mùa Thanksgiving năm nay, đối với phong tục tập quán Mỹ là một Mùa Tạ Ơn, gia đình sum họp, ăn gà tây, cám ơn các dân tộc bản địa (indigenous people) nhứt là Dân Da Đỏ giúp những di dân đầu tiên tức là dân tộc Hoa Kỳ hôm nay ở vùng Đất Hứa Mới.

Còn tôi, sẽ không có gà tây, sẽ không có gia đình để sum hợp…tôi chỉ có bàn phím và người tình “một mắt” (tức chiếc computer) để nói lên cảm nghĩ và suy tư của một người con Việt xa xứ về ngày Lễ Tạ Ơn nầy.

1-    Tuổi Capricorn

Tôi tuổi Capricorn. Theo lịch Tây phương, đây là dấu thứ mười của chu kỳ hoàng đạo, nói lên tất cả về công việc khó khăn. Người Capricorn đều có tham vọng và quyết tâm: sau cùng họ sẽ đạt được mục đích mà họ muốn dù có trải qua muôn vàn khó khăn.

Cuộc sống của Capricorn là một “dự án lớn” cho những người mang tuổi này, và họ thích ứng với hoàn cảnh bằng cách áp dụng cách tiếp cận thực tế cho hầu hết mọi hành động họ muốn làm và thực hiện. Capricorn cũng thực tế, từng bước một và thực tế và càng thực tế càng tốt. Người sinh ra dưới ký hiệu Capricorn rất tận tâm với mục đích mà mình chọn lựa, hầu như đến mức bướng bỉnh. Những chiến thắng chắc chắn có mùi vị ngọt ngào nhưng cũng có những đắng cay trong đó …dù mục đích đã đạt được.

Con Dê tượng trưng cho Capricorn. Dê thích leo lên đỉnh núi, nơi không khí trong lành. Trong tận cùng của suy nghĩ, Capricorn mong muốn được lên đến đỉnh cao của lĩnh vực được lựa chọn của người mang tuổi nầy. Không phải lúc nào Dê cũng muốn đi dạo trong công viên, vì vậy Dê đã bị chảy máu, sức móng, rách tai, đôi khi còn bị tổn thương nặng nề vì dư luận, vì định kiến, vì “địa phương tính”… trên đoạn đường đời đã trải qua. Nhưng cuối cùng, Dê cũng “đứng dậy” và đi tiếp. Những đặc tính riêng biệt độc đáo của Dê:

·       Những điểm yếu: - Biết tất cả - Khó khăn trong tha thứ - Không chấp nhận hạ mình - Mong đợi và chấp nhận điều tồi tệ nhứt xảy ra cho chính mình;

·       Những điểm tốt: - Luôn tích cực trong công việc – Biết lắng nghe – Sống với niềm Tin và hướng thượng.

Tất cả những ghi nhận trên được trích từ các mạng lưới toàn cầu và thấy đúng cho người viết! Hy vọng sẽ có ít nhứt một người hiểu được Capricorn Phổ Lập!

2-    Ái

Sau gần tám thập niên (chỉ thiếu một năm nữa thôi!) hiện diện trên cõi ta bà nầy, cuộc sống cũng đã xuyên qua quá nhiều “ngả rẽ” (turning point), quá nhiều bước đi gập ghềnh cũng như phẳng phiu.

·       Có những lúc tưởng chừng như yên ả, nhưng thực sự là những luồng sóng ngầm, giông tố chập chùng đang chờ đợi…

·       Có những lúc hầu như tuyệt vọng nhưng rồi …an bình lại hiện đến…

·       Và cũng có những lúc, một mình chiêm nghiệm lại quá khứ đã qua, và chỉ âm thầm sám hối.

Về Vô minh, Đức Phật định nghĩa như sau: “Và này các Tỷ kheo, thế nào là Vô minh? Này các thầy Tỳ kheo, không biết rõ về Khổ, không biết rõ về Khổ tập, không biết rõ về Khổ diệt, không biết rõ về con đường đưa đến Khổ diệt, đây gọi là Vô minh”. 

Mọi cá nhân hiện hữu đều có “Tự ngã” và thường xuyên cố gắng nuôi dưỡng, phát triển tự ngã giữa sự thật “Vô ngã”. Chính lối tư duy và hành động này đã nuôi dưỡng Vô minh và thúc đẩy con người khư khư lấy ý niệm: “Cái này là của tôi, là tôi, tự ngã của tôi” càng lớn, trong đó chủ thể nhận thức đã có mặt tác ý lên mọi hành động mà con người biểu hiện ra bên ngoài.

Tất cả cũng do chính mình, cũng do cái tôi còn lùng bùng trong vô minh cho nên mới ra cớ sự. Chính vì vậy, suy nghĩ về đoạn ái, đã được tôi chiêm nghiệm và tìm hiểu cách đây khoảng 10 năm. Mười năm ngụp lặn trong những toan tính, trong những cuộc hành trình phức tạp, trong quyết định chín chắn cũng như cũng không chính chắn và trong một cơn “xúc động và tự ái“ vội vã

Để rồi, ngày hôm nay trong cái tĩnh mịch của đêm thâu, mới thấy chữ “ÁI” cũng chính là do vô minh tạo dựng!

Chính là do Vô minh cho nên mới Hành, do Hành mới Thức, do Thức mớiDanh sắc, từ đó, do Danh sắc mới có Thọ, rồi từ Thọ sinh ra ÁI. Kết cục, từ Ái mới nảy sinh ra thất tình, lục dụcĐó là sự vận hành của tất cả Khổ uẩn trong nhân gian.

Ái không phải là thực thể tự có và không thể tự nó vận hành độc lập. Nó càng không phải là bản chất hay lẽ sống của con người mà chỉ là kết quả hiện hành của vô minh. Thêm nữa, Ái còn lấy Vô minh làm thức ăn thức uống, một khi Vô minh hiện hữu đầy đủ, Ái sẽ hiện hữu đầy đủ. Vì thế, Ái mang bản chất của sự Vô minh và Khổ đau.

Kinh nghiệm của cuộc sống ở cõi ta bà nầy cho thấy, con người sinh ra để sống với các khát vọng hạnh phúc không thật và sự thỏa mãn lạc thú với thất tình lục dục. Dục vọng càng bốc cháy thì con người càng khổ đau không nguôi.

,

“Do Vô minh diệt nên Vô minh tận, do Vô minh tận nên nảy sinh ra ra Thức diệt”.

Sau cùng, đây mới thực sự là sự Đoạn diệt của toàn bộ Khổ Uẩn.

3-    Đoạn Ái 

Trên thực tế, đã là con người, cũng do lòng ham muốn thỏa mãn Khát Ái cho nên vô minh theo đó mà vận hành và dẫn đến sự hình thành các cảnh giới khác nhau, gọi là tam giới: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Vì vậy, cần phải bước ra khỏi đời sống khát Ái. Đoạn trừ Ái là đoạn trừ Vô minh.

Nhưng… Vốn làm người, làm sao bỏ được Khát Ái hay Tham Ái…

Do đó, cần phải Đoạn Ái.

Mà Đoạn Ái phải như thế nào?

Chỉ có một con đường duy nhứt để đoạn Ái là chính mình cần có suy nghĩ, thực hành một nếp sống bước ra khỏi thế giới của Vô minh, của lòng khát ÁI. Bởi vì, chính Ái luôn trói buộc con người đi vào sự thỏa mãn của các chấp thủ và chơi vơi trong Khổ uẩn. Thậm chí, Ái còn đưa con người hoài niệm về quá khứ và mở ra những viễn cảnh tương lai hão huyền, không thực tế. Để rồi từ đó dẫn ta đi vào…mê lộ!

Một khi con người chế phục được Ái sẽ đem lại an nhiên tự tại, tâm trí trở nên thanh tịnh, sáng suốt để giải quyết các công việc của chính mình, và cho mọi người. Từ đây, Tuệ sẽ phát triển, cuối cùng Ái sẽ không còn có mặt và Vô minh cũng vắng bóng. Con người an trú trong thế giới an bình của chính mình và cũng không cần phải truy tìm.  

Đó là chân hạnh phúc.

Một khi đã bước ra khỏi thế giới của Vô minh rồi, mặc nhiên, chúng ta đang hành trình trong tiến trình Vô ngã vì đã thoát khỏi lòng khát Ái thì mình không còn chấp thủ mọi hoạt động gây khổ ưu và phiền não cho bản thân và mọi người. Nhưng nói thì dễ, nhưng mấy ai thực hành được. Người viết cũng đang chập chững bước vào, nhưng cũng đã bị vấp ngã luôn. Vấn đề là phải luôn ý thức đừng để phải “lụy” vào trong Ái nữa!

4-    Tập

Nói đến đây, qua những sự hiểu biết và suy nghĩ trên, làm thế nào để Tập đây. Việc nầy, Người có cá tính của con Dê Capricorn đã hành xử như thế nào?

Để trả lời: Vẫn còn ở bậc tiểu học trên con đường tận diệt Vô minh để xóa lòng khát Ái và cuối cùng nhằm tiến tới giai đoạn Đoạn Ái!

Với trình độ nhận thức trên đây, hiện tại, “mình” vẫn còn quằn quại trong chấp ngã, trong khát Ái, làm sao tiến dần đến … Vô minh được?

Làm sao di chuyển cái “Tôi” ra khỏi những định kiến, thiên kiến, thoát khỏi hai chiếc hàm thiết làm cho “con ngựa” Capricorn chỉ đi theo một con đường định sẳn do Vô minh vẽ ra???

Vẫn biết mọi vật trên đời nầy đều Vô thường, phải thay đổi và hoại diệt; không vật gì thường hằng dù chỉ trong phút giây, hay sát na ngắn ngủi. Tôi hiện tại đã không phải là tôi ở sát na trước đó!

Biết mà sao vẫn để Vô minh dẫn đường?

Đó có phải là do Duyên hay Nghiệp kết thành? (Với tôi, Duyên và Nghiệp giống nhau và có cùng một nghĩa.)

Vô ngã là cái tôi được giải thoát.

Vô ngã là sự giải thoát, tức là xa lìa mọi sai lầm của các pháp của tâm thức, không bị xúc thọ ái ràng buộc."trong sự giải thoát là sự hiểu biết".

5-    Kết Luận

Vẫn biết Vô ngã là khi cái Tôi được giải thoát.

Vậy mà, làm sao thoát khỏi cái ngã và thoát khỏi vòng Vô minh qua sự qui kỹ (non-egocentric).

Chỉ còn hình dung được việc tập chú vào tâm niệm kinh Bát Nhã "Yết đế, Yết đế, Ba la Yết đế, Ba la tăng Yết đế, Bồ đề. Tát bà ha" để hy vọng vượt vòng Vô minh và mang lại sự an bình trong Tâm và Trí…chứ không hề mong cầu được đi qua…Bờ Giác!

Hôm nay, trong giây phút thiêng liêng và lắng đọng của ngày Lễ Thượng Ngươn năm Tân Sửu (và hôm nay trong giây phút trang nghiêm của mùa Giáng sinh 2021), một người con Việt sống tha hương xin được cúi đầu tạ tội thêm một lần nữa với Đất Trời, mang tội bất hiếu với cha mẹ vì không lo tròn hương khói, vun quén mồ mả ở quê nhà, không cùng chia xẻ nỗi đau vật chất và tinh thần với Bà Con trong nước đang quằn quại dưới bàn tay vô thần, vô dân tộc, vô tổ quốc của cường quyền hiện tại.

Một người:

·       Thời thơ ấu: Không biết Quê là gì?

·       Thời thanh thiếu niên: Chỉ biết Quê qua lời kể của Ba Má Anh Chị.

·       Thời trưởng thành: Biết Quê qua nửa vòng trái đất.

·       Thời lưu vong: Biết Quê trong tâm tưởng và hình như trong vô vọng.

Biết đến bao giờ Tôi mới nhìn lại Quê hương đích thực của tôi đây?

Mai Thanh Truyết

Viết cho ngày L T Ơn 2017

Hiu đính Tết Tân Su và –12/2021 

Ghi chú:

Góp ý của BS LTNV, Việt Nam:” Nhà văn Nguyên Phong cũng là một nhà khoa học, trong cuốn " Muôn kiếp nhân sinh" đã dùng lời của một Phi hành gia khi trở về trái đất từ không gian. Chắc Hiền Huynh cũng đã đọc rồi, tiện đây muội chép lại nha:"Khi tôi từ không gian trở về trái đất với một trải nghiệm lạ lùng, tôi thấy rõ sự tàn bạo đang gia tăng khắp nơi. Tôi cảm nhận nỗi đau khổ của những nạn nhân chiến tranh như thể nó xảy ra với chính mình vậy. Tôi thấy rõ những hậu quả mà con người đang gây ra cho trái đất này, chẳng hạn như tàn phá môi trường không thương tiếc. Càng ngày con người càng trở nên ích kỷ, tham lam, vô cảm, lãnh đạm, mà không nhìn thấy những hậu quả họ đang gây ra cho chính họ,cho gia đình họ,hay cho đất nước của họ. Do đó tôi thấy chúng ta cần phải thay đổi những quan niệm lỗi thời từ trước, vượt ra khỏi những tranh chấp thường tình để hướng đến những gì cao thượng, tốt đẹp hơn. Tiếc thay, hiện nay chính quốc gia của tôi cũng đang tiếp tay cho ảnh hưởng xấu xa này. Làm sao chúng ta có thể nói là nhân loại đã văn minh hơn trước, đã tiến bộ nhiều hơn trước trong khi chúng ta không ý thức gì về những việc chúng ta đang làm." 

Trong bài của Hiền Huynh, phần một Huynh nói về những việc Huynh đã làm trong thời gian trước và tính khí của Huynh theo tử vi. Phần này muội không đề cập, chỉ đến phần 2 Đoạn Ái, muội không tranh luận đúng sai vì Pháp môn nào cũng muốn đưa con người giải thoát. Ở đây muội chỉ nói lên một chút về tu thân của người Cao Đài, và qua phần gợi ý của Nhà văn Nguyên Phong muội cảm nhận được sâu sắc tác giả đã đạt được cảnh giới của tình thương yêu vô bờ, không cần đoạn lìa ái, mà lấy ái là thương để hoàn thiện con người mình hơn nữa. Đúng như người Cao Đài đã và đang sống trong giáo pháp lấy tình thương bác ái trải rộng. Muội có email cho Hiền Huynh nhưng vì vừa làm vừa viết nên chắc lời chưa thỏa ý. Hiền Huynh đọc nếu không cùng quan điểm cũng không vì thế trách muội nhiều chuyện thày lay nhen. 

Thêm nữa đây:” Dạ thưa Hiền Huynh, nếu Hiền Huynh muốn muội có ý kiến thì muội chỉ nói dựa trên Triết lý Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Dù muội vẫn thường xuyên theo dõi đọc chiêm nghiệm Giáo lý nhà Phật.

    Nói sẽ rất dài, nhưng không biết Hiền Huynh có nghị bàn trong tinh thần Đại Đồng hay không? 

Trước khi đi vào những từ ngữ đặc trưng của Phật giáo, (thật là rối rắm). Tôn giáo chỉ là phương tiện để người ta đạt Đạo., như Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng khuyên dạy các vị trong tăng đoàn," Qua sông bỏ thuyền". Vậy Chơn Lý nào cũng đều Quy nguyên (về một). Nguyên là khởi đầu, là nguồn cội mà người Cao Đài, người tín hữu Công giáo, hay Hồi giáo đều tin rằng đó là Đấng Sáng thế tự hữu và hằng hữu. Để trở về Quy nguyên, đạo Phật gọi là" bản lai diện mục", đắc Pháp, đắc Phật hay cao hơn đạt đến cảnh giới Niết bàn. Người Cao Đài gọi là" phản bổn hoàn nguyên". Đức Thích Ca Mâu Ni đã tìm thấy con đường giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi bằng Pháp Từ Bi, bằng quay trở lại nội tâm gọi là quán chiếu trong im lặng, triệt tiêu những vọng tưởng của quá khứ, những ái dục của thế gian trong 49 ngày với lời nguyện không ra khỏi cội bồ đề khi chưa tìm được Chân Lý. Ngài đã đấu tranh với chính nội tâm mình qua hình ảnh những quỷ mị cám dỗ v.v ...

 Nhưng chúng ta người trần sau biết bao nhiêu lần sinh tử theo vòng luân hồi nhân quả, đến hôm nay làm người là bậc nhơn phẩm để tiến hóa trở thành Thần, Thánh, Tiên, Phật, để đến lúc hiệp cùng Thượng Đế như lời Đức Chí Tôn dạy:"Khai Thiên Địa vốn THẦY, và sanh Tiên, Phật cũng THẦY; THẦY đã nói một Chơn Thần mà biến Càn Khôn Thế Giái và cả nhơn loại, THẦY là chư Phật, và chư Phật là THẦY”. 

Các con là chư Phật, chư Phật là các con.

Có THẦY mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

THẦY khai Bát Quái mới tác thành Càn Khôn Thế Giái nên mới gọi Pháp; Pháp có mới sanh ra Càn Khôn vạn vật, rồi mới có người nên gọi là Tăng.

THẦY là Phật chủ cả Pháp, và Tăng, lập thành các đạo mà phục hồi các con hiệp một cùng THẦY.

THẦY lập Phật giáo vừa khai Thiên lập Địa nên Phật giáo là trước, kế Tiên giáo rồi mới tới Nho giáo. Nay là hạ ngươn hầu mãn, phải phục lại như buổi đầu, nên phải phản tiền vi hậu. Tỉ như lập Tam giáo quy nhứt thì: - Nho là trước, - Lão là giữa, - Thích là chót.

Nên THẦY phải ngồi sau chư Phật, Tiên, Thánh, Thần mà đưa chúng nó lại Vô Vi chi khí, chính là Niết bàn đó vậy... 

Theo lời dạy của Đức CHÍ TÔN như trên và niềm tin vào Chơn giáo của THẦY, qua hình ảnh Đức Hộ Pháp ngồi trên Ngai, tượng hình ảnh Thất đầu xà là thất tình của con người "hỷ, nộ, ái, ố, dục, lạc, bi" nhưng ở nơi chân Ngài chỉ đạp trên 3 đầu xà tượng trưng cho nộ, ố, dục., hầu nhắn cho nhơn sanh hiểu rằng phải kềm chế ba tình cảm này, không để giận, ghét, ham muốn làm chủ tâm mình, còn những mối tình cảm, vui, buồn, thương, mừng thì không phải diệt. 

      Đoạn Ái của Hiền Huynh có thích hợp với thời kỳ? 

Không có lòng Ái Nhân, ái vật thì sao thể hiện được tính yêu thương của con người đồng đức háo sanh của Thượng Đế, đoạn có phải là lìa bỏ hay không? Khi dứt lìa tâm thương thì sao có tâm từ bi? 

Chỉ như vậy thôi, chơn lý đã bị phàm biến đổi. Trở lại câu nói của muội trên đầu, những từ ngữ khó hiểu là do phàm nhân suy diễn, tưởng rằng càng khó hiểu đoạt Pháp thì Pháp càng cao thâm, người phàm tánh tục khó mong giải thoát, và cuối thời hạ ngươn này thì Chánh giáo đã trở nên phàm giáo một phần, từ chỗ đó đường tu thì rất nhiều nhưng đến Niết bàn thì không phải ai cũng đoạt được. Đến độ Đức CHÍ TÔN phải chính mình hạ thế qua huyền diệu cơ bút thông công giảng dạy Chơn truyền, không giao Chánh giáo qua tay phàm nữa. 

Đạo Cao Đài chỉ chọn lựa những tinh hoa của Tam giáo để hoàn thành công cuộc cứu khổ, để nhơn phẩm sẽ trở thành Thần Thánh Tiên Phật, hay để phản bổn hoàn nguyên. Trở về với nhất nguyên nghĩa là hiệp cùng Thượng Đế. Vì nhân sinh quan Cao Đài là con người là Tiểu Thiên địa, mang Tiểu Linh Quang của Thượng Đế chiết ra từ khối Đại Linh Quang của Ngài. 

Đến đây muội tạm dừng vì thật sự "Đạo pháp trường lưu," như bài kinh Thích giáo của Đạo trong Kinh cúng tứ thời, hoặc như Đức CHÍ TÔN "Bất ngôn như mặc tuyên đại hóa". 

Muội có gì thất lễ Hiền Huynh thứ lỗi cho muội vì muội cũng còn phàm tánh lắm.

Muội hy vọng Hiền Huynh phúc đáp ạ.

Thân mến,

ltnv 54@” 

Phổ Lập đáp từ: 

Đoạn nhưng Vô Đoạn

Ái nhưng Vô Ái.

 










No comments:

Post a Comment