Ngày Má
Tôi Mất
Năm 1981
Chiếc xe Peugeot đen đậu ngay
trước cửa nhà, K. Chủ tịch Huyện Thống Nhất (Hố Nai 4 cũ) bước vào nhà, tay cầm
một túi nhỏ. Sau khi chào hỏi, K. nói:”Hôm nay đem ít qua xuống biếu Cụ vài hộp
sữa và đường, luôn tiện biếu Ông kỹ sư (tôi) mấy gói thuốc Samit để mời khách”.
-
Anh khách sáo quá, xuống Saigon thăm tôi có
chuyện gì không?
-
Có chứ Ông. Có phái đoàn Khoa học-Kỹ thuật ở
Trung ương vào Đồng Nai, nhờ Ông lên thuyết “minh” dự án nhà máy bột ngọt ở Thống
Nhất.
-
Anh thấy đó, Má tôi đang ở trong tình trạng chờ
từng ngày. Chính người bạn bác sĩ có đến khám và nói anh chị em tôi chuẩn bị là
vừa…
-
Ông ráng lên lên đi, rồi sau khi nói chuyện
xong, ăn uống “bồi dưỡng” xong, tôi sẽ nói tài xế chở Ông về.
-
Anh hứa nghe
-
Tôi hứa.
Thế là tôi vội thay quần áo và
lên xe trực chỉ lên Biên Hòa vì nghĩ rằng chỉ nội trong ngày chắc Má tôi không
có mệnh hệ gì đâu.
Nhưng câu chuyện không giản dị
như tôi nghĩ
***
Nhưng mọi diễn tiến đã không xảy ra như K. nói,
câu chuyện bắt đầu qua buổi thuyết trình ngắn của tôi về dự án thiết kế nhà máy
bột ngọt bằng phương pháp thủy phân trong vòng một giờ. Sau đó, tất cả quan khách
và người dự thính đi xuống nhà ăn tập thể cùng với nhân viên của Tòa hành chánh
Huyện. Trên đường đi, K. ghé tai tôi dặn nhỏ rằng:”Ông Kỹ sư chỉ ăn qua loa thôi,
còn về phòng khác ăn”. Và trong vòng khoảng độ 15 phút “trình diễn” màn ăn
chung tập thể với “nhân dân”, chúng tôi gồm K. và phái đoàn trung ương cùng tôi
về một phòng có máy lạnh và rượu thịt ê hề. Tính mị dân của Việt Cộng là
thế đó.
Trở lại câu chuyện, sau khi ăn
uống no say và có người “phục vụ” với khăn thơm và nóng, tôi đòi về lại Saigon.
K. nói tôi xuống gọi tài xế. Qua dãy nhà Hành chánh tôi thấy một cảnh tượng say
sưa, bệ rạc của tên tài xế và các cận vệ (bảo vệ) của K. Vì gần “mặt trời” cho nên các tên nầy xem trời
bằng vun.
Tên tài xế đã say khướt đáp lời
tôi rằng:” Chú đi ngủ đi, sáng sớm mai cháu sẽ đưa chú về” và hướng dẫn tôi về
phòng ngủ cũng ở trong dãy nhà hành chánh Huyện. Và câu chuyện bắt đầu từ đây.
Căn phòng độ 3x3 thước, có cửa
vào và một cửa sổ nhỏ bên cạnh, còn lai ba bức tường kín mít. Trang trí trong
phòng chỉ gồm mồn chiếc giường đơn măc sẳn mùng trên nóc, một chiếc gối và một
cái mền để nằm trên chiếc chiếu bông. Góc sát cửa sổ có kê một cái kệ trống kề
bên một bàn viết bằng gổ tạp và một chiếc ghế. Trên bàn có sẵn một bình tích nước
trà và có một dĩa đựng bốn tách bằng sành. Trên trần có một bóng đèn tròn độ 25
Watt tỏa ánh sáng yếu ớt cho cả phòng. Đó là phòng khách của Huyện trong thời kỳ
đầu thập niên 1980.
Câu chuyện tiếp theo.
Trằn trọc và không thể nào ngủ
được vì sốt ruột không biết Má tôi có mệnh hệ nào không? Đi qua đi lại trong phòng.
Chán chê rồi cũng phải nằm lên giường chợp mắt. Vừa mơ mơ màng màng, tôi nghe
tiếng chuột kêu bên ngoài mép giường. Tôi cố tình xua đuổi. Nhưng chỉ trong một
lát, chuột lại chạy chung quanh mùng dù tôi đã “tém chặt” các mí mùng.
Vào khoảng 3 giờ sáng, tôi quá
buồn ngủ và đi vào giấc ngủ thực sự. Một con chuột không biết đi vào bên trong
mùng vào lúc nào đã cắn vào trái tai bên trái của tôi. Tôi bừng tỉnh và ngồi dậy.
Một vết máu dính vào ngón tay tôi khi chạm vào đó.
Từ đó tôi tỉnh ngủ luôn và đi
tới đi lui cho đến gần sáng. Chịu không được nữa, tôi chạy xuống dãy nhà tập thể
đánh thức anh tài xế dậy vó nói anh phải đưa tôi về Saigon. Thấy thái độ cứng rắn
và quyết liệt của tôi, anh thức dậy, rửa mặt và ra xe.
Sau chừng 45 phút, tôi về trước
hẻm và thấy đứa con trai lớn chạy theo nói vói theo:”Bà Nội đã chết rồi Ba”.
-
Nội mất mấy giờ con?
-
Ba giờ sáng nay…
-
Con tôi
còn nói thêm rằng Bà Nội sắp đi, nhưng thỉnh thoảng cũng ráng mở mắt thều thào
hỏi :“Ba con về chưa?”
Phải chăng con chuột cắn trái
tai vào lúc ấy, chính là lúc Má tôi chờ tôi không được và đi luôn?
Má tôi mất ngày mùng 6
tháng 9 năm Tân Dậu (1981).
***
Nhớ lại ngày xưa, trong thời hỗn
loạn sau 1975, một hôm, Má tôi thình lình bước vào nhà, tay cầm nải chuối sứ chín,
tôi hỏi:
-
Ủa Má, Má lên đây bằng gì?
-
Má đi xe buýt lên con. Nhớ mấy đứa cháu quá, Má
chạy lên thăm…Má nói qua giọng nghẹn ngào!
Hình ảnh tuổi thơ lại trở về với
tôi khoảng năm 1947 lúc tôi chưa đầy năm tuổi, Bà Ngoại từ Bùng Binh, Trảng
Bàng gần Tha La đi xe lam, xe đò xuống Saigon, cũng trong tay xách một giỏ trái
trâm sắn cùng một bịch chuối khô…Lòng tôi quặn lại lúc nầy dù hình ảnh câu chuyện
trên đã xảy ra hơn 70 năm qua, chỉ còn trong ký ức của một trẻ thơ lúc đó!
Và, những lời ngắn gọn tôi đã
viết về Má tôi trong “Tâm tình Người con Việt” xuất bản năm 2011 như dưới đây:
“Nói với Má tôi: Thưa Má,
Mặc dù biết chắc Má sẽ mất trong vài ngày tới, vì các bạn Bác sĩ của
tôi đã khám và cho biết như trên. Tôi cũng đã họp anh chị em trong nhà để báo
tin và cùng nhau chuẩn bị đóng góp tiền bạc hầu chuẩn bị ma chay cho Má. Nhưng
thêm một lần nữa, tôi đã không về kịp để nhìn mặt Mẹ lần cuối. Lại thêm một tội
bất hiếu nữa của tôi. Tội bất hiếu nầy tôi không thể tha thứ cho tôi được, vì
lúc đó, tôi, vì “mãi mê” lo xây dựng đất nước mà chấp nhận đi lên Biên Hòa nói
chuyện với một phái đoàn kỹ thuật về việc xây cất một nhà máy bột ngọt tại Hố
Nai 4.
Trở lại Má tôi, một người Mẹ chơn chất và đôn hậu. Trong suốt đời tôi
chưa hề nghe hoặc thấy Má tôi la rầy hay biểu lộ một nỗi bất bình nào. Nhiều
khi tôi bất mãn với bà khi chính mắt nhìn thấy được sự hỗn hào của các cô, em của
Ba tôi, mắng nhiếc Má một cách vô lý và bất công. Rất nhiều khi tôi bực mình hỏi
thẳng Má tại sao Má không đáp lại. Má chỉ ôn tồn trả lời rằng: “Kệ thây nó con!”.
Chữ “kệ thây” cho đến bây giờ vẫn còn là một công án cho
con chiêm nghiệm đó Má.
Tuy nhiên, có một chuyện của Má mà tôi
muốn chia xẻ cùng bà con là, trong tính đôn hậu hằng hữu của Má tôi cũng có một
đức tính cương quyết mà tôi chỉ thấy một lần trước khi Má mất. Số là, vào những
ngày cuối đời, tôi thường ngồi nói chuyện với Má. Có một lần và là một lần duy
nhứt, Má tôi tâm sự:”Không phải Má sợ chết đâu con, nhưng Má muốn sống để thấy
“tụi nó” chết, vì tụi nó làm khổ bà con mình quá chừng đi”.
Thưa Má, lời nói mộc mạc của Má, con vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây và
cố gắng thực hiện lời chúc tương tự đến với mọi người con Việt giống như lời
chúc của người Do Thái chúc mừng nhau mỗi khi gặp mặt. Đó là ngày mai sẽ gặp
nhau tại Sài Gòn.”
Phổ Lập
Nhớ MÁ
trong mùa Vọng 2021
No comments:
Post a Comment