Thưa Bà Con,
Một bài viết nhè nhẹ dưới đây được
tìm thấy trên mạng làm cho mỗi người trong chúng ta vơi đi “cái nặng nề” trong
nỗi u uất của Tháng Quốc hận. THân mời Bà Con đọc.
***
Tìm dấu chân trên cát
Căn phòng lạnh. Tôi bước xuống
nhà mở thêm chút sưởi và pha một tách trà cho ấm. Trăng sáng ngoài cửa sổ. Đêm
nay lạnh nên bầu trời thật trong và li ti những vì tinh tú, không một chút mây.
Trời cũng đã khuya, tôi đi thu
dọn lại mấy quyển sách còn đọc dở dang, đặt lại trên kệ cho yên một ngày, sắp xếp
lại những cây viết trên bàn cho gọn.
Ánh trăng dường như sáng hơn
vào những đêm mùa đông. Ánh trăng màu trắng xanh. Có những đêm sau giờ ngồi thiền,
bước đến cửa sổ nhìn xuống vườn, thấy những bóng cây đổ dài trên sân tôi cứ ngỡ
là mình quên tắt đèn ngoài hiên.
Vô ngã không có nghĩa
là không có mặt
Bạn có bao giờ đi dạo trên một
con đường làng vào những đêm trăng sáng chưa? Những giây phút ấy, ta cảm thấy
được sự sống mãnh liệt của thiên nhiên. Có lần tôi đi dạo với người thân trên một
con đường quê. Không gian ở vùng xa thành phố thật yên tĩnh, và trăng thật
sáng.
Đi giữa
thiên nhiên trong đêm, dường như thính giác của ta trở nên bén nhạy hơn. Tôi có
thể nghe được âm thanh của lá, của mây, của gió, của sự sống trong cây cỏ.
Bạn biết không, có lẽ trong đạo
Phật, chúng ta ai cũng hiểu được về vô thường, nhưng không dễ mấy ai hiểu và chấp
nhận được lý vô ngã (no-self). Ta đang có mặt nơi đây, với những buồn vui, lo
âu, suy tính… thì làm sao ta lại có thể nói rằng là mình không hiện hữu được?
Tôi nghĩ, vô thường cũng chỉ
là một biểu hiện khác của vô ngã. Sự vật là vô thường vì bản chất của nó là vô
ngã. Bỡi vì bản chất của nước là vô ngã, mà mùa hè ta có mây trôi, mùa thu ta
có những hạt mưa bay, mùa đông có tuyết rơi, và sương mù phủ kín rừng non xanh
lá vào những sáng mùa xuân. Vì bản chất của nước là vô ngã nên nó có bao giờ mất
đi đâu, mà chỉ thay đổi hình tướng!
Vô ngã không có nghĩa là ta
không có mặt, mà chỉ có nghĩa là mỗi chúng ta không bao giờ là một thực tại
riêng biệt và cố định, a separate entity.
Những khổ đau không cần
thiết.
Khi ta bị vương mắc vào một
cái tôi riêng rẽ và độc lập nào đó, ta sẽ tạo nên những khổ đau không cần thiết.
Từ một
cái tôi ấy, ta muốn sự việc chung quanh phải xảy ra theo sự mong muốn của mình.
Ta muốn buổi sáng có bình minh chim hót, có nắng ấm trên đầu, và con đường đến
đi hằng ngày nhất định phải luôn là những sự kiện bình thường, không biến đổi…
Nhưng đổi thay cũng là những yếu
tố mầu nhiệm để giúp cho ta thấy rõ lại được chính mình và thực tại này một
cách chân thật hơn. Trên con đường tu học, chúng ta thường được nhắc nhở rằng,
những biến đổi có thể giúp cho cái nhìn của ta được sâu sắc hơn, và hạnh phúc
mình được rộng lớn hơn!
Tôi nghĩ nghệ thuật tu tập là
biết tiếp nhận và buông xả, nó giúp ta thấy được những diễn biến tự nhiên của
thực tại này. Nhờ có đổi thay mà đêm dài sẽ qua đi, thân ta bớt đau nhức, những
chiều mưa sẽ thành bình minh mới, và những lo âu rồi cũng trở nên những bình
yên...
Cảnh cũ người mới
Tôi đi
xa nhà đã lâu. Lần đầu tiên trở về là cũng sau gần 30 năm. Và tôi cũng có dịp
trở về thăm lại ngôi trường cũ của mình sau một thời gian dài.
Tôi ghé ngang qua vào một buổi
chiều hè, sau giờ tan học nên ngôi trường vắng tênh. Bước vào lớp học cũ, ngồi
vào chiếc bàn ngày nào, nhìn lên bảng đen, vẫn chiếc bục bằng xi măng, vẫn
khung cửa sổ với tàng cây xanh lớn ngoài kia. Dường như tôi vẫn ngữi thấy cũng
một mùi gỗ ấy!
Tôi đi
theo dãy hành lang rộng và im vắng, tìm đến một góc sân, ngày xưa cùng đám bè
ngồi bàn chuyện tương lai, chuyện của tuổi mới lớn. Bước lên chiếc cầu thang rộng
mà mỗi giờ tan học, bọn chúng tôi ồn ào chen nhau ra về.
Ngôi trường xưa dường như vẫn
không có gì thay đổi bao nhiêu, tất cả vẫn còn như xưa, vẫn sân trường rộng, vẫn
mấy cây phượng bóng mát, dãy lớp học vẫn có mặt y như những ngày nào…
Đi dạo quanh ngôi trường cũ,
tôi bất chợt nhận thấy mình không có những xúc động như mình vẫn tưởng trước
khi về lại thăm. Có gì thay đổi rồi chăng? Cảnh vật không thay đổi, hay có lẽ
chính mình đã thay đổi? Chắc là vậy! Nhưng chúng ta nhiều khi lại vô tình ít chịu
nghĩ đến điều ấy.
Hãy là mây thong dong
Tôi
bây giờ đâu phải là tôi của mấy mươi năm trước, tôi đâu có những suy tư, những
hoài bão, những ước mơ của ngày xưa nữa. Nhưng trong ký ức mình vẫn cứ giữ
nguyên và đóng khung quá khứ lại, như đó là một thực tại không bao giờ biến đổi.
Đôi khi, chúng ta đứng nhìn những
bước chân của mình trên cát, đang bị những làn sóng cuộc đời cuốn trôi đi, tiếc
nuối, nhưng đâu hay rằng chính mình cũng đang bị xoá tan đi trong từng mỗi giây
phút.
Khi ta thấy được những phiền
não cũng như một tảng đá băng to cứng, và rồi cũng sẽ tan chảy và trở thành mây
thong dong bay trên bầu trời cao. Đó là luật tự nhiên, dầu ta có sự mong cầu
nào hay chăng...
Duy Nhiên
No comments:
Post a Comment