Giáo sư Nguyễn Văn
Bông: ĐỐI LẬP CHÍNH TRỊ Đây là một bài viết rất hữu ích cho những con người yêu
nước, yêu dân tộc thật sự. Bởi đây ...
Giáo sư Nguyễn Văn Bông: ĐỐI
LẬP CHÍNH TRỊ
Đây là một bài viết rất hữu ích cho những
con người yêu nước, yêu dân tộc thật sự. Bởi đây là quan niệm về thể chế chính
trị tạo ra dân chủ,pháp quyền mà Nhân loại đang đi. Những kẻ đam mê và tôn sùng
quyền lực tất nhiên sẽ nhét không vào những kiến thức này.
I – Định Nghĩa Và Các Quan Niệm Về Đối Lập
Nói đến Dân Chủ là chúng ta nghĩ ngay đến
vấn đề đối lập, mà đối lập là gì? Và được quan niệm như thế nào?
A – Định Nghĩa
Chúng ta đã dùng nhiều danh từ đối lập. Mà
đối lập là gì? Thế nào là đối lập? Đứng về phương diện lịch sử mà suy xét, đối
lập phát sinh ở sự thực hành chính trị và liên quan đến lịch trình biến chuyển
của chế độ Đại Nghị. Nói đến đối lập tức là nói đến cái gì ở ngoài đa số, ngoài
chính phủ. Đối lập là khía cạnh nghị viện của vấn đề. Ý niệm đối lập cần phải
được phân tích rõ ràng hơn nữa để phân biệt nó với những hiện tượng tương tự.
Đối lập có ba đặc điểm: Một sự bất đồng về chánh trị, có tánh cách tập thể và
có tính cách hợp pháp.
1. Trước nhất, đối lập phải là một sự bất
đồng về chánh trị. Hiện tượng đối lập chỉ có, khi nào những kẻ chống đối có thể
tổng hợp lại tất cả những vấn đề được đặt ra, đưa những vấn đề ấy lên một mực
độ đại cương và phán đoán theo một tiêu chuẩn chính trị. Có thể có một số đông
người dân chận đường chận xá để phản đối một chính sách của chính phủ, có thể
có một số đông sinh viên, một đoàn thể văn hóa hay tôn giáo biểu tình đòi hỏi
những cái gì. Đành rằng những sự kiện ấy có thể có hậu quả chính trị, nhưng đó
không phải là đối lập. Đó chỉ là một sự khước từ, kháng cự hay phản đối. Hiện
tượng đối lập chỉ có, khi nào sự khước từ ấy, sự kháng cự ấy, sự phản đối ấy
được chính trị hóa.
2. Là một sự bất đồng về chính kiến. Đối
lập phải có tính cách tập thể. Trong bất cứ lúc nào, luôn luôn có những người
bất đồng chính kiến với chính quyền. Có thể có một thiểu số đông anh em, thỉnh
thoảng họp nhau, rồi trong lúc trà dư tửu hậu, bàn quốc sự, có một thái độ
chống đối đường lối, chủ trương của chính phủ. Đó là những kẻ chống đối, những
cá nhân đối lập. Và những kẻ chống đối ấy có thể có trong chính thể Độc Tài,
Cộng Sản. Đó không phải là đối lập.
Đối lập chỉ có khi nào sự bất đồng chính
kiến ấy có tính cách tập thể, khi nào nó là kết quả biểu hiện một sự hành động
có tổ chức của những kẻ chống đối. Nói đến sự hành động có tổ chức là nghĩ ngay
đến chính đảng. Chỉ có đối lập khi nào có một chính đảng đối lập.
3. Là một sự bất đồng về chính kiến có tính
cách tập thể, đối lập phải hợp pháp nữa. Có thể vì một lý do gì mà một đoàn thể
phải dùng võ lực chống lại chính quyền. Có thể vì một lý do gì mà một chính
đảng phải hoạt động âm thầm trong bóng tối. Những hành động ấy, đành rằng nó có
tính cách tập thể và kết quả của một sự bất đồng chính kiến, không được xem là
đối lập. Những hành động ấy chỉ được xem là những cuộc âm mưu phiến loạn hay
kháng chiến, nó không còn là đối lập nữa. Vì đối lập chỉ hoạt động trong vòng
pháp luật.
B – Các Quan Niệm Về Đối Lập
Một khi đã ý thức được danh từ “đối lập” và
nhận định tầm quan trọng của nó trong cuộc sinh hoạt chính trị, vấn đề then
chốt được đặt ra là xác định vị trí của đối lập trong các chính thể. Nếu tinh
túy của dân chủ là lòng độ lượng, khoan dung và tự do chính trị, thì lẽ tất
nhiên lòng độ lượng, khoan dung và tự do chính trị ấy được thể hiện trên bình
diện chính trị, qua những quyền của đối lập và sự hiện diện của đối lập chỉ là
kết quả của sự thừa nhận tự do chính trị. Đối lập chỉ có giá trị và hiệu quả
trong một chế độ mà triết học chính trị là Dân Chủ Tự Do. Vì đối lập dựa trên
tinh thần khoan dung, trên sự chính đáng của bất đồng chính kiến. Vì thừa nhận
tính cách tương đối của chân lý chính trị.
Một quan niệm đối lập như thế, dựa trên Chủ
Nghĩa Tự Do, Chính Thể Độc Tài không thể chấp nhận được. Trong chính thể này,
chính quyền là tất cả, còn đối lập chẳng những vô ích mà còn nguy hiểm nữa. Vô
ích vì những nhà độc tài luôn cho rằng ý thức hệ của mình là bất di bất dịch và
vai trò của cơ quan công quyền không phải tìm lấy một ý chí đi sát với nguyện
vọng của quốc gia mà trái lại chỉ có nhiệm vụ áp dụng mệnh lệnh của chính đảng
nắm quyền lãnh đạo. Chẳng những vô ích, đối lập còn nguy hiểm nữa. Nguy hiểm
cho sự thực hiện nguyện vọng của quần chúng, vì hành động của đối lập phân ly
quần chúng. Bởi thế, đối lập cần phải được thanh trừng và những cái mà người ta
gọi là Dân Chủ, quyền tự do công cộng, những lợi khí mà đối lập dùng để hoạt
động, lợi khí ấy cần phải được cấm nhặt.
Bị khước từ bởi những chính thể Độc Tài,
đối lập chỉ được thừa nhận trong chính thể Dân Chủ, chẳng những trên bình diện
triết lý chính trị, đối lập còn được chứng minh qua khía cạnh cuộc điều hành
thực tiễn của định chế. Chính sự hiện diện của đối lập phản ảnh tính cách chân
chính của ý chí quốc gia. Trong những chế độ mệnh danh là “nhất tề – nhất trí”,
trong những chế độ mà người ta chỉ nghe 99 phần trăm, đành rằng không phải
không thể có được, nhưng sự vắng mặt của đối lập làm cho người ta lắm lúc phải
hoài nghi. Chỉ trên bình diện thực tại, vai trò của đối lập chứng tỏ rằng, mặc
dù bị loại ngoài hệ thống chính quyền, đối lập cần có mặt và phát biểu.
Một quan niệm quá ư rộng rãi về Dân Chủ, lẽ
tất nhiên – dựa trên một sự đối lập chân thành, xây dựng. Nhưng ý niệm đối lập
ngày nay quá biến chuyển. Một hiện tượng mới đã xảy ra, một đối lập, không phải
trong chính thể, mà chống chính thể Dân Chủ, một sự đối lập hoàn toàn phủ nhận
nguyên tắc Dân Chủ, một sự đối lập về ý thức hệ. Tất cả vấn đề là thử hỏi,
trước một sự đối lập như thế, thái độ của chính thể Dân Chủ phải như thế nào.
Một vấn đề hết sức phức tạp, tế nhị và trên bình diện quốc tế, những giải pháp
bảo vệ chính thể Dân chủ tùy thuộc hoàn cảnh thực tại chính trị của mỗi nước.
Dù sao, để trở lại vấn đề đối lập trong
chính thể Dân Chủ, không ai có thể chối cãi tính cách chính đáng của sự hiện
diện của đối lập. Nhưng đối lập, chẳng những phải có mặt mà còn phải có thể
phát biểu nữa. Mà đối lập phát biểu để làm gì và hành động của đối lập sẽ có
tác dụng gì trong guồng máy chính trị quốc gia? Và theo thủ tục nào, dưới hình
thức nào, với những bảo đảm nào, đối lập có thể mạnh dạn và thành thực phát
biểu ý kiến?
Đó là hai vấn đề cực kỳ quan trọng, vấn đề
vai trò của đối lập và vấn đề qui chế của đối lập, hai vấn đề căn bản mà chính
thể Dân chủ cần phải giải quyết một cách phân minh để ổn định cuộc sinh hoạt
chính trị và để đối lập làm tròn sứ mạng của nó.
II- Vai Trò Của Đối Lập
Trong chính thể Dân Chủ thật sự, hiện diện
của đối lập là một điều hết sức chính đáng. Chính đáng vì thừa nhận đối lập tức
là thừa nhận tự do chính trị. Chẳng những chính đáng, đối lập lại còn cần thiết
nữa. Cần thiết cho phẩm tính, đối lập còn cần thiết cho sự hiện hữu của chính
quyền nữa. Trong cuộc sinh hoạt chính trị ổn định, đa số ở đâu ra, chính quyền
hiện tại ở đâu ra, nếu không phải là sự kết tinh của sự tranh chấp với đối lập?
Trên khía cạnh này, đối lập đóng vai trò căn bản, vai trò hợp tác với chính
quyền, đó là hai khía cạnh của vai trò đối lập.
A – Vai Trò, Hạn Chế Và Kiểm Soát Chính
Quyền
1- Hạn chế và kiểm soát chính quyền. Đó là
một trong những hoạt động cốt yếu của đối lập ở bất cứ lúc nào trong cuộc sinh
hoạt chính trị. Trước hết, ở giai đoạn tuyển cử đối lập có mặt, có thể phát
biểu ý kiến, đối lập có quyền phủ nhận làm cho chính quyền bỏ bớt thái độ cứng
rắn, những chương trình mỵ dân, những hứa hẹn hão huyền. Đối lập chận đứng lại
những tư tưởng hẹp hòi, những quan điểm thiển cận, tư tưởng và quan điểm không
phải của một chính phủ quốc gia mà hoàn toàn lệ thuộc vào mệnh lệnh của đảng
phái.
2- Đối lập bảo đảm tính cách đích xác công
khai của những quyết định của nhà nước. Thật vậy, khi mà chúng ta nói đến ý chí
của toàn dân, ý chí của quốc gia, cần phải nhận định rằng đó chỉ là ý chí của
đa số. Ý chí của đa số là ý chí của quốc gia, cái phương trình ấy chỉ có giá
trị khi nào quyết định của đa số được chấp thuận trong một bầu không khí cởi
mở, sáng tỏ và tự do. Chính đối lập bảo đảm tính cách đích xác của quyết định
của đa số và bắt buộc đa số nắm chính quyền phải tham dự một cuộc tranh luận
công khai.
Vẫn biết rằng, trong chế độ Tổng
Thống hay trong chế độ Đại Nghị mà chính phủ có đa số ở Quốc Hội, đối lập không
thể ngăn cản chính quyền hành động theo ý của họ. Nhưng, tự do chỉ trích, đối
lập bắt buộc địch thủ phải tiết lộ dự định của họ, những lý do của một quyết
định của họ. Và như thế, đối lập bảo đảm rằng, khi một biện pháp hay chính sách
được chấp thuận, những lý lẽ chống đối hay bênh vực biện pháp, chính sách ấy,
đều được công khai đưa ra dư luận. Vai trò hạn chế và kiểm soát chính quyền,
đối lập đảm đương một cách thiết thực hơn nữa trên diễn đàn Quốc Hội.
3 – Với phương tiện nào đối lập đóng vai
trò của nó trên bình diện nghị viện? Đành rằng cơ cấu chính phủ nước này không
giống nước kia, nhưng trong bất cứ chính thể Dân Chủ nào, người ta cũng tìm
thấy từng ấy phương tiện cho phép đối lập phát biểu công khai ý kiến của họ.
Trong những lúc bàn cãi và biểu quyết ngân sách quốc gia, sự hiện hữu của đối
lập bắt buộc chính quyền bỏ hẳn chương trình mỵ dân, thái độ cứng rắn, và nhứt
là chính quyền hết sức dè dặt khi bắt buộc toàn dân phải hy sinh quá độ.
Cuộc đối thoại giữa chính phủ và quốc hội –
chung qui giữa chính quyền và đối lập – qua những cuộc tranh luận, những câu
hỏi, những cuộc tiếp xúc với ủy ban hay giữa phiên họp công khai là những dịp
mà các vị Dân Biểu đối lập nói lên những lạm dụng của cơ quan hành chánh, hay
nhận được – qua cuộc trình bày của các vị Bộ Trưởng – tin tức về một vấn đề
nhất định hay câu trả lời đích xác. Vai trò hạn chế và kiểm soát chính quyền
được biểu hiện một cách thiết thực nữa qua nguyên tắc trách nhiệm chính trị.
Chúng ta biết rằng trong chế độ Đại Nghị, chính phủ bắt buộc phải từ chức khi
đa số ở Quốc Hội biểu quyết chống chính phủ. Yếu điểm này sẽ là một ảo mộng nếu
không có một đối lập thực sự.
Vậy qua từng giai đoạn của sự khởi thảo
chương trình và trong hành động hàng ngày, chính quyền luôn luôn để ý đến lập
trường của đối lập, tự kiểm soát lấy mình và trong việc ấn định kế hoạch quốc
gia, lắm lúc phải nhận lấy chủ trương của đối lập. Thái độ này không nhằm làm
vui lòng đối lập mà cho toàn dân, vì để ý đến lập trường của đối lập trong việc
xác định đường lối chính trị, chính quyền hướng về nguyện vọng của quốc gia.
4 – Hạn chế và kiểm soát chính quyền. Vai
trò tối quan trọng này, không phải đối lập luôn luôn đảm đương với tất cả hiệu
quả thật sự. Không, vấn đề không phải ở chỗ đó. Vấn đề là ở khía cạnh tâm lý
của toàn dân. Vấn đề là mỗi công dân có thể chắc chắn rằng, ngoài Quốc Hội hay
trên diễn đàn Quốc Hội, có những người đại diện có thể phát biểu ý kiến của
mình, không phải theo đường lối của chính quyền mà khác hẳn chính quyền. Và dù
rằng ý kiến không được chấp thuận đi nữa, họ có cảm giác rằng sự kiện ấy do nơi
quyền lợi tối cao của quốc gia, chứ không phải vì tính thị hiếu nhất thời,
chuyên chế. Cần phải nhận định rằng, đối lập không những là tượng trưng cho một
khuynh hướng chính trị, đối lập còn có giá trị tự bản chất nó nữa. Vì chỉ có
đối lập và bởi đối lập mà việc kiểm soát của toàn dân mới có tính cách chân
thành và hiệu lực trong một chế độ thương nghị, không những hạn chế, kiểm soát
chính quyền, đối lập còn cộng tác với chính quyền nữa.
B – Vai Trò Cộng Tác Với Chính Quyền
Cho rằng đối lập cộng tác với chính quyền,
đó là một khẳng định có hơi mâu thuẫn. Tuy nhiên chính đó là khía cạnh tích cực
của vai trò đối lập. Và chúng ta có thể quả quyết rằng cái lợi của chính quyền
là dung túng đối lập.
1 – Qua những cuộc tranh luận trong một bầu
không khí cởi mở, những ý tưởng khích động tinh thần, những định kiến bớt phần
cứng rắn, những ý kiến được chọn lọc và uy quyền sáng tỏ. Bất cứ một chính
quyền nào cũng có khuynh hướng tự giam mình trong tình trạng cô đơn, chỉ nghe
lời của đồng chí và lấy quyết định phù hợp với ảo vọng hoang đường qua những
nhận xét riêng biệt của mình về thời cuộc.
Đối lập có mặt, nhắc lại cho đoàn thể ở
chính quyền tính cách phức tạp của thực tại chính trị, đem lại những màu sắc
chính trị và đôi khi phản kháng lại những truyền tin báo cáo đơn phương của
chính phủ. Qua những hành vi tích cực ấy, chính quyền thâu lượm được những dấu
hiệu quý giá về tình trạng tinh thần của dư luận. Chẳng những trong lãnh vực
thông tin, vai trò cộng tác với chính quyền của đối lập nổi bật lên nữa qua khía
cạnh nghị viện.
2 – Tất cả những công việc thuộc về thiết
lập chương trình nghị sự, về những vấn đề cần phải được thảo luận, những dự án
ưu tiên, những cuộc tiếp xúc v.v…, tóm lại, vấn đề liên hệ đến việc tổ chức
công tác của Quốc Hội, sự thỏa thuận giữa đối lập và chính quyền là điều kiện
cốt yếu của một tình trạng chính trị ổn định. Và lịch sử đã chứng minh rằng,
trong những trường hợp đặc biệt, trong những tình trạng khẩn cấp, tối cần,
trong những trường hợp mà sinh tồn của quốc gia được đặt ra, trong những trường
hợp ấy, lịch sử đã chứng minh rằng đối lập từ khước độc lập và lắm lúc lại ủng
hộ chính quyền để bảo vệ uy thế của chính quyền lúc phải đương đầu với mọi cuộc
ngoại xâm.
3 – Hướng dẫn chính quyền tham gia vào cuộc
điều hành công tác Quốc Hội, một sự đối lập có tổ chức, có hệ thống đóng một
vai trò cực kỳ quan trọng là chủ trương một chính sách để thay thế cho chính
sách chính quyền. Cần phải nhấn mạnh đặc điểm này. Trong những xứ mà tình trạng
chính trị chưa ổn định, trong những xứ mà đối lập vắng mặt, người ta luôn luôn
lo ngại cho tương lai chính trị quốc gia. Ai sẽ thay thế nhà lãnh tụ hôm nay?
Viễn tượng những cuộc cách mạng đẫm máu, những cuộc chính biến, viễn tượng
những gián đoạn chính trị đầy hậu quả làm cho cuộc sinh hoạt chính trị kém phần
tích cực.
Đối lập, trong chính thể Dân Chủ, cho phép
Quốc Gia xoay chiều, đổi hướng trong khung cảnh của định chế và không tổn
thương đến sự liên tục của cuộc sinh hoạt chính trị. Đối lập là chính phủ của
ngày mai, đối lập tượng trưng sự tin tưởng vào định chế quốc gia, đối lập duy
trì sự liên tục của chính quyền.
Một sự đối lập hữu hiệu là một lực lượng
tích cực. Cần phải nhận định rằng đối lập không phải là lực lượng luôn luôn
chống đối chính quyền. Đối lập và chính quyền là hai yếu tố căn bản của thế
quân bình chính trị trong chính thể Dân Chủ.
Hạn chế và kiểm soát chính quyền, cộng tác
với chính quyền, một khi đã hiểu như thế, vai trò của đối lập, vấn đề được đặt
ra bây giờ là thử hỏi trong điều kiện nào đối lập có thể làm tròn sứ mạng của nó
trong một bầu không khí khoan dung, khi mà một số quyền hạn của đối lập được
xem là bất khả xâm phạm và đồng thời đối lập thông suốt nhiệm vụ của mình. Kê
khai những quyền hạn ấy, ấn định nghĩa vụ của đối lập, tức là bàn đến vấn đề
quy chế của đối lập.
III – Qui Chế Của Đối Lập
Vấn đề ấn định qui chế của đối lập tùy
thuộc mỗi quan niệm riêng về đối lập. Nếu đối lập chỉ được xem là một quyền đối
lập, nó chỉ là hậu quả tất nhiên của thể chế chính trị Dân Chủ Tự Do. Đối lập
tức là có quyền xử dụng tất cả những tự do hợp pháp. Trái lại, nếu đối lập được
đưa lên hàng một chức vụ rất cần thiết cũng như chính quyền, nếu đối lập được
xem không phải là một việc bất đắc dĩ, mà là một liều thuốc kích thích chính
quyền, thì theo quan niệm này, quy chế chẳng những bảo đảm tự do của đối lập mà
còn chú ý tới công hiệu của nó nữa. Tổ chức đối lập, định chế hóa đối lập đó là
quan niệm thứ hai của đối lập.
Nhưng dù có được định chế hóa hay không,
đối lập để có thể đảm đương vai trò chủ yếu của nó, phải là một đối lập tự do
và xây dựng. Nói đến đối lập tự do là phải nghĩ ngay đến quyền hạn của nó; nói
đến đối lập xây dựng là nghĩ đến ngay nghĩa vụ của nó.
A – Một Trong Những Quyền Hạn Của Đối Lập
1 – Là quyền không thể bị tiêu diệt. Vì đối
lập luôn luôn là một chướng ngại, chính quyền hay có khuynh hướng thừa một cơ
hội nào đó, tẩy trừ phần tử rối loạn ấy đi. Vẫn biết rằng, có những lúc, những
giờ phút nguy nan, đối lập hoặc tự mình, hoặc thỏa thuận với chính quyền, ngưng
hẳn những phê bình hay chỉ trích. Nhưng đó chỉ là im hơi, lặng tiếng; chớ quyền
sinh tồn vẫn là quyền tối cao của đối lập. Tiêu diệt đối lập tức là dọn đường
cho Chủ Nghĩa Độc Tài. Đối thoại trở thành độc thoại.
2 – Quyền thứ hai của đối lập là quyền phát
biểu. Và quyền phát biểu này được thể hiện bởi những cái mà người ta gọi là tự
do công cộng. Số phận của đối lập sẽ ra sao nếu đối lập không tự do có ý kiến
khác hẳn ý kiến chính quyền, và tự do phát biểu ý kiến ấy trên báo chí và sách
vở? Nếu đối lập không được tự do hội họp? Chỉ có đối lập thật sự trong một chế
độ mà các tự do này được ấn định và chế tài một cách hợp lý.
Chúng ta có nói rằng thừa nhận đối lập tức
là thừa nhận tính cách tương đối của chân lý chánh trị Dân Chủ. Tính cách tương
đối này được thể hiện qua sự tự do tuyển cử. Tự do tuyển cử tức là tự do trình
ứng cử viên, tự do cổ động và nhất là sự bảo đảm tính cách chân thành của kết
quả cuộc bầu cử.
Trên bình diện đại nghị, đối lập cần phải
được đặc biệt bảo vệ. Trường hợp Dân Biểu đối lập bị bắt bớ hay tống giam không
phải là những trường hợp hiếm có. Vì thế mà quyền bất khả xâm phạm của Dân Biểu
là một thực tại.
Những quyền hạn mà chúng tôi đã sơ lược kê
khai không phải chỉ dành riêng cho đối lập. Đó là quyền bảo vệ tất cả công dân
trong chính thể Dân Chủ. Nhưng phải thành thật mà nhận định rằng tự do phát
biểu, tự do tuyển cử, quyền bất khả xâm phạm v.v… là những điều kiện quí giá
cho đối lập luôn luôn bị chính quyền đe dọa.
Đó là điều kiện tối thiểu. Một quan niệm
cấp tiến đã đi đến chỗ định chế hóa đối lập. Đối lập trở thành một thực thể có
hiến tính. Đó là trường hợp của Anh Quốc vậy.
Ở nước Anh, đối lập có một tước vị chính
thức “đối lập của Nữ Hoàng”. Và đối lập của Nữ Hoàng có cả chính phủ riêng của
họ, một nội các bóng trong Hạ Nghị Viện. Vị lãnh tụ đối lập của Nữ Hoàng là một
nhân vật cao cấp đầy uy thế, luôn luôn được mời đến cùng vị Thủ Tướng tham dự
những buổi lễ chính thức và luôn luôn được tham khảo ý kiến về những vấn đề
chính trị trọng đại. Và xin nhắc lại một điều rất lý thú là “nhà nước lại phải
trả lương cho vị lãnh tụ đối lập”.
Nhưng dù sao, định chế hóa hay không, quyền
sinh tồn và những điều kiện thuận tiện để tự do phát biểu, chỉ có ý nghĩa khi
nào đối lập tin tưởng có quyền nắm lấy chính quyền. Chính sự bình đẳng trong
vận hội ấy làm cho cuộc sinh hoạt chính trị thêm phần phấn khởi.
Đối lập có vài quyền hạn để đảm đương vai
trò của nó. Nhưng đối lập không phải chỉ có quyền. Một số nghĩa vụ hạn chế hoạt
động của đối lập, nghĩa vụ nhằm mục tiêu tôn trọng tinh thần Dân Chủ.
B – Những Nghĩa Vụ Của Đối Lập
Một trong những nghĩa vụ của đối lập là
thừa nhận qui luật đa số. Những ai quan tâm đến cuộc bầu cử đều rõ rằng có thể
xảy ra trường hợp mà vị Tổng Thống đắc cử hay một chính đảng chiếm đa số ở Quốc
Hội trong lúc phiếu của mình lại kém địch thủ thất bại. Nhưng đó chỉ là hậu quả
kỹ thuật của luật tuyển cử. Và công lý là một chuyện, mà hợp pháp là một chuyện
khác nữa. Trường chính trị là một cuộc tranh đấu công nhận qui luật đa số, tức là
thẳng thắn tham gia cuộc đấu tranh bởi đó là luật lệ của nguyên tắc dân chủ.
Nghĩa vụ thứ hai của đối lập là hoạt động
một cách ôn hòa xây dựng và có tinh thần trách nhiệm. Những chỉ trích vớ vẩn,
những vu khống không có căn bản chính trị của những kẻ tự cho là chính khách,
những phê bình chỉ đem lại hoài nghi và bất mãn, đó là những tệ đoan của sự đối
lập không xứng đáng với danh hiệu của nó. Vì đâu lại có một hiện tượng bất
thường như thế? Ngoài tham vọng cá nhân, hiện tượng này phát sinh từ một hệ thống
chính đảng nhất định và liên quan đến khía cạnh ý thức hệ của một vài chính
đảng.
Trong một xứ, một hệ thống đa đảng là một
thực tại chính trị, khi mà không một chính đảng nào chiếm đa số hay ưu thế trên
sân khấu chính trị. Chính phủ luôn luôn là một chính phủ liên hiệp. Mà liên
hiệp tức là tập hợp những khuynh hướng mâu thuẫn, dung hòa những chính sách
tương phản. Chính cái viễn tượng không bao giờ tự mình chiếm được hoàn toàn
quyền và thực hiện những chương trình hứa hẹn làm cho chính đảng thiếu ý thức
xây dựng và tinh thần trách nhiệm. Tính cách rời rạc và chia rẽ của đối lập,
chỉ biết phá hoại biến đổi hẳn mối tương quan truyền thống giữa đa số và thiểu
số. Đối lập không còn là đối lập ngoài và chống chính phủ, đối lập ở đây là đối
lập trong chính phủ.
Chẳng những thế, khía cạnh ý thức của một
vài chính đảng là nguyên do thứ nhì của sự thiếu tinh thần xây dựng. Đối lập
chỉ có nghĩa trong một khung cảnh chính trị nhất định. Nếu chúng ta đồng ý về
một nguyên tắc căn bản, nếu chúng ta thừa nhận chủ quyền nhân dân, nguyên tắc
phân quyền, tự do chính trị, nếu chúng ta tôn trọng nhân vị, sự độc lập của
Thẩm Phán hay quyền tự do phát biểu, thì cuộc tranh chấp chính trị chỉ nằm trên
lãnh vực thực tiễn qua những nguyên tắc thứ yếu.
Trái lại, nếu đối lập nhằm chống lại, không
phải một khuynh hướng chính trị hay một chính sách nhất định, mà chính cả nền
tảng của xã hội, nghĩa là chống cả chính thể, thì khẳng định rằng đối lập là
chính phủ tương lai không còn giá trị nữa. Vì đặc tính của đối lập về ý thức hệ
là chiếm chính quyền để rồi thủ tiêu quyền đối lập.
Trong một tình trạng như thế, trước tình
trạng mà đối lập không thi hành nghĩa vụ của nó, những quyền hạn không còn lý
do tồn tại nữa. Và “Chính Thể Dân Chủ” cần phải có những biện pháp thích nghi
để đối phó. Sa thải những phần tử bất chính trong hành chính, bắt buộc đối lập
phải có một chương trình và có năng lực nắm chính quyền trước khi lật đổ chính
phủ, sửa đổi luật bầu cử, đặt ngoài vòng pháp luật những chính đảng quá khích,
đó là một vài ví dụ cụ thể về biện pháp được áp dụng để bảo vệ Chính Thể Dân
Chủ.
IV – Đối Lập Trong Các Quốc Gia Chậm Tiến
Phác họa như thế, vai trò và “qui chế đối
lập” trong “chính thể dân chủ” qua sự biến chuyển của ý niệm trong xã hội cận
đại, chúng ta không khỏi tự nhủ rằng đó là lý tưởng. Và tự hỏi rằng lý tưởng ấy
có phù hợp với những quốc gia trên đường phát triển, với hiện tình những nước
vừa thu hồi độc lập.
Thực tại chính trị cho chúng ta biết rằng,
đối lập nếu không hoàn toàn vắng mặt, thì chỉ được dung túng một phần nào, một
phần nhỏ nào, trong những nước mới này, những nước mệnh danh là Dân Chủ và đồng
thời cũng được xem là những chính thể không độc tài. Tại sao lại có một sự kiện
oái oăm như thế?
Lý do thứ nhất mà người ta đưa ra là sự đe
dọa trầm trọng của độc tài Cộng Sản. Những nước mới này, là những nước bị nạn
Cộng Sản đe dọa và có nước đang chiến đấu một mất một còn với Cộng Sản. Dung
túng đối lập tức là cho Cộng Sản cơ hội núp sau lá cờ đối lập để phá hoại nền
dân chủ. Đối lập Cộng sản là đối lập về ý thức hệ, và chúng ta biết rằng đối
lập về ý thức hệ là đối lập chống chính thể Dân Chủ.
Lý do thứ hai là trình độ giáo dục của quần
chúng. Người ta cho rằng dân chúng chưa có một trình độ giáo dục về chính trị
khá đầy đủ để cho có thể xử dụng một cách hoàn hảo những quyền tự do công cộng.
Và như thế, đối lập chỉ có hại vì nó sẽ là bức bình phong của những tham vọng
cá nhân của những kẻ không cơ sở chính trị chỉ dựa trên cuộc chính đồ sinh
hoạt. Hơn nữa, thì giờ gấp rút, nâng cao mực sống của toàn dân là một việc tối
cần, lúc kiến quốc không phải lúc bàn cãi, phê bình hay chỉ trích.
Những lý do mà chúng ta vừa nêu ra rất là
chính đáng. Nhưng chính đáng không có nghĩa là phải chấp nhận. Trong lĩnh vực
chính trị và xã hội, sự hoàn hảo của một định chế chính trị là kết quả của kinh
nghiệm. Làm sao hy vọng một nhận thức khá cao của quần chúng, nếu hôm nay không
có học tập hướng về Dân Chủ? Không phải nhất thiết áp dụng tất cả những gì đã
có hay đang có ở Tây Phương. Thực tại chính trị xã hội văn hóa của mỗi nước là
yếu tố căn bản. Nhưng điều kiện tối thiểu phải có để đối lập được phép khởi đầu
và phát triển.
Vả lại, vì thiếu đối lập mà Cộng Sản và
những phần tử phản Dân Chủ nắm mất chính nghĩa đối lập và lợi dụng khai thác
những bất mãn, than phiền của quần chúng.
Vậy để tránh mọi sự ngộ nhận giữa chính
quyền và nhân dân, để cho trạng thái tinh thần khủng hoảng của dư luận được thể
hiện một cách ôn hòa, để cho phần tử phiến loạn hết cơ hội lợi dụng tuyên
truyền và khai thác, vấn đề đối lập tự do và xây dựng cần phải được đặt ra. Và
như thế không những trong những nước tiền tiến, mà chính ngay trong những tân
quốc gia, công cuộc kiến quốc và cứu quốc, công cuộc xây dựng nền Dân Chủ phải
là kết tinh của hoạt động song phương giữa chính quyền và đối lập.
Giáo Sư Nguyễn Văn Bông
No comments:
Post a Comment