Monday, September 30, 2019



Nhớ Viện Đại học Cao Đài: “Khi đó chúng tôi rất hạnh phúc”
…cho đến ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Published
 30/09/2019
By
https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2019/09/MTT-V%C4%90H-Cao-%C4%90%C3%A0i-Ph%C3%A1p.png
Mai Thanh Truyết (ngoài cùng bên phải) trong một buổi tiếp Cố vấn Văn hóa Tòa Đại sứ Pháp (ngồi giữa) cùng với Ngài Khai đạo của Cao Đài Giáo. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tan sở vào mỗi chiều thứ Sáu, Mai Thanh Truyết lái xe dọc dòng sông Doubs êm đềm của tỉnh Besancon để đến Paris, nơi anh sinh hoạt hàng tuần với Tổng hội Sinh viên Việt Nam. Trong những lần đi đi về về như thế, chàng thanh niên đưa mắt nhìn qua cửa kính bùi ngùi nghĩ về quê hương.
Anh biết nước nhà đang réo gọi mình. Mười năm xa xứ, kể từ khi tham gia phong trào sinh viên chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm, chàng thanh niên đã lấy bằng tiến sĩ về hóa học cơ cấu và có cuộc ổn định nơi viễn xứ.
Lời vẫy gọi của quê hương trong những lần đưa mắt nhìn qua cửa kính đã ám ảnh anh nhưng về nước lúc đó là một quyết định mạo hiểm. Anh em, họ hàng đều khuyên anh không nên về nước nhưng anh đã có quyết định của mình.
Ở quê nhà khi đó, chiến tranh đã bao trùm lên khắp miền Nam. Sau Hiệp định Paris năm 1973, Mỹ đang rút quân dần để lại những người lính Việt Nam Cộng hoà giành giật từng ngôi làng với quân Mặt trận Giải phóng. Xác chết nhan nhản ở những vùng ngoại ô hẻo lánh.
Bất chấp sự bấp bênh của cuộc chiến, giáo dục đại học ở miền Nam vẫn đang thay da đổi thịt. Ngoài những trường đại học công lập đang cố gắng Việt hoá chương trình giảng dạy, người ta còn thấy có sự chung tay của một lực lượng khác mà từ sau năm 1975 họ đã bị cấm làm giáo dục, đó là các giáo phái.
Tại Sài Gòn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có hai viện đại học là Viện Đại học Vạn Hạnh (của khối Ấn Quang) và Viện Đại học Phương Nam (của khối Việt Nam Quốc Tự). Giáo hội Công giáo Việt Nam điều hành Viện Đại học Minh Đức tại Sài Gòn và Viện Đại học Đà Lạt.
Vươn ra khỏi Sài Gòn phồn hoa, Phật giáo Hòa Hảo đã khánh thành Viện Đại học Hòa Hảo ở Long Xuyên cho con em miền Tây. Ở Tây Ninh, Cao Đài giáo đã cùng tín đồ xây dựng Viện Đại học Cao Đài gần kề với biên giới Campuchia cho sinh viên nghèo từ các tỉnh miền Trung trở vào.
Trong công cuộc giáo dục hăng hái và can đảm mà những người bạn của mình đang khai mở, Truyết không do dự khi quyết định trở về Sài Gòn đương lúc khói lửa.
Về nước, ông bắt đầu giảng dạy tại Đại học Sư phạm Sài Gòn. Tiếp đến, ông dồn hết tâm huyết để vun đắp cho Viện Đại học Cao Đài vừa mới thành lập vẫn đang thiếu thốn trăm bề. Đó là thời gian vất vả nhưng hạnh phúc vì ông thấy đôi bàn tay của mình đang vun đắp cho quê hương.
Nhưng khoảng thời gian ngọt ngào đó chỉ kéo dài trong hai năm. Sau khi quân cộng sản Bắc Việt chiếm Sài Gòn, cơn ác mộng giữa ban ngày đã bao trùm lên ông và những giáo sư tài năng khác – những con người đã chọn ở lại quê hương.
Bài phỏng vấn này được thực hiện trong hàng giờ đồng hồ qua điện thoại trong khi múi giờ giữa hai chúng tôi lệch nhau đúng 12 tiếng giữa Việt Nam và thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ.
Thấm thoát đã hơn 40 năm, ông Tuyết vẫn nhớ rất rõ khoảng thời gian giảng dạy tại Sài Gòn và Tây Ninh trước năm 1975. Ông cũng không quên mối quan hệ vừa là công việc vừa là bạn bè với ông Võ Văn Kiệt (tại Ủy ban Khoa học Thành phố Hồ Chí Minh) cho đến ngày ông vượt biển. Mai Thanh Truyết mà một trong những người mà tác giả của “Trăm năm cô đơn”, nhà văn Gabriel Garcia Marquez, đã nhắc đến trong phóng sự về Việt Nam sau chuyến đi vào năm 1979: “[…] trong cuộc tháo chạy hỗn loạn đó, nhiều kỹ sư, giáo sư giỏi mà đất nước rất cần cho công cuộc xây dựng đã ra đi”.
Khi thực hiện bài phỏng vấn này, ông Mai Thanh Truyết đã nghỉ hưu được bảy năm sau khi giữ nhiều chức vụ cao cấp trong các cơ quan xử lý chất thải hàng đầu ở bang California, Hoa Kỳ. Cả trong thời gian làm việc và sau nghỉ hưu, ông đều hướng về quê hương qua các hoạt động hội đoàn và blog cá nhân.
***
Phóng viên (PV): Ông đã rời Việt Nam và sang Pháp vào thời điểm nào?
Mai Thanh Truyết: Tôi vào Đại học Y Khoa Sài Gòn sau khi tốt nghiệp trung học tại trường Petrus Trương Vĩnh Ký vào năm 1960. Sau hai năm học y khoa thì tình hình chính trị miền Nam lúc đó bị xáo trộn. Một số sinh viên và doanh nhân phản đối chính sách cai trị của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Lúc đó chúng tôi ngồi học ở giảng đường của trường Đại học Y Khoa Sài Gòn, ngay góc đường Trần Quý Cáp và đường Lê Quý Đôn.
Tôi nhớ rất rõ, đó là ngày thứ Sáu, 23/8/1963. Ngày hôm đó, luật sư Vũ Văn Mẫu, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của chính phủ Ngô Đình Diệm, đã đến giảng đường của chúng tôi và cạo trọc đầu rồi yêu cầu sinh viên phải góp tay với quân đội để đảo chánh và xuống đường vào ngày Chủ nhật, 25/8/1963.
Và cũng trong buổi sáng ngày Chủ nhật đó, nữ sinh Quách Thị Trang bị bắn chết trước cửa chợ Bến Thành. Cá nhân tôi, Mai Thanh Truyết, cũng bị bắt và đưa về Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Quang Trung. Nhưng lần bị bắt đó chỉ là hăm dọa mà thôi. Tuy nhiên, gia đình tôi thấy tình hình không yên ổn. Nếu tiếp tục đi học ở Sài Gòn thì tôi có thể bị bắt bớ. Do đó, ngay sau đảo chánh Ngô Đình Diệm, ba tôi nói cần phải ra nước ngoài nên tôi làm thủ tục sang Pháp du học.
PV: Ở Pháp, ông đã tiếp tục việc học như thế nào?
Mai Thanh Truyết: Trong thời điểm này, chương trình giáo dục của Việt Nam Cộng hòa được xếp ngang hàng với chương trình giáo dục ở Pháp, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và y khoa. Do đó, tôi có cái tương đương để tiếp tục học y khoa tại Pháp nhưng trong hoàn cảnh lạ nước lạ cái và không khí xã hội khác với Việt Nam, cá nhân tôi chuyển sang học hoá học và sinh hoá. Cuối cùng, tôi đã tốt nghiệp tiến sĩ về hoá học cơ cấu tại Viện Đại học Besancon.
PV: Ông có hoạt động hội đoàn ở Pháp hay không?
Mai Thanh Truyết: Khi Hòa đàm Paris bắt đầu đàm phán vào năm 1968, có hai nhóm sinh viên Việt Nam tranh đấu lẫn nhau. Một là các sinh viên quốc gia của Tổng hội Sinh viên Việt Nam. Hai là là các sinh viên của Hội liên hiệp Việt Kiều do cộng sản miền Bắc cổ động.
Tỉnh Besancon cách Paris đúng 400 cây số, bằng quãng đường từ Sài Gòn đi Nha trang. Vào trưa thứ Sáu hàng tuần, tôi lái xe từ Besancon đến Paris để sinh hoạt cùng với các sinh viên quốc gia.
Khi Hòa đàm Paris kết thúc cũng là lúc tôi trở về nước sau hai năm làm việc tại phòng thí nghiệm Hóa vô cơ cho sinh viên của Trường Hóa học Besancon.
PV: Vậy là ông từ bỏ cuộc sống ổn định tại Pháp để trở về Sài Gòn đang lúc bất ổn?
Mai Thanh Truyết: Đúng như vậy. Sau tháng Giêng năm 1973, trong một lần lái xe từ Paris trở về Besancon, khi đi ngang qua dòng sông Doubs, tôi tự hỏi tại sao mình không giảng dạy bằng tiếng Việt cho con em người Việt, mà lại ở đây để dạy cho những thanh niên ngoại quốc mà tôi không có chút tình cảm nào.
Chính vì lý do đó mà tôi quyết định về nước mặc dù tôi biết tình thế miền Nam lúc đó đang rất bi thảm. Miền Bắc xâm chiếm miền Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Lúc đó, chúng tôi đã có một đứa con khoảng ba tuổi. Sau khi tham khảo ý kiến vợ, chúng tôi quyết định về nước.
PV: Ông cảm thấy như thế nào khi về lại quê hương sau mười năm xa xứ?
Mai Thanh Truyết: Tôi rất xúc động. Hai dòng nước mắt của tôi chảy xuống, mình không kìm được khi phi công báo máy bay đang vào địa phận của Việt Nam để đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
PV: Về nước thì ông đã bắt đầu công việc như thế nào?
Mai Thanh Truyết: Tôi về nước vào khoảng cuối tháng Năm năm 1973, rất đông bạn bè của chúng tôi cũng về nước. Một số người bạn bè thì đang chấp chánh trong chính phủ với tư cách là chuyên viên đặc biệt, chánh văn phòng thậm chí lên đến chức thứ trưởng.
Cá nhân tôi nhìn thấy xã hội và guồng máy chính phủ đang trên đà suy vong và tình hình chính trị trên thế giới không thuận lợi cho việc xây dựng đất nước trong lúc này.
Chính vì vậy mà tôi quyết định chọn con đường giáo dục. Tôi nhận việc tại Viện Đại học Sài Gòn và được bổ nhiệm về Đại học Sư phạm Sài Gòn. Với kinh nghiệm về học thuật và giảng dạy thì tôi được bổ nhiệm làm Trưởng ban Hoá học của Đại học Sư phạm Sài Gòn.
PV: Vậy duyên cớ nào đã đưa ông đến với Viện Đại học Cao Đài?
Mai Thanh Truyết: Khi vào làm việc ở Đại học Sư phạm Sài Gòn thì tôi gặp giáo sư Nguyễn Văn Trường. Ông ấy là một người đàn anh của chúng tôi, đã từng hai lần giữ chức thứ trưởng của Bộ Giáo dục miền Nam. Ngoài giảng dạy tại Đại học Sư phạm Sài Gòn, giáo sư Trường còn giữ chức Quyền Viện trưởng của Viện Đại học Cao Đài.
Giáo sư Trường còn hỏi tôi là có muốn phiêu lưu, có muốn gây dựng Viện Đại học Cao Đài hay không? Đó là bối cảnh đưa tôi đến với Viện Đại học Cao Đài ở Tây Ninh vào tháng Tám năm 1973 với chức danh là Giám đốc Học vụ tương đương với chức Phó Viện trưởng đặc trách về học thuật.
https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2019/09/mai-thanh-truyet-1-1024x692.jpgNgười thứ sáu từ trái sang là Tiến sĩ Mai Tranh Truyết, trong một buổi thực tập ngoài trời với lớp Lý Hóa 1 của trường Đại học Sư phạm Sài Gòn năm 1974. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
PV: Những sinh viên Tây Ninh, họ có khác với sinh viên Sài Gòn không, thưa ông?
Mai Thanh Truyết: Tôi rất thương những sinh viên ở Tây Ninh. Những sinh viên ấy là ai? Họ là con em trong những gia đình nghèo từ miền Trung trở vào như các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phan Thiết, v.v.
Đi học ở Sài Gòn thì chi phí rất cao, những gia đình này không trả nổi. Tôi nghĩ chính vì lý này mà Viện Đại học Cao Đài thu hút được nhiều sinh viên.
Tòa Thánh Tây Ninh hết sức tạo điều kiện cho sinh viên với mức học phí thấp. Nếu tôi nhớ không nhầm thì mỗi năm sinh viên phải đóng học phí là 25.000 đồng. Với mức ấy tôi xin được vài chục học bổng cho các em mỗi năm.
Những sinh viên nghèo nếu muốn có thể ăn cơm tại quán cơm xã hội của Tòa Thánh. Mỗi phần ăn ở đó chỉ có nước tương mà là nước màu pha với muối, ăn với rau lang hay rau muống luộc và dĩ nhiên thì cơm rất nhiều ăn cho no bụng.
Chính vì thấy sự thiếu thốn đó, tôi quả thật thương những em sinh viên ở Tây Ninh hơn những sinh viên có cuộc sống đủ đầy ở Sài Gòn.
Do đó, trong tinh thần của chúng tôi vừa là đại học vừa là gia đình. Ông giáo sư vừa là người thầy vừa là người anh. Tôi còn nhớ cứ mỗi lần xe của Tòa Thánh đưa tôi về nhà, tôi là người xuống xe cuối cùng, khi chia tay anh tài xế thì ảnh lại lẽo đẽo xách vào nhà tôi khi thì trái cây khi thì mít khi thì sapôchê. Anh ấy thưa với tôi rằng có một phụ huynh không nói tên dặn khi nào giáo sư Truyết vào nhà thì mang vào thôi. Chính vì những món quà nhỏ nhỏ đó mà tôi rất cảm động nên bỏ thêm nhiều thì giờ hơn để lên Tây Ninh.
PV: Tây Ninh lúc đó là vùng đất như thế nào, thưa ông?
Mai Thanh Truyết: Tây Ninh là một tỉnh nhỏ với khoảng 60.000 – 70.000 dân mà thôi. Tỉnh này nằm cuối ở dòng sông Vàm Cỏ Đông. Do đoạn qua Gò Kèn có vùng nước sâu từ sáu đến bảy mét nên Hải quân Việt Nam đóng tại đó. Về phía Đông nữa thì có núi Bà Đen cao khoảng 800 thước.
Đây là tỉnh có khoảng 90% số người dân theo đạo Cao Đài nên họ có đời sống rất chừng mực và thánh thiện. Quy luật tôn giáo rất đặc biệt, trong nội ô Tòa Thánh rộng một kilomet vuông thì phải ăn chay, các chức sắc đều ăn chay trường. Chợ Long Hoa trước cửa Tòa Thánh chỉ được bán đồ mặn đúng một ngày trong tuần mà thôi.
Đường đi từ Sài Gòn lên Tây Ninh thì rất tốt. Từ Sài Gòn ra khỏi ngã tư Bảy Hiền rồi qua Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Quang Trung là đến Củ Chi rồi đến Trảng Bàng, là được nửa đường đi Tây Ninh.
Về mặt an ninh thì từ Sài Gòn đi Củ Chi tương đối an toàn. Nhưng từ Trảng Bàng đi lên Tây Ninh thì du kích xuất hiện thường xuyên. Hàng tuần, chúng tôi đều thấy những xác chết của lính Việt Cộng nằm đắp chiếu dọc hai bên đường.
PV: Và ông vẫn đi đi về về giữa Sài Gòn và Tây Ninh trên con đường nguy hiểm như thế?
Mai Thanh Truyết: Đúng vậy. Tòa Thánh có xe đưa chúng tôi từ Sài Gòn lên Tây Ninh hàng tuần. Đó là một chiếc xe van Volkswagen của Đức, xe có bảy chỗ nhưng đã được cải tiến để chứa từ 10 đến 11 người. Các giáo sư từ Sài Gòn lên Tây Ninh thì mỗi người phải giảng liên tục trong bảy tiếng đồng hồ. Những giáo sư nào ở lại thì Tòa Thánh bố trí phòng nghỉ qua đêm.
Tôi dạy và làm việc ở Viện Đại học Cao Đài hai ngày mỗi tuần. Ba ngày còn lại thì tôi dạy ở Đại học Sư phạm Sài Gòn.
Ở Viện Đại học Cao Đài, tôi chỉ nhận lương tượng trưng bằng với lương của một người lính bình nhì là 20.000 đồng mỗi tháng. Trong khi đó, những trường, viện đại học khác như Minh Đức hay Phương Nam trả cho tôi 3.000 đồng mỗi giờ nhưng tôi không nhận.
PV: Công việc của ông ở Viện Đại học Tây Ninh diễn ra như thế nào?
Mai Thanh Truyết: Sau khi nhận chức giám đốc học vụ, tôi phải rà soát lại chương trình giảng dạy, chuẩn bị mời gọi các giáo sư, khai thác và mở rộng viện đại học.
Khi đó các phòng học còn đặt trong nội ô của Tòa Thánh Tây Ninh. Đó là một miếng đất hình vuông với mỗi cạnh dài đúng một cây số. Phòng ốc của viện chỉ có bàn và bảng đen hệt như một lớp ở trung học hay tiểu học, hoàn toàn không có tính chất của đại học.
Năm 1974, viện có trên dưới 1.100 sinh viên với hai phân khoa là sư phạm và nông lâm súc, vì Tây Ninh là một vùng đất vùng cao, đại đa số là nông dân, trồng trọt làm rẫy. Đây là vùng đất nông nghiệp, trồng cao su rất nhiều nên viện cần đào tạo kỹ sư nông lâm súc. Nếu tôi nhớ không nhầm thì thời điểm đó các thanh niên từ 14 đến 20 tuổi chỉ học đến lớp Bảy là cùng. Chính vì lý do đó nên nhu cầu đào tạo giáo sư (giáo viên) tại chỗ rất cao. Trong bộ môn sư phạm, chúng tôi có các môn Lý, Hoá, Toán, Sử, Địa, Văn chương, Sinh ngữ là tiếng Anh và Pháp.
PV: Ông có viết trên blog của mình về việc xây mới Viện Đại học Cao Đài để các sinh viên có nơi học phù hợp?
Mai Thanh Truyết: Đúng như vậy. Trong nội ô của Tòa Thánh là nơi cấm giết động vật dù là để thí nghiệm. Trong khi đó, phân khoa sư phạm và đặc biệt là phân khoa nông lâm súc cần có những buổi học tập ở ngoài, các phòng thí nghiệm hóa học, thực vật, động vật, hoá học vật lý và vi sinh vật; cần phải mổ con chim, con ếch, con cá; cần phải dẫn sinh viên đi các trại chăn nuôi, trại trồng trọt.
Chúng tôi đem nhu cầu này trình bày với Tòa Thánh thì được ủng hộ là nên dời viện ra ngoại ô của Tòa Thánh.
Lúc đó, Tòa Thánh không có ngân sách nào cho việc xây dựng trường. May thay, người dân đã tình nguyện quyên góp cho đạo như xi măng, gạch ngói, v.v. Tất cả vật liệu, sức người đều hiến dâng cho đạo. Chỉ trong vòng sáu tháng, chúng tôi có sáu phòng học. Mỗi phòng chứa từ 60 đến 200 sinh viên.
PV: Thế còn trang bị cho các phòng thí nghiệm thì ông đã xử lý như thế nào?
Mai Thanh Truyết: Đó là công việc của sáu tháng kế tiếp. Chúng tôi phải vận động để trang bị phòng thí nghiệm đúng nghĩa. Chúng tôi vừa mượn vừa xin từ nhiều nơi.
Có một chuyện hay là khi chúng tôi cần kính hiển vi cho phòng thí nghiệm vi sinh. Trong lúc làm việc ở Đại học Sư phạm Sài Gòn, tôi được biết phòng thí nghiệm của giáo sư Phạm Hoàng Hộ ở Đại học Khoa học Sài Gòn vừa được Hoa Kỳ tài trợ nhiều kính hiển vi tối tân. Tôi được vài giảng nghiệm viên cho biết những kính hiển vi cũ của trường này đã được cho vào kho. Cũng đúng vào lúc đó, cây thiên tuế ở Tòa Thánh Tây Ninh trổ bông. Thường thường, cây thiên tuế phải từ 25 đến 30 năm tuổi thì cây mới trổ bông, nên sinh viên ở Sài Gòn chỉ biết bông của cây này qua ảnh. Tôi bèn nhờ một giảng nghiệm viên ở phòng vi sinh của Viện Đại học Cao Đài ướp nó để tặng cho Giáo sư Hộ. Thế là tôi xin được 12 kính hiển vi từ Giáo sư Hộ.
Chỉ trong vòng khoảng một năm, cơ sở của Viện đại học Cao Đài đã khang trang, tương đối đầy đủ để giảng dạy. Tinh thần của sinh viên và phụ huynh lên rất cao vì có trường ốc tử tế và viện cũng mượn được một số trại chăn nuôi, một vài vườn ươm cây để sinh viên thực tập.
Khi đó, chúng tôi rất hạnh phúc, mặc dù nhu cầu ổn định cuộc sống lúc đó khi mới về nước là rất cao, nhưng tôi vẫn có tiền lương ở Đại học Sư phạm Sài Gòn đủ cho cuộc sống đạm bạc của gia đình. Chúng tôi tiếp tục dạy ở Viện Đại học Cao Đài cho đến ngày 30 tháng Tư năm 1975.
https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2019/09/vie%CC%A3%CC%82n-%C4%91a%CC%A3i-ho%CC%A3c-cao-%C4%91a%CC%80i-na%CC%86m-xu%CC%9Ba-1.pngQuang cảnh ở Viện Đại học Cao Đài sau khi hoàn thành việc xây dựng nằm ngoài khuôn viên của Tòa Thánh Tây Ninh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
PV: Ông có biết trước là Sài Gòn sẽ sụp đổ vào cuối tháng Tư năm 1975 không?
Mai Thanh Truyết: Bắt đầu từ tháng Hai năm 1975, tình hình chiến sự đã rất bất ổn. Tôi nhớ không rõ đó là ngày 14 hay ngày 15 tháng Tư năm 1975, trên đỉnh núi Bà Đen lúc đó có một trung tâm truyền tin của Hoa Kỳ, dĩ nhiên họ lên xuống núi bằng trực thăng. Trên đó, tôi gặp những anh lính Mỹ nói tiếng Việt rất giỏi như tôi với anh đang nói với nhau bây giờ. Họ nói với tôi rằng: “Sáng hôm nay, chúng tôi sẽ rút quân khỏi Tây Ninh nên giáo sư đừng lên đây nữa”.
Nhưng lần cuối cùng tôi lên Viện Đại học Cao Đài là vào ngày 21 hay 22 tháng Tư. Hôm đó, tôi có đề nghị với Ngài Khai Đạo là nên phát gạo cho sinh viên bởi vì trước sau gì số gạo đó cũng bị tịch thu. Rất may là ngài ấy đã phát cho mỗi sinh viên khoảng 10 – 15 kg gạo trước ngày 30 tháng Tư.
PV: Sài Gòn vào ngày 30/4/1975 như thế nào, thưa ông?
Mai Thanh Truyết: Cái ngày đó khi đại tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vào lúc 10 giờ 27 phút sáng trên radio thì Sài Gòn tan thương. Bao nhiêu người lính cởi bỏ quân phục ngay giữa đường. Súng ống đầy đường không ai đụng đến. Kho của các hãng Mỹ bị dân chúng phá cửa. Những biệt thự thì người dân vào lấy đồ. Ngày hôm sau, trên radio phường thông báo tất cả công chức phải đi trình diện ở nhiệm sở cũ.
PV: Vì sao ông và gia đình không di tản khỏi Sài Gòn vào lúc đó?
Mai Thanh Truyết: Tôi và vợ con có khả năng di tản vào ngày 29 tháng Tư năm 1975 nhưng tôi quyết định ở lại. Đó là một quyết định đúng đắn.
Thứ nhất, tôi là một người đã xa quê hương mười năm, khi tôi rời đất nước thì ba tôi còn sống nhưng chỉ sau hai năm  thì ông đã mất, vì điều kiện nên tôi không về được. Trong tình thế đó, tôi chưa chăm sóc được mẹ già vì mải đi đây đi đó, chính bà mẹ già ấy đã làm tôi chùn chân nên không theo gia đình bên vợ đi di cư.
Thứ nhì, tôi nghĩ rõ ràng mình là một nhà khoa học, không có dính líu đến với cuộc chiến này cả. Đã là người Việt Nam thì ai cũng có thể đóng góp cho xã hội, cho bà con cô bác ở Việt Nam. Người cộng sản hay người quốc gia đều là người Việt Nam. Tôi nghĩ chúng ta có thể dùng tiếng Việt như một mẫu số chung để cùng xây dựng đất nước. Nhưng tôi đã lầm.
PV: Ông đã lầm như thế nào?
Mai Thanh Truyết: Ngày 1/5/1975, tôi đi honda vào trường Đại học Sư phạm Sài Gòn trình diện thì hết sức tủi hổ. Những giảng nghiệm viên mà trước đó là nhân viên của tôi, mấy hôm trước còn thưa anh với tôi, giờ đã mặc áo bà ba, đeo băng đỏ, vẻ mặt lạnh lùng chỉ tôi vào chỗ này đậu xe, vào trong kia ngồi chờ. Đó là một cú sốc rất lớn.
PV: Thế còn số phận của Viện Đại học Cao Đài?
Mai Thanh Truyết: Chúng tôi phải bàn giao lại viện cho cách mạng. Ngày 19/5/1975, luật sư Nguyễn Văn Lộc, Quyền Viện trưởng của Viện Đại học Cao Đài trở về từ Pháp đã cùng giáo sư Nguyễn Văn Sâm và tôi lên Tây Ninh để làm lễ trao lại viện đại học.
PV: Ông cảm thấy như thế nào?
Mai Thanh Truyết: Tôi rất buồn. Khi bàn giao Viện Đại học Cao Đài mặc dù nó nghèo, nó xấu nhưng đó là bước đi đầu để mở ra ánh sáng giáo dục cho người dân ở Tây Ninh.
Tôi còn nhớ sau buổi lễ không trà không nước đó trong chưa đầy mười phút thì chúng tôi ra về. Trên đường về thì xe chúng tôi bị lính cộng sản chặn. Chỉ có luật sư Nguyễn Văn Lộc, ông lớn hơn tôi 13 hay 14 tuổi, bị bắt rồi đưa đi đâu đó mất tích. Tôi ngỡ ngàng là vì mình bị theo dõi từ đầu đến cuối mà không biết. Tôi cũng nghĩ chúng tôi đã phủi tay công việc đối với Tây Ninh thì sẽ không sao nữa.
Ngày 19/5/1975 có thể xem là ngày Viện Đại học Cao Đài đi vào lịch sử.
Khi đó, sinh viên năm cuối vẫn chưa kịp thi kỳ thi cuối kỳ vào đầu tháng Sáu. Đó là khóa giáo sư trung học và kỹ sư đệ nhị cấp đầu tiên của Cao Đài. Vì biến động đó nên tất cả sinh viên bị đưa về Sài Gòn học tập chính trị trong vòng một năm thì mới được tốt nghiệp làm giáo sư hay kỹ sư, trừ trường hợp lý lịch bị đánh giá là “ngụy” hay “phản động” thì không được làm việc.
PV: Thế còn ông và các vị giáo sư khác có phải học tập chính trị hay không?
Mai Thanh Truyết: Chúng tôi cũng bị. Lệnh của chính quyền lúc đầu là các giáo sư có chức vụ cao cấp từ chánh sự vụ trở lên thì phải đi học tập cải tạo tập trung trong một tháng và trình diện đầy đủ sau đó. Ngày hôm sau thì ban quân quản cho biết rằng: Những giáo sư là giảng sư và chánh văn phòng trở lên thì chỉ cần học tập chính trị tại chỗ.
Trong lúc, sau khoảng hai đến ba tuần lễ thì mỗi người phải làm một bản đúc kết. Mỗi ngày chúng tôi phải học theo kiểu nhồi sọ tám tiếng. Những vụ việc như Trần Đại Nghĩa cắt hoả tiễn SAM ra ba khúc rồi nối lại để bắn B52 thì chỉ biết cười thôi chứ đâu biết nói gì hơn.
Do đó thời gian đi học tập chính trị của các giáo sư là một thú vui của chúng tôi để xem các giảng viên chính trị ngoài Bắc (như Cù Huy Cận, Xuân Diệu) như là đi xem hát cải lương. Họ nghĩ họ có thể dạy được các giáo sư.
PV: Sau thời gian học tập chính trị thì ông có được làm việc lại hay không?
Mai Thanh Truyết: Sau sáu hay bảy tháng học tập chính trị, các trưởng khoa hay phó trưởng khoa đều được đi dạy trở lại. Riêng tôi lúc đó là một người trẻ mới về nước hai năm, chỉ làm Trưởng ban Hoá học của Đại học Sư phạm Sài Gòn nhưng chờ mãi vẫn không thấy thông báo đi dạy. Tôi nghĩ có thể vì những hoạt động mang tính quần chúng (như huy động sinh viên, giáo sư làm sạch nhà vệ sinh chẳng hạn, làm chỗ giữ xe) mà tôi được ông hiệu trưởng tên Trần Thanh Đạm thông báo là “vì tình hình cách mạng” nên cho tôi ngưng dạy một thời gian.
Cũng trong lúc đó, có một tiến sĩ từ miền Nam tập kết ra ngoài Bắc làm việc trực tiếp với ông Võ Văn Kiệt. Qua một vài người quen thì ông ta chạy lại trường tìm tôi, tôi đi trình diện tại trường hằng ngày. Ông ta mời tôi về thành lập Ủy ban Khoa học thành phố, lúc đó nhờ cái phao đấy nên tôi trở lại làm việc.
PV: Vậy là ông trở lại làm việc cho chính quyền?
Mai Thanh Truyết: Đúng. Tôi bắt đầu xây dựng Ủy ban Khoa học thành phố mà đến ngày hôm nay vẫn đang hoạt động. Nó là tiền thân từ Trung tâm Sản xuất Thí nghiệm ở đường Cô Bắc từ giữa năm 1976. Tôi là một trong những ủy viên đầu tiên của cái ủy ban đó.
Chính tôi đã đề nghị ông Võ Văn Kiệt thả một số đồng nghiệp đang bị giam vào năm 1977. Một số bạn của tôi được ông Võ Văn Kiệt kéo về Trung tâm Sản xuất Thí nghiệm để sau này trở thành Uỷ ban Khoa học của thành phố. Giao tình giữa tôi và ông Võ Văn Kiệt có cả về chuyên môn và tình người.
PV: Ông Phan Văn Song có nói là ông ấy từng ngồi tù chung buồng với ông. Vụ đó là như thế nào, thưa ông?
Mai Thanh Truyết: Khi đó Chủ tịch UBND thành phố là ông Mai Chí Thọ có những nghi kị đối với tôi nên để dằn mặt thì tôi bị đưa đi trại cải tạo trong 14 tháng. Khi được trở lại làm việc thì tôi nhìn thấy cách mà chế độ đối xử với mình thấy tuyệt vọng nên tìm đường vượt biên.
Tôi sắp xếp cho vợ con vượt biên trước, rồi đến lượt mình vào năm 1982 sau khi mẹ tôi qua đời.


No comments:

Post a Comment