Thursday, November 1, 2018



HỘI THẢO SÔNG MEKONG 1999

                                                
                                                    Lời tổng kết Hội thảo Mekong-River at Risk với
                                                        sự tham dự của các chuyên gia Việt – Mỹ và
                                                              Cambodia tại Westminster, CA năm 1999.



Qua suốt cuộc thảo luận và đóng góp về sông Mekong trước những nguy cơ, chúng ta đã phân tích, mô tả và mổ xẻ nhiều vấn đề nhìn từ nhiều góc cạnh khác nhau. Chúng ta cũng đã đồng ý rằng dù nhìn vấn đề qua lăng kính nào đi nữa thì ảnh hưởng của việc xây đập thủy điện lên hệ sinh thái ở lưu vực sông Mekong và hai quốc gia phải gánh chịu nhiều tác hại nhất trong Hội Đồng sông Mekong là Cam Bốt và Việt Nam.
Song song với việc trên, sự vô tình hay cố ý của các nước ở thượng nguồn càng làm vấn đề thêm trầm trọng và sông Cửu Long của chúng ta ngày càng bị tác hại trên môi trường càn quyết liệt hơn lên. Đặt biệt những nguy cơ ảnh hưởng lên đời sống hiện tại và tương lai người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nặng nề hơn do những chính sách phát triển kinh tế thiếu điều nghiên kỹ lưỡng về các tác động môi trường trong từng kế hoạch của CSBV.
Trước những nguy cơ hủy diệt môi trường và an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi không có tham vọng tìm phương cách giải quyết vấn đề, nhưng chúng tôi chỉ mong gióng lên tiếng chuông báo động kêu gọi tất cả những đối tác có liên quan trực tiếp hay gián tiếp cùng nhau ngồi lại để cứu nguy con sông Mekong, con sông lớn thiên nhiên cuối cùng của thế giới hầu gìn giữ cân bằng nguyên thủy cho hệ sinh thái của dòng sông này và làm như thế nào để chúng ta sẽ bảo vệ được sự ổn định kinh tế và chính trị của người dân trong vùng. 
Trước những vấn đề sống còn của người Việt, các đề nghị và góp ý của chúng tôi trong hiện tại và tương lai đều đặt trọng tâm vào các căn bản lý luận sau đây để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của nhân loại. Trước hết vì lợi ích lâu dài của người dân sống trong vùng hạ lưu, mọi người trong chúng ta đều nhận thấy rằng Việt Nam cần phải hợp tác trong công bằng và hợp lý để bảo vệ quyền lợi của đất nước.

Đó là những vấn đề trôi chảy xuyên suốt cho mọi chế độ chính trị, mọi khung cảnh kinh tế và môi trường. Trên cơ sở đó các chính sách và kế hoạch khai thác đồng bằng sông Cửu Long cần phải hữu hiệu về mặt kinh tế và hài hòa về mặt môi sinh và xã hội là những mối quan tâm và trách nhiệm chung của mỗi người con Việt.

Là những chuyên viên ở nước ngoài có cơ hội tiếp cận với các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và nhất là có sự độc lập trong tư duy khoa học, chúng tôi không khỏi quan ngại đến tình trạng khai thác phản kinh tế và phi khoa học trong vùng đất phi nhiêu này của đất nước.

Căn cứ trên những phân tích khoa học kinh tế, xã hội và môi trường. chúng tôi nhận thấy rằng vùng châu thổ này đang đối diện trước những nguy cơ to tát lâu dài. Nếu không có quyết tâm và định hướng đúng đắn thì trong tương lai dân chúng Việt Nam sẽ phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề.

Dựa trên hai quan điểm này, qua những chủ đề đã được đề cập đến trong buổi hội thảo chính là lời cảnh báo cho dân cư châu thổ và đóng góp với những chuyên viên có trách nhiệm trong nước.

Chúng tôi hy vọng từ buổi hội thảo này chúng ta sẽ có một cách nhìn đúng đắn và can đảm hơn về thể cách bảo vệ và phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Mọi chính thể nào rồi cũng qua đi.

Mọi chính quyền nào rồi cũng phải chấm dứt.

Cuối cùng chỉ còn lại Đất và Nước của chúng ta và thế hệ tương lai sẽ nhìn lại và quan sát hành động của chúng ta hôm nay.

Ngày xưa ta nói:                           Uống nước phải nhớ nguồn
Ngày nay ta phải nói:                 Uống nước phải bảo vệ nguồn

Mai Thanh Truyết
Chủ tịch Hội Khoa Học & Kỷ Thuật VIỆT NAM (VAST)


No comments:

Post a Comment