Thursday, April 17, 2025
Cuộc chiến thuế quan giữa Hoa Kỳ và Việt Nam
Nói về thuế quan TT Trump gián cho Việt Nam 46%, đây là một vấn đề kinh tế - chính trị rất thực tế trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài từ thời TT Trump đến nay. Việc Hoa Kỳ dưới thời TT Donald Trump áp thuế quan cao, cụ thể có trường hợp tới 46% đối với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, thực chất không hoàn toàn nhắm vào Việt Nam, mà đây là một đòn gián tiếp nhằm đối phó với Trung Cộng.
Các lý do chính của việc áp thuế cao đối với hàng Việt Nam
Chống “lẩn tránh thuế quan” (transshipment): Mỹ cáo buộc rằng nhiều công ty TC đã chuyển hàng hóa qua Việt Nam, sau đó gắn nhãn “Made in Vietnam” để tránh mức thuế cao mà Mỹ đánh vào thẳng vào các mặt hàng TC tại chính quốc. Một số ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp gồm: thép, nhôm, gỗ dán, thiết bị điện tử và dệt may.
Tăng cường thực thi luật lệ thương mại: Dưới thời TT Trump, chính sách “America First” không chỉ nhằm vào TC mà còn mở rộng sang các nước có mức xuất siêu lớn vào Mỹ, trong đó Việt Nam nằm trong top đầu. Năm 2020, Việt Nam xuất siêu hơn 81 tỷ USD sang Mỹ, gây lo ngại cho Washington rằng Việt Nam đang “hưởng lợi gián tiếp từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung”. Năm 2024, Việt Nam xuất siêu 123 tỷ.
Cảnh báo Việt Nam phải kiểm soát nguồn gốc xuất xứ: Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Hải quan Mỹ đã điều tra và đưa ra những mức thuế trừng phạt (ví dụ trong ngành thép cán nguội/lạnh, mức thuế tới 456% nếu phát hiện xuất xứ nguyên liệu từ TC nhưng không được khai báo đúng khi qua VN). Mục tiêu là ép Việt Nam phải siết chặt chuỗi cung ứng và kiểm soát gian lận thương mại.
Có phải đây là đòn dằn mặt Trung Cộng của Hoa Kỳ?
Trong một chừng mực nào đó, chúng ta có thể nói như vậy.
Việc Mỹ đánh vào hàng Việt thực ra là một phần trong chiến lược bao vây thương mại Trung Cộng, vì:
Trung Cộng là “công xưởng thế giới”, nhưng đang tìm cách né đòn bằng cách chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước thứ ba như Việt Nam, Cambodia, Lào, Mexico v.v...
Trong số 123 tỷ USD xuất cảng của Việt Nam sang Mỹ (năm 2024), có khoảng 30-40% hàng có linh kiện, nguyên liệu, hoặc máy móc từ TC. Mỹ lo ngại rằng chính sách thuế cao của họ với TC đang bị vô hiệu hóa vì Việt Nam che đậy hầu hết nguồn cung ứng nguyên vật liệu cùng các thành phẩm nhằm xuất cảng xuất phát từ…TC!
Vì vậy, Hoa Kỳ hoàn toàn đúng khi muốn ngăn chặn hành vi lẩn tránh thuế. Nếu không làm gắt, các công ty TC sẽ “đi đường vòng” của các quốc gia nằm trong chính sách “Sáng kiến một vành đai, một con đường – BRI”. Tuy nhiên, việc đánh thuế lên hàng Việt có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp chân chính của Việt Nam, làm chậm lại quá trình hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu mà Việt Nam đang nỗ lực theo đuổi.
Trong danh sách các ngành bị Mỹ đánh thuế cao nhất đối với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam trong bối cảnh điều tra chống lẩn tránh thuế (anti-circumvention), các ngành sau đây bị ảnh hưởng nặng nề nhất:
1. Ngành Thép – Nhôm (Steel & Aluminum Products) có mức thuế cao nhất: lên đến 456%. Đây là ngành bị đánh thuế khắc nghiệt nhất, đặc biệt là các sản phẩm thép cán nguội và cán nóng có nguồn nguyên liệu từ TC nhưng chỉ qua Việt Nam để gia công nhẹ hoặc gắn nhãn "Made in Vietnam". Nên nhờ Cty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa, Vũng Áng Hà Tĩnh chỉ là một Cty nhỏ sản xuất không đủ dùng cho nội địa. Năm 2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp mức thuế 456,23% với một số doanh nghiệp thép tại Việt Nam nếu không chứng minh được nguyên liệu không đến từ TC. Nguồn: DOC Final Ruling on Anti-Circumvention (2019)
2. Ngành Gỗ – Ván ép (Plywood, Furniture) với mức thuế: 200% – 300% (với ván ép có gốc TC). Mỹ cáo buộc rằng TC chuyển lõi gỗ (core veneers) sang Việt Nam, sau đó được dán bề mặt tại Việt Nam và xuất sang Mỹ. Mức thuế trừng phạt được áp dụng cho các công ty không chứng minh được tỷ lệ nội địa hóa. Vào tháng 6/2020, DOC công bố điều tra và áp thuế gần 300% cho một số nhà xuất khẩu ván ép Việt Nam.
3. Ngành Vỏ Xe (Tires) với mức thuế: 22% – 133%. Mỹ cho rằng có hiện tượng “dumping” (bán phá giá) từ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là vỏ xe chở khách và xe tải nhẹ. Bộ Thương mại Mỹ (DOC) năm 2020 công bố mức thuế chống bán phá giá lên đến 133,42% đối với một số doanh nghiệp không hợp tác điều tra.
4. Ngành May mặc – Giày dép – Túi xách với mức thuế: 10% – 25% (theo chính sách chung của TT Trump). Các mặt hàng nầy không bị điều tra “lẩn tránh thuế”, nhưng lại chịu ảnh hưởng chung do chính sách tăng thuế thời chiến tranh thương mại nằm trong chính sách của TT Trump. Điều đáng lưu ý là một số doanh nghiệp TC chuyển nhà máy sang Việt Nam để né thuế, gây rủi ro bị Mỹ rà soát kỹ trong tương lai.
5. Thiết bị điện - điện tử (bao gồm bảng mạch, module điện tử, máy vi tính) với mức thuế: 15% – 25% (nếu bị nghi ngờ có nguồn gốc TC). Mỹ từng nghi ngờ một số công ty sản xuất bảng mạch PCB và module vi điện tử dùng nguyên liệu TC, rồi chỉ gia công nhẹ tại Việt Nam. Mặc dù chưa có mức thuế trừng phạt nặng như ngành thép, nhưng đang các mặt hàng trên nằm trong danh sách theo dõi và điều tra.
Đứng trước tình thế nầy, thay vì chấp nhận và đề nghị với HK là chấp nhận thuế quan 0% áp dụng cho cả hai quốc gia, điều mà hành pháp Mỹ phủ nhận ngay sau đó và không tiếp phái đoàn BT Bộ Thương mại Việt với hàng trăm thành viên đi theo. Vì sao? Chính vì HK biết rõ 5 chẵn 5 là 10 là hàng Việt xuất cảng chính là hàng Tàu chuyển qua để tránh thuế quan rất cao ở TC. Vì vậy, Việt Nam cần phải siết chặt lại quản lý xuất xứ,
- Chứng minh rõ ràng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm,
- Và hợp tác minh bạch với Mỹ để phân biệt đâu là doanh nghiệp Việt thực sự, đâu là “bình phong” cho TC.
Cuộc viếng thăm của Tập Cận Bình
Một sự kiện xảy ra vài ngày trước đây là sự hiện diện của CT Tập Cận Bình viếng thăm Việt Nam ngày 13-14/4/2025, Việt Nam đã có những phản ứng tích cực nhằm tăng cường quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. trong đó, TBTCS Tô Lâm đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với TC trong các lĩnh vực như ngoại giao, quốc phòng. Sau đó TCB đi Malaysia và Phi Luật Tân để siết chặt mới liên minh trên mặt Biển Đông. Tuy chưa biết được nội dung của cuộc viếng thăm TCB và TL, nhưng chúng ta vẫn có thể hình dung được rằng: “Phải chăng sự hiện diện của TCB vừa qua là để dằn mặt Tô Lâm, cảnh cáo Tô Lâm không"được" ngã về Mỹ không?
Từ giới quan sát chính trị quốc tế cũng đặt ra giả thuyết tương tự phải chăng chuyến thăm của Tập Cận Bình (TCB) sang Việt Nam là một tín hiệu “răn đe mềm” với ban lãnh đạo mới của Việt Nam, đặc biệt là ông Tô Lâm, trong bối cảnh Việt-Mỹ đang xích lại gần nhau?
Dưới đây là một phân tích chủ quan dựa trên các yếu tố địa chính trị và dấu hiệu ngoại giao hiện đã và đang xảy ra. Về bối cảnh các chuyến thăm viếng trong qua khứ:
- Tháng 9/2023, TT Joe Biden sang Việt Nam, nâng cấp quan hệ hai nước lên mức Đối tác chiến lược toàn diện, ngang hàng với TC.
- Tháng 12/2023, Tập Cận Bình sang Việt Nam, ký nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế, quốc phòng, công nghệ...
- Tháng 4/2025, ông TCB quay lại sớm hơn bình thường, ngay sau khi ông Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư (tháng 3/2025).
Việc xuất hiện của TCB vừa qua là một tín hiệu không thể xem là ngẫu nhiên, vì TC xưa nay rất nhạy cảm với các quốc gia "trong vùng ảnh hưởng" có dấu hiệu ngả về phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Mục tiêu chính của Tập Cận Bình?
- Phải chăng là chỉ muốn củng cố ảnh hưởng địa chính trị. TC muốn tái khẳng định vai trò "người anh cả", nhắc Việt Nam rằng họ đang ở ngay cạnh, và là đối tác quan trọng hàng đầu về cả chính trị, kinh tế và an ninh. Chuyến thăm mang tính “xác lập ranh giới”: Việt Nam có thể hợp tác với Mỹ, nhưng không được vượt lằn ranh chiến lược của TC (đặc biệt về Biển Đông, Đài Loan, hợp tác quân sự).
- Và sâu thẳm hơn nữa, TCB muốn thăm dò lập trường của Tô Lâm vì Tô Lâm vốn là người xuất thân từ Bộ Công an, thực dụng và thận trọng. Tuy nhiên, việc ông trực tiếp và chính thức tiếp Tổng thống Biden, rồi sau đó lên chức Tổng Bí thư, khiến TC muốn kiểm tra lập trường của ông. Có thể xem đây là một phép thử ngoại giao của Bắc Kinh: “Liệu ông Tô có giữ cân bằng như các đời lãnh đạo trước, hay nghiêng hẳn về Mỹ?”
- Còn đối với Mỹ, TCB nhắn gửi một cách tế nhị là:” Tái khẳng định ảnh hưởng của TC tại Việt Nam, và gửi thông điệp đến Mỹ rằng TC vẫn nắm đòn bẩy quan trọng tại Đông Nam Á.
Phản ứng của Việt Nam
Chính sách cây tre của Việt Nam sẽ ra sao?
Vấn đề quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam, Trung Cộng và Hoa Kỳ luôn luôn phức tạp, và chính sách của Việt Nam không hề mang tính thần phục hay hoàn toàn nghiêng về một bên trong các cuộc đối đầu quốc tế, như cuộc chiến thuế quan giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng hiện nay.
Chính sách ngoại giao của Việt Nam thường được gọi là "cây tre," tức là giữ một tư thế linh hoạt, không theo về một phía mà duy trì quan hệ hòa hoãn với các nước lớn để bảo vệ lợi ích quốc gia. Việt Nam luôn cố gắng duy trì quan hệ tốt với cả TC và Hoa Kỳ, mặc dù hai quốc gia này có những mâu thuẫn lớn, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và an ninh.
1. Quan hệ với Trung Cộng: Việt Nam luôn chú trọng vào mối quan hệ với TC, đặc biệt là về thương mại, đầu tư và an ninh, nhưng đồng thời cũng duy trì một lập trường độc lập, không để TC gây áp lực quá đáng. Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam có quan điểm rõ ràng về bảo vệ chủ quyền, bất chấp sự tranh chấp với TC, và cố gắng tối đa và hạn chế những va chạm thực tế với TC ngoài biển Đông. Chính sách này cho thấy Việt Nam không chịu thần phục TC mà vẫn bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trong một giới hạn nào đó.
2. Quan hệ với Hoa Kỳ: Với Hoa Kỳ, Việt Nam cũng duy trì một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và an ninh. Tuy nhiên, Việt Nam không hoàn toàn phụ thuộc vào Hoa Kỳ, và vẫn giữ được sự độc lập trong các quyết định chính trị. Trong cuộc chiến thuế quan giữa HK và TC, Việt Nam cũng hưởng lợi từ việc các công ty chuyển hướng đầu tư từ TC sang các nước khác, bao gồm cả Việt Nam.
Tóm lại, Việt Nam không có thái độ "thần phục" TC hay hoàn toàn cứng rắn với Hoa Kỳ. Chính sách "cây tre" của Việt Nam cho phép họ vừa hợp tác với các nước lớn, vừa bảo vệ được lợi ích quốc gia và không để bị chi phối quá mức bởi bất kỳ bên nào trong các mối quan hệ quốc tế quan trọng này.
Việt Nam không thể hiện thái độ lệch hẳn về phía nào, mà cần tiếp tục giữ chính sách “đối tác đa phương, không chọn phe”. Tuy nhiên, các truyền thông nhà nước đưa tin rất trang trọng về chuyến thăm, nhưng ít nhấn mạnh đến các tuyên bố cứng rắn về Biển Đông, điều mà trước đây Việt Nam thường làm để giữ khoảng cách với TC. Đó, một số nhà quan sát cho rằng Việt Nam đang “giữ ý” để theo dõi phản ứng của Mỹ và TC, chứ chưa vội nghiêng hẳn về phía nào, một hình thức “wait and see”. Vì vậy cho nên hoàn toàn không có thông cáo chung hay ký kết hợp tác…toàn diện như thuyền thông việt phổ biến một cách “hoành tráng” như sau các lần viếng thăm trước của TCB hày bất cứ một lãnh đạo TC nào viếng thăm Việt Nam.
Như vậy, tâm tư của tân TBT Tô Lâm như thế nào?
Hướng về HK để cởi trói, thoát khỏi bế tắc chính trị, kinh tế, và nhứt là áp lực của TC. Hay là thật lòng "giải ách" như hành động của Gorbachev của Liên Sô?
Tâm tư và đường lối chiến lược của ông Tô Lâm, người vừa trở thành Tổng Bí thư trong giai đoạn bước ngoặt của Việt Nam. So sánh ông với Gorbachev là một liên tưởng rất đáng suy nghĩ, vì cả hai đều bước vào vị trí quyền lực trong thời kỳ khủng hoảng toàn diện: kinh tế, chính trị và sức ép đối ngoại.
Dưới đây là phân tích về hai khả năng trên và những dấu hiệu hiện có:
1- Tô Lâm có đang hướng về Hoa Kỳ để “cởi trói”?
Những dấu hiệu cho thấy có thể có: Ông là người trực tiếp tiếp đón TT Biden khi còn là Bộ trưởng Công an (2023), hiếm có một Bộ trưởng Công an nào đóng vai trò ngoại giao cao như vậy. Sau khi lên làm Tổng Bí thư (3/2025), chưa tỏ dấu hiệu chống Mỹ hay bài phương Tây, điều này khác với nhiều giai đoạn “chính trị nội bộ” của những Tân TBT trước đây. Việt Nam đang rơi vào bế tắc kinh tế vì tăng trưởng chậm, vốn FDI không nhận được như kỳ vọng, giới trẻ bất mãn, tầng lớp trung lưu mất niềm tin vào cải cách, và nhứt là mức thuế quan lên đến 146% áp đặt cho hàng nhập cảng từ Việt Nam. Việc xích lại gần Mỹ, Nhật, Âu Châu có thể là con đường khả thi để tìm cú hích kinh tế, đổi lấy “thế đứng mới” trước TC.
Tuy nhiên, vì Tô Lâm xuất thân từ công an, an ninh nội chính, nên bản năng vẫn là kiểm soát – ổn định – khép chặt hệ thống chứ không hẳn là người cải cách cấp tiến như Gorbachev. Có vài dấu hiệu cho thấy ông đang ưu tiên củng cố nội bộ trước khi tính chuyện đối ngoại tức là giữ hệ thống trước, đổi mới sau, nếu có.
2- Tô Lâm đang âm thầm “giải ách” theo mô hình Gorbachev?
So sánh với Mikhail Gorbachev, có vài điểm tương đồng và khác biệt:
- Gorbachev từng là nhà cải cách trong đảng CS Nga;
- Từng đưa ra chính sách Cải tổ - Perestroika, và Minh bạch – Glasnost;
- Từng chấp nhận buông lỏng hệ thống để đổi lấy dân chủ hóa, dẫn đến sự sụp đổ của Liên Sô.
Còn Tô Lâm là:
- Người từ ngành công an nội chính, và bảo thủ;
- Chưa hề công bố về cải cách chính trị hay :”cải cách chế độ”;
- Ít thấy khả năng Tô Lâm “mở” hay chối bỏ quyền lực để đổi lấy dân chủ hóa Việt Nam!
- Nếu Tô Lâm có ý “giải ách”, thì sẽ là một quá trình kiểm soát chặt chẽ, theo kiểu cải cách có định hướng để không làm lung lay chế độ như kiểu “kinh tế tư bản theo định hướng xã hội chủ nghĩa” vậy.
Kết luận – Tâm tư thực sự của Tô Lâm là gì?
Khả năng cao nhất là ông ý thức rõ nguy cơ từ TC và tình trạng trì trệ trong nước, nên muốn đa phương hóa ngoại giao, xích lại gần Mỹ để tạo thế cân bằng, đồng thời giữ kiểm soát nội bộ vững chắc.
Tuy nhiên, vì ông không phải là Gorbachev, cho nên ông không chủ trương dân chủ hóa hay minh bạch toàn diện, và vì bản thân xuất thân từ an ninh khiến ông luôn ưu tiên sự ổn định chính trị ở Việt Nam trước. Nếu Việt Nam có thay đổi lớn, thì có lẽ sẽ diễn ra theo mô hình “Trung Đạo”, nghĩa là vừa cải cách kinh tế, vừa giữ chặt chính trị, giống như Trung Cộng thời Đặng Tiểu Bình, hơn là Liên Xô thời Gorbachev.
Dựa vào những công bố, hành vi và ngôn ngữ chính trị gần đây của TL cho thấy ông đang mang tâm thế của một người “cân não” hơn là người “bật phá”. Ông không phải mẫu chính trị gia bộc trực như Nguyễn Tấn Dũng, hay mang tầm nhìn cải cách cấp tiến như Võ Văn Kiệt. Nhưng ông chính là người xuất thân từ hệ thống an ninh, vốn ưu tiên trật tự và kiểm soát hơn là tự do.
Tuy nhiên, ông không phải là một người giáo điều như thời Nguyễn Phú Trọng thuần túy, mà thực dụng, mềm dẻo và có khát vọng “để lại dấu ấn lịch sử”.
Có thể ông đang sống giữa hai tâm trạng, vừa muốn “an toàn”, ổn định hệ thống, vì đó là “phao cứu sinh” của ông, của cả nhóm chính trị đi theo ông; cũng như ông đã nhận ra được rằng hệ thống chính trị mà Việt Nam đang đi đã bước tới ngưỡng cửa tới hạn (threshold limit), và cần phải "xả van" có kiểm soát để … điều tiết những áp lực của xã hội.
Tâm trạng của ông là tâm trạng của một người mang gánh nặng: vừa lo chống đổ vỡ, vừa lo bị mắc kẹt trong thế giới cũ, cái vòng kim cô của xã hội chủ nghĩa “vô hình” và “không tưởng”.
Và Việt Nam chắc chắn rồi sẽ rẽ sang một bước ngoặt (turning point) lịch sử trong trong một tương lai không xa.
Mai Thanh Truyết
Viết cho 50 Năm Khát Vọng Tự Do
Houston – 4-2025
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment