Tuesday, November 12, 2024
Tuổi Trẻ Việt Nam & Tinh Thần Quang Trung
Tôi vốn là một nhà hóa học, chuyên về môi trường, vốn liếng lịch sử chỉ ở trình độ trung học thời Việt Nam Cộng Hòa. Do đó, nói về Quang Trung, tôi chỉ muốn nói lên tinh thần Quang Trung qua cái nhìn của một học sinh trung học, để từ đó thử tìm một đối chiếu với tình trạng tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại cũng như ở trong nước.
Từ xa xưa, tiền nhân của chúng ta phải bao phen chống giặc phương Bắc. Sau bao lần thành công trong việc đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, quan vua Việt Nam đều ra sức cầu hòa và tuân phục triều cống Bắc phương. Thái độ đó được nhiều sử gia cho là khôn ngoan và cung cách ứng xử của tiền nhân được xem như là kim chỉ nam trong thuật giữ nước khi nước còn yếu so với phương Bắc.
Nhưng, chúng ta hãy nhìn tình hình chánh trị đặc biệt của Đại Việt vào giữa thế kỷ 18 khi đang lâm vào tình trạng bế tắc ở vào giai đọan cuối của thời Trịnh Nguyễn phân tranh.
Đất nước bị chia đôi:
• Ngoài Bắc, chánh quyền vua Lê chúa Trịnh tham nhũng thối nát.
• Trong Nam, chánh quyền chúa Nguyễn bị quyền thần Trương Phúc Loan thao túng, dân chúng lầm than đói khổ.
Sự xuất hiện của phong trào Tây Sơn đã mở ra một lối thoát mới cho dân tộc Việt, đột phá tình trạng trì trệ của tình hình, và đặt nền móng căn bản cho sự thống nhất đất nước. Ngoài nhà lãnh đạo đầu tiên của phong trào Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, vị phụ tá của Nguyễn Nhạc, tức Nguyễn Huệ lúc khởi nghĩa mới khoảng 18 tuổi, là một ngôi sao vụt sáng và tỏa chiếu rạng rỡ trong lịch sử Việt Nam.
Tinh thần Nguyễn Huệ là tinh thần dấn thân không ngừng, sẵn sàng chiến đấu liên tục để xây dựng sự ổn định cho đất nước. Nhiều lần vào Nam chẳng những để chống nhau với chúa Nguyễn mà còn để chống ngoại xâm Xiêm La. Nhiều lần ra Bắc cũng không phải để giải quyết chúa Trịnh mà còn để bảo vệ đất nước khỏi cuộc xâm lăng của nhà Thanh. Tôi muốn nhấn mạnh, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cương vị nào, Nguyễn Huệ cũng đã tận lực cống hiến cả tuổi thanh xuân của đời mình vì công cuộc thống nhất đất nước, để phục vụ dân tộc, chỉ tiếc cuối cùng căn bệnh ác nghiệt đã ngăn cản sự nghiệp của Ngài năm 1792, lúc Ngài mới 40 tuổi.
Tôi muốn nói đến tinh thần Quang Trung không là “chống giặc, giữ nước” mà là “đánh giặc, giữ nước”.
Đánh giặc, giữ nước chính là nói lên tinh thần chủ động và không còn xem Bắc phương là một nước lớn cần phải tùng phục.
Vì vậy, đem tinh thần Quang Trung soi chiếu vào tình trạng của tuổi trẻ Việt Nam ngày nay quả là một điều cần thiết.
Nếu ai hỏi rằng “Tương lai Việt Nam 41 năm sau cuộc chiến, và tuổi trẻ Việt Nam đang làm gì trong hiện tại và sẽ làm gì trong tương lai”?
Xin thưa, đây là một câu hỏi mà mỗi người trong chúng ta tự hỏi nhau hàng ngày, không cứ gì phải đợi sau 41 năm.
Như chúng ta đã biết, yếu tố con người là một trong những yếu tố quyết định trong mọi chuyển dịch của sinh vật trên quả địa cầu nầy, trong đó thế hệ trẻ hiện tại càng là một thành tố quyết định cho tương lai của từng quốc gia. Xin thưa với tất cả nhận xét cá nhân về các chuyển biến tư tưởng và sinh hoạt của người Việt, nhất là tuổi trẻ trong quá trình 41 năm sau cuộc chiến để có một dự phóng về tương lai Việt Nam. Không muốn nhắc đến cuộc chiến Việt Nam đã qua, không phải vì đã quên hay vì mặc cảm, mà chỉ muốn chia sẻ qua trao đổi nầy những thay đổi tâm lý, hành động, cùng các suy nghĩ của thế hệ trẻ hiện tại trong suốt thời gian 41 năm vừa qua.
Trước hết, tại hải ngoại người Việt đã hình thành nhiều cộng đồng hiện diện rải rác trên khắp thế giới, tiếp thu những nền văn minh tiến bộ cùng cung cách tổ chức xã hội từ các quốc gia tạm dung để hội nhập vào môi trường đang sống hiện tại. Đôi khi có những cọ sát vì sự khác biệt chủng tộc, tôn giáo, văn hóa... nhưng tựu trung đa số đã hòa nhập vào các xã hội tây phương tương đối nhịp nhàng và hài hòa trong cuộc sống. Những hiện tượng tiêu cực nơi cá nhân, gia đình, và môi trường chung quanh vì ảnh hưởng của các lề lối cổ xưa, phong cách phong kiến, hủ nho.... lần lần được thay thế từng bước bằng những tư tưởng tiến bộ và tinh thần hướng thượng ngày càng in đậm nét trong mỗi chúng ta.
Trọng tâm là tuổi trẻ hôm nay, ở cả quốc nội và hải ngoại, các em đã nhận thức và có nhiều chỉ dấu báo hiệu cho thấy tuổi trẻ đã chuyển mình rất lạc quan.
• Tại hải ngoại, tuổi trẻ đã có tầm nhìn khai phóng, can đảm cáng đáng việc cộng đồng trong tinh thần vô vị lợi, ví dụ một việc tuy nhỏ nhưng quan trọng là việc tổ chức Hội chợ Tết ở Cali trong nhiều năm vừa qua. Thật phấn khởi vì nhìn đâu cũng đều thấy sự hiện diện của tuổi trẻ. Nhìn qua các trung tâm dạy tiếng Việt ở rải rác khắp nơi có đông người Việt cư ngụ, tuổi trẻ chiếm đa số, năng động và bền bĩ theo đuổi công cuộc bồi đắp và gìn giữ tiếng Việt tại hải ngoại. Tôn chỉ “Tiếng Việt còn, nước Việt còn” chắc chắn vẫn là một nền tảng bền vững để bảo tồn văn hóa Việt Nam.
• Ở quốc nội, mặc dù phải chịu đựng khó khăn muôn vàn về mọi mặt, mất nhiều thì giờ cho sinh kế, tuổi trẻ cũng nêu lên ý chí vươn lên trong học tập, và tinh thần từ bi bác ái trong các công tác từ thiện.
Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay, theo nhận xét của nhiều người từng về Việt Nam, vẫn tiếp tục cố bám lấy việc học và xem đó là cánh cửa đầu tiên và quyết định để bước vào tương lai dù đang sống trong tình trạng kinh tế rất hạn hẹp, nhưng vẫn không quên bổn phận của người con Việt trong nhiệm vụ “Chống Tàu Diệt Việt Cộng”, phản ảnh qua các cuộc biểu tình đòi quyền …được sống qua thảm nạn cá chết và môi trường sống cho biển. Một cuộc cách mạng CÁ có thể xảy ra bất cứ lúc nào…
Dù sống trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn trong nước hay đứng trước những cám dỗ của một xã hội thiên về cá nhân và vật chất trên thế giới, tuổi trẻ Việt Nam ở hai nơi đều thể hiện nghị lực phấn đấu với một tinh thần quả cảm và một ý chí tuyệt vời. Tuổi trẻ Việt Nam không ngại và chấp nhận những phiêu lưu trong hành xử dù phải chịu nhiều vấp ngã. Học hỏi trong kinh nghiệm, trong thất bại, tuổi trẻ Việt Nam đã và đang mạnh dạn đi tới tương lai.
Tuổi trẻ Việt Nam trong sáng hội nhập vào xã hội với niềm tin vững mạnh cho tương lai, không mặc cảm, không vướng bận quá khứ, không có những rào cản, vết hằn từ các oan nghiệt của lịch sử như các lứa tuổi cha anh, không ràng buộc vào những thành kiến bảo thủ và ý tưởng cực đoan. Và với tinh thần dân chủ cao độ đã được un đúc do học tập và kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày, tuổi trẻ càng cho chúng ta thêm niềm tin khi dự phóng về tương lai.
Có lẽ chúng ta không quên rằng quá trình tiến lên dân chủ của con người là do kết quả của bao thế hệ, kéo dài hàng bao thế kỷ. Những hiện tượng phân hóa trong cộng đồng ở hải ngoại, những hình ảnh tiêu cực thường thấy ở quốc nội... chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp, giai đoạn lột xác của một thế hệ mới để rồi hội nhập vào một xã hội trong đó mọi người đều bình đẳng (tương đối). Để đến hôm nay, tự do cá nhân được mọi người trong chúng ta tương đối được tôn trọng trong tinh thần tương kính.
Từ hơn 25 thế kỷ trước, khái niệm tự do cá nhân mà chúng ta đang hưởng đã được manh nha ở Athens, Hy Lạp. Trước đó chưa có xã hội nào nghĩ đến khái niệm công bằng và tự do! Quan niệm xưa lại cho rằng, nếu có tự do, xã hội sẽ đi đến hỗn loạn. Và qua bao nhiêu thế kỷ, tự do cá nhân và trật tự xã hội vẫn được xem như là hai thực thể đối kháng, không thể hiện diện hài hòa trong cùng một xã hội được.
Người Hy lạp 25 thế kỷ trước đã nhận định sáng suốt rằng sự tự do vô giới hạn sẽ kéo theo những biến loạn cho trật tự xã hội. Nhưng cuối cùng cũng chính người Hy Lạp đã tự soi sáng rằng nếu con người có được tự do cá nhân, họ sẽ tự thích ứng và tự chế để ổn định trật tự mà không cần phải có một quyền uy tối thượng để ban bố và tái lập trật tự xã hội. Từ đó, trong việc hành xử quyền tự do cá nhân, cung cách tự chế của người Hy Lạp lên rất cao. Và thành phố Athens đã là căn cứ địa đầu tiên cho nền tự do trên thế giới, trong đó mọi cá nhân đều được tham gia vào guồng máy của chính phủ từ anh nông dân đến kẻ chăn chiên lẫn các thương gia, phú hào... Pericles đã thốt lên câu nói bất hủ “Mọi cá nhân đều được tin cậy” (The individual can be trusted).
Ngày nay, Đức Dalai Lama, trong diễn văn chào mừng thiên niên kỷ mới đã chia sẻ, tin tưởng và tôn vinh tuổi trẻ trong việc xây dựng và tái lập trật tự xã hội cho tương lai. Với kiến thức thu thập được từ những kinh nghiệm về xây dựng và hủy diệt của các bậc cha anh, cộng thêm niềm tự tin, tính cả quyết cùng nhận thức hướng thượng, tuổi trẻ Việt Nam sẽ biến cải xã hội tương lai thành một môi trường hạnh phúc hơn, hòa bình hơn trong đó con người sống hài hòa với nhau hơn.
Để kết luận, có điều chắc chắn là tuổi trẻ Việt Nam, hậu duệ Vua Quang Trung, ở hải ngoại và quốc nội đã trưởng thành và đang mạnh dạn đi vào cuộc hành trình mới làm cho xã hội Việt Nam ngày càng tốt thêm. Trong tiến trình dân chủ hóa tư tưởng và xã hội, dĩ nhiên tuổi trẻ cũng sẽ gặp phải muôn vàn cản ngại, thất bại vì thiếu kinh nghiệm. Nhưng những điều đó sẽ không làm tuổi trẻ chùng bước mà trái lại các rào cản trên chỉ là những thử thách ban đầu.
Với cung cách tiếp cận lạc quan, tầm nhìn rộng mở và hướng về tương lai, chắc chắn tuổi trẻ có đủ tiềm năng và khả năng để tái lập một xã hội Việt Nam trong đó con người hành xử với nhau với tâm an bình, từ bi và nhân bản hơn.
Vậy, câu hỏi tương lai Việt Nam 41 năm sau cuộc chiến đã được trả lời bằng cái nhìn tích cực hướng về tương lai và rất tin tưởng vào Tuổi Trẻ Việt Nam sẽ làm được việc.
Và tinh thần chiến đấu liên tục của Hoàng Đế Quang Trung đã thấm vào tâm thức của tuổi trẻ, và tuổi trẻ hôm nay không còn ở thế thụ động nữa mà ở thế tấn công. Đó là “đánh đổ cường quyền, xây dựng đất nước”.
Tuổi trẻ Việt Nam đang đi tới với tinh thần Quang Trung như thế, chắc chắn hoa Tự Do, Dân Chủ, và Nhân Quyền sẽ nở rộ trên Quê Hương Việt Nam.
Mai Thanh Truyết
Hiệu đính 11/2024
Friday, November 8, 2024
Năng lượng điều tiết giá dầu thế giới: Dầu khô trong đá –
Shale Oil hay Dầu thu được từ đá phiến bitum
Lời người viết: Một trong nhiều quyết định của Thượng đỉnh COP26 tại Glasgow, Anh Quốc vào tháng 11 năm 2021 là các quốc gia cần phải đạt mức phát thải Zero - Zero emission khí Carbonic vào năm 2050.
Câu hỏi được đặt ra là, chúng ta có thể từ đây (2022) cho đến 2050 thay thế hay hủy bỏ:
• 1,5 tỷ xe hơi chạy hàng ngày trên quả đất nầy hay không?
• Hàng trăm ngàn nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá?
• Hàng 10.000 máy bay lượn trên bầu trời mỗi ngày?
• Hàng 500.000 nhà máy sản xuất ra hàng tiêu dùng cho trên 8 tỷ miệng ăn?
Xin 73 quốc gia đã ký kết văn bản hãy thực tế một chút, đừng vì phỉ theo “xu hướng” chính trị ma đầu của những quyền lực “ma” mà hứa…
Trung Cộng ký kết văn bản “hứa” mà vẫn duy trì các dự án từ nay đến năm 2040 sẽ xây thêm 50 nhà máy than nhiệt điện. Và Việt Nam sắp sửa xây thêm 8 nhà máy nữa. Còn Ấn Độ sẽ xây khoảng 30 nhà máy.
…Như vậy cho đến năm 2050, chỉ nội các nhà máy nhiệt điện thôi, thay gì triệt tiêu 100.000 ngàn lại tăng thêm gần 100 nhà máy cỡ lớn nữa!
Thế nầy là thế nào?
Chúng ta thực sự thấy rõ dã tâm của Nhóm quyền lực ma cổ súy cho nguy cơ “Thay đổi khí hậu” nhằm thực hiện âm mưu điều khiển và thống trị thế giới.
Nên cần tỉnh thức nhận định vấn đề…
Trước tình trạng lạm phát 8,6% lớn nhứt so với 40 năm qua, giá cả thực phẩm tăng vọt trên 50%, xăng dầu tăng hơn 5$/Gallon so với 2$/G năm 2020 ở Texas.
Tại sao TT Biden lấy lý do đạt mức Zero emission vào năm 2050 để “cấm” sản xuất xăng dầu trích ly từ shale oil – dâu khô trong đá bằng kỹ thuật “fracking” mà TT tiền nhiệm Trump đã “hóa giải” cuộc khủng hoảng năng lượng bằng cách gia tăng sản xuất lên 15 triệu Gallon/Ngày vào năm 2019, đem giá dầu nhiều nơi ở Texas xuống dưới 2$/G! Ghi chú: Giá dầu thô trong giai đoạn nầy vào khoảng 45-50$/Thùng. Mức tiêu thụ xăng dầu của Hoa Kỳ vào khoảng 10 triệu thùng/ngày vào mùa đông và tăng lên 12 triệu thùng vào mùa hè..
Thân mời Quý vị đọc bài viết dưới đây về nói về kỹ thuật fracking…
***
1. Tình trạng dầu lửa trên thế giới
Trên thế giới hiện tại có một cơn khủng hoảng trầm trọng. Đó là cơn khát dầu thô, nhiên liệu chính cho mọi vận chuyển đường thủy, đường bộ và đường hàng không. Cho đến nay, giá xăng dầu tiếp tục tăng đồng biến với giá dầu thô. Giá dầu giao động khoảng $100 Mỹ kim/thùng vào giữa năm 2015. Cuộc khủng hoảng lần nầy khác với cuộc khủng hoảng trong những năm đầu thập niên 70 ở thế kỷ trước và có nhiều hình thái đặc biệt.
Trữ lượng dầu hỏa trên thế giới, qua nhiều thăm dò và nghiên cứu của những cơ quan khác nhau như: Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (1997), Báo Washington Post (1996), Kỷ yếu Năng lượng quốc tế 1998 (International Energy Annual), Phòng Thống kê LHQ (1994). Theo ước tính 2016, trữ lượng dầu thô hiện chiếm vào khoảng 6.050 tỷ thùng hay 962 tỷ m3. Cũng cần biết: 1 barrel = 42 Gallon = 159 lít = 0,16 m3.
Cũng theo ước tính của Cơ quan Địa chất HK (US GS) thì với trữ lượng nầy, nhân loại chỉ có triển vọng sử dụng trong vòng 50 năm tới mà thôi.
Đứng trước tình trạng sử dụng xăng dầu ngày càng tăng theo nhu cầu và đà gia tăng dân số hiện nay, giới hạn tiêu thụ trên sẽ thấp hơn 50 năm nếu căn cứ theo mức sản xuất của OPEC và các quốc gia sản xuất dầu độc lập. Nhưng trên thế giới hiện tại, còn có nhiều quốc gia đang tiếp tục truy tìm và khai thác những khu vực có triển vọng có mỏ dầu ở trong đất liền cũng như ở trong trầm tích của thềm lục địa như ở Việt Nam, Alaska (Hoa Kỳ), Nam Dương, Venezuela, Liên bang Nga v.v... Do đó trên thực tế, chúng ta có thể ước tính một cách lạc quan hơn con số 50 năm. Đó là chưa kể đến những phương pháp và nguyên liệu khác đang được nghiên cứu để thay thế xăng dầu. Tuy nhiên, tùy theo tình hình biến động mà giá dầu có thể tăng bất ngờ do tình trạng "tạm ngưng" sản xuất của OPEC làm tăng thêm khủng hoảng năng lượng trên thế giới. Đó là cuộc khủng hoảng vào năm 1973. Ngay từ năm 2014, chúng ta cũng đang sống trong một giai đoạn của một hình thức khủng hoảng vì giá dầu đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.
Đứng trước những bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào để tạo nên cuộc khủng hoảng năng lượng xăng dầu trên thế giới, các nhà khoa học đã có những bước tiên liệu để ngăn chặn hay hạn chế các bất trắc có thể xảy ra cho thế giới. Thế giới đã nhìn thấy hiểm họa của việc sử dụng dầu thô làm nguồn nguyên liệu chính cho công nghệ phát triển và di chuyển.
Vì đó là:
- Nguồn nguyên liệu có trữ lượng giới hạn và đã báo hiệu trước thời gian bị cạn kiệt không xa;
- Mức ô nhiễm môi trường đặc biệt là sự hâm nóng toàn cầu là một nguy cơ thật sự mà thế giới cần phải giải quyết;
- Sau cùng, phương hướng tập trung để giải quyết hai vấn nạn trên là: truy tìm nguyên liệu để thay thế xăng dầu và biện pháp giải quyết mới để giảm thiểu việc phóng thích khí monoxide carbon (CO) và thán khí (CO2) vào bầu khí quyển.
Hai hướng giải quyết trên là hai định hướng tối ưu trong hiện tại để tiến đến việc ngăn ngừa khủng hoảng năng lượng xăng dầu, và giảm thiểu được lượng thán khí, tác nhân chính của sự tăng nhiệt độ của bầu khí quyển.
Trước cơn khủng hoảng hiện tại, thế giới đặc biệt là Hoa Kỳ đã nhắm đến giải pháp tập trung vào việc truy tìm những loại năng lượng mới cũng như những biện pháp hạn chế mức sử dụng năng lượng hiện tại.
Để có thể hạn chế mức sử dụng xăng dầu, Cơ quan Bảo vệ Môi trường HK (US EPA) cho phép áp dụng rượu cồn hay ethanol để trộn vào xăng dầu chạy xe. Có thể pha trộn đến tỷ lệ 70% rượu trong xăng (Ba Tây đã thay thế xăng rượu cồn 100% cho việc chạy xe). Vì vậy mà mức sản xuất rượu cồn ở Hoa Kỳ trong năm 2004 là 12,5 tỷ lít, 17% cao hơn so với năm 2003. Các tiểu bang trồng bắp để sản xuất ra rượu ethanol ở Hoa Kỳ là Iowa, North và South Dakota, Nebraska, Wisconsin. Hiện nay, trong hầu hết các tiểu bang, xăng được pha cồn ethylic với tỷ lệ 10%.
Hiện nay, với nhu cầu giải quyết nạn khan hiếm năng lượng xăng dầu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ethanol quả thật là một nhu cầu cấp bách cho thế giới. Do đó tiêu chuẩn đặt ra cho công nghệ lên men nầy là:
• Truy tìm loại vi khuẩn làm tăng tiến trình lên men nhanh hơn và cho hiệu suất cao;
• Và giảm thiểu tối đa các phó phẩm khác không cần thiết trong quy trình. Và theo như đã dự trù, trong năm 2025, HK sẽ giảm lượng tiêu thụ xăng dầu từ 10 đến 15% so với mức tiêu dùng năm 2004 do việc sử dụng ethanol trong các phương tiện di chuyển.
2- Lịch sử Dầu khô trong đá
Khai thác dầu đá phiến (còn được gọi là khai thác thủy lực hoặc đơn giản là "khai thác") là phương pháp khai thác dầu và khí đốt tự nhiên từ các khối đá phiến sâu dưới lòng đất. Quá trình này đã cách mạng hóa ngành năng lượng, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, bằng cách cho phép tiếp cận các trữ lượng dầu và khí đốt trước đây không thể tiếp cận được.
Con người đã sử dụng loại dầu khô trong đá (còn gọi là dầu đá phiến) làm nhiên liệu từ thời tiền sử, vì nó được đốt ngay không qua một quá trình chế biến nào. Người Anh của thời kỳ “đồ sắt” (Iron Age) cũng dùng “loại dầu khô” để đánh bóng và xem như là một món hàng trang trí. Bằng sáng chế đầu tiên để chiết xuất dầu từ đá là Bằng sáng chế Vương miện Anh 330 (British Crown Patent 330) được cấp năm 1694 cho ba người tên là Martin Elle, Thomas Hancock và William Portlock, người đã "tìm ra cách để chiết xuất” và tạo ra số lượng lớn “dầu” ở điều kiện nhiệt độ và áp suất bình thường ra khỏi một “loại đá”.
Thuật ngữ “dầu khô trong đá” thường dùng để chỉ bất kỳ loại đá trầm tích nào có chứa chất rắn bitum (được gọi là kerogen) có thể thải ra một loại chất lỏng có chứa dầu lửa trong quá trình nhiệt phân. Loại dầu nầy dầu được hình thành hàng triệu năm trước bằng cách lắng đọng phù sa (silt), bùn cát và các mảnh vụn hữu cơ trên trầm tích lòng ở đáy hồ hay đáy biển. Đặc biệt tại bang Toronto, Canada, loại dầu nầy nổi trên mặt đất dưới dạng hình tròn đường kính khoảng 1-2 cm, cho nên việc khai thác rất dễ dàng.
3. Hướng giải quyết của Hoa Kỳ
Tại Hoa kỳ vào năm 2005, Bộ luật về Chính sách Năng lượng ra đời cho phép các tiểu bang như Colorado, Utah, và Wyoming nghiên cứu sản xuất đầu từ trong các lớp đá của ba tiểu bang nầy.
Dầu khô kết dính trong những lớp đá ở ba tiểu bang nầy dưới dạng asphalt giống như nhựa đường và có tên là bitumen. Lớp dầu "khô" có cơ cấu gồm các hỗn hợp chất hữu cơ thiên nhiên nằm chen lẫn bên trong những lớp đá.
• Nếu các lớp đá trên được đun nóng, dầu thô sẽ chảy ra và tính chất của dầu tương đương như những loại dầu thô trích ra từ những túi dầu. Phương pháp nầy có tên là "chưng cất bằng nhiệt" (retorting);
• Kỹ thuật dùng áp suất bẻ gãy các lớp đá để phóng thích dầu (fracking).
Trữ lượng dầu thô dưới dạng này ở 3 tiểu bang trên đã được nghiên cứu từ lâu nhưng mọi cố gắng để thương mại hóa đều không thành công vì kỹ thuật ly trích trên còn bất lợi vì giá thành còn cao so với dầu thô trích từ các túi dầu trong thiên nhiên.
Tuy nhiên với cuộc khủng hoảng giá cả của dầu thô vào năm 2015 trên thế giới, phương pháp lấy dầu trong đá có thể biến thành hiện thực.
Khả năng sản xuất thương mại
Theo sự ước tính của các nhà khoa học, việc khai thác dầu trong đá cần phải đầu tư nhiều về nguồn vốn và giá thành sản xuất còn cao khoảng $70 Mỹ kim/thùng. Do đó, nếu giá dầu thô trên thế giới lớn hơn $70, thì hiệu quả kinh tế của phương pháp nầy bắt đầu tăng. Hiện tại Bộ Nội vụ Hoa Kỳ đã cho phép 6 công ty bắt đầu nghiên cứu khai thác trên 160 mẫu đất ở vùng Colorado. Các công ty đó là Chevron, Oil Shale Exploration, EGL Resources v.v... Cũng có một vùng nằm trong khai thác ở Wyoming và Utah. Các công ty dự tính bắt đầu khai thác thương mại vào tháng 8, 2008. Nhưng mãi đến năm 2016, khi giá dầu bắt đầu giảm, việc sản xuất thương mại dầu khô mới bắt đầu. Năm 2017 giá thành sản xuất 1 thùng dầu bằng phương pháp “fracking” nầy giảm xuống giao động khoảng $US50. Năm 2019, giá thành sản xuất xuống còn $US40.
Vấn đề bảo vệ môi trường trong việc khai thác
Sau khi thông qua về những vấn nạn môi trường có thể xảy ra qua quy định của Bộ Luật Chính sách Môi trường Quốc gia (NEPA) trong đó phương pháp trích dầu khô từ đá phải chứng minh hay đạt được những tiêu chuẩn sau đây:
• 1. Khả năng và tính khả thi của phương pháp;
• 2. Hiệu quả kinh tế so với việc khai thác dầu thô hiện tại;
• 3. Và giải quyết được tất cả những vấn nạn môi trường qua việc khai thác bằng phương pháp trên.
Trữ lượng dầu từ nguồn này ước tính khoảng hơn 800 tỷ thùng theo nghiên cứu và tính toán của Văn phòng Quản lý Đất HK (BLM). Lượng dầu thô trong đá có ở miền Trung Tây Hoa Kỳ ước tính khoảng 12 ngàn dặm vuông nằm trong ba tiểu bang Colorado, Utah, và Wyoming. Với diện tích nầy, lượng dầu sẽ có trữ lượng lớn hơn gấp 3 lần trữ lượng hiện tại của Saudi Arabia và có thể cung ứng năng lượng cho Mỹ trong 110 năm tới.
Trước những thông tin đầy lạc quan về cung cách giải quyết cuộc khủng hoảng dầu thô hiện tại, vấn đề môi trường trong phương pháp nầy đã được lưu ý đến rất nhiều qua nghiên cứu những vấn nạn có thể xảy ra khi khai thác và biến chế
Hiện tại, cho dù khai thác bất kỳ một công nghệ mới nào, nhất là công cuộc khai thác tài nguyên thiên nhiên, việc bảo vệ môi trường là yếu tố hàng đầu. Trong phương pháp chưng cất bằng nhiệt để trích dầu thô trong đá nầy có 4 yếu tố chính gây ảnh hưởng lên môi trường.
Đó là:
- Sự ô nhiễm không khí qua sự phát thải những hạt bụi nhỏ;
- Nhất là ảnh hưởng đến sự hâm nóng toàn cầu do sự phóng thích khí carbonic. Hai vấn nạn này nếu không khắc phục được thì việc sản xuất kỹ nghệ có thể bị hạn chế;
- Ngoài ra việc ô nhiễm nguồn nước sông Colorado cũng là một yếu tố cần lưu ý. Cho đến nay, chưa có biện pháp tiên liệu nào để ngăn chận nguồn ô nhiễm từ lòng đất đá vào nguồn sông trong khi khai thác;
- Và vấn nạn thứ tư cần phải kể đến là con người cũng chưa tiên liệu được mức cân bằng sinh học giữa đất, đá và sông.
Qua các vấn nạn vừa nêu trên, con người đã tiên liệu các giải pháp để ngăn chặn hay hạn chế 4 vấn nạn kể trên căn cứ vào những căn bản khoa học hiện có để giải quyết vấn đề chúng ta đang đứng trước cơn khủng hoảng dầu hiện tại.
Và đây cũng là vấn đề của mỗi người trong chúng ta, người tiêu thụ xăng dầu trực tiếp, cần phải thay đổi não trạng trong cung cách sử dụng xăng dầu trước tình thế mới. Đó là hạn chế mức tiêu thụ hàng ngày bằng nhiều cách như: không phí phạm khi sử dụng xe trong di chuyển, chỉ di chuyển khi thực sự cần thiết, hay dùng xe công cộng như xe buýt hay đi chung xe khi đi làm việc, đi bộ hay dùng xe đạp, sử dụng hệ thống điện thoại, điện thư trong giao dịch để tránh bớt di chuyển v.v...
Làm được như thế, chúng ta đã giải quyết một phần cuộc khủng hoảng ngày hôm nay và hạn chế được sự phát thải nguồn khí carbonic, nguyên nhân chính cho sự hâm nóng toàn cầu.
4. Thay lời kết
Qua những tin tức đan kể ở phần trên, quả thật sự khai thác dầu khô trong đá ở Hoa Kỳ đã điều tiết được giá dầu trên thế giới do OPEC, mà trước đây, những đại công ty ở Trung Đông hoàn toàn quyết định giá cả cho thị trường. Vào thời điểm 2019, giá dầu đã bình ổn khoảng trên dưới $US50/thùng (giá thị trường ở Houston hiện tại là khoảng $US2.00/Gallon).
Nhưng tiếc thay, vừa đăng quang Tỗng thống thứ 46, Ôn Joe Biden lại ra lịnh ngưng khai thác phương pháp sản xuất dầu nầy và ngưng luôn việc xây dựng ống dẫn dầu khí Keystone. Quyết dịnh nầy khiến giá dầu tăng trở lại, và Hoa Kỳ luôn chịu áp lực của Opec.
Hiện tại, qua tình hình chiến sự ở Ukraine – Nga, và Do Thái – Hezbollah – Hamas – Iran, rủi ro thị trường dầu mỏ lớn nhất cho tương lai là viễn cảnh chiến tranh chia sẻ thị trường - hoặc ít nhất là một cuộc thách thức - giữa các nhà khai thác dầu khô trong đá của OPEC và Mỹ”.
Nước Mỹ trung bình sử dụng 12 triệu thùng dầu hàng ngày cho nhu cầu năng lượng chung, nhập cảng khoảng 3 triệu thùng/ngày. Vào cuối năm 2015 trở đi, HK cho tăng mức sản xuất dầu khô trong đá sản xuất 14 -16 triệu thùng/ngày, từ đó tạo ra hiện tượng cung cấp quá tải, do đó, giá dầu tụt xuống cho đến bình ổn khoảng $US50.00/thùng vào giữa năm 2016 cho đến giữa năm 2021.
Vào giai đoạn trên, Hoa Kỳ, phải hạn chế sản xuất loại dầu này vì tất cả kho dự trữ đã quá tải. Trước đây vì lý do an toàn, mỗi bồn dầu dự trữ phải chừa 5% thể tích cho không khí. Nhưng, vào cuối năm 2016, thể tích an toàn cho không khí chỉ còn 2%. Có lẽ chính vì vậy mà TT Trump đã cho bán một phần dự trữ để vừa tăng mức an toàn trong lưu trữ, vừa kích thích tăng trưởng trong những năm 2018, 2019, và 2020.
Nhưng ngay sau khi quyết định của TT Biden, giá dầu bắt đầu tăng, có khi vượt quá 8 $/G ở Cali.
Nếu đường ống dẫn dầu từ vùng Trung Hoa Kỳ xuống Galveston thuộc tiểu bang Texas được thực hiện trở lại, Hoa Kỳ có thể cung cấp dầu và khí đốt cho Âu Châu, từ đó, Liên hiệp Âu Châu sẽ không còn bị áp lực của Putin trong vấn đề cung cấp dầu khí nữa. Đây có thể là một thế chiến lược mang Hoa Kỳ trở về vị trí siêu cường kinh tế và chính trị? Và có thể châm dứt được chiến tranh Ukraine - Nga, vì Nga đã kiệt quệ vì không báo được dầu khí cho Liên Âu?
Có thể nói, thời hoàng kim của các quốc gia Á Rập ở Trung Đông sẽ qua rồi nếu việc tái lập việc khai thác dầu khô trong đá nầy. Và TT Trump vừa đắc cử với vai trò TT thứ 47, chính sách dầu khí của Mỹ sẽ thay đổi, quyết định trên có thể xác định lời hứa của TT Trump trong khi tranh cử là… chấm dứt chiến tranh Ukraine - Nga chăng?
Vì vậy, có thể nói ngày nào Mỹ còn sử dụng món hàng “dầu khô trong đá”, sẽ không còn có những cuộc khủng hoảng dầu như thời thập niên 70 ở thế kỷ trước nữa. Vì Hoa Kỳ có thể hóa giải ngay tức khắc bằng cách sản xuất phụ trội loại dầu nầy mỗi khi OPEC giảm sản xuất để làm “giá” vì cán cân cung - cầu sai lệch.
Và đây mới đích thực là vũ khí của Hoa Kỳ nhằm điều tiết mọi khủng hoảng năng lượng ít ra trong một thời gian dài trong những năm sắp đến.
Thế giới đang dung chứa quá nhiều bất an và biến động hiện nay, nhưng với giá đầu thô sẽ trở về trạng thái bình ổn qua nhờ vào sự khai thác dầu khô trong đá. Việc nầy sẽ giúp Hoa Kỳ giữ được thăng bằng với những đối trọng hay đối thủ bất tận của Hoa Kỳ như Nga và Trung Cộng.
Mai Thanh Truyết
Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam - VEPS
Hiệu đính sau kết quả bầu cử 5/11/2024
Subscribe to:
Posts (Atom)